Search

27.2.24

GIỚI CẤM THỦ - SĪLAVATA-PARĀMĀSA

GIỚI CẤM THỦ - SĪLAVATA-PARĀMĀSA

"Giới cấm thủ" (戒禁取) thường được xem là dịch từ chữ "sīlavata-parāmāsa" (sīlabbata-parāmāsa, sīlavata-upādāna), có nghĩa là chấp thủ vào giới điều, lễ nghi. Đây là một trong mười sợi dây trói buộc (kết sử, thằng thúc - samjoyana), trói buộc con người trong vòng sinh tử luân hồi.
Sīla dịch là giới (hay giới đức), vata dịch là điều lệ (hay nghi thức), parāmāsa dịch là chấp thủ.
Sīlavata-parāmāsa có thể dịch là chấp thủ vào giới điều, lễ nghi, hình thức – giới lễ nghi thủ.
Không hiểu chữ "cấm" là dịch từ đâu? Nhận được những thông tin, hình ảnh ngày càng phong phú, đa dạng về các sinh hoạt Phật giáo nặng phần lễ nghi tụng niệm hình thức hào nhoáng, màu mè, rườm rà, tôi bâng khuâng, không hiểu đó có phải là những dạng thái giới cấm thủ không? Nếu không cắt bỏ được sợi dây trói buộc nầy thì không thể nào nhập được vào dòng sông giải thoát.
Ở đây xin trích vài định nghĩa, tìm từ các trang web Phật giáo trên mạng Internet.
GIỚI CẤM THỦ - SĪLAVATA-PARĀMĀSA



Định nghĩa 1:

 
Từ “giới cấm thủ” (sīlabbata-parāmāsa) thường bị hiểu lầm. Trừ khử “giới cấm thủ” không có nghĩa là một thái độ buông lơi, phóng túng, dễ duôi, không giữ gìn giới hạnh.
Trái lại, nó có nghĩa là một thái độ minh triết, xem giới luật như là một phương tiện tốt, cần thiết để luyện tâm, nhưng lại không mù quáng, không quá lệ thuộc vào các hình thức giáo điều.
Một người không còn giới cấm thủ là một người lúc nào cũng có giới đức trong sạch, nhưng sống thảnh thơi trong giới luật đạo hạnh, không còn coi đó là một gánh nặng trên con đường hành trì của mình.
Trong nhiều bài kinh (Tương ưng bộ, Phẩm Dự lưu), Đức Phật thường đề cập đến bốn yếu tố chính đưa đến quả Dự lưu là lòng tín thành bất động nơi Tam Bảo và có giới đức cao thượng, lúc nào cũng được các bậc chân nhân khen ngợi.– (Bình Anson, 2004)
 

Định nghĩa 2:

 
Giới cấm thủ:Khư khư giữ chặt một giới cấm không đưa đến giải thoát, tự trói buộc mình. Giới luật Phật chế là để giúp ta giải thoát ngay hiện tại.
Tôn giả Udāyi một hôm thầm cảm ân đức của Thế Tôn đã thốt ra những lời cảm động như sau:
“Thế Tôn thật sự đã đoạn trừ nhiều khổ pháp cho ta! Thế Tôn đã thật sự mang lại lạc pháp cho ta!”, vì nhờ giới luật chế không ăn phi thời, mà tôn giả tránh được bao nhiêu nhục nhã ê chề những lúc đi khất thực vào buổi tối.
Kinh nghiệm đau đớn nhất cho ngài, như ta được nghe ngài kể lại với Đức Phật, là một hôm vào lúc sẫm tối, ngài ôm bát đứng trước một nhà nọ. Một người đàn bà từ trong đi ra, bỗng ngất xỉu vì hoảng sợ, tưởng con quỷ nào hiện hình quấy phá.
Khi hoàn hồn, bà mắng nhiếc: “Cha Tỳ kheo hãy chết đi! Mẹ Tỳ kheo hãy chết đi! Thật tốt hơn cho ngươi là lấy con dao bén mổ cái bụng chết đi còn hơn vì lỗ miệng đi khất thực buổi tối làm cho người ta sợ hết hồn!” .
Chính vì những bất tiện ấy, Thế Tôn mới chế giới cho Tỳ kheo để được sống giải thoát an vui.
Trái lại, giới cấm thủ là những kỷ luật phi lý không do một đấng giác ngộ lập ra, mà do những bậc thầy ngu si muốn lôi cuốn đệ tử bằng những điều luật khó theo, quái gở, lập dị, không vì mục đích giải thoát mà chỉ để lòe thiên hạ.
– (Ni sư Thích Nữ Trí Hải, Từ nguồn Diệu pháp, 2003)
 

Định nghĩa 3:

 
Giới cấm thủ kiến là bảo thủ cái thấy về giới phải giữ. Cố bảo thủ cái thấy phải giữ giới mà không biết là giới đó có đem lại lợi ích hay không.
Thí dụ giữ giới không nói láo, nên lúc nào cũng nói thật, nhưng không biết lợi hại của lời nói thật và dối, nên khi kẻ cướp nó hỏi cái gì thì cũng nói thật để nó làm hại người khác.
Vậy là giới cấm thủ là một sai lầm từ cái thấy giữ giới mà không nhiêu ích hữu tình.
Giới cấm thủ là đè nén và có cái thấy bị đè nén. Do vậy sự đè nén của giới cấm thủ đưa đến cái thấy bị đè nén do giữ giới. Cái đè nén này là sở tri chuớng có hại.
Giới của Phật dạy là có động cơ của tình thương và vì sự lợi ích và hiểu biết của các chúng sanh. Vì vậy giới của Phật tử không do đè nén và đàn áp tao thành tri kiến ức chế. Có cái thấy ức chế khi giữ giới là giới cấm thủ kiến. – (Minh Đức, Thế trí biện thông)
 

Định nghĩa 4:

 
Giới cấm thủ kiến: Giới đây là những kiêng cử, những cấm kỵ, những hình thức nghi lễ, những giáo điều hoặc những tín điều mà mình bị kẹt vào. Ví dụ mình tin rằng con bò là vật linh thiêng và mình không dám động tới nó. Hoặc tin rằng ông táo hay bình vôi là những vật thiêng liêng. Hoặc mình tin rằng tổ tiên mình là cây cau, mình không dám động tới cây cau.
Xứ nào, dân tộc nào cũng có những niềm tin phát sinh do sự tưởng tượng hay do sự sợ hãi của con người xứ đó.
Nghi lễ được đặt ra là để nhắm tới bảo vệ và làm cho mình an tâm. Nhưng rốt cuộc rồi mình bị kẹt vào trong nghi lễ. Giới cấm thủ kiến là sự bị kẹt vào các hình thức nghi lễ, giáo điều và tín điều không phù hợp và không có lợi ích gì cho việc thực tập chuyển hóa.
– (Thiền sư Thích Nhất Hạnh)
 
Nguồn sách: Về quả vị Dự lưu. Tuyển tập các bài viết Bình Anson biên soạn (2020)
Nguồn ảnh: Vietnamnet.vn
ghi chú: 169 

24.2.24

Có xúc thì phải có thọ. Nhưng sau thọ thì đừng nên là ái

"Có xúc thì phải có thọ. Nhưng sau thọ thì đừng nên là ái."

"Có xúc thì phải có thọ. Nhưng sau thọ thì đừng nên là ái." -Sunlun sayadaw Nguồn ảnh: Ốc Quỳnh Ghi chú: 159


-Sunlun sayadaw
Nguồn ảnh: Ốc Quỳnh
Ghi chú: 159

22.2.24

Theo Dấu Chân Phật Tác Giả Tỳ Khưu Chơn Tín 2019


Giới thiệu về cuốn sách “Theo Dấu Chân Phật”


"Theo Dấu Chân Phật" là hành trình hết sức an lạc, từng bước chân của Tỳ-khưu Chơn Tín được ghi chép trong cuốn sách này, mô tả một chuyến đi kéo dài 112 ngày, băng qua 3600 km để đến với những dấu tích quan trọng của Đức Phật.





Tỳ-khưu Chơn Tín, hay còn được biết đến với tên Lê Ngọc Tín, sinh năm 1986 tại Thủy Lương, Hương Thủy, Huế, đã từng phát nguyện xuất gia từ năm 9 tuổi, cam kết cả đời sống cho tĩnh lặng và phục vụ Đạo pháp cũng như chúng sanh. Sau khi hoàn thành chương trình học tập tại Cao đẳng Phật học, Tỳ-khưu Chơn Tín đã trải nghiệm sự hướng dẫn trực tiếp của cố Hoà thượng Thiền Sư U Pandita tại Miến Điện trong khoảng thời gian từ 2006 đến 2008. Trở về quê hương, ông được bổ nhiệm làm Tri sự (Phó chủ trì) chùa Huyền Không Sơn Thượng và được chủ trì bởi Hòa thượng – Giới Đức.

Cuộc hành trình đặc biệt nhất trong cuộc đời Tỳ-khưu Chơn Tín là theo dấu chân Phật từ năm 2018 đến năm 2022. Trong lần thứ tư chiêm quan Ấn Độ, ông cùng với 100 vị Sư Thái Lan đã trải qua 112 ngày, đi bộ qua 3600 km để đến với những dấu tích quan trọng của Đức Phật. Hành trình này không chỉ đánh động tiềm thức mà còn khơi dậy cảm xúc của Tỳ-khưu Chơn Tín, được ghi lại một cách giản đơn, dí dỏm trong cuốn sách "Theo Dấu Chân Phật."

Cuốn sách này, chia thành 32 phần, mô tả từng điểm dừng chân của tác giả, là một trải nghiệm gian khổ, hiếm có với người thường, và kể lại những điều mắt thấy, tai nghe trong suốt hành trình khám phá đất đai Phật giáo. "Theo Dấu Chân Phật" không chỉ là tác phẩm thành công mà còn tạo ra một cảm giác tham gia vào hành trình của Đức Phật với giọng văn tự sự và hình ảnh gần gũi. Cuốn sách này, dành cho những người "hữu duyên," mang đến cho độc giả trải nghiệm chân thực và ý nghĩa về hành trình tìm kiếm tâm linh.


===

THEO DẤU CHÂN PHẬT TỲ KHƯU CHƠN TÍN


“Theo Dấu Chân Phật”: An lạc từng bước chân trong hành trình 112 ngày, 3600 km về nơi dấu tích của Đức Phật

“Theo Dấu Chân Phật” là cuốn sách do Tỳ-khưu Chơn Tín kể lại cả hành trình “112 ngày, 3600 km” dầm sương, dãi nắng về nơi Đức Phật từng sống, từng thuyết pháp, ngồi thiền và độ sanh.
Đôi nét về Tỳ-khưu Chơn Tín – Tác giả cuốn sách “Theo Dấu Chân Phật”

Tỳ-khưu Chơn Tín thế danh Lê Ngọc Tín sinh năm 1986 tại Thủy Lương, Hương Thủy, thành phố Huế. Năm 9 tuổi, Tỳ-khưu Chơn Tín đã phát nguyện xuất gia dành trọn cả cuộc đời sống tĩnh lặng, tu tập phụng sự Đạo pháp phụng sự chúng sanh.
Tỳ-khưu Chơn Tín tác giả cuốn sách “Theo Dấu Chân Phật” Sau khi hoàn thành chương trình học tập tại Cao đẳng Phật học, năm 2006 đến 2008, Tỳ-khưu Chơn Tín đã tới Miến Điện (Myanmar) nơi mà thiền là một phần không thể thiếu của đời sống tâm linh và văn hóa. Tại đây, Tỳ-khưu đã thực tập thiền với sự hướng dẫn trực tiếp của cố Hoà thượng Thiền Sư U Pandita. Trải qua 2 năm tu tập thiền, Tỳ-khưu Chơn Tín quyết định trở về quê hương và được bổ nhiệm làm Tri sự (Phó chủ trì) chùa Huyền Không Sơn Thượng cho đến nay. Bổn sư của thầy là Hòa thượng – Giới Đức chủ trì chùa Huyền Không Sơn Thượng.
Điều đặc biệt nhất trong cuộc đời Tỳ-khưu Chơn Tín chính là hành trình theo dấu chân Phật từ năm 2018 đến năm 2022. Trong lần thứ tư chiêm quan Ấn Độ (từ ngày 10/12/2022 đến ngày 02/04/2023), bản thân Tỳ-khưu cùng với 100 vị Sư Thái Lan đã có những trải nghiệm thực tế 112 ngày, 3600 km đi bộ về nơi dấu tích của Đức Phật.
Hành trình về miền đất Phật đã đánh động tiềm thức, khơi dậy cảm xúc của Tỳ-khưu Chơn Tín và được ghi chép lại bằng những từ ngữ giản đơn, dí dỏm. Qua cuốn sách “Theo Dấu Chân Phật”, độc giả sẽ như được cùng tác giả lần theo từng dấu chân còn mãi của đức tin thiêng liêng, quý báu.

Giới thiệu về cuốn sách “Theo Dấu Chân Phật”
Bằng giọng văn tự sự và những hình ảnh tạo cảm giác gần gũi, tự nhiên, “Theo Dấu Chân Phật” tạo cho người đọc cảm giác như chính mình đang tham gia vào hành trình về với quê hương Đức Phật.
Cuốn sách được chia thành 32 phần, ghi chép lại từng điểm dừng chân của tác giả – một trải nghiệm đặc biệt gian khổ, hiếm có đối với người thường, thậm chí là đối với nhiều người tu hành thời nay. Lời tựa tản mạn tường thuật lại những điều mắt thấy, tai nghe trong suốt hành trình 112 ngày, 3600 km dãi nắng, dầm sương diễn tả lại thành 32 chương ký. Trong suốt hành trình Tăng đoàn đã đi qua những thánh tích thiêng liêng của Đức Phật từng sống, từng thuyết pháp, ngồi thiền và độ sanh.
“Theo Dấu Chân Phật” là tác phẩm thành công. Hãy đi và hãy đọc. Chưa đi mà đọc có lẽ hay hơn. Cái đất Ấn kỳ lạ này luôn tồn tại hai cực đoan. Giàu đến tận đỉnh Hymālaya mà nghèo thì rớt tận vực sâu. Xa hoa, phú quý thì ngất ngưởng mà đói nghèo, khổ cực cũng ngất ngưởng không kém gì! Hai nền văn minh cực kỳ phồn thịnh đã đi qua đây. Từ năm Từ năm 2800 TCN đến 1300 TCN có hai nền văn minh rực rỡ. Nền văn minh sông Indus có đô thị thiết kế khoa học, nghệ thuật và hoành tráng không thua gì hiện nay! Nền văn minh Vệ-đà cũng là thời hoàng kim của đất Ấn, như cô gái đẹp ngủ quên trong rừng quá lâu nay đã hóa bùn, hóa đất, hóa đá… Bây giờ, thì vậy đó… bụi bặm, hoang tàn, đổ nát, rác, chất thải, phân dê, cừu, bò… khắp nơi, nhưng thủ đô và các thành phố lớn, ví như có một đám cưới hằng trăm tỉ… cũng là “chuyện thường ngày ở huyện”!
Đất Phật hiện nay của chúng ta đó! Thiệt là bùi ngùi! Sợ khổ, sợ cực, sợ bẩn nhưng vẫn cứ muốn đi!
Một cuốn sách “chỉ dành cho người hữu duyên”

THEO DẤU CHÂN PHẬT - Kỳ 1 (Hành trình đầu đà của chư sư Huyền Không Sơn Thượng về miền đất Phật)

Bài viết: 
Tại vùng đất cổ xưa nơi khởi nguồn triết lý tâm linh cùng tín ngưỡng Vệ Đà và nhiều giáo phái của Ấn Độ giáo, nơi của những âm vang cầu nguyện không bao giờ dứt và là nơi chứng kiến hành trạng một nhân cách vĩ đại nhất giữa tam giới - Đức Phật Sakyā Gotama. Cuộc đời Ngài là một cuốn phim dài sống động. Với từ bi và tuệ giác, Ngài đem đến cho tất cả chúng sanh đang chìm trôi trong bóng tối của vô minh một con đường đầy ánh sáng thiêng liêng, mầu nhiệm. Suốt 45 năm đầu trần, chân đất Ngài rong ruổi từ núi cao cho đến xóm gần, từ thành thị cho đến những miền quê hẻo lánh, Ngài độ cho những ai hữu duyên, cho những ai có trí để hiểu và có lòng muốn hướng về nguồn cội. Năm 80 tuổi, sau những năm tháng dài dẫn lối cho vô vàn chúng sanh tìm về ánh sáng, tại Kusinārā Ngài nhập Niết-bàn an nhiên như mặt trời kia lặng chìm sau bóng núi. Màn đêm buông, nhưng vầng dương thì có bao giờ tắt chẳng phải thế sao!
Uớc nguyện được một lần trở về Ấn Độ chiêm bái và đảnh lễ 4 thánh tích luôn là tâm nguyện của tất cả những thế hệ người con Phật. Về để tri ân, để tận mắt thấy, để cảm nhận niềm tịnh tín phát sanh và tăng trưởng vững chắc trong tâm mỗi người như lời Đức Phật đã dạy trong kinh Mahāparinibbāna trước phút giây Ngài nhập Niết-bàn: "Này Ānada, có bốn thánh tích nơi chư tỳ kheo tăng, ni, các thiện nam tín nữ đến đây đảnh lễ và chiêm bái. Họ sẽ suy niệm như vậy: Đây là nơi Đức Phật đản sanh (Lumbinī), đây là nơi Ngài thành đạo (Bodhgāya), nơi này Ngài chuyển pháp luân (Sarnath), đây là nơi Ngài nhập Niết-bàn (Kusināra)và rồi họ tín tâm, hoan hỷ". Và hơn thế chúng tôi còn muốn về đây "theo dấu chân Phật" lần mò theo mỗi con đường, dòng sông, ngọn núi để thấu hiểu tấm lòng từ bi mênh mông mà suốt quãng đời mình Ngài đã dành cho sanh chúng. Với ước nguyện đó, đầu năm mới chúng tôi tháp tùng theo một đoàn du tăng đầu đà người Thái Lan sang Ấn Độ. Đoàn hơn 120 vị sẽ bắt đầu khởi hành từ Bồ Đề Đạo Tràng, Ấn Độ chậm rãi bộ hành về Lâm-tỳ-ni, Nepal. Chặng đường đi và về ước tính 1500 cây số xuyên qua bốn thánh tích, những làng mạc xa xôi, những vương triều nay chỉ còn là phế tích. Trong dịp này ban biên tập chùa Huyền Không Sơn Thương xin chia sẻ những hình ảnh và chú thích các địa điểm chính, những nơi Đức Phật từng đi qua nhằm giúp cho những ai đã phát tâm nhưng chưa từng được đến đều có thể thấy và đồng phát sanh tín tâm, hoan hỷ.
Phần dưới đây là chú thích của BBT/TVHS nhằm giúp độc giả dễ theo dõi bước chân du hành của đoàn đoàn du tăng đầu đà người Thái Lan cùng với tăng đoàn Tu Viện Huyền Không Sơn Thượng, Huế Việt Nam sang Ấn Độ. Đoàn hơn 120 vị đã khởi hành từ Bồ Đề Đạo Tràng, Ấn Độ chậm rãi bộ hành về Lâm-tỳ-ni, Nepal. Chặng đường đi và về ước tính 1500 cây số xuyên qua bốn thánh tích, những làng mạc xa xôi, những vương triều nay chỉ còn là phế tích. (Xem bản đồ phía bên dưới bài này)
Bodhgaya: Bồ Đề Đạo Tràng là nơi Phật thành đạo bên bờ sông Ni Liên Thiền (Niranjana). Nay là một thành phố thuộc quận Gaya, bang Bihar, Ấn Độ. Nơi đây được coi là thánh tích quan trọng nhất, nằm cách thủ phủ Patna của bang Bihar 96km
Rajgir (Hán-Việt: Vương Xá Thành) là một thành phố và là một khu vực quy hoạch (notified area) của quận Nalanda thuộc bang Bihar, Ấn Độ. Thành phố này là kinh đô đầu tiên của vương quốc cổ Magadha.
Nālandā Nalanda có nghĩa là “người trao trí tuệ”. Đó là một khu đại học rất quy mô của Phật giáo suốt từ thế kỷ thứ V đến thế kỷ XII. Sinh thời Phật nhiều lần đến chỗ này, lúc đó thì chưa có đại học. Khi đi từ Vương Xá đến Hoa Thị Thành (Pataliputta nay là thành phố Patna), Phật thường đi ngang Nalanda, dừng chân tại vườn xoài của Pavarika và thuyết kinh tại đây. Tôn giả Xá Lợi Phất (śāriputra) tịch diệt tại đây. Ngài Long Thọ (Nagarjuna) cũng từng học tại Nalanda. Nalanda cách thủ phủ Patna 90km về hướng Đông nam, cách Vương Xá khoảng 12km. Địa danh này ngày nay được xác định nằm tại ngôi làng Bada Ganon. Lúc thịnh thời , khu đại học này từng được ghi nhận là có mười ngàn sinh viên và hai ngàn giáo sư. Nalanda bị hủy diệt, thiêu rụi hoàn toàn vào năm 1193, khi những người Hồi giáo Thổ Nhĩ Kỳ dưới sự chỉ huy của Bakhtiyar Khilji đánh phá nơi này. Họ đã đốt phá trường học, tự viện và giết các Tăng sĩ ở đây. Sự kiện này cũng được xem là điểm mốc đánh dấu sự suy tàn của Phật giáo tại Ấn Độ, mặc dù Phật giáo đã thực sự suy yếu trước đó một vài thế kỷ. Từ năm 1915 (trong suốt thời gian từ 1915-1937, và sau đó từ 1974-1982), Nalanda chính thức được khai quật tổng thể dưới sự chỉ đạo của Hội Khảo cổ học Ấn Độ (Archaeological Survey of India), với sự tài trợ của Hội Royal Asiatic Society của Anh. Nhiều nền chùa tháp được tìm thấy, nhiều di tích liên quan được phát hiện. Toàn khu vực Nalanda ngày nay rộng vào khoảng 14 hecta. Tuy đã được khai quật nhiều, nhưng dựa theo ký sự của ngài Huyền Trang thì những gì được biết đến chỉ là một phần nhỏ so với tổng thể của Nalanda xưa.
Paṭnā là thủ phủ của bang Bihar, một trong những cố đô của Ấn Độ và cũng là một trong những địa điểm có dân định cư liên tục cổ nhất thế giới.
Vaishali (Thành Tỳ-Xá-Ly) là một địa danh nổi tiếng, vì nó có nhiều sự kiện liên quan đến cuộc đời của Đức Phật và Tăng đoàn như là nơi thành lập đoàn thể Tỳ Kheo Ni, là nơi kết tập kinh điển lần thứ hai, là nơi Phật cư trú và hoạt động vào những năm cuối đời. Vaishali là thủ đô của Lichchhavis - người mà được tin tưởng là nước cộng hoà đầu tiên trên thế giới (world's first republic).
Kushinagar (Câu Thi Na) là nơi Phật nhập Niết bàn giữa hai cây sa la (sa la song thọ). Câu Thi Na là kinh đô của tiểu quốc Malla, một thị tứ nhỏ và nghèo nàn so với các nước hưng thịnh thời bấy giờ, nhưng Đức Phật lại chọn nơi này làm nơi diệt độ với lý do liên quan đến tiền thân Ngài. Thời xa xưa, Câu Thi Na là kinh đô của Chuyển Luân Thánh Vương tên là Thiện Kiến, một trong những tiền thân của Phật, xưa cũng là một kinh đô hưng thịnh phú cường. Và cũng chính nơi đây, Ngài đã xả báo thân đến bảy lần. Ngày nay Kushinagar là một thị trấn nhỏ khoảng 18.000 dân, thuộc quận Kushinagar, bang Uttar Pradesh.
Lumbini (Vườn Lâm Tỳ Ni) là nơi Phật đản sinh, ngày rằm tháng 4 âm lịch gọi là ngày Phật Đản cũng tức là sinh nhật của Phật. Lumbini ngày nay là quận Rupandehi thuộc nước Nepal nằm cách biên giới với Ấn Độ khoảng 36 km.
Kapilavastu (Thành Ca Tỳ La Vệ), nằm sát biên giới Nepal – Ấn Độ, tiểu quốc này rộng khoảng 320 km2 là nơi sinh sống của Thái tử Tất Đạt Đa trong suốt 19 năm đầu đời của Phật trong triều đình của vua cha Tịnh Phạn (Suddhodana). Sách Đại Đường Tây Vực Ký của Huyền Trang ghi “Nước này có một chu vi khoảng hơn 4000 dặm. Trong đó có trên 10 thành phố đều hoang phế và điêu tàn tột độ. Thủ đô cũng bị đất vùi lấp và đổ nát”. Sở dĩ có tình trạng đó vì ngay trong thời Đức Phật, Ca Tỳ La Vệ đã bị tàn phá, dòng họ Thích Ca bị tàn sát bởi thái tử Tỳ Lưu Ly (Virudhaka) con thứ của vua Ba Tư Nặc, em của thái tử Kỳ Đà (Jeta).
Shravasti (Thành Xá-vệ) là kinh đô của nước Kiều Tát La (Kosala), do vua Ba Tư Nặc (Pasenadi) cai trị. Nơi đây có Tịnh Xá Kỳ Viên mà trưởng lão Cấp Cô Độc đã mua của thái tử Kỳ Đà (Jeta) để làm nơi cư trú chính cho Đức Phật và các đệ tử. Về sau thái tử Kỳ Đà bị em là Tỳ Lưu Ly sát hại vì không ủng hộ cuộc tàn sát dòng họ Thích Ca. Phật đã trải qua 25 mùa an cư kiết hạ tại đây. Cách tịnh xá Kỳ Viên (Jetavana) khoảng 5 km có một vườn xoài, đó là khu Đông viên Lộc Mẫu giảng đường (Pubbārāma Migāramātupāsāda), do nữ thí chủ Tỳ Xá Khư (Visakha) cúng dường. Bà sống trên 120 tuổi, qua đời sau khi đức Phật nhập Niết Bàn khoảng 60 năm. Trước cổng tịnh xá Kỳ Viên có một cây Bồ Đề cổ thụ đến nay vẫn còn, do tôn giả A Nan Đà (Ānanda) trồng, chiết cành từ cội Bồ Đề nơi Đức Phật thành đạo. Savatthi ngày nay cũng nằm sát biên giới Nepal- Ấn Độ, thuộc quận Shravasti, bang Uttar Pradesh, cách Lucknow (thủ phủ của bang) 170km về phía bắc.
Varanasi (Ba La Nại) là một thành phố thánh và là trung tâm trong suốt hàng ngàn năm của Hindu giáo nằm bên bờ sông Hằng ở bang Uttar Pradesh, Ấn Độ. Nơi đây còn là một trong Tứ thánh địa của Phật giáo với vườn Lộc Uyển Sarnath nơi Đức Phật Thích Ca thuyết bài Pháp đầu tiên sau khi thành đạo.
Sarnath (Vườn Lộc Uyển) còn gọi là Lộc Dã (vườn nai) là nơi Phật thuyết pháp lần đầu tiên cho 5 anh em Kiều Trần Như. Vườn Lộc Uyển nằm cách thành phố cổ Varanasi (Ba La Nại) khoảng 10 km. Varanasi trước đây là thủ phủ của bang Uttar Pradesh, nay thủ phủ dời về Lucknow. Tại đây có tháp Dharmarajika là một trong số những ngôi tháp dựng lên bởi vua Ashoka còn lại, mặc dù chỉ còn nền móng, vật liệu của tháp đã được di chuyển tới Varanasi để sử dụng làm vật liệu xây dựng trong thế kỷ thứ 18.
Rajagaha (Thành Vương Xá), kinh đô của nước Ma Kiệt Đà, là nơi Tất Đạt Đa tầm sư học đạo lúc mới xuất gia, cũng là nơi Phật đến thuyết pháp đầu tiên theo lời hứa với vua Tần Bà Sa La (bimbisāra) sau khi thuyết pháp cho nhóm Kiều Trần Như, trong buổi ban đầu sau thành đạo. Nơi đây có Trúc Lâm Tịnh Xá (Veluvana) do vua Tần Bà Sa La tặng. Đức Phật trải qua mùa an cư kiết hạ đầu tiên tại đây. Nơi đây đã diễn ra cuộc kết tập kinh điển lần thứ nhất tại hang động Sattapanni. Gần thành này có núi Linh Thứu (Gijjhakuta), vườn xoài Jivaka. Đây cũng là nơi Phật hàng phục con voi hung hãn của vua A Xà Thế (ajātaśatru) mà Đề Bà Đạt Đa (Devadatta) sử dụng định sát hại Phật.

THEO DẤU CHÂN PHẬT - Kỳ 2 (Tại Bồ Đề Đạo Tràng)

"Đêm. Dòng sông Nerañjarā lấp lánh ánh trăng. Gió thổi rì rào xuyên qua rừng cây trầm mặc. Hương hoa cỏ dịu dàng thoang thoảng giữa không gian. Siddhattha Gotama sau khi chiến thắng nội ngoại ma, ngài ngồi yên tĩnh theo dõi hơi thở với tâm và trí hoàn toàn tỉnh thức và thanh khiết...Thế là một vầng nhật nguyệt vừa xuất hiện trên thế gian. Lừng lững. Vằng vặc. Trí tuệ và từ bi. Còn soi sáng đêm ngày cho đến hết năm ngàn năm cùng nhân duyên với chúng sanh hữu trí."(*)
Chúng tôi đến Bodhgāya vào một chiều mờ sương. Trời se lạnh. Khói bốc lên cao từ một vài quán bán trà sữa truyền thống. Các mặt hàng lưu niệm, chăn bông và những tấm nệm rẻ tiền được bày la liệt. Rất nhiều người thuộc giai cấp thấp tập trung về nơi này làm các công việc chân tay và xin ăn. Phía sau những hàng quán là những mái nhà tạm bợ, liêu xiêu. Dăm ba người với làn da ngăm, đôi mắt sâu hun hút đang ngồi hơ tay trên bếp lửa đã tàn. Khu rừng trầm mặc với hương hoa dịu dàng giờ đã không còn. Dòng sông Nerañjarā cũng dường như nằm ngủ. Lịch sử sang trang, thời gian biến hoại, khu rừng xưa đã hóa thành xóm làng, thành thị. Dòng sông linh thiêng xưa cũng chỉ còn là một dải cát chảy dài trắng xoá, như minh chứng hùng hồn cho việc mọi thứ rồi sẽ đổi thay. Từng đoàn người hành hương vội vàng đi về phía Nam của dòng sông nơi có bảo tháp Đại Giác uy nghiêm giữa trời chiều sương lạnh.
Bảo tháp Đại Giác (Mahābodhi) hay tên gọi khác Bồ Đề Đạo Tràng (Bodhgāya) thuộc quận Bodhgāya là nơi đánh dấu chỗ xưa kia Đức Phật thành đạo. Phía sau bảo tháp là cội bồ đề (Bodhi) và bồ đoàn Kim Cương (ratanapallaṇka). Theo những nghiên cứu khảo cổ mới nhất, bảo tháp Đại Giác có thể được xây dựng vào thế kỷ thứ 2 TL. Nhiều di tích khác được xây dựng tại Bodhgāya qua các thời kỳ khác nhau. Đại đế Asoka đã viếng thăm nơi này lần đầu tiên cùng với gia đình và quần thần. Đại đế đã cho xây tháp, điện thờ, tịnh xá v.v.. điều này được chứng minh bằng những bia ký khai quật được. Trải qua vô vàn biến đổi của thời gian và nhất là sự tàn phá của các tôn giáo ngoại tục mà bảo tháp đã được kiến tạo và trùng tu nhiều lần. Một điều chắc chắn là cội bồ đề và bảo tháp luôn ở một vị trí như lần đầu tiên. Điều này được khẳng định qua nhiều sử ký của các nhà hành hương trên khắp thế giới tiêu biểu như: Học giả châu Âu ông Buchanan Hamilton đến đây vào năm 181; ngài Pháp Hiển đến địa danh này năm 408; ngài Huyền Tráng năm 637. Các đoàn hành hương khác từ Srilanka và Miến Điện cùng với rất nhiều triều đại vua chúa cũng đã nhiều lần viếng thăm và tu sửa. Tất cả đều có để lại bia ký.
Từ phi trường Gaya đoàn đầu đà chúng tôi bộ hành về Bồ Đề Đạo Tràng. Dòng người nối tiếp nhau trong sự tín thành. Chúng tôi xếp thành hàng tư, nhiễu quanh cội bồ đề và bảo tháp ba vòng theo hướng cánh hữu. Chỗ này, chỗ kia có nhiều nhà sư Tây Tạng cùng các Phật tử khắp nơi trên thế giới, đang trang nghiêm chiêm bái và cầu nguyện trong khung cảnh vô cùng thiêng liêng.
Nhìn cội bồ đề uy nghiêm, vươn thẳng lên giữa bầu trời đêm tối. Lòng tôi xúc động lạ lùng. Niềm hỷ lạc nhẹ nhàng lan toả khắp toàn thân. Tôi chợt hiểu ra rằng, không có gì thật sự biến mất dẫu cho thời gian hay bão táp phong ba quần xé, khi mà vẫn còn đó ngọn lửa niềm tin vẫn cháy mãi trong tâm những người con Phật trên khắp năm châu, bốn biển.
(*) Trích từ MCĐMVNN của MĐTTA.

THEO DẤU CHÂN PHẬT- Kỳ 3 (Tại Khổ Hạnh Lâm và nơi nàng Sujātā dâng sữa)

Tăng đoàn đang băng qua sông Ni Liên
Chúng tôi dừng lại bờ Bắc sông Ni Liên. Từng căn lều tiện lợi được dựng trên một thửa ruộng khô, cách không xa Khổ Hạnh Lâm, nơi xưa kia Bồ Tát và năm anh em Kiều Trần Như hành đạo. Chúng tôi cần ở lại đây bốn, năm ngày để chiêm bái các Thánh tích quanh Bodhgāya.
Trời rét đậm. Vài nhóm người đang đốt lửa giữa đêm khuya thanh vắng (có lẽ vì lạnh các Sư không ngủ được). Co mình trong chiếc y Tăng-già-lê, như mơ như thực tôi nghe có tiếng nước chảy rạt rào vọng vào từ phía dòng sông. Vài tiếng mái chèo khua động, gõ vào mạn thuyền. Nước từ trên cao theo mái chèo rơi trở lại dòng sông tí tách, tí tách... Tôi thấy một dáng người khô gầy, chỉ còn xương và da. Người ngồi tĩnh lặng giữa núi rừng hoang vu. Một tiếng nói đầy ma mị, huyễn hoặc cất lên: “Có đáng gì chứ! Hãy trờ về với đời sống sung sướng của một vị Thái tử. Người sẽ chết mà chẳng được gì. Từ bỏ, từ bỏ đi.” Lưng hơi còng vì kiệt sức nhưng Người vẫn ngồi uy nghiêm, mắt không mở. Người nói: “Hãy thôi đi những lời đường mật, ta đã biết ngươi rồi, này Ma Vương, nhưng ngươi nói đúng một điều. Ta sẽ chết mà không đạt được gì nếu còn khổ hạnh thế này. Ngươi hãy trở về với ngai vàng bóng tối của ngươi đi thôi “. Gió qua. Từng phiến lá lay động. Khu rừng vừa trở lại yên tĩnh bỗng có một tiếng đàn vang vang. Âm thanh chùng, thấp không nghe ra giai điệu gì. Âm thanh từ thấp chuyển thành vút cao, chát chúa chợt như có gì đứt gãy. Rồi âm thanh từ từ chuyển sang vừa phải. Giai điệu mượt mà, du dương như tiếng nhạc trời vang lên trong màn đêm tối... Người mở mắt ra và mỉm cười. Không nói gì, Người chậm rãi đi về phía dòng sông. Mặt nước sông Ni Liên lấp lánh, mềm như dải lụa vàng Kashmir. Sáu năm dài khổ hạnh, kham nhẫn tận cùng những nỗi đau về thân, đêm nay, Người đã thấu hiểu. Trăng trôi bàng bạc, toả ánh sáng dịu êm. Nhẹ nhàng xả buông, xả buông Người trầm mình xuống mặt trăng phía dưới.
Sương rơi nhiều, ướt cả lều trại. Cái lạnh thấm vào người làm tôi tỉnh giấc. Ôi! Một giấc mơ kỳ diệu. Ngồi dậy và tôi thấy mình khóc!
Đã bước vào tháng cuối năm, lúa xanh rì mặt đất. Lúa lún phún cao chừng gang tay. Lúa thoảng hương bùn đất gợi nhớ quê nhà. Vài ruộng cải đã trổ hoa vàng ngút mắt. Bông cải cao ngã xuống chèn cả lối đi. Từ bờ sông, băng qua cánh đồng chúng tôi tìm về thăm nơi xưa kia nàng Sujātā dâng Đức Phật bát cháo sữa. Cảnh trí thật bình giản, đơn sơ. Một ngôi miếu nhỏ có lối đi vòng quanh. Hai bức tượng mộc mạc được tôn trí cho mọi người chiêm bái. Hình ảnh xa xưa như thoáng hiện về: nàng Sujātā dịu hiền kính cẩn quỳ dưới chân Bồ Tát. Nàng dâng lên "Vị Thần Linh Chói Sáng" thức ăn mà mình đã dày công chuẩn bị. Chắc hẳn nàng cũng không biết, chút vật thực ấy là nhân duyên kỳ diệu góp phần tạo nên một nhân cách vĩ đại nhất giữa tam giới. Quả báu mai này nàng nhận được vô cùng rực rỡ khắp ngàn thiêng. Chúng tôi xếp bằng tụng một thời kinh. Gió đưa hương đồng len qua từng tấm y sờn cũ. Hương vương vào y. Hương vương vào mắt. Hương vương vào tâm hồn nhẹ nhàng, dung dị.
Tôi phân phát chút ít vật thực, bánh trái vừa nhận được từ một đoàn hành hương người Thái cho những người hành khất quanh đó. Đoàn lại bộ hành về phía xa xa. Quay lại nhìn ngôi miếu lần nữa tôi khẽ ngâm hai câu thơ của Thầy mình:
Một chút lòng mai sau là phấn trắng
Điểm tô đời ai biết những màu thi!

THEO DẤU CHÂN PHẬT – Kỳ 4 (Thăm thạch động của ngài Mahā Kassapa tại Kê Túc Sơn– Kukkuṭasampāta)

Từ Bodhgāya theo hướng Đông, chúng tôi bộ hành về thành Vương Xá. Trời rất lạnh, chỉ khoảng sáu, bảy độ. Chúng tôi thức dậy vào hai rưỡi sáng. Sương trắng bàng bạc. Tự giác, mọi người xếp đặt lại lều trại đã ướt sũng. Công việc luôn được làm trong im lặng và tỉnh thức, cố không tạo âm thanh nào quá lớn. Vệ sinh cá nhân xong, chúng tôi quy tụ về một gốc cây to nhất tụng một thời kinh an lành, hồi hướng đến chư thiên cùng muôn loài chúng sanh khác. Sau đó, mọi người tuần tự lấy một ít nước nóng đã được phân công nấu sẵn vào bình. Cúi đầu tri ân nơi trú ngụ thêm lần nữa, chúng tôi bắt đầu chuyến bộ hành trong ngày khi bầu trời vẫn một màu đêm tối.
Đường về Kê Túc Sơn xuyên qua những cánh đồng cải vàng xen lẫn mạ non và cây thốt nốt. Sương mù giăng mọi lối. Khung cảnh thật bình dị và nên thơ. Thi thoảng đoàn lại băng qua một vài xóm nghèo. Những căn nhà tềnh toàng, tạm bợ. Nhiều người dân hiếu kỳ kéo nhau ra xem “đoàn du tăng nước ngoài kỳ lạ”. Từng cặp mắt đen, sâu hun hút nhìn chúng tôi với vẻ ngạc nhiên. Vài em bé cố đu người, chồm qua khỏi vai mẹ, len lén nhìn. Chim chóc líu lo. Đàn bò nhởn nhơ gặm cỏ. Thoảng trong không gian là mùi hương ngây ngấy của món trà sữa đang sôi, lan ra từ một quán nhỏ ven đường. Hạnh phúc đến trong tôi thật khẽ khàng như chùm hoa đêm xuân vừa hé nụ. Ôi! Yêu xiết bao cái bình yên đến chân thật này.
Càng đến gần Kê Túc Sơn mọi người càng chánh niệm. Bước chậm dần do đôi bàn chân đã phồng rộp. Lúc này đây, tôi cảm nghe cái thọ như thật sanh diệt qua mỗi bước đi rõ hơn bao giờ hết; cái tâm yếu đuối như một kẻ lắm lời dây dưa hoài không dứt. May mắn thay, tôi vẫn kịp đến chân núi để hạ trại và đi bát độ thực.
Kê Túc Sơn, tên như là núi. Xa xa nhìn lại ngọn núi như một cái chân gà có ba móng chụm lại. Đây cũng là nơi ngài Mahā Kassapa trú ngụ và thực hành mười ba pháp đầu đà qua nhiều năm tháng. Thời đức Phật còn tại thế, núi không như bây giờ. Năm một trăm hai mươi tuổi, ngài Mahā Kassapa thấy phận sự đã xong (Ngài là người đứng ra chủ trì cuộc kết tập lần đầu tiên), nhân duyên với chúng sanh đã hết. Ngài đến chân núi Vebhāra, thành Vương Xá, nhiếp tâm thị hiện nguyện lực để nhập diệt. Ngài nguyện cho ba ngọn núi ghép vào nhau, phủ lên thân xác ngài. Do nhân duyên như vậy mà có Kê Túc Sơn ngày nay.
Đầu giờ chiều chúng tôi bắt đầu leo núi. Một ngàn bảy trăm bậc cấp không nhiều nhưng quả là cam go cho ai cổ chân đang sưng tấy. Những bước đi khó nhọc, nặng nề dần. Tưởng nhớ hình dáng xưa, khi tuổi đã quá già, ngài Mahā Kassapa vẫn một mình lần mò lên xuống, khất thực gieo duyên cũng trên chính con đường này, lòng tôi ngậm ngùi, xót thương tấm gương cao cả của ngài biết mấy. Tín tâm kiên định, cuối cùng chúng tôi cũng lên tới đỉnh.
Nơi vách đá cô liêu, lạnh ngắt, chúng tôi quỳ đảnh lễ chân dung ngài. Có lẽ vì đã nằm suốt những đêm sương giá, đi qua những chặng đường đã để lại máu rơi; quỳ nơi đây, nhìn nụ cười bao dung của ngài mà chúng tôi không ngăn được nước mắt. Những giọt nước mắt tri ân sâu sắc dành cho bậc trưởng thượng – Người đã vì tăng trưởng đức tin, tinh tấn cho hàng Sa môn hậu học đã không ngại gian nguy thực hành đủ mười ba pháp đầu đà cho đến trọn đời. Lặng yên giây lát, chúng tôi tụng kinh rồi hành thiền. Chúng tôi ngồi rất lâu, rất lâu, như muốn tìm chút hình dáng xưa của Người còn vương sót quanh đây!
Chiều dần trôi, chúng tôi đảnh lễ từ giã khi sương đã bắt đầu rơi nặng hạt. Tâm bình an và kiên định, đường về sao quá đỗi thêng thang. Gió lùa qua từng kẽ đá như nhắn gửi lời ngài
Trong thửa ruộng mênh mông
Của đệ tử Đức Phật,
Ngoại trừ bậc Vô Thượng
Ta tối thắng đầu đà
Không ai bằng ta được.
Ta phụng sự Bổn Sư,
Lời Phật dạy làm xong,
Gánh nặng đã đặt xuống,
Gốc sanh hữu nhổ sạch.
Là con bậc Gotama
Không tham đắm tam y
Chỗ ở hay thức ăn,
Như đoá sen thanh tịnh
Chí nguyện hạnh xuất ly
Vượt lên cả tam giới.
Với bậc đại ẩn sĩ,
Cổ dựng trên niệm xứ,
Tay dựa trên chánh tín,
Đầu viên mãn thánh trí
Du hành thật thanh lương.
Chú thích của BBT:
1. Bodhgayā Việt dịch là Bồ Đề Đạo Tràng. Nơi đây được xem là khu thánh địa thiêng liêng bậc nhất trong các thánh tích Phật giáo tại Ấn Độ và được sự quan tâm với lòng kính trọng đặc biệt đối với Phật tử và các nhà nghiên cứu trên khắp thế giới. Bồ Đề Đạo Tràng nằm ở phía Nam thành Gaya, nước Ma Kiệt Đà (Magadha) thời Ấn Độ cổ đại, nay là vùng ngoại ô BodhGaya, cách thành phố Gaya khoảng 7 km về phía Nam bang Bihar, cạnh dòng sông Ni Liên Thiền (Niranjara).
2. Thành Vương Xá (Rājagaha) là kinh đô của nước Ma Kiệt Đà (Magadha), một kinh thành cổ xưa nhất Ấn Độ, rất trù phú, nguy nga nhưng lại hiểm trở vì núi non bao quanh do vua Tần Bà Sa La (Bimbīsara) trị vì vào thời đức Phật còn tại thế.
3. Mahā Kassapa dịch Việt là Ma Ha Ca Diếp hay Đại Ca Diếp. Vị Sa-môn vô địch về pháp tu khắc khổ đầu đà trong Phật giáo là Thánh Tăng Đại Ca Diếp. Đại Sa-môn nầy là người duy nhất, trong hàng các cao đồ của đức Phật, đã tuyệt đối giữ đúng giới luật!
Lúc còn tại thế, đức Phật đã có năm đại đệ tử thượng hạng là Đại Ca Diếp (Mahà Kassapa), Xá Lợi Phất (Sàrìputta), Mục Kiền Liên (Mahà Moggallàna), A Nậu Lâu Đà (Anuruddha) và A Nan Đà (Ananda).
4. Núi Kê Túc cách Bồ đề Đạo Tràng khoảng 45 km. Tuy nhiên, để vào được đây phải đi mất hơn 1 tiếng đồng hồ lái xe do đường quanh co. Mặt khác, 10km cuối là đường đất nên khá xóc và bụi. Từ Bồ Đề Đạo Tràng, sau 1 tiếng xe chạy (phải đi xe nhỏ khoảng 16 chỗ trở lại, xe lớn không vào được) sẽ đến Ga tàu hỏa Gurpa—đây cũng là trạm trung chuyên để lên núi. Đi bộ từ ga vào chân núi khoảng 1,2km đường đất, xuyên giữa rừng cây, ta đến được chân núi. Chính vì không thuận đường và leo khá cao (khoảng 1,2km bậc thang, nên không có mấy đoàn hành Hương lên núi viếng hang của Tổ Ca diếp.
Truyền thuyết và kinh điển cho rằng, Sơ Tổ Ca Diếp đã ôm bình bát của Đức Phật trao truyền, vào núi Kê Túc Ẩn tu rồi nhập diệt.
Khi tổ từ chân núi lên đến đỉnh, khối núi đá to lớn trên đỉnh đã tách làm 2—tạo 1 lối đi nhỏ cho Tổ đi vào. Đến khi chọn được 1 nơi ưng ý—mặt hang hướng ra phía sông, Sơ Tổ đã ẩn tu tại đây cho đến khi nhập diệt.
Sau này, Phật giáo Tây tạng đã có công sửa chữa và xây tam cấp lên núi như ngày nay để người hành Hương có thể dễ dàng tiếp cận với hang của tổ. Hiện đường đi đã dễ dàng hơn rất nhiều, chỉ còn khoảng 200m cuối vẫn phải leo đường đất.
Phía trên, ngoài hang của Tổ, Phật giáo Tây tạng đã xây dựng một tháp Phật lớn theo truyền thống Tây tạng—tuy nhiên cho đến nay, toàn bộ khu tháp đã phải chuyển sang sự quản lý của người Ấn Giáo.

THEO DẤU CHÂN PHẬT – Kỳ 5 (Chiêm bái thạch động Kāḷasilā - Động Đá Đen của Ngài Moggallāna - Mục Kiền Liên)

Đoàn tụng kinh trong động Mục Kiền Liên
Tìm về thăm thạch động của ngài Moggallāna - Mục Kiền Liên, đoàn dừng lại nghỉ ngơi và độ thực phía sau một ngôi trường nhỏ. Toạ cụ bằng ni lông được trải ra đây đó. Đã gần giữa trưa nhưng sương mù vẫn còn bàng bạc. Chúng tôi cố tránh những gốc cây, tìm cho mình một khoảnh đất trống để ngồi, mong muốn chút nắng đầu ngày sẽ tô vàng cho làn da đang còn tím tái. Vài tốp học sinh hiếu kỳ, rủ nhau ra xem. Từng gương mặt ngây thơ, thân hình gầy gò run run trong những bộ áo quần mỏng manh, bạc thếch. Có mấy em mạnh dạn lân la đến gần các sư bắt chuyện. Vì không hiểu ngôn ngữ nhau nên câu chuyện đôi bên thường kết thúc trong những tiếng cười ngu ngơ, vui vẻ. Tựa như một bếp lửa cháy giữa trời đông, gương mặt ngây thơ và nụ cười hồn nhiên khe khẽ ấy cũng làm ấm lòng cho kẻ ruổi rong trên những con đường đầy sương và gió.
Sau khi độ thực và nghỉ ngơi, một giờ chiều, đoàn lại chuẩn bị để tiếp tục lên đường. Chúng tôi điểm danh lại từng người thì thấy thiếu mười sáu vị. May mắn thay, sau một lúc đợi, các sư cũng đến kịp. Những bàn chân tuy đã phồng rộp, sưng tấy, bước đi nặng nề nhưng không vì thế mà làm giảm đi nét kiên định và tín tâm hằn sâu trên những khuôn mặt. Các sư đã tới và cũng đã lỡ mất bữa cơm duy nhất trong ngày!
Cánh đồng nối tiếp làng quê, làng quê liền kề đồi núi..., và cứ như vậy chúng tôi đi; những đôi chân như chưa bao giờ muốn ngừng lại, thế rồi ngọn núi Isigiri cũng dần hiện ra trước mắt. Xưa kia, Isigiri là một trong năm ngọn núi lớn bao quanh kinh thành của vua Bimbisāra như một bức tường thành tự nhiên vững chãi. Ngài Mục Kiền Liên đã tu tập và chứng đạo tại một hang động phía trên ngọn núi này.
Đoàn dừng lại nghỉ ngơi giây lát rồi tiếp tục bộ hành leo núi. Trúc mọc xen kẽ với đá, khóm to, khóm nhỏ trải dài đến tới chân núi, rất đẹp. Nhìn xa xa lên phía trên, một vài tảng đá nhô ra tạo nên một cái đầu con voi sống động như thật. Mọi người bước nhanh, cố theo cho kịp vị trưởng đoàn. Đường lên núi chỉ toàn đá và đá. Đến gần đỉnh núi, rẽ vào một lối nhỏ khác, chúng tôi đã thấy được thạch động Kāḷasilā của Ngài. Trưởng đoàn ra hiệu cho mọi người tuỳ nghi tìm chỗ ngồi xuống, chờ những vị lên muộn. Lạ lùng thay là thạch động, nơi tu tập của vị Đại Đệ Tử được Đức Phật xưng tán là Đệ Nhất Thần Thông-phải chăng, do năng lực tu tập của Ngài vẫn còn dư sót lại ở chốn này, mà động đá lại ấm áp một cách kỳ diệu. Ngồi chừng mươi phút, sự an bình bao phủ toàn thân, thư xả một cách vô thức đưa chúng tôi nhẹ nhàng chìm vào giấc ngủ. Giấc ngủ ngon của một hài nhi yên lành trong vòng tay mẹ. Chúng tôi choàng tỉnh bởi tiếng bước chân của những vị đến sau. Cùng nhau quỳ xuống, cả đoàn đảnh lễ và bắt đầu tụng một thời kinh dài. Âm thanh dội vào vách đá nghe vang vọng trầm hùng. Sau thời kinh chúng tôi ngồi thiền, khoảng hai mươi vị có sức khoẻ tốt được phân công xuống núi gánh bức tượng Đức phật bằng sa thạch nặng hai trăm rưỡi ký lên. Tôn trí tượng Đức Phật một nơi cao ráo giữa thạch động, một lần nữa chúng tôi nghiêm trang cúi đầu đảnh lễ.
Từ giã thạch động Kāḷasilā, chúng tôi lại tiếp tục bộ hành qua những ngày sương trắng.
Vượt đường vượt núi đến đây mệt quá ngồi thiền mà ngủ lúc nào không hay
Đường quanh co lên hang động Mục Kiền Liên
Hai chú chó tình nguyện đi theo đoàn từ Bồ Đề Đạo Tràng
Bức ảnh đẹp làm sao! Chú chó từ Bồ Đề Đạo Tràng đang dẫn đoàn đến hang động tu tập của Ngài Mục Kiển Liên
Cửa vào hang động Mục Kiền Liên

THEO DẤU CHÂN PHẬT – Kỳ 6 (Viếng các di tích tại Rājagaha - Vương Xá

Chư Tăng dâng hoa cúng Phật tại Trúc Lâm Tịnh Xá
Xuất phát từ Bồ Đề Đạo Tràng, tránh những con đường lớn, những xa lộ ồn ào, chúng tôi men theo những lối mòn nhỏ, qua núi đồi, qua cánh đồng, qua những ngôi làng đơn sơ, hẻo lánh. Chọn đi những con đường khúc khuỷu, gian nan, chúng tôi ngầm hiểu từ tận đáy lòng ấy là cho bản thân một cơ hội, một món quà giản đơn để được cảm nhận một cách chân thật những khó khăn và tấm lòng từ bi vô bờ của Đức Phật và chư vị Thánh Tăng thời ấy. Vì lẽ đó nên quãng đường chúng tôi đi, luôn dài hơn so với đi đường chính rất nhiều lần. Mọi người thường thức dậy lúc tinh mơ và chỉ hạ trại nghỉ qua đêm khi trời đã nhá nhem tối. Nước vùng này cũng khan hiếm, những giếng nước ven đường hoặc trong xóm làng cái thì hư hỏng, cái thì đã khô, cộng với thời gian vội vàng nên hầu như không ai trong đoàn kịp tắm rửa, giặt giũ. Những tấm y giờ đã ngả màu vì bụi đường và sương gió. Những miếng rách đã xuất hiện lỗ chỗ do vướng phải cây dọc đường. Những mảnh rách lớn, dài thường do trượt té.
Sau khi từ giã thạch động của ngài Mục Kiền Liên, Đoàn lại bộ hành xin vào tá túc tại một ngôi chùa của người Thái trong thành Vương Xá để tiện cho việc nghỉ ngơi và nhất là để giặt giũ và khâu vá lại y. Chúng tôi dành ba ngày để đến chiêm bái các di tích, nơi đánh dấu những sự kiện quan trọng trong cuộc đời Đức Phật cũng như sự phát triển của Giáo Pháp tại Vương Xá thành này. Đoàn lần lượt viếng : Tịnh xá Veḷuvana , suối nước nóng Tapoda, hang Sattapaṇṇī, miếu thờ rồng Maṇiyara, vườn xoài Jīvaka, nhà giam đức vua Bimbisāra, hang động Sonabhandara, hang động Thất Diệp và hương thất của Đức Phật trên đỉnh núi Gijjhakūṭa. Sẽ còn lại gì sau cát bụi của thời gian! Một triệu đại huy hoàng, phồn hoa được trị vì bởi đức vua Bimbisāra anh minh giờ đã mất. Cảnh tượng một ngàn lẻ ba vị thánh tăng cùng với Đức Phật từ từ bộ hành vào thành. Các tầng lớp người dân, giáo sĩ đứng chật cả hai bên đường, xì xào to nhỏ, bình phẩm về một tăng đoàn trang nghiêm, thanh tịnh mà lần đầu tiên họ thấy. Xa xa phía trước là đức vua Bimbisāra cùng với thân quyến, quan thần, tướng lĩnh, các thương gia giàu có và uy tín- Họ kính cẩn với nước thơm và tràng hoa cung nghinh Đức Phật và tăng đoàn vào cung điện- Tất cả đó chỉ mãi là một hình ảnh đẹp trong tưởng tượng của những người hành hương. Rồi trải qua thời gian niên sử, một vài trường đại học, viện bảo tàng, chùa tháp được xây dựng theo nhiều phong cách khác nhau đã mọc lên trên mảnh đất này. Những tầng lớp nông dân nghèo khổ tập trung về. Họ sống bằng đủ loại công việc chân tay và nhờ lòng hảo tâm của những người hành hương rộng lòng từ ái. Cảnh vật Vương Xá thành không quá đẹp, nên thơ nhưng cũng đủ cho những ai đến đây cảm nhận được sự yên bình, chân chất.
Đảnh lễ, tụng kinh và hành thiền tại hương thất của Đức Phật trên đỉnh Linh Thứu xong, trên đường bộ hành về, chúng tôi bắt gặp một tử thi để bên đường, được che sơ sài bằng một tấm vải vàng. Người dân Ấn Độ là vậy: Họ sống đời dị giản hơn phần lớn phần còn lại của thế giới. Họ thích thú truy cầu sự thăng hoa nội tâm hơn là sự tiến bộ của khoa học ( ít nhất là những nơi tôi đã đi qua). Sáng uống trà sữa, trưa là mấy chiếc bánh Jabati kẹp với móm khoai tây hầm nhừ, chiều tối và tinh mơ là thời gian dài họ dành cho cầu nguyện và lễ lạy. Họ quý trọng tất cả sự sống dù nhỏ nhất nhưng lại xem thường sự chết của chính mình. Có lẽ họ hiểu được rằng: Sự chết của mình chỉ là một điểm khởi đầu cho một hành trình khác. Cả đoàn dừng lại tụng một thời kinh quán tưởng bên xác chết rồi lại lặng lẽ lên đường.
Đỉnh Linh Thứu mờ dần phía sau lưng chúng tôi. Mỗi bước chân đi là để trở về. Trở về trong khoảng cách mỗi lúc một ngắn hơn và lắng sâu mãi trong nỗi niềm biết ơn vô hạn.

THEO DẤU CHÂN PHẬT – Kỳ 7 (Thăm đại học Nālandā và ngôi làng của ngài Sāriputta - Xá Lợi Phất)

(Từ Bồ Đề Đạo Tràng đến thành Vương Xá dài 80 Km và từ thành Vương Xá (Rajgir) đến Nalanda dài 12 km)
Đoàn rời thành Vương Xá với nụ cười hé nở trong tâm. Bên tai tôi còn vang vọng lời bài hát của một nhạc sĩ vô danh thuở nọ:(*)
"Hôm nay giữa đất trời thanh lương tú lệ
Tại kinh thành của đức vua hiền thiện, anh minh
Chuẩn bị hoa hương và lễ phẩm cung nghinh
Đức Giác Ngộ và một ngàn sa-môn thánh chúng
Đức Phật ấy có hào quang xán lạn
Có ba mươi hai quý tướng và tám mươi vẻ đẹp
Hãy hát lên, hãy tụng ca đạo lộ vô thượng của Người
Hãy hát lên, hãy tụng ca công đức sáng ngời
Trong tam giới không có ai bì được
Người đã giải thoát luân hồi sinh tử
Người đã lên đường với chân trần, gót bụi độ sinh
Người với bi mẫn, từ tâm giáo hoá chúng hữu tình.
Thật là duyên lành hy hữu
Chúng ta mới được làm đệ tử của Người
Thật là hạnh phúc làm sao
Khi chúng ta theo dấu chân của Đức Tự Tại
Bước theo con đường xuân thắm hoa hương
Bước theo con đường trí tuệ và tình thương
Vô cùng vinh quang và vô cùng diệu vợi..." (*)
Tôi thả hồn bồng bềnh theo những ruộng vàng hoa cải, nghe mùi hương dịu dàng lưu luyến trong tim. Như được tiếp thêm sức mạnh từ thiên nhiên êm ả, lòng tôi hỷ hoan. Chặng đường về Nalanda dẫu còn nhiều dặm vẫn cứ ngờ như trước mắt, tôi yêu quá nơi này nên chỉ muốn chặng đường cứ như thế hoài xa. Đường bờ ruộng bé quá, người sau nối chân người trước nên dẫu muốn dừng lại đôi chút nhưng chân tôi vẫn phải bước tiếp. Rồi xa dần, xa dần, chỉ còn hoa vàng nhạt nhoè bay trong nỗi vấn vương!
Đoàn đến được vùng Nālandā vào một chiều hửng nắng. Nơi này cách không xa đại học Nālandā, chỉ chừng hai cây số. Vị trưởng đoàn ra hiệu hạ trại. "Quen tay hay việc " chúng tôi chỉ mất một lát là mọi thứ đã xong. Mọi người tuỳ nghi ngồi nghỉ. Sau nửa giờ, chúng tôi đắp lại y áo chỉnh tề rồi bộ hành về phía đại học Nālandā.
Một thời danh tiếng vang xa, với hơn mười ngàn giáo sinh và hai ngàn giáo thọ, đại học Nālandā xưa giờ chỉ còn là những nền gạch xanh rêu giữa trời chiều hoang lạnh. Vài sư chợt ngồi xuống ôm từng viên gạch khóc rưng rưng. Tôi không hiểu vì sao các vị ấy lại khóc. Khóc cho một thời Phật Giáo huy hoàng đã phải tàn lụi trong binh đao, hay các vị ấy cảm thương bởi vì lòng gắn bó do đã từng sống tại nơi này trong tiền kiếp xa xưa? Lòng tôi hơi chùng xuống khi nghĩ đến bao nhiêu mưa máu của các tăng sĩ trẻ đã rơi, những ước nguyện thanh cao phải vội vùi chôn dưới chân của đội quân Hồi Giáo. Sự sụp đổ của đại học Nālandā như vết mực cuối cùng đánh dấu cho sự sụp đổ hoàn toàn của Phật Giáo ngay chính trên quê hương mình. Nhưng tôi không buồn, cũng không khóc. Tôi tin tưởng và hiểu lời Đức Phật dạy "Vạn pháp là vô thường, có sinh tất phải diệt, diệt mất rồi sẽ lại hồi sinh". Như một năm có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông; như một ngày có hai buổi: Sáng, Tối - Tất cả chỉ là sự luân chuyển, đổi thay trong nhân quả của nghiệp và các định luật của trời đất. Hiện tại đây, một chồi non đại học Nālandā khác đang vươn mình cũng chính trên mảnh đất này. Và kia, những sa-môn đầu đà chân chính, họ chẳng phải là người tiếp nối cho những ước nguyện thanh cao bị chôn vùi nơi đây đó sao!
Bỏ qua những suy nghĩ quẩn quanh trong đầu mình, tôi tách đoàn, rẽ vào lối đi khác. Tôi đến trước bảo tháp thờ ngài Xá Lợi Phất, không cầu nguyện hay van xin điều gì chỉ một mình ngồi đó rất lâu. Lòng tôi chợt ấm áp lạ thường như có ai đang dang vòng tay che chở. Dựa sát vào chân tháp tôi cảm thấy gần gũi và an bình như đang ngồi trong ngôi nhà của mẹ mình thuở bé. Tôi nhớ Ngài. Ừ! Tôi cũng nhớ mẹ tôi nhiều nữa! Cuộc đời Ngài là một tấm gương sáng chói. Thánh hạnh của Ngài đỏ thắm như chu sa. Ngài luôn quan tâm, dìu dắt và chỉ bày cho những tăng sĩ đến sau. Bằng thân giáo, bằng ngôn hành Ngài đã độ hoá cho cha và các em mình đều cùng hưởng hương vị của pháp mầu. Lúc tuổi đã già, biết thọ mạng của mình sắp hết, Ngài quỳ lạy dưới chân Đức Phật xin được về quê hương để nhập niết bàn. Lần trở về cuối cùng này, Ngài cũng đã tận tuỵ trợ duyên cho mẹ mình bằng nhiều cách, khiến cho thân mẫu từ bỏ tà kiến, nhẹ nhàng bước chân vào dòng thánh đạo. Ôi! Kỳ diệu và trọn vẹn làm sao là cách hiếu đáp ân sinh thành của Vị huynh trưởng khả kính, một vị Đại Đệ Tử của Đức Phật. Kính mến Ngài chừng nào tôi lại tủi thẹn cho mình chừng đó "Một kiếp làm người đã mỏi, nói làm chi những chuyện cao xa". Bần thần, chợt nhớ ra rằng: Đã quá lâu rồi tôi chưa về thăm mẹ. Mùa xuân nữa đang về rồi, chắc chừ, mẹ vẫn tựa cửa đứng chờ trông!
Sáng sớm hôm sau, đoàn chúng tôi ôm bát vào làng Nāḷāka (quê của ngài Xá Lợi Phất) để khuất thực. Tốp năm, tốp ba mấy đứa nhỏ ra cửa đứng nhìn (Lúc mới sang đây, tôi gặp cảnh này còn thấy ngộ ngộ, gặp nhiều thành ra quen lại thấy gần gũi). Đường làng sương sớm giăng giăng, xa xa phía trước, có thằng bé trai đang vật lộn với một con heo nhỏ, đứa bé gái bên cạnh thì cố giữ chặt đầu hai con dê vì sợ nó thấy chúng tôi nhiều người lại gần sẽ chạy mất. Đoàn được một người đàn ông trung niên thỉnh vào nhà để xin được đặt bát. Căn nhà nhỏ không đủ chỗ cho một trăm hai sáu vị tỳ khưu. Chúng tôi ngồi đầy sân, tràn ra cả hai bên đường vắng. Không lâu lắm, từng ly sữa nhỏ đã được mang ra. Người gia chủ tốt bụng đi tới mọi nơi, dâng lên từng người với nét mặt vô cùng tín tâm và hoan hỷ. Tôi cầm ly sữa nhỏ nóng hổi trong đôi bàn tay đang lạnh. Nước màu nâu trong ly sóng sánh, phả khói nghi ngút. Tôi nghe trong đó có vị của sữa bò tươi, của trà, của gừng và cả mùi vị của tấm lòng thôn dã. Từ biệt và không quên chúc phúc cho vị gia chủ kính mến, đoàn lại ôm bát, dạo bước trên đường làng. Chúng tôi nhận thêm được ít bánh Chabati, khoai tây hầm và vài vắt cơm sữa truyền thống từ nhiều người dân. Sau khi Đạo Phật biến mất khỏi Ấn Độ, các truyền thống của Phật Giáo cũng bị lãng quên cho đến tận ngày nay, nên chúng tôi vô cũng hoan hỷ với chút ít vật thực nhận được từ những Phật Tử bản địa này.
Gần trưa, đoàn quay lại nơi dựng trại để độ ngọ. Vật thực được đổ chung vào một cái xoong lớn rồi chia đều ra cho mỗi vị ( Đoàn quá nhiều người, những vị đi sau thường sẽ không nhận được gì). Tuỳ nghi, tìm cho mình một chỗ phù hợp, chúng tôi chắp tay quán tưởng về vật thực thọ dụng. Mọi người trầm lắng, độ thực một cách chậm rãi hơn mọi khi, như sợ sẽ bỏ sót điều gì!
(*) Thiên chủ Đế Thích vì muốn trợ duyên cho Đức Phật độ hóa Đức Vua và dân chúng trong thành Vương Xá nên đã hóa thân thành một nhạc sĩ vô danh.
(*) Trích từ MCĐMVNN của MĐTTA.
Đoàn vân tập nơi lăng ngài Xá Lợ Phất
Lăng ngài Xá Lợi Phất
Bờ tường một kiến trúc Viện Đại Học Nalanda
Viện Đại Học Nalanda
Bên trong một kiến trúc Viện Đại Học Nalanda

THEO DẤU CHÂN PHẬT – Kỳ 8 (Chiêm bái các di tích tại Vesālī)


(Từ Bồ Đề Đạo Tràng đến thành Vương Xá (Vesālī) dài 80 Km và
từ thành Vương Xá (Rajgir) đến Nalanda dài 12 km)
Đã hơn một tháng kể từ khi khởi hành, đoàn chúng tôi hạ trại tại một bìa rừng quang đản cách không xa làng mạc. Chúng tôi dừng lại nơi này từ trưa hôm qua. Sau khi độ thực và nghỉ ngơi, tranh thủ lúc mặt trời còn ấm áp, mọi người vào làng xin nước để tắm giặt và cạo tóc. Chúng tôi cần làm lễ bố-tát vào sáng nay trước khi tiến về chiêm bái các di tích tại Vesālī.
Sau khi tụng giới và độ ngọ xong, chúng tôi quét dọn lại khu vực nghỉ ngơi trước khi lên đường. Đã quen lắm những cánh đồng cải vàng-đến đỗi, có sư trong đoàn nhất định gọi chuyến hành trình này nên đổi tên thành “Đi Qua Mùa Hoa Cải” thay vì “Theo Dấu Chân Phật”. Thế nhưng, cứ mỗi khi băng qua những cánh đồng rực rỡ hoa vàng ấy, tôi luôn bắt gặp trong lòng mình những điều mới mẻ. Tôi quên luôn cả việc chánh niệm trên mỗi bước chân. Lòng miên man trôi theo những ký ức ở phía cuối chân trời xa tít tắp. Nơi đó có thằng bé tôi lon ton, những chiều ba mươi tết ngồi cạnh mấy vồng hoa cải mà thơ thẩn. Nơi đó có dáng ông tôi còng lưng xới đất, gieo xuống những hạt cải li ti. Dăm ba hôm sau, hạt nẩy mầm, thành những vồng xanh mơn mởn. Cây nhỏ thì ông nhổ vào làm rau sống, lớn chút thì luộc với nấu canh. Ông luôn để lại vài khóm tốt nhất, gần tết sẽ ra hoa. Ông thường bảo "chỗ này để dành, không được ăn để còn thu lại hạt giống, qua năm sau có cái mà gieo tiếp"; và đương nhiên, thằng bé tôi nghe lời ông, không nhổ mấy khóm cải ấy! Căn nhà ba người: ông, bà và cháu quá đơn sơ, mùa xuân về có thêm mấy khóm hoa vàng-sẽ rất đẹp! Và biết đâu, vì hoa đẹp mà người bé tôi mong nhớ sẽ về!
Chúng tôi còn thấy cả một đàn nai bên kia ruộng lúa mạch, xa xa cứ tưởng là trâu vì chúng to và đen lắm, nhưng khi đến gần nhìn cặp sừng mới biết là nai. Mất rừng, chúng về đồng sống với người dân. Thấy người mà chúng vẫn cứ điềm nhiên lạ. Vài ba chú nai con thì hơi e dè, nép mình sau lưng bố mẹ chúng như sợ có ai đó trong chúng tôi sẽ bất chợt lao ra ôm nó chạy mất... Những vùng đất chúng tôi đi qua, dân chúng thiệt nghèo, nhưng họ không khổ. Có lẽ, họ vẫn còn thiếu miếng cơm để no bụng, thiếu mảnh áo để ấm thân, nhưng tình thương yêu, tôn trọng dành cho mọi sự sống luôn dạt dào trong tim. Họ chia cho cánh chim trời hạt thóc, chia cho đàn thú rừng một khoảng bình yên. Nhìn muôn thú vui vầy quanh mình không lo âu, họ thấy cuộc đời mình đầy đủ.
Chúng tôi cũng đến được Vesālī vào buổi chiều hôm đó. Cả đoàn hạ trại tại một khoảng đất trống. Theo như chỉ định của vị trưởng đoàn, chúng tôi sẽ ở lại đây ba đêm để chiêm bái các di tích Phật Giáo nơi này.
Vesālī thưở xưa là một thành phố lớn, dân cư đông đúc và được cai trị bằng một nền dân chủ cộng hoà phồn hoa thịnh mậu. Đức Phật đã nhập hạ tại đây hai lần: hạ thứ năm và hạ cuối cùng trong cuộc đời của Ngài. Đây cũng là nơi đánh dấu cho sự khởi nguồn của hội chúng tỳ khưu ni. Vesālī ngày nay được xác định là vùng đất có tên Basadha, thuộc phía bắc bang Bihar. Người không, cảnh không, tất cả giờ chỉ còn là những vết dấu điêu tàn của thời gian, nhưng chúng tôi không buồn vì điều đó. Chúng tôi đến đây không phải vì tìm kiếm chút gì của ảo ảnh xa xưa. Đến, đi chỉ để chúng tôi tìm về ý nghĩa đích thực của sự lang thang, du tử, học bài học đầu tiên của một đời sống sa môn hạnh- giản đơn, vô sản. Chúng tôi dành hai ngày để lần lượt chiêm bái, tụng kinh và hành thiền tại các di tích: Bảo tháp Ānanda, trụ đá Asoka, hồ Markata-Hrida (tương truyền hồ này được 500 con khỉ đào để trữ nước dâng cúng lên Đức Phật), tháp Licchavī (đây là bảo tháp do bộ tộc Licchavī xây dựng để thờ cúng xá lợi của Đức Phật), pháo đài Visāla (đây là dấu tích còn sót lại của nước cộng hoà Vajjī).
Sáng sớm ngày thứ ba, chúng tôi ôm bát vào làng khất thực. Sau khi nhận được chút ít khoai tây hầm, bánh japati nóng và gạo chúng tôi chào từ biệt Vesālī mà không quên gởi lại tấm lòng tri ân sâu sắc đến mảnh đất khô cằn mà quá đỗi thân thương này.
"- Bình bát, cơm ngàn nhà
Thân chơi muôn dặm xa
Mắt xanh, xem người thế
Mây trắng, hỏi đường qua
Mây trắng đến miền xa
Vui sao cảnh không nhà
Bánh cơm ngoài cuộc thế
Thong dong tháng ngày qua
Con đường này muôn lối
Đi nơi nào thì đi
Dặm trần không tên tuổi
Mây trời bay vô vi...!”
(MĐTTA)


THEO DẤU CHÂN PHẬT – Kỳ 9 (Đến Nepal, chiêm bái các di tích tại Kapilavatthu)


(Từ Nalanda đến thành TỲ Xá Li (Vaishali) dài 150 km nếu đi xe hơi mất khoảng 6 tiếng. Và từ thành Tỳ Xá Li đến Kushinaga (Câu Thi Na) nơi Đức Phật Niết Bàn dài 230 km, nếu đi xe hơi mất khoảng 6 tiếng.)
Chúng tôi thức dậy lúc mờ sương và ra đi trong lặng lẽ. Từ bỏ con đường chính hướng thẳng về Kusinārā, chúng tôi rẽ sang hướng Bắc, băng qua những rừng cây xiêm gai, cây mây và táo dại-tiến về Nepal. Thi thoảng, chúng tôi phải lội qua những đoạn sông dài để sang bờ bên kia. Nước sông mùa này chỉ còn lưng lửng. Nước không xanh như dòng sông nên thế, nước đen ngòm, nặng mùi nên nước chẳng buồn trôi. Dân cư vùng này thưa thớt, nghèo nàn. Vài ba căn nhà tạm bợ chỉ đủ che nắng, về mùa lạnh và mưa hẳn mọi người chỉ biết nép vào nhau, co ro trong một góc - là tôi hình dung như thế. Tuy phải sống trong cảnh "tuyết lạnh gia sương" thiếu cái ăn, cái ở, lại thêm nguồn nước ô nhiễm nhưng trên gương mặt những người dân ấy vẫn không thiếu đi vẻ chất phác, đơn thuần và tấm lòng không quên mất sự bao dung!
Hành trình lội sông, băng rừng gian khổ này dài khoảng hai mươi hai cây số, dẫu rất mệt mà ai hoan hỷ. Nghĩ tưởng đến Đức Phật, chư Thánh Tăng ngày xưa, có lẽ các Ngài phải đi qua những con đường còn khó khăn hơn, chúng tôi như được vỗ về, tiếp thêm một nguồn sức mạnh to lớn để tin tưởng hơn vào con đường mình đang đi và những nơi mình sẽ đến.
Đi sâu vào những khu rừng và ruộng mía, lẩn khuất trong đó là những nền móng của chùa tháp, trụ đá còn lại của triều đại vua Asoka. Càng đi chúng tôi càng cảm thán và tri ân tận đáy lòng mình đối với những công đức lớn lao mà vua Asoka để lại. Tôi không đọc được tiếng Ấn, lại không hiểu hết những gì vị trưởng đoàn giảng bằng tiếng Thái, nên tôi không biết những nền móng này là dấu tích của của di tích nào. Những đồi đất, gạch vụn và trụ đá lặng thinh-là những gì còn lại minh chứng cho một thời đại huy hoàng đã từng hiện hữu nơi đây. Ở những nơi như vậy, chúng tôi thường ở lại một hôm để tụng kinh và hành thiền, hôm sau lại đi. Trong những di tích tại khu vực này, bảo tháp Kesaliya là công trình ấn tượng nhất tôi từng thấy. Xa xa trong sương mờ, bảo tháp như lớn một ngọn đồi thấp. Bảo tháp đã hoang phế qua nhiều triều đại, thế mà hiện tại vẫn còn cao bốn mươi hai mét và rộng tám mươi bốn mét. Bảo tháp đã mất đi phần đỉnh, mất đi luôn cả những hào quang xa xưa, nhưng tôi vẫn cảm nghe sự thiêng liêng của nó dường như đang hiện hữu nơi đây - âm thầm nuôi giữ cho hàng triệu tín đồ Phật giáo một ngọn nguồn để khơi dậy đức tin.
Bỏ lại sau lưng những ngày sương trắng, chúng tôi đã đến Nepal vào một ngày nắng đẹp. Nắng như reo ca trên từng ngọn gió thổi qua cánh đồng. Nắng mơn man, như đứa trẻ nghịch ngợm, đùa vui trên những tấm y sờn rách. Mọi người hân hoan, vui như trẩy hội.
Chúng tôi sẽ ở lại Nepal mười ngày. Đầu tiên, chúng tôi tiến thẳng về cổ thành Kapilavatthu. Nơi đây không còn lại gì nhiều, một bức tường thành đổ nát bao quanh một diện tích đất khá lớn. Cây cối mọc dày bên trong. Một vài nền móng di tích dường như đang khai quật hãy còn dang dở. Cây và gạch chen nhau nên cũng khó nhìn ra được đâu là những công trình to lớn cho một kinh thành xa xưa. Chúng tôi tình cờ bắt gặp một lễ hội gì đó của dân bản địa đang diễn ra trong khuôn viên này. Người già, trẻ nhỏ, nam thanh, nữ tú xiêm áo đàng hoàng, họ mang theo nồi niêu xoong chảo, nhóm lửa, họ đang nấu những món ăn. Dường như mỗi nhà mỗi món, tôi thấy họ tất bật chuẩn bị những món lễ phẩm để kịp cúng dâng lên một vì thần nào đó. Một người đàn ông lớn tuổi đang ngâm ca trước một điện thờ đã đầy hoa trái. Tôi không hiểu bài tế tự đó nói gì nhưng giọng ca nghe rất trầm và ấm. Thấy chúng tôi mọi người không ngạc nhiên như tôi hằng tưởng, vài người đứng lên mỉm cười lịch sự, vài người khác xin được đặt bát cho chúng tôi bằng những chiếc bánh nóng hổi mới vớt ra từ trong chảo.
Sau khi tụng kinh tại cổ thành Kapilavatthu, chúng tôi xin hạ trại và nghỉ ngơi tại một ngôi chùa Thái gần đó. Ngày hôm sau, chúng tôi lần lượt chiêm bái hai nơi Đản Sanh của các vị cổ Phật trong quá khứ, đó là Phật Kakusandha và Phật Konāgamana. Một địa điểm nằm hướng Nam, và một địa điểm nằm hướng Đông - hai nơi này ở không quá xa cổ thành Kapilavatthu, chỉ chừng hơn hai cây số đường bộ, và cả hai điều còn trụ đá và chữ khắc phía trên do vua Asoka để lại. Hôm sau nữa, chúng tôi tiếp tục bộ hành đến chiêm bái chùa Nirodhārāma. Đây là ngôi chùa xưa kia Đức Phật từng cư ngụ và thuyết pháp độ cho thân quyến của Ngài. Tại đây chúng tôi còn thấy được một bức tranh chạm khắc cảnh di mẫu Gotamī đang cúng dường tấm y quí đến Đức Phật. Chúng tôi còn đến tụng kinh, hành thiền tại khu vực dòng họ Thích-ca bị thảm sát, và hai bảo tháp tưởng niệm song thân của Ngài là hoàng hậu Mahāmāyā và đức vua Suddhodana.
Đoàn dừng lại đây thêm một ngày để được vị trưởng đoàn giới thiệu chi tiết những sự kiện quan trọng liên hệ đến Đức Phật đã xảy ra trong các các di tích này trước khi bộ hành về Lumbini - một trong bốn thánh tích quan trọng nhất của Phật giáo.
Tụng kinh, hành thiền tại khu vực dòng họ Thích-ca bị thảm sát,
một bức tranh chạm khắc cảnh di mẫu Gotamī đang cúng dường tấm y quí đến Đức Phật.

THEO DẤU CHÂN PHẬT – Kỳ 10 (Chiêm bái Lumbinī và bảo tháp Rāmagāma)


Từ Kushinaga (Câu Thi Na) nơi Đức Phật Niết Bàn đến Lâm Tỳ Ni nơi Đức Phật Đản sanh dài 165 km, nếu đi xe hơi mất khoảng 4 tiếng.)
Con đường về Lumbinī ngập ngừng hoa nắng. Chúng tôi thong thả bộ hành xuyên qua những xóm làng đầy gió,bụi. Mất hai ngày dưới cái nắng oi ả cả đoàn mới đến được Lumbinī. Cứ ngỡ Lumbinī cũng giống như bao Thánh Tích mà chúng tôi đã đi qua- hoang tàn, trơ trụi vậy mà Lumbinī lại khác. Một vùng đất lớn có dựng tường rào bao quanh. Các cổng chính vào ra được đánh số để dễ phân biệt và có người bảo vệ cả ngày lẫn đêm. Lumbinī như một công viên rộng lớn với cây to, cây nhỏ, những hồ nước trong và những hàng liễu rũ xanh rì rào. Từng còn đường rộng được trải nhựa. Những nóc chùa, tháp nhiều màu sắc và kiểu dáng của từng nước được xây dựng công phu với nét văn hoá đặc trưng riêng.
Chúng tôi xin được ở lại trong khuôn viên của một ngôi chùa Thái, mọi người nhanh tay sắp xếp mọi thứ để chuẩn bị cho kịp giờ độ ngọ. Phần đa mọi người đều dựng lều quanh những gốc cây để tránh bớt cái nóng như thiêu đốt. Tôi chọn cho mình góc nhỏ không có tán cây, nhưng lại gần mấy luống rau của chùa: sà lách, cải, đậu, dưa leo. Chúng xanh mơn mởn, nhìn thôi cũng đã mát!
Cả đoàn dành thời gian hết buổi chiều hôm đó để chiêm bái nơi Đức Phật Đản Sanh. Công tác xây dựng và trùng tu còn đang được tiến hành nên chúng tôi phải xếp hàng một khi tiến vào Điện Thờ Hoàng Hậu Māyā Devī - Đây là một trong ba công trình chính được đức vua Asoka cho xây dựng khi viếng thăm nơi này. Dấu tích cổ xưa chỉ còn là những nền gạch đất cũ. Điểm chính của công trình là bức tượng mô tả cảnh hoàng hậu Māyā vin cành sāla và hạ sanh Hoàng Tử.
Vin cành lộc thắm - mẹ khai duyên
Bảy bước, nhân gian trổ phước điền
Ngưỡng vọng, Phạm thiên che lọng trắng
Tín thành, Long chúa cúng mưa tiên
Cỏ cây bát ngát hương tinh khiết
Mây nước lung linh sắc diệu huyền
Mở chốt càn khôn, thông hữu hạn
Nắm vầng nhật nguyệt, tỏ vô biên
Hoa đơm mật hạnh thơm ba cõi
Pháp thắp bi tâm sáng sáu miền
Mệnh hậu, Māyā chơi Đẩu Suất
Vô ưu từ đó nở không viên! (*)
Chúng tôi không được phép dừng lại quá lâu vì còn phải nhường chỗ cho nhiều đoàn hành hương và khách tham quan khác phía sau. Một khoảnh lặng yên ngắn ngủi giữa chốn thiêng liêng, nơi khởi nguồn của một kiếp sống vĩ đại, đầy chân thật mà mầu nhiệm của một vị Phật cũng khơi dậy lên trong chúng tôi niềm hỷ an, tịnh tín lạ thường. Tôi thấy một vị sư già trong đoàn quỳ lặng lẽ nơi một góc khuất. Đôi vai rủ nhẹ. Ánh mắt đau đáu nhìn vào bức tượng. Trên gương mặt xạm đen,dạn dày mưa nắng ấy lại bừng lên nét hồn nhiên ngây dại như ánh mắt của một kẻ tha hương, đày đoạ, mong nhớ nay bỗng thấy mình ngồi lại giữa cố hương!
Thời gian còn lại, chư tăng chiêm bái, tụng kinh và thiền hành tại hồ nước Sakyan và tại trụ đá của vua Asoka. Đoàn ở lại Lumbinī thêm một ngày để mọi người có thời gian tham quan chùa tháp của các nước xây dựng tại đây rồi lại ra đi khi trăng khuya vẫn còn vằng vặc sáng
Đoàn đến được Rāmagāma là chiều muộn ngày hôm sau. Vài sư trong đoàn bị lạc đường và phải đến gần chín giờ đêm mới đến. Trăng đêm như một dải lụa kashmir vàng nhạt khoác lên miền quê yên ả này một lớp áo lóng lánh, thanh thiết. Giọng sư trưởng đoàn nhẹ nhàng hoà quyện cùng tiếng giun dế réo ca vang lên trong một không gian huyền ảo như một bản hợp âm hoàn hảo. Dù không rành tiếng Thái nhưng tôi vẫn hiểu vị trưởng đoàn đang nói cho mọi người về nguồn gốc của tháp Rāmagāma. Đây là công trình thờ một trong tám phần Xá- Lợi Phật nguyên thuỷ. Vị ấy còn nói về câu chuyện Thần Rồng đã hiện ra ngăn cản không cho vua Asoka khai mở bảo tháp lấy Xá -Lợi phân chia ra nhằm tôn trí lại khắp nơi vì Tộc Rồng muốn phụng thờ và bảo vệ ngôi bảo tháp này. Sau phần giới thiệu lịch sử chúng tôi cùng nhau đọc một thời kinh dài an lành. Chúng tôi ngồi thiền và đi kinh hành quanh bảo tháp cho đến tận khuya, sương rơi ướt cả tăng bào mọi người mới trở lại lều của mình để nghỉ ngơi.
Sáng sớm, chúng tôi ôm bát vào làng gần đó để khất thực gieo duyên. Dân quanh vùng này nghèo nhưng dễ mến. Thấy các sư họ rất cung kính. Họ gọi mọi người trong nhà ra chào hỏi và xin được đặt bát. Vật phẩm cúng dường chủ yếu là gạo. Họ đặt vào mỗi bình bát nhiều gạo lắm. Gạo không trắng trong chỉ đùng đục, còn lẫn cả vỏ trấu nhưng gạo rất thơm. Gạo thơm mùi bùn đất. Gạo thơm mùi cực nhọc. Gạo thơm mùi của những tấm lòng chân quê mộc mạc... Cả đoàn chậm rãi tụng kinh phúc chúc cho từng người, từng nhà.
Từ giã Nepal, từ giã Rāmagāma thiêng liêng, từ giã vùng đất bình yên đầy gió này chúng tôi lại cất bước, bộ hành thẳng tiến về Kusinārā. Bước chân dần xa. Lòng tôi vẫn nhớ như in những mặt người khắc khổ, những tấm lòng rộng rãi, những nụ cười trong veo, những bàn tay đen xù xì, chai sạn, những chân chất, những hồn nhiên, những chân thành... Những hạnh phúc giản đơn chưa cạn đến đáy đã lại đầy nơi những người dân này! 



Sách đọc nhiều
Bài đọc nhiều

21.2.24

TÂM VIÊN

TÂM VIÊN

Bậc Giác ngộ nói về tâm như thế này:

“Này các Tỷ-kheo, thân do bốn đại tạo thành này được thấy đứng vững một năm, đứng vững hai năm, đứng vững ba năm, đứng vững bốn năm, đứng vững năm năm, đứng vững mười năm, đứng vững hai mươi năm, đứng vững ba mươi năm, đứng vững bốn mươi năm, đứng vững năm mươi năm, đứng vững một trăm năm, đứng vững nhiều hơn nữa. Còn cái gọi là tâm này, là ý này, là thức này, này các Tỷ-kheo, cả đêm và ngày, khởi lên là khác, diệt đi là khác."
"Này các Tỷ-kheo, ví như một con khỉ trong khi đi lại trong rừng núi, nắm lấy một nhành cây, bỏ nhành cây ấy xuống, nó nắm giữ một nhành khác. Cũng vậy, này các Tỷ- kheo, cái gọi là tâm, là ý, là thức này cả đêm và ngày, khởi lên là khác, diệt đi là khác”.
...
TÂM VIÊN


Tâm có tham tức là một tâm thức sinh khởi gắn liền với tham dục.
Tâm không tham nghĩa là một tâm thức hiện khởi không đi kèm với tham dục.
Tâm có sân tức là một tâm thức khởi lên gắn kết với sự giận dữ bực phiền.
Tâm không sân tức là một tâm thức sinh khởi không có bóng dáng giận dữ đi kèm.
Tâm có si nghĩa là một tâm thức xuất hiện đi đôi với trạng thái u tối, nghi ngờ, phân vân, không tỉnh táo, sáng suốt.
Tâm không si tức là một tâm thức hiện khởi không đi đôi với trạng thái u tối, hoài nghi, phân vân, trở nên tỉnh táo, sáng suốt.
Tâm thâu nhiếp tức là một tâm thức ủ rũ, bị hôn trầm thụy miên chi phối khiến co rút lại, trở nên uể oải và rơi vào buồn ngủ; (đôi khi cũng được hiểu là một tâm thức tập trung, chuyên chú, định tĩnh).
Tâm tán loạn tức là một tâm thức biến động, bị tham dục chi phối làm cho phân tán, dao động, không định tĩnh, trở nên phóng túng, rơi vào phóng dật.
Tâm quảng đại nghĩa là một tâm thức được tu tập trở nên phát triển hay rộng mở, có khả năng bao phủ rộng lớn (tứ vô lượng tâm) hay thâm nhập nhiều cảnh giới tâm thức siêu việt tâm dục giới.
Tâm không quảng đại nghĩa là một tâm thức bị giới hạn trong phạm vi dục giới, không có khả năng mở rộng hay chứng đạt các cảnh giới cao hơn.
Tâm hữu hạn là một tâm thức hoạt động ở phạm vi dục giới và sắc giới.
Tâm vô thượng tức là một tâm thức vượt qua dục giới và sắc giới, thể nhập các cảnh giới vô sắc.
Tâm có định nghĩa là một tâm thức được tu tập trở nên định tĩnh, nhất tâm, không còn dao động, tán loạn.
Tâm không định tức là một tâm thức tán loạn, không tập trung, không định tĩnh.
Tâm giải thoát nghĩa là một tâm thức được tu tập, tạm thời thoát khỏi các phiền não tham-sân-si ngay trong sát-na tu tập.
Tâm không giải thoát nghĩa là một tâm thức không thoát khỏi các phiền não tham-sân-si.
...
Nguồn: Quán tâm trên tâm http://vncphathoc.com/.../phat.../quan-tam-tren-tam.html
Ghi chú: 125 

Sách đọc nhiều
Bài đọc nhiều

18.2.24

SỢ HÃI, KHIẾP ĐẢM, BẤT THIỆN KHỞI LÊN

SỢ HÃI, KHIẾP ĐẢM, BẤT THIỆN KHỞI LÊN

Trú xứ hãi hùng

- mạng sống không thanh tịnh
- thân, khẩu , ý nghiệp không thanh tịnh
- có tâm sân hận ác ý
- tham dục, có ái dục cường liệt
- dao động, tâm không an tịnh
- bị hôn trầm thụy miên chi phối
- khen mình, chê người
- nghi hoặc, do dự
- run rẩy, sợ hãi
- ham muốn lợi dưỡng, cung kính, danh vọng
- thất niệm, không tỉnh giác
- biếng nhác, kém tinh tấn
- liệt tuệ, đần độn
- không định tĩnh, tâm bị tán loạn
SỢ HÃI, KHIẾP ĐẢM, BẤT THIỆN KHỞI LÊN


Khởi lên ý nghĩ

- "Nay sự sợ hãi khiếp đảm ấy đã đến"
- "Ta ở đây không phải để mong đợi sự sợ hãi khiếp đảm."
- "Trong bất cứ hành vi cử chỉ nào của Ta mà sợ hãi khiếp đảm ấy đến, trong hành vi cử chỉ ấy, Ta hãy trừ diệt sợ hãi khiếp đảm ấy."
-- khi đi kinh hành qua lại mà sợ hãi khiếp đảm ấy đến, Ta không đứng, Ta không ngồi, Ta không nằm, nhưng Ta trừ diệt sợ hãi khiếp đảm ấy trong khi Ta đi kinh hành qua lại.
-- khi đang đứng mà sự sợ hãi khiếp đảm ấy đến, thì Ta không kinh hành qua lại, Ta không ngồi, Ta không nằm, nhưng Ta trừ diệt sợ hãi khiếp đảm ấy trong khi Ta đang đứng.
-- khi đang ngồi mà sợ hãi khiếp đảm ấy đến, thì Ta không nằm, Ta không đứng, Ta không kinh hành qua lại, nhưng Ta trừ diệt sợ hãi khiếp đảm ấy trong khi Ta đang ngồi.
-- khi Ta đang nằm mà sợ hãi khiếp đảm ấy đến, thì này Bà-la-môn, Ta không ngồi, Ta không đứng, Ta không kinh hành qua lại, nhưng Ta trừ diệt sợ hãi khiếp đảm ấy trong khi Ta đang nằm.
- "Ta nghĩ rằng đêm là đêm, nghĩ rằng ngày là ngày."
...
nguồn: Kinh Sợ hãi khiếp đảm (Bhayabherava sutta)
https://www.budsas.org/uni/u-kinh-trungbo/trung04.htm
ghi chú: 173 

Sách đọc nhiều
Bài đọc nhiều

15.2.24

GÓP PHẦN CHEN LẤN

GÓP PHẦN CHEN LẤN

...
Tôi nhắc lại: người có một lý tưởng sống ngon lành thì dứt khoát không có thời gian để tìm tới đám đông.
Kẻ nào còn thiết tha với đám đông là kẻ đó không có lý tưởng sống, không có cái khả năng sống một mình, đem lại sự an lạc cho riêng mình. Không có khả năng đó, họ phải nương đổ vào quần chúng. Một người còn chìm đắm trong đám đông thì không có tài nào có khả năng an lạc với riêng mình.
GÓP PHẦN CHEN LẤN



Chúng ta nên nhớ rằng: chúng ta vốn dĩ cô đơn từ vô thủy luân hồi. Mỗi người có một hạnh nghiệp riêng. Dầu chúng ta là cha mẹ, là chồng vợ, là con cái, là anh chị, là em, là cháu với nhau trong đời này, thì chắc gì đời sau chúng ta gặp lại? Đó là chuyện thứ nhất.
Thứ hai, cơ hội mang thân người và nhân thiên rất là khó. Cơ hội đó đã khó, cơ hội được gặp nhau càng khó hơn.
Cho nên, chúng ta vốn dĩ là cô đơn. Mà nói như vậy chúng ta cô đơn đã quen rồi. Chúng ta quen khổ một mình, quen vui một mình, quen ác một mình, quen thiện một mình.
Chẳng qua vì ảo giác, chúng ta thấy rằng: một chiều mưa biên giới, ngồi một mình hiu quạnh cô độc quá. Chúng ta thèm một bàn tay, một mái tóc, một ánh mắt, một tia nhìn để sưởi ấm lòng mình cho bớt cô quạnh. Mình tưởng đó là tri âm tri kỷ. Không có đâu, nó chỉ góp phần chen lấn thôi. Niềm cô đơn của chúng ta vẫn muôn đời nằm đó, không ai chia xẻ được cho mình. Tôi xin quí vị tin như vậy đi.
Cho nên một người tu hành mà còn tìm đến đám đông là người này không có khả năng quán chiếu, không có khả năng nội tĩnh.
Không có khả năng nội tĩnh, không có khả năng quán chiếu thì anh tu cái gì?
Anh hiểu rằng: công việc để anh làm đã không có thời gian rồi. Anh đi biết đi, ngồi biết ngồi, đứng biết đứng, vui biết vui, buồn biết buồn, thở ra thở vào biết rõ, thiện ác buồn vui biết rõ. Chỉ riêng chừng đó việc đã không có đủ thời gian, thì anh làm gì có thời gian cho đám đông?
Đừng có nói với tôi là chư Phật, chư Thánh ngày xưa đi hoằng pháp, người ta rần rần đó sao? Tôi xin các vị nhớ, các vị có phải Phật chưa? Đừng có đem so Ngài với mình. Mình có bằng cái hạt bụi dưới chân Ngài không mà cứ đem Thánh hiền ra so hoài. Ngài đi hoằng pháp chớ không phải là Ngài xáp vô đám đông.
Còn mình, mình cứ xáp vô đám đông. Mình nhân danh từ thiện, nhân danh hoằng pháp, nhân danh đủ thứ. Chúng ta đứng dưới tên của nhiều cái gọi là Mỹ Từ, núp dưới mỹ từ để rồi chúng ta cả đời không có khả năng sống một mình. Trong khi việc mà mình phải làm với mình, nó tới một tỷ lận.
Đức có một câu rất là hay: "Cái người mạnh nhất là người có khả năng sống một mình". Đại Hàn thì nói thế này: "Không phải đứa mạnh nhất là sống, mà đứa sống được mới là đứa mạnh nhất".
Chúng ta thấy: chính Đức Phật đã kêu gọi tinh thần độc cư. Không phải đạo Phật là đạo bi quan, bắt mình ăn rồi cứ nghĩ ba cái chuyện bất tịnh, rồi niệm chết, rồi sa đọa, đã vậy bắt sống một mình. Cái đạo gì buồn dữ trời? Nhưng không phải vậy, cái đạo này là đạo dành cho người trưởng thành, cái đạo này là đạo dành cho mấy người dám nhìn vào Sự Thật.
Hôm nay anh có thấy được sự thật thì mai này đối diện với nó, anh mới có thể tiếp tục ngon lành bảnh bao. Còn bình thường lúc vô sự, anh không có bản lãnh để thấy ra sự thật, anh chưa có khả năng để thấy, thì mai này nó ập vô mặt anh, anh làm sao chịu nổi?
Không có khả năng sống một mình bây giờ, thì mai này anh vào bệnh viện anh sống một mình. Anh nằm với ai? Anh nằm với con người của anh. Anh hấp hối với ai? Hấp hối với anh. Anh tắt thở rồi, anh đi về một phương trời miên viễn chiêm bao nào đó. Anh đi với ai? Anh đi một mình anh.
Anh đừng có nói với tôi là anh có vợ, có chồng, có con cái, có bạn bè, có tri kỷ tri âm. Tôi van anh đừng có nghĩ dại như thế. Anh mãi trước sau chỉ có một mình anh. Anh đã luân hồi vô số kiếp một mình anh. Anh có nghiệp thiện, nghiệp ác của một mình anh. Anh đi vào các cõi một mình anh.
...
-Sư Giác Nguyên giảng
Kalama xin tri ân bạn elteetee ghi chép.
Trích bài giảng ngày 05.06.2019 KTC.6.65 Vị Bất Lai.
Nguồn ảnh: Johnson Tsang
Ghi chú: 153 

Sách đọc nhiều
Bài đọc nhiều

12.2.24

BIỂN LỚN CHỈ CÓ MỘT VỊ MẶN PHÁP VÀ LUẬT CŨNG CHỈ CÓ MỘT VỊ LÀ VỊ GIẢI THOÁT

BIỂN LỚN CHỈ CÓ MỘT VỊ MẶN PHÁP VÀ LUẬT CŨNG CHỈ CÓ MỘT VỊ LÀ VỊ GIẢI THOÁT

Một thời, Thế Tôn trú ở Veranjà, dưới gốc cây Nalerupucimanda. Rồi vua A-tu-la Pahàràda đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn, rồi đứng một bên. Thế Tôn nói với vua A-tu-la Pahàràda đang đứng một bên:
—Này Pahàràda, có phải các A-tu-la thích thú biển lớn?
—Bạch Thế Tôn, các A-tu-la thích thú biển lớn.
—Này Paràhàda, có bao nhiêu sự vi diệu chưa từng có trong biển lớn mà do thấy chúng , các A-tu-la thích thú biển lớn?
—Bạch Thế Tôn, có tám vi diệu chưa từng có trong biển lớn mà do thấy chúng, các A-tu-la thích thú biển lớn. Thế nào là tám?
BIỂN LỚN CHỈ CÓ MỘT VỊ MẶN PHÁP VÀ LUẬT CŨNG CHỈ CÓ MỘT VỊ LÀ VỊ GIẢI THOÁT



Bạch Thế Tôn, biển lớn tuần tự thuận xuôi, tuần tự thuận hướng, tuần tự sâu dần, không có thình lình như một vực thẳm. Vì rằng bạch Thế Tôn, vì rằng biển lớn tuần tự thuận xuôi, tuần tự thuận hướng, tuần tự sâu dần, không có thình lình như một vực thẳm, nên bạch Thế Tôn, đây là vi diệu chưa từng có thứ nhất, do thấy vậy, thấy vậy, các A-tu-la thích thú biển lớn.
Lại nữa, bạch Thế Tôn, biển lớn đứng một chỗ, không có vượt qua bờ. Vì rằng bạch Thế Tôn, biển lớn đứng một chỗ, không có vượt qua bờ, bạch Thế Tôn, đây là vi diệu chưa từng có thứ hai, do thấy vậy, thấy vậy, các A-tu-la thích thú biển lớn.

Lại nữa, bạch Thế Tôn, biển lớn không có chấp chứa xác chết. Nếu có xác chết trong biển lớn, lập tức bị quăng lên bờ hay vất lên đất liền. Vì rằng bạch Thế Tôn, biển lớn không có chấp chứa xác chết. Nếu có xác chết trong biển lớn, lập tức bị quăng lên bờ hay vất lên đất liền. Nên bạch Thế Tôn đây là vi diệu chưa từng có thứ ba, do thấy vậy, thấy vậy, các A-tu-la thích thú biển lớn.
Lại nữa, bạch Thế Tôn, phàm có các con sông lớn nào, ví như sông Hằng, sông Yamunà, sông Aciravatì, sông Sarabhù, sông Mahì, các con sông ấy khi chảy đến biển, liền bỏ tên họ cũ trở thành biển lớn. Vì rằng, phàm có các con sông lớn nào, ví như sông Hằng … trở thành biển lớn, nên bạch Thế Tôn, đây là vi diệu chưa từng có thứ tư, do thấy vậy, thấy vậy, các A-tu-la thích thú biển lớn.
Lại nữa, bạch Thế Tôn, phàm có những dòng nước gì ở đời chảy vào biển lớn, phàm có những nước mưa từ trời rơi xuống, nhưng không vì vậy biển lớn được thấy có vơi có đầy. Bạch Thế Tôn, vì rằng, phàm có những dòng nước gì ở đời chảy vào biển lớn, phàm có những nước mưa từ trời rơi xuống, nhưng không vì vậy biển lớn được thấy có vơi có đầy, bạch Thế Tôn, đây là vi diệu chưa từng có thứ năm, do thấy vậy, thấy vậy, các A-tu-la thích thú biển lớn.
Lại nữa, bạch Thế Tôn, biển lớn chỉ có một vị là vị mặn. Vì rằng, bạch Thế Tôn, biển lớn chỉ có một vị là vị mặn, nên bạch Thế Tôn, đây là vi diệu chưa từng có thứ sáu, do thấy vậy, thấy vậy, các A-tu-la thích thú biển lớn.

Lại nữa, bạch Thế Tôn, biển lớn có nhiều châu báu, nhiều loại châu báu, ở đây có những châu báu này, như thân châu, ma-ni châu, lưu-ly, xa-cừ, ngọc bích, san hô, bạc, vàng, ngọc đỏ, mã não. Vì rằng, bạch Thế Tôn , biển lớn có nhiều châu báu, nhiều loại châu báu, ở đây có những châu báu này, như trân châu, ma-ni châu, lưu-ly, xa-cừ, ngọc bích, san hô, bạc, vàng, ngọc đỏ, mã não. Bạch Thế Tôn, đây là vi diệu chưa từng có thứ bảy, do thấy vậy, thấy vậy, các A-tu-la thích thú biển lớn.
Lại nữa, bạch Thế Tôn, biển lớn là trú xứ các loại chúng sanh lớn, tại đấy, có những chúng sanh như các con Timi, Timingalà, Timiramingalà, những loại Asurà (A-tu-la), các loại Nàgà, các loại Gandhabbà. Trong biển có những loài hữu tình có tự ngã dài một trăm do tuần, hai trăm, ba trăm, bốn trăm, năm trăm do tuần. Vì rằng, bạch Thế Tôn, biển lớn là trú xứ các loài chúng sanh lớn … năm trăm do tuần, nên bạch Thế Tôn, đây là vi diệu chưa từng có thứ tám, do thấy vậy, thấy vậy, các A-tu-la thích thú biển lớn. Nhưng bạch Thế Tôn, các Tỷ-kheo có thích thú trong Pháp và Luật này?
—Này Pahàràda, Tỷ-kheo có thích thú trong Pháp và Luật này.
—Bạch Thế Tôn, trong Pháp và Luật này có bao nhiêu pháp vi diệu chưa từng có mà do thấy chúng, thấy chúng, các Tỷ-kheo thích thú trong pháp và luật này?
—Này Pahàràda, có tám pháp vi diệu này chưa từng có trong Pháp và Luật mà do thấy chúng, thấy chúng, các Tỷ-kheo thích thú trong pháp và luật này. Thế nào là tám?
Ví như, này Pahàràda, biển lớn tuần tự thuận xuôi, tuần tự thuận hướng, tuần tự sâu dần, không có thình lình như một vực thẳm. Cũng vậy, này Pahàràda, trong Pháp và Luật này, các học pháp là tuần tự, các quả dị thục là tuần tự, các con đường là tuần tự, không có sự thể nhập chánh trí thình lình. Này Pahàràda, vì rằng trong pháp và luật này, các học pháp là tuần tự, các quả dị thục là tuần tự, các con đường là tuần tự, không có sự thể nhập chánh trí thình lình, nên này Pahàràda, đây là vi diệu chưa từng có thứ nhất mà do thấy vậy, thấy vậy, các Tỷ-kheo thích thú trong Pháp và Luật này.

Ví như, này Pahàràda, biển lớn đứng một chỗ, không có vượt qua bờ. Cũng vậy, này Pahàràda, khi các học pháp được Ta sửa soạn cho các đệ tử, các đệ tử của Ta, dầu cho vì nhân sinh mạng, cũng không vượt qua,. Vì rằng này Pahàràda các học pháp được Ta sửa soạn cho các đệ tử, các đệ tử của Ta, dầu cho vì nhân sinh mạng, cũng không vượt qua,. Nên này Pahàràda, trong Pháp và Luật này, đây là vi diệu chưa từng có thứ hai do mà do thấy vậy, thấy vậy, các Tỷ-kheo thích thú trong Pháp và Luật này.
Ví như, này Pahàràda, biển lớn không có chấp chứa xác chết. Nếu có xác chết trong biển lớn, lập tức bị quăng lên bờ hay vất lên đất liền. Cũng vậy, này Pahàràda, người nào là ác giới, theo ác pháp, sở hành bất tịnh đáng nghi ngờ, có những hành vi che đậy, không phải là Sa-môn, nhưng tự nhận là Sa-môn, không phải sống Phạm hạnh nhưng tự nhận có Phạm hạnh, nội tâm hôi hám, ứ đầy tham dục, tánh tình bất tịnh. Chúng Tăng không sống chung với người ấy, lập tức hội họp lại và đuổi người ấy ra khỏi. Dầu cho người ấy có ngồi giữa chúng Tỷ-kheo Tăng, nhưng người ấy sống xa chúng Tăng và chúng Tăng sống xa người ấy. Vì rằng, này Pahàràda, người ấy là ác giới, theo ác pháp, … tánh tình bất tịnh … và chúng Tăng sống xa vị ấy, nên này Pahàràda, trong pháp và luật này, đây là pháp vi diệu chưa từng có thứ ba mà do thấy vậy, thấy vậy, các Tỷ-kheo thích thú trong Pháp và Luật này.

Ví như, này Pahàràda, phàm có các con sông lớn nào, ví như sông Hằng, sông Yamunà, sông Aciravatì, sông Sarabhù, sông Mahì, các con sông ấy khi chảy đến biển, liền bỏ tên họ cũ trở thành biển lớn. Cũng vậy, này Pahàràda, có bốn giai cấp: Sát-đế-lỵ, Bà-la-môn, Phệ-xá, Thủ-đà, sau khi từ bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia trong Pháp và Luật được Như Lai tuyên bố, họ từ bỏ tên và họ của họ từ trước, và họ trở thành những Sa-môn Thích tử. Này Pahàràda, trong Pháp và Luật này, đây là pháp vi diệu chưa từng có thứ tư mà do thấy vậy, thấy vậy, các Tỷ-kheo thích thú trong Pháp và Luật này.

Ví như, này Pahàràda, phàm có những dòng nước gì ở đời chảy vào biển lớn, phàm có những nước mưa từ trời rơi xuống, nhưng không vì vậy biển lớn được thấy có vơi có đầy. Cũng vậy, này Pahàràda, nếu có nhiều Tỷ-kheo nhập vào Niết-bàn giới không có dư y, Niết-bàn giới cũng không vì vậy được thấy có vơi có đầy. Này Pahàràda, nếu có nhiều vị Tỷ-kheo nhập vào Niết-bàn giới không có dư y, Niết-bàn giới cũng không vì vậy được thấy có vơi có đầy. Này Pahàràda, trong Pháp và Luật này, đây là pháp vi diệu chưa từng có thứ năm mà do thấy vậy, thấy vậy, các Tỷ-kheo thích thú trong Pháp và Luật này.
Ví như, này Pahàràda, biển lớn chỉ có một vị mặn. Cũng vậy, này Pahàràda, Pháp và Luật cũng chỉ có một vị là vị giải thoát. Này Pahàràda, trong Pháp và Luật này, đây là pháp vi diệu chưa từng có thứ sáu mà do thấy vậy, thấy vậy, các Tỷ-kheo thích thú trong Pháp và Luật này.

Ví như, này Pahàràda, biển lớn có nhiều châu báu, có nhiều loại châu báu, ở đây có những châu báu này, như trân châu, ma-ni châu, lưu-ly, xa-cừ, ngọc bích, san hô, bạc, vàng, ngọc đỏ, mã não. Cũng vậy, này Pahàràda, Pháp và Luật này có nhiều châu báu, nhiều loại châu báu, ở đấy có những châu báu này, như Bốn niệm xứ, Bốn chánh cần, Bốn như ý túc, Năm căn, Năm lực, Bảy giác chi, Thánh đạo tám ngành. Này Pahàràda, vì rằng Pháp và Luật này có nhiều châu báu, nhiều loại châu báu, ở đấy có những châu báu này, như Bốn niệm xứ, Bốn chánh cần, Bốn như ý túc, Năm căn, Năm lực, Bảy giác chi, Thánh đạo tám ngành, nên này Pahàràdan, trong Pháp và Luật này, đây là pháp vi diệu chưa từng có thứ bảy mà do thấy vậy, thấy vậy, các Tỷ-kheo thích thú trong Pháp và Luật này.

Ví như, này Pahàràda, biển lớn là trú xứ các loại chúng sanh lớn, tại đấy, có những chúng sanh như các con Timi, Timingalà, Timiramingalà, những loại Asurà (A-tu-la), các loại Nàgà, các loại Gandhabbà. Trong biển có những loài hữu tình với tự ngã dài một trăm do tuần, hai trăm, ba trăm, bốn trăm, năm trăm do tuần. Cũng vậy, này Pahàràda, Pháp và Luật là trú xứ của các loài chúng sanh lớn. Ở đấy có những loại chúng sanh này: bậc Dự lưu, bậc đã hướng đến chứng ngộ Dự lưu quả, bậc Nhất Lai, bậc đã hướng đến chứng ngộ Nhất lai quả, bậc Bất lai, bậc đã hướng đến chứng ngộ Bất lai quả, bậc A-la-hán, bậc đã hướng đến chứng ngộ quả A-la-hán. Này Pahàràda, vì rằng Pháp và Luật này là trú xứ của các loại chúng sanh lớn. Ở đấy có những chúng sanh này … quả A-la-hán. Này Pahàràda, trong Pháp và Luật này, đây là pháp vi diệu chưa từng có thứ tám mà do thấy vậy, thấy vậy, các Tỷ-kheo thích thú trong Pháp và Luật này.

Này Pahàràda, đây là tám pháp vi diệu, chưa từng có trong pháp và luật và do thấy vậy, do thấy vậy, các Tỷ-kheo thích thú trong Pháp và Luật này.
nguồn: Aṅguttara Nikāya II. Phẩm Lớn 8.19. A-Tu-La Pahàràda
https://suttacentral.net/an8.19/vi/minh_chau
Nguồn ảnh: Được tạo bằng AI
ghi chú: 126 

Sách đọc nhiều
Bài đọc nhiều

10.2.24

KHAI BÚT ĐẦU XUÂN 2024.

KHAI BÚT ĐẦU XUÂN 2024.



Hai đứa trẻ ở nhà ( cấp 1 và cấp 2) khi được hỏi về nội dung của đoạn video thì đều hiểu nội dung nhưng không hiểu ý nghĩa và tại sao lại hành động như vậy. Có lẽ lên đến cấp 3, đại học và đi trên những lối mòn trường đời thì vẫn còn phân vân. Hi vọng trong tương lai gần hai chị em sẽ thấy được đáp án.

Khi một người biết sống tỉnh thức, người ấy biết mình đang nghĩ gì, nói gì và làm gì và vì vậy người ấy có thể tránh được những ý nghĩ, lời nói và động tác có thể gây nên khổ đau cho mình và cho kẻ khác .




Sống tỉnh thức tức là sống trong giờ phút hiện tại, và biết được những gì đang xảy ra trong bản thân mình và hoàn cảnh mình.
Sống như thế ta tiếp xúc được với sự sống, và nếu tiếp tục sống tinh cần như thế ta có thể hiểu biết được bản thân ta và hoàn cảnh ta một cách sâu sắc, và sự hiểu biết đưa tới sự chấp nhận và sự thương yêu. Khi mọi loài hiểu biết nhau, không còn nhiều khổ đau. Người ta có thể thương được không, nếu người ta không hiểu?
- Bạch thầy, không hiểu thì khó có thể thương.
Con nói đúng lắm, Svastika?

Có hiểu mới thương, và có thương mới biết chấp nhận.

"Nầy các con, tập sống cho tỉnh thức các con sẽ từ từ hiểu: hiểu mình, hiểu người, hiểu vạn vật và các con sẽ có lòng thương".
( Trích: Sách Đường xưa mây trắng- Thiền sư Thích Nhất Hạnh)
https://phanblogs.blogspot.com/2017/02/uong-xua-may-trang-thich-nhat-hanh_87.html

Ghi chú: 173



Sách đọc nhiều
Bài đọc nhiều

9.2.24

Bằng sự thực hành quan sát thân tâm

Bằng sự thực hành quan sát thân tâm, ta thấy:

Thân và Tâm ta còn không làm chủ, kiểm soát được theo ý mình.
Thì làm sao ta có thể kiểm soát, làm chủ được những điều không như ý từ gia đình, đồng nghiệp, bạn bè, và những bất toàn trong cuộc sống.

Bằng sự thực hành quan sát thân tâm


-Thiền sư U Jatila
#Mahasi
Ghi chú : 155 


Sách đọc nhiều
Bài đọc nhiều