Search

12.3.18

Phía Nam biên giới Phía Tây mặt trời Haruki Murakami

Phanblogs Phía Nam biên giới Phía Tây mặt trời Haruki Murakami

Phan: Có những người không thoát ra khỏi quá khứ và họ bị nó đóng hộp nhân danh cảm xúc.

- Em biết không, hồi còn nhỏ, anh thường xuyên tự hỏi ở Phía Nam biên giới có thể có gì, tôi nói.

- Em cũng thế. Lớn lên, khi đã hiểu được lời bài hát bằng tiếng Anh, em rất thất vọng vì đó chỉ là một bài hát về nước Mêxicô. Em nghĩ ở Phía Nam biên giới phải có cái gì đó tuyệt diệu hơn thế nhiều.

- Chẳng hạn như cái gì?

Shimamoto-san vuốt tóc ra phía sau và dùng tay đỡ nhẹ lấy.

- Em không biết. Cái gì đó rất đẹp, rất lớn, rất dịu dàng.

- Cái gì đó rất đẹp, rất lớn, rất dịu dàng? Cái gì đó ăn được à?

Nàng mỉm cười. Tôi nhìn thấy hàng răng trắng giữa đôi môi nàng.

- Không, em không nghĩ thế, có thể là không phải đâu.

- Cái gì đó có thể chạm vào?

- Phải, rất có thể là cái gì đó mà người ta có thể chạm vào.

- Có quá nhiều "có thể" trong những câu nói của em.

- Chúng ta sống trong một thế giới có rất nhiều "có thể".



- Phía Nam biên giới, phía Tây mặt trời, nàng nói.

- Phía Tây mặt trời là thế nào?

- Đó là một nơi có thật. Anh đã bao giờ nghe nói đến thứ bệnh tên là Hysteria siberiana chưa?

- Chưa.

- Cách đây đã lâu em đọc được về nó ở đâu đó, chắc là từ hồi em còn học cấp hai. Em không còn biết ở trong cuốn sách nào nữa, chỉ nhớ chắc chắn đó là một thứ bệnh mà nông dân Xibêri hay mắc phải. Anh cứ tưởng tượng mình là một người nông dân Xibêri và anh sống một mình trên thảo nguyên. Và ngày nào, ngày nào anh cũng làm ruộng. Hoang mạc ngút tầm mắt. Không có gì, hoàn toàn không có gì ở xung quanh anh. Phía Bắc, đường chân trời, phía Nam, đường chân trời, phía Đông, đường chân trời, và phía Tây, vẫn là đường chân trời. Chỉ thế thôi. Mỗi sáng, khi mặt trời hiện ra phía trên đường chân trời phía Đông, anh ra đồng làm việc,và khi mặt trời lên đến đỉnh, anh ngừng tay để ăn trưa. Khi mặt trời biến mất sau đường chân trời phía Tây, anh về nhà đi ngủ.

- Anh nghĩ cuộc đời đó rất khác với cuộc đời của một ông chủ câu lạc bộ nhạc jazz ở khu Aoyama.

- Cái đó thì hẳn rồi, Shimamoto-san mỉm cười nói, rồi nàng hơi nghiêng đầu. Quả thật là rất khác. Và, ngày nào cũng như thế, cả năm.

- Nhưng vào mùa đông thì không thể làm đất ở Xibêri được.

- Tất nhiên rồi, mùa đông thì anh nghỉ ngơi. Mùa đông anh làm việc trong nhà; rồi, khi mùa xuân tới, anh lại ra đồng làm. Anh sống một cuộc sống như thế đấy. Anh cứ tưởng tượng anh là một nông dân ở Xibêri đi.

- Xong rồi, tôi nói.

- Một ngày đẹp trời, trong sâu thẳm con người anh có cái gì đó chết đi.

- Chết? Cái gì chết?

Shimamoto-san lắc đầu.

- Em không biết. Cái gì đó. Cái gì đó gãy đi trong người anh và chết, khi mà suốt đời anh cứ nhìn mặt trời hiện ra phía trên đường chân trời phía Đông, hoàn thành cái vòng cung di chuyển của nó và đi ngủ sau đường chân trời phía Tây. Khi đó, anh sẽ vứt cái cuốc xuống đất, và không nghĩ ngợi gì nữa, anh đi thẳng về phía Tây. Về phía Tây mặt trời. Và anh cứ đi như thế hàng ngày trời không ăn không uống, như thể bị bỏ bùa, và cuối cùng anh gục xuống đất và chết. Chứng hysterie Xibêri là như thế đó.

Tôi tưởng tượng ra cảnh người nông dân Xibêri ngã gục xuống đất và chết.

- Nhưng ở phía Tây mặt trời có gì? tôi hỏi.

- Cái đó thì em chịu. Có thể là không có gì. Có thể là có cái gì đó. Dù sao thì cũng rất khác với phía Nam biên giới.
Phía Nam biên giới Phía Tây mặt trời Haruki Murakami
Phía Nam biên giới Phía Tây mặt trời Haruki Murakami


Khi cuối cùng ngẩng được đầu lên, tôi nhìn thấy Izumi đang ở trước mặt. Ngồi ở băng ghế sau một chiếc taxi dừng lại đèn đỏ, ngay trước mặt tôi, cô nhìn tôi chăm chăm qua cửa kính. Mặt cô chỉ cách mặt tôi một mét. Dĩ nhiên là cô không còn ở tuổi mười bảy nữa. Nhưng tôi nhận ra cô ngay. Không thể là người nào khác được. Ở đó, ngay trước mắt tôi, là người phụ nữ tôi từng ôm trong vòng tay hai mươi năm trước, người con gái đầu tiên mà tôi hôn, người trong một buổi chiều mùa thu đẹp trời, năm mười bảy tuổi, đã để tôi cởi bỏ quần áo, thậm chí còn làm mất một cái nịt tất. Hai mươi năm làm thay đổi một con người, cái đó thì chắc rồi, nhưng tôi nhận ra được khuôn mặt này giữa cả nghìn người.

“Cô ấy làm bọn trẻ con sợ”, người bạn học cũ từng nói với tôi. Ngay lúc đó, tôi còn chưa hiểu anh định nói gì. Tôi không thể tiêu hóa nổi những gì anh định giải thích với tôi. Giờ đây thì tôi hoàn toàn hiểu. Khuôn mặt Izumi không có chút biểu cảm nào. Hoặc đúng hơn tôi phải nói rằng: Mọi hình thức biểu cảm đã trốn chạy khỏi khuôn mặt cô. Giống như là một căn phòng không đồ đạc. Trên khuôn mặt đó, tất cả đều chết và lặng tờ như đáy đại dương. Và cô nhìn tôi chăm chú, với cái vẻ hoàn toàn vô cảm đó. Ít nhất thì tôi cũng nghĩ rằng cô nhìn tôi. Đôi mắt cô quay về phía tôi; nhưng chúng không hiểu gì hết, không truyền đạt một thông điệp nào. Nếu cô định chuyển cho tôi một điều gì đó, thì hẳn đó chỉ có thể là một sự trống rỗng không đáy.

Tôi đứng lặng tại đó. Tôi đã quên mất cách sử dụng lời nói. Tôi thở thật chậm, phải cố gắng lắm tôi mới đứng vững được. Lúc đó, tôi đã mất ý thức theo nghĩa đen về sự tồn tại của chính mình. Trong một lúc, thậm chí tôi còn không biết mình là ai. Những đường nét con người tôi bị xóa đi, tôi cảm thấy mình trở thành một thức chất lỏng chảy nhỏ giọt. Một cách máy móc, không có thời gian để suy nghĩ đến một ý định cụ thể, tôi chìa tay về phía Izumi, chạm vào cửa kính xe, và lấy đầu ngón tay vuốt ve. Tôi không biết cử chỉ đó có nghĩa gì. Vài người bộ hành dừng lại nhìn tôi vẻ bối rối. Nhưng tôi phải làm cử chỉ đó. Dọc theo cửa kính, tôi tiếp tục vuốt ve khuôn mặt không có mặt của Izumi. Cô không có cử động nào, thậm chí không chớp mắt. Cô đã chết rồi? Không, không thể. Cô vẫn đang sống, không một cử chỉ, mi mắt bất động. Cô vẫn sống, trong cái thế giới này, đằng sau cửa kính xe. Và đôi môi câm lặng của cô nói với tôi về một sự trống rỗng không đáy.

Phía Nam biên giới Phía Tây mặt trời Haruki Murakami.txt
Phía Nam biên giới Phía Tây mặt trời Haruki Murakami.pdf
Phía Nam biên giới Phía Tây mặt trời Haruki Murakami.doc