Search

5.9.23

Tủ sách Sư Toại Khanh

Tủ sách Sư Toại Khanh

BIẾU HAY BÁN?

Tủ sách Sư Toại Khanh


Nhiều người hỏi sao chẳng biếu không mấy cuốn sách, lại đem bán lấy tiền. Một kiểu thắc mắc của người không đọc sách, cứ bóng gió thì giải thích kiểu nào cũng khó. Thôi thì nói toẹt ra vậy:

- Trước hết, người mình cứ biếu không thì không đọc cũng lấy. Họ không biết rằng đã lấy luôn phần của những người thật sự có nhu cầu. Biết trước vậy thì còn bụng dạ nào đem biếu không nữa ạ !

- Làm sao biết được ai thiệt bụng muốn đọc ? Xin thưa, chỉ có một cách duy nhất, hơi phàm tục nhưng hữu hiệu là lấy đồng tiền làm thước đo. Chúng tôi dốt nát, nhưng cũng là người ít nhiều có đọc sách, nên có thể khẳng định rằng hầu hết những người đòi được sách biếu đều là người không đọc sách. Anh thật sự có nhu cầu thì anh sẽ bấm bụng, anh không có nhu cầu thì tự nhiên rút tay !

- Điều thứ ba. Không hề có chuyện ai in giúp miễn phí. Và chuyện in sách không đơn giản như làm bánh, cứ đưa tiền đặt hàng thì trong 24 giờ có ngay một thúng. Hành trình in sách trong nước hiện tại còn có thêm nhiều ngõ ngách nhiêu khê. Sách in xong đem biếu không thì chỉ làm được một lần và nếu chỉ đem biếu không thì chỉ có trời biết cuốn sách đó có được đón nhận không. Người ta phải tốn tiền mua thì mới chịu đọc, có đọc mới có ý kiến phản hồi, và người ra sách (tác giả, dịch giả, soạn giả) mới có thể dựa trên đó mà biết mình nên làm gì tiếp theo.

Có nói thêm bao nhiêu cũng chừng đó ý, đại khái không biếu sách miễn phí không chỉ vì tiền. Tiền chỉ là một phần ba lý do, hơn một nửa lý do là như đã trình bày ở trên. Đối với những người muốn được tặng sách thì sau bài viết này, chúng tôi sẽ không nhắc đến nữa. Mong tất cả luôn an lành.

Toại Khanh


Giáo lý A tỳ đàm 1

Giáo lý A tỳ đàm 1

A Tỳ Đàm là một hệ thống giáo lý trình bày vạn pháp qua khía cạnh rốt ráo nhất, không thông qua những khái niệm thường thức trong đời sống thường nhật như ở Kinh Tạng. Tạng A Tỳ Đàm và Tạng Kinh là hai tạng trong ba tạng kinh điển của Phật giáo nguyên thủy. Tạng còn lại là Luật Tạng.

Tùy theo căn duyên của mỗi người khi hành đạo giải thoát mà thích hợp với Kinh tạng hay A Tỳ Đàm tạng. Có điều là nếu không phải bậc hành giả tốc chứng đốn ngộ, ai muốn chứng đạo cũng đều phải có căn bản giáo lý và chính A Tỳ Đàm tạng là kiến thức nền tảng cho khả năng nhận thức của hành giả trong việc hành trì.

Kể cả một vị đã chứng quả La Hán cũng phải có kiến thức A Tỳ Đàm thì mới có được trí tuệ biện tài vô ngại để độ sinh hiệu quả hơn. Và trong thực tế xưa giờ, người mù tịt giáo lý A Tỳ Đàm thì không thể đủ sức hiểu hết Kinh Tạng và Luật Tạng.


Giáo lý A tỳ đàm 2

Giáo lý A tỳ đàm 2

Cuốn sách này có 3 phần nội dung. Phần một là nội dung của cuốn Abhidhammatthasaṅgaha được ngài Anuruddha người Ấn biên soạn vào khoảng thế kỷ thứ năm để làm chìa khóa cho người tìm hiểu A Tỳ Đàm Tạng. Suốt hơn nghìn năm nay, cuốn sách này đã được các xứ Phật giáo Nam Truyền xem là cẩm nang đầu giường cho không chỉ cho việc nghiên cứu A Tỳ Đàm, mà còn cả toàn bộ Phật Pháp nói chung.

Người san định và chú thích phần này là hai học giả Miến Điện gồm giáo sư Mehm Tin Môn và ngài Saddhammajotika Sayadaw (người sáng lập đại học A Tỳ Đàm Rakhang ở Bangkok hơn nửa thế kỷ trước).

Hai phần cuối của sách này là hai công trình nghiên cứu, một của học giả Nhật Bản Junjiro Takakusu (Cao Nam Thuận Thứ Lang) về giáo lý A Tỳ Đàm của Hữu Bộ (Sarvastivāda), một bộ phái Phật giáo quan trọng rất gần gũi với Phật giáo chính thống Theravāda, và một của học giả người Anh Mabel Kate Haynes (aka Mabel Haynes Bode) nghiên cứu về lịch sử truyền thừa giáo lý A Tỳ Đàm tại Miến Điện.

Trước đây, trong lần phát hành đầu tiên, chúng tôi chia đôi cuốn sách này để in thành 2 tập. Nay sách đã hết mà nhu cầu của bà con vẫn còn nhiều, nên sách lại được tái bản, và vì nhiều lý do, hai tập được gom chung thành một với một ít chỉnh sửa cần thiết.


Chuyện Phiếm Thầy Tu (tái bản)

Chuyện Phiếm Thầy Tu (tái bản)

Tái bản một cuốn sách cũ chỉ vì những độc giả mới. Và nói là sách cũ, vì đã qua một lần in, nhưng nội dung bên trong thì có lẽ vẫn còn đôi điều chưa kịp cũ.

Sách in lần đầu, đến nay đã mấy năm rồi, và vẫn chưa có dịp đọc lại. May mắn sách bán hết, vài thân hữu bảo nên tái bản và trước hết phải đọc lại một lần. Tác giả đọc lại sách mình và giật mình: Có nhiều chuyện suýt nữa sẽ viết cho cuốn 2, không ngờ đã có trong cuốn 1 này. Tính thời sự vẫn còn đó, vậy là nó chưa kịp cũ.

Sách được viết không cho riêng đối tượng nào và đặc biệt nhất, hầu hết đã được viết kiểu nhật ký, trong suốt 10 năm dài. Từng dòng chữ ở đó đã được viết trong niềm phiêu lãng cô đơn, bằng thứ tâm tình của con nước đêm không cần ai biết, đã qua rồi không quay lại nữa.

Cuốn 2 sẽ ra đời, nhưng trong hình hài của một cuốn sách đúng nghĩa, nghĩa là sẽ nhắm đến những độc giả đặc biệt, và như vậy, chắc chắn nó sẽ có một thân phận khác.

Tác giả đang ở Thụy Sĩ, trên một ngọn núi cao nhiều tuyết, tuyết rơi dày từ mấy tuần nay. Vậy mà khi viết mấy lời đề từ này vẫn nghe như có mấy giọt mồ hôi đang rịn trên trán. Chẳng có gì là lạ. Tác giả đang một mình quay lại để tìm gặp lại mình non hai mươi năm về trước, xa tít mù như một kiếp tiền thân.


Nhật Tụng Kālāma 1

Nhật Tụng Kālāma 1

Gọi là Nhật Tụng nhưng không phải chỉ để khẩu tụng mỗi ngày như một kiểu công phu cầu phúc.

Kinh Phật là tiếng nói từ người thực chứng nên tối thiểu cũng phải được thực nghiệm qua sự thực tập trong thực tiễn. Đọc bằng miệng hay mắt đều được, điều thiết yếu là cái đầu phải làm việc.

Đọc kinh Phật đúng cách không phải để cầu sự linh nghiệm theo nghĩa ở đời, mà là nhắm đến sự chứng nghiệm. Sự linh ứng, linh nghiệm nếu có, thì cũng chỉ là sự hiệu quả, hiệu nghiệm có được từ việc thực tập, hành trì qua khả năng thể nghiệm, chứng nghiệm của người tin Phật, học Phật và tu Phật.

Trọn bộ Kālāma Nhật Tụng gồm ít nhất 3 tập, nội dung là những trích lục từ cả ba tạng kinh điển, có đính kèm bản Pāli để đối chiếu. Phần tiếng Việt ở đây là bản dịch của hòa thượng Thích Minh Châu với những chú thích cần thiết lấy từ Sớ Giải Kinh Tạng.


Nhật Tụng Kālāma 2

Nhật Tụng Kālāma 2

Gọi là Nhật Tụng nhưng không phải chỉ để khẩu tụng mỗi ngày như một kiểu công phu cầu phúc.

Kinh Phật là tiếng nói từ người thực chứng nên tối thiểu cũng phải được thực nghiệm qua sự thực tập trong thực tiễn. Đọc bằng miệng hay mắt đều được, nhưng điều thiết yếu là cái đầu phải làm việc.

Đọc kinh Phật đúng cách không phải để cầu sự linh nghiệm theo nghĩa ở đời, mà là nhắm đến sự chứng nghiệm. Sự linh ứng, linh nghiệm nếu có, thì cũng chỉ là sự hiệu quả, hiệu nghiệm có được từ việc thực tập, hành trì qua khả năng thể nghiệm, chứng nghiệm của người tin Phật, học Phật và tu Phật.

Trọn bộ Kālāma Nhật Tụng gồm ít nhất 3 tập, mỗi tập không dưới 500 trang, nội dung là những trích lục từ cả ba tạng kinh điển, có đính kèm bản Pāli để đối chiếu. Phần tiếng Việt ở đây là bản dịch của hòa thượng Thích Minh Châu với những chú thích cần thiết lấy từ Sớ Giải Kinh Tạng.

Không cầu Phật Pháp tồn tại lâu dài với vẻ ngoài nguy nga hoành tráng, chỉ mong lời Phật mãi hoài được chứng nghiệm, thực nghiệm để nhân gian tin lời Phật là hiệu nghiệm. Mong lắm vậy thay!


Nhật Tụng Kālāma 3

Nhật Tụng Kālāma 3

Kinh nào cũng là kinh, nhưng nội dung tập 3 chắc chắn giới thiệu cho độc giả một cõi đại ngàn thâm u trong kinh Phật và sẽ giúp các vị thấy rõ mình đã hiểu lầm Phật pháp như thế nào.

Nội dung của toàn bộ 5 cuốn Nhật tụng do trung tâm Kālāma phổ biến chủ yếu là những bài kinh được chọn ra có chủ ý để từng bước gieo trồng và bổ sung hiểu biết của người cư sĩ về kinh điển gốc. Qua đó các đề tài giáo lý trọng yếu sẽ lần lượt được giới thiệu ở các bài kinh được tuyển chọn trong mỗi tập Nhật tụng.

Với bản Pāḷi bên cạnh, những người có nhu cầu nghiên cứu chyên sâu sẽ dễ dàng vào xem thêm trong chú sớ Tam Tạng, hoặc ít nhất là Google những điểm tồn nghi.

Đương nhiên chỉ 5 cuốn thì không cách nào đầy đủ, nhưng nếu không có điểm dừng thì dĩ nhiên cũng không xong. Hi vọng khi đọc kỹ 5 cuốn Nhật tụng đọc giả sẽ hiểu vì sao chỉ là 5 cuốn.


Phật Giáo Sử

Phật Giáo Sử

Muốn học Phật và tu Phật thì phải biết giáo lý, đồng thời cũng nên biết từ đâu, bằng cách nào và từ bao giờ lời dạy của đức Phật từ Ấn Độ đến được với mình. Đó là lý do ta nên tìm hiểu Phật giáo sử.

Sách đã được dịch 30 năm trước, được in không phép trong nước và in chính thức ở Mỹ cũng trên 20 năm nay, với trọn vẹn những gì chưa được chỉnh sửa và từ đó đến nay chưa được tái bản lần nào. Bản điện tử trên Internet thì sai be bét, không đọc tốt hơn.

Nay sách được chính dịch giả hiệu chỉnh từng trang một, cắt bỏ và thay thế nhiều chỗ.

Phật giáo sử hầu hết là những trang sử buồn. Cũng có chỗ vui, mà đương nhiên là buồn nhiều hơn vui.

Vui là Phật pháp đã xuất hiện ở đời với tuệ giác của Thế Tôn và tiếp tục được hoằng truyền với tấm lòng cùng công sức của các thế hệ truyền thừa.

Nhưng cũng buồn là vì qua đó, ta thấy được rằng dường như Phật giáo hôm nay về nội dung rõ ràng đang đi ngược lại hình thức hoành tráng và ầm ĩ của mình theo tỷ lệ nghịch. Đó lại cũng là chuyện đã xảy ra nhiều lần trong quá khứ của lịch sử Phật giáo.

Điều đáng buồn là thường khi điều đó không xảy ra do bàn tay phá hoại của người ghét Phật, mà lại do chính những người có lòng hoằng đạo!

Phật giáo sử là một cuốn sách nên đọc, dù đọc để buồn. Bởi có những nỗi buồn giúp ta được tốt hơn và có một ngày được vui hơn!

Sách sẽ được phát hành trước ngày khánh thành thiền đường Kālāma vào giữa tháng 12.2023.


Từ Điển Pali

Từ Điển Pali

Cuốn từ điển này lúc đầu chỉ là bản dịch cuốn Saddaviggahadīpanī của ngài Mahabodhivamsa (Thái Lan) nhưng trong lúc tra cứu để dịch thì chúng tôi lại có dịp bổ sung thêm nhiều chữ mới từ các nguồn tài liệu đây đó (sẽ được kể rõ trong phần tài liệu tham khảo).

Trước mắt chúng tôi làm riêng một cuốn về danh từ, những chữ thông dụng nhưng cần có một định nghĩa chính thống và chuyên nghiệp. Về mặt này, không định nghĩa ngoại ngữ nào hơn được các định nghĩa bằng chính tiếng Pāli mà từ chuyên môn gọi là Viggaha, các giải tự cho từng từ Pāli.

Xem tiếp bài lời tựa


Kinh Nghiệm Tuệ Quán

Kinh Nghiệm Tuệ Quán

Trong năm 2021 trung tâm Kālāma sẽ phát hành 4 đầu sách, trước mắt là tái bản bộ Kinh Nghiệm Tuệ Quán (trước đây là 2 cuốn, giờ được in chung thành một cuốn).

Sách in đợt 1 đã không còn nữa nên chúng tôi phải nghĩ đến việc tái bản nhắm đến những người cần đọc nhưng chưa có sách.

Trí tuệ tu tập phải có được từ công phu thực nghiệm, nhưng không có được kiến thức tham khảo thì công phu ấy không thể thực hiện.

Cuốn sách đúc kết một phần những kinh nghiệm thiền tập tuệ quán từ các thiền sư Myanmar và Thái Lan, sẽ ít nhiều giúp độc giả thực hiện công phu thực nghiệm ấy, biết để rồi quên và có quên mới có thể buông, có buông mới có giải thoát.


Vipassanā Qua Nhận Thức Âu Mỹ

Vipassanā Qua Nhận Thức Âu Mỹ

Từ cuối thề kỷ XIX người Tây Phương đã biết đến Phật giáo và từ đó đến nay, hàng chục học giả rồi hành giả Âu Mỹ đã có những cống hiến không hề nhỏ cho Phật giáo trên toàn thế giới.

Bên cạnh những công trình nghiên cứu Phật học đồ sộ, họ còn đóng góp bao nhiêu thứ khác, nhưng độc đáo và thú vị nhất lại là những góc nhìn rất Tây về Phật pháp, đặc biệt về pháp môn Tứ Niệm Xứ.

Để có sách xin liên lạc

Việt Nam
Cô Trần Thị Ngọc Tuyết
☎ 0934183043 USA & Canada
Cô Diệu Nghiêm
☎ 3462475782

Đã hết ấn bản


Triết Học A Tỳ Đàm

Triết Học A Tỳ Đàm

Nếu học Phật mà không để mắt tới A Tỳ Đàm Tạng thì chẳng thể nào dung thông được cái gọi là Pháp Nhũ Phật Thân. Khoan nói tới các khái niệm Đại, Tiểu, Đốn, Tiệm hay Thiền, Mật, Luật, Tịnh hoặc Tánh, Tướng, Thức, Không. Nếu đã mơ hồ yếu lý Tỳ Đàm (dù của Thượng Toạ Bộ hay Hữu Bộ) thì có đọc tụng suốt đời cũng khó mà hiểu được các kinh luận còn lại. Những Pháp Hoa, Lăng Già, Hoa Nghiêm, Duy Ma, Bát Nhã, … của hệ Phật Giáo Bắc truyền cũng đã chứng minh điều đó.


Chúng Sanh và Sanh Thú

Chúng Sanh và Sanh Thú

Kẻ tin Phật khi học đạo ít nhiều cũng phải biết sơ lược những cảnh giới luân hồi, chốn đi về của từng hạng chúng sinh thiện ác. Tuỳ thuộc khuynh hướng tâm lý mà mỗi cá nhân có lối sống và kiểu hành động không giống nhau. Cái đó gọi là hạnh nghiệp sai biệt. Mỗi hạnh nghiệp dẫn về một cõi tái sinh tương ứng. Khi nhắc đến các cảnh giới siêu đọa, ta không thể nói chung chung rồi hình dung, tưởng tượng theo cách riêng.

Từ non ba mươi năm trước, tại VN, chúng tôi (Toại Khanh) đã phiên dịch cuốn Chúng Sanh Và Sanh Thú của soạn giả Saddhamma Jotika, người sáng lập Đại Học A Tỳ Đàm đầu tiên và duy nhất của Phật giáo Thái Lan tại chùa Rakhang, Bangkok, và nay vẫn đang hoạt động mạnh mẽ.

Ngài Saddhamma Jotika cũng là bậc tôn sư làu thông Tam Tạng đã hướng dẫn nhiều thế hệ tăng ni Thái Lan.

Nội dung cuốn Chúng Sanh Và Sanh Thú được biên soạn kỹ lưỡng với nội dung đúc kết từ các nguồn kinh điển căn bản của Phật giáo truyền thống là Chánh Sớ Tam Tạng Aṭṭhakathā và Phụ sớ Tika.


Chuyện Phiếm Thầy Tu

Chuyện Phiếm Thầy Tu

Ôi! Nói là chuyện phiếm nhưng nó chẳng "phiếm" tí nào. Là cái gì quan trọng và thành khẩn nhất cho những người học Phật thời nay vào buổi tăng tàn, pháp mạt, mà cũng là tuyên ngôn muôn đời của giáo pháp: Một sự nhìn ngắm chân thực vào nơi sâu thẳm nhất của lòng mình! Và đây chính là điều cốt lõi, là điểm tựa đầu tiên cho những người học Phật và tu Phật vậy!


Ðò Xuôi Sơn Hạ

Ðò Xuôi Sơn Hạ

Tôi mượn bài thơ như đồ mắc áo để máng lên đó những vấn đề về giáo lý.

Bao năm đất khách đợi đò
Đò xuôi sơn hạ, người chờ đầu non
Mấy mùa trăng khuyết lại tròn
Đò xưa đổ nát người còn gọi nhau

Bao năm : Vô số kiếp luân hồi.
Đất khách : Trong kinh nói không có nơi nào ta trở lại hai lần hết. Lấn trước là con người khác, lần sau là con người khác. Nên nơi nào cũng là đất khách hết.
Đợi đò : Khi có mặt trên đời, ta mong nhan sắc, tình yêu, tiền bạc, quyền lực, kiến thức, tiếng tăm, ...
Đò xuôi sơn hạ, người chờ đầu non : Cả một chuỗi luân hồi bất toàn, bất trắc. Đò đi ở dưới mà mình chờ trên núi. Sanh ra đời toàn là những chuyện trái ý nghịch lòng. Muốn cái này mà lại được cái khác. Không ai muốn đau, muốn chết mà vẫn phải chịu.
Mấy mùa trăng khuyết lại tròn : Qua bao năm tháng, bao kiếp luân hồi, những chuyện tương tự cứ xảy ra mãi.
Đò xưa đổ nát người còn gọi nhau : Cứ vô thường hoài mà mình cứ đẻ ra là trông ngóng. Trai lớn lấy vợ, gái lớn lấy chồng, tiếp tục 2 con 1 hột, 2 con 1 hột như vậy.
Mỗi bài thơ chỉ là cái cớ để tôi trình bày vấn đề về giáo lý.


Họ Đã Nghĩ Như Thế

Họ Đã Nghĩ Như Thế

Nội dung sách này gồm hai mươi bài tham luận của các vị sư học trò Thiền sư Ajahn Chah về những đề tài khác nhau mà cách trình bày thì cứ như những lời tâm sự mang tính thần kinh nghiệm tự chứng. Có thể nói đó là những suy nghĩ, những lời thầm thì được chép lại thành bài viết . Đọc tới lui bản dịch , bất chợt tôi lại nghĩ về Nietzsche với tác phẩm Also Sprach Zarathustra của ông bằng một chút tinh nghịch trẻ con nhất, tôi bổng nghĩ tới nhan đề cho bản dịch Việt Ngữ của mình rồi hồn nhiên quyết định đặt cho nó cái tên lạ lùng mà các học giả thấy ở trang bìa HỌ ĐÃ NGHĨ NHƯ THẾ (Also dachte Sie! ) thay vì phải dịch sát nhan đề của cuốn nguyên tác ( Seeing the way ) .


Khi Nhà Sư Qua Sông

Khi Nhà Sư Qua Sông

Về đâu, cũng cứ là non thẳm

bên cầu biên giới bóng chiều loang

nhặt lá rừng thông nhen chút lửa

ngó chuyện đời trong chút bụi tàn...


Thơ Rụng Hiên Chùa

Thơ Rụng Hiên Chùa

Một nhánh lan rừng trên đá
Một chiếc lá trên thềm rêu
Một tí nắng chiều trên mái ngói...

Đôi lúc chỉ vậy thôi, không nhiều nhưng vẫn đủ. Một cặp lục bát chở hết được những niềm nỗi, vậy cũng đã xong, không cần gì hơn. Ít mà đủ vẫn hơn nhiều mà dư. Kinh Phật hình như cũng nhắc đến điểm này.

Tôi về thăm chùa Pháp Vũ (Orlando) vào một ngày đầu mưa 2018, thời điểm bỗng dưng thấy mình bơ vơ hơn bao giờ hết, để không ít lần cứ tưởng phải buông hết mà đi, về đâu chưa rõ. Niềm tri ngộ của thầy phương trượng đã vực tôi dậy với từng chén trà khuya gói trọn ân tình của một người anh lớn mà cũng là thi hữu vong niên. Tập thơ mỏng này được ấn hành nhờ cảm hứng có được từ lần gặp gỡ ấy

Từng lời lục bát ở đây đều là một đạo niệm, có điều rằng chúng được nói ra bằng thứ ngữ ngôn xiêu lạc của kẻ bồng phiêu lãng bạt. Xin hồi hướng nhất thiết chúng sanh, mong ai cũng một lòng hướng Phật trong tâm tình thanh thản nhất, khi thấy được trong mỗi câu thơ là một lời kinh và trong từng nắm phàm tình là một lối về giải thoát. Mong lắm vậy thay ...

Orlando, mưa 2018
Tác giả cẩn đề


Tìm hiểu Triết Học Phật Giáo

Tìm hiểu Triết Học Phật Giáo

Nội dung cuốn sách này là những vấn đề căn bản và đương nhiên quan trọng bởi vì ai học Phật mà còn mơ hồ trong mấy vần đề kiểu như chuyện luân hồi, lý nghiệp báo hay lịch sử hình thành các giáo nghĩa nguyên thủy và phát triển thì việc tu học rất khó mà đi đền đâu.

Dĩ nhiên tập sách này không phải là tất cả, mà chỉ là một trong những tài liệu tham khảo nên có trên tay người tìm hiểu Phật Pháp.


Kinh Nghiệm Tuệ Quán (tập I)

Kinh Nghiệm Tuệ Quán (tập I)

Nội dung sách này là một tập đại thành những kinh nghiệm riêng tư của các thiền sư Myanmar dựa trên cái chung là kinh điển Pali mà chúng tôi đúc kết lại từ các nguồn tài liệu tiếng Anh trên cả Internet và sách in. Đó là những kinh nghiệm có được từ công phu hành trì của các hành giả thực thụ chứ không phải những lý luận suy diễn của các học giả mọt sách. Hai thứ này khác nhau nhiều lắm, vì một bên là ngắm nhìn ảnh chụp và một bên là sờ chạm trực tiếp.


Kinh Nghiệm Tuệ Quán (Tập II)

Kinh Nghiệm Tuệ Quán (Tập II)

Sách Kinh Nghiệm Tuệ Quán tập II (Toại Khanh dịch và chú) là một tài liệu tham khảo cần thiết cho hành giả Tuệ Quán (Vipassana) và người tham cứu giáo lý A Tỳ Đàm (Abhidhamma) với những phần nội dung quan trọng được đúc kết từ Sớ Giải Tam Tạng (Atthakatha) không thể tìm thấy ở các sách tiếng Việt xưa giờ.


Kinh Tương Ưng - Huyền Giải Tập 1

Kinh Tương Ưng - Huyền Giải Tập 1

Sau những chướng duyên tưởng chừng mọi sự phải bế tắc, cuối cùng thì hôm nay tập chú giải Tương Ưng Bộ (cuốn 1 trong bộ 4 cuốn) cũng đã được ấn hành.

Theo dự kiến, chúng ta còn có thêm 3 tập nữa mới đủ trọn bộ Kinh Tương Ưng Huyền Giải, tức phần chú giải toàn bộ kinh Tương Ưng, một trong 5 bộ Kinh Tạng mà đến nay sư Toại Khanh chỉ mới giảng gần xong 3 bộ trong đó (Trường bộ, Tương Ưng Bộ và một nửa Tăng Chi Bộ).




Sách đọc nhiều
Bài đọc nhiều