Search

3.11.17

Ăn mày dĩ vãng tác giả Chu Lai

Phanblogs Ăn mày dĩ vãng tác giả Chu Lai
Ăn mày dĩ vãng xoay quanh người cựu binh Hai Hùng, một chiến sĩ quân giải phóng vùng ven đô thành Sài Gòn từ thời Chiến tranh Việt Nam trở về với đời thường trong hiện tại, đã làm một cuộc hành trình lần ngược quá khứ; đi từ hiện tại về quá khứ, từ quá khứ đến hiện tại; nhằm tìm lại người yêu đồng thời cũng là đồng chí của mình.


Ăn mày dĩ vãng tác giả Chu Lai
 Ăn mày dĩ vãng tác giả Chu Lai



Hòa bình, những người lính kiêu dũng trong chiến tranh phần lớn đã "về vườn, ăn theo, núp váy vợ. Đứa thì say xỉn tối ngày nằm trên võng nắng; đứa thì lụi hụi trồng tỉa ngoài bưng, mở mồm là càu cạu; đứa thì thở dài phìn phịt giữa một bên là bầy con nhem nhuốc, một bên là thạp gạo chỉ còn cám mùn đọng quẩn dưới đáy; thằng kia sống trụi thùi lụi một mình, hỏi nhà cửa vợ con đâu chỉ giơ cái chai đế lên cười xệch xẹo". Nhưng cũng có những người như Quân trước là cậu bé giao liên, nay là phó chủ tịch huyện, biết làm giàu cho quê hương và cho bản thân; hoặc như Tuấn, như Tám Tính đã hòa nhập tự nhiên với cuộc sống đời thường và không những thế còn vươn lên làm chủ cuộc sống mới. Trên hết vẫn là nhân vật Hai Hùng, "không vợ không con, không cắc bạc dính túi nhưng có mảnh quá khứ đập phập phồng trong lồng ngực", với lý tưởng "Cuộc đời một thằng lính còn có gì khác hơn là khôn nguôi hướng về dĩ vãng và cầu mong cho dĩ vãng đó luôn trong lành chân thật", một cá tính ít nhiều lạc điệu trong thời hiện tại, nơi "người ta đã hầu hết đều bảo nhau quay lưng lại với quá khứ".



Một ngày như mọi ngày trong thời hậu chiến tại một nhà hàng sang trọng, Hai Hùng tình cờ gặp một người đàn bà với tất cả phong thái, dáng nét của người yêu cũ Ba Sương từ thời chiến tranh của anh. Người con gái bị cho là đã chết mà chính Hai Hùng là người tiến hành cướp xác và chôn cất, ngờ đâu giờ vẫn còn hiện hữu giữa nhân gian với một cái tên khác, Tư Lan, và đang rất thành đạt trên cương vị một nữ giám đốc Sở lâm nghiệp đầy quyền uy, làm ăn nức tiếng lục tỉnh miền Tây. Màn sương mờ phủ của thời gian, những hoài nghi hư thực từ lý trí của nhân vật chính không ngăn nổi linh cảm, rung động và tiếng gọi tự con tim khẳng định chắc chắn người đàn bà thành đạt kia chính là cố nhân của anh. Tất cả đã thôi thúc Hai Hùng tìm về quá khứ, sống lại một thời hoa lửa hào hùng và bi tráng ở cương vị một chiến sĩ, người đội trưởng đặc nhiệm, với những kỷ niệm tình yêu ngọt ngào bên cô y tá, xã đội trưởng Ba Sương. Đây là một hành trình lần ngược ký ức với những day dứt, ân hận của nhân vật tôi vì đã chạy vào hầm trước và không chạy ra cứu người mình yêu khi khoảng cách chỉ là ba chục mét để có thể sống chết bên nhau, để rồi thất lạc nhau từ đó và cùng cuộc tráo xác với Hai Hợi đã khiến Hai Hùng đinh ninh sự thật là Ba Sương đã hy sinh.

Nhưng cuộc kiểm tìm trong mê mải quá khứ, tình yêu, cái đẹp của nhân vật chính cũng đong đầy gian lao, trắc trở khi người tình cũ của anh thỏa hiệp với cái ác, cố tình chạy trốn quá khứ, không dám đối diện với chính mình để yên tâm sống với hiện tại("Ngay cả cái chuyện ai đang nằm dưới mộ kia cũng là một lý do sâu xa và bất cập để cô ấy tự chối bỏ mình"). Trong cùng một thời điểm dường như người ăn mày quá khứ và người chạy trốn quá khứ lại cùng song hành ngược chiều nhau, để rồi cuộc tìm được và nhận ra nhau. Nhưng mọi sự đã quá muộn mằn, dẫu cuộc kiếm tìm này đã kết thúc và các bí ẩn đã được giải mã, dẫu tình yêu ngày nào dường như vẫn vẹn nguyên sự trong trẻo và thủy chung, họ lại không thể đến được với nhau nữa. Ba Sương không hy sinh trong chiến tranh, đã chết đúng cái ngày mà hai người tìm lại được nhau trong thời bình và mọi chuyện trở nên rõ ràng.

Truyện kết thúc ở một nhận định và một câu hỏi khiến người đọc không khỏi ngậm ngùi "cuộc chiến tranh vừa qua có thể là trò đùa nhưng sự mất mát lại là có thật. Cuộc đời hôm nay có thể chỉ là tấn tuồng nhưng nỗi buồn không bao giờ là một màn kịch cả".

Ăn mày dĩ vãng tác giả Chu Lai. pdf

Ăn mày dĩ vãng tác giả Chu Lai.docx