Search

30.12.20

KHÚC GỖ TRÔI SÔNG TƯƠNG ƯNG BỘ KINH

KHÚC GỖ TRÔI SÔNG TƯƠNG ƯNG BỘ KINH 
Một thời Thế Tôn trú ở Kosambi, trên bờ sông Gangà. Thế Tôn thấy một khúc gỗ lớn trôi theo dòng nước sông Hằng, Ngài liền gọi các Tỷ-kheo:
“Này các Tỷ-kheo, các ông có thấy khúc gỗ to lớn này đang trôi theo dòng nước sông Hằng không?”. “Thưa có, bạch Thế Tôn”.
“Này các Tỷ-kheo, nếu khúc gỗ không đâm vào bờ bên này, không đâm vào bờ bên kia, không chìm giữa dòng, không mắc cạn trên miếng đất nổi, không bị loài người nhặt lấy, không bị phi nhân nhặt lấy, không bị mắc vào xoáy nước, không bị mục bên trong; như vậy, này các Tỷ- kheo, khúc gỗ ấy sẽ hướng về biển, sẽ xuôi theo biển, sẽ nghiêng nhập vào biển.


Vì sao? Vì rằng, này các Tỷ-kheo, dòng sông Hằng hướng về biển, xuôi theo biển, nghiêng trôi về biển. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, nếu các ông không đâm vào bờ bên này, không đâm vào bờ bên kia, không chìm giữa dòng, không mắc cạn trên miếng đất nổi, không bị loài người nhặt lấy, không bị phi nhân nhặt lấy, không bị mắc vào xoáy nước, không bị mục bên trong; như vậy, này các Tỷ-kheo, các ông sẽ hướng về Niết-bàn, sẽ xuôi theo Niết-bàn, sẽ nghiêng nhập vào Niết-bàn. Vì sao? Vì rằng, này các Tỷ-kheo, chánh kiến hướng về Niếtbàn, xuôi theo Niết-bàn, nghiêng nhập vào Niết-bàn”.


Khi được nghe nói vậy, một Tỷ-kheo bạch Thế Tôn:



“Bạch Thế Tôn, bờ bên này là gì? Bờ bên kia là gì? Thế nào là chìm giữa dòng? Thế nào là mắc cạn trên miếng đất nổi? Thế nào là bị loài người nhặt lấy? Thế nào là bị phi nhân nhặt lấy? Thế nào là bị mắc vào xoáy nước? Thế nào là bị mục nát bên trong?”.


“Bờ bên này, này Tỷ-kheo, là đồng nghĩa với sáu nội xứ này.


Bờ bên kia, này Tỷ-kheo, là đồng nghĩa với sáu ngoại xứ.


Bị chìm giữa dòng, này Tỷ-kheo, là đồng nghĩa với hỷ tham.


Bị mắc cạn trên miếng đất nổi, này Tỷ-kheo, là đồng nghĩa với ngã mạn.


Và này Tỷ-kheo, thế nào là bị người nhặt lấy? Ở đây, Tỷ-kheo sống quá liên hệ với cư sĩ, chung vui, chung buồn, an lạc khi họ an lạc, đau khổ khi họ bị đau khổ, tự trói buộc mình trong các công việc phải làm được khởi lên của họ. Đây gọi là Tỷ-kheo bị loài người nhặt lấy.


Và thế nào, này Tỷ-kheo, là bị phi nhân nhặt lấy? Ở đây, Tỷ-kheo sống Phạm hạnh với ước nguyện được sanh cộng trú với một hạng chư Thiên: ‘Mong rằng với giới luật này, với cấm giới này, với khổ hạnh này, với Phạm hạnh này, ta sẽ trở thành Thiên nhân hay một loài chư Thiên!’ Đây, này Tỷ-kheo, được gọi là bị phi nhân nhặt lấy.


Bị mắc vào xoáy nước, này Tỷ-kheo, là đồng nghĩa với năm dục công đức. Tức bị xoáy vào sắc, thanh, hương, vị, và xúc.


Và này Tỷ-kheo, thế nào là bị mục nát bên trong? Ở đây, này Tỷ-kheo, có người thọ tà giới, theo ác pháp, bất tịnh, có những hành vi đáng nghi ngờ, có những hành động che đậy, không phải Sa-môn nhưng hiện tướng Samôn, không phải Phạm hạnh nhưng hiện tướng Phạm hạnh, nội tâm bị hủ bại, đầy dục vọng, là một đống rác bẩn. Đây, này Tỷ-kheo, được gọi là bị mục nát bên trong”.


Nghe Đức Thế Tôn dạy như vậy, ai cũng muốn đời tu hành của mình như khúc gỗ, không đâm vào bờ bên này, không đâm vào bờ bên kia, không bị chìm giữa dòng, không bị mắc cạn trên miếng đất nổi, không bị loài người nhặt lấy, không bị phi nhân nhặt lấy, không bị mắc vào xoáy nước, không bị mục nát bên trong.


(HT.THÍCH MINH CHÂU, VIỆT DỊCH, TƯƠNG ƯNG BỘ KINH, THIÊN SÁU XỨ, PHẨM RẮN ĐỘC. 200. IV. Khúc Gỗ (1) (S.iv,179) #Samyutta #Nikàya)