Search

20.9.11

Quyền được chết- Right to die

Quyền được chết- Right to die Chuyên đề: ”Một số vấn đề cơ bản về quyền được chết và vấn đề xây dựng Luật An tử tại Việt Nam”


Số Thông tin Khoa học Pháp lý (Viện Khoa học Pháp lý – Bộ Tư pháp) tháng 3/2011

Tác giả: Trương Hồng Quang.

Dưới đây giới thiệu một phần nghiên cứu và kết luận.

LỜI MỞ ĐẦU

Quyền sống, quyền tự do và an toàn cá nhân là những quyền được pháp luật quốc tế và pháp luật quốc gia bảo vệ. Việc thực thi những quyền này phản ánh mức độ đảm bảo nhân quyền của mỗi quốc gia. Tuyên ngôn Nhân quyền Quốc tế được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua và công bố theo Nghị quyết số 217A (III) ngày 10/12/1948 tại Palais de Chaillot (Pháp) đã khẳng định: “Mọi người đều có quyền sống, quyền tự do và an toàn cá nhân” (Điều 3). Quyền được sống nói riêng và nhân quyền nói chung vốn là những quyền cơ bản của bất kỳ một công dân, là một trong những mục tiêu quan trọng mà các nhà xây dựng chính sách, các nhà lập pháp hướng đến. Tuy nhiên, từ đầu thế kỉ XIX, khoa học pháp lý thế giới đã chứng kiến một sự thay đổi khá đặc biệt trong nhận thức cũng như tư duy, học thuật. Đó là việc xuất hiện khái niệm về ”quyền được chết” tại những nước tư bản phương Tây – nơi mà xã hội luôn luôn biến động với những thay đổi lớn. Bên cạnh thuật ngữ quyền được chết, các nhà khoa học còn nhắc đến các thuật ngữ liên quan như: an tử (cái chết êm ả), Luật An tử,… Đối tượng chủ yếu liên quan đến quyền này là các bệnh nhân bị bệnh nan y ở giai đoạn cuối mà việc chữa trị chỉ có ý nghĩa duy trì tình trạng hiện tại chứ không thể chữa lành bệnh cho họ. Việc có nên chấp nhận cho một công dân có quyền được chết hay không, nếu cho phép thì được sử dụng quyền này trong những trường hợp nào, liệu quyền được chết có đi ngược lại quyền được sống hay không, tính chính trị trong việc công nhận quyền được chết thể hiện như thế nào,… là những vấn đề gây ra nhiều tranh cãi trong nhiều năm qua.

Xét trên bình diện khoa học pháp lý, trên thế giới, quyền được chết là một vấn đề không còn quá mới mẻ nhưng tại Việt Nam hiện vẫn chưa có những nghiên cứu về vấn đề này. Tuy nhiên, ngay cả khi nhiều nước trên thế giới đã có những nghiên cứu về vấn đề này dưới nhiều góc độ khác nhau (xã hội, chính trị, luật học,…) nhưng cho đến nay ở các nước đó vấn đề này vẫn chưa đươc nghiên cứu toàn diện, thấu đáo và cũng như chưa đạt tới những điểm thống nhất về quyền được chết.

Nhằm giới thiệu những vấn đề cơ bản liên quan đến quyền được chết và việc xây dựng Luật An tử với mục đích góp phần hoàn thiện hệ thống quyền nhân thân và hướng đến việc sửa đổi Bộ luật Dân sự Việt Nam trong thời gian tới, Thông tin Khoa học pháp lý xin trân trọng giới thiệu với độc giả số thông tin chuyên đề ”Một số vấn đề cơ bản về quyền được chết và vấn đề xây dựng Luật An tử tại Việt Nam”. Đây là những nghiên cứu bước đầu của CN. Trương Hồng Quang, nghiên cứu viên của Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp.

Rất mong nhận được ý kiến đóng góp của bạn đọc./.

Thông tin Khoa học Pháp lý.

Piergiorgio Welby, a longtime advocate for voluntary euthanasia, at home in December 20, 2006. A judge has ruled against him.



I. MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ QUYỀN ĐƯỢC CHẾT

1.1. Khái niệm quyền được chết

1.1.1. Nguồn gốc hình thành ý tưởng về quyền được chết

Từ trước đến nay, giai đoạn từ khi sinh ra đến khi chết con người vẫn luôn mong muốn được sống bình yên, thanh thản chứ không phải là khổ đau. Quyền được chết ban đầu xuất hiện với những hành vi chưa hoàn toàn mang đúng bản chất của nó mà gắn liền với khái niệm “cái chết êm ả”. Lịch sử của thuật ngữ euthanasia (Tiếng Anh) hay euthanasie (Tiếng Pháp), an tử (Tiếng Trung) mà chúng ta vẫn thường gọi là “cái chết êm ả” bắt nguồn từ một từ Hy Lạp là “euthanatos”. Trong đó, eu là tốt, thanatos là chết. Biểu hiện ban đầu của cái chết êm ả chính là trợ tử, xuất hiện đầu tiên trong lời thề Hippocrates (460 TCN – 370 TCN)[1]. Danh từ cái chết êm ả bắt đầu xuất hiện rộng rãi hơn vào thế kỷ XVII, nhằm khuyến khích các bác sỹ quan tâm đến sự đau đớn của người bệnh và giúp đỡ người “gần đất xa trời” thoát khỏi thế giới này một cách nhẹ nhàng và dễ dàng hơn. Như vậy, lúc đó chưa xuất hiện khái niệm quyền được chết như khoa học hiện đại nhưng đã có những mầm mống sơ khai của khái niệm quyền được chết.

Một cái chết êm ả có thể đạt được thông qua nhiều con đường khác nhau. Một số ý kiến cho rằng việc kết thúc nhanh sự sống rõ ràng là một cách để làm giảm sự đau khổ của người bệnh. Quan niệm gốc về cái chết nhân đạo đã bị phân hóa thành hai quan điểm xung đột nhau về bản chất. Quan điểm thứ nhất cho rằng việc bảo vệ mạng sống và làm giảm đau khổ là nhiệm vụ chính của các nhà tế bần (bệnh viện). Nghĩa vụ của Nhà nước là phải hỗ trợ gia đình nâng cao khả năng duy trì cuộc sống của bệnh nhân cho đến khi kết thúc cuộc sống một cách tự nhiên nhất. Quan điểm thứ hai lại ủng hộ tránh đau khổ cho bệnh nhân bằng cách rút ngắn cuộc sống một cách có chủ đích. Tuy nhiên, nếu theo quan điểm này các chuyên gia y tế, giáo sĩ và công chúng nói chung phải đối mặt với những câu hỏi là những hướng dẫn nào cần được sử dụng trong trường hợp này, tiến hành theo cách giảm nhẹ dần sự chăm sóc hay chấm dứt hoàn toàn sự chăm sóc/dùng các thuốc trợ tử,…?.

Quan điểm của những người ủng hộ trợ tử thụ động cho rằng nếu tiến hành như thế sẽ không vi phạm các tiêu chuẩn đạo đức cũng như các giá trị tôn giáo hiện hành. Pháp luật và Tòa án các quốc gia khác nhau có những qui định và từ đó có các quyết định khác nhau về xu hướng điều trị tích cực và trợ tử thụ động. Tình hình tranh cãi về bản chất của an tử thậm chí ngày càng phức tạp hơn theo thời gian. Phần đông những người theo đạo đều lên án an tử, ngay cả trợ tử thụ động cũng bị xem là tàn nhẫn, vô nhân tính. Vì vậy, dường như ranh giới của trợ tử chủ động hay bị động đã không còn trong những cuộc tranh luận này. Và cũng vì thế, các thế lực chính trị đã tranh thủ thời cơ lợi dụng vấn đề này để mưu cầu lợi ích của đảng phái của mình cũng như lôi kéo sự ủng hộ của người dân, cử tri. Thomas More (1478-1535) – một luật sư, học giả, tác giả và chính khách người Mỹ đã khẳng định rằng sự dễ dãi trong nhận thức đã tạo thuận lợi cho những người đang sống một cuộc sống nặng nề (như bị tra tấn, kéo dài đau đớn) được kết thúc mạng sống của mình. Kể từ đầu những năm 1800, cái chết êm ả là một chủ đề của các cuộc tranh luận và hoạt động chính trị tại Mỹ, Canada, Tây Âu và Châu đại dương. Ezekiel Emanuel (sinh năm 1957, Mỹ) công tác tại Viện Y tế Quốc gia đã cho biết, thời kỳ hiện đại của cái chết nhân đạo đã được mở ra bởi sự xuất hiện của thuốc gây mê. Tại New York (Mỹ) vào năm 1828, một luật chống trợ tử đã được thông qua. Đây là lần đầu tiên luật chống trợ tử được biết đến ở Mỹ. Trong những năm tiếp theo nhiều bang khác của Mỹ cũng đã xây dựng các luật chống trợ tử tương tự.

Một vụ việc điển hình liên quan đến trợ tử đã từng diễn ra ở nước Mỹ. Đó là trường hợp của Karen Ann Quinlan vào năm 1975. Người phụ nữ này bị rơi vào tình trạng hôn mê sau khi bị tai nạn ô tô và được kết luận sẽ không bao giờ phục hồi được ý thức. Các bác sĩ tin rằng cô sẽ chết nếu bị ngưng dùng máy thở oxy. Cha mẹ của cô trong hoàn cảnh tuyệt vọng vì không muốn con gái của mình kéo dài sự sống thực vật đầy đau khổ và thực sự khả năng kinh tế của gia đình cũng có hạn nên đã đề nghị Tòa án cho phép rút ống thở. Tuy nhiên Tòa án đã từ chối đề nghị này. Một cuộc chiến pháp lý đã diễn ra ròng rã suốt một năm trời sau đó và Quinlan đã được dừng máy thở vào năm 1976. Nhưng có một điều là cô vẫn sống thêm được đến 10 năm nữa, cho dù không thể hiện bất kỳ dấu hiệu nào của sự phục hồi ý thức cũng như cuộc sống và mất vào năm 1986 vì bệnh viêm phổi. Từ sau vụ việc này đã mở rộng đường cho trợ tử thụ động, các Tòa án của Mỹ đã thực thi nhiều phán quyết liên quan đến việc từ chối điều trị trong những trường hợp nhất định. Một số cơ quan lập pháp của một số bang ở Mỹ đã thừa nhận hoạt động trợ tử để giúp một người bệnh không phải kéo dài thời gian đau khổ hay sống đời sống thực vật.

Tiếp theo đó, đã có rất nhiều tranh cãi liên quan đến đề xuất ”cái chết theo yêu cầu” qua các vụ việc từ khắp nơi trên thế giới (Baird và Rosenbaum năm 1989; Cohen năm 1988; Gomez năm 1991; Kevorkian năm 1991; Scherer và Simon năm 1999;…). Nếu bác sĩ được phép, hoặc thậm chí yêu cầu, kết thúc cuộc sống một người bị bệnh nan y và đau khổ bằng cách tiêm thuốc độc hoặc các phương tiện tương tự thì liệu có nên được chấp nhận hay không? Những người ủng hộ quan điểm này lập luận rằng các cá nhân có quyền được chết cũng như quyền được sống. Xã hội không nên để họ sống trong đau khổ, tuyệt vọng nếu như họ thực sự không muốn sống như vậy. Đây được xem là thời điểm của việc cần có thái độ dứt khoát về việc có nên thoát khỏi truyền thống tư duy lạc hậu và chấp nhận sự kết thúc nhanh chóng cho người bệnh hay không và biến thái độ này trở nên phổ biến trên khắp thế giới.

Tới cuối thế kỷ XIX, khi con người đã tìm ra cách khống chế sự đau đớn, thuật ngữ quyền được chết không còn bó hẹp với ý nghĩa giúp bệnh nhân thoát khỏi đau đớn nữa, mà nó lại ám chỉ một hành động đặc biệt nhằm tạo ra cái chết của những bệnh nhân được coi là “vô phương cứu chữa”. Động thái này nhằm giúp bệnh nhân khỏi rơi vào tình trạng suy sụp khi ở vào giai đoạn cuối của những căn bệnh nan y. Từ khi xuất hiện đến nay, “cái chết êm ả” đã có những thay đổi khác nhau gắn liền với những phát triển của nền y khoa và văn minh nhân loại. Dần dần, khái niệm quyền được chết được ra đời, kéo theo nhiều vấn đề phức tạp và liên quan mật thiết với nhau. Thực ra, “cái chết êm ả” là kết quả sau cùng của “quyền được chết” của một cá nhân nào đó. Vì thế, quyền được chết và khái niệm cái chết êm ả đi liền, gắn bó hữu cơ với nhau. Thiết nghĩ, quyền được chết phải được nhìn nhận như một quyền của cá nhân và cần được sự quan tâm thích đáng của mọi giới khoa học, đặc biệt là y học và luật học.

1.1.2. Định nghĩa quyền được chết

Trên lý thuyết, chỉ khi một quyền được quy định trong Bộ Luật Dân sự mới được công nhận là quyền nhân thân một cách chính thức (hợp pháp hóa). Quyền được chết là một quyền thực tế nhưng hiện tại, chỉ có một số nước hợp pháp hóa nó với tư cách là quyền nhân thân. Nhiều nước, theo quan điểm của các nhà lập pháp và của các nhà khoa học đã ngầm thừa nhận quyền được chết là quyền nhân thân nhưng chưa quy định trong pháp luật của mình. Khi chưa được công nhận về mặt pháp luật, một người thực hiện hành vi nhằm hiện thực hóa quyền được chết (trợ giúp tự tử, thực hiện trực tiếp đưa bệnh nhân “ra đi” (chết)) được quy vào một số tội: giết người, giúp người khác tự sát, không cứu giúp người bị nạn…[2]

Quyền được chết, một khi đã được công nhận sẽ có các khái niệm liên quan như: trợ giúp tự tử, tình trạng bệnh giai đoạn cuối, bệnh vô phương cứu chữa, tình trạng y tế không lối thoát, an tử tự nguyện. Hà Lan là quốc gia đầu tiên công nhận hành vi tự tử dưới sự trợ giúp của bác sỹ. Gần 10 năm sau, những hành vi như vậy mới được hợp pháp hóa trong Luật An tử. Nước này không dùng khái niệm an tử tự nguyện (voluntary euthanasia) mà chỉ dùng khái niệm an tử (euthanasia) bởi theo họ, cái chết êm ả là đã phải bao hàm sự tự nguyện, nếu không có sự tự nguyện thì không thể gọi là an tử. Sự tự nguyện ở đây cần hiểu theo hai hướng:

Ø Tự nguyện được thực hiện cái chết êm ả khi còn tỉnh táo, có thể biểu lộ ý chí cá nhân của mình;

Ø Tự nguyện chỉ định người đại diện cho mình trong trường hợp lúc rơi vào giai đoạn không ý thức, không biểu lộ được ý chí. Người này sẽ có quyền quyết định mọi vấn đề liên quan đến việc chữa bệnh của bệnh nhân.

Theo chúng tôi, với những mục đích tốt đẹp của quyền được chết thì nên gọi “cái chết êm ả” là “cái chết nhân đạo” mới đúng. Khái niệm này phản ánh đúng tính chất của hành vi và tránh khỏi những suy luận hiểu nhầm không đáng có. Hiện nay chưa có định nghĩa cụ thể về quyền được chết. Giới khoa học hầu như chỉ tập trung vào việc xem xét xem nó có phù hợp với quốc gia mình hay không. Tuy nhiên, nếu dựa vào nội dung của quyền được chết hiện nay được đa số quan điểm đồng tình và theo các đạo luật của các nước đã thông qua “cái chết êm ả” thì có thể rút ra định nghĩa quyền được chết như sau:

Quyền được chết là một quyền nhân thân của người đã thành niên đang phải chịu sự đau đớn về thể chất hoặc tinh thần kéo dài và không thể chịu đựng được sau một tai nạn hay một bệnh lý không thể cứu chữa, rơi vào tình huống y tế không lối thoát.

Qua các phân tích và định nghĩa trên có thể thấy một số đặc điểm của quyền được chết như sau:

- Quyền được chết là một quyền nhân thân của mỗi con người.

- Chủ thể có quyền này đa phần phải là người đã thành niên, đang chịu sự đau đớn kéo dài do bệnh tật hoặc tai nạn; mục đích của quyền được chết là giúp người bệnh được kết thúc cuộc sống một cách nhanh nhất và an toàn nhất theo mong muốn.

- Hành động của quyền được chết bao gồm cả nội dung trợ tử bên trong.

- Quyền này có thể được thực hiện thông quá chính người đó hoặc người đại diện.

1.2. Phân loại phạm vi thực hiện quyền được chết

Thứ nhất, về phạm vi các loại bệnh nhân.

Đến nay, về việc phân loại bệnh nhân trong cái chết êm ả còn nhiều quan điểm khác nhau, tồn tại ở các nước đã công nhận và chưa công nhận quyền được chết. Do đó, có nhiều dạng bệnh nhân được đề cập. Tuy nhiên, giới y học hầu hết thống nhất có 2 dạng bệnh nhân:

- Những trường hợp chết não: “tình trạng toàn não bộ bị thương tổn nặng, chức năng của não đã ngừng hoạt động và người chết não không thể sống lại được”[3]. Bệnh nhân sống hoàn toàn nhờ vào các biện pháp hỗ trợ như hô hấp, tuần hoàn và nuôi dưỡng nhân tạo… nếu rút máy thì coi như sự sống chấm dứt.

- Trường hợp người bệnh mất ý thức kéo dài và không có khả năng hồi phục. Trường hợp này bệnh nhân có sống cũng chỉ là gánh nặng của gia đình (bản thân họ không còn biết khổ hay sướng). Đôi lúc người bệnh biểu lộ được ý chí của mình và hoàn toàn không sống nhờ các biện pháp nhân tạo. Trường hợp này bao gồm cả bệnh nhân chịu nhiều đau đớn kéo dài nhưng không mất ý thức thường xuyên.

Nguyên nhân dẫn đến các tình trạng trên có thể là sau một tai nạn hay bị mắc bệnh hiểm nghèo, vô phương cứu chữa. Bệnh nhân có thể yêu cầu trực tiếp việc thực hiện cái chết êm ả (chủ động) hoặc việc yêu cầu do người thân của bệnh nhân thực hiện (bị động).

Hà Lan còn quy định cái chết êm ả đối với trẻ em. Những bệnh nhân từ 12 đến 16 tuổi cũng có quyền được chết êm ả nếu có sự đồng ý của cha mẹ. Đối với trẻ trên 16 tuổi, ý kiến gia đình là không cần thiết[4]. Tuy nhiên, với những quy định này, luật quy định rất chặt chẽ và giới hạn hành vi. Nhìn chung, đa số đều chống lại an tử đối với trẻ em nên chủ yếu vẫn là 2 dạng bệnh nhân ở trên.

Thứ hai, về cách thức thực hiện

Có 2 cách thức như sau:

Thứ nhất, Cái chết êm ả chủ động: Bác sĩ trực tiếp gây tử vong theo yêu cầu của bệnh nhân (tiêm thuốc…)

Thứ hai, Cái chết êm ả thụ động: Không điều trị. Bác sỹ ngưng mọi biện pháp kéo dài sự sống đối với bệnh nhân (rút ống dẫn…).

Ngoài ra còn một hành vi là tự tử dưới sự trợ giúp của bác sỹ. Hành vi này về mặt hình thức có điểm khác với 2 hình thức trên như: có thể chỉ là sự tư vấn, người bệnh tự rút ống dẫn… Bác sỹ không trực tiếp thực hiện hành vi mà chỉ là trợ giúp.

1.3. Tiêu chí pháp luật của quyền được chết

1.3.1. Tính hợp pháp của hành vi

Cần phải khẳng định rằng hành vi thực hiện quyền được chết là hành vi hợp pháp trong đa số trường hợp (trừ khi pháp luật quy định cấm hành vi của quyền được chết vì chưa công nhận). Bác sỹ thực hiện hành vi của quyền được chết hoàn toàn dựa trên yêu cầu của bệnh nhân và theo những quy trình nghiêm ngặt do luật định. Như vậy, nếu luật pháp không cấm hay cho phép thì hành vi thực hiện quyền được chết là hoàn toàn hợp pháp và cần phân biệt nó với các hành vi khác có liên quan để tránh sai sót trong việc xét xử các vụ án.

1.3.2. Phân biệt hành vi thực hiện quyền được chết với các hành vi khác có liên quan

Một trong những lý do để có nhiều tranh cãi về quyền được chết là nhận thức sai về hành vi của bác sỹ trong việc thực hiện cái chết êm ả. Chúng ta có thể phân biệt nó với các hành vi sau:

Thứ nhất, hành vi tự sát.

Hành vi thực hiện quyền được chết có thể được tiến hành bởi chính bác sỹ và chính bệnh nhân (dưới sự trợ giúp của bác sỹ). Việc thực hiện tự sát do bác sỹ thực hiện rõ ràng hoàn toàn khác vói việc tự sát do chính chủ thể thực hiện. Hình thức tự sát do chính tay bệnh nhân thực hiện có sự hỗ trợ của bác sỹ có điểm phân biệt với hành vi tự sát là điều kiện sống của bệnh nhân đó không được đảm bảo nữa do đang ở giai đoạn cuối của bệnh vô phương cứu chữa, chịu nhiều đau đớn. Còn hành vi tự sát do chính người tự sát thực hiện và có thể do sự quẫn bách về tinh thần hay sai lệch về ý chí, không chỉ đơn thuần gắn với quyền được chết. Nếu một bệnh nhân mắc bệnh vô phương cứu chữa tự mình tìm đến cái chết, không có sự trợ giúp của bác sỹ hay của ai đó thì không hội tụ đủ những yếu tố cấu thành việc thực hiện quyền được chết. Do đó, hành vi này cũng chỉ được coi là hành vi tự sát.

Thứ hai, đối với Tội giúp người khác tự sát.

Điều 101 Bộ Luật Hình sự Việt Nam năm 1999 có quy định Tội xúi giục hoặc giúp người khác tự sát[5]. Về hành vi xúi giục người khác tự sát rõ ràng khác hành vi thực hiện quyền được chết bởi trong việc thực hiện quyền được chết, bác sỹ chỉ làm theo yêu cầu của bệnh nhân chứ không xúi giục bệnh nhân. Do đó, chúng ta chỉ phân biệt hành vi thực hiện quyền được chết với hành vi giúp người khác tự sát. Về hình thức, hành vi giúp người khác tự sát có nhiều loại và đa dạng về chủ thể. Ví dụ: một người sống thực vật bằng bình dưỡng khí yêu cầu được chết chỉ cần rút bình ôxy ra khác xa với việc giúp một người thắt cổ tự tử. Chủ thể thực hiện việc kết thúc sự sống của bệnh nhân để người này thực hiện quyền được chết phải là bác sỹ, còn trong việc giúp người tự sát thì phạm vi chủ thể tham gia thực hiện rộng hơn nhiều. Hơn nữa, điều kiện tình trạng của bệnh nhân trong quyền được chết là điểm mấu chốt để phân biệt với các hành vi khác.

Thứ ba, đối với Tội giết người.

Trong hành vi giết người, cái chết xảy ra không có sự đồng ý của nạn nhân còn trong hành vi của bác sỹ khi giúp một người thực hiện quyền được chết thì có sự đồng ý của bệnh nhân. Tuy nhiên, ở các nước chưa hợp pháp hóa quyền được chết, việc bác sỹ thực hiện an tử theo yêu cầu của bệnh nhân/gia đình của bệnh nhân thường bị xem là hành vi giết người, đi ngược lại với chức năng của một người thầy thuốc. Bên cạnh đó, tại Hoa Kỳ đã có những trường hợp Tòa án xét xử bác sỹ thực hiện hành vi có liên quan đến an tử với tội danh giết người (cho dù bệnh nhân có giấy đề nghị yêu cầu bác sỹ thực hiện an tử). Nguyên nhân của những vấn đề này có thể xuất phát từ quan niệm của các nước có sự nhìn nhận sai lầm về bản chất của an tử.

Cũng có quan điểm cho rằng, tình tiết tăng nặng “giết người thuê” tại điểm m, khoản 1, Điều 93 Bộ luật Hình sự Việt Nam 1999[6] có điểm giống với hành vi của quyền được chết. Thực chất không khó để phân biệt hành vi giết người với hành vi thực hiện quyền được chết bởi người giết thuê thực hiện hành vi này vì lợi ích của bản thân, còn trong việc giúp thực hiện quyền được chết, người thực hiện phải là bác sỹ, vì mục đích tốt đẹp, theo những quy định nghiêm ngặt của pháp luật hiện hành.

Thứ tư, hành vi theo Luật phòng, chống nhiễm virút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) (Luật phòng, chống HIV/AIDS) năm 2006 của Việt Nam.

Luật phòng, chống HIV/AIDS năm 2006 của Việt Nam quy định quyền của người nhiễm HIV: “từ chối khám bệnh, chữa bệnh khi đang điều trị bệnh AIDS giai đoạn cuối”[7]. Có nhiều người cho rằng đây là một dạng của cái chết êm ả nhưng đây là quan điểm không đúng. Tuy cũng vì mục đích nhân đạo, không để người bệnh trải qua những đau khổ quá lớn đối với khả năng chịu đựng của họ nhưng điều khoản này không giống với luật “cái chết êm ả” đã được thực hiện ở một số nước. Trong quy định này của Luật Phòng, chống HIV/AIDS, y, bác sỹ không chủ động ngừng cuộc sống của bệnh nhân mà chỉ chấp thuận theo nguyện vọng thôi điều trị của họ, để họ không kéo dài những ngày tháng đau đớn về thể xác. Hành vi này cũng giống với việc người thân của người bệnh sắp chết xin bệnh viện cho đưa về nhà. Việc này khác quyền được chết. Bệnh viện không vi phạm pháp luật nếu bệnh nhân không còn hy vọng gì nữa, gia đình cũng không có khả năng kinh tế để tiếp tục điều trị nên xin cho về nhà tìm cách khác hay ngừng chữa trị và có cam kết rằng: bệnh viện sẽ không chịu trách nhiệm nếu có bất cứ chuyện gì thì bệnh viện không phạm luật trong trường hợp này. “Y tế cho về nhà không phải cho bệnh nhân chết mà là vì quan hệ tình cảm giữa người sắp chết với người thân: gặp lần cuối, có chết thì chết ở nhà, vấn đề tín ngưỡng, tập quán”[8]… Đây cũng là một điểm tiến bộ của Luật phòng, chống HIV/AIDS của Việt Nam so với thế giới.

Việc phân biệt như trên rất có ý nghĩa trong thời điểm hiện nay khi hầu hết các quốc gia đều chưa cho phép và thông qua luật về quyền được chết. Việc phân biệt này càng có ý nghĩa trong việc nghiên cứu, xây dựng Luật An tử.

1.4. Ý nghĩa của vấn đề thực hiện quyền được chết hiện nay

1.4.1. Ý nghĩa pháp lý

Từ khi khái niệm quyền được chết ra đời đến nay đã có rất nhiều cuộc chiến pháp lý trên thế giới. Công nhận hay không công nhận quyền được chết là một vấn đề lớn và đặc biệt gây nhiều tranh cãi. Việc giải quyết vấn đề thừa nhận quyền được chết có ý nghĩa sau: Thứ nhất, nếu quyền được chết chưa được công nhận thì những những cuộc chiến pháp lý vẫn kéo dài. Các vụ việc liên quan đến quyền được chết luôn rơi vào bế tắc, không lối thoát do tồn tại những quan niệm chưa đầy đủ về việc thực hiện quyền được chết. Một thực tế nữa là các vụ việc về thực hiện cái chết êm ả không chỉ giới hạn trong lĩnh vực y học mà còn liên quan đến nhiều lĩnh vực khác dẫn đến nhiều phức tạp; Thứ hai, quyền được chết nếu được công nhận thì thực tiễn pháp luật sẽ không phải hứng chịu những cuộc chiến không lối thoát do những người muốn được chết êm ả thực hiện hành vi tự sát bởi sự trợ giúp của bác sỹ. Khi pháp luật đã có quy định cho phép thực hiện hành vi của quyền được chết, việc xét xử các vụ án có liên quan trở nên dễ dàng hơn. Quan trọng nhất là sẽ hạn chế đi những trường hợp xét xử không đúng với bản chất vụ án.

1.4.2. Ý nghĩa xã hội

Hành vi thực hiện quyền được chết có ý nghĩa xã hội rất lớn với những mục đích hết sức tốt đẹp. Khi sự sống của bệnh nhân không còn được đảm bảo: mắc bệnh vô phương cứu chữa, đang phải chịu đựng đau đớn kéo dài… thì an tử theo yêu cầu là cách thức hợp lý nhất. Việc này không chỉ tốt cho bệnh nhân mà còn tốt cho gia đình, xã hội. Người bệnh được ra đi thanh thản, chấm dứt những ngày tháng chịu đựng đau đớn. Gia đình bệnh nhân không phải chịu những tốn kém không đáng có và xã hội tránh được các cuộc tranh luận lâu dài, gay gắt về vấn đề này. Đó là ý nghĩa của một “cái chết nhân đạo”.

MỘT SỐ KẾT LUẬN

Thứ nhất, qua nghiên cứu cho thấy, quyền được chết là một vấn đề rất nhạy cảm, nhất là về mặt chính trị. Vì vậy, việc tìm hiểu, đánh giá quyền này cần được xem xét thận trọng từ nhiều khía cạnh khác nhau. Đời sống xã hội luôn có những biến động mà các nhà nghiên cứu cần thường xuyên quan sát để thu thập những dữ liệu phục vụ cho hoạt động nghiên cứu, đánh giá. An tử, quyền được chết không phải là vấn đề thời đại hiện nay nhưng bản thân chúng là vấn đề khó: khó lý giải, khó thuyết phục và khó được chấp nhận. Bên cạnh đó, hướng nghiên cứu về quyền được chết cần được nhân rộng hơn nữa ở các quốc gia đang phát triển, các quốc gia Châu Á như Việt Nam bởi thực sự việc bảo vệ, nâng cao nhân quyền luôn là vấn đề đang ngày càng được quan tâm.

Thứ hai, qua quá trình nghiên cứu đã xây dựng được khái niệm quyền được chết và thu được những kết quả nhất định cho mục đích tìm hiểu về quyền được chết. Kết quả nghiên cứu cũng khẳng định việc xây dựng Luật An tử ở Việt Nam là vấn đề tương lai và thực sự cần rất nhiều điều kiện đảm bảo. Quyền được chết, dù có triển vọng được nhiều quốc gia công nhận là quyền nhân thân, vẫn là một chặng đường còn khá dài ở phía trước. Tuy nhiên, thực tế cũng đã chứng minh rằng số lượng các nước chấp thuận quyền được chết và xây dựng Luật An tử đang có xu hướng tăng dần trong các năm qua. Dĩ nhiên, ngay tại các quốc gia này, cuộc đấu tranh lập pháp cũng như chính trị đã diễn ra rất mạnh. Điều đó cũng chứng minh cho chúng ta thấy rằng, chấp nhận quyền được chết như một quyền nhân thân không phải là vấn đề đơn giản song không phải là không có triển vọng thực tế.

Thứ ba, những vấn đề đặt ra dưới góc độ lý luận khi tiếp tục nghiên cứu vấn đề quyền được chết. Đây là những vấn đề có tính chất gợi mở cho những hướng nghiên cứu trong thời gian tới về vấn đề khá phức tạp này:

- Nghiên cứu phát triển nền văn hoá về sinh tử: an tử và trợ tử. Có thể nhận thấy, nếu như sự sống của con người cần có văn hóa thì sự chết cũng cần có văn hóa. Văn hóa được thể hiện trong việc tuân thủ pháp luật liên quan đến an tử, xem xét đầy đủ dưới mọi khía cạnh, góc độ gia đình, xã hội để đi đến quyết định kết thúc cuộc sống của bản thân mình. Một nền văn hóa toàn diện nên có sự thống nhất từ sự sống đến sự chết.

- Chuẩn bị những khía cạnh tâm lý cho các nhà lập pháp, cho các bác sỹ trong việc thực hiện quyền được chết. Đây là một quá trình phức tạp cho đến nay chưa được nghiên cứu toàn diện được trong điều kiện hiện tại ở Việt Nam. Yếu tố tâm lý của các đối tượng ở đây bị tác động bởi rất nhiều vấn đề: chính trị, đảng cầm quyền, sức ép dư luận, điều kiện kinh tế, xã hội,… Mỗi xã hội với mỗi chế độ chính trị và đặc thù xã hội khác nhau sẽ dẫn đến những tâm lý khác nhau của các chủ thể khác nhau. Nếu như phân định được những dạng tâm lý này sẽ góp phần rất lớn vào việc xây dựng các quy định về an tử.

- Nâng cao vấn đề nhân quyền, hoàn thiện chế định quyền nhân thân. Nghiên cứu quyền được chết cũng chính là nghiên cứu hoàn thiện chế định quyền nhân thân trong hệ thống pháp luật dân sự của mỗi quốc gia. Vì vậy, việc nghiên cứu phải luôn đặt trong mối quan hệ với quyền nhân thân, hướng theo những đặc điểm của quyền nhân thân.



[1] Euthanasia in history, euthanasia.com.


[2] Sẽ làm rõ hơn ở phần sau.


[3] Theo khoản 9, điều 3, Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác Việt Nam ngày 29/11/2006.


[4] Theo Vnexpress.net ngày 11/04/2001.


[5] Theo Bộ Luật Hình sự 1999, NXB.Chính trị quốc gia năm 2006.


[6] Xem Bộ Luật Hình sự 1999, tlđd


[7] Xem điểm đ, khoản 1, Điều 4, Luật phòng, chống HIV/AIDS năm 2006 của Việt Nam.


[8] Trích bài trả lời phỏng vấn báo Tuổi trẻ online ngày 24/11/2004 của PGS.TS Trương Văn Việt (Giám đốc bệnh viện Chợ Rẫy, TP.Hồ Chí Minh).


Nếu tự do thôi thúc con người đấu tranh cho quyền sống, thì đấu tranh cho quyền sống, trong một giới hạn, cũng bao gồm quyền được chết.

Một hai tuần nay, câu chuyện thương tâm của Terri Schiavo lại xuất hiện trên trang nhất báo chí, trên truyền hình giờ cao điểm, và đè nặng trên tâm tư của dư luận quần chúng. Cho đến lúc này, tối chủ nhật 27 tháng 3 năm 2005, Terri Schiavo đã bị bỏ đói 9 ngày, 9 ngày không một giọt nước. Mọi vận dụng nối lại đường dẫn thức ăn vào cơ thể cho Terri Schiavo đã cạn kiệt, mọi nỗ lực xem như không còn cần thiết, vì Terri Schiavo đang thở những hơi cuối cùng, đang tiêu dùng chút dự trữ cuối cùng của thân xác, phấn đấu để tồn tại như một bản năng trước khi xuôi tay, nhắm mắt đầu hàng một số phận tàn nhẫn của kiếp người.
Quyền được chết- Right to die

15 năm trước, một người đàn bà có chồng, tên Terri Schiavo, 26 tuổi, sống ở vùng Tampa, Florida, mang chứng nhiễu loạn dinh dưỡng, bị tim ngừng đập khá lâu vì lượng Potassium trong máu xuống quá thấp. Terri được cứu sống. Bà không chết, nhưng não bộ của bà đã chết, và từ đó, từ năm 1990, Terry sống cuộc sống cỏ cây, sống mà như đã chết, sống mà không biết rằng mình đang sống, không nhận biết ngoại cảnh, không nói, không suy nghĩ, không hiểu, không phản ứng. Terry vẫn thở, tim Terry vẫn đập, vẫn có lúc mở mắt, có lúc khóc, lúc cười, lúc nhăn mặt, lúc quờ quạng tay chân, lại có lúc như ngũ say. Terry không nhai, không nuốt được, không kiểm soát được các hoạt động bài tiết tiêu, tiểu,... Ðó là hình thức sống vô thức, mà danh từ y học gọi là tình trạng thực sinh dai dẵng (persistent vegetative state, PVS) do bởi não bộ đã chết, nhưng phần cuống não vẫn còn hoạt động đủ để duy trì các tác động cơ bản của sự sống. Trong trường hợp này, tim Terry vẫn đập, phổi vẫn thở được mà không cần đến các dụng cụ trợ sinh. Cuộc sống của bà chỉ trông nhờ vào vài lít nước biển và các chất dinh dưỡng được bơm vào cơ thể hàng ngày. Chồng bà, với tư cách giám hộ theo luật định, qua nhiều năm đã không ngừng xin án tòa cho phép được ngưng chuyền nước và thức ăn vào cơ thể của Terry, để chấm dứt tình trạng sống dở, chết dở của vợ. Nhưng cha mẹ bà không chịu. Cuối cùng, môt ông tòa ra phán quyết cho phép chấm dứt cuộc sống của Terry. Thức ăn được ngừng bơm vào cơ thể của Terry trong 6 ngày. Cha mẹ của Terry kiện lên quốc hội, và các nhà làm luật tiểu bang đã cấp tốc thông qua một dự luật khẩn cấp, bất thường chống lại phán quyết cùa tòa án. Ngày 21 tháng 10, 2003, thống đốc Jeff Bush của Florida ký ban hành luật. Ống chuyền thức ăn được nối trở lại, kéo dài kiếp sống thực sinh của Terri. Tổng thống George W. Bush ủng hộ quan điểm của ông Bush em.

Từ đó đến nay, Michael Schiavo, người chồng của người đàn bà bất hạnh đó vẫn không ngừng tìm xin một án lệnh tòa án để chấm dứt tình trạng sống thê thãm của người vợ. Về phương diện pháp lý, cũng như về phương diện tình cảm, Michael Schiavo là người độc nhất trách nhiệm về cuộc sống của người vợ, và trong trường hợp bình thường, một yêu cầu như thế dễ được thỏa mãn nếu được bác sĩ điều trị và luật y xác nhận chính đáng. Nhưng trong trường hợp này, suốt 7 năm qua, 19 ông tòa tiểu bang Florida đã xét qua hồ sơ nội vụ, đã đồng ý với quyết định chấm dứt mọi nỗ lực trợ sinh nhằm kéo dài cuộc sống của Terri Schiavo, nhưng lần nào cũng vậy, các phán quyết đều bị chống đối, và bị chống án tại các tòa trên..

Phải có một cái gì đó bất ổn trong trường hợp Terri Schiavo. Tiền, tình, hay luật lệ thiếu rõ ràng? Có thể là cả ba.

Năm 1992, tòa xử hai bác sĩ có liên hệ trong nỗ lực hồi sinh Terri Schiavo phải bồi thường một số tiền cho Terri với tội danh thiếu cẩn trọng. Michael được chia $300,000. Số còn lại được dùng cho mọi nhu cầu bình thường và y tế của Terri, (số tiền này nay cũng đã gần cạn). Trong ngày lễ tình yêu năm 1993, Michael, ngày đó còn sống chung với cha mẹ vợ, bị áp lực phải chia tiền . Michael từ chối. Mọi liên hệ giữa Michael và gia đình Schindler từ đó chấm dứt. Và cũng từ đó, Terri trở thành nạn nhân cho mọi tranh chấp giữa chồng và cha mẹ. Cả hai phía đều nhân danh tình thương cho một người đang nằm đó để hành hạ lẫn nhau, không ai chịu nhường ai. Mười lăm năm qua rồi, tình thương cũng đã chịu nhiều thử thách, đã mõi mệt, nhưng hận thù thì cứ mãi còn đó, mãi chen lấn vào đời sống của mọi người. Ngày nay, Michael đã chung sống với một người đàn bà khác, đã có hai con, nhưng vẫn chưa thể làm giá thú với người này, vì những ràng buộc luật pháp chưa giải quyết được. Michael càng muốn dứt khoát với người vợ cũ, thì càng bị chống đối bởi gia đình vợ.

Mặt khác, tình trạng y lý của Terri Schiavo cũng đang là một tranh cãi. Terri vẫn còn sống, đó là một điều chắc chắn. Sống trong tình trạng thực sinh, hay trong một tình trạng ý thức tối thiểu (minimally conscious state), thì lại là một điều khác. Những ai theo dõi truyền hình đều có cảm giác Terri vẫn còn là một sinh vật có ý thức, có một chút biểu lộ tình cảm: bà mở mắt nhìn theo người thân, cố vận dụng bắp thịt trên mặt để nở một nụ cười, dầu cho những cố gắng đó chỉ thoáng qua. Nhìn Terri, mọi người vẫn có cảm giác nhìn một người sống. (Phúc trình của bác sĩ William Cheshire, chuyên viên thần kinh học tại y viện Mayo:...yet the visitor has the distinct sense of the presence of a living human being who seems at some level to be aware of some things around her). Và nếu Terri Schiavo vẫn sống, vẫn còn chút ý thức, thì mọi hành vi trợ tử, hay mọi việc làm có chủ ý chấm dứt cuộc sống của bà, dầu được pháp luật cho phép, là hành vi sát nhân, vì quyền được tìm cái chết không thể là quyền được ủy thác. Michael Schiavo không thể viện dẫn ý nguyện của Terri ngày còn trẻ, mong được chết không đau đớn, để ngày hôm nay bức tử người vợ. 15 năm trước, ở tuổi 26, đang độ thanh xuân, có ai nghĩ đến cái chết, có ai nghĩ đến viết một living will. Ðiều bi thảm là ở chỗ đó. Không phải chỉ bi thảm riêng cho trường hợp của Terri Schiavo, mà cho bất cứ một ai khi phải đối diện với cái tàn nhẫn của định mệnh. Cầu mong cho Terri chết đi, là một thôi thúc sâu xa của lòng nhân ái, nhưng bỏ đói Terri cho đến chết là một hành vi độc ác, chắc chắn còn vô nhân hơn chích độc dược cho người tử tù.

Chính vì lý do đó, sau khi Terri Schiavo bị ngưng chuyền nước và thức ăn vào ngày thứ sáu 18 tháng 3 vừa qua, quốc hội đã nhân danh hiến pháp, nhân danh quyền sống của con người, cấp thời can thiệp. Ðó là một nỗ lực song đảng, bipartisan, đệ trình dự luật cho phép cha mẹ của bà Terri yêu cầu tòa liên bang xét lại quyết định của tòa dưới để mở ra một cơ hội sống cho Terri. Tác giả dự luật, dân biểu Texas Tom Delay, gọi tên dự luật là Thỏa hiệp chủ nhật lễ lá, Palm Sunday Compromise, vì được hình thành trong ngày chủ nhật lễ lá. Tất cả dân biểu và nghị sĩ được gọi về DC trong ngày thứ sáu. Thứ bảy, thượng viện thông qua dự án luật. Tổng thống Bush ngưng ngang cuộc nghỉ lễ tại nông trại Crawford, trở lại Hoa thịnh đốn ngày chủ nhật. Ðồng hồ vừa nhích qua ngày thứ hai, hạ viện thông qua dự luật với đa số tuyệt đối, và luật được tổng thống ký ban hành ngay sau đó. Trong trường hợp này, sự can thiệp của lập pháp và hành pháp vào các quyết định tư pháp không phải là một vi phạm nguyên tác phân quyền, cũng không phải là một sự dẫm chân vào nguyên tắc thượng tôn địa phương. Cũng không phải là một quyết định chính trị, dẫu hậu quả sẽ nặng tính chính trị về sau. Bỏ qua mọi tranh cải và kết buộc, những thôi thúc đằng sau phải được xem như là một phản ứng của lương tâm khi người có trách nhiệm phải đối diện với một hành vi giết người. Chỉ tiếc mọi nỗ lực của hành pháp và lập pháp đã không thay đổi được cuộc diện, chánh án tòa liên bang James Whittemore, ngay ngày thứ hai 22 tháng 3 đã bác bỏ lời yêu cầu của ông bà Schindler. Những nỗ lực kế tiếp sau đó cũng thất bại. Xin đừng tranh cải, vì mỗi người có cái lý riêng. Và ngay cả người trong cuộc, cũng có những lý do hành động riêng, những biến thái tình cảm riêng.

Bây giờ thì đôi mắt của Terri Schiavo đã thất thần, lõm sâu hơn, môi khô cằn lại, da dẻ nhăn nhúm hơn, hơi thở mệt nhọc hơn vì thiếu nước và cạn dinh dưỡng. Rồi bà sẽ lịm dần, rồi tim sẽ ngưng đập vĩnh viễn, bà sẽ từ bỏ cuộc đời ra đi, yên phận nghỉ ngơi, bỏ lại đàng sau mọi hận thù, bỏ cả nụ cười và tiếng khóc lại cho nhân thế. Nhưng bà chết yên phận bà, mà chuyện của bà chưa hết, vì người sống vẫn chưa học được thói quen sống trong phẩm giá, chưa bỏ được thói quen chia phần trên xác chết, nên vì vậy, vẫn chưa giành được cái quyền được chết trong phẩm giá, a death with Dignity.

Cái câu chuyện sống, và chuyện chết đó không có chi mới lạ. Vấn đề ở đây là quyền được chết, right-to-die, của con người. Cái quyền đó, cho đến nay vẫn chưa được giải quyết thõa đáng.

Một thi sĩ, tôi không còn nhớ tên, viết bài thơ, trong đó có câu "Ði với về cùng một nghĩa như nhau". Tôi không nhớ trọn bài thơ, cũng không rõ tác giả muốn nói gì qua câu đó. Chỉ biết cái chuyện đi, về có lúc lẩn vẩn trong tôi như chuyện đến rồi đi trong cỏi tạm. Lẩn vẩn như một vấn đề nhân sinh lớn, một ám ảnh dằn vặt kiếp người. Chuyện sống chết, thật sự, khác nhau nhiều lắm. Chỉ đến một lúc nào đó, con người phải gượng ép chấp nhận cái lý vô thường để lý giải sự việc, vấn đề lúc đó sẽ trở nên một thái độ triết lý, để tự tìm cho mình một chấp nhận bình thản trước cái chết. Muốn hay không cũng vậy mà thôi.

Nếu cuộc sống con người là một mặc khải của thượng đế. Thì những gì con người có được là đều do thượng đế ban cho. Vào lúc cuối đời, là lúc trả lại tất cả: trả lại tuổi thanh xuân, sự hăng say, tình yêu, hạnh phúc, sự tinh anh, sắc bén, lòng nhạy cảm, và ý sống. Tóc sẽ bạc trắng, rụng dần, mắt mờ, tai nghểnh ngãng, mũi không còn biết mùi vị, răng không còn mạnh để nhai, phổi không còn trong để lọc khí trời, tim không còn mạnh để rung động, chân không còn vững để cất bước,...Cuối cùng, cái còn lại chỉ là những bất khả, bất lực. Một nỗi bi thương. Ðến lúc đó, chấp nhận cái chết như một điều tự nhiên là hành vi can đảm độc nhất, là cơ hội còn sót lại trong đời sống để mỗi người chứng tỏ cái xứng đáng của mỗi cá nhân trong cỏi nhân sinh. Nhưng cái chết không chỉ đến với tuổi già, và quả thật mơ hồ khi không được sửa soạn.

Còn chi một khi nhắm mắt, xuôi tay. Trong thực tế, từ chỗ chấp nhận cái chết như một đương nhiên, cho đến lúc phải đối diện với cái chết, và biết rằng mình sắp chết là hai chuyện khác nhau nhiều lắm. Ðến lúc đó mới thấy được sự sống quý giá đến chừng nào, và cái chết chỉ là những thê lương tột cùng của cỏi ý thức mà thôi.

Bỏ qua, không nói đến những luận thuyết, những suy tư nặng tính siêu hình, triết lý hay tôn giáo, nhân sinh về cái chết, thì chết (death) và cái chết, hay con đường dẫn đến (dying) , thực tế tự nó, trong ý nghĩa thuần thực nghiệm, cũng đã quá phức tạp.

Từ ngàn xưa, chết là hậu quả của tim ngừng đập, phổi ngưng thở. Xác định đó đầy đủ và chính xác nhất, dầu định nghĩa của chữ chết có thể không đơn giản như vậy, vì tính thực nghiệm không thể tồn tại nếu không có những liên đới và hổ trợ của các ngành khoa học tâm linh. Nhưng từ những năm '60 của thế kỷ 20, những tiến bộ y học, với phát minh các máy trợ sinh ( life-support technology ), và các nguyên tắc cấp cứu được hệ thống hóa và phổ biến ( CPR, cardiorespiratory resuscitation ), các bác sĩ đã có thể giữ cho tim vẫn đập, phổi vẫn làm việc để đưa dưỡng khí đến nuôi dưỡng của các mô, bào, thì cái định nghĩa rất rõ ràng và đầy đủ này đã được xét lại vì không còn hoàn toàn đúng để có thể áp dụng cho mọi trường hợp tử vong. Vì tim đập, phổi làm việc không làm con người tỉnh lại, và có ý thức. Do vậy, từ đầu thập niên '80, sự sống được định nghĩa bằng hai yếu tố: tim, phổi còn làm việc, và não bộ còn sống. Và định nghĩa về cáiï chết được xác định lại như sự ngừng đập của tim, phổi ngừng thở hay não bộ ngưng hoạt động ( loss of all independent lung and heart functions, or irreversible cessation of all functions of the entire brain ). Sở dĩ có sự phân biệt rõ ràng như vậy vì có nhiều trường hợp não bộ đã chết, nhưng tim, phổi vẫn làm việc, hoặc nhờ máy trợ sinh, hoặc do sự hoạt động dai dẵng của hệ thần kinh tự trị (* dinh dưỡng). Như vậy, sống là mọi hoạt động của cơ thể nhằm giữ cho con người có ý thức, và chết chỉ là một sự chuyển thái sinh lý tâm thức từ cỏi ý thức qua vô thức. Tình trạng sống vô thức được xem là tình trạng sống như thực vật, mà tôi tạm dịch là tình trạng thực sinh từ danh từ y học permanent vegetative state.

Ðiều bi thảm trong triết học, cũng như sinh học, không phải là sống hay chết, nhưng là tình trạng chết trong khi còn đang sống. Ðó là tình trạng living death.

Năm 1975, một cô gái 21 tuổi, có tên là Karen Ann Quinlan bị kích ngất đến độ hôn mê vì uống rượu trộn chung với thuốc an thần. Cô được cứu sống nhờ các máy trợ sinh, nhưng não cô đã chết. Từ đó cô sống trong một tình trạng thực sinh dai dẵng. Cha mẹ cô cho rằng thật sự cô đã chết, và trong nhiều năm, không ngừng xin án lệnh tòa để ngưng các phương tiện trợ sinh. Nhưng các bác sĩ trong bệnh viện, dẫu rất thông cảm với gia đình, vẫn cho rằng cô chưa chết.Vụ tranh chấp quanh cái chết hay cái sống của cô kéo dài nhiều năm. Cuối cùng, một tòa án tại New Jersey ra phán quyết cho phép ngưng máy trợ sinh. Máy được ngưng, nhưng khốn khổ thay, tim, phổi cô vẫn hoạt động. Mười năm sau, Ann Quinlan mới thực sự được chết trong một nhà dưỡng lão vì bệnh sưng phổi. Tại Mỹ, hiện tại có khoảng từ 14,000 cho đến 35,000 người đang sống trong tình trạng thực sinh dai dẵng này. Vụ án Ann Quinlan đã khơi dậy vấn đềø quyền được chết, right-to-die. Người sống có được quyền có tiếng nói trong cái chết của mình, có quyền chấp nhận hay từ chối các trị liệu y khoa, đặc biệt trong giai đoạn cuối đời đau ốm, bệnh hoạn triền miên (?). Nhờ vụ án Ann Quinlan, người sống ngày nay có quyền lựa chọn cho mình một cái chết êm đẹp, có thể viết lại ước muốn của mình (living will), hay cũng có thể từ chối mọi nỗ lực cứu sống, bằng cách ký vào văn kiên DNR (Do Not Resuscitate). Trong trường hợp người bệnh không còn đủ tỉnh táo để quyết định, gia đình, thân nhân của người bệnh cũng có quyền yêu cầu điều này trong giờ lâm tử của người thân yêu. Luật pháp của nhiều quốc gia cho đến nay vẫn chỉ đi xa đến độ đó, và vẫn từ chối hay né tránh đưa ra những tiêu chuẩn cho phép chấm dứt đời sống thực sinh, và còn khó khăn, bất nhất và phức tạp hơn trong trường hợp bình thường, như một lựa chọn dựa trên ý niệm tự do. Ví dụ, tự tử vẫn được xem là một trường hợp bệnh lý tâm thần.

Ðiều cần phải hiểu cho rõ là living will ( những dặn dò trị liệu trong cảnh tử sinh ), chỉ cho phép một sự lựa chọn giới hạn trong phương cách trị liệu hay cứu tử người bệnh, hoặc dùng tất cả những phương tiện sẵn có để cứu sống người bệnh, hoặc ngưng hết mọi phương tiện trợ sinh để người bệnh được yên ổn ra đi:

( If, in the judgement of my physician, I am suffering with a terminal condition from which I am expected to die within six months, even with available life-sustaining treatment provides in accordance with prevailing standards of medical care:

- I request that all treatments other than those needed to keep me comfortable be discontinued or withheld and my physician allow me to die as gently as possible, OR
- I request that I be kept alive in this terminal condition using available life-sustaining treatment ( THIS SELECTION DOES NOT APPLY TO HOSPICE CARE.)

Cũng vậy, khi ký giấy DNR, Do Not Resuscitate, mọi nỗ lực hồi sinh (ví dụ hô hấp nhân tạo, xoa bóp cơ tim, dùng điện kích thích cơ tim, thông ống phổi, đặt máy hô hấp, dùng thuốc trợ tim...) sẽ không được sử dụng trong mục đích cứu sống lại người bệnh. Trong cả hai trường hợp, người bác sĩ trị liệu, theo suy xét chuyên môn, vẫn có nhiệm vụ cho người bệnh thuốc giảm đau, chuyền nước cho người bệnh, cho người bệnh ăn, chích thuốc trụ sinh để ngăn chận nhiễm trùng, hay cho thêm chất khoáng để sửa chữa mọi nhiễu loạn hóa chất trong cơ thể. Người bác sĩ không có quyền để mặc cho người bệnh chết, không có quyền giết người bệnh vì bất cứ một lý do nào. Người bệnh, trong lúc tỉnh táo, có thể từ chối thức ăn, từ chối mọi trị liệu, có thể ký giấy AMA ( against Medical Advise ), và xuất viện, nhưng người bác sĩ không thể toa rập với người bệnh hay gia đình người bệnh, để giúp người bệnh chết sớm hơn. Cái chết, do vậy vẫn là quyền tối hậu của thượng đế, dẫu thượng đế có hay không có.

Từ 20 năm qua, đã có những hoạt động trợ tử ( assisted suicide), hay giúp người muốn chết được chết đẹp, euthanasia. Assisted suicide, và euthanasia không giống nhau hoàn toàn, nhưng cũng đều nhằm giúp con người được chết khi cuộc sống không còn đáng sống. Vấn đề đặt ra là người bác sĩ có được cho quyền giúp người bệnh tìm cái chết êm đẹp, hay chấm dứt đời sống của những đứa trẻ tật nguyền, mang tật nặng bẩm sinh, hay sống như câïy cỏ hay không? Không cần viện dẫn các lý do siêu hình hay tôn giáo, câu trả lời vẫn rõ ràng là không một biện minh nào đứng vững trước hành vi giết người, hay giúp người khác tự giết mình. Y hoc, nói chung, và người y sĩ nói riêng, nhằm cứu người khỏi cái chết, và đưa lại cho con người một cuộc sống có giá trị (quality of life). Y học, trong bất cứ một tình trạng nào, cũng không thể nhằm đến mục đích ï chấm dứt đời sống của con người. Ðó là một vấn đềø đạo tắc, và đạo lý (medical ethics, hay bio ethics) bất biến.
Quyền được chết- Right to die

Jack Kevorkian là một trường hợp đặc biệt, đáng kinh sợ. Ông là một bác sĩ chuyên khoa về bệnh lý ở Michigan. Năm 1986, ông được biết một số bác sĩ tại Nethetlands đã giúp đở một số bệnh nhân không còn thể cứu chữa được, hay đang bị hành hạ bởi những cơn đau khủng khiếp, được chết. Từ đó, ông vận động để giành quyền cho các bác sĩ được phép giúp bệnh nhân tìm cái chết, và ông đề ra ý niệm “ cái chết có sắp xếp, planned death”. Năm 1989, ông giúp người bệnh đầu tiên tìm cái chết bằng cách sáng chế ra máy bơm thuốc potassium chloride, thứ thuốc được dùng chấm dứt đời sống của những người bị kết án tử hình trong các nhà tù tại Mỹ, vào máu làm ngưng nhịp đập của tim. Máy đó được ông gọi là máy chết, thanatron. Cùng năm đó, người đầu tiên, có tên Janet Adkins, 54 tuổi, bị bệnh Alzheimer đã sử dụng thanatron để tự kết liễu đời mình.. Kevorkian bị đưa ra tòa, bị kết án sát nhân (second degree murder). Nhưng ông được tòa trên tha bổng. Ông mất bằng hành nghề y khoa, không còn có thể mua thuốc KCl theo toa, nên lại sáng chế một loại máy trợ tử khác, gọi tên Mercitron, sử dụng chất thán khí, carbon monoxide, để giúp người bệnh tự tử. Ðã có trên 130 người tìm cái chết bằng máy mercitron. Năm 1998, Kevorkian bị kết án tù 10 đến 25 năm.

Trợ tử, như trong quan niệm Jack Kevorkian, hay chấm dứt cuộc sống của người bệnh ở thời cuối cùng, là những việc làm nhắm vào người sống, có nghĩa là con người còn ý thức. Ngược lại , những người trong tình trạng thực sinh dai dẵng không còn ý thức để quyết định đời họ, và cũng không ai còn có năng quyền pháp lý được ủy nhiệm (power of attorney) để đưa ra một quyết định được pháp luật công nhận. Tình trạng thực sinh dai dẵng do vậy đặt ra những vấn đề không thể giải quyết được cho những người thân, về phương diện pháp lý, hôn phối, bảo hiểm, tài sản,.vv..., nếu luật lệ hiện hành không được thay đổi.

Nếu luân lý và đạo lý không cho phép có những quyết định chấm dứt đời sống của bất cứ một ai, thì những người làm ra luật pháp có bổn phận tìm giải pháp cho những người liên hệ, để họ có thể tìm lại cuộc sống bình thường sau những đau thương xẩy ra cho người thân của họ.Một số đề nghị đã được chấp nhận trong các cuộc hội nghị y học, xã hội và luật y có vẽ hợp lý, nhưng cho đến nay vẫn chưa thành luật. Những đề nghị đó là: Về phương diện y lý, tình trạng thực sinh dai dẵng được xem là vĩnh viễn 12 tháng sau khi bị tai nạn, hay 3 tháng sau khi não bộ chết vì nguyên nhân không do tai nạn. Cũng vậy, phải có một án lệ rõ ràng được ban hành như một đạo luật để, sau một thời gian luật định, chấm dứt tình trạng hôn phối, thanh thõa tiền bảo hiểm nhân thọ, thi hành di chúc, giải trừ trách nhiệm dân sự cho những người trực tiếp liên hệ với người bệnh. Thời hạn đó có thể là 12 tháng. Cũng sau 12 tháng, trách nhiệm săn sóc, chi phí y tế cho những người được xem là thực sinh phải do chương trình Medicare gánh chịu. Một giải pháp như thế có thể được xem là hợp tình, và hợp lý. Nhưng tiếc thay cho đến nay, vì những lý do tôn giáo, chính trị, các nhà làm luật vẫn chưa tiến xa hơn chút nào trong lãnh vực tạo án lệ cho quyền được chết.

Phần viết thêm: Năm 1977, tối cao pháp viện phủ quyết quyền hiến định, constitutional right, cho phép các bệnh nhân vào thời kỳ cuối cùng được chấm dứt sự sống; nhưng đồng thời, với một tỷ số 5-4, lại giành cho tiểu bang quyền quyết định cho phép, hay ngăn cấm, bác sĩ viết phái thuốc cho các bệnh nhân này được mua độc dược, lethal doses of drugs, để tự hũy mình. Vấn đề, do vậy, được đặt ra là giới chức nào có thẩm quyền điều hợp các luật lệ hành nghề y khoa, tổng trưởng tư pháp, hay tiểu bang? Cho đến nay, văn phòng DEA liên bang có trách nhiệm kiểm soát các luật lệ phân phối thuốc, còn tiểu bang có toàn quyền quy định các luật liên quan đến bác sĩ. Sau phán quyết của Tối cao pháp viện, Oregon là tiểu bang độc nhất có luật cho phép trợ tử, Death and Dignity Act. Từ 1977 cho đến nay, 208 bệnh nhân ở thời cuối cùng được chích thuốc để kết liễu sự sống, trong đó 79% vì mắc bệnh ung thư, 8%, bệnh Lou Gehrig's, 5% bệnh kinh niên về đường phổi, 2%, bệnh liệt kháng, và 6% các bệnh khác. Nguyên nhân được viện dẫn: mất khả năng tự kiểm, loss of autonomy: 87%, đời không còn gì vui: 84%, mất phẩm giá, loss of dignity: 80%.

Sưu tầm.