Search

15.5.17

Con đường đói khổ Ben Okri

Phanblogs Con đường đói khổ Ben Okri Cái nghèo và nỗi tủi nhục vẫn không ngăn những con người nghèo khổ tìm ra chân lý sống của đời mình.


Tên sách: Con đường đói khổ
Tác giả: Ben Okri
Người dịch: Linh Bacardi

Con đường đói khổ Ben Okri
Con đường đói khổ Ben Okri
“Người chết chậm rãi đánh thức giấc ngủ của con đường đã ngả nghiêng vì bạo lực. Họ nhảy lộn nhào cùng giấc mơ chính trị ở giữa đàn ông, đàn bà và trẻ nhỏ…”. Con đường trở thành ảo giác tồi tệ nhất, không có kết thúc nhưng lại quá nhiều dấu hiệu mà chẳng có phương hướng nào. Chính vì thế, con đường "thành nỗi đau khổ, cuộc hành hương không chủ đích của tôi”.

Nhân vật xưng tôi là cậu bé Azaro, một tinh linh đã chọn đầu thai vào gia đình của một cặp vợ chồng nghèo khổ ở Nigeria. Cậu bé vừa sống cuộc sống thực của con người nhưng đồng thời sống đời sống của giới tinh linh [1]. Những khả năng cảm thấy trước tai họa một cách kỳ diệu và nhìn rõ đám tinh linh biến cậu trở thành một cậu bé đặc biệt. Thực tại và ảo giác đan trộn và xen lẫn. Cả hai đều nguy hiểm như nhau.

Azaro bị giằng xé giữa hai thế giới. Thế giới ảo giác của những tinh linh rượt đuổi, dồn ép cậu hoặc trở về thế giới của chúng hoặc lừa dụ và hất cậu vào những tai họa chết người. Thế giới con người đầy bạo lực, nghèo đói, bệnh tật nhưng lại khiến cậu “hạnh phúc vì cảm được sự hiện diện ấm áp và nơi nào cũng có sinh khí dịu dàng của ba mẹ”.

Sức mạnh duy nhất mà những người nghèo như gia đình cậu có chính là cái đói của họ. Giống như phần đông phụ nữ khác, mẹ của Azaro hằng ngày đội cái chậu đựng những món hàng nhỏ nhoi của bà đi bán dạo dưới cái nắng gắt. Điều này khiến Azaro tự hỏi "bằng cách nào mà mẹ bán được bất kỳ món đồ nhỏ nhoi nào trong thế giới bụi bặm, tàn khốc và nắng cháy này”.

Bố của cậu hàng ngày phải oằn mình vác một lúc hai bao xi măng đến kiệt sức dưới sự lăng nhục của những kẻ khác nhưng cũng không đủ trả tiền nhà và lo nổi cái ăn cho ba người. Hằng đêm mẹ Azaro luôn phải kể cho cậu con trai bé bỏng của mình nghe những câu chuyện huyền thoại về những người có thể bay lên mặt trăng mà chỉ cần ăn một con dế nướng, hoặc câu chuyện về người sống mà chẳng cần có dạ dày để ru cậu vào giấc ngủ với cái bụng rỗng tuếch.

Bạn đông đúc nhất của những người nghèo làng cậu là ruồi và chuột. Chúng lượn vòng, gặm nhấm, giành giật cái không gian vốn tù túng, ngột ngạt trong mỗi gian nhà chỉ rộng chừng vài mét vuông của họ.

Nơi nhộn nhịp nhất trong ngôi làng của Azaro là quán rượu của bà chủ Koto lại càng phơi bày cái nghèo đói và bần hàn, khốn khổ. Cái quán là một đống hỗn độn: “một bãi ói, ghế tán loạn, lật ngửa lên, bàn để lộn xộn, xương gà xương cá khắp nơi trên sàn, mùi hôi rượu cọ đổ, ruồi đặc nghẹt, những hàng kiến hình thành dọc theo tường. Nơi đây trông tan nát, nó có không khí một ngôi chợ bị hôi của và bị bỏ hoang”. Quán rượu chứng kiến cuộc quy tụ hiếm có của sự quái đản, say sưa, điên khùng, thương tích và thần kỳ.

Trong cái đói khổ đến tận cùng của người dân, những đảng phái chính trị bắt tay với bọn côn đồ dụ dỗ, lừa phỉnh, đánh đập người dân cùng những lời hứa hẹn đầy giả dối: “bạn” của người nghèo. Chúng phát sữa miễn phí cho người nghèo nhưng tất cả đều là sữa hư khiến cả làng bị ngộ độc. Trở lại làng lần thứ hai, “chúng đi cùng mấy bao garri, bọn côn đồ đông gấp 2 lần hôm trước. Chúng có gậy và dùi cui giữa mấy cái bao, dường như chúng chuẩn bị việc từ thiện và chiến tranh cùng lúc”. Bạo lực xảy ra giữa những người nghèo tay không và những kẻ có vũ khí trang bị đến tận răng, mới phút trước còn khoác lác, huênh hoang, phút sau đã hóa thành những con sói độc địa và tàn ác.

“Lần đầu tiên trong đời sống của mình, chúng tôi được xuất hiện trên báo. Chúng tôi là anh hùng trong vở kịch của chúng tôi. Có hình ảnh chúng tôi, đàn ông, đàn bà và con nít đứng bất lực quanh đống sữa của bọn chính trị viên. Hình chúng tôi đang lôi kéo, tấn công cái xe, loạn lên chống lại phương pháp rẻ tiền của bọn chính trị viên, làm nhục bọn côn đồ chính trị, đốt cháy trò giả dối của chúng. Những bức hình nổi bật của anh phó nhòm trên các trang báo, tức khắc có thể nhận ra nỗi đè nén của chúng tôi và khuôn mặt khắc khổ trên nền giấy in sần”, đoạn trích trong tiểu thuyết nổi tiếng của Ben Okri vẽ nên nỗi cay đắng và tủi nhục của những người dân nghèo.

Dù nghèo khổ tới mức khốn cùng, bố của Azaro vẫn luôn khẳng định với đứa con mình: “Chúng ta chỉ nghèo, chứ không là nô lệ”. Và dẫu trong tiếng thở dài của mẹ đầy niềm tuyệt vọng, nhưng trong tận đáy buồng phổi, nơi sâu thẳm của tiếng thở ra vẫn là hy vọng, “niềm hy vọng như giấc ngủ ngay cả vào cuối ngày nắng bỏng rát nhất”.

Người mẹ khốn khổ của Azaro sở dĩ sống được bởi bà hiểu rằng: “Không phải mọi thứ đều lớn lên ở nơi này. Nhưng ít ra còn có con, con mẹ đang lớn”. Bà tin “có một lý do làm thế giới quay. Cái đẹp sẽ cai trị thế giới. Công lý sẽ cai trị thế giới”.

Ben Okri (sinh năm 1959) là nhà văn, nhà thơ người Nigeria, sống tại London, Anh. Ông được coi là một trong những tác giả châu Phi lỗi lạc nhất trong nền văn chương hậu hiện đại và hậu thuộc địa. Ông tiêu biểu cho dòng văn chương đặc sắc của Nigeria.

Tuy trải qua phần lớn cuộc đời ở London, Okri thừa nhận rằng: “Châu Phi là nơi duy nhất tôi thực sự muốn viết về. Nó là tặng phẩm của nhà văn”. Chủ đề tráng lệ của ông là về tổ tiên Nigeria. Qua ngòi bút của mình, ông phác họa cảnh tượng những linh hồn, những thị kiến, những giấc mộng, sự nghèo đói cùng với cuộc tranh đấu lao khổ của con người chống lại sự bóc lột và thối nát.

Ông xuất bản gần 20 tác phẩm và đoạt nhiều giải thưởng. Năm 1991, cuốn Con đường đói khổ (The famished road) giúp ông giành giải Booker. Một số tác phẩm nổi bật khác của ông: Hoa và bóng (Flowers and Shadows, 1980), Phong cảnh bên trong (The landscapes within), Mối tình hiểm nghèo (Dangerous love, 1996)…

Ngân Hoa

Chú thích:

[1]: Tinh linh (spirit-child): từ tác giả dùng chỉ những sinh linh chết non, linh hồn không chịu đầu thai làm người.

Con đường đói khổ Ben Okri. pdf

Con đường đói khổ Ben Okri. doc






Lý thuyết con gián

Phanblogs LÝ THUYẾT CON GIÁN Sundar Pichai là CEO của Google từ 2015. Tôi thích lý thuyết “con gián” của ông. Có thể hiểu lý thuyết này qua câu chuyện sau:


“Một con gián, không biết từ đâu, bay vào nhà hàng và đậu lên vai một quý bà.
Quý bà vô cùng hoảng hốt. Khuôn mặt sợ đến tái mét, bà vừa la hét, vừa nhảy ra khỏi ghế ngồi, cố lắc thật mạnh để tách con gián ra.
Con gián bay sang đỗ lên vai một quý bà khác. Quý bà này cũng sợ hãi không kém và tạo ra một sự hỗn loạn còn lớn hơn.
Và cứ thế, con gián chuyền từ người này sang người khác. Sự hỗn loạn ngày càng gia tăng.
Cuối cùng người bồi bàn cũng chạy tới. Anh lấy chiếc khăn xua nhẹ và con gián vô tình bay sang vai anh. Rất bình tĩnh, anh chậm rãi đi ra cửa, rồi chạm nhẹ vào nó. Con gián tự bay ra vườn. Sự hỗn loạn kết thúc”.

Sundar Pichai đúc kết:

“Nhìn qua, chúng ta dễ lầm tưởng rằng, sự hỗn loạn là do con gián mang lại. Nhưng qua cách xử lý của người bồi bàn, chúng ta hiểu là không phải thế. Sự hỗn loạn thực tế đã được tạo ra bởi những hành động của các quý bà đối với con gián, chứ không phải bản thân con gián”.

Trong cuộc sống, những chuyện ta không mong muốn vẫn luôn xảy ra. Chẳng hạn, nhỏ thì như chuyện: cơm sống, canh mặn; hoặc lớn hơn như chuyện: trẻ con hàng xóm đánh nhau hay anh chồng nhậu say xỉn… Bản thân chúng chưa phải là vấn đề; chính thái độ và cách xử lý không thích hợp của chúng ta mới thực sự biến chúng thành vấn đề.


 liệu con gián có phải là nguyên nhân dẫn đến màn hỗn loạn mà có phần hơi giả tạo của các vị khách vừa rồi?


Nếu đúng như vậy thì tại sao anh chàng bồi bàn lại rất điềm tĩnh xử lí con gián?

Anh ta xử lí tính huống một cách gần như hoàn hảo, không gây ra bất kì sự lộn xộn nào.

Thực sự nguyên nhân của màn huyên náo vừa rồi không phải là con gián, mà là do khả năng yếu kém của những vị khách không thể kiểm soát được sự quấy rầy vô duyên của con gián khi nó xuất hiện bất ngờ trong khách sạn.

Tự dưng tôi nhận ra rằng không phải là tiếng hét của cha tôi, vợ tôi hay sếp tôi khiến tôi bực mình, mà là do khả năng yếu kém của bản thân tôi khi không thể kiểm soát được cảm xúc khi phải nghe những lời nói đó.

Không phải là việc tắc nghẽn giao thông khiến tôi bực mình, mà là do khả năng yếu kém của bản thân tôi khi không thể kiểm soát được cảm xúc do con đường tôi đi đang bị tắc.

Không phải vấn đề của tôi là gì, mà là do chính phản ứng của tôi đối với vấn đề đó đã gây ra những lộn xộn cho cuộc đời mình.

Vì thế bài học rút ra từ câu chuyện con gián ở trên là:



  • Không bao giờ nên “phản ứng” trong đời, mà luôn luôn “ứng phó”.

  • Những vị khách nọ phản ứng khi bị con gián nhảy lên người, trong khi anh bồi bàn ứng phó với nó.

  • Phản ứng là những hành động mang tính bản năng, còn việc ứng phó là hành động được thực hiện sau khi đã được suy nghĩ kĩ và có kế hoạch.

  • Đây thực sự là một cách tuyệt vời để hiểu về cuộc đời.



link Quora : https://www.quora.com/Life-Advice-How-can-I-make-my-life-simpler/answer/Ayush-Jain-79?share=1&srid=dx8T