Search

21.8.15

Phượt là gì ?

Phanblogs Chuyến đi làm đầu óc tôi trở nên thoáng đãng như trời sau mưa. Chuyện chẳng có gì nhưng tôi muốn ghi lại để đánh dấu chuyến đi núi lần đầu tiên hoàn toàn một mình này.***Dạo trước tôi hay đi chơi bằng xe máy. Tôi rất ghét từ phượt, đi phượt, phượt phượt là cái mẹ gì nhỉ? Tôi biết từ phượt được sáng tác từ một nhóm các anh chị lớn hơn tôi trên diễn đàn TTVNOL ngày xưa, box du lịch. Họ đi chơi và trao đổi chém gió với nhau, thoạt tiên hay nói đi kiểu lượt phà lượt phượt, ý là đi kiểu vô định, gặp đâu hay đó, đón chờ những điều mới lạ và bất ngờ trên các cung đường. Sau ngắn gọn là đi phượt. Sau từ này bị lạm dụng và trở thành cái từ sang chảnh trẻ trâu nói với nhau cho oai. Tôi ghét từ này, mặc dù bọn tôi mấy thằng hồi dặt dẹo ở Moscow cũng có một từ gần giống, là từ “bượt”. “Thôi bượt đi” – có nghĩa là kệ ngày mai có gì xảy ra hay như nào, hết tiền hay có tiền, tương lai ra sao, hôm nay cứ phải vodka cho say khướt cái đã.

Thôi, tôi chỉ thích nói là đi chơi núi thôi. Tôi đi chơi núi không nhiều không ít, hay đi theo đoàn, mà hễ đi đoàn là tôi cầm cờ hoặc đoạn hậu. Ban ngày tôi thường đoạn hậu, để đảm bảo rằng cả đoàn không có sự cố nào. Chạy đêm tôi thường cầm cờ, vì lái xe máy tốt và có đôi mắt cú. Cầm cờ buổi đêm có cái rất thú vị, là mình bám đường làm tiêu, rẽ bên nào thì xinhan bên đó để xe sau được biết, ra hiệu tay khi có chướng ngại hay có gì bất thường vân vân, nhưng thú nhất là liếc gương chiếu hậu thấy đoàn xe bảy tám cái đều tăm tắp lượn đèo uốn đều như con rắn.

Cái hay của đi xe máy trên núi, không phải là phóng nhanh hay là cua gấp cho đẹp, mà cái hay là chạy đều tay đều tốc độ bám sát lịch trình dự kiến. Cái xe để chạy trên núi, không phải cần hoành như cào cào hay một số xe đắt tiền nhìn chất lừ, mà là một cái xe bền bỉ tiết kiệm xăng, không hỏng vặt mà khi hỏng thì bất cứ một anh thợ sửa xe góc núi nào cũng có thể xử lý. Do đó xe xịn nhất để đi núi chính là xe Wave hay Dream hay Future. Một bạn đồng hành tốt khi đi núi cũng nên có nét gì tương đối giống cái xe Wave tàu.

Chuyến này tôi đi một mình, vừa cầm cờ vừa đoạn hậu. Đi một mình sướng cái là không cần quan tâm nhiều đến lịch trình, vì chỉ có mình mình thôi thích thế nào thì làm thế. Cái dở là luôn phải cẩn thận trên từng mét đường, vì nhỡ có sự cố thì không có người hỗ trợ.

***

Tôi xuất phát từ Ba Bể. Đầu chuyến đi, tôi chỉ định đi một đoạn ngắn rồi an dưỡng ở đâu đó đôi ngày trong vùng hồ. Tuy vậy tự nhiên tôi thấy hơi chán vì nhiều khách du lịch và các làng ven hồ đã du lịch hóa nhiều, không thể tìm được cái yên tĩnh hoang vắng mà tôi muốn. Thế là trong lúc ông lái thuyền máy ngồi sau lái với tiếng máy bạch bạch, tôi đứng ở mũi thuyền hát ông ổng, và kết thúc bài hát thì quyết định sẽ lấy xe máy và tìm đến sự yên tĩnh tuyệt đối của mình là một mình chạy trên các đèo dốc.

Con CG125 của tôi vốn có một lịch sử khá oách. Ban đầu nó vốn là xe của công an, sau được cậu ruột tôi mua lại. Cậu ruột tôi là dân chơi, khi trẻ chàng thường ngồi con CG125 này cùng chúng bạn lùng sục các vùng đồng lầy để bắn chim (các dân chơi này là tội nhân đóng góp phần đáng kể làm mất đi nhiều đàn chim hoang dã), bây giờ khi già thì cậu tôi thay súng nòng dài bắn chim bằng máy ảnh nòng dài bắn các chị các mẹ uốn éo làm duyên bên liễu hồ Gươm hay sen hồ Tây (cái này thì càng bắn càng nhiều lên chứ không giảm đi như chim hoang dã). Con CG này thì cậu tôi đã bàn giao cho tôi một số năm, và tôi đã dùng nó chạy khắp các nẻo đường núi. Nó có khả năng đặc biệt là có thể từ dưới ổ trâu ổ voi nhá côn phát là nhảy phốc lên như ngựa. Con xe đã khá già cỗi rồi, tôi cũng không sửa sang nó cho tử tế, tiếng máy cành cạch nhưng nó vẫn là nó.

Thế là tôi cắm phone vào tai và bắt đầu chặng đường du hý một mình lên núi. Xe hỏng công tơ mét, chả biết đang chạy tốc độ bao nhiêu chỉ có thể đoán. Tốc độ quy định của tôi là 60km/h trên đường bằng và 40km/h trên đường núi, ít khi tôi chạy nhanh hơn vì khi đó sẽ không còn an toàn. Cứ thế tôi sẽ biết được 100km tới tôi sẽ phải đi mất bao lâu. Thoạt tiên tôi nhìn đồng hồ đếm cột cây số để tính tốc độ, sau tôi ước lượng bằng bài hát. Cứ một bài hát chừng 3 phút mà tôi đi được 3km đường bằng hoặc 2km đường núi, thì là ok, đang đi chuẩn tốc độ và sẽ chuẩn lịch trình.

Đây là lần đầu tôi chạy mạn Cao Bằng, hóa ra nó rất đẹp, gần như Hà Giang, có điều núi thấp hơn ít hùng vĩ hơn và nhà cửa dân cư nhiều hơn. Xe công cũng nhiều và nó khiến cho phân nửa đoạn đường Cao Bằng kém thi vị. Mà tiên sư bọn lợn, bọn lợn thật, tức là khoảng một trăm con lợn nhốt sau thùng một cái xe tải lớn, phát ra mùi hôi kinh tởm, trong khi cái xe thì không chịu nhường đường cho xe máy vượt lên. Tôi thì lại cứ muốn vượt để đi đúng tốc độ của mình cho nên phải bám đít cái xe chở lợn khoảng chục cây số, tiên sư bọn lợn lần nữa hôi kinh lên được. Có lẽ trong lúc tôi đang tìm cách vượt qua bọn lợn thì biển chỉ đường Bản Giốc bị khuất nên tôi lầm đường cứ thế phi thẳng theo xe chở lợn để vượt qua nó, thế là chiều tối hôm đó tôi chạy nhầm tuốt lên cửa khẩu Tà Lùng khi trời đã tối, và phải ngán ngẩm vòng lại 30km quay trở lại Quảng Yên để từ đó lại đi thêm 50km nữa tới Bản Giốc.

Đêm tối đi một mình trên núi trong ánh đèn pha lờ mờ, trời thỉnh thoảng lại lóe lên ánh sét khiến những ngọn núi đột nhiên hiện ra sừng sững như một đội thiên binh rồi lại chìm vào bóng đêm, có cái gì đó ghê ghê. Rock riếc nghe lại càng khiến mình sốt ruột. Tôi bèn mở nhạc vàng nghe. “Đêm nay lặng lẽ sương mù giăng trên mảnh tình quê, có ai để buồn chất chứa sơn khê, có nhịp đàn lưu luyến con đường đê…” Các anh tài xế xe khách đường dài có lý khi nghe nhạc vàng, nó buồn buồn êm ái và tình cảm, khiến đường trở nên không còn dài. Tôi cũng đang buồn thê thõm vì vài lý do không vớ vẩn lắm, cho nên nghe rất hợp tai, và nỗi buồn dần dần tan đi lúc nào không hay. Tôi bỗng thấy mình không còn buồn rầu mà lạc vào một không gian khác như thể mình là một thằng lính cầm giáo đang chạy lục tục cùng đồng đội theo chân đại ka Thái Bảo Nùng Trí Cao tiến đánh Tàu Khựa.

Nhớ lại thì đó là một nghìn năm trước, tầm 1050, đang buồn rầu nhắm rượu ngô vợ nấu với mấy con cá suối vớ va vớ vẩn thì có thằng bạn lại nhà, nó cùng tôi cưa hết chai rượu rồi nó bảo, ở nhà chán bỏ mẹ, đi đánh nhau không mày. Đánh nhau ở đâu? Đại ka Nùng Trí Cao hôm nọ lại khởi nghĩa, lần thứ ba, có sai đệ đi các nơi rủ anh em khởi nghĩa cùng cho vui. Thế lần này khởi nghĩa đánh bọn người Kinh nhà Lý nữa à, đánh thua mẹ nó hai lần rồi. Lần này đại ka muốn hợp tác với bọn Khựa đánh bọn Kinh, nhưng khi bắn tin thì vua nhà Tống lại khệnh không đồng ý, nên đại ka quyết định tiến đánh Khựa trước. Thế là tôi cùng thằng bạn gia nhập quân lính của Thái Bảo Nùng Trí Cao, tiến đánh khựa, cuối năm đó đánh được tới 8 thành Khựa ở Quảng Tây Quảng Đông. Tiếc rằng đến cuối năm sau thì đại ka Trí Cao bị thằng tướng giặc là thằng Địch Thanh trong phim Bao Công đánh cho te tua, tôi với thằng bạn chạy chối chết thoát được, bèn quyết định về lại góc núi uống rượu không theo đại ka nữa. Sau đó vài năm đại ka bị bọn phản tặc ở Đại Lý lừa đảo rồi chém chết nộp đầu cho vua Khựa. Thật tiếc cho một hảo hán lừng lẫy đầu đội trời chân đạp đất như Nùng đại ka.

Lẩm nhẩm nhớ lại câu chuyện về đại ka Nùng Trí Cao, thì đã tới Bản Giốc, bây giờ đã là năm 2015 và tôi đang chạy con CG125 ngược theo con đường nghìn năm trước. Ở ngã ba có hai đại hán đang chân nam đá chân xiêu đi lại dặt dẹo, tôi bèn dừng lại hỏi khách sạn, rồi theo lời chỉ dẫn tôi vào khách sạn rất to quên tên rồi, trong khách sạn có hai thằng thanh niên đang đánh cờ. Chúng đón tôi rất niềm nở, tôi là đoàn khách thứ hai và cuối cùng của khạch sạn đêm đó, đoàn kia có ba người, đoàn tôi có 1 người. Từ cửa sổ khách sạn của tôi nhìn lên núi, thấy sáng rực ánh đèn vàng kết trên các mái của một ngôi chùa lớn, mà sáng sau tôi biết là chùa có tên Phật Tích Trúc Lâm Bản Giốc, và thờ cả vua người Kinh và đại tướng người Kinh thế kỷ 20. Tôi không vào thăm chùa mà thẳng ra Bản Giốc, ngắm thác một lúc. Người Kinh và người Khựa ngồi trên những con thuyền bơi bơi đan vào nhau trên mặt hồ dưới chân thác. Khách du lịch người Kinh hôm nay hầu hết là các cựu chiến binh nghiêm trang mặc quân phục đeo huân chương, còn khách du lịch người Khựa chủ yếu là các đương kim chiến binh mặc váy ngắn một tay cầm iPhone một tay xòe ngón chữ V đưa lên miệng chúm chím. Tôi nghĩ năm xưa mà đại ka tôi là Nùng Trí Cao, thay vì rủ anh em khởi nghĩa mà rủ anh em tập trung sinh đẻ, đẻ cho nhiều vào, vì về lâu dài có thể cạnh tranh được với bọn đẻ khỏe là bọn Kinh và bọn Khựa, và đất này giờ đây có lẽ vẫn là thành trì của bộ tộc Nùng hậu duệ đại ka.

Nói một cách nghiêm túc thì thác Bản Giốc rất đẹp nếu soi bằng ống kính máy ảnh, gạt bỏ đi những khung cảnh lem nhem hàng quán rồi khách du lịch. Người cũng thế, chỉ nên chụp chân dung, không nên chụp người mà chụp panorama hay chụp X-quang.

***

Trước đây mấy năm, có lần ở Mèo Vạc tôi đã định đi sang Cao Bằng rồi về Hà Nội, nhưng hồi đó chưa thông đường bộ, phải qua sông bằng phà mà không phải lúc nào phà cũng đi (nghe người dân nói thế) nên chúng tôi không đi nữa. Lần này ở Cao Bằng, thấy đã có đường sang Hà Giang lâu rồi, bèn thèm đi Hà Giang. Ngồi tính đường thì xa quá, bây giờ là 9h30 sáng ở Bản Giốc, sang tới Mèo Vạc là 290km đường núi đi sẽ mất nguyên ngày. Sau đó sẽ chỉ còn một ngày để đi từ Mèo Vạc về Hà Nội thì gấp quá. Nhưng cơn thèm đã nổi lên mất rồi, đã mất công lên đến núi, thì khó lòng bỏ qua những cung đường tuyệt đẹp của Hà Giang, Mã Pì Lèng chỉ cách một ngày đường, mà cung Cao Bằng – Mèo Vạc lại chưa đi bao giờ. Thôi tặc lưỡi, lên đường đi Mã Pì Lèng, mình chỉ có một mình chẳng phải lo ai, cứ chạy kiểu gì cũng được mà.

Tôi về lại thành phố Cao Bằng sau 90km, nghỉ ăn trưa, xuất phát lúc 1h, tính rằng mình đi trung bình 40km/h thì còn 200km sẽ tới được Mèo Vạc lúc chập tối. Nhưng một bà dân tộc đã làm tôi lỡ đường.

Từ Cao Bằng đi hơn 20km khá bằng phẳng thì tới huyện Nguyên Bình, từ đó trở đi là đường núi. Tôi chạy trên con đường quanh co phía tay trái là ruộng bậc thang và lác đác nhà cửa, phía bên phải xa xa kia là cả một bức tường trùng điệp của một cao nguyên hùng vĩ, mà những ngọn núi của Hà Giang chỉ là phần kết thúc của cao nguyên rộng lớn và hùng vĩ ấy. Lần nào đi Hà Giang, từ bên này nhìn sang cao nguyên bên đó, tôi đều tự hỏi không biết bọn dân Trung Quốc có thích chạy xe máy đi chơi không và nếu thế chúng có hay chạy ở vùng cao nguyên đó không, chạy xe ở đó sẽ đẹp biết chừng nào. Lần nào nhìn về cao nguyên ấy, tôi cũng lại ý thức thêm một lần rằng mình là con dân của cộng đồng các dân tộc nhỏ bé nhưng kiên cường này, kiên cường nhưng nhỏ bé này, mà nếu không được bao bọc bởi bức tường hùng vĩ của những ngọn núi san sát dày đặc như một đạo thiên binh kia, thì các dân tộc bên Hoa Hạ không cần tới đao kiếm mà chỉ cần nuôi gà và đẻ trẻ con thôi, là sẽ nhanh chóng đồng hóa các bộ tộc phương nam này. Giống như chúng ta khi đã vượt qua Hải Vân rồi thì chỉ cần đẻ trẻ con trong mấy trăm năm là đã có được miền nam.

Tôi chạy đến nơi gọi là huyện lỵ Tĩnh Túc. Trước khi vào tới huyện lỵ thì tôi nhìn thấy một thung lũng đẹp vô cùng. Lúa non trải một tấm thảm xanh ngăn ngắt dưới thung lũng ấy, một vài nếp nhà mái nâu điểm xuyết trên tấm thảm xanh, và bên kia tấm thảm là một vách núi đá sừng sững cao muôn trượng. Thung lũng và cái làng đó đẹp quá, ai những ai sống ở dưới cái làng đó?

Tôi không thấy có đường nào xuống làng. Qua khỏi Tĩnh Túc rồi tôi thấy có một ngã ba mà nẻo rẽ vào phía làng thì chỉ là đường mòn sỏi đá. Tôi hỏi mấy đứa trẻ đang nghịch nước ở đầu ngã ba, những đứa trẻ người Kinh, hỏi đường này dẫn đi đâu, chúng không biết. Tôi rẽ đại vào đường mòn, đi chừng trăm mét lộc cộc đá thì gặp một bà chắc là người Nùng, tuổi chừng bảy chục, đang sàng cát. Tôi hỏi bà, đường này có phải là đường vào làng dưới thung lũng không, bà bảo phải, nhưng mưa lớn đường sạt rồi khó đi lắm. Có đi được không bà, vẫn đi được. Thế cháu đi thử.

Thế là tôi phi xuống con đường đá hộc ấy, nó không phải là đường mà như nền của một con suối cạn. Đi một chặng nữa thì hết đường, một con suối chắn ngang. Con suối cạn thôi, nhưng toàn đá lớn và một mình tôi khó lòng kéo cái xe qua được. Vả chăng có qua được đi nữa, thì hoang vắng mà không giống đường thế này, liệu có đi tiếp được bao xa. Thế là tôi từ bỏ ý định, hoang vắng quá cũng chẳng biết hỏi đường ai bây giờ. Tôi bèn tháo hành lý, lấy chai rượu ra, tháo đàn ra khỏi bao, rồi ở dưới khe núi ấy tôi uống rượu quạt chả phèng phèng trong tiếng nước suối róc rách và tiếng gió vi vu thổi, hát ông ổng mấy bài.
Lãng CMN tử

Hát hỏng một hồi, nhìn lên trên núi, ngắm kỹ những lưng nhà của thị trấn Tĩnh Túc, chợt tôi thấy không an toàn. Một cảm giác không được tốt lắm. Đất hoang vắng mà là của người dân tộc tôi luôn thấy lành, nhưng chỗ hoang vắng mà thuộc địa phận người Kinh là tôi không thấy an tâm. Thôi đi, chẳng ngồi đây lâu nữa khi tự nhiên thấy cảm giác không tốt. Tôi bèn đóng đồ và quay xe trở lại ngược con đường đá.

Quay được mấy mét thì giật cả mình, có bóng áo xanh người ngồi trong bụi, rồi thở phào thấy thò đầu ra là một anh dân tộc. Anh nhìn tôi vẻ rất khó tả. Tôi chào anh rồi lượn luôn. Bụng nghĩ (và lúc sau có sóng điện thoại thì thèm facebook bèn lôi ra post cái ảnh này và một status) anh này tối về làng thế nào cũng khoe với ông con giai là hôm nay tao ngồi ị mà được nghe nhạc của Bob Dylan. How many roads must a man walk down before you call him a man…

Trong facebook tôi không kể về anh cởi trần. Anh có lẽ là con giai của bà già dân tộc đang sàng cát ở đầu đường đá. Khi tôi quay lại thì anh đang đứng cạnh bà. Anh cao to tầm mét bảy lăm, vai rộng lực lưỡng rất đẹp, cởi trần để lộ một hình xăm hình chiếc lá được xăm gọn ghẽ từ xương quai xanh lên tới cổ. Anh trông rất phong trần, đoán là người từng đi nhiều nơi chứ không phải chỉ ở trong làng dưới thung lũng. Anh hỏi tôi (chắc bà già kể là có thằng chạy xe qua) sao lại quay lại. Tôi nói gặp con suối mà một mình em đi sợ không qua được. Anh nói thực ra vẫn qua được đấy, thôi lúc nào quay lại vào làng chơi. Tôi ngần ngừ, những muốn ngồi lại đây chờ rồi cùng anh và bà già đi vào làng, chơi nhà anh, nhưng lại thôi, khi khác nếu có duyên. Tôi chào anh và bà già rồi đi. Anh bảo, em đi nhé, lần khác ghé chơi, mình đi chơi thì cứ thích đâu thì mình đến thôi mà. Nhiều lúc tôi rất thiếu quyết đoán, nửa muốn thế này nửa muốn thế kia, đi một đoạn rồi vẫn muốn quay trở lại rồi lại thôi tặc lưỡi đi tiếp. Hai mẹ con anh dân tộc ấy để lại một dư âm rất ấm áp từ nụ cười và giọng nói của họ, họ ở trong một cái làng đẹp như vậy tất nhiên là tốt lành.

Còn cách Mèo Vạc 40km thì trời sập tối, xe tôi hỏng đèn pha và phải đi dập dõ trong đêm, rất chậm. Đi một hồi trong tối thì gặp được một quán sửa xe ven đèo, sửa lại được một bóng đèn pha nhưng vẫn lập lờ lập lờ sáng mà thôi. Luồn núi trong đêm với đèn pha mờ mịt cả mười mấy hai chục cây không một bóng người, sương lạnh tràn về, lòng cứ dấy lên những mối lo lắng lung tung. Tôi lại vác nhạc vàng ra nghe rồi từ từ bò về tới Mèo Vạc lúc 8h tối, chậm mất 2 tiếng so với lịch trình.
Lối về đất Mẹ
***

Phần còn lại của chuyến đi chẳng có gì đáng kể nữa. Núi ở Hà Giang quá đẹp ai cũng biết rồi. Sáng ra tôi ăn sáng uống café đàng hoàng rồi chạy tới Mã Pì Lèng ngắm cảnh, rồi lại một lèo ngắm cảnh núi non xuống Quản Bạ khi đã quá trưa. Ngồi ăn trưa, nghe thằng thanh niên Hà Giang rất ngầu mượn tôi đàn để gảy gảy mấy bản cổ điển, rồi chạy một lèo không nghỉ, mỗi một tiếng dừng lại nghỉ đúng 3 phút rồi lại nổ máy đi, mệt rồi không cố đi nhanh mà cứ từ từ chạy tới gần 12h đêm thì về tới nhà rủ thằng em giai ra quán làm vài quại bia sau mười mấy tiếng và 500km đường từ Mèo Vạc.

À có một sự việc làm cho cảm giác xấu khi ở nơi vắng vẻ mà gần người Kinh, mà tôi đã cảm thấy khi ở dưới khe núi, hóa ra lại có cơ sở. Ấy là khi tôi đã chạy về tới Việt Trì rồi, lúc đó là 10h tối, cái giờ mà bọn trẻ trâu đã say xỉn và phi xe ra phố. Có hai thằng trẻ trâu ngồi xe máy, kẹp ở giữa là một con bé trẻ trâu hoặc cave, bọn chúng nhào ra tạt đầu xe tôi, rồi cười hố hố quay lại ngó xem tôi có bị xòe không. Tôi đi chậm lại tránh gây hấn với bọn trẻ trâu say rượu ấy, tránh cả những thằng trẻ trâu khác mà từ xa tôi nhìn cách đi xe cũng đoán chúng đã nhậu rồi. Vận dụng trở lại cái trò nhiều năm trước đi đêm ở Moscow, trong bán kính 50m không bỏ sót một đối tượng nào, và chạy xe máy thế này thì là 100m.

Thế nhưng vẫn có một thằng trẻ trâu lượn vè vè gần tôi, lúc đằng sau, lúc đằng trước, lúc lại chạy hẳn lên trước rồi rút điện thoại ra gọi, vẻ rất khả nghi. Tôi đoán thì ít trượt, chắc chắn tôi là đối tượng quan tâm của nó. Nó lượn lên lượn xuống chừng 5km thì bắt đầu tiến tới áp sát tôi. Tôi liếc gương thấy trong tay nó không có gì nguy hiểm, nhưng thái độ của nó thì cần đề phòng, tôi đã đề phòng một cú đạp vào tay lái, thì hóa ra là mình nhát quá thần hồn nát thần tính. Thằng trẻ trâu áp vào cạnh xe tôi để hỏi:

– Bác ơi?

– Ơi?

– Em theo bác nãy giờ. Bác thiên lý độc hành từ đâu về thế?

– Anh chạy từ Mèo Vạc – Hà Giang.

– Quá được! Thỉnh thoảng em cũng thích chạy chơi. Mai em đi về Ninh Bình, bác có đi chơi với bọn em không?

– Không mai đi làm rồi.

– Thế à thôi chào bác nhé em chạy trước đây.

Đoạn rồ ga chạy mất. Rốt lại tôi chẳng hiểu là có phải thằng ấy từng quen biết tôi ở đâu không, đêm tối mà tôi kém nhớ mặt người, hay là hoàn toàn xa lạ. Chả biết được.

Cuối cùng tôi vẫn luôn là cảm thấy thoải mái khi lượn ở trên núi non vắng vẻ, mà luôn cảm thấy cần cẩn thận khi đi xuống đường của người Kinh.

***

Một chuyến đi ngắn vài ngày nhưng hoàn toàn một mình, hầu như không giao tiếp với ai ngoài gọi đồ ăn và hỏi giá tiền khách sạn, đổ xăng… khiến đầu óc tôi như đã được refresh trở lại. Tôi lại thấy bằng lòng với bản thân mình, tự tha thứ cho mình. Có lẽ sự yên tĩnh trên đường, sự bền bỉ và kiên nhẫn đếm cột cây số, sự tập trung trên từng khúc cua và từng đoạn vượt xe công tránh xe ô tô ngược chiều, cảnh đẹp trên núi và không khí của núi non đã chuyển tôi từ một trạng thái mơ hồ bất an và buồn rầu sang một trạng thái lành mạnh hơn, gần với tự nhiên hơn và chân thật hơn.

Hai ngày rưỡi với 1200km đường, trong đó 800km là đường đèo, tôi và con CG125 hoàn toàn có thể uống với nhau cốc bia để hài lòng về thành tích.



nguồn : https://teq316.wordpress.com/2015/08/21/cao-bangh-giang-2015

2.8.15

nghề nail tại Mỹ

Phanblogs thân gửi một người bạn sắp làm Việt Kiều tại Mỹ
Chăm sóc móng là nghề phổ biến của phụ nữ gốc Việt tại Mỹ. Tuy nhiên, họ đối mặt với nguy cơ sức khỏe suy giảm và bệnh tật nặng do thường xuyên tiếp xúc hóa chất.

Le Thi Lam đến Mỹ vào khoảng cuối thập niên 80. Cô bắt đầu học việc tại một tiệm làm nail (chăm sóc móng tay, chân) ở thành phố Sacramento, bang California. Lọ sơn móng, chai nước rửa và móng giả là những vật dụng trở nên quen thuộc với cô mỗi ngày vì yêu cầu của công việc.
Năm 1991, Lam mắc bệnh rối loạn tuyến giáp và hen suyễn. Cô xin nghỉ việc vì sức khỏe yếu dần và cũng vì lo ngại về những hóa chất mà cô tiếp xúc mỗi ngày. Tuy nhiên, một thời gian ngắn sau đó, Lam buộc phải quay trở lại cửa hàng do cô không thể tìm công việc mới vì khả năng tiếng Anh hạn chế.

10 năm sau khi trở thành thợ làm nail chuyên nghiệp, Lam mắc bệnh ung thư vú. "Những người làm móng đều trải qua các giai đoạn bệnh như tôi. Nhưng họ vẫn phải tiếp tục công việc để kiếm sống", Lam nói với New York Times.

Kiếp sống tủi nhục của người Việt trong các hiệu làm móng
Cảnh sát Anh cho biết, hàng ngàn thợ làm móng gốc Việt trên khắp nước Anh là nạn nhân của mạng lưới buôn người xuyên quốc gia.

Lam chưa phải là trường hợp mắc bệnh nghiêm trọng nhất vì hóa chất trong số những người nhập cư cùng nghề. Nancy Otavalo, 39 tuổi, người gốc Ecuador, sảy thai đứa con thứ hai trong lúc đang mát xa cho khách. Còn con trai 3 tuổi của cô Monica A. Rocano, 30 tuổi, mắc chứng chậm phát triển.

Rocano lặng lẽ lên mạng để tìm hiểu nguyên nhân khiến con chậm phát triển. Cô phát hiện nhiều trường hợp bệnh tật, thậm chí bi kịch, tương tự của những nữ đồng nghiệp. Tình trạng phổ biến đến nỗi những thợ làm móng lâu năm luôn cảnh báo các cô gái đang trong độ tuổi mang thai tránh xa công việc này.

Hiểm họa vô hình

Theo New York Times, ngày càng nhiều thợ làm nail gốc Việt ở thành phố Oakland, bang California, cho biết sức khỏe của họ giảm sút dần.

Tiến sĩ Thu Quach, một chuyên gia của Viện Ngăn ngừa Ung thư tại California đã thực hiện khảo sát về tình hình sức khỏe của những thợ làm móng tại hạt Alameda (bao gồm Oakland). Le Thi Lam là một trong những người đã cung cấp thông tin về tình trạng sức khỏe cho cô Quach.

Một số nghiên cứu khác của Quach cho thấy, phụ nữ làm nail đối mặt với nguy cơ mắc bệnh tiểu đường khi mang thai, hoặc kích thước thai nhi nhỏ so với tiêu chuẩn. Tuy nhiên, cô thừa nhận các chuyên gia vẫn phải tiếp tục tìm hiểu do dữ liệu nghiên cứu còn hạn chế.

"Điều chúng tôi biết chắc chắn là những câu chuyện như vậy rất nhiều và rất giống nhau", nữ tiến sĩ nói.


Giới y học từng cảnh báo những căn bệnh về hô hấp và da đối với những người làm móng. Tuy nhiên, điều còn gây tranh cãi là những ảnh hưởng nghiêm trọng hơn của chúng đối với sức khỏe. Một số hóa chất trong các sản phẩm làm móng có thể gây ung thư, một số chất khác tác động đến quá trình phát triển của thai nhi, dẫn đến hiện tượng sảy thai hoặc trẻ phát triển không bình thường.

Anh Toan Ngoc Do, một học viên làm nail, đang sơn móng cho học viên khóa trên tại cơ sở đào tạo ở thành phố San Francisco, bang Los Angeles. Ảnh: NYT
Anh Toan Ngoc Do, một học viên làm nail, sơn móng tay cho học viên khóa trước tại cơ sở đào tạo ở thành phố San Francisco, bang California. Ảnh: NYT
Nhiều nghiên cứu cho thấy tỷ lệ người mắc ung thư, sinh non, chứng đa u tủy đang có xu hướng tăng trong nhóm thợ chăm sóc sắc đẹp, bao gồm thợ làm móng, làm tóc và chuyên viên trang điểm. Tuy nhiên, họ vẫn dè dặt trong việc đưa ra kết luận chắc chắn vì số lượng công trình nghiên cứu về vấn đề này còn hạn chế, đặc biệt là đối với nghề làm nail.

"Chúng tôi như đang chứng kiến bệnh dịch khiến rất nhiều người ốm", bà Julia Liou, người đồng sáng lập hiệp hội những tiệm làm móng lành mạnh ở California, nói. Hiệp hội của bà Liou vận động quốc hội ban hành dự luật hạn chế những loại hóa chất dành cho hoạt động làm móng.

Tuy nhiên, những ông trùm trong ngành mỹ phẩm đã chặn kế hoạch của họ.

Khi tự nhận thấy không đủ khả năng "đấu" với những đại gia trong ngành mỹ phẩm, những nhà hoạt động ở California đã thu hẹp quy mô của cuộc vận động. Họ phát động chương trình kêu gọi các cửa tiệm chăm sóc móng sử dụng sản phẩm có nguồn gốc từ nguyên liệu ít độc hại hơn và tạo môi trường làm việc thông thoáng hơn.

Cô Tien Tran, chủ Couture Nails & Spa, đã lựa chọn các sản phẩm làm móng sử dụng ít hóa chất độc hại hơn, đồng thời xây dựng hệ thống thoát khí tại cửa tiệm. Ảnh: Seattlepi
Cô Tien Tran, chủ Couture Nails & Spa, đã chọn các sản phẩm làm móng bớt độc hại hơn, đồng thời xây dựng hệ thống thoát khí tại tiệm. Ảnh: Seattlepi
Chỉ 55 trong số hàng nghìn tiệm làm móng ở bang California tham gia chiến dịch. Một tiệm trong số đó là Lulu Nail Spa ở thành phố Burlingame, do bà Hai Thi Le làm chủ.

Vốn là thợ làm móng trong những ngày đầu sang Mỹ, bà Le hiểu rõ những tác hại có thể phát sinh trong công việc.

"Thỉnh thoảng môi trường làm việc của tôi có quá nhiều bột acrylic đến nỗi chồng phàn nàn rằng hơi thở của tôi toàn mùi hóa chất khi tôi hôn anh ấy", bà Le kể.


Hiện tại, Lulu Nail Spa cho phép nhân viên đeo bao tay khi làm việc, lựa chọn kỹ các sản phẩm nước sơn, luôn mở cửa để không khí lưu thông và thoát mùi. Bà Le hi vọng những thay đổi như thế sẽ thu hút sự chú ý của các khách hàng luôn quan tâm đến yếu tố môi trường và sức khỏe khi chăm sóc móng.

Do ảnh hưởng từ hóa chất trong thuốc làm móng, những người thợ đối mặt với nguy cơ mắc nhiều bệnh ở hệ hô hấp, dị ứng da và thậm chí ung thư.

California là một trong những bang có nhiều người gốc Việt sinh sống tại Mỹ. Los Angeles Times đã thống kê về số lượng thợ làm móng tại bang vào năm 2012. Theo kết quả thống kê, khoảng 120.000 kỹ thuật viên chăm sóc móng đang hoạt động tại 48.000 tiệm ở California. Người gốc Việt chiếm đến 80% số họ. Trên phạm vi nước Mỹ, tỷ lệ thợ làm nail là người gốc Việt có thể đến 45%.

"Học viên có thể nhận chứng chỉ hành nghề sau một năm. Ngôn ngữ của khóa học là tiếng Việt. Kỹ thuật viên cũng không cần thông thạo tiếng Anh ngoài việc phục vụ khách hàng chu đáo", cô Duyen Tran, giáo viên tại một cơ sở đào tạo chăm sóc móng, cho biết. Chị dâu, dì và các chị, em họ của Duyen đều làm nail. Bản thân Duyen cũng thường xuyên quanh quẩn ở các cửa tiệm chăm sóc móng khi còn nhỏ.

Phuoc Dam, 61 tuổi, đã gắn bó với nghề làm nail hơn 25 năm. Ông mở một tiệm tại thành phố Brea. Do thấu hiểu những rủi ro của người thợ làm móng khi phải tiếp xúc với hóa chất cả ngày, ông cố chọn mua những loại thuốc ít độc hại, xây dựng cửa tiệm thông thoáng và cho phép nhân viên đeo găng tay khi cần.

"Tôi thực sự lo lắng về sức khỏe những người làm việc cùng tôi, đặc biệt là vợ tôi", ông Dam nói với Los Angeles Times. Vợ của ông là một trong những kỹ thuật viên tại cửa tiệm. Bà thường xuyên cảm thấy đầu đau và choáng váng.

Cô Hue Nguyen trở thành thợ làm nail tại khu vực Vịnh San Francisco từ năm 2004. Khi mới tới Mỹ, làm nail là công việc dễ dàng nhất đối với Hue vì kỹ thuật không khó và không phải biết tiếng Anh. Nhưng không lâu sau khi hành nghề, Hue thường xuyên chóng mặt và nhức đầu.

Năm 2008, cô phát hiện bệnh ung thư vú. "Tôi nghĩ rằng căn bệnh liên quan đến những hóa chất trong các lọ nước sơn hoặc tẩy rửa", Hue nói. Cô khẳng định sức khỏe của cô từng rất tốt trước khi bắt đầu công việc, đồng thời hối tiếc vì không chọn công việc khác.

"Cái giá của công việc này quá đắt", Hue thổ lộ.

Hiểm họa rình rập người gốc Việt làm móng ở Mỹ
Chăm sóc móng là nghề phổ biến của phụ nữ gốc Việt tại Mỹ. Tuy nhiên, họ đối mặt với nguy cơ sức khỏe suy giảm và bệnh tật nặng do thường xuyên tiếp xúc hóa chất.


Những căn bệnh nguy hiểm

Năm 2012, Cơ quan Kiểm soát Thành phần Độc hại bang California phát hiện một số hóa chất ảnh hưởng đến sức khỏe con người trong một số sản phẩm mà đơn vị sản xuất khẳng định là an toàn. Formaldehyde, toluene và dibutyl phthalate là "bộ ba" đáng sợ nhất trong số đó.

Tiến sĩ Thu Quach - một chuyên gia của Viện Nghiên cứu Phòng chống Ung thư ở bang California - cho biết "bộ ba đáng sợ" gây ra những hậu quả khôn lường đến sức khỏe của cả kỹ thuật viên lẫn khách hàng. "Mỗi đợt tích tụ với liều lượng nhỏ sẽ trở nên đáng kể nếu bạn thường xuyên tiếp xúc với nó", bà Quach nói.

Formaldehyde trong sơn móng tay (có tác dụng làm cứng móng) khiến người thợ khó thở, hen suyễn, dị ứng ở một số bộ phận và thậm chí gây ung thư. Chất toluene, thành phần phổ biến trong các lọ sơn móng, có thể gây tổn thương gan và thận, khiến trẻ em mắc dị tật bẩm sinh.

Ngoài 3 chất độc hại chủ yếu, nhiều hóa chất khác khiến sức khỏe suy giảm nếu tiếp xúc quá nhiều. Nếu hít nhiều chất acetone trong nước tẩy rửa móng, con người sẽ nhức đầu, chóng mặt, da và cổ họng bị kích ứng. Chất acetonitrile mà người ta dùng để bóc keo gắn móng tay giả có thể khiến người thợ nôn mửa và gặp vấn đề về hệ hô hấp. Nguy hiểm hơn, chất ethyl methacrylate sử dụng trong việc làm móng tay giả có thể ảnh hưởng đến thai nhi củả nữ giới.

Theo tiến sĩ Quach, hiện giới khoa học vẫn chưa có nhiều nghiên cứu cụ thể về những rủi ro sức khỏe trong ngành chăm sóc móng. Bà khuyên mọi ngườicảnh giác và hạn chế những ảnh hưởng đến bản thân.

"Những căn bệnh mãn tính như ung thư cần 20 đến 30 năm để phát triển và gây hậu quả. Trong khi đó, những thợ làm móng chỉ mới gia nhập nghề này từ 10 đến 20 năm. Vì thế họ còn đủ thời gian để bảo vệ bản thân", bà lập luận.

Tuy nhiên, dù cố gắng hạn chế rủi ro sức khỏe cho nhân viên, ông Đam cũng không biết rõ những chất độc vô hình trong các lọ nước sơn và rửa móng. Hơn nữa, pha trộn và kết hợp chúng là kỹ thuật bắt buộc trong công việc. "Chúng tôi không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục sử dụng những sản phẩm này", Dam nói.


-Sưu tầm
-----------------------
"Sinh nghề tử nghiệp" chớ bao giờ sai, nhg có bao nhiu người thay đổi được số phận hay chỉ bik chấp nhận. Cố vì 1 tương lai con trẻ, hi vọng rằng đời sau sẽ không đi lại vết xe đổ.
HOÀNG NAM
Nói thật cũng chẳng ai muốn cả. Do cuộc sống thôi. Nếu cuộc sống đủ ăn. Đủ mặc. Như bên mỹ. Thì có lẽtình trạng đi ra nước ngoài làm nail còn hơn làm nông cực khổ. Năng. Gió. Bụi đường. Làm cực khổ cả đời cũng chẳng như nhiêu. Thế hệ này. Đến thế hệ khác.
THINH TIEN HOANG
Nếu Các Bạn đã và Đang làm trong nghành Nails muốn có được Sức Khoẻ Tốt. Xin vui lòng Email cho Mình để được Tư Vấn. Phòng Bịnh Hơn Là Chữa Bịnh.
NGUYỄN TRANG
Em tính qua đức làm nail nhưng làm tầm khoảng 3 năm sau mới xác định có em bé. Mẹ em nói nếu có em bé thì nghỉ làm ở nhà thôi rồi đẻ xong đi làm tiếp liệu có ảnh hưởng đến em bé không ạ. Vì em đã làm nail 3 năm rồi ạ
NGUYỄN TUẤN
Bạn gái tôi sắp phải đi làm cv này,bjờ đọc tnày thấy lo quá...
CÙ NGỌC THẮNG
Cái gì cũng có giá của nó bạn à...
PHẠM NGỌC SÁNG
Khuyên anh, tốt hơn hết hãy để bạn gái làm một thời gian, hoặc làm chủ tiệm không phải làm nữa, hoặc chọn nghề khác cho bạn gái của mình. Chúc mọi điều tốt đẹp đến với hai bạn.
PHAN THỊ TRÚC PHƯƠNG
Thật lo lắng quá, nhưng vì cuộc sống biết phải làm sao?
MAIANH
Mình làm nails 3 năm rồi mà thời gian gần đây toàn thấy tức ngực khó thở và ngứa quanh bầu ngực thỉnh thoảng lại thấy nhói đau giống như hiện tượng đang mắc bệnh. Mình sẽ về Việt Nam! Kt Sk gấp
PHUONG LÝ
E cũng làm nghề này,e thì bị gai cột sống,do ngồi nhiều,nhưng vẩ phả làm,vì cơm,áo,gạo,tiền
CÔ BÉ XÌ TEEN
Những ai chuẩn bị qa đây làm thì cứ làm nghề này đỡ rồi tìm công việc khác cũng được,
CHRIST TRAN
VN đa số qua Mỹ làm nail là nhiều, bác mình cũng làm có một thời gian cũng xém không giữ được baby : (
LỲ
Ngày nào cụng tiếp xúc với 1 đống aceton tranh thủ làm kiếm ít rồi nghĩ luôn v
TAM
Làm nail ở Việt nam cũng vậy thôi, có điều thu nhập thấp hơn...
VINH
Ko có cách nào để khắc phục được hay sao nhỉ... Bạn t cũng sắp đi làm cái này haiza
LE THANH MAI 
Phụ nữ làm nghề này cẩn thận nha

ớt có cay không?

Phanblogs “Những người bán ớt sẽ luôn gặp phải câu hỏi như thế này, “ớt của anh (chị) có cay không?”, gặp câu hỏi như thế thì phải trả lời sao đây nhỉ?

Nếu nói cay, những người sợ cay, họ sẽ bỏ đi ngay; còn nếu bảo không cay, cũng có thể khách hàng lại là người thích ăn cay, như vậy việc làm ăn lại gặp rủi ro.

Một ngày kia, không có việc gì làm, tôi đến đứng bên cạnh chiếc xe ba gác của một chị bán ớt, thử xem chị ấy giải quyết hai vấn đề hoàn toàn tương phản này như thế nào. Nhân lúc không có người đến mua, tôi cố làm ra vẻ thông minh mà nói với chị ấy rằng:

“Chị hãy chia số ớt này thành hai đống đi, nếu có người muốn mua cay thì cho họ đống này, còn nếu không, thì cho họ đống kia”.

Chị bán ớt cười với tôi, dịu dàng nói: “Không cần đâu!”

Đang nói thì một người đến mua, và điều thần kỳ đã xảy ra, rốt cuộc bà chủ đã nói thế nào nhỉ? Hãy mau xem tiếp…..

Quả nhiên chính là hỏi câu đó: “Ớt của chị có cay không?”

Chị bán ớt rất chắc chắn mà bảo khách hàng rằng: “Màu đậm thì cay, còn nhạt thì không cay!”

Người mua ngỡ là thật, chọn xong liền trả tiền, vui lòng mà đi.

Chẳng mấy chốc, những quả ớt có màu nhạt chẳng còn lại bao nhiêu.

Lại có khách hàng đến, vẫn là câu hỏi đó: “Ớt của chị có cay không?”

Chị bán ớt nhìn vào số ớt của mình một cái, liền mở miệng nói …..

Lần này bà chủ trả lời: “Ớt dài thì cay, ớt ngắn không cay!”

Quả nhiên, nguời mua liền dựa theo tiêu chuẩn phân loại của chị mà bắt đầu chọn lựa.

Kết quả lần này chính là, ớt dài rất nhanh đã hết sạch.

Nhìn những quả ớt vừa ngắn vừa đậm màu còn sót lại, trong lòng tôi nghĩ :

“Lần này xem chị còn nói thế nào đây?”

Tuy thế, khi một khách hàng khác hỏi: “Ớt có cay không?”

Chị bán ớt hoàn toàn tự tin mà trả lời rằng: “Vỏ cứng thì cay, vỏ mềm không cay!”.

Tôi thầm bội phục, không phải vậy sao, bị mặt trời phơi cả nửa ngày trời, quả thực có rất nhiều quả ớt vì mất nước mà trở nên mềm nhũn đi. Chị bán ớt bán xong số ớt của mình, trước khi đi, chị nói với tôi rằng: “Cách mà cậu nói đó, thật ra những người bán ớt chúng tôi đều biết cả, còn cách của tôi thì chỉ có mình tôi biết thôi”.

Thật là thần kỳ vậy!
ớt của anh (chị) có cay không?



Thật ra bạn có bao giờ nghĩ rằng, những gì bạn bán đi không phải là hàng hóa, mà lại chính là …….

1. Đối với những khách hàng lạ, điều cần bán đi chính là sự lễ phép.

2. Đối với những khách hàng quen thuộc, điều cần bán đi chính là sự nhiệt tình.

3. Đối với những khách hàng nóng tính, điều bán đi chính là hiệu suất.

4. Đối với những khách hàng ngạo mạn, điều thật sự bán đi chính là lòng nhẫn nại.

5. Đối với những người có tiền, điều mà bạn bán đi chính là sự tôn quý.

6. Đối với những người nghèo khổ, điều bán đi chính là lợi ích thiết thực.

7. Đối với những người thời thượng, điều bán đi chính là sự sang trọng.

8. Đối với những người chuyên nghiệp, điều mà bạn bán đi chính là sự chuyên nghiệp.

9. Đối với những người hào sảng, điều mà bạn bán đi chính là sự phóng khoáng.

10. Đối với những người keo kiệt, điều thật sự bán đi chính là lợi ích.

11. Đối với những người sống hưởng thụ, điều cần bán đi chính là sự phục vụ.

12. Đối với những người hư vinh, điều bán đi chính là vinh dự.

13. Đối với những người hay bắt bẻ, điều bán đi chính là sự tinh tế.

14. Đối với những người hiền lành, điều cần bán đi chính là sự chân thành.

15. Đối với những người hay do dự, điều thật sự cần bán đi chính là sự đảm bảo.

Nếu như bạn muốn bán đi những sản phẩm của mình, có phải bạn thường hay nói với người tiêu dùng rằng sản phẩm của mình tốt như thế nào, sản phẩm của bạn có gì khác với những thứ khác, và sản phẩm của bạn rẻ như thế nào. Nếu như bạn bán hàng đều là dựa theo những cách này, thì bạn sẽ phát hiện rằng nhất định mình sẽ gặp phải rất nhiều khó khăn.

“Công ty bán hàng hóa như thế nào, thường thường so với việc công ty bán những sản phẩm gì cũng quan trọng như nhau”.

Đừng có vừa mới bắt đầu đã vội vàng bán sản phẩm, mà trước hết cần phải hỏi rõ vấn đề, nghe xem tiềm ẩn bên trong khách hàng cần những gì. Một khi biết được những yêu cầu tiềm ẩn bên trong của khách hàng, vậy thì việc bán hàng sẽ trở nên dễ dàng hơn nhiều.

Còn bạn, nếu là một người bán ớt, bạn sẽ trả lời thế nào nếu khách hàng hỏi rằng ớt bạn bán có cay không?




-St-


Trong ván cờ nào cũng sẽ có những sự hy sinh

Phanblogs Con Hậu bực bội nói với con Vua: “Này, tại sao tôi là người có quyền lực cao nhất ở đây, nhưng lũ quan lính kia lại cứ lăng xăng bảo vệ ông mà không thèm bảo vệ tôi thế hở?“.

Vua trả lời:
"Trời ạ, khổ bà quá, bà vừa phải thôi, thì bà cũng thấy rồi đó, bà là người có quyền lực nhất ở đây chứ có phải tôi đâu?

Bà gần như muốn đi đâu thì đi, trong khi tôi mỗi lần chỉ được nhích có một bước. Mà đường đường mang danh nhà vua, không có quyền lực thì ít nhất cũng phải được bảo vệ chứ! Mất tôi rồi thì coi như rắn mất đầu, trò chơi kết thúc mà!”.
Trong ván cờ nào cũng sẽ có những sự hy sinh

Nghe thấy Vua và Hoàng hậu nói chuyện thế, con xe cũng quay sang con tượng:

“Ờ, mà phải rồi, nghe hoàng hậu nói thế, tui cũng nghĩ sao tui với ông không hơn nhau cấp bậc là mấy, mà sao ông được đi đường xéo, còn tui chỉ được đi đường thẳng vậy? Thật không công bằng, tui khoái đi đường xéo hơn!”.

Tượng nhếch mắt: “Cũng không công bằng cho tui vậy! Tui thì cũng chỉ đi đường xéo được thôi, có đi được đường thẳng đâu, hay ho gì? Ông cứ làm như tui đi được như Hoàng Hậu không bằng!“.

Tới Mã khịt mũi: “Tụi bay thôi đi. Tụi bay được đi đàng hoàng vậy là sướng lắm rồi. Như tao lúc nào cũng phải canh đúng chữ L mà đi. Mệt thấy mồ, sao không tội nghiệp tao?”.

Xe và tượng cùng nhau lườm bọn Mã:

“Mày là cái đứa duy nhất được nhảy qua đầu người ta, kể cả tụi tao, còn đòi gì nữa! Đúng là không biết điều!”

Một con Tốt chịu hết nổi lên tiếng:

“Mấy chú bác im đi cho các con nhờ. Bọn tui mới là những đứa thiệt thòi nhất đây nè!

Đi thì cũng chỉ đi được có một hai bước về phía trước, đã vậy nhưng còn chả được ăn cái đứa đứng ngay trước mặt mình!

Tức chết được! Mấy người thì cứ thay nhau mà được ăn quân địch, còn bọn tui thì cứ thay nhau bị đem ra làm vật hy sinh cho quân địch ăn. Đúng là thật không công bằng cho tụi này tí nào!”

Mấy con Tốt kia nghe vậy đều đồng tình: “Phải đó, phải đó!“. Bọn kia bắt đầu cãi lại:

"Tụi này cũng bị hy sinh vậy! Mà mấy con Tốt của tụi bay là đông nhất rồi còn gì nữa! Đông nhất mà giá trị thấp nhất thì bị đem ra hy sinh trước là phải rồi!” Thế là cả đám quân cờ nhốn nháo, cãi vã lộn xộn cả lên.

Cái bàn cờ nãy giờ nhẫn nhịn lắng nghe bọn quân cờ cãi nhau trên… mặt của mình, bây giờ ngáp một cái chán chường, rồi thở dài lên tiếng:

- Đúng là một lũ ngốc nghếch! Mỗi đứa tụi bây đều có một đặc tính riêng. Không ai trong tụi bây hoàn hảo hết, nhưng nếu chỉ cần thiếu một đứa thôi thì cái bàn cờ này sẽ không hoàn thiện!

Tụi bây sinh ra là để đi những bước riêng của mình, để biết tận dụng thế mạnh của mình trong mỗi ván cờ, chứ không phải để ghen tỵ với cái lợi của người khác mà không thấy được cái tốt của chính mình.

Trong ván cờ nào cũng sẽ có những sự hy sinh, và những sự hy sinh ấy đều có mục đích.

Vấn đề là sự hy sinh ấy được quyết định bởi một tay biết chơi cờ hay một tay không biết chơi cờ, và cái mục đích của nó có đáng hay không thôi.

Nếu nó đáng, thì đằng sau một sự hy sinh là một mất mát và một thành quả, còn nếu nó không đáng thì sau sự hy sinh đó chỉ là một mất mát.

Một tay cờ giỏi thì biết cái gì đáng giá để giữ lại và cái gì đáng phải hy sinh để đạt được một cái khác đáng hơn.

Một tay cờ tồi thì đánh mất những quân cờ giá trị của mình mà không hề hay biết, bởi quá bận rộn nhắm đuổi con Vua của đối phương. Mất và được, đó là quy luật của trò chơi.

Nhưng mỗi tụi bây đều là một phần của một bàn cờ hoàn chỉnh, và những bước đi của tụi bây đều là một phần của những ván cờ thú vị. Đó là sự hoàn hảo của cái không hoàn hảo.

Bàn Cờ vừa nói xong, bỗng nhiên cả đám nghe Vua gằn giọng: “Cãi xong chưa? Tụi nó chiếu tướng tao rồi kìa! Sướng nhá!“…

Ngẫm thấy nhiều thứ thật giống với những ván cờ!!!

Bạn thì sao?

-St-