Search

16.3.15

Chiếc áo lặn và con bướm tác giả Jean Dominique Bauby

Phanblogs Chiếc áo lặn và con bướm tác giả Jean Dominique Bauby 

Buổi sáng hôm đó khỉ trời vừa hửng nắng, một lời nguyền ác độc đã được ếm lên căn phòng số 119. Từ hơn nửa giờ nay, chiếc đồng hồ báo thức, vốn dùng để báo giờ ăn cho tôi, liên tục kêu mà không ai nghe thấy. Không gì ngu ngốc và khó chịu bằng cái tiếng bíp bíp ám ảnh gặm nhấm trí óc người ta. Không những thế, mồ hôi toát ra làm bong miếng băng dính vòng băng mí mắt phải khiến đám lông mi dính keo chạm vào con ngươi làm tôi đau mắt Cuối cùng, để “thêm phần lộng lẫy”, đầu cắm ống tiểu của tôi tuột ra. Cả người tôi ngập trong nước. Trong lúc đợi người đến cứu, tôi thầm nhẩm nho nhỏ câu hát nhàm tai cũ kĩ của Henri Salvador(1): “Nào em yêu, không có gì nghiêm trọng đâu”. Còn nữa, y tá kia rồi. Theo thói quen, cô ta bật tívi. Đang quảng cáo. Một mạng điện thoại, chương trình “3617 tỉ franc” đang đưa câu hỏi: “Bạn có được sinh ra để làm giàu không?”

Chiếc áo lặn và con bướm tác giả Jean Dominique Bauby
Chiếc áo lặn và con bướm tác giả Jean Dominique Bauby

Chếc áo lặn và con bướm không phải là một cuốn sách được trau chuốt tới từng câu từng chữ, cũng không phải là một cuốn sách khiến người đọc có thể rơi nước mắt. Nhưng nó là cuốn sách khiến người ta cảm động, những rung động từ sâu tận tiềm thức, khiến người ta phải suy nghĩ và phải ngoái đầu nhìn lại.

Jean-Dominique Bauby 43 tuổi, là tổng biên tập tạp chí Elle - một tờ tạp chí phụ nữ nổi tiếng trên toàn thế giới được phát hành trên hàng chục quốc gia. Là một người giàu có, thành đạt, ông đã đi qua rất nhiều nơi trên thế giới, đầu óc lúc nào cũng ở trong guồng xoáy của công việc, giọng nói lúc nào cũng mang âm hưởng sang sảng. Không ai có thể nghĩ rằng một ngày nào đó đôi chân ấy dừng bước, khối óc ấy ngừng suy nghĩ về công việc, và tiếng nói ấy không thể cất lên. Vậy mà điều đó lại xảy ra với chính người đàn ông này.



Ngày mồng 8 tháng 12 năm 1995, một tai biến mạch máu não đã khiến Jean-Dominique Bauby chìm vào cơn hôn mê sâu và trở nên tàn phế ở tuổi 43. Bauby bị liệt toàn thân và mất khả năng ngôn ngữ. Mọi hoạt động của cơ thể dù đơn giản nhất như ăn và thở cũng cần tới sự trợ giúp của máy móc. Chỉ duy nhất con mắt trái của ông là còn chuyển động được.

Và chính con mắt cuối cùng còn cử động ấy cùng với bộ óc tự do đã trở thành sợi dây liên hệ, nối ông với cuộc sống và những người xung quanh. Ông đã dùng đôi mắt và bộ óc bay lượn như một con bướm trong cuộc hành trình tìm về kí ức của mình.

Trí nhớ thoát ly khỏi thân thể mà giờ đây đã coi như ngục tù, được Bauby ví như người lặn xuống biển, thân hình bị bó trong bộ đồ lặn, nhưng cặp mắt và óc tưởng tượng vẫn như con bướm chu du khắp năm châu bốn biển. Con bướm ấy cứ bay lượn mãi trong cái thế giới của trí nhớ của kí ức.

Người đọc sẽ nhìn thấy ở tác phẩm này một giá trị tinh thần cao đẹp. Một con người tàn phế, mất hết khả năng giao tiếp với thế giới bên ngoài nhưng đã can đảm vượt lên trên số phận, luôn lạc quan vì “Tôi không mất đi tất cả, có hai thứ tôi không sợ mất đó là trí tưởng tượng và ký ức của tôi. Cái chết với chúng ta là không tránh khỏi, chúng ta nên đối mặt với nó một cách thanh thản nhất”.

Chiếc áo lặn và con bướm được xuất bản vào tháng 3/1997, đúng ba ngày trước khi Jean-Do Bauby qua đời. Cuốn sách sau đó đã được dịch và xuất bản trên 30 nước, làm xúc động hàng triệu người đọc trên toàn thế giới.

Tháng 5/1997, chỉ hai tháng sau khi cuốn sách ra đời, bộ phim được chuyển thể từ cuốn sách cùng tên của đạo diễn Julian Schnabel đã được công chiếu, và liên tiếp nhận được nhiều giải thưởng quốc tế: giải Đạo diễn xuất sắc nhất (Liên hoan phim Cannes 2007, Giải thưởng Quả cầu vàng 2008), giải Nam diễn viên chính xuất sắc nhất cho diễn viên Mathieu Amalric thủ vai Jean-Dominique (giải Cesar 2008), đặc biệt là giải Phim nước ngoài hay nhất (Giải thưởng Quả cầu vàng 2008).


Chiếc áo lặn và con bướm được viết theo một cách viết chưa từng có từ trước đến giờ. Từng câu văn, từng trang sách được hình thành bằng cách ghép từ qua những lần chớp mắt. Với một hàng các chữ cái được sắp theo thứ tự ưu tiên ESARINTULOMDPCFBVHGJQXYXKW, cô phụ tá chủ bút sẽ chỉ lần lượt các chữ cái trong bảng này. Nếu đồng ý chữ cái nào, Jean-Do Bauby nháy mắt một lần để nói "đúng", 2 cái để nói “sai” và chữ cái đó sẽ được cô trợ lý ghi ra. Cứ như vậy, các chữ cái được sắp thành từ, thành câu, thành đoạn và cuối cùng thành sách. Cách viết kỳ lạ và nhọc công ròng rã suốt hai tháng (7-8/1996) đã cho ra đời một cuốn sách với hơn 100 trang gây xúc động mạnh mẽ trên toàn thế giới.