Trang

30.3.21

Lịch sử Ai Cập Pharaoh và kim tự tháp

Phanblogs Lịch sử Ai Cập Pharaoh và kim tự tháp Theo các nhà khảo cổ thì Ai Cập là một trong những nền văn minh cổ nhất của nhân loại. Mặc dù ngày nay người ta vẫn chưa xác định được nguồn gốc dân Ai Cập nhưng khoảng hơn bảy ngàn năm trước, người Ai Cập đã di cư đến vùng đồng bằng quanh lưu vực sông Nile rồi định cư tại đó. Truyền thuyết Ai Cập nói rằng tổ tiên của họ xuất phát từ một đại lục rất xa, nơi có nền văn minh rất cao nhưng vì biết nơi đó sẽ gặp nạn hồng thủy nên một số người đã đóng thuyền di cư đến vùng này. Có thể vì xuất thân từ một nền văn minh cao nên từ bảy ngàn năm trước, người Ai Cập đã có chữ viết, biết sử dụng toán học để xác định vị trí các tinh tú và xây cất những kiến trúc hùng vĩ như thế.




Lịch sử Ai Cập Pharaoh và kim tự tháp
Lịch sử Ai Cập Pharaoh và kim tự tháp
Các nhà sử học sắp xếp lịch sử Ai Cập ra làm 6 thời đại với 30 triều đại vua Pharaoh như sau:
1. Tiền sử Thời đại (Pre-historic Period): Khoảng 7000 năm đến 5000 năm trước Công nguyên. Đây là một thời đại mơ hồ với rất nhiều huyền thoại, truyền thuyết mà phần lớn các học giả người u cho là hoang đường, huyền hoặc, không đáng tin.
2. Nguyên sử Thời đại (Early Dynasties Period): Khoảng 5000 năm đến 4000 năm trước Công nguyên. Lúc đầu Ai Cập chia làm nhiều vùng, mỗi vùng có một sứ quân cai quản cho đến khi sứ quân Menes nổi lên đánh dẹp các sứ quân khác, thống nhất Ai Cập thành một quốc gia. Menes tự xưng là Pharaoh (Người Ở Nhà To Lớn), vừa là người vừa là thần linh, có quyền hành tuyệt đối và bất khả xâm phạm. Pharaoh Menes chia xã hội thành những giai cấp để dễ bề cai trị. Giai cấp thứ nhất là Pharaoh và gia đình, nắm quyền chỉ huy cai trị. Giai cấp thứ hai là giáo sĩ, phần lớn là những người có học thức cao, có nhiệm vụ làm trung gian giữa thần linh và con người. Giai cấp thứ ba là quí tộc, gồm các quan lại và quân nhân, nắm quyền giữ an ninh, trật tự trong các địa phương. Những giai cấp sau như thợ thuyền, thương buôn, công nghệ và nông dân có bổn phận phục vụ cho những giai cấp trên. Pharaoh Menes lập triều đình gồm các quan thu thuế, xử kiện, giữ sổ sách và đặc biệt ghi chép các biến cố lịch sử lên bia đá nên từ đó lịch sử Ai Cập được đời sau biết đến.
3. Cổ sử Thời đại (Old Kingdom Period): Khoảng 4000 năm đến 3000 năm trước Công nguyên. Đây là thời đại rất đặc biệt với 6 triều đại và 32 Pharaoh mà vị nào cũng cho xây cất, kiến tạo những Kim Tự Tháp, đền đài, lăng tẩm hết sức hùng vĩ. Cũng trong thời đại này, người Ai Cập bắt đầu sử dụng thuyền buồm, bánh xe, nấu thủy tinh, luyện kim và xây các đập nước, kinh đào để dẫn nước vào ruộng.
4. Trung sử Thời đại (Middle Kingdom Period): Khoảng 3000 năm đến 2000 năm trước Công nguyên. Thời đại này gồm có 7 triều đại và hơn 100 Pharaoh. Đây là giai đoạn xã hội Ai Cập suy đồi nhiều vì đa số các Pharaoh chỉ lo hưởng thụ các tiện nghi vật chất chứ ít chịu phát triển hay xây dựng. Đây cũng là giai đoạn mà nền tôn giáo cổ Ai Cập thoái hóa thành các hình thức mê tín dị đoan nên việc sử dụng tà thuật, bùa chú rất thịnh hành. Nhiều người đã gọi thời đại này là thời đại của các giáo sĩ vì quyền hành của họ vượt xa Pharaoh. Hầu hết chủ trương tôn thờ Amun (Đa thần giáo) với các nghi thức thờ cúng, tế thần và giết nô lệ để chuộc tội.
5. Tân Sử Thời đại (New Kingdom Period): Khoảng 2000 năm đến 1000 năm trước Công nguyên. Thời đại này gồm 8 triều đại và 20 Pharaoh mà người nào cũng gây chiến với các nước láng giềng. Các nhà viết sử đã đề cao thời đại này như giai đoạn huy hoàng nhất lịch sử Ai Cập với các chiến công hiển hách, các đền đài lăng tẩm được xây cất to lớn vĩ đại hơn những triều vua trước. Hầu hết những Pharaoh thời này đều là những bạo chúa khát máu, chỉ trừ một Pharaoh duy nhất bị lịch sử chê trách là nhu nhược, hèn yếu vì đã từ bỏ truyền thống cũ để cổ xướng một sự thay đổi chưa từng có trong lịch sử Ai Cập. Pharaoh Akhenaten đã từ bỏ việc thờ cúng thần Amun mà chủ trương tôn thờ Aten (Độc thần giáo) hay chân lý tuyệt đối trong vũ trụ.
Trong 17 năm cai trị của ông, Ai Cập không hề gây chiến tranh mà chỉ phát triển rất mạnh về phương diện nghệ thuật, văn chương, đặc biệt là thơ phú. Các nhà khảo cổ đã gọi Akhenaten là "Pharaoh thi sĩ" vì ông đã để lại nhiều bài thơ khắc trên bia đá, thạch trụ rất đặc biệt. Sau khi Akhenaten qua đời, các vị Pharaoh đời sau lại phục hồi việc thờ cúng thần Amun và gây chiến với các nước chung quanh. Triều đại Seti mở rộng biên giới Ai Cập ra khắp bán đảo Ả Rập. Triều đại Ramses tiếp tục công cuộc xâm lăng các nước láng giềng, thu hoạch rất nhiều chiến lợi phẩm và nô lệ, mang về Ai Cập để xây cất các đền đài vĩ đại chưa từng có. Tuy nhiên cuộc chiến tranh kéo dài hàng trăm năm này đã mang lại một hậu quả rất khốc hại cho người Ai Cập. Vì đa số chỉ quen chém giết, cướp bóc chứ không còn biết xây dựng cho nên khi không còn kẻ thù nào để chinh phục, họ quay ra chém giết, bóc lột và tàn sát lẫn nhau khiến xã hội Ai Cập trở nên hỗn loạn, vô trật tự, suy yếu và theo thời gian trở thành mồi ngon cho Syria và Ba Tư. Đây cũng thời đại tự chủ cuối cùng của người Ai Cập vì trong suốt 2000 năm sau, Ai Cập hoàn toàn nằm dưới ách cai trị và bảo hộ của các quốc gia khác.
6. Ngoại thuộc Thời Đại (Domination Period): Khoảng gần 1000 năm trước Công nguyên cho đến cận đại. Giai đoạn này Ai Cập mất quyền tự chủ và bị đặt dưới ách cai trị của các cường quốc khác. Lúc đầu họ bị người Syria xâm lăng, chiếm đoạt phần lớn đất đai; sau đó Ai Cập lại bị Ba Tư, Hy Lạp, La Mã, Ả Rập, Thổ Nhĩ Kỳ, và cuối cùng là các cường quốc u châu như Pháp và Anh xâm chiếm, cai trị. Mặc dù trên nguyên tắc, Ai Cập vẫn được duy trì chế độ quân chủ (có vua và triều đình), nhưng suốt thời gian mấy ngàn năm, hầu hết các nhà lãnh đạo Ai Cập chỉ là những vị vua bù nhìn, vô quyền, làm tay sai cho những thế lực ngoại bang. Nền văn hóa phong phú của họ bị thay thế bằng một thứ văn hóa ngoại lai, lúc đầu chịu ảnh hưởng Ba Tư, Hy Lạp; sau bị đồng hóa với văn hóa Ả Rập. Ngay cả chữ viết của Ai Cập cũng hoàn toàn bị thay thế bằng chữ Hy Lạp và chữ Ả Rập. Đầu thế kỷ 18, tiếng Pháp trở nên ngôn ngữ chính rồi qua thế kỷ 19, tiếng Anh được sử dụng trong các văn kiện, giấy tờ và ngay cả hiến pháp quốc gia. Năm 1952, tướng Gamal Nasser truất phế hoàng đế bù nhìn Farouk, lập chế độ Cộng hòa Ai Cập và trở thành vị tổng thống đầu tiên của xứ này. Kể từ thế kỷ thứ 3 trước công nguyên cho đến thế kỷ 20, Ai Cập mới thực sự giành được độc lập.

NHỮNG PHARAOH SAU AKHENATEN

Lịch sử Ai Cập Pharaoh và kim tự tháp
Lịch sử Ai Cập Pharaoh và kim tự tháp
Sau khi Akhenaten qua đời, Tể tướng Smenkere lên ngôi Pharaoh nhưng ông nầy chỉ cai trị được hai năm thì chết. Người con duy nhất của ông tên Tut khi đó mới 12 tuổi, lên ngôi lấy hiệu là Tutankhamun (Tut tôn thờ Amun). Điều này cho thấy chỉ một thời gian ngắn, các giáo sĩ phái Amun đã phục hồi ảnh hưởng và thế lực với triều đình. Trước khi chết, Pharaoh Smenkere chỉ thị cho Tut phải lấy Ankhense, con gái lớn của Akhenaten làm hoàng hậu và phong cho cô này tước hiệu là Akhenseamun (Akhen tuân phục Amun). Pharaoh Tutankhamun (thường được gọi là King Tut) cũng chỉ cai trị được 6 năm thì qua đời. Vì ông chưa có con nối dõi nên ngôi vị Pharaoh được truyền cho Tể tướng Horemheb.
Pharaoh Horemheb cai trị Ai Cập được 28 năm. Ông đặt ra một nền quân chủ pháp trị rất nghiêm khắc, áp dụng kỷ luật thép cho các trai tráng trong nước. Dưới sự lãnh đạo của Horemheb, Ai Cập đã có những lực lượng quân sự hùng hậu, thiện chiến hơn những Pharaoh đời trước.
Vị chỉ huy, tướng Seti, đã dẫn quân chinh phạt khắp nơi và nổi tiếng là một trong những vị tướng khát máu nhất lịch sử Ai Cập. Seti chủ trương phải tiêu diệt các tiểu quốc quanh vùng, bắt những người này làm nô lệ cho người Ai Cập. Người Do Thái, vì sống tại Palestine gần đó, đã trở thành những nạn nhân đầu tiên. Seti để lại câu nói bất hủ: "Nếu người Do Thái được tự do, người Ai Cập không thể ngóc đầu lên được".
Sau khi Pharaoh Horemheb qua đời, Seti đã giết luôn mười hai người con của Horemheb rồi tự xưng làm Pharaoh. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Ai Cập, một tướng lãnh đã soán ngôi Pharaoh một cách công khai, không sợ lịch sử phê phán hay thần linh trừng phạt. Việc này cũng tạo ra một tiền lệ cho những đời vua sau đó. Triều đại Seti kéo dài được ba đời thì vị hoàng đế Seti đời thứ tư bị một tướng lãnh khác là Ramses giết chết.
Triều đại Ramses kéo dài được tám đời và được các nhà chép sử coi là triều đại vẻ vang nhất lịch sử Ai Cập. Các Pharaoh này đã liên tiếp gây chiến tranh với các nước chung quanh, chiếm đoạt rất nhiều tài nguyên và nô lệ để xây cất những đền đài lăng tẩm vĩ đại, chưa từng có. (Lịch sử ghi nhận, dưới sự lãnh đạo của nhà tiên tri Moise, người Do Thái được trả tự do vào đời Ramses thứ tư - Chương Exodus trong Kinh Thánh).
Sau triều đại Ramses, xã hội Ai Cập trở nên thoái hóa, hỗn loạn, vô trật tự vì các vua chúa và tướng lãnh không ngừng tranh chấp lẫn nhau. Không một vị vua nào cai trị được quá 4 năm. Có nhiều người chỉ lên ngôi được vài tháng đã bị giết. Triều đình hỗn loạn, quan lại tham những, giới quí tộc lo bóc lột, xã hội suy đồi, kinh tế kiệt quệ, kẻ mạnh đàn áp người yếu, dân chúng đói khổ lầm than nên chỉ ít lâu sau, Ai Cập trở thành miếng mồi ngon cho người Syria.
Dưới sự cai trị của Syria, phần lớn các đền đài, lăng tẩm của vua chúa Ai Cập bị đập phá và dân Ai Cập phải cam chịu cảnh làm nô lệ cho người Syria, một giống dân mà khi xưa họ vẫn khinh là man di mọi rợ. Ít lâu sau, người Ba Tư đánh đuổi người Syria, chiếm Ai Cập và đặt xứ này dưới ách cai trị của họ trong suốt 260 năm.
Khoảng 322 năm trước Công nguyên, Hoàng đế Alexander của Hy Lạp khởi binh đánh đuổi người Ba Tư và chiếm Ai Cập. Tuy nhiên đối với các nhà chép sử Ai Cập thì đây là một cuộc giải phóng chứ không phải xâm lăng. Sở dĩ người Ai Cập có cảm tình với Hy Lạp vì Hoàng đế Alexander không những thông hiểu phong tục, tập quán của Ai Cập một cách tường tận mà còn tỏ ra tôn trọng các truyền thống văn hóa, tôn giáo của xứ này. Có lẽ Hoàng đế Alexander sở hữu một kiến thức rộng về Ai Cập vì thày dạy học của ông là hiền triết Aristotle, vốn là môn đệ của môn phái triết học do một người Ai Cập tên là Sinuhe khởi xướng. Học trò môn phái này đều là những triết gia nổi danh của Hy Lạp như Socrates, Plato, Aristotle, Pythagore, Thales, Lycurge, Solon, Jamblicus, Horedotus, Epitetus v.v…
Vì người Ai Cập xem Alexander như một nhà giải phóng xứ này khỏi ách ngoại xâm nên các giáo sĩ Ai Cập đã phong cho ông làm Pharaoh Ai Cập. Tuy nhiên chỉ ít lâu sau, Alexander lại lên đường tiếp tục công cuộc chinh phục các xứ khác như Thổ Nhĩ Kỳ, Ba Tư, Syria, A Phú Hãn và Ấn Độ. Ông ban sắc lệnh đặt Ai Cập là đất bảo hộ, cho thiết lập một chế độ quân chủ tự trị nhưng bắt các Pharaoh Ai Cập hằng năm phải triều cống Hy Lạp. Không những thế, ông vẫn để một lực lượng quân đội lớn chiếm đóng xứ này để giám sát mọi việc nên chỉ ít lâu sau, nhiều tướng lãnh Hy lạp đã trở nên Pharaoh cai trị xứ này.
Khi Hy Lạp suy vong thì La Mã trở nên một thế lực quan trọng, kiểm soát toàn vùng Địa Trung Hải và xâm lăng Ai Cập. Lúc đó trong triều đình Ai Cập đang có việc tranh chấp ngôi vị Pharaoh. Công chúa Cleopatra sử dụng nữ sắc để lung lạc Hoàng đế Ceasar của La Mã khiến ông này phong cô làm Pharaoh.
Sau khi Caesar qua đời, Hoàng đế La Mã Augustus ban sắc lệnh sáp nhập Ai Cập thành một phần của đế quốc La Mã. Một lần nữa, người Ai Cập lại nai lưng ra phục vụ các triều vua La Mã cho đến khi đế quốc La Mã suy vong thì người Ả Rập xâm chiếm Ai Cập, đặt ra chế độ Caliphs để cai trị xứ này.
Từ đó hết quốc gia này đến quốc gia khác thay phiên nhau chiếm đóng, đô hộ Ai Cập cho đến thế kỷ 20, người Ai Cập mới thực sự giành lại chủ quyền.

CHỮ VIẾT AI CẬP

Lịch sử Ai Cập Pharaoh và kim tự tháp
Lịch sử Ai Cập Pharaoh và kim tự tháp
Từ 7000 năm trước Công nguyên, người Ai Cập đã có chữ viết, một thứ chữ tượng hình rất phong phú. Các nhà khảo cổ đã tìm được những tài liệu khắc trên đá đề cập đến vị trí các tinh tú cũng như ảnh hưởng thời tiết trong việc cấy cày ghi khắc vào năm 6700 trước Công nguyên.
Khi Ai Cập bị Ba Tư, Hy Lạp và Ả Rập cai trị thì văn hóa xứ này bị pha trộn với các ảnh hưởng ngoại lai nên dần dần thoái hóa, suy đồi. Mặc dù tiếng nói còn được sử dụng trong một thời gian nhưng chữ viết Ai Cập đã bị thất truyền vào khoảng đầu thế kỷ thứ ba sau Công nguyên.
Sử gia Julius ghi nhận không một người Ai Cập nào còn đọc được chữ viết của dân tộc họ nữa mà chỉ sử dụng chữ Hy Lạp, La Mã hoặc Ả Rập. Vì thế đa số người Ai Cập không hiểu được những giòng chữ ghi khắc trong các đền đài, lăng tẩm, cổ mộ, bia đá, thạch trụ nên chẳng mấy ai biết gì về nguồn gốc cũng như gia sản văn hóa phong phú mà cha ông họ đã để lại. Có lẽ vì thế người Ai Cập đã chấp nhận văn hóa Ả Rập như văn hóa chính thức của họ và trong mấy ngàn năm dài, lịch sử và văn hóa Ai Cập chỉ là những huyền thoại mơ hồ được kể lại trong những câu chuyện truyền khẩu chốn dân gian mà thôi.
Năm 1798, Hoàng đế Napoleon đem quân xâm chiếm Ai Cập. Ông cho xây cất những pháo đài quanh vùng duyên hải để ngăn ngừa tầm hoạt động của hải quân Anh. Trong lúc xây cất pháo đài nằm cạnh hải cảng Rosetta, Trung sĩ Pháo binh Boussard đã tìm được một khối đá màu đen trên có ghi khắc 54 giòng chữ Ai Cập và một bản dịch bằng tiếng Hy Lạp phía dưới. Chính nhờ thế mà nhà khảo cứu cổ ngữ Champollion mới nghiên cứu, sắp đặt lại các mẫu tự Ai Cập và phục hồi văn tự đã thất truyền này.
Qua công trình nghiên cứu của Champollion, các nhà khảo cổ đã dựa theo đó để phiên dịch các chữ viết ghi khắc trong các đền đài, cổ mộ, thạch trụ và phục hồi các chi tiết lịch sử Ai Cập cũng như góp phần phục hưng nền văn hóa phong phú này. Các công cuộc nghiên cứu về văn hóa Ai Cập bắt đầu khoảng cuối thế kỷ 19 qua sự khai quật các ngôi cổ mộ và đến nay đã hé mở cho chúng ta thấy được một phần về nền văn minh đã bị vùi lấp dưới lớp cát sa mạc này.







Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Vui lòng viết Tiếng Việt. Có dấu.
Nhận xét luôn luôn được kiểm tra trước khi xuất bản. :). Vì vậy bạn đừng cố SPAM
Cảm ơn bạn