Search

8.8.08

Hệ thống phòng thủ tên lửa mới của Mỹ


Quốc hội Mỹ đã thông qua “Văn bản về phòng thủ tên lửa quốc gia” cho phép tăng cường hệ thống phòng thủ tên lửa hiện hành và triển khai xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa mới chống lại mối nguy cơ ngày càng gia tăng đối với an ninh nước Mỹ.Nền tảng của hệ thống phòng thủ tên lửa mới là hệ thống tên lửa đánh chặn tích hợp giữa các căn cứ mặt đất (GBI) được bố trí trên lãnh thổ nước Mỹ...

Đồng thời, Mỹ tăng cường triển khai xây dựng hệ thống tên lửa khu vực mạnh ở các nơi trên thế giới để bảo vệ các mục tiêu quan trọng của Mỹ và các đồng minh thân cận ở ngoài lãnh thổ nước Mỹ. Đây chính là yếu tố toàn cầu của hệ thống phòng thủ tên lửa mới. Hệ thống phòng thủ tên lửa GBI bố trí cả trong và ngoài lãnh thổ nước Mỹ, là ưu tiên số 1 của hệ thống phòng thủ tên lửa mới.

Mục tiêu đặt ra đối với hệ thống phòng thủ tên lửa mới là khả năng chặn đánh tên lửa ở tất cả các giai đoạn của quỹ đạo bay, bao gồm giai đoạn tăng tốc, giai đoạn giữa và giai đoạn cuối. Hệ thống phòng thủ tên lửa mới bao gồm: Các hệ thống la-de đặt trên không và trong vũ trụ dùng để đánh chặn ở giai đoạn tăng tốc; các tên lửa SM-3 đặt trên khu trục hạm và các tuần dương hạm loại AEGIS để đánh chặn các mục tiêu đạn đạo ở giai đoạn giữa; các tên lửa GBI và tổ hợp tên lửa phòng không cơ động THAAD được sử dụng để đánh chặn các tên lửa đạn đạo liên lục địa và tầm trung ở giai đoạn cuối của quỹ đạo bay và là tuyến cuối cùng của hệ thống phòng thủ tên lửa mới.

Ngoài ra, để đánh chặn các tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung sẽ sử dụng các tổ hợp tên lửa phòng không Patriot PAC-3 được trang bị các tên lửa MIM-109 có đầu nổ động năng, thay thế dần các tổ hợp tên lửa phòng không Patriot PAC-2.

Một trong những vấn đề hết sức quan trọng khi triển khai xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa mới là sự cần thiết tăng cường khả năng phát hiện sớm và chỉ thị chính xác mục tiêu. Hệ thống phát hiện và chỉ thị mục tiêu bao gồm hệ thống vệ tinh và hệ thống ra-đa cảnh báo mặt đất. Các vệ tinh có nhiệm vụ phát hiện các tên lửa của đối phương ngay từ thời điểm phóng, còn các trạm ra-đa cảnh báo trước có nhiệm vụ chỉ thị mục tiêu cho các tên lửa đánh chặn.

Để phát hiện nhanh nhất các tên lửa vừa phóng, Mỹ sẽ triển khai trên quỹ đạo hệ thống vệ tinh SBIRS trong những năm tới. Hệ thống sẽ bao gồm hai phần là SBIRS-High và SBIRS-Low. SBIRS-High có 4 vệ tinh trên quỹ đạo địa tĩnh (36.000km) và quỹ đạo e-lip. SBIRS-Low có từ 20 đến 30 vệ tinh trên quỹ đạo tròn (1.000km). Các vệ tinh SBIRS-High đảm nhiệm phát hiện các tên lửa đạn đạo vừa phóng trong vòng 20 giây sau khi phóng. Các vệ tinh SBIRS-Low sẽ xác định chính xác quỹ đạo bay của các tên lửa và phân biệt các đầu nổ với các bộ phận thân vỏ khác của chúng và với các mục tiêu giả.

Bộ phận mặt đất của hệ thống trinh sát, phát hiện mục tiêu, gồm các trạm ra-đa cảnh báo sớm (EWR) có khả năng phát hiện mục tiêu ở khoảng cách tới 5.500km. Để nâng cao độ chính xác phát hiện và chọn lọc các mục tiêu, sẽ hiện đại hóa các trạm ra-đa này và trang bị thêm các trạm ra-đa hiện đại hơn.

Hệ thống phòng thủ tên lửa mới sẽ được triển khai trong khoảng từ 3 năm đến 5 năm tới. Hiện tại, Mỹ đã triển khai xong một số thành phần của hệ thống như đã thử nghiệm thành công các tên lửa GBI và SM-3. Các tên lửa đánh chặn GBI được bố trí tại các căn cứ Phót Gri-ly ở bang A-la-xca và căn cứ Van-đen-bớc ở bang Ca-li-phoóc-ni-a. Các tên lửa SM-3 được đặt trên các hạm tàu và căn cứ trên biển. Tên lửa SM-3 đã bố trí trên 3 tàu của hải quân Mỹ và sẽ bố trí trên 3 tàu nữa trong năm 2007. Ngoài ra, tên lửa SM-3 còn được bố trí trên các tàu của hải quân Nhật Bản. Tổ hợp tên lửa phòng không THAAD cũng đã thử nghiệm thành công và sẽ được triển khai trong những năm tới tại các khu vực. Các hệ thống la-de đánh chặn trên không và trên vũ trụ cũng đã thử nghiệm thành công với các máy bay của hãng Bô-ing như B-747, máy bay C-130 và các vệ tinh mới.

Với việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa mới, Mỹ đã khởi động cuộc chạy đua vũ khí chiến lược mới trên thế giới.
free ebook download here: