Search

16.10.23

TRONG CÁI THẤY CHỈ LÀ CÁI THẤY

LỜI DẠY CHO ÔNG BĀHIYA: TRONG CÁI THẤY CHỈ LÀ CÁI THẤY


Ajahn Bramavamso Nguyên Tâm & Tâm Minh Hạnh dịch,
Houston, TX, 2006
Nhiều Phật tử đã suy tưởng quá nhiều về Phật pháp nhưng lại thực hành quá ít. Rõ ràng là, vì thiếu kinh nghiệm trong việc hành trì giữ giới, cũng như thiếu những kết quả của công phu thiền tập, họ đã làm sai lệch giáo pháp với những mộng tưởng của chính họ. Bất hạnh thay, trong số những Phật tử này là những vị giáo thọ.
Một thí dụ cho thấy lời dạy của Đức Phật đã bị xuyên tạc được thấy trong lời dạy ngắn rất nổi tiếng của Đức Phật cho ông Bāhiya trong kinh Phật tự thuyết (Udāna 1.10)[1]. Bāhiya không phải là một vị xuất gia. Kinh không ghi lại việc ông bố thí cúng dường (dāna), cũng không quy y Tam Bảo, và cũng không cả việc giữ giới. Hơn nữa, kinh cũng không cho biết là ông có thực tập thiền định hay không, hay tự ông đã đạt tới tầng thiền nào. Vậy mà, sau khi nghe lời dạy rất ngắn gọn của Đức Phật, ông đã hoàn toàn giác ngộ, liền tức khắc chứng quả A-la-hán (Arahant)[2].
Sự tích này rất nổi tiếng trong giới Phật giáo bởi vì nó cho thấy việc đạt đến giác ngộ hình như quá dễ dàng. Bạn không cần phải là một vị tu sĩ xuất gia, bạn có thể keo kiệt bủn xỉn, không bố thí cúng dường, không quy y Tam Bảo, không giữ giới, và ngay cả công phu thiền định cũng không cần thiết. Thật là dễ quá - với một số người! Bạn chỉ cần thông minh thôi, và mọi người đều nghĩ rằng mình thông minh. (Bạn nghĩ là bạn thông minh chứ, phải không bạn?). Chính điều này đã làm cho “Lời dạy cho ông Bāhiya” vừa hấp dẫn vừa “nổi tiếng”.

TRONG CÁI THẤY CHỈ LÀ CÁI THẤYLỜI DẠY CHO ÔNG BĀHIYA TRONG CÁI THẤY CHỈ LÀ CÁI THẤY

Vậy thì, Đức Phật đã dạy điều gì? Sau đây là bản dịch của tôi.
“Như vậy, này Bāhiya, ông nên tự thực tập như thế này: trong cái thấy, sẽ chỉ là cái thấy, trong cái nghe, sẽ chỉ là cái nghe, trong cái xúc chạm [3], sẽ chỉ là cái xúc chạm, trong cái thức tri, sẽ chỉ là cái thức tri. Thực tập như thế, này Bāhiya, ông sẽ không là “bởi vì cái ấy”. Khi ông đạt tới chỗ “không là bởi vì cái ấy”, ông sẽ đạt đến chỗ “không là ở trong cái ấy”. Khi ông đạt đến chỗ “không là ở trong cái ấy”, ông sẽ không ở đây, cũng không ở kia, cũng không ở giữa đây và kia. Chỉ như vậy là đoạn tận khổ đau.”

Và rồi Bāhiya hoàn toàn giác ngộ. Nghe dễ quá, phải không bạn? Bạn vừa đọc cùng một lời dạy như vậy. Bạn đã hoàn toàn giác ngộ chưa? Nếu chưa! Tại sao chưa?
Như thường lệ, có nhiều chi tiết chung quanh câu chuyện hơn là được ghi lại trong kinh. Thường thì kinh chỉ ghi lại những điểm chính trong câu chuyện. Cũng giống như những bức ảnh chụp trong ngày đám cưới không thể ghi lại đầy đủ về buổi gặp gỡ đầu tiên, những buổi hẹn hò và những lần gấu ó, vì thế, nhiều bản kinh không ghi lại những tình tiết xảy ra trước khi kết cuộc. Vậy thì toàn thể câu chuyện về Bāhiya ra sao?  Làm thế nào chúng ta có thể nắm giữ được nội dung đầy đủ của kinh này? May mắn thay, toàn chuyện đã được ghi lại trong kinh Apadāna (Những mẫu chuyện tiền thân của Tăng Ni & Thánh chúng, trong Tiểu Bộ Kinh) và trong chú giải.

Vào một tiền kiếp, Bāhiya là một tu sĩ dưới thời Phật Ca-diếp (Kassapa). Cùng với 6 tu sĩ khác, ông đã leo lên một ngọn núi dốc, rồi quăng bỏ hết dụng cụ leo núi, họ quyết định ở lại trên đỉnh núi đó cho đến khi nào đạt được giác ngộ hoặc chết đi. Một trong 7 vị tu sĩ đó chứng quả A-la-hán, một người khác chứng quả A-na-hàm (Anāgāmī = Bất Lai), còn 5 người kia chết trên đỉnh núi. Bāhiya là một trong năm người đó. Trong đời chót của ông, ông là một thương gia, đã bảy lần vượt biển buôn bán thành công. Trong lần thứ tám, ông bị đắm thuyền nhưng sống sót và trôi giạt vào bờ nhờ ôm một mảnh ván. Mất hết quần áo, ông đã tạm thời dùng vỏ cây làm quần áo và đi xin ăn trong thành Suppārakā. Khi gặp ông, thị dân rất xúc động và tỏ lòng tôn kính. Họ tặng ông thực phẩm và một bộ quần áo mới đắt tiền. Khi Bāhiya từ chối không nhận bộ quần áo đó, dân chúng càng quý trọng ông hơn. Bāhiya tạo được một nếp sống thoải mái và ông quyết định ở lại đó. Dân chúng coi ông như một vị A-la-hán. Sau đó, chính Bāhiya cũng nghĩ rằng ông là một vị A-la-hán thực.

Lúc đó, một vị thần nhận thấy được ý nghĩ sai lầm của Bāhiya, và vì lòng từ bi, đã cảnh giác ông. Vị thần đó chẳng ai khác hơn là một trong bảy vị tu sĩ đồng tu với ông, người đã đắc quả A-na-hàm. ( Điều lý thú cần thêm ở đây là bốn vị tu sĩ còn lại cũng đã được tái sinh cùng lúc đó, và tất cả họ, như Bāhiya, đã lần lượt chứng quả Toàn Giác. Họ là Pukkusāti, Sabhiya, Kumārakassapa và Dabba). Rồi vị thần chứng quả A-na-hàm đó cho Bāhiya biết về một vị A-la-hán đích thực, đó là Đức Phật, hiện đang ở tại thành Sāvatthi, xa tận phía bên kia nước Ấn. Bāhiya liền tức tốc rời thành Suppārakā (bây giờ là Sopāra, phía bắc của Mumbai) và đến thành Xá-vệ (chỉ 17 cây số về hướng Tây của Balrumpur) chỉ trong một đêm. Bāhiya đến gặp Phật đang lúc Ngài đang đi khất thực và thỉnh cầu Ngài thuyết pháp. Thoạt tiên, Đức Phật từ chối vì không đúng lúc. Nhưng đến lần thỉnh cầu thứ ba, Đức Phật đã tạm ngưng buổi khất thực và ban bài pháp nổi tiếng nói trên. Ngay sau khi nghe bài pháp đó, Bāhiya liền chứng quả Toàn Giác. Và chỉ một lát sau, vị A-la-hán Bāhiya bị bò húc chết.

Vì thế, căn cơ của ông Bāhiya rất đặc biệt. Trong tiền kiếp, ông đã từng là một vị tu sĩ trong thời Phật Ca-diếp. Nghị lực của ông rất mạnh đến nỗi ông đã quyết tâm thiền định trên đỉnh núi cho đến khi đạt giác ngộ hoặc là chết. Trong đời này, ông đã có thể nghe được tiếng nói của thần linh và có thể di chuyển hơn nửa phần đất Ấn Độ, khoảng 1,300 cây số đường chim bay, chỉ trong một đêm. Nếu bạn có một căn cơ đặc biệt từ tiền kiếp, và năng lực tâm linh như thế trong đời này, thì có lẽ bạn đã đạt được Toàn Giác khi bạn đọc kinh Bāhiya cách đây mấy phút!

Thường thì phải có định sâu mới có thể thành tựu được năng lực tâm linh như thế. Chắc chắn là Bāhiya đã có một thiên tư thiền định, kế thừa từ đời trước. Và một năng lực tâm linh “thiên nhĩ thông” có thể nghe được tiếng nói của thần linh, và một năng lực tâm linh khác (thần túc thông) cho phép ông di chuyển thực nhanh, cho thấy rằng ông đã thực tập thiền định trước khi ông nghe tiếng nói thần linh. Có lẽ đây là một lý do khác cho thấy tại sao ông đã tự tin mình đã là một vị A-la-hán.
Ít người nhận ra rằng lời dạy này, ở đây tôi gọi là “Lời dạy cho ông Bāhiya” (Kinh Bāhiya),  cũng đã được Đức Phật thuyết giảng cho Trưởng lão Mālunkyaputta (Kinh Tương Ưng Bộ 35.95). Trưởng lão Mālunkyaputta xuất hiện nhiều lần trong nhiều kinh thuộc Kinh tạng Nikāya. Đặc biệt, trong kinh số 64 của Trung bộ, chắc xảy ra trước dịp Mālunkyaputta được dạy “Lời dạy cho ông Bāhiya”. Thoạt tiên, Đức Phật đã quở ông về những tà kiến của ông và dạy những điều cần thiết để chứng đắc tầng thiền nhằm chấm dứt 5 kiết sử [4] (trói buộc) hầu chứng quả A-na-hàm (Bất Lai, một quả vị kế dưới quả vị A-la-hán). Đức Phật đã dạy thầy Mālunkyaputta rằng không thể nào chứng quả A-na-hàm mà không qua công phu thiền định cũng như là không thể nào nắm được lõi cây mà trước đó không xuyên qua vỏ cây và dác cây. Hãy suy nghĩ về điều này.
Thế nên, đầu tiên, thầy Mālunkyaputta được dạy về những tầng thiền cần thiết, rồi sau đó mới được dạy “Lời dạy cho ông Bāhiya”.  Sau khi nghe lời dạy này, Mālunkyaputta đã ở nơi yên vắng, xả ly, siêng năng, tinh tấn và cương quyết tu tập, chẳng bao lâu đã chứng quả A-la-hán. Vậy thì, điều chắc chắn là Mālunkyaputta đã thành tựu thiền định trước để “Lời dạy cho ông Bāhiya” có hiệu quả. Còn nếu khác đi, thì rõ ràng là Đức Phật đã bất nhất.  Điều này cũng thêm chứng cứ cho thấy Bāhiya đã có kinh nghiệm thiền tập trước khi nghe lời dạy này -- nếu không thì ông đã có thể nắm được lõi cây mà không phải xuyên qua vỏ cây và dác cây.


Điên đảo vọng tưởng (The Vipallāsa) [5]


Vậy thì, ông Bāhiya và thầy Mālunkyaputta đã thấy gì trong lời dạy của Đức Phật đã đưa đến việc chứng đắc A-la-hán?  “Trong cái thấy sẽ chỉ là cái thấy” có nghĩa là gì?
Thấy mà không có chút xuyên tạc, không thêm vào hay bớt ra có nghĩa là gì? Tâm lý học hiện đại cho thấy “cái thấy” luôn được sàng lọc, bóp méo bởi những ước muốn và ganh ghét của chúng ta. Tiến trình xuyên tạc này diễn ra trước khi tiến trình nhận thức. Không thể nào nhận biết được tiến trình này khi nó diễn ra. Nó thuộc về tiềm thức. Chúng ta chỉ có thể phỏng đoán sự cố xảy ra. Chúng ta khám phá ra rằng sự ưa thích của chúng ta thường thêm thắt nhiều dữ kiện để phô bày trước tâm thức chúng ta điều mà chúng ta muốn thấy, trong khi sự thù nghịch chán ghét sẽ đóng bít mọi lối vào tâm những dáng nét nào chúng ta không muốn thấy. Điều mà chúng ta thấy ít khi chỉ là “cái thấy”. Điều mà chúng ta thấy với sự chú ý tối thiểu ít khi là sự thực. Đó không phải là cách sự vật là, mà chỉ là cách sự vật “dường như là”.
Đáng lẽ chúng ta đã có đủ kinh nghiệm trong đời sống để hiểu rõ về điều này. Khi các bạn trai thấy một cô gái đẹp thì bạn thấy gì? Hầu hết mọi người, ngay đến các thầy tu, không thấy điều thực sự hiện tiền - thịt, gân, da và tóc – mà thay vào đó họ thấy cái má lún đồng tiền. Điều này do đâu mà có? Khát vọng dục tính của chúng ta đã thêm thắt vào, bóp méo thực tại. Và khi bạn đứng trước xác chết của mẹ bạn, thì bạn thấy gì? Một lần nữa, bạn không thấy điều thực sự trước mặt - thịt, gân, da và tóc – mà chỉ thấy một thảm kịch.  Tâm luyến ái của bạn đã thêm vào nỗi khổ đau. Nó đã bóp méo thực tại.
Cách đây nhiều năm, ở miền đông bắc Thái Lan, trong một tu viện hẻo lánh và nghèo nàn, tôi đã phải ăn châu chấu, ếch, kiến và những côn trùng bò sát khác. Đó là tất cả những gì có thể ăn ở đó. Món ăn thường xuyên là món cà-ri trứng kiến. Khi bạn đọc tới điều này, bạn có thực tập “trong cái thấy sẽ chỉ là cái thấy” hay là bạn đã thêm vào đó sự ghê tởm. Thực ra, món châu chấu chiên khá ngon. Chúng ta đã thêm vào “cái thấy” của chúng ta bao nhiêu điều thích và không thích?
Một công ty du lịch muốn mướn một nha sĩ cho du thuyền của họ.  Thế rồi, họ tìm trong điện thoại niên giám mục “Khoan ngoài khơi” (Off-shore Drilling)! Bạn đã thêm thắt vào cái thấy của bạn bao nhiêu rồi?
Hai mươi lăm thế kỷ trước khoa tâm lý học hiện đại, Đức Phật đã nhận rõ tiến trình bóp méo nhận thức và gọi đó là “điên đảo vọng tưởng” . Ngài giải thích tiến trình lẩn quẩn này khởi đầu từ cái nhìn. Chính cái nhìn (view = quan điểm) của chúng ta đã bẻ quẹo cảm thọ (tri giác = perception) để thuận theo cái nhìn đó. Rồi cảm thọ tạo thành chứng cứ cho suy tưởng (thought). Rồi suy tưởng biện luận để ủng hộ cho cái nhìn. Đó là một vòng tự biện hộ. Quan điểm tạo ra cảm thọ giúp hình thành tư tưởng để ủng hộ cho quan điểm. Đây chính là tiến trình của mê lầm, điên đảo vọng tưởng.
Thí dụ như, nhiều người tin tưởng vào Chúa. Họ có một quan điểm hữu thần. Quan điểm này chối bỏ mọi lối vào tâm thức của bất cứ tri giác nào thách thức quan điểm đó. Các dữ kiện khoa học như vật lý thiên văn, cơ học lượng tử, địa lý, sinh-hóa học đều trở thành những tri giác “cấm kỵ”. Chúng đã bị khước từ trước khi chúng được ghi vào ý thức bởi vì chúng có quan điểm phản thần (antithetic). Chỉ có những tri giác nào ủng hộ và phù hợp với quan điểm hữu thần mới còn sống sót qua quá trình sàng lọc của tiềm thức. Những tri giác “phù-Chúa” (pro-God) này hình thành dữ kiện cho tư tưởng tiếp tục tác động tới. Dữ kiện đang củng cố. Nó ủng hộ quan điểm của chúng ta. Chúng ta đã bị thuyết phục là có Chúa, và quan điểm của chúng ta càng vững mạnh hơn để đối kháng lại thách thức. Đó chính là nguồn gốc và tiến trình hình thành của nhiều tôn giáo, mà họ đều tin rằng họ đúng. Thực ra họ đã lầm lẫn giữa “sự vật dường như là” và “sự vật như chúng là”.

Hoặc lấy thí dụ về cuộc tranh luận về chuyện phá thai. Bạn là người “Chống Phá Thai” (Pro-life) hay “Ủng Hộ Phá Thai” (Pro-choice)? Cho dù bạn có quan điểm nào đi nữa, nó sẽ làm hỏng cảm thọ của bạn, chọn lựa những cảm thọ nào ủng hộ quan điểm của mình và che giấu ý thức bất cứ cảm thọ nào thách thức quan điểm của bạn. Tư tưởng của bạn sẽ được xây dựng trên những cảm thọ, cũng giống như căn nhà được xây từ những viên gạch.  Nếp suy tư sai lệch như thế sẽ biện hộ cho quan điểm của bạn, mạnh đến nỗi bạn hoàn toàn không thể hiểu tại sao người khác không thấy một cách đúng thực, mà đó chính là cách bạn thấy! (Bạn luôn nghĩ là cách bạn thấy là đúng).
Một thí dụ cuối cùng, thiền tập có dễ dàng với bạn không? Nếu bạn có quan điểm là thiền rất khó, và bạn bám chặt vào ý kiến đó, thì thiền dường như là khó thực. Quan điểm đó từ đâu có? Có thế là, đã lâu lắm rồi, một người có thẩm quyền nào đó đã bảo bạn là thiền rất khó, bạn tin tưởng họ, và rồi quan điểm đó dính cứng nơi tâm bạn. Hoặc có thể là, bạn bắt đầu tập thiền mà không có hướng dẫn chính xác và rõ ràng, và bạn thấy là khó quá. Trên căn bản của kinh nghiệm giới hạn như thế, bạn đã hình thành một quan điểm chắc nịch rằng thiền rất khó. Tuy nhiên, một khi quan điểm đó hiện khởi, nó có đó, nó sẽ làm cho việc thiền tập trở thành khó thật. Sự bám víu của bạn vào quan điểm này đã vặn quẹo cảm thọ của bạn. Chính những cảm thọ cảm thấy khó khăn khi thiền tập mới được chuyển đến ý thức. Dựa trên những cảm thọ tiêu cực này, bạn nghĩ là thiền tập đúng là khó khăn. Bạn, và chỉ có bạn, đã làm cho thiền tập trở thành khó khăn!

Khi chúng ta có được một số hiểu biết về thiền tập, chúng ta có thể sẽ thay đổi quan điểm đó. Cho phép tôi tầy não bạn một chút. Nào, các bạn hãy tin tôi đi, cho dù ai nói gì, cho dù trước đây bạn chưa thành công; hãy nghĩ :THIỀN DỄ LẮM! THIỀN DỄ LẮM! THIỀN DỄ LẮM! Tôi sẽ hướng dẫn bạn để bạn tin rằng bạn có thể thiền tập thành công.  Hãy giúp tôi phục hoạt lại bạn để bạn tin vào khả năng bẩm sinh của bạn có thể thiền định tốt. Bạn đã được tái sinh vào một thân người quý báu và giờ đây bạn đang đọc những lời dạy vô giá của đạo Phật. Bạn đang còn sống khi giáo pháp đang phát triển và bạn đã tiếp xúc với giáo pháp mầu nhiệm này. Bạn là một chúng sinh hiếm quý. Bạn đã huân tập nhiều đời để có được cơ hội này. Với những điều bạn đã có, dĩ nhiên bạn có thể thiền định tốt. Sự kiện bạn đang đọc bài này chứng tỏ là bạn đã tích trữ nhiều nghiệp lành. Những người khác, ít điều kiện hơn bạn, đã nhập định được, thì tại sao bạn lại không! Một lần nữa, với sự trợ giúp của tôi, bạn đã xây dựng được một quan điểm tích cực về khả năng thiền định của bạn – a lê hấp, dễ ợt! - bạn chỉ cảm thấy thiền tập thành công và chỉ nghĩ thiền tập thành công thôi. Bạn đã vừa làm cho việc thiền tập dễ dàng rồi! Bạn đã mở cửa vào sự yên tĩnh, an lạc và thiền định. Hãy thử đi!

Khám phá chân lý


Điều tôi muốn nói là, cả hai quan điểm cho rằng thiền rất khó và quan điểm cho rằng thiền rất dễ đều sai. Cả hai đều là sản phẩm của sự bóp méo điều mà bạn thấy, nghe, xúc chạm và thức tri. Cả hai đều là vọng tưởng. Chỉ có điều là quan điểm tích cực là một vọng tưởng hữu ích hơn. Thực ra, đó chính là quan điểm dẫn bạn tới sự khám phá chân lý.
Đức Phật giải thích rằng có năm triền cái (hindrances = chướng ngại) [6] đã bóp méo cảm thọ và phá hủy tư tưởng. Ngài gọi năm chướng ngại này là thức ăn nuôi dưỡng vọng tưởng vô minh. (Tăng Chi Bộ Kinh 10.61). Chướng ngại thứ nhất là tham dục, tuyển chọn điều mà bạn muốn thấy, nghe, xúc chạm và thức tri. Nó thường thêm thắt vào sự thật.  Nó phô bày trước ý thức của chúng ta sản phẩm của mộng tưởng. Chướng ngại thứ hai là sân hận, là một xung động tâm lý tiêu cực ngăn chận chúng ta thấy, nghe, xúc chạm và thức tri điều mà chúng ta không muốn biết. Nó bít kín mọi điều không hài lòng, và những điều chống trái với quan điểm của bạn. Tâm lý học cho thấy rằng sân hận là một tiến trình phủ nhận. Chướng ngại thứ ba là hôn trầm và si mê. Chướng ngại này không bóp méo điều chúng ta thấy, nghe, xúc chạm và thức tri. Nó phủ kín thực tại trong màn sương mù dầy đặc đến nỗi chúng ta không thể thấy biết rõ ràng. Chướng ngại thứ tư là trạo cử và hối hận, chúng làm cho giác quan ta chạy nhảy nhanh chóng đến nỗi ta không có đủ thì giờ để thấy, nghe, xúc chạm và thức tri. Cảnh vật không có đủ thì giờ để hiện lên võng mạc của chúng ta, trước khi võng mô phải tiếp xúc với một cảnh vật khác. Trạo cử, và trường hợp đặc biệt của nó là hối hận (sự lo lắng trong tâm do hành vi bất thiện) thì cũng giống như ông chủ quá đòi hỏi trong sở làm của bạn, không bao giờ cho bạn có đủ thì giờ để hoàn tất dự án đúng hạn. Chướng ngại thứ năm là nghi, nó làm gián đoạn tiến trình thu thập dữ kiện với những câu hỏi non nớt. Trước khi chúng ta có đủ kinh nghiệm về thấy, nghe, xúc chạm và thức tri, nghi sẽ can dự vào tiến trình nhận thức, giống như một người học trò tự mãn ngắt lời thầy giảng giữa chừng bằng một câu hỏi ngốc nghếch. Giờ đây, bạn có thể hiểu rõ rằng chính năm chướng ngại này đã bóp méo cảm thọ, phá hủy tư tưởng và bảo vệ vọng tưởng.
Trong giới Phật tử, ai cũng biết rằng phương thức duy nhất để chấm dứt năm chướng ngại này là thực tập thiền định. Như được giảng trong kinh Nalakapāna (Trung Bộ Kinh 68), ai chưa chứng đạt thiền định thì năm chướng ngại (cộng với sự bất mãn và nhàm mỏi) sẽ xâm chiếm tâm và cố thủ ở đó. Bất cứ điều gì thấp hơn thiền định sẽ không có đủ năng lực và sự kiên trì để chấm dứt năm chướng ngại một cách hiệu quả. Vì vậy, cho dù bạn thực tập chánh niệm tinh thuần nhưng năm chướng ngại vẫn còn hoạt động ở dạng tiềm thức thì bạn vẫn chưa thấy sự vật như chúng là, bạn chỉ thấy sự vật “dường như là”, đã bị bóp méo bởi năm chướng ngại này.
Thế nên, để thực hiện theo lời dạy của Đức Phật cho Bāhiya và thầy Mālunkyaputta, để “trong cái thấy, sẽ chỉ là cái thấy, trong cái nghe, sẽ chỉ là cái nghe, trong cái xúc chạm, sẽ chỉ là cái xúc chạm, trong cái thức tri, sẽ chỉ là cái thức tri.” thì năm chướng ngại phải được chấm dứt và đó có nghĩa là thiền định!

Thấy sự vật như chúng thật sự là


Sự thật là năm chướng ngại sẽ chấm dứt ngay trước lúc chứng đạt thiền định, mà trong luận được gọi chính xác là cận hành định (upacāra samādhi, sự vắng lặng của tâm trước ngưỡng cửa thiền định).  Vậy thì, làm sao biết chắc được rằng năm chướng ngại quỷ quái này, thường vận hành trong tiềm thức, đã hoàn toàn tận diệt? Làm sao biết bạn đang ở tình trạng cận hành định? Ở tình trạng cận hành định, bạn có thể nhập vào tầng định thứ nhất một cách dễ dàng. Không còn trở lực nào, chướng ngại nào giữa bạn và thiền định. Cũng giống như, bạn biết rằng bạn đang đứng trước ngưỡng cửa một ngôi nhà mà không có vật cản gì giữa bạn và căn phòng bên trong, và bạn có thể vào căn phòng đó dễ dàng. Nếu bạn không thể nhập định, có nghĩa là năm chướng ngại vẫn còn đó. Vậy thì, để biết chắc năm chướng ngại này không còn nữa, bạn hãy cố gắng nhập định.
Khi bạn xả thiền, tâm bạn cũng dừng lại ở ngưỡng cửa, tức cận hành định, một lúc lâu. Giống như khi bạn rời khỏi nhà, bạn đứng lại ở ngưỡng cửa. Chính ngay lúc này, trong khoảng thời gian ngay tức khắc sau khi thiền định, khi năm chướng ngại không còn xâm chiếm tâm thức và cố thủ ở đó ( theo kinh Nalakapāna đã nói trên), thì cuối cùng,  bạn có thể thực tập “trong cái thấy, sẽ chỉ là cái thấy, trong cái nghe, sẽ chỉ là cái nghe, trong cái xúc chạm,, sẽ chỉ là cái xúc chạm, trong cái thức tri, sẽ chỉ là cái thức tri.” Đúng như Đức Phật thường lặp đi lặp lại ( trong Tăng Chi Bộ Kinh AN 6.50), chỉ qua thiền định (sammā samādhi = chánh định), bạn mới có thể chứng nhập chân như (yathā-bhūta-ñānadassanam = sự vật như chúng là), chứ không phải là “sự vật dường như là”.

Chấm dứt ngã kiến


Kinh nghiệm thiền định có thể thổi tan bạn đi. Tôi muốn nói gì đây? Tôi muốn nói rằng những kết quả có được từ kinh nghiệm thiền định, suy niệm ngay sau khi cận hành định, khi năm chướng ngại không còn bóp méo gì được nữa, sẽ phá hủy toàn bộ điên đảo vọng tưởng về tự ngã, linh hồn, cái tôi và cái của tôi.
Tiềm năng thực hành, quyết định, chọn lựa, cái mà tôi gọi là “người làm, (người tạo tác)”, sẽ biến mất một phần trong tầng thiền thứ nhất, và hoàn toàn biến mất ở các tầng thiền cao hơn. Kết quả hoàn toàn rõ ràng, và một cách dứt khoát là, năm chướng ngại không còn ngăn chận được bạn thấy rằng không có ai điều khiển thân và tâm bạn. Ý chí không phải là tự ngã, không phải là sản phẩm của tự ngã. Ý chí là một tiến trình tự nhiên vô ngã và có thể chấm dứt hoàn toàn. Chính bạn đã chứng thực điều đó, và bạn có thể tin tưởng vào điều này bởi vì nó xảy ra khi năm chướng ngại phá hoại đã bị tận diệt. Tuệ giác này chắc là điều mà bạn chưa từng biết – Ý chí tự do là một vọng tưởng. Bạn, người đọc, sẽ không thể nào đồng ý với tôi. Chỉ vì năm chướng ngại vẫn còn hành hoạt  và chúng sẽ ngăn chận không cho bạn thấy điều này. Vậy thì, trước tiên hãy thực tập thiền, rồi sau đó hãy nghiên cứu kỹ vấn đề này. Rồi sau đó sẽ tranh luận với tôi!
Còn nữa, trong thiền định, chân thiền chứ không phải giả thiền, cái thấy, cái nghe, cái xúc chạm đều biến mất. Ngũ căn hướng ngoại ngừng hẳn. Điều này cũng hoàn toàn rõ ràng. Khi một người nghĩ lại sự hoàn toàn vắng lặng của ngũ căn trong kinh nghiệm thiền định, trong giai đoạn cận hành định khi xả thiền, năm chướng ngại không còn nữa, người ấy chắc chắn sẽ thấy rằng không có tự ngã, linh hồn, hay cái tôi nào để quan sát cảnh vật, lắng nghe âm thanh, hoặc cảm thọ mùi hương, mùi vị và sự xúc chạm. Không có tự ngã, linh hồn, hay cái tôi để biết cái được biết. Cũng như thế,  ý thức ở mọi dạng, cũng được coi như là một tiến trình vô ngã và có thể được hoàn toàn chấm dứt. Tóm lại, bạn không đồng nhất với tâm của bạn. Tâm chỉ là một dòng chảy tự nhiên. Nó có thể dừng lại hoàn toàn. Nó chấm dứt, một lần và tất cả, ở Đại Niết Bàn (Parinibbāna)! Một lần nữa, bạn đọc của tôi, sẽ không thể nào đồng ý với tôi được. Ngay bây giờ, năm chướng ngại vẫn còn hành hoạt trong bạn, ngay dưới bề mặt của nhận thức, đã ngăn chận bạn thấy sự thật. Nó thách thức với một quan điểm rất nền tảng, quan điểm “Tôi là”! Giờ đây, đừng bận tâm về sự bất đồng ý đó. Hãy thiền tập cho đến khi nào bạn có kinh nghiệm thiền định và chấm dứt được năm chướng ngại. Chừng đó coi tôi có đúng không.

Phần cuối của “Lời dạy cho ông Bāhiya”


“Như vậy, này Bāhiya, ông nên tự thực tập như thế này: trong cái thấy, sẽ chỉ là cái thấy, trong cái nghe, sẽ chỉ là cái nghe, trong cái xúc chạm, sẽ chỉ là cái xúc chạm, trong cái thức tri, sẽ chỉ là cái thức tri. Thực tập như thế, này Bāhiya, ông sẽ không là “bởi vì cái ấy”. Khi ông đạt tới chỗ “không là bởi vì cái ấy”, ông sẽ đạt đến chỗ “không là ở trong cái ấy”. Khi ông đạt đến chỗ “không là ở trong cái ấy”, ông sẽ không ở đây, cũng không ở kia, cũng không ở giữa đây và kia. Chỉ như vậy là đoạn tận khổ đau.”
“Ông không là bởi vì cái ấy” (You will not be “because of that”) nghĩa là gì? Tiếng Pāli là na tena. Tena là thuộc từ của chữ “ấy” (that). Na là từ phủ định. Về mặt văn học, có nghĩa là “không vì cái ấy, không qua cái ấy, không bởi cái ấy”. Một cách cốt lõi, nó có nghĩa là, bạn không thể cho rằng có một tự ngã, một linh hồn, một cái tôi; vì đó, qua đó, bởi đó; (mà có) cái thấy, cái nghe, cái xúc chạm, cái thức tri. Đức Phật dạy rằng một khi bạn đã thấu suốt sự thật về kinh nghiệm giác quan, bằng cách chấm dứt năm chướng ngại qua công phu thiền định, bạn sẽ thấy rằng, đằng sau kinh nghiệm giác quan, không có người làm (doer), cũng không có “người biết” (knower) (không còn một chủ thể “ngườì” nào cả. ND). Bạn không còn có thể dùng kinh nghiệm giác quan như là chứng cứ cho sự hiện hữu của tự ngã. Câu nói nổi tiếng của Descartes “Tôi suy tư vậy tôi hiện hữu” (I am because I think = Cogito ergo sum) đã bị bác bỏ. Bạn không là bởi vì thức tri, cũng không là vì thấy, nghe, xúc chạm. Theo đúng lời của Đức Phật “Ông không là “bởi vì cái ấy” (cái ấy là bất cứ kinh nghiệm giác quan nào).
Khi kinh nghiệm giác quan bị loại bỏ như chứng cứ hợp lý cho tự ngã, linh hồn hay cái tôi, bạn không còn ở trong vòng kinh nghiệm giác quan nữa. Theo đúng lời của Đức Phật “ông không là ở trong cái ấy.” Bạn không còn nhìn, hiểu và ngay cả nghĩ rằng có một cái “tôi” trong đời sống. Như lời của một vị bác sĩ trong loạt phim Star Trek đầu tiên: “Đời là thế, Jim, nhưng không phải như chúng ta biết nó!” (It is life, Jim, but not as we know it.) Cái tự ngã, cái linh hồn, cái trung tâm của kinh nghiệm không còn ý nghĩa gì nữa.
Để đóng lại kẽ hở mà bạn nghĩ là bạn có thể vượt thoát cái không hiện hữu của tự ngã hoặc linh hồn bằng cách đồng nhất hóa với một trạng thái siêu việt vượt khỏi cái được thấy, được nghe, được xúc chạm, hoặc được thức tri, Đức Phật đã nhấn mạnh: “Ông sẽ không ở đây (với cái thấy, cái nghe, cái xúc chạm và cái thức tri), cũng không ở kia (vượt ngoài cái thấy, cái nghe, cái xúc chạm và cái thức tri), cũng không ở giữa đây và kia. (không thuộc vào thế giới cũng không vượt ngoài thế giới)”. Quả thật, câu cuối cùng này hoàn toàn làm điên đầu các tay ngụy biện!
Tóm lại, Đức Phật đã khuyên Bāhiya và thầy Mālunkyaputta hãy thực tập thiền định để đoạn diệt năm chướng ngại. Từ đó, người ta sẽ nhận rõ sự vắng mặt của một tự ngã hoặc một linh hồn đằng sau tiến trình cảm thọ. Hệ quả là, kinh nghiệm giác quan sẽ không còn được coi như là bằng chứng cho sự hiện hữu của “người làm” hay “người biết”: như thế bạn sẽ không bao giờ hình dung một tự ngã hoặc một linh hồn ngự trị tại trung tâm kinh nghiệm, cũng không vượt ra ngoài, cũng không ở nơi nào khác. Tóm tắt lại, “Lời dạy cho ông Bāhiya” là phương pháp để nhận rõ tính vô ngã (No-Self, Anattā, chẳng phải là một thực tại cố định, bất biến). Đức Phật đã kết luận: “Chỉ như vậy là đoạn tận khổ đau.”

Kết luận


Tôi hy vọng rằng lập luận của tôi đủ mạnh để thách đố bạn, đúng hơn là để đập tan những điên đảo vọng tưởng đang lèo lái tiến trình cảm thọ của bạn. Lời dạy ngắn gọn của Đức Phật cho ông Bāhiya và thầy Mālunkyaputta không phải là con đường tắt cho một người thông minh tuyệt vời. Thực tập “trong cái thấy sẽ chỉ là cái thấy ...” đòi hỏi phải đoạn diệt năm chướng ngại. Đoạn diệt năm chướng ngại đòi hỏi phải thực tập thiền định. Thực tập thiền định đòi hỏi tất cả phần còn lại của Bát Thánh Đạo [7] . Nó cũng đòi hỏi lòng tin vào Tam Bảo, giữ giới, và bố thí cúng dường. Chỉ có con đường duy nhất hướng đến Niết-Bàn, và đó là Bát Thánh Đạo. Không có con đường tắt nào cả.

273.Tám chánh, đường thù thắng,
Bốn câu, lý tuyệt luân.
Ly tham, pháp tối thượng.
Pháp nhãn, đấng siêu quần.

274. Hướng tri kiến thanh tịnh,
Duy chỉ có đường này.
Nếu ngươi theo đường này,
Ma vương ắt rối loạn.

(Kinh Pháp Cú, Tịnh Minh dịch)
* Bài dịch dành cho buổi pháp đàm của Hội Thiền Tánh Không, Houston, Texas, 2006 

Một số nhận xét qua bài kinh, gợi ý pháp đàm:


1. Định luật nhân quả, Bàhiya đã tu nhiều đời. Chỉ có đốn ngộ chứ không có đốn tu.
2. Vùng tánh giác có nhiều chức năng, nhưng trong đó có 4 chức năng chính: thấy, nghe, xúc chạm, và thức tri, rất phù hợp với lời dạy trong kinh này.
3. HT Thích Thông Triệt: “Điểm then chốt của bài pháp ngắn gọn này là nhấn mạnh đến nguyên tắc kinh nghiệm giác quan. Đó là khi giác quan kinh nghiệm được điều gì hãy để nó kinh nghiệm mà không để tự ngã can thiệp vào. Nếu biết khai thác nguyên lý này, ta cũng sẽ có kinh nghiệm ngộ đạo.”
Pháp ấn vô ngã là giáo lý độc đáo của đạo Phật.
4. Điên đảo vọng tưởng tạo phiền não cho con người. Phải qua công phu thiền để phát triển trí huệ Bát nhã mới có thể đạt đến Chân Như, cứu cánh Niết Bàn. Không thực tập thiền, không thể đoạn tận 5 triền cái (ngũ chướng).
5. Chặt đứt vòng luân hồi 12 nhân duyên ngay mắc xích “thọ” (cảm thọ, kinh nghiệm giác quan)?
6. Trung đạo là con đường đúng đắn. Trung đạo không chỉ có nghĩa ở giữa hai cực đoan mà còn có nghĩa siêu việt mọi đối kháng.
7. Cuộc tu không ở đâu xa, mà ở ngay tấm thân tứ đại, ngủ uẩn, lục căn này.
8. Thành kiến, định kiến, thân kiến, tà kiến là những tâm bất thiện rất khó tẩy rửa, cần phải có kỹ thuật (không định danh đối tượng, không dán nhãn, chú ý trống rỗng...) và chiêu thức (chỉ biết, biết không lời, tỉnh thức biết, nhận thức biết...) trong công phu thiền tập mới mong tẩy rửa được chúng.
9. Bản dịch của HT Thích Minh Châu mà HT Thích Thông Triệt trích dẫn, có đoạn như sau: “Do vậy, này Bàhiya, ông không là chỗ ấy. Vì rằng, này Bàhiya, Ông không là đời này, không là đời sau, không là đời chặng giữa. Như vậy là đoạn tận khổ đau.” nói đến tính chất vô ngã trong liên hệ với dòng thời gian vô thường - không có tâm ba thời, thì bản dịch của John Ireland, Thanissaro Bhikkhu và Ajahn Brahmavamso chỉ nhấn mạnh đến tính chất vô ngã.
10. Phật giáo nguyên thủy có đầy đủ những giáo lý căn bản, tư tưởng nền tảng mà từ đó Phật giáo phát triển dựa vào. Thí dụ: Sám hối lục căn của Trúc Lâm Đầu Đà:
Gia trung hữu bảo hưu tầm mích
Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền.
Đối cảnh vô tâm chính là “cái thấy chỉ là cái thấy”.

Tiểu sử: Đại đức Brahmavamso (Peter Betts) sinh năm 1951 tại Luân Đôn. 


Trong một lần ghé vào hiệu sách ở Luân Đôn, đại đức đã bắt đầu thích thú trước những quyển kinh Phật, mặc dù lúc này đại đức vẫn còn là một cậu bé học sinh. Lớn lên, đại đức vào học ở đại học Cambridge và chọn ngành vật lý. Ngay từ thời sinh viên, đại đức đã là hội viên của một hội Phật giáo địa phương và bắt đầu tu tập thiền định. Sau khi tốt nghiệp với mảnh bằng ưu hạng, đại đức đã về dạy vật lý tại một trường trung học ở Devon trong ít lâu. Thế rồi qua sự quen biết với các vị tỳ kheo người Thái ở Luân Đôn, đại đức đã quyết định tìm sang Thái Lan để xuất gia tỳ kheo tại chùa Sraket với Hòa Thượng Tan Chao Khun Prom Gunaphorm.
Năm 1975 đại đức Brahmavamso đến học thiền với Ngài Ajahn Chah và cũng là một trong những vị sư đầu tiên của chùa Pah Nanachat.
Năm 1983 đại đức đã sang giúp đỡ đại đức Jagaro hoằng pháp tại Tu viện Bodhinyana ở Perth, miền Tây nước Úc, nơi mà đến nay Ngài vẫn đang lưu trú. Hiện nay, Ngài là viện trưởng của Tu viện. Đại đức đã có nhiều hoạt động tích cực trong việc xây dựng các cơ sở Phật giáo và thuyết giảng giáo lý cho trẻ em trong các trường học, và các tù nhân địa phương.
Trong số các nhà sư Tây phương, đại đức Brahmavamso được xem như là vị có kiến thức về Luật Tạng uyên thâm nhất. Chính những công trình biên soạn của đại đức về Luật Tạng đã là những cẩm nang đầu giường cho chư tăng Tây phương khắp các quốc gia Anh Quốc, Thụy Sĩ, Úc và Tân Tây Lan.



Sách đọc nhiều
Bài đọc nhiều