Search

22.9.11

Có tôi hôm nay đây tôi giúp được gì ?

Phanblogs Có tôi hôm nay đây tôi giúp được gì ? 


Phanblogs Có tôi hôm nay đây tôi giúp được gì ?
Phanblogs Có tôi hôm nay đây tôi giúp được gì ? 



Gió mang tiếng ca; ngày ra đi em dặn: "nếu ngày về thấy khung trời đổ nát, thì tìm tôi trong tận đáy hồn anh".
Tôi đã về, (có tiếng hát ca) bàn tay trên liếp cửa,
Hỏi rằng: "có tôi hôm nay đây, tôi giúp được gì ?"
Gió thì thầm: em nên hát ca
Bởi vì hiện hữu nhiệm mầu
Hãy là đóa hoa, hãy là nụ cười,
Hạnh phúc có bao giờ được dựng xây bằng vôi với gạch ?
Hãy thôi là nguồn khổ đau cho nhau
Tôi tìm em (như đêm giông tố loạn cuồng

rừng sâu đen tối

những cành cây sờ soạng
đợi ánh chớp lòe ngắn ngủi
thấy cần được hiện hữu bên nhau, tìm nhau)
Em hãy là đóa hoa đứng yên bên hàng dậu,
Hãy là nụ cười, là một phần của hiện hữu nhiệm mầu.
Tôi đứng đây, chúng ta không cần khởi hành
Quê hương chúng tôi đẹp như quê hương của tuổi thơ,
Xin đừng ai xâm phạm - Tôi vẫn còn hát ca.

20.9.11

Quyền được chết- Right to die

Quyền được chết- Right to die Chuyên đề: ”Một số vấn đề cơ bản về quyền được chết và vấn đề xây dựng Luật An tử tại Việt Nam”


Số Thông tin Khoa học Pháp lý (Viện Khoa học Pháp lý – Bộ Tư pháp) tháng 3/2011

Tác giả: Trương Hồng Quang.

Dưới đây giới thiệu một phần nghiên cứu và kết luận.

LỜI MỞ ĐẦU

Quyền sống, quyền tự do và an toàn cá nhân là những quyền được pháp luật quốc tế và pháp luật quốc gia bảo vệ. Việc thực thi những quyền này phản ánh mức độ đảm bảo nhân quyền của mỗi quốc gia. Tuyên ngôn Nhân quyền Quốc tế được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua và công bố theo Nghị quyết số 217A (III) ngày 10/12/1948 tại Palais de Chaillot (Pháp) đã khẳng định: “Mọi người đều có quyền sống, quyền tự do và an toàn cá nhân” (Điều 3). Quyền được sống nói riêng và nhân quyền nói chung vốn là những quyền cơ bản của bất kỳ một công dân, là một trong những mục tiêu quan trọng mà các nhà xây dựng chính sách, các nhà lập pháp hướng đến. Tuy nhiên, từ đầu thế kỉ XIX, khoa học pháp lý thế giới đã chứng kiến một sự thay đổi khá đặc biệt trong nhận thức cũng như tư duy, học thuật. Đó là việc xuất hiện khái niệm về ”quyền được chết” tại những nước tư bản phương Tây – nơi mà xã hội luôn luôn biến động với những thay đổi lớn. Bên cạnh thuật ngữ quyền được chết, các nhà khoa học còn nhắc đến các thuật ngữ liên quan như: an tử (cái chết êm ả), Luật An tử,… Đối tượng chủ yếu liên quan đến quyền này là các bệnh nhân bị bệnh nan y ở giai đoạn cuối mà việc chữa trị chỉ có ý nghĩa duy trì tình trạng hiện tại chứ không thể chữa lành bệnh cho họ. Việc có nên chấp nhận cho một công dân có quyền được chết hay không, nếu cho phép thì được sử dụng quyền này trong những trường hợp nào, liệu quyền được chết có đi ngược lại quyền được sống hay không, tính chính trị trong việc công nhận quyền được chết thể hiện như thế nào,… là những vấn đề gây ra nhiều tranh cãi trong nhiều năm qua.

Xét trên bình diện khoa học pháp lý, trên thế giới, quyền được chết là một vấn đề không còn quá mới mẻ nhưng tại Việt Nam hiện vẫn chưa có những nghiên cứu về vấn đề này. Tuy nhiên, ngay cả khi nhiều nước trên thế giới đã có những nghiên cứu về vấn đề này dưới nhiều góc độ khác nhau (xã hội, chính trị, luật học,…) nhưng cho đến nay ở các nước đó vấn đề này vẫn chưa đươc nghiên cứu toàn diện, thấu đáo và cũng như chưa đạt tới những điểm thống nhất về quyền được chết.

Nhằm giới thiệu những vấn đề cơ bản liên quan đến quyền được chết và việc xây dựng Luật An tử với mục đích góp phần hoàn thiện hệ thống quyền nhân thân và hướng đến việc sửa đổi Bộ luật Dân sự Việt Nam trong thời gian tới, Thông tin Khoa học pháp lý xin trân trọng giới thiệu với độc giả số thông tin chuyên đề ”Một số vấn đề cơ bản về quyền được chết và vấn đề xây dựng Luật An tử tại Việt Nam”. Đây là những nghiên cứu bước đầu của CN. Trương Hồng Quang, nghiên cứu viên của Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp.

Rất mong nhận được ý kiến đóng góp của bạn đọc./.

Thông tin Khoa học Pháp lý.

Piergiorgio Welby, a longtime advocate for voluntary euthanasia, at home in December 20, 2006. A judge has ruled against him.



I. MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ QUYỀN ĐƯỢC CHẾT

1.1. Khái niệm quyền được chết

1.1.1. Nguồn gốc hình thành ý tưởng về quyền được chết

Từ trước đến nay, giai đoạn từ khi sinh ra đến khi chết con người vẫn luôn mong muốn được sống bình yên, thanh thản chứ không phải là khổ đau. Quyền được chết ban đầu xuất hiện với những hành vi chưa hoàn toàn mang đúng bản chất của nó mà gắn liền với khái niệm “cái chết êm ả”. Lịch sử của thuật ngữ euthanasia (Tiếng Anh) hay euthanasie (Tiếng Pháp), an tử (Tiếng Trung) mà chúng ta vẫn thường gọi là “cái chết êm ả” bắt nguồn từ một từ Hy Lạp là “euthanatos”. Trong đó, eu là tốt, thanatos là chết. Biểu hiện ban đầu của cái chết êm ả chính là trợ tử, xuất hiện đầu tiên trong lời thề Hippocrates (460 TCN – 370 TCN)[1]. Danh từ cái chết êm ả bắt đầu xuất hiện rộng rãi hơn vào thế kỷ XVII, nhằm khuyến khích các bác sỹ quan tâm đến sự đau đớn của người bệnh và giúp đỡ người “gần đất xa trời” thoát khỏi thế giới này một cách nhẹ nhàng và dễ dàng hơn. Như vậy, lúc đó chưa xuất hiện khái niệm quyền được chết như khoa học hiện đại nhưng đã có những mầm mống sơ khai của khái niệm quyền được chết.

Một cái chết êm ả có thể đạt được thông qua nhiều con đường khác nhau. Một số ý kiến cho rằng việc kết thúc nhanh sự sống rõ ràng là một cách để làm giảm sự đau khổ của người bệnh. Quan niệm gốc về cái chết nhân đạo đã bị phân hóa thành hai quan điểm xung đột nhau về bản chất. Quan điểm thứ nhất cho rằng việc bảo vệ mạng sống và làm giảm đau khổ là nhiệm vụ chính của các nhà tế bần (bệnh viện). Nghĩa vụ của Nhà nước là phải hỗ trợ gia đình nâng cao khả năng duy trì cuộc sống của bệnh nhân cho đến khi kết thúc cuộc sống một cách tự nhiên nhất. Quan điểm thứ hai lại ủng hộ tránh đau khổ cho bệnh nhân bằng cách rút ngắn cuộc sống một cách có chủ đích. Tuy nhiên, nếu theo quan điểm này các chuyên gia y tế, giáo sĩ và công chúng nói chung phải đối mặt với những câu hỏi là những hướng dẫn nào cần được sử dụng trong trường hợp này, tiến hành theo cách giảm nhẹ dần sự chăm sóc hay chấm dứt hoàn toàn sự chăm sóc/dùng các thuốc trợ tử,…?.

Quan điểm của những người ủng hộ trợ tử thụ động cho rằng nếu tiến hành như thế sẽ không vi phạm các tiêu chuẩn đạo đức cũng như các giá trị tôn giáo hiện hành. Pháp luật và Tòa án các quốc gia khác nhau có những qui định và từ đó có các quyết định khác nhau về xu hướng điều trị tích cực và trợ tử thụ động. Tình hình tranh cãi về bản chất của an tử thậm chí ngày càng phức tạp hơn theo thời gian. Phần đông những người theo đạo đều lên án an tử, ngay cả trợ tử thụ động cũng bị xem là tàn nhẫn, vô nhân tính. Vì vậy, dường như ranh giới của trợ tử chủ động hay bị động đã không còn trong những cuộc tranh luận này. Và cũng vì thế, các thế lực chính trị đã tranh thủ thời cơ lợi dụng vấn đề này để mưu cầu lợi ích của đảng phái của mình cũng như lôi kéo sự ủng hộ của người dân, cử tri. Thomas More (1478-1535) – một luật sư, học giả, tác giả và chính khách người Mỹ đã khẳng định rằng sự dễ dãi trong nhận thức đã tạo thuận lợi cho những người đang sống một cuộc sống nặng nề (như bị tra tấn, kéo dài đau đớn) được kết thúc mạng sống của mình. Kể từ đầu những năm 1800, cái chết êm ả là một chủ đề của các cuộc tranh luận và hoạt động chính trị tại Mỹ, Canada, Tây Âu và Châu đại dương. Ezekiel Emanuel (sinh năm 1957, Mỹ) công tác tại Viện Y tế Quốc gia đã cho biết, thời kỳ hiện đại của cái chết nhân đạo đã được mở ra bởi sự xuất hiện của thuốc gây mê. Tại New York (Mỹ) vào năm 1828, một luật chống trợ tử đã được thông qua. Đây là lần đầu tiên luật chống trợ tử được biết đến ở Mỹ. Trong những năm tiếp theo nhiều bang khác của Mỹ cũng đã xây dựng các luật chống trợ tử tương tự.

Một vụ việc điển hình liên quan đến trợ tử đã từng diễn ra ở nước Mỹ. Đó là trường hợp của Karen Ann Quinlan vào năm 1975. Người phụ nữ này bị rơi vào tình trạng hôn mê sau khi bị tai nạn ô tô và được kết luận sẽ không bao giờ phục hồi được ý thức. Các bác sĩ tin rằng cô sẽ chết nếu bị ngưng dùng máy thở oxy. Cha mẹ của cô trong hoàn cảnh tuyệt vọng vì không muốn con gái của mình kéo dài sự sống thực vật đầy đau khổ và thực sự khả năng kinh tế của gia đình cũng có hạn nên đã đề nghị Tòa án cho phép rút ống thở. Tuy nhiên Tòa án đã từ chối đề nghị này. Một cuộc chiến pháp lý đã diễn ra ròng rã suốt một năm trời sau đó và Quinlan đã được dừng máy thở vào năm 1976. Nhưng có một điều là cô vẫn sống thêm được đến 10 năm nữa, cho dù không thể hiện bất kỳ dấu hiệu nào của sự phục hồi ý thức cũng như cuộc sống và mất vào năm 1986 vì bệnh viêm phổi. Từ sau vụ việc này đã mở rộng đường cho trợ tử thụ động, các Tòa án của Mỹ đã thực thi nhiều phán quyết liên quan đến việc từ chối điều trị trong những trường hợp nhất định. Một số cơ quan lập pháp của một số bang ở Mỹ đã thừa nhận hoạt động trợ tử để giúp một người bệnh không phải kéo dài thời gian đau khổ hay sống đời sống thực vật.

Tiếp theo đó, đã có rất nhiều tranh cãi liên quan đến đề xuất ”cái chết theo yêu cầu” qua các vụ việc từ khắp nơi trên thế giới (Baird và Rosenbaum năm 1989; Cohen năm 1988; Gomez năm 1991; Kevorkian năm 1991; Scherer và Simon năm 1999;…). Nếu bác sĩ được phép, hoặc thậm chí yêu cầu, kết thúc cuộc sống một người bị bệnh nan y và đau khổ bằng cách tiêm thuốc độc hoặc các phương tiện tương tự thì liệu có nên được chấp nhận hay không? Những người ủng hộ quan điểm này lập luận rằng các cá nhân có quyền được chết cũng như quyền được sống. Xã hội không nên để họ sống trong đau khổ, tuyệt vọng nếu như họ thực sự không muốn sống như vậy. Đây được xem là thời điểm của việc cần có thái độ dứt khoát về việc có nên thoát khỏi truyền thống tư duy lạc hậu và chấp nhận sự kết thúc nhanh chóng cho người bệnh hay không và biến thái độ này trở nên phổ biến trên khắp thế giới.

Tới cuối thế kỷ XIX, khi con người đã tìm ra cách khống chế sự đau đớn, thuật ngữ quyền được chết không còn bó hẹp với ý nghĩa giúp bệnh nhân thoát khỏi đau đớn nữa, mà nó lại ám chỉ một hành động đặc biệt nhằm tạo ra cái chết của những bệnh nhân được coi là “vô phương cứu chữa”. Động thái này nhằm giúp bệnh nhân khỏi rơi vào tình trạng suy sụp khi ở vào giai đoạn cuối của những căn bệnh nan y. Từ khi xuất hiện đến nay, “cái chết êm ả” đã có những thay đổi khác nhau gắn liền với những phát triển của nền y khoa và văn minh nhân loại. Dần dần, khái niệm quyền được chết được ra đời, kéo theo nhiều vấn đề phức tạp và liên quan mật thiết với nhau. Thực ra, “cái chết êm ả” là kết quả sau cùng của “quyền được chết” của một cá nhân nào đó. Vì thế, quyền được chết và khái niệm cái chết êm ả đi liền, gắn bó hữu cơ với nhau. Thiết nghĩ, quyền được chết phải được nhìn nhận như một quyền của cá nhân và cần được sự quan tâm thích đáng của mọi giới khoa học, đặc biệt là y học và luật học.

1.1.2. Định nghĩa quyền được chết

Trên lý thuyết, chỉ khi một quyền được quy định trong Bộ Luật Dân sự mới được công nhận là quyền nhân thân một cách chính thức (hợp pháp hóa). Quyền được chết là một quyền thực tế nhưng hiện tại, chỉ có một số nước hợp pháp hóa nó với tư cách là quyền nhân thân. Nhiều nước, theo quan điểm của các nhà lập pháp và của các nhà khoa học đã ngầm thừa nhận quyền được chết là quyền nhân thân nhưng chưa quy định trong pháp luật của mình. Khi chưa được công nhận về mặt pháp luật, một người thực hiện hành vi nhằm hiện thực hóa quyền được chết (trợ giúp tự tử, thực hiện trực tiếp đưa bệnh nhân “ra đi” (chết)) được quy vào một số tội: giết người, giúp người khác tự sát, không cứu giúp người bị nạn…[2]

Quyền được chết, một khi đã được công nhận sẽ có các khái niệm liên quan như: trợ giúp tự tử, tình trạng bệnh giai đoạn cuối, bệnh vô phương cứu chữa, tình trạng y tế không lối thoát, an tử tự nguyện. Hà Lan là quốc gia đầu tiên công nhận hành vi tự tử dưới sự trợ giúp của bác sỹ. Gần 10 năm sau, những hành vi như vậy mới được hợp pháp hóa trong Luật An tử. Nước này không dùng khái niệm an tử tự nguyện (voluntary euthanasia) mà chỉ dùng khái niệm an tử (euthanasia) bởi theo họ, cái chết êm ả là đã phải bao hàm sự tự nguyện, nếu không có sự tự nguyện thì không thể gọi là an tử. Sự tự nguyện ở đây cần hiểu theo hai hướng:

Ø Tự nguyện được thực hiện cái chết êm ả khi còn tỉnh táo, có thể biểu lộ ý chí cá nhân của mình;

Ø Tự nguyện chỉ định người đại diện cho mình trong trường hợp lúc rơi vào giai đoạn không ý thức, không biểu lộ được ý chí. Người này sẽ có quyền quyết định mọi vấn đề liên quan đến việc chữa bệnh của bệnh nhân.

Theo chúng tôi, với những mục đích tốt đẹp của quyền được chết thì nên gọi “cái chết êm ả” là “cái chết nhân đạo” mới đúng. Khái niệm này phản ánh đúng tính chất của hành vi và tránh khỏi những suy luận hiểu nhầm không đáng có. Hiện nay chưa có định nghĩa cụ thể về quyền được chết. Giới khoa học hầu như chỉ tập trung vào việc xem xét xem nó có phù hợp với quốc gia mình hay không. Tuy nhiên, nếu dựa vào nội dung của quyền được chết hiện nay được đa số quan điểm đồng tình và theo các đạo luật của các nước đã thông qua “cái chết êm ả” thì có thể rút ra định nghĩa quyền được chết như sau:

Quyền được chết là một quyền nhân thân của người đã thành niên đang phải chịu sự đau đớn về thể chất hoặc tinh thần kéo dài và không thể chịu đựng được sau một tai nạn hay một bệnh lý không thể cứu chữa, rơi vào tình huống y tế không lối thoát.

Qua các phân tích và định nghĩa trên có thể thấy một số đặc điểm của quyền được chết như sau:

- Quyền được chết là một quyền nhân thân của mỗi con người.

- Chủ thể có quyền này đa phần phải là người đã thành niên, đang chịu sự đau đớn kéo dài do bệnh tật hoặc tai nạn; mục đích của quyền được chết là giúp người bệnh được kết thúc cuộc sống một cách nhanh nhất và an toàn nhất theo mong muốn.

- Hành động của quyền được chết bao gồm cả nội dung trợ tử bên trong.

- Quyền này có thể được thực hiện thông quá chính người đó hoặc người đại diện.

1.2. Phân loại phạm vi thực hiện quyền được chết

Thứ nhất, về phạm vi các loại bệnh nhân.

Đến nay, về việc phân loại bệnh nhân trong cái chết êm ả còn nhiều quan điểm khác nhau, tồn tại ở các nước đã công nhận và chưa công nhận quyền được chết. Do đó, có nhiều dạng bệnh nhân được đề cập. Tuy nhiên, giới y học hầu hết thống nhất có 2 dạng bệnh nhân:

- Những trường hợp chết não: “tình trạng toàn não bộ bị thương tổn nặng, chức năng của não đã ngừng hoạt động và người chết não không thể sống lại được”[3]. Bệnh nhân sống hoàn toàn nhờ vào các biện pháp hỗ trợ như hô hấp, tuần hoàn và nuôi dưỡng nhân tạo… nếu rút máy thì coi như sự sống chấm dứt.

- Trường hợp người bệnh mất ý thức kéo dài và không có khả năng hồi phục. Trường hợp này bệnh nhân có sống cũng chỉ là gánh nặng của gia đình (bản thân họ không còn biết khổ hay sướng). Đôi lúc người bệnh biểu lộ được ý chí của mình và hoàn toàn không sống nhờ các biện pháp nhân tạo. Trường hợp này bao gồm cả bệnh nhân chịu nhiều đau đớn kéo dài nhưng không mất ý thức thường xuyên.

Nguyên nhân dẫn đến các tình trạng trên có thể là sau một tai nạn hay bị mắc bệnh hiểm nghèo, vô phương cứu chữa. Bệnh nhân có thể yêu cầu trực tiếp việc thực hiện cái chết êm ả (chủ động) hoặc việc yêu cầu do người thân của bệnh nhân thực hiện (bị động).

Hà Lan còn quy định cái chết êm ả đối với trẻ em. Những bệnh nhân từ 12 đến 16 tuổi cũng có quyền được chết êm ả nếu có sự đồng ý của cha mẹ. Đối với trẻ trên 16 tuổi, ý kiến gia đình là không cần thiết[4]. Tuy nhiên, với những quy định này, luật quy định rất chặt chẽ và giới hạn hành vi. Nhìn chung, đa số đều chống lại an tử đối với trẻ em nên chủ yếu vẫn là 2 dạng bệnh nhân ở trên.

Thứ hai, về cách thức thực hiện

Có 2 cách thức như sau:

Thứ nhất, Cái chết êm ả chủ động: Bác sĩ trực tiếp gây tử vong theo yêu cầu của bệnh nhân (tiêm thuốc…)

Thứ hai, Cái chết êm ả thụ động: Không điều trị. Bác sỹ ngưng mọi biện pháp kéo dài sự sống đối với bệnh nhân (rút ống dẫn…).

Ngoài ra còn một hành vi là tự tử dưới sự trợ giúp của bác sỹ. Hành vi này về mặt hình thức có điểm khác với 2 hình thức trên như: có thể chỉ là sự tư vấn, người bệnh tự rút ống dẫn… Bác sỹ không trực tiếp thực hiện hành vi mà chỉ là trợ giúp.

1.3. Tiêu chí pháp luật của quyền được chết

1.3.1. Tính hợp pháp của hành vi

Cần phải khẳng định rằng hành vi thực hiện quyền được chết là hành vi hợp pháp trong đa số trường hợp (trừ khi pháp luật quy định cấm hành vi của quyền được chết vì chưa công nhận). Bác sỹ thực hiện hành vi của quyền được chết hoàn toàn dựa trên yêu cầu của bệnh nhân và theo những quy trình nghiêm ngặt do luật định. Như vậy, nếu luật pháp không cấm hay cho phép thì hành vi thực hiện quyền được chết là hoàn toàn hợp pháp và cần phân biệt nó với các hành vi khác có liên quan để tránh sai sót trong việc xét xử các vụ án.

1.3.2. Phân biệt hành vi thực hiện quyền được chết với các hành vi khác có liên quan

Một trong những lý do để có nhiều tranh cãi về quyền được chết là nhận thức sai về hành vi của bác sỹ trong việc thực hiện cái chết êm ả. Chúng ta có thể phân biệt nó với các hành vi sau:

Thứ nhất, hành vi tự sát.

Hành vi thực hiện quyền được chết có thể được tiến hành bởi chính bác sỹ và chính bệnh nhân (dưới sự trợ giúp của bác sỹ). Việc thực hiện tự sát do bác sỹ thực hiện rõ ràng hoàn toàn khác vói việc tự sát do chính chủ thể thực hiện. Hình thức tự sát do chính tay bệnh nhân thực hiện có sự hỗ trợ của bác sỹ có điểm phân biệt với hành vi tự sát là điều kiện sống của bệnh nhân đó không được đảm bảo nữa do đang ở giai đoạn cuối của bệnh vô phương cứu chữa, chịu nhiều đau đớn. Còn hành vi tự sát do chính người tự sát thực hiện và có thể do sự quẫn bách về tinh thần hay sai lệch về ý chí, không chỉ đơn thuần gắn với quyền được chết. Nếu một bệnh nhân mắc bệnh vô phương cứu chữa tự mình tìm đến cái chết, không có sự trợ giúp của bác sỹ hay của ai đó thì không hội tụ đủ những yếu tố cấu thành việc thực hiện quyền được chết. Do đó, hành vi này cũng chỉ được coi là hành vi tự sát.

Thứ hai, đối với Tội giúp người khác tự sát.

Điều 101 Bộ Luật Hình sự Việt Nam năm 1999 có quy định Tội xúi giục hoặc giúp người khác tự sát[5]. Về hành vi xúi giục người khác tự sát rõ ràng khác hành vi thực hiện quyền được chết bởi trong việc thực hiện quyền được chết, bác sỹ chỉ làm theo yêu cầu của bệnh nhân chứ không xúi giục bệnh nhân. Do đó, chúng ta chỉ phân biệt hành vi thực hiện quyền được chết với hành vi giúp người khác tự sát. Về hình thức, hành vi giúp người khác tự sát có nhiều loại và đa dạng về chủ thể. Ví dụ: một người sống thực vật bằng bình dưỡng khí yêu cầu được chết chỉ cần rút bình ôxy ra khác xa với việc giúp một người thắt cổ tự tử. Chủ thể thực hiện việc kết thúc sự sống của bệnh nhân để người này thực hiện quyền được chết phải là bác sỹ, còn trong việc giúp người tự sát thì phạm vi chủ thể tham gia thực hiện rộng hơn nhiều. Hơn nữa, điều kiện tình trạng của bệnh nhân trong quyền được chết là điểm mấu chốt để phân biệt với các hành vi khác.

Thứ ba, đối với Tội giết người.

Trong hành vi giết người, cái chết xảy ra không có sự đồng ý của nạn nhân còn trong hành vi của bác sỹ khi giúp một người thực hiện quyền được chết thì có sự đồng ý của bệnh nhân. Tuy nhiên, ở các nước chưa hợp pháp hóa quyền được chết, việc bác sỹ thực hiện an tử theo yêu cầu của bệnh nhân/gia đình của bệnh nhân thường bị xem là hành vi giết người, đi ngược lại với chức năng của một người thầy thuốc. Bên cạnh đó, tại Hoa Kỳ đã có những trường hợp Tòa án xét xử bác sỹ thực hiện hành vi có liên quan đến an tử với tội danh giết người (cho dù bệnh nhân có giấy đề nghị yêu cầu bác sỹ thực hiện an tử). Nguyên nhân của những vấn đề này có thể xuất phát từ quan niệm của các nước có sự nhìn nhận sai lầm về bản chất của an tử.

Cũng có quan điểm cho rằng, tình tiết tăng nặng “giết người thuê” tại điểm m, khoản 1, Điều 93 Bộ luật Hình sự Việt Nam 1999[6] có điểm giống với hành vi của quyền được chết. Thực chất không khó để phân biệt hành vi giết người với hành vi thực hiện quyền được chết bởi người giết thuê thực hiện hành vi này vì lợi ích của bản thân, còn trong việc giúp thực hiện quyền được chết, người thực hiện phải là bác sỹ, vì mục đích tốt đẹp, theo những quy định nghiêm ngặt của pháp luật hiện hành.

Thứ tư, hành vi theo Luật phòng, chống nhiễm virút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) (Luật phòng, chống HIV/AIDS) năm 2006 của Việt Nam.

Luật phòng, chống HIV/AIDS năm 2006 của Việt Nam quy định quyền của người nhiễm HIV: “từ chối khám bệnh, chữa bệnh khi đang điều trị bệnh AIDS giai đoạn cuối”[7]. Có nhiều người cho rằng đây là một dạng của cái chết êm ả nhưng đây là quan điểm không đúng. Tuy cũng vì mục đích nhân đạo, không để người bệnh trải qua những đau khổ quá lớn đối với khả năng chịu đựng của họ nhưng điều khoản này không giống với luật “cái chết êm ả” đã được thực hiện ở một số nước. Trong quy định này của Luật Phòng, chống HIV/AIDS, y, bác sỹ không chủ động ngừng cuộc sống của bệnh nhân mà chỉ chấp thuận theo nguyện vọng thôi điều trị của họ, để họ không kéo dài những ngày tháng đau đớn về thể xác. Hành vi này cũng giống với việc người thân của người bệnh sắp chết xin bệnh viện cho đưa về nhà. Việc này khác quyền được chết. Bệnh viện không vi phạm pháp luật nếu bệnh nhân không còn hy vọng gì nữa, gia đình cũng không có khả năng kinh tế để tiếp tục điều trị nên xin cho về nhà tìm cách khác hay ngừng chữa trị và có cam kết rằng: bệnh viện sẽ không chịu trách nhiệm nếu có bất cứ chuyện gì thì bệnh viện không phạm luật trong trường hợp này. “Y tế cho về nhà không phải cho bệnh nhân chết mà là vì quan hệ tình cảm giữa người sắp chết với người thân: gặp lần cuối, có chết thì chết ở nhà, vấn đề tín ngưỡng, tập quán”[8]… Đây cũng là một điểm tiến bộ của Luật phòng, chống HIV/AIDS của Việt Nam so với thế giới.

Việc phân biệt như trên rất có ý nghĩa trong thời điểm hiện nay khi hầu hết các quốc gia đều chưa cho phép và thông qua luật về quyền được chết. Việc phân biệt này càng có ý nghĩa trong việc nghiên cứu, xây dựng Luật An tử.

1.4. Ý nghĩa của vấn đề thực hiện quyền được chết hiện nay

1.4.1. Ý nghĩa pháp lý

Từ khi khái niệm quyền được chết ra đời đến nay đã có rất nhiều cuộc chiến pháp lý trên thế giới. Công nhận hay không công nhận quyền được chết là một vấn đề lớn và đặc biệt gây nhiều tranh cãi. Việc giải quyết vấn đề thừa nhận quyền được chết có ý nghĩa sau: Thứ nhất, nếu quyền được chết chưa được công nhận thì những những cuộc chiến pháp lý vẫn kéo dài. Các vụ việc liên quan đến quyền được chết luôn rơi vào bế tắc, không lối thoát do tồn tại những quan niệm chưa đầy đủ về việc thực hiện quyền được chết. Một thực tế nữa là các vụ việc về thực hiện cái chết êm ả không chỉ giới hạn trong lĩnh vực y học mà còn liên quan đến nhiều lĩnh vực khác dẫn đến nhiều phức tạp; Thứ hai, quyền được chết nếu được công nhận thì thực tiễn pháp luật sẽ không phải hứng chịu những cuộc chiến không lối thoát do những người muốn được chết êm ả thực hiện hành vi tự sát bởi sự trợ giúp của bác sỹ. Khi pháp luật đã có quy định cho phép thực hiện hành vi của quyền được chết, việc xét xử các vụ án có liên quan trở nên dễ dàng hơn. Quan trọng nhất là sẽ hạn chế đi những trường hợp xét xử không đúng với bản chất vụ án.

1.4.2. Ý nghĩa xã hội

Hành vi thực hiện quyền được chết có ý nghĩa xã hội rất lớn với những mục đích hết sức tốt đẹp. Khi sự sống của bệnh nhân không còn được đảm bảo: mắc bệnh vô phương cứu chữa, đang phải chịu đựng đau đớn kéo dài… thì an tử theo yêu cầu là cách thức hợp lý nhất. Việc này không chỉ tốt cho bệnh nhân mà còn tốt cho gia đình, xã hội. Người bệnh được ra đi thanh thản, chấm dứt những ngày tháng chịu đựng đau đớn. Gia đình bệnh nhân không phải chịu những tốn kém không đáng có và xã hội tránh được các cuộc tranh luận lâu dài, gay gắt về vấn đề này. Đó là ý nghĩa của một “cái chết nhân đạo”.

MỘT SỐ KẾT LUẬN

Thứ nhất, qua nghiên cứu cho thấy, quyền được chết là một vấn đề rất nhạy cảm, nhất là về mặt chính trị. Vì vậy, việc tìm hiểu, đánh giá quyền này cần được xem xét thận trọng từ nhiều khía cạnh khác nhau. Đời sống xã hội luôn có những biến động mà các nhà nghiên cứu cần thường xuyên quan sát để thu thập những dữ liệu phục vụ cho hoạt động nghiên cứu, đánh giá. An tử, quyền được chết không phải là vấn đề thời đại hiện nay nhưng bản thân chúng là vấn đề khó: khó lý giải, khó thuyết phục và khó được chấp nhận. Bên cạnh đó, hướng nghiên cứu về quyền được chết cần được nhân rộng hơn nữa ở các quốc gia đang phát triển, các quốc gia Châu Á như Việt Nam bởi thực sự việc bảo vệ, nâng cao nhân quyền luôn là vấn đề đang ngày càng được quan tâm.

Thứ hai, qua quá trình nghiên cứu đã xây dựng được khái niệm quyền được chết và thu được những kết quả nhất định cho mục đích tìm hiểu về quyền được chết. Kết quả nghiên cứu cũng khẳng định việc xây dựng Luật An tử ở Việt Nam là vấn đề tương lai và thực sự cần rất nhiều điều kiện đảm bảo. Quyền được chết, dù có triển vọng được nhiều quốc gia công nhận là quyền nhân thân, vẫn là một chặng đường còn khá dài ở phía trước. Tuy nhiên, thực tế cũng đã chứng minh rằng số lượng các nước chấp thuận quyền được chết và xây dựng Luật An tử đang có xu hướng tăng dần trong các năm qua. Dĩ nhiên, ngay tại các quốc gia này, cuộc đấu tranh lập pháp cũng như chính trị đã diễn ra rất mạnh. Điều đó cũng chứng minh cho chúng ta thấy rằng, chấp nhận quyền được chết như một quyền nhân thân không phải là vấn đề đơn giản song không phải là không có triển vọng thực tế.

Thứ ba, những vấn đề đặt ra dưới góc độ lý luận khi tiếp tục nghiên cứu vấn đề quyền được chết. Đây là những vấn đề có tính chất gợi mở cho những hướng nghiên cứu trong thời gian tới về vấn đề khá phức tạp này:

- Nghiên cứu phát triển nền văn hoá về sinh tử: an tử và trợ tử. Có thể nhận thấy, nếu như sự sống của con người cần có văn hóa thì sự chết cũng cần có văn hóa. Văn hóa được thể hiện trong việc tuân thủ pháp luật liên quan đến an tử, xem xét đầy đủ dưới mọi khía cạnh, góc độ gia đình, xã hội để đi đến quyết định kết thúc cuộc sống của bản thân mình. Một nền văn hóa toàn diện nên có sự thống nhất từ sự sống đến sự chết.

- Chuẩn bị những khía cạnh tâm lý cho các nhà lập pháp, cho các bác sỹ trong việc thực hiện quyền được chết. Đây là một quá trình phức tạp cho đến nay chưa được nghiên cứu toàn diện được trong điều kiện hiện tại ở Việt Nam. Yếu tố tâm lý của các đối tượng ở đây bị tác động bởi rất nhiều vấn đề: chính trị, đảng cầm quyền, sức ép dư luận, điều kiện kinh tế, xã hội,… Mỗi xã hội với mỗi chế độ chính trị và đặc thù xã hội khác nhau sẽ dẫn đến những tâm lý khác nhau của các chủ thể khác nhau. Nếu như phân định được những dạng tâm lý này sẽ góp phần rất lớn vào việc xây dựng các quy định về an tử.

- Nâng cao vấn đề nhân quyền, hoàn thiện chế định quyền nhân thân. Nghiên cứu quyền được chết cũng chính là nghiên cứu hoàn thiện chế định quyền nhân thân trong hệ thống pháp luật dân sự của mỗi quốc gia. Vì vậy, việc nghiên cứu phải luôn đặt trong mối quan hệ với quyền nhân thân, hướng theo những đặc điểm của quyền nhân thân.



[1] Euthanasia in history, euthanasia.com.


[2] Sẽ làm rõ hơn ở phần sau.


[3] Theo khoản 9, điều 3, Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác Việt Nam ngày 29/11/2006.


[4] Theo Vnexpress.net ngày 11/04/2001.


[5] Theo Bộ Luật Hình sự 1999, NXB.Chính trị quốc gia năm 2006.


[6] Xem Bộ Luật Hình sự 1999, tlđd


[7] Xem điểm đ, khoản 1, Điều 4, Luật phòng, chống HIV/AIDS năm 2006 của Việt Nam.


[8] Trích bài trả lời phỏng vấn báo Tuổi trẻ online ngày 24/11/2004 của PGS.TS Trương Văn Việt (Giám đốc bệnh viện Chợ Rẫy, TP.Hồ Chí Minh).


Nếu tự do thôi thúc con người đấu tranh cho quyền sống, thì đấu tranh cho quyền sống, trong một giới hạn, cũng bao gồm quyền được chết.

Một hai tuần nay, câu chuyện thương tâm của Terri Schiavo lại xuất hiện trên trang nhất báo chí, trên truyền hình giờ cao điểm, và đè nặng trên tâm tư của dư luận quần chúng. Cho đến lúc này, tối chủ nhật 27 tháng 3 năm 2005, Terri Schiavo đã bị bỏ đói 9 ngày, 9 ngày không một giọt nước. Mọi vận dụng nối lại đường dẫn thức ăn vào cơ thể cho Terri Schiavo đã cạn kiệt, mọi nỗ lực xem như không còn cần thiết, vì Terri Schiavo đang thở những hơi cuối cùng, đang tiêu dùng chút dự trữ cuối cùng của thân xác, phấn đấu để tồn tại như một bản năng trước khi xuôi tay, nhắm mắt đầu hàng một số phận tàn nhẫn của kiếp người.
Quyền được chết- Right to die

15 năm trước, một người đàn bà có chồng, tên Terri Schiavo, 26 tuổi, sống ở vùng Tampa, Florida, mang chứng nhiễu loạn dinh dưỡng, bị tim ngừng đập khá lâu vì lượng Potassium trong máu xuống quá thấp. Terri được cứu sống. Bà không chết, nhưng não bộ của bà đã chết, và từ đó, từ năm 1990, Terry sống cuộc sống cỏ cây, sống mà như đã chết, sống mà không biết rằng mình đang sống, không nhận biết ngoại cảnh, không nói, không suy nghĩ, không hiểu, không phản ứng. Terry vẫn thở, tim Terry vẫn đập, vẫn có lúc mở mắt, có lúc khóc, lúc cười, lúc nhăn mặt, lúc quờ quạng tay chân, lại có lúc như ngũ say. Terry không nhai, không nuốt được, không kiểm soát được các hoạt động bài tiết tiêu, tiểu,... Ðó là hình thức sống vô thức, mà danh từ y học gọi là tình trạng thực sinh dai dẵng (persistent vegetative state, PVS) do bởi não bộ đã chết, nhưng phần cuống não vẫn còn hoạt động đủ để duy trì các tác động cơ bản của sự sống. Trong trường hợp này, tim Terry vẫn đập, phổi vẫn thở được mà không cần đến các dụng cụ trợ sinh. Cuộc sống của bà chỉ trông nhờ vào vài lít nước biển và các chất dinh dưỡng được bơm vào cơ thể hàng ngày. Chồng bà, với tư cách giám hộ theo luật định, qua nhiều năm đã không ngừng xin án tòa cho phép được ngưng chuyền nước và thức ăn vào cơ thể của Terry, để chấm dứt tình trạng sống dở, chết dở của vợ. Nhưng cha mẹ bà không chịu. Cuối cùng, môt ông tòa ra phán quyết cho phép chấm dứt cuộc sống của Terry. Thức ăn được ngừng bơm vào cơ thể của Terry trong 6 ngày. Cha mẹ của Terry kiện lên quốc hội, và các nhà làm luật tiểu bang đã cấp tốc thông qua một dự luật khẩn cấp, bất thường chống lại phán quyết cùa tòa án. Ngày 21 tháng 10, 2003, thống đốc Jeff Bush của Florida ký ban hành luật. Ống chuyền thức ăn được nối trở lại, kéo dài kiếp sống thực sinh của Terri. Tổng thống George W. Bush ủng hộ quan điểm của ông Bush em.

Từ đó đến nay, Michael Schiavo, người chồng của người đàn bà bất hạnh đó vẫn không ngừng tìm xin một án lệnh tòa án để chấm dứt tình trạng sống thê thãm của người vợ. Về phương diện pháp lý, cũng như về phương diện tình cảm, Michael Schiavo là người độc nhất trách nhiệm về cuộc sống của người vợ, và trong trường hợp bình thường, một yêu cầu như thế dễ được thỏa mãn nếu được bác sĩ điều trị và luật y xác nhận chính đáng. Nhưng trong trường hợp này, suốt 7 năm qua, 19 ông tòa tiểu bang Florida đã xét qua hồ sơ nội vụ, đã đồng ý với quyết định chấm dứt mọi nỗ lực trợ sinh nhằm kéo dài cuộc sống của Terri Schiavo, nhưng lần nào cũng vậy, các phán quyết đều bị chống đối, và bị chống án tại các tòa trên..

Phải có một cái gì đó bất ổn trong trường hợp Terri Schiavo. Tiền, tình, hay luật lệ thiếu rõ ràng? Có thể là cả ba.

Năm 1992, tòa xử hai bác sĩ có liên hệ trong nỗ lực hồi sinh Terri Schiavo phải bồi thường một số tiền cho Terri với tội danh thiếu cẩn trọng. Michael được chia $300,000. Số còn lại được dùng cho mọi nhu cầu bình thường và y tế của Terri, (số tiền này nay cũng đã gần cạn). Trong ngày lễ tình yêu năm 1993, Michael, ngày đó còn sống chung với cha mẹ vợ, bị áp lực phải chia tiền . Michael từ chối. Mọi liên hệ giữa Michael và gia đình Schindler từ đó chấm dứt. Và cũng từ đó, Terri trở thành nạn nhân cho mọi tranh chấp giữa chồng và cha mẹ. Cả hai phía đều nhân danh tình thương cho một người đang nằm đó để hành hạ lẫn nhau, không ai chịu nhường ai. Mười lăm năm qua rồi, tình thương cũng đã chịu nhiều thử thách, đã mõi mệt, nhưng hận thù thì cứ mãi còn đó, mãi chen lấn vào đời sống của mọi người. Ngày nay, Michael đã chung sống với một người đàn bà khác, đã có hai con, nhưng vẫn chưa thể làm giá thú với người này, vì những ràng buộc luật pháp chưa giải quyết được. Michael càng muốn dứt khoát với người vợ cũ, thì càng bị chống đối bởi gia đình vợ.

Mặt khác, tình trạng y lý của Terri Schiavo cũng đang là một tranh cãi. Terri vẫn còn sống, đó là một điều chắc chắn. Sống trong tình trạng thực sinh, hay trong một tình trạng ý thức tối thiểu (minimally conscious state), thì lại là một điều khác. Những ai theo dõi truyền hình đều có cảm giác Terri vẫn còn là một sinh vật có ý thức, có một chút biểu lộ tình cảm: bà mở mắt nhìn theo người thân, cố vận dụng bắp thịt trên mặt để nở một nụ cười, dầu cho những cố gắng đó chỉ thoáng qua. Nhìn Terri, mọi người vẫn có cảm giác nhìn một người sống. (Phúc trình của bác sĩ William Cheshire, chuyên viên thần kinh học tại y viện Mayo:...yet the visitor has the distinct sense of the presence of a living human being who seems at some level to be aware of some things around her). Và nếu Terri Schiavo vẫn sống, vẫn còn chút ý thức, thì mọi hành vi trợ tử, hay mọi việc làm có chủ ý chấm dứt cuộc sống của bà, dầu được pháp luật cho phép, là hành vi sát nhân, vì quyền được tìm cái chết không thể là quyền được ủy thác. Michael Schiavo không thể viện dẫn ý nguyện của Terri ngày còn trẻ, mong được chết không đau đớn, để ngày hôm nay bức tử người vợ. 15 năm trước, ở tuổi 26, đang độ thanh xuân, có ai nghĩ đến cái chết, có ai nghĩ đến viết một living will. Ðiều bi thảm là ở chỗ đó. Không phải chỉ bi thảm riêng cho trường hợp của Terri Schiavo, mà cho bất cứ một ai khi phải đối diện với cái tàn nhẫn của định mệnh. Cầu mong cho Terri chết đi, là một thôi thúc sâu xa của lòng nhân ái, nhưng bỏ đói Terri cho đến chết là một hành vi độc ác, chắc chắn còn vô nhân hơn chích độc dược cho người tử tù.

Chính vì lý do đó, sau khi Terri Schiavo bị ngưng chuyền nước và thức ăn vào ngày thứ sáu 18 tháng 3 vừa qua, quốc hội đã nhân danh hiến pháp, nhân danh quyền sống của con người, cấp thời can thiệp. Ðó là một nỗ lực song đảng, bipartisan, đệ trình dự luật cho phép cha mẹ của bà Terri yêu cầu tòa liên bang xét lại quyết định của tòa dưới để mở ra một cơ hội sống cho Terri. Tác giả dự luật, dân biểu Texas Tom Delay, gọi tên dự luật là Thỏa hiệp chủ nhật lễ lá, Palm Sunday Compromise, vì được hình thành trong ngày chủ nhật lễ lá. Tất cả dân biểu và nghị sĩ được gọi về DC trong ngày thứ sáu. Thứ bảy, thượng viện thông qua dự án luật. Tổng thống Bush ngưng ngang cuộc nghỉ lễ tại nông trại Crawford, trở lại Hoa thịnh đốn ngày chủ nhật. Ðồng hồ vừa nhích qua ngày thứ hai, hạ viện thông qua dự luật với đa số tuyệt đối, và luật được tổng thống ký ban hành ngay sau đó. Trong trường hợp này, sự can thiệp của lập pháp và hành pháp vào các quyết định tư pháp không phải là một vi phạm nguyên tác phân quyền, cũng không phải là một sự dẫm chân vào nguyên tắc thượng tôn địa phương. Cũng không phải là một quyết định chính trị, dẫu hậu quả sẽ nặng tính chính trị về sau. Bỏ qua mọi tranh cải và kết buộc, những thôi thúc đằng sau phải được xem như là một phản ứng của lương tâm khi người có trách nhiệm phải đối diện với một hành vi giết người. Chỉ tiếc mọi nỗ lực của hành pháp và lập pháp đã không thay đổi được cuộc diện, chánh án tòa liên bang James Whittemore, ngay ngày thứ hai 22 tháng 3 đã bác bỏ lời yêu cầu của ông bà Schindler. Những nỗ lực kế tiếp sau đó cũng thất bại. Xin đừng tranh cải, vì mỗi người có cái lý riêng. Và ngay cả người trong cuộc, cũng có những lý do hành động riêng, những biến thái tình cảm riêng.

Bây giờ thì đôi mắt của Terri Schiavo đã thất thần, lõm sâu hơn, môi khô cằn lại, da dẻ nhăn nhúm hơn, hơi thở mệt nhọc hơn vì thiếu nước và cạn dinh dưỡng. Rồi bà sẽ lịm dần, rồi tim sẽ ngưng đập vĩnh viễn, bà sẽ từ bỏ cuộc đời ra đi, yên phận nghỉ ngơi, bỏ lại đàng sau mọi hận thù, bỏ cả nụ cười và tiếng khóc lại cho nhân thế. Nhưng bà chết yên phận bà, mà chuyện của bà chưa hết, vì người sống vẫn chưa học được thói quen sống trong phẩm giá, chưa bỏ được thói quen chia phần trên xác chết, nên vì vậy, vẫn chưa giành được cái quyền được chết trong phẩm giá, a death with Dignity.

Cái câu chuyện sống, và chuyện chết đó không có chi mới lạ. Vấn đề ở đây là quyền được chết, right-to-die, của con người. Cái quyền đó, cho đến nay vẫn chưa được giải quyết thõa đáng.

Một thi sĩ, tôi không còn nhớ tên, viết bài thơ, trong đó có câu "Ði với về cùng một nghĩa như nhau". Tôi không nhớ trọn bài thơ, cũng không rõ tác giả muốn nói gì qua câu đó. Chỉ biết cái chuyện đi, về có lúc lẩn vẩn trong tôi như chuyện đến rồi đi trong cỏi tạm. Lẩn vẩn như một vấn đề nhân sinh lớn, một ám ảnh dằn vặt kiếp người. Chuyện sống chết, thật sự, khác nhau nhiều lắm. Chỉ đến một lúc nào đó, con người phải gượng ép chấp nhận cái lý vô thường để lý giải sự việc, vấn đề lúc đó sẽ trở nên một thái độ triết lý, để tự tìm cho mình một chấp nhận bình thản trước cái chết. Muốn hay không cũng vậy mà thôi.

Nếu cuộc sống con người là một mặc khải của thượng đế. Thì những gì con người có được là đều do thượng đế ban cho. Vào lúc cuối đời, là lúc trả lại tất cả: trả lại tuổi thanh xuân, sự hăng say, tình yêu, hạnh phúc, sự tinh anh, sắc bén, lòng nhạy cảm, và ý sống. Tóc sẽ bạc trắng, rụng dần, mắt mờ, tai nghểnh ngãng, mũi không còn biết mùi vị, răng không còn mạnh để nhai, phổi không còn trong để lọc khí trời, tim không còn mạnh để rung động, chân không còn vững để cất bước,...Cuối cùng, cái còn lại chỉ là những bất khả, bất lực. Một nỗi bi thương. Ðến lúc đó, chấp nhận cái chết như một điều tự nhiên là hành vi can đảm độc nhất, là cơ hội còn sót lại trong đời sống để mỗi người chứng tỏ cái xứng đáng của mỗi cá nhân trong cỏi nhân sinh. Nhưng cái chết không chỉ đến với tuổi già, và quả thật mơ hồ khi không được sửa soạn.

Còn chi một khi nhắm mắt, xuôi tay. Trong thực tế, từ chỗ chấp nhận cái chết như một đương nhiên, cho đến lúc phải đối diện với cái chết, và biết rằng mình sắp chết là hai chuyện khác nhau nhiều lắm. Ðến lúc đó mới thấy được sự sống quý giá đến chừng nào, và cái chết chỉ là những thê lương tột cùng của cỏi ý thức mà thôi.

Bỏ qua, không nói đến những luận thuyết, những suy tư nặng tính siêu hình, triết lý hay tôn giáo, nhân sinh về cái chết, thì chết (death) và cái chết, hay con đường dẫn đến (dying) , thực tế tự nó, trong ý nghĩa thuần thực nghiệm, cũng đã quá phức tạp.

Từ ngàn xưa, chết là hậu quả của tim ngừng đập, phổi ngưng thở. Xác định đó đầy đủ và chính xác nhất, dầu định nghĩa của chữ chết có thể không đơn giản như vậy, vì tính thực nghiệm không thể tồn tại nếu không có những liên đới và hổ trợ của các ngành khoa học tâm linh. Nhưng từ những năm '60 của thế kỷ 20, những tiến bộ y học, với phát minh các máy trợ sinh ( life-support technology ), và các nguyên tắc cấp cứu được hệ thống hóa và phổ biến ( CPR, cardiorespiratory resuscitation ), các bác sĩ đã có thể giữ cho tim vẫn đập, phổi vẫn làm việc để đưa dưỡng khí đến nuôi dưỡng của các mô, bào, thì cái định nghĩa rất rõ ràng và đầy đủ này đã được xét lại vì không còn hoàn toàn đúng để có thể áp dụng cho mọi trường hợp tử vong. Vì tim đập, phổi làm việc không làm con người tỉnh lại, và có ý thức. Do vậy, từ đầu thập niên '80, sự sống được định nghĩa bằng hai yếu tố: tim, phổi còn làm việc, và não bộ còn sống. Và định nghĩa về cáiï chết được xác định lại như sự ngừng đập của tim, phổi ngừng thở hay não bộ ngưng hoạt động ( loss of all independent lung and heart functions, or irreversible cessation of all functions of the entire brain ). Sở dĩ có sự phân biệt rõ ràng như vậy vì có nhiều trường hợp não bộ đã chết, nhưng tim, phổi vẫn làm việc, hoặc nhờ máy trợ sinh, hoặc do sự hoạt động dai dẵng của hệ thần kinh tự trị (* dinh dưỡng). Như vậy, sống là mọi hoạt động của cơ thể nhằm giữ cho con người có ý thức, và chết chỉ là một sự chuyển thái sinh lý tâm thức từ cỏi ý thức qua vô thức. Tình trạng sống vô thức được xem là tình trạng sống như thực vật, mà tôi tạm dịch là tình trạng thực sinh từ danh từ y học permanent vegetative state.

Ðiều bi thảm trong triết học, cũng như sinh học, không phải là sống hay chết, nhưng là tình trạng chết trong khi còn đang sống. Ðó là tình trạng living death.

Năm 1975, một cô gái 21 tuổi, có tên là Karen Ann Quinlan bị kích ngất đến độ hôn mê vì uống rượu trộn chung với thuốc an thần. Cô được cứu sống nhờ các máy trợ sinh, nhưng não cô đã chết. Từ đó cô sống trong một tình trạng thực sinh dai dẵng. Cha mẹ cô cho rằng thật sự cô đã chết, và trong nhiều năm, không ngừng xin án lệnh tòa để ngưng các phương tiện trợ sinh. Nhưng các bác sĩ trong bệnh viện, dẫu rất thông cảm với gia đình, vẫn cho rằng cô chưa chết.Vụ tranh chấp quanh cái chết hay cái sống của cô kéo dài nhiều năm. Cuối cùng, một tòa án tại New Jersey ra phán quyết cho phép ngưng máy trợ sinh. Máy được ngưng, nhưng khốn khổ thay, tim, phổi cô vẫn hoạt động. Mười năm sau, Ann Quinlan mới thực sự được chết trong một nhà dưỡng lão vì bệnh sưng phổi. Tại Mỹ, hiện tại có khoảng từ 14,000 cho đến 35,000 người đang sống trong tình trạng thực sinh dai dẵng này. Vụ án Ann Quinlan đã khơi dậy vấn đềø quyền được chết, right-to-die. Người sống có được quyền có tiếng nói trong cái chết của mình, có quyền chấp nhận hay từ chối các trị liệu y khoa, đặc biệt trong giai đoạn cuối đời đau ốm, bệnh hoạn triền miên (?). Nhờ vụ án Ann Quinlan, người sống ngày nay có quyền lựa chọn cho mình một cái chết êm đẹp, có thể viết lại ước muốn của mình (living will), hay cũng có thể từ chối mọi nỗ lực cứu sống, bằng cách ký vào văn kiên DNR (Do Not Resuscitate). Trong trường hợp người bệnh không còn đủ tỉnh táo để quyết định, gia đình, thân nhân của người bệnh cũng có quyền yêu cầu điều này trong giờ lâm tử của người thân yêu. Luật pháp của nhiều quốc gia cho đến nay vẫn chỉ đi xa đến độ đó, và vẫn từ chối hay né tránh đưa ra những tiêu chuẩn cho phép chấm dứt đời sống thực sinh, và còn khó khăn, bất nhất và phức tạp hơn trong trường hợp bình thường, như một lựa chọn dựa trên ý niệm tự do. Ví dụ, tự tử vẫn được xem là một trường hợp bệnh lý tâm thần.

Ðiều cần phải hiểu cho rõ là living will ( những dặn dò trị liệu trong cảnh tử sinh ), chỉ cho phép một sự lựa chọn giới hạn trong phương cách trị liệu hay cứu tử người bệnh, hoặc dùng tất cả những phương tiện sẵn có để cứu sống người bệnh, hoặc ngưng hết mọi phương tiện trợ sinh để người bệnh được yên ổn ra đi:

( If, in the judgement of my physician, I am suffering with a terminal condition from which I am expected to die within six months, even with available life-sustaining treatment provides in accordance with prevailing standards of medical care:

- I request that all treatments other than those needed to keep me comfortable be discontinued or withheld and my physician allow me to die as gently as possible, OR
- I request that I be kept alive in this terminal condition using available life-sustaining treatment ( THIS SELECTION DOES NOT APPLY TO HOSPICE CARE.)

Cũng vậy, khi ký giấy DNR, Do Not Resuscitate, mọi nỗ lực hồi sinh (ví dụ hô hấp nhân tạo, xoa bóp cơ tim, dùng điện kích thích cơ tim, thông ống phổi, đặt máy hô hấp, dùng thuốc trợ tim...) sẽ không được sử dụng trong mục đích cứu sống lại người bệnh. Trong cả hai trường hợp, người bác sĩ trị liệu, theo suy xét chuyên môn, vẫn có nhiệm vụ cho người bệnh thuốc giảm đau, chuyền nước cho người bệnh, cho người bệnh ăn, chích thuốc trụ sinh để ngăn chận nhiễm trùng, hay cho thêm chất khoáng để sửa chữa mọi nhiễu loạn hóa chất trong cơ thể. Người bác sĩ không có quyền để mặc cho người bệnh chết, không có quyền giết người bệnh vì bất cứ một lý do nào. Người bệnh, trong lúc tỉnh táo, có thể từ chối thức ăn, từ chối mọi trị liệu, có thể ký giấy AMA ( against Medical Advise ), và xuất viện, nhưng người bác sĩ không thể toa rập với người bệnh hay gia đình người bệnh, để giúp người bệnh chết sớm hơn. Cái chết, do vậy vẫn là quyền tối hậu của thượng đế, dẫu thượng đế có hay không có.

Từ 20 năm qua, đã có những hoạt động trợ tử ( assisted suicide), hay giúp người muốn chết được chết đẹp, euthanasia. Assisted suicide, và euthanasia không giống nhau hoàn toàn, nhưng cũng đều nhằm giúp con người được chết khi cuộc sống không còn đáng sống. Vấn đề đặt ra là người bác sĩ có được cho quyền giúp người bệnh tìm cái chết êm đẹp, hay chấm dứt đời sống của những đứa trẻ tật nguyền, mang tật nặng bẩm sinh, hay sống như câïy cỏ hay không? Không cần viện dẫn các lý do siêu hình hay tôn giáo, câu trả lời vẫn rõ ràng là không một biện minh nào đứng vững trước hành vi giết người, hay giúp người khác tự giết mình. Y hoc, nói chung, và người y sĩ nói riêng, nhằm cứu người khỏi cái chết, và đưa lại cho con người một cuộc sống có giá trị (quality of life). Y học, trong bất cứ một tình trạng nào, cũng không thể nhằm đến mục đích ï chấm dứt đời sống của con người. Ðó là một vấn đềø đạo tắc, và đạo lý (medical ethics, hay bio ethics) bất biến.
Quyền được chết- Right to die

Jack Kevorkian là một trường hợp đặc biệt, đáng kinh sợ. Ông là một bác sĩ chuyên khoa về bệnh lý ở Michigan. Năm 1986, ông được biết một số bác sĩ tại Nethetlands đã giúp đở một số bệnh nhân không còn thể cứu chữa được, hay đang bị hành hạ bởi những cơn đau khủng khiếp, được chết. Từ đó, ông vận động để giành quyền cho các bác sĩ được phép giúp bệnh nhân tìm cái chết, và ông đề ra ý niệm “ cái chết có sắp xếp, planned death”. Năm 1989, ông giúp người bệnh đầu tiên tìm cái chết bằng cách sáng chế ra máy bơm thuốc potassium chloride, thứ thuốc được dùng chấm dứt đời sống của những người bị kết án tử hình trong các nhà tù tại Mỹ, vào máu làm ngưng nhịp đập của tim. Máy đó được ông gọi là máy chết, thanatron. Cùng năm đó, người đầu tiên, có tên Janet Adkins, 54 tuổi, bị bệnh Alzheimer đã sử dụng thanatron để tự kết liễu đời mình.. Kevorkian bị đưa ra tòa, bị kết án sát nhân (second degree murder). Nhưng ông được tòa trên tha bổng. Ông mất bằng hành nghề y khoa, không còn có thể mua thuốc KCl theo toa, nên lại sáng chế một loại máy trợ tử khác, gọi tên Mercitron, sử dụng chất thán khí, carbon monoxide, để giúp người bệnh tự tử. Ðã có trên 130 người tìm cái chết bằng máy mercitron. Năm 1998, Kevorkian bị kết án tù 10 đến 25 năm.

Trợ tử, như trong quan niệm Jack Kevorkian, hay chấm dứt cuộc sống của người bệnh ở thời cuối cùng, là những việc làm nhắm vào người sống, có nghĩa là con người còn ý thức. Ngược lại , những người trong tình trạng thực sinh dai dẵng không còn ý thức để quyết định đời họ, và cũng không ai còn có năng quyền pháp lý được ủy nhiệm (power of attorney) để đưa ra một quyết định được pháp luật công nhận. Tình trạng thực sinh dai dẵng do vậy đặt ra những vấn đề không thể giải quyết được cho những người thân, về phương diện pháp lý, hôn phối, bảo hiểm, tài sản,.vv..., nếu luật lệ hiện hành không được thay đổi.

Nếu luân lý và đạo lý không cho phép có những quyết định chấm dứt đời sống của bất cứ một ai, thì những người làm ra luật pháp có bổn phận tìm giải pháp cho những người liên hệ, để họ có thể tìm lại cuộc sống bình thường sau những đau thương xẩy ra cho người thân của họ.Một số đề nghị đã được chấp nhận trong các cuộc hội nghị y học, xã hội và luật y có vẽ hợp lý, nhưng cho đến nay vẫn chưa thành luật. Những đề nghị đó là: Về phương diện y lý, tình trạng thực sinh dai dẵng được xem là vĩnh viễn 12 tháng sau khi bị tai nạn, hay 3 tháng sau khi não bộ chết vì nguyên nhân không do tai nạn. Cũng vậy, phải có một án lệ rõ ràng được ban hành như một đạo luật để, sau một thời gian luật định, chấm dứt tình trạng hôn phối, thanh thõa tiền bảo hiểm nhân thọ, thi hành di chúc, giải trừ trách nhiệm dân sự cho những người trực tiếp liên hệ với người bệnh. Thời hạn đó có thể là 12 tháng. Cũng sau 12 tháng, trách nhiệm săn sóc, chi phí y tế cho những người được xem là thực sinh phải do chương trình Medicare gánh chịu. Một giải pháp như thế có thể được xem là hợp tình, và hợp lý. Nhưng tiếc thay cho đến nay, vì những lý do tôn giáo, chính trị, các nhà làm luật vẫn chưa tiến xa hơn chút nào trong lãnh vực tạo án lệ cho quyền được chết.

Phần viết thêm: Năm 1977, tối cao pháp viện phủ quyết quyền hiến định, constitutional right, cho phép các bệnh nhân vào thời kỳ cuối cùng được chấm dứt sự sống; nhưng đồng thời, với một tỷ số 5-4, lại giành cho tiểu bang quyền quyết định cho phép, hay ngăn cấm, bác sĩ viết phái thuốc cho các bệnh nhân này được mua độc dược, lethal doses of drugs, để tự hũy mình. Vấn đề, do vậy, được đặt ra là giới chức nào có thẩm quyền điều hợp các luật lệ hành nghề y khoa, tổng trưởng tư pháp, hay tiểu bang? Cho đến nay, văn phòng DEA liên bang có trách nhiệm kiểm soát các luật lệ phân phối thuốc, còn tiểu bang có toàn quyền quy định các luật liên quan đến bác sĩ. Sau phán quyết của Tối cao pháp viện, Oregon là tiểu bang độc nhất có luật cho phép trợ tử, Death and Dignity Act. Từ 1977 cho đến nay, 208 bệnh nhân ở thời cuối cùng được chích thuốc để kết liễu sự sống, trong đó 79% vì mắc bệnh ung thư, 8%, bệnh Lou Gehrig's, 5% bệnh kinh niên về đường phổi, 2%, bệnh liệt kháng, và 6% các bệnh khác. Nguyên nhân được viện dẫn: mất khả năng tự kiểm, loss of autonomy: 87%, đời không còn gì vui: 84%, mất phẩm giá, loss of dignity: 80%.

Sưu tầm.

17.9.11

Bướm bay vườn cải hoa vàng

Phanblogs



Mười năm vườn xưa xanh tốt
Hai mươi năm nắng rọi lều tranh
Mẹ tôi gọi tôi về
Bên bến nước rửa chân
Hơ tay trên bếp lửa hồng
Đợi cơm chiều khi màn đêm buông xuống
Tôi không bao giờ khôn lớn
Kể gì mười năm, hai mươi năm, ba mươi năm
Mới hôm qua đây, tôi thấy bướm bay từng đàn rộn rã
Trong khu vườn cải hoa vàng
Mẹ và em còn đó
Gió chiều như hơi thở
Mơ gì một mảnh tương lai xa xôi ?

Gió mang tiếng ca; ngày ra đi em dặn: "nếu ngày về thấy khung trời đổ nát, thì tìm tôi trong tận đáy hồn anh".
Tôi đã về, (có tiếng hát ca) bàn tay trên liếp cửa,
Hỏi rằng: "có tôi hôm nay đây, tôi giúp được gì ?"
Gió thì thầm: em nên hát ca
Bởi vì hiện hữu nhiệm mầu
Hãy là đóa hoa, hãy là nụ cười,
Hạnh phúc có bao giờ được dựng xây bằng vôi với gạch ?
Hãy thôi là nguồn khổ đau cho nhau
Tôi tìm em (như đêm giông tố loạn cuồng
rừng sâu đen tối
những cành cây sờ soạng
đợi ánh chớp lòe ngắn ngủi
thấy cần được hiện hữu bên nhau, tìm nhau)
Em hãy là đóa hoa đứng yên bên hàng dậu,
Hãy là nụ cười, là một phần của hiện hữu nhiệm mầu.
Tôi đứng đây, chúng ta không cần khởi hành
Quê hương chúng tôi đẹp như quê hương của tuổi thơ,
Xin đừng ai xâm phạm - Tôi vẫn còn hát ca.
Đầu còn gối trên thánh kinh,
sáng nay tôi nghe xôn xao trong nắng mai vũ trụ đang được những con ong vàng siêng năng bắt đầu khởi công tạo dựng công trình xây dựng ngàn đời
Nhưng công trình, em xem, đã được ngàn đời hoàn tất
Bánh xe mầu nhiệm chuyển hoài đưa chúng ta đi tới
Nắm lấy tay tôi, em sẽ thấy chúng ta đã cùng có mặt tự ngàn xưa trong hiện hữu nhiệm mầu.
Tóc mẹ tôi còn xanh, và dài chấm gót
Áo em tôi phơi còn phất phơ bay trước dậu
Nắng sớm mùa thu
Tôi ở đây, chính thực vườn xưa
Những cây ổi trái chín thơm
Những lá bàng khô thắm
Đẹp
Rụng
Còn chạy chơi la cà trên sân gạch
Tiếng hát vẳng bên sông
Những gánh rơm thơm vàng óng ả
Trăng lên, quây quần trước ngõ
Vườn cải hoa vàng, chính mắt tôi vừa thấy sáng qua.

Tôi không ngủ mơ đâu,
Ngày hôm nay đẹp lắm, thực mà
Em không về chơi trò bắt tìm nơi quá khứ
Chúng mình còn đây, hôm nay, và ngày mai nữa,
Đến đây,
Khi khát ta cùng uống ở một giếng nước thơm trong
Ai nói cho em nghe rằng Thượng Đế đã bằng lòng cho con người khổ đau đứng dậy hợp tác cùng Người ?
Chúng ta đã từng nắm tay nhau từ muôn vạn kiếp, khổ đau vì không tự biết là lá là hoa.
Em hát ca đi, bông cúc cười theo em bên hàng dậu,
Đừng bắt chúng tôi nhúng hai tay vào vôi cát
Những ngôi sao trới không bao giờ xây ngục thất cho chính mình.
Để cho chúng tôi hát ca, để cho chúng tôi là những đóa hoa.
Chúng tôi đang ở trong cuộc đời
Mắt chúng tôi chứng minh cho điều ấy
Bàn tay cũng là hoa, đừng biến bàn tay em tôi thành giây chằng.
Thanh khớp răng cưa
Thành móc sắt
Hiện hữu không kêu gọi tình thương
Hiện hữu không cần ai phải thương ai
Nhưng em phải là em, là đóa hoa, là bình minh hát ca, không đắn đo suy tính
Xin ghi vào đây một tân ước nữa của tất cả chúng ta
Và xin vẫn nghe lời tôi như nghe suối reo, như nhìn trăng sáng
Em về, đưa Mẹ về cho tôi thăm
Cho tôi hát em nghe, để tóc em sẽ dài xanh như tóc Mẹ






13.9.11

Hai mươi câu hỏi dành cho tiến sĩ Alan Phan

PhanblogsGặp gỡ và Đối thoại thứ Năm tuần, này, Tuần Việt Nam giới thiệu cuộc phỏng vấn chớp nhoáng của tờ Young Entrepreneur, đại học Pennsylvania với TS. Alan Phan.

LTS: Tiến sĩ Alan Phan- cựu sinh viên của Penn State (Hoa Kỳ), là một doanh nhân kiêm quản lý quĩ đầu tư. Trong số các thành tựu của ông là tập đoàn Hartcourt, công ty Internet hàng đầu tại Trung Quốc có trị giá 700 triệu USD vào năm 2001 và quĩ Viasa tại Hồng Kông, với tỷ số lợi nhuận ròng trên vốn cổ phần (ROE) ấn tượng - 42% vào năm 2006.
Tiến sĩ Alan Phan

Young Entrepreneur: Lời khuyên ông muốn chia sẻ với các doanh nhân mới?
Tiến sĩ Alan Phan: Kiểm tra sức khỏe: cả thể chất và tâm thần.
Điều gì mỗi doanh nhân cần phải luôn nhớ?
Không bao giờ để cho cạn tiền.
Kẻ thù tồi tệ nhất của doanh nhân?
Bản thân anh ta. Không ai có thể phá hoại chuyện làm ăn nhanh hơn chính bản thân mình.
Một kinh nghiệm mà mỗi doanh nhân cần phải biết?
Thất bại.
Lời khuyên dành cho những người mới giàu?

Mọi thứ đều thay đổi.
Còn lời khuyên dành cho những người đã giàu?

Cảm tạ thượng đế.
Làm thế nào để giữ được bầu nhiệt huyết?

Thay đổi suy nghĩ. Hành động.
Chiến lược tốt nhất trong cạnh tranh?
Luôn tạo sự bất ngờ.
Lời cuối cho một doanh nhân đang gặp khó khăn?
Giữ niềm tin. Đã đi ắt sẽ đến.
Trở ngại lớn nhất đối với nền kinh tế toàn cầu?
Các Chính phủ.
Những cá tính dẫn tới thành công cho ông?

Tính kiên trì.
Thần tượng của ông là ai, và tại sao?

Hugh Hefner, người theo đuổi triết lý sống của bản thân và cho dù đã cực kì giàu có thì ông vẫn là chính mình. (Hefner là sáng lập viên tạp chí Playboy vào 1960 và được coi là ông tổ của cuộc cách mạng sex tại Mỹ và Âu châu)
Điều ngu ngốc nhất mà ông đã làm?
Mua một đồn điền cà phê ở Costa Rica vì tôi thích cà phê và Costa Rica? À, không, có lẽ là việc kết hôn.
Điểm không lường trước được của sự thành công?
Chịu trách nhiệm cho rất nhiều người.
Lúc này ông đầu tư tiền ở đâu?
Vàng.
Tài sản quý giá nhất của ông?
Những đứa con trai.
Cách trả thù hay nhất?

Sống khỏe mạnh và giàu có hơn đối thủ.
Điều gì khiến ông dị ứng nhất?

Sự ngu xuẩn.
Và ông muốn ghi gì trên bia mộ?
Tên "khốn khiếp" này tồn tại lâu hơn hết.
Thu Hà dịch theo Young Entrepreneur của Pennsylvania State University






8.9.11

Họ thường gọi cô là Hanoi Hannah


Phanblogs
Khi chiến đấu tại Việt Nam nửa thế kỉ trước, lính Mĩ thường phải nghe các thông điệp tuyên truyền của phát thanh viên của Đài Tiếng Nói Việt Nam mà họ thường gọi cô là Hanoi Hannah.

Đây là nhóm phát thanh với nữ phát thanh viên chính là bà Trịnh Thị Ngọ.

Giọng đọc truyền cảm nhưng rất kiên quyết của bà Ngọ đã khiến tổng thống Mĩ khi đó là Kenedy phải kêu trời lên rằng: “Việt Cộng đã dùng 1 giọng nói đàn bà để quyến rũ và làm lung lay tinh thần của quân đội Mĩ ở Việt Nam.”
Khi chiến đấu tại Việt Nam nửa thế kỉ trước, lính Mĩ thường phải nghe các thông điệp tuyên truyền của phát thanh viên của Đài Tiếng Nói Việt Nam mà họ thường gọi cô là Hanoi Hannah.

Đây là nhóm phát thanh với nữ phát thanh viên chính là bà Trịnh Thị Ngọ.


Trong trò chơi Battlefield Vietnam, giọng nói của Hanoi Hannah nằm ở màn “Quang Tri – 1968” và chỉ được kích hoạt khi Quân Đội Nhân Dân Việt Nam chiếm đài phát thanh. Vì thế, khi chơi màn này trên mạng, chiến thuật thường gặp của các game thủ chọn QĐNDVN là chiếm và giữ bằng được đài phát thanh để hành hạ màng nhĩ đối thủ của mình bằng các thông điệp tuyên truyền.

Và sau đây là một vài câu nói của Hanoi Hannah mà tác giả bài viết thu lại được từ trò chơi. Đây có thể là giọng nói gốc của bà Ngọ và các cộng sự, hoặc là giọng sau khi lọc tạp âm, mà cũng có thể chỉ là giọng mô phỏng lại giọng bà Ngọ do người khác thu âm.

They lie to you, GI, you know you can not win this war.
Họ nói dối các anh, lính Mĩ ah, các anh tự biết là k0 thể thắng trong cuộc chiến này mà.

Your rich leaders grow richer when you die on the swam, GI.
Các lãnh đạo giàu có của các anh trở nên giàu hơn trong khi các anh đang chết ở vũng lầy.

They will give you a medal, GI, but only after you are dead.
Họ sẽ tặng huân chương cho các anh, nhưng chỉ sau khi các anh đã chết.

Your government lie to you every day, poor soldiers.
Chính phủ của cách anh lừa dối các anh hằng ngày, những anh lính tội nghiệp ah.

You have lost this war, GI, your army will leave you behind.
Các anh đã thua trong cuộc chiến này, quân đội của các anh sẽ bỏ mặc các anh.

Imperialists make you fight this war, GI, they do not care about you.
Bọn đế quốc bắt các anh đánh trận cho chúng, còn chúng không quan tâm gì đến các anh đâu.

GI, your government has betrayed you, they will not return for you.
Lính Mĩ ah, chính phủ của các anh đã phản bội các anh rồi, họ sẽ không quay lại đón các anh đâu.

GI, your airplanes bomb your own men, you are not safe here.
Máy bay của các anh thả bom vào đồng đội của mình, ở đây không an toàn đâu.

The sky is dangerous, GI, they will napalm you tonight.
Bầu trời thật nguy hiểm, và tối nay họ sẽ ném bom napalm vào các anh.

Your pilot will not care if you are down here, GI.
Phi công của các anh k0 quan tâm đến việc các anh có ở dưới này hay không đâu.

You can not dig fox hole to hide in, GI Joe, your bomber will fire you.
Các anh không thể đào hầm cá nhân để trốn đâu, oanh tạc cơ sẽ ném bom vào các anh.

GI, your helicopters fall from the sky like broken bird.
Trực thăng của các anh rơi như chim gãy cánh.

They can not see from their airplanes, GI, they come to bomb you.
Họ không thể nhìn rõ từ máy bay, họ đến để ném bom vào các anh.

GI, your government has abandoned you.
Lính Mĩ ơi, chính phủ của các anh đã bỏ mặc các anh rồi.

They have all their youth to die, GI, do not trust them.
Họ sẽ giết hết thế hệ trẻ, đừng tin họ.

Defect, GI, it is a very good idea to leave the shrinking-ship.
Đào ngũ đi lính Mĩ ơi, đó là cách tốt nhất để thoát khỏi sự sa lầy.

"Chiến tranh đã qua đi. Hiện nay chương trình phát thanh đặc biệt của Đài Tiếng Nói Việt Nam dành cho lính viễn chinh nước ngoài không còn phát sóng nữa. Nhưng với cái tính tò mò của mình, tớ vẫn tự hỏi là nếu sau này, vì 1 lí do nào đó, chương trình này được tiếp tục thì nó sẽ được phát sóng bằng ngôn ngữ nào nhỉ? Tiếng Trung Quốc? Có thể lắm chứ..."

Nguồn: Congngheso.info


6.9.11

Công lý, Bình đẳng, Dân chủ và Công dân. Michael J. SandelCông lý: việc đúng nên làm

Cả Đại Giảng Đường Sanders đã chật cứng sinh viên đến để nghe về Công lý, Bình đẳng, Dân chủ và Công dân, Michael J. Sandel


CÔNG LÝ là một trong những khóa học nổi tiếng trong lịch sử Đại học Harvard do Giáo sư Sandel giảng. Cả Đại Giảng Đường Sanders đã chật cứng sinh viên đến để nghe về Công lý, Bình đẳng, Dân chủ và Công dân.

Michael J. Sandel (sinh 1953) là giáo sư ngành triết học chính trị tại Đại học Harvard, nổi tiếng với môn Công lý vì thu hút số sinh viên kỷ lục, hơn 10.000 người học trong hai thập niên, 1.115 sinh viên chỉ riêng trong học kỳ hai năm 2007. Là thành viên trong ủy ban đạo đức sinh học của tổng thống Bush, Giáo sư Sandel cũng thường xuất hiện trên truyền thông về các vấn đề đạo đức, mà theo ông cũng chính là chính trị.

Mở đầu khóa học, Giáo sư Sandel đặt ra hai tình huống.

Trong tình huống thứ nhất, chiếc xe điện đang phóng nhưng bị hỏng phanh. Người lái xe phải có hai lựa chọn: tiếp tục đi thẳng và sẽ đâm chết 5 người trên đường ray, rẽ trái và sẽ đâm chết 1 người. Nếu là người lái xe, bạn sẽ đi thẳng hay rẽ ?

Ở tình huống thứ hai, bạn không phải người lái xe mà là một người quan sát đứng trên cầu. Đứng cạnh bạn là một anh béo, và chỉ cần bạn đẩy anh béo xuống mũi xe thì chiếc xe sẽ dừng và cứu được 5 người. Bạn có đẩy không ?

Trong khóa học 12 phần, giáo sư Sandel đưa ra các tình trạng rất khó xử về mặt đạo đức kiểu như trên và yêu cầu sinh viên trình bày các ý kiến về việc đúng nên làm. Ông hỏi sinh viên để kiểm tra câu trả lời khi xuất hiện những tình huống mới. Kết quả thường khá bất ngờ, và cho thấy các câu hỏi đạo đức quan trọng thường không thể trả lời Đúng hay Sai.

Khóa học bao phủ nhiều vấn đề “nóng” hiện nay: ưu đãi nhóm thiểu số, hôn nhân đồng giới, yêu nước và các quyền công dân, công an có nên đánh tù nhân để lấy thông tin, có nên bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi đi xe ngoài đường …

Cách giảng dạy của Giáo sư mang tính gợi mở cao, đưa những vấn đề Triết học khô khan, những giá trị đạo đức luân lý phức tạp vào ngữ cảnh thực của cuộc sống. Tra tấn có thể biện minh được không ? Một người cha ăn trộm thuốc để cứu sống con mình qua cơn thập tử nhất sinh thì sao ? Có chấp nhận được đôi khi nói dối không ? Mạng sống con người có giá trị bao nhiêu ? Đó là những vấn đề mà hàng ngày chúng ta phải đối mặt.

Mục tiêu của Khóa học là cung cấp những kiến thức cơ bản về Triết học và Đạo đức để người học tự mình có kiến giải riêng trong những hành động hàng ngày. Làm hay không làm ? Làm như thế là Đúng hay Sai.



Phanblogs Nếu bạn phải lựa chọn giữa (1) giết một người để cứu năm người và (2) không làm gì cả kể cả khi năm người chết ngay trước mặt bạn – bạn sẽ làm gì ? Việc đúng nên làm là gì ?

CÔNG LÝ : VIỆC ĐÚNG NÊN LÀM
(Justice : What’s the Right things to do)

Công lý: việc đúng nên làm

CÔNG LÝ là một trong những khóa học nổi tiếng trong lịch sử Đại học Harvard do Giáo sư Sandel giảng. Cả Đại Giảng Đường Sanders đã chật cứng sinh viên đến để nghe về Công lý, Bình đẳng, Dân chủ và Công dân.
Michael J. Sandel (sinh 1953) là giáo sư ngành triết học chính trị tại Đại học Harvard, nổi tiếng với môn Công lý vì thu hút số sinh viên kỷ lục, hơn 10.000 người học trong hai thập niên, 1.115 sinh viên chỉ riêng trong học kỳ hai năm 2007. Là thành viên trong ủy ban đạo đức sinh học của tổng thống Bush, Giáo sư Sandel cũng thường xuất hiện trên truyền thông về các vấn đề đạo đức, mà theo ông cũng chính là chính trị.
Mở đầu khóa học, Giáo sư Sandel đặt ra hai tình huống.
Trong tình huống thứ nhất, chiếc xe điện đang phóng nhưng bị hỏng phanh. Người lái xe phải có hai lựa chọn: tiếp tục đi thẳng và sẽ đâm chết 5 người trên đường ray, rẽ trái và sẽ đâm chết 1 người. Nếu là người lái xe, bạn sẽ đi thẳng hay rẽ ?
Ở tình huống thứ hai, bạn không phải người lái xe mà là một người quan sát đứng trên cầu. Đứng cạnh bạn là một anh béo, và chỉ cần bạn đẩy anh béo xuống mũi xe thì chiếc xe sẽ dừng và cứu được 5 người. Bạn có đẩy không ?
Trong khóa học 12 phần, giáo sư Sandel đưa ra các tình trạng rất khó xử về mặt đạo đức  kiểu như trên và yêu cầu sinh viên trình bày các ý kiến về việc đúng nên làm. Ông hỏi sinh viên để kiểm tra câu trả lời khi xuất hiện những tình huống mới. Kết quả thường khá bất ngờ, và cho thấy các câu hỏi đạo đức quan trọng thường không thể trả lời Đúng hay Sai.
Khóa học bao phủ nhiều vấn đề “nóng” hiện nay: ưu đãi nhóm thiểu số, hôn nhân đồng giới, yêu nước và các quyền công dân, công an có nên đánh tù nhân để lấy thông tin, có nên bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi đi xe ngoài đường …
Cách giảng dạy của Giáo sư mang tính gợi mở cao, đưa những vấn đề Triết học khô khan, những giá trị đạo đức luân lý phức tạp vào ngữ cảnh thực của cuộc sống. Tra tấn có thể biện minh được không ? Một người cha ăn trộm thuốc để cứu sống con mình qua cơn thập tử nhất sinh thì sao ? Có chấp nhận được đôi khi nói dối không ? Mạng sống con người có giá trị bao nhiêu ? Đó là những vấn đề mà hàng ngày chúng ta phải đối mặt.
Mục tiêu của Khóa học là cung cấp những kiến thức cơ bản về Triết học và Đạo đức để người học tự mình có kiến giải riêng trong những hành động hàng ngày. Làm hay không làm ? Làm như thế là Đúng hay Sai.
Nhóm dịch : HĐP (tập 1), Nguyễn Như Cát Tường (tập 2), Sai (tập 3, 12), Dương Bích Thuận (tập 4,6,7, 9), Đặng Hoàn (tập 5,7),  Cát Tường (tập 8), Hoàng Anh (tâp 10), Huyền Trang (tập 11).

Biên tập : HĐP̉
Tập 1
1.1 – Khía Cạnh Đạo Đức Của Việc Giết Người
Nếu bạn phải lựa chọn giữa (1) giết một người để cứu năm người và (2) không làm gì cả kể cả khi năm người chết ngay trước mặt bạn – bạn sẽ làm gì ? Việc đúng nên làm là gì ? Đây là một tình huống giả định mà Giáo sư Sandel đã sử dụng để mở đầu cho khóa học của ông về lý luận đạo đức. Sau khi đa số sinh viên tán đồng với quan điểm cần giết một người để cứu năm người, giáo sư Sandel đã đưa ra thêm các ví dụ tương ứng để sinh viên phát biểu quan điểm để cuối cùng nhận ra rằng các giả định về nguyên tắc đạo đức đôi khi gây nhầm lẫn, và có nhiều vấn đề đạo đức không thể trả lời bằng Đúng hay Sai.
1.2 – Một Vụ Ăn Thịt Người
Giáo sư Sandel giới thiệu Thuyết vị lợi của Triết học gia Jeremy Bentham với một vụ kiện nổi tiếng trong thế kỷ 19. Vụ kiện này liên quan đến một thảm họa, một chiếc tàu bị chìm, bốn thủy thủ lênh đênh trên bè cứu sinh giữa Đại Tây Dương. Sau 19 ngày lênh đênh giữa biển, thuyền trưởng đã quyết định giết người yếu nhất trong bốn người để ba người kia có thể sống sót nhờ thịt và máu của người kia. Vụ kiện này đã khuấy lên một cuộc tranh luận về Thuyết vị lợi – thuyết có quan điểm “Lợi ích lớn nhất cho Nhiều người nhất”
Download : Phần 1 | Phần 2 | Phần 3 | Phần 4 | Phần 5 | Phần 6 | Phần 7 | Phần 8
Mirror : Phần 1 | Phần 2 | Phần 3 | Phần 4 | Phần 5 | Phần 6 | Phần 7 | Phần 8

Tập 2
2.1 - Định Giá Mạng Sống Bằng Tiền
Ngày nay, các công ty và chính phủ thường sử dụng phép tính vị lợi của Jeremy Bentham dưới cái tên “phân tích chi phí – lợi ích”. Giáo sư Sandel trình bày một số nguyên nhân lịch sử khiến người ta sử dụng phân tích chi phí-lợi ích để dùng tiền định giá trị sinh mạng con người. Những nguyên nhân này cũng làm nổi lên một vài phản đối với phép tính vị lợi khi tìm kiếm “lợi ích tốt nhất cho nhiều người nhất.” Liệu chúng ta có nên lúc nào cũng xem trọng sự hạnh phúc của đám đông hơn, ngay cả khi nếu đám đông trở nên độc ác hay ti tiện? Liệu có thể tính tổng và so sánh tất cả các giá trị sử dụng cùng một thước đo thông thường – như tiền bạc?
2.2 – Cân Đong Niềm Vui Bằng Gì
Giáo sư Sandel giới thiệu J.S. Mill, một triết gia thuyết vị lợi cố gắng bảo vệ thuyết vị lợi khỏi những phản đối do những người thủ cựu đưa ra. Mill cho rằng tìm kiếm “lợi ích tốt nhất cho số đông” tương thích với việc bảo vệ quyền lợi cá nhân, và thuyết vị lợi có thể tìm được sự khác biệt giữa niềm vui cao quý và thấp hèn. Quan điểm của Mill là niềm vui cao quý luôn là niềm vui được ưa chuộng hơn bởi số đông có kiến thức. Sandel kiểm tra lý thuyết này bằng cách cho chiếu ba đoạn clip từ ba hình thức giải trí khác nhau: Hamlet của Shakespeare, chương trình thực tế Fear Factor, và The Simpsons. Các sinh viên đã tranh luận trải nghiệm nào đem lại niềm vui cao quý hơn, và Mill có bảo vệ thành công cho thuyết vị lợi.
Download : Phần 1 | Phần 2 | Phần 3 | Phần 4 | Phần 5 | Phần 6 | Phần 7 | Phần 8
Mirror : Phần 1 | Phần 2 | Phần 3 | Phần 4 | Phần 5 | Phần 6 | Phần 7 | Phần 8

Tập 3
3.1 – Tự Do Chọn Lựa
Giáo sư Sandel giới thiệu các khái niệm của chủ nghĩa tự do về quyền cá nhân, theo đó chỉ cần tồn tại nhà nước tối thiểu. Chủ nghĩa tự do cho rằng nhà nước không có quyền ban hành những luật sau: (1) Những luật có tính chất áp đặt cho người dân tự bảo vệ bản thân như luật bắt đội mũ bảo hiểm (2) Áp đặt giá trị đạo đức của một số người lên toàn xã hội và (3) Phân phối lại thu nhập giữa người giàu và người nghèo.
Giáo sư Sandel giải thích các quan điểm của chủ nghĩa tự do là việc tái phân phối qua đánh thuế cũng giống như cưỡng bức lao động đối với các trường hợp như Bill Gates hay Micheal Jordan
3.2 – Ai Là Chủ Của Tôi?
Triết gia theo chủ nghĩa tự do Robert Nozick cho rằng việc đánh thuế với những người giàu có – để lấy tiền cho việc cung cấp nhà ở, dịch vụ y tế, giáo dục của người nghèo – là một hình thức áp bức. Đầu tiên các sinh viên tranh luận về việc tái phân phối. Không phải là những người nghèo rất cần các dịch vụ xã hội để có thể tồn tại sao? Nếu bạn sống trong một xã hội có hệ thống tiền thuế thì không phải bạn phải có nghĩa vụ nộp thuế sao? Không phải cũng có những người giàu có chỉ vì vận may và tài sản của gia đình? Có một nhóm sinh viên tình nguyện lập thành ‘đội chủ nghĩa tự do’  đứng ra phản bác lại các ý kiến chống lại chủ nghĩa tự do.
Download : Phần 1 | Phần 2 | Phần 3 | Phần 4 | Phần 5 | Phần 6 | Phần 7 | Phần 8
Mirror : Phần 1 | Phần 2 | Phần 3 | Phần 4 | Phần 5 | Phần 6 | Phần 7 | Phần 8

Tập 4
4.1 – Đây Là Đất Của Tôi
Triết gia John Locke tin rằng mỗi người đều có những quyền căn bản mà  không một  chính quyền  nào có thể xâm phạm. Những quyền này – bao gồm quyền sống, quyền tự do và quyền được có sở hữu – cố hữu là của chúng ta trong “trạng thái tự nhiên”, thời kỳ trước khi Nhà nước và luật pháp được thiết lập. Theo ông, những quyền này do luật lệ tự nhiên quy định và được nhận thức bởi lý trí. Con người không được từ bỏ quyền của mình cũng như không thể tước đoạt của người khác. Giáo sư Sandel tổng kết bài giảng bằng việc nêu ra vấn đề: Khi con người thành lập xã hội và thỏa thuận thiết lập một hệ thống pháp luật, những quyền tự nhiên của chúng ta sẽ ra sao?
4.2- Đồng Thuận
Nếu mỗi công dân đều có những quyền bất khả xâm phạm – quyền được sống, được tự do và  được có sở hữu thì sao chính phủ lại có thể thông qua luật thuế như đại đa số đại biểu Quốc hội tán thành? Đó chẳng phải là lấy đi một phần tài sản của con người mà không có sự đồng ý của họ hay sao? Locke lý giải rằng quyết định thiết lập xã hội đồng nghĩa với việc  con người  “ngầm” thỏa thuận chấp nhận tuân thủ luật thuế. Vì thế, việc thu thuế là hợp pháp và nhất quán với quyền tự nhiên, miễn là nó được áp dụng với toàn xã hội chứ không phải tùy tiện đối với bất cứ cá nhân nào.
Download : Phần 1 | Phần 2 | Phần 3 | Phần 4 | Phần 5 | Phần 6 | Phần 7 | Phần 8
Mirror : Phần 1 | Phần 2 | Phần 3 | Phần 4 | Phần 5 | Phần 6 | Phần 7 | Phần 8

Tập 5
5.1 – Lính Đánh Thuê
Trong cuộc nội chiến Mỹ, những người bị bắt đi quân dịch có thể thuê người thay thế họ đi chiến đấu. Giáo sư Sandel hỏi liệu các sinh viên có nghĩ chính sách này là công bằng hay không. Nhiều người cho rằng điều này công bằng vì cho phép người giàu tránh việc phụng sự đất nước và mạo hiểm tính mạng mình bằng cách trả tiền cho những người kém lợi thế hơn chiến đấu thay họ. Điều này dẫn lớp học đến một cuộc tranh luận về chiến tranh và vấn đề bắt buộc nhập ngũ. Có thể phản đối quân đội tình nguyện ngày nay với cùng lập luận như vậy không? Nghĩa vụ quân sự có nên để thị trường lao động điều tiết hay bởi lệnh nhập ngũ? Chủ nghĩa yêu nước nên đóng vai trò gì ở đây, và đâu là nghĩa vụ công dân? Liệu có chăng nghĩa vụ của công dân phải phụng sự cho đất nước? Liệu những người theo thuyết vị lợi và những người theo thuyết tự do có thể lý giải cho nghĩa vụ này được không?
5.2 – Thiên Chức Làm Mẹ: Bán Được Không
Trong bài giảng này, Giáo sư Sandel phân tích nguyên lý trao đổi trên thị trường tự do qua tình huống có một cuộc tranh cãi về quyền sinh sản. Giáo sư bắt đầu với một chủ đề hài hước về việc làm ăn của những người hiến tặng trứng và tinh trùng. Sau đó ông mô tả vụ kiện của bé M – một cuộc chiến pháp lý nổi tiếng vào giữa những năm 1980 làm nảy ra câu hỏi gây tranh cãi, “Ai có quyền nuôi đứa con?”. Năm 1985, một phụ nữ tên là Mary Beth Whitehead đã ký hợp đồng với một cặp vợ chồng bang New Jersey, đồng ý mang thai hộ để đổi lấy một khoản tiền thù lao là 10,000$. Tuy nhiên, sau khi sinh con, cô Whitehead đã quyết định giữ lại đứa con, và vụ việc được đưa ra tòa. Sandel và các sinh viên cùng tranh luận về bản chất sự chấp nhận thỏa thuận một cách có hiểu biết, vấn đề đạo đức khi đem bán một sinh mạng và ý nghĩa của quyền làm mẹ.
Download : Phần 1 | Phần 2 | Phần 3 | Phần 4 | Phần 5 | Phần 6 | Phần 7 | Phần 8
Mirror : Phần 1 | Phần 2 | Phần 3 | Phần 4 | Phần 5 | Phần 6 | Phần 7 | Phần 8

Tập 6
6.1 – Chú Ý Động Cơ Của Anh Đấy!
Giáo sư Sandel giới thiệu Immanuel Kant, một triết gia khó hiểu nhưng có tầm ảnh hưởng lớn. Kant phản đối chủ nghĩa vị lợi. Theo ông, mỗi chúng ta có những quyền và nghĩa vụ căn bản vượt lên trên cả những lợi ích lớn của cá nhân. Kant phản đối quan niệm đạo đức là sự tính toán kết cục. Khi chúng ta làm điều gì vì trách nhiệm – làm vì đó là việc đúng –  thì chỉ khi đó, hành động của chúng ta mới có giá trị đạo đức. Kant lấy ví dụ ông chủ cửa hàng không tính hụt tiền thừa cho khách chỉ bởi lo lắng nếu bại lộ, việc kinh doanh của mình sẽ sa sút. Theo Kant, hành động của ông chủ quán không hề có giá trị đạo đức bởi ông ta làm đúng việc nhưng sai động cơ.
6.2 – Nguyên Tắc Tối Thượng Của Đạo Đức
Immanuel Kant cho rằng chừng nào hành động của chúng ta có giá trị đạo đức  thì yếu tố làm nên giá trị đó chính là khả năng con người vượt lên lợi ích, sở thích cá nhân mà hành động vì trách nhiệm. Giáo sư Sandel kể một câu chuyện có thật về cậu bé 13 tuổi, quán quân cuộc thi đố chữ sau cuộc thi đã thừa nhận với giám khảo việc mình đánh vần sai từ quyết định thắng thua. Lấy câu chuyện này và một vài ví dụ khác nữa, Sandel giải thích phép thử của Kant xem một hành động có đúng về mặt đạo đức hay không, đó là: Nhận diện nguyên tắc thể hiện trong hành động của bạn, sau đó xem có thể phổ biến nguyên tắc đó thành quy luật để toàn xã hội tuân thủ hay không
Download : Phần 1 | Phần 2 | Phần 3 | Phần 4 | Phần 5 | Phần 6 | Phần 7 | Phần 8

Tập 7
7.1 – Bài Học Về Sự Nói Dối
Immanuel Kant cho rằng nói dối, cho dù là lời nói dối vô hại, cũng vẫn là sự xúc phạm nhân phẩm người khác. Giáo sư Sandel đưa ra một tình huống giả định để sinh viên kiểm chứng quan điểm của Kant: Nếu một người bạn trốn trong nhà bạn, và một kẻ có ý định giết anh ta đến trước cửa nhà, hỏi xem người bạn kia đâu, thì nói dối có sai không? Điều này dẫn đến một câu chuyện về một trong những nhân vật nổi tiếng nhất hiện nay đã lảng tránh sự thật ra sao: Tổng thống Clinton nói về vụ bê bối tình dục của ông với Monica Lewinsky.
7.2 – Thỏa Thuận Là Thỏa Thuận
Sandel giới thiệu một triết gia hiện đại, John Rawls, người cho rằng nếu chúng ta phải chọn ra các quy tắc xã hội và không ai trong chúng ta có quyền lực khác biệt thì quy tắc công bằng là quy tắc tất cả mọi người cùng nhất trí.
Download : Phần 1 | Phần 2 | Phần 3 | Phần 4 | Phần 5 | Phần 6 | Phần 7 | Phần 8

Tập 8
8.1 – Khởi đầu Công bằng là như thế nào?
Rawls lập luận rằng ngay cả chế độ nhân tài – một hệ thống phân phối tưởng thưởng cho nỗ lực –cũng không đi đủ xa trong việc san phẳng mặt bằng sân chơi bởi vì những người có năng khiếu thiên phú sẽ luôn có được lợi thế. Hơn nữa, Rawls nói, năng khiếu thiên phú cũng không thực sự xứng đáng bởi vì thành công của người có thiên phú thường phụ thuộc vào các yếu tố có tính chất ngẫu nhiên cũng như thứ tự sinh. Giáo sư Sandel chứng tỏ quan điểm Rawls khi ông yêu cầu sinh viên nào là con trưởng hãy giơ tay lên.
8.2 – Chúng ta Xứng đáng với điều gì?
Sandel thảo luận về tính công bằng trong mức lương khác biệt của xã hội hiện đại. Ông so sánh mức lương của cựu Thẩm phán Tòa án tối cao Sandra Day O’Connor (200.000$) với mức lương của Thẩm phán “truyền hình” Judy (25.000.000 $). Sandel hỏi mức chênh lệch này có công bằng không? Theo John Rawls, nó chưa công bằng.
Download : Phần 1 | Phần 2 | Phần 3 | Phần 4 | Phần 5 | Phần 6 | Phần 7 | Phần 8

Tập 9
9.1 – Tranh Cãi về Chính Sách Ưu Tiên Nhóm Thiểu Số
Sandel mô tả vụ kiện năm 1996 của Cheryl Hopwood – một cô gái da trắng bị từ chối nhập học vào một trường luật ở Texas, mặc dù cô có điểm cao hơn so với một số thí sinh trúng tuyển thuộc nhóm dân tộc thiểu số. Hopwood đưa vụ việc ra tòa án, lập luận rằng chương trình ưu tiên nhóm thiểu số của nhà trường vi phạm quyền của mình. Sinh viên trong giảng đường thảo luận ưu và nhược điểm của chính sách ưu tiên này. Chúng ta có nên cố gắng sửa chữa, khắc phục sự bất bình đẳng trong nền tảng giáo dục bằng cách xem xét chính sách thi cử? Chúng ta có nên bù đắp những bất công lịch sử, chẳng hạn như chế độ nô lệ và phân biệt chủng tộc? Liệu lý lẽ thúc đẩy tính đa dạng có hợp lệ không? Chúng có thể kết hợp để chống lại lập luận rằng chỉ nên xem xét những nỗ lực và thành tựu của sinh viên chứ không phải các yếu tố ngẫu nhiên nằm ngoài tầm kiểm soát của sinh viên? Khi nào sứ mệnh của một trường đại học là để tăng sự đa dạng, hay như thế vi phạm quyền từ chối một người da trắng trúng tuyển?
9.2 – Mục Đích Là Gì
Sandel giới thiệu về lý thuyết công lý của Aristotle. Aristotle bất đồng với Rawls và Kant. Ông tin rằng công lý là cho người dân những gì họ xứng đáng. Khi xem xét vấn đề phân phối, Aristotle lập luận người ta phải xem xét mục tiêu, mục đích của thứ đang được phân phối. Ví dụ cây sáo tốt nhất nên được đưa cho người thổi sáo hay nhất. Và các chức vụ cao nhất trong hệ thống chính trị nên được phân cho những người có phẩm hạnh công dân lớn nhất. Đối với Aristotle, công lý là vấn đề chọn cho mọi người vai trò phù hợp với đức tính của họ.
Download : Phần 1 | Phần 2 | Phần 3 | Phần 4 | Phần 5 | Phần 6 | Phần 7 | Phần 8

Tập 10
10.1 – Công Dân Tốt
Aristotle tin rằng mục đích chính trị là để thúc đẩy và vun trồng phẩm chất công dân. Telos hoặc mục tiêu của nhà nước và cộng đồng chính trị là “lối sống tốt”. Và những công dân cống hiến nhiều nhất cho mục tiêu này của cộng đồng là những người cần được tưởng thưởng nhất. Nhưng làm thế nào để chúng ta biết mục đích của một cộng đồng hoặc một tập quán? Lý thuyết công lý của Aristotle dẫn đến một cuộc tranh trong giới chơi golf gần đây. Sandel mô tả vụ tay golf tàn tật Casey Martin đã kiện PGA vì từ chối yêu cầu sử dụng chiếc xe đẩy trong giải PGA Tour. Vụ việc dẫn đến một cuộc tranh luận về mục đích của chơi golf, và xét khả năng “đi bộ khi thi đấu” có là điều thiết yếu của trò chơi hay không.
10.2 – Tự Do Và Khuôn Khổ
Làm thế nào để Aristotle giải quyết các vấn đề liên quan đến quyền cá nhân và tự do lựa chọn? Nếu vị trí xã hội của chúng ta được xác định bởi vai trò phù hợp nhất với chúng ta, như thế hoàn toàn mất đi sự lựa chọn cá nhân chăng? Dù tôi phù hợp nhất để làm một loại công việc, nhưng tôi lại muốn làm việc khác thì sao? Trong bài giảng này, Sandel chỉ ra một sự phản đối rõ ràng nhất quan điểm của Aristotle về tự do: Aristotle bảo vệ chế độ nô lệ vì nô lệ là vai trò xã hội phù hợp với một số người. Sinh viên thảo luận các phản bác khác và cùng tranh luận xem triết lý của ông có hạn chế tự do cá nhân không.
Download : Phần 1 | Phần 2 | Phần 3 | Phần 4 | Phần 5 | Phần 6 | Phần 7 | Phần 8

Tập 11
11.1 – Lý Lẽ Của Phe Cộng Đồng
Những người theo chủ nghĩa cộng đồng tranh luận rằng, ngoài nghĩa vụ tự nguyện và phổ quát, chúng ta cũng có nghĩa vụ thành viên, liên đới, và lòng trung thành. Các nghĩa vụ này là không nhất thiết phải dựa trên sự đồng ý. Chúng ta kế thừa quá khứ, bản sắc của mình, từ gia đình, quê hương. Nhưng sẽ ra sao nếu nghĩa vụ của với gia đình hoặc cộng đồng của chúng ta xung đột với các nghĩa vụ phổ quát?
11.2 – Lòng Trung Thành Nằm Đâu ?
Chúng ta yêu quý đồng bào của mình nhiều hơn công dân của các nước khác? Yêu nước là một đức tính hay chỉ là một loại định kiến cần khắc phục? Nếu bản sắc của chúng tôi được xác định bởi các cộng đồng cụ thể chúng ta đang sống, những gì sẽ trở thành quyền phổ quát của con người?
Download : Phần 1 | Phần 2 | Phần 3 | Phần 4 | Phần 5 | Phần 6 | Phần 7 | Phần 8

Tập 12
12.1 – Tranh Luận Về Hôn Nhân Đồng Tính
Nếu các nguyên tắc của công lý phụ thuộc vào giá trị đạo đức hay giá trị nội tại của mục đích mà quyền hướng tới, làm thế nào chúng ta phải đối phó với thực tế là mọi người bất đồng với nhau về điều gì là tốt nhất? Sinh viên giải quyết câu hỏi này trong một cuộc tranh luận nóng về việc có nên hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính không. Chúng ta có thể giải quyết vấn đề này mà không thảo luận sự chấp nhận về mặt đạo đức của tình dục đồng giới hoặc mục đích của hôn nhân?
12.2 – Cuộc Sống Tốt Đẹp
Sandel tin rằng chính phủ không thể trung lập trên các vấn đề đạo đức khó khăn, chẳng hạn như hôn nhân đồng tính và phá thai, và hỏi lý do tại sao chúng ta không nên sao nhãng tất cả các vấn đề, bao gồm cả quan ngại kinh tế và dân sự trên khát vọng đạo đức và tinh thần. Trong bài giảng cuối cùng của ông, Giáo sư Michael Sandel mạnh mẽ nêu lên lý lẽ cho một nền chính trị mới vì lợi ích chung. Dấn thân, chứ không phải né tránh, thuyết phục đạo đức với công dân đồng bào của mình có thể là cách tốt nhất để tìm kiếm một xã hội công bằng.
Download : Phần 1 | Phần 2 | Phần 3 | Phần 4 | Phần 5 | Phần 6 | Phần 7 | Phần 8