Search

6.11.11

Khi con mê thì thầy độ, khi ngộ rồi thì con tự độ con

Khi con mê thì thầy độ, khi ngộ rồi thì con tự độ con


Hồi Tết tôi tình cờ đọc được một cuốn sách nhỏ, do mẹ tôi ghi lại từ lời giảng của một ông thầy chùa. Nói nghe có vẻ cổ tích, nhưng mà thiệt là cuốn sách vài chục trang đó thật sự đã thay đổi nhiều thứ trong con người tôi. Vài tháng nay lúc nào tôi cũng thấy tràn trề sức sống. Cuộc sống hàng ngày cũng nhẹ nhàng dễ chịu, mặc dù bây giờ công việc căng thẳng và nhiều áp lực hơn hồi ở nhà. Giờ mà ai hỏi tôi có bí quyết gì trong cuộc sống hay không, tôi sẽ vui vẻ trả lời là có...
Khi con mê thì thầy độ, khi ngộ rồi thì con tự độ con
Khi con mê thì thầy độ, khi ngộ rồi thì con tự độ con

Cuốn sách mở đầu bằng một câu hỏi: người đi chùa lễ Phật thường hay niệm "Nam Mô A Di Đà Phật", vậy có biết, có hiểu "A Di Đà Phật" là gì không? Tôi sẽ dừng lại một chút để các bạn... Google, nếu không thì có thể đọc bài này cũng được. Tóm gọn lại thì có quan niệm cho rằng A Di Đà Phật là một ông Phật, mà nếu bạn chịu khó kêu tên ông Phật đó ra, thì có thể bạn sẽ được về miền Tây Phương Cực Lạc. Có lần một người bạn nói với tôi rằng, đạo Phật không phải là một tôn giáo mà là một hệ tư tưởng. Khác với đa số các tôn giáo khác, đạo Phật cho rằng nhân quả là một thuộc tính sẵn có của vũ trụ, và thuộc tính này không bị chi phối bởi bất kỳ "đấng tối cao" nào cả. Giống như ánh sáng thì phải chạy với vận tốc 299792458 m/s, số PI gần đúng là phải là 3.14159265. Nghĩa là mình làm thì mình chịu. Mình làm thì mình hưởng. Không một ai, không một "đấng tối cao" nào có thể thay đổi được gì cả. Tới đây là có thể thấy sự khác biệt cơ bản và rất lớn giữa đạo Phật với các tôn giáo khác rồi. Vì ở đa số các tôn giáo khác, chỉ cần có niềm tin, rồi cầu nguyện hàng ngày với một "đấng tối cao" là mọi thứ có thể được giải quyết hết . Hành động cầu nguyện, xin tội, rửa tội... hàm ý rằng, "đấng tối cao" có thể tác động đến cuộc sống của mỗi người. Vậy lúc mà chúng ta niệm Phật, "Nam mô A Di Đà Phật", tại sao phải kêu tên ông Phật A Di Đà, một khi đã quan niệm rằng, không có ông Phật nào có thể giúp ích được gì? Cuốn sách đưa ra một câu trả lời sâu sắc. Bên trong mỗi con người chúng ta đều có một ông Phật. Ông Phật đó có quyền năng vô biên, có thể xoay chuyển trời đất. Ông Phật đó làm chuyện gì cũng được. Ông Phật đó đau khổ cỡ nào nào cũng có thể vượt qua. Nói chung ông Phật đó là độc cô cầu bại, thiên hạ vô địch. Ông Phật cũng từng tuyên bố: thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn! Nghĩa là từ trên trời cao xuống dưới đất thấp, chỉ có duy nhất mình ổng mà thôi, ngự trị bên trong mỗi con người đã, đang và sẽ sống trên hành tinh này. Ổng là ai mà ghê ghớm đến vậy? Chính là cái tâm, cái suy nghĩ, cái hồn của chúng ta! A Di Đà Phật đúng là tên của một ông Phật, nhưng mà ông Phật đó chẳng phải ai xa lạ, mà chính là ta. Kêu tên ông Phật, nhưng thật ra là kêu gọi cái tâm Phật của chính mình. Thử nghĩ mà xem. Cả thảy loài người, có gì chung nhất? Mặt mũi chân tay? Chưa chắc. Tim gan phèo phổi? Chưa chắc. Phải chăng là ý thức? Ai cũng có một ý thức, dẫu vô hình nhưng lại ngự trị thường trực trong mỗi con người chúng ta. Dẫu nghèo hàn đói khổ hay là giàu sang tột cùng, thì cái ý thức đó vẫn trung thành, ở mãi cạnh ta, ngày cũng như đêm, không bao giờ rời xa. Cái ý thức đó, cuốn sách cho rằng, chính là tâm Phật. Thử nghĩ mà xem... Cái tâm Phật đó có trí tuệ vô biên, khiến chúng ta thành kỹ sư, bác sĩ, nhà toán học, phi hành gia... Cái tâm Phật đó cũng khiến chúng ta thành dốt nát, nghiện hút, hiếp dâm, giết người... Có khó khăn nào mà cái tâm Phật đó chưa trải qua? Có khó khăn nào mà cái tâm Phật đó chưa từng đối mặt và không thể vượt qua? Bệnh tật, đói nghèo, chiến tranh, chết chóc... chẳng có gì mà cái tâm Phật chưa từng trải qua và không thể vượt qua. Thử nghĩ mà xem... ----
Khi con mê thì thầy độ, khi ngộ rồi thì con tự độ con

Khi mà chúng ta biết là khổ đau khó khăn nào chúng ta cũng có thể vượt qua, thì tức là chúng ta đã vượt qua hết tất cả khó khăn khổ đau rồi đó. Khi xưa việc gì cũng khổ, cũng khóc, còn bây giờ khi đã có trí tuệ hiểu biết dù trời sập cũng không khóc, nhà tan cửa nát cũng không buồn đau, bởi ta biết đó là lẽ tự nhiên, và ta có khả năng chịu được. Khổ mà ta có khả năng chịu được, thì làm gì còn cái khổ nào nữa đâu? Huệ Năng từng nói, "Đâu dè tự tánh thường sanh muôn pháp", nghĩa là cái tâm ta muốn gì được đó, làm gì cũng được, vậy mà từ xưa đến nay, ta cứ mãi đi cầu ông này bà kia, cứ đi quỳ quỳ lạy lạy những bức tượng đất để cầu mong được ai đó ban phước cho. Ta cũng có khả năng làm Bồ Tát, cũng có khả năng làm Phật, vậy mà chúng ta đi cầu Phật, năn nỉ Phật mà không chịu làm Phật, đi cầu Bồ Tát, đi xin Bồ Tát mà không chịu làm Bồ Tát! Huệ Năng từng nói, "Dè đâu tánh tự nhiên vốn thanh tịnh". Như vậy ta có sẵn bản tánh tự nhiên rất thanh tịnh mà chẳng bao giờ ta chịu xài, mà xài toàn tham, sân, si, ghen ghét, thù oán, ích kỷ, hẹp hòi, bỏn xẻn... Tại sao ta lại tự làm cho tâm ta bị bôi nhọ, bị vẩn đục? Phật nói rằng, "Ta thành Phật được thì tất cả chúng sanh đều thành Phật được vì tất cả chúng sanh đều có khả năng thành Phật, nếu biết trở về tự tánh sáng suốt trí huệ". Làm thế nào để trở về với cái tâm Phật sáng suốt thông tuệ? Phật nói rằng, "Quay đầu là bờ". Chúng ta đi ra từ bờ, rồi cứ đi mãi đi mãi. Trong cái hành trình đó, chúng ta gắn vào cái tâm trong sáng, gắn vào cái tâm trí tuệ biết bao nhiêu là phiền muộn, biết bao nhiêu là gian dối, biết bao nhiêu là u mê, để rồi chúng ta quên mất rằng, nơi chúng ta cần đến, cái mà chúng ta cần phải có, chính là ở nơi mà chúng ta đã bắt đầu, chính là cái mà chúng ta đã có khi mới bắt đầu. Vậy nên, quay lại đơn giản là từ bỏ, là gạt bỏ, là rửa sạch những cái u mê, ngu muội mà chúng ta đã thu nhặt được từ lúc ra đi. Làm sao biết cái gì là u mê, cái gì là ngu muội? Kinh Kim Cang có câu, "Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm". Nghĩa là đừng dựa vào đâu mà sanh ra tâm, cái tâm của ta vốn đã thiên hạ vô địch rồi, chẳng cần phải dựa vào bất cứ thứ gì nữa! Nói cách khác, cái gì nằm ngoài cái tâm, cả thảy đều làm cho ta thêm u mê, cả thảy đều làm cho ta thêm ngu muội, cả thảy đều làm cho ta thêm buồn phiền đau đớn. Thử nghĩ mà xem. --- Những thứ hữu hình như nhà cửa, xe cộ, tiền tài... đều làm cho ta thêm khổ. Mua thêm cái quần cái áo, thì mỗi lần giặt đồ lại mệt thêm một chút. Lỡ mà mua đồ tốt, lại sợ hư sợ rách, phải hì hục giặt tay. Mua thêm một món đồ điện tử, thì lại tốn thời gian *chơi* với nó cho đáng của. Lỡ mà mua đồ mới, mỗi lần trầy tróc, rơi rớt đổ bể, lại buồn thúi ruột vì tiếc của. Riết rồi không biết ta làm chủ tài sản, hay là tài sản làm chủ ta. Còn những thứ vô hình thì sao? Có cái gì làm cho ta thêm khổ, thêm ngu muội nữa hay không? Có, nhiều lắm, mà toàn những cái tinh vi thôi Phải chăng danh định, bản ngã, cái tôi và thậm chí là tri thức chính là những thứ vô hình ta tự gắn vào tâm Phật của ta để rồi làm cho tâm Phật vốn có khả năng thiên biến vạn hóa trở nên ngu muội, u mê? Từ ngàn năm trước Phật đã dạy, chớ có dựa vào đâu mà sanh tâm! Thế mà ta nào có nghe.