Search

20.3.09

Chiếc bát gỗ

Có một người đàn ông già ốm yếu chuyển đến sống cùng với người con trai, con dâu và một cháu trai bốn tuổi. Ông đã quá già nên bàn tay ông run run, mắt thì mờ và những bước đi loạng choạng.

Chiếc bát gỗ
Một hôm cả nhà cùng nhau ăn bữa tối nhưng bàn tay người cha già run rẩy nên rất khó khăn trong việc ăn uống, ông đã làm rơi vãi thức ăn xuống sàn. Khi ông cố cầm lấy chiếc cốc thì sữa lại sóng sánh ra khăn trải bàn.

Người con trai và người con dâu bắt đầu trở nên khó chịu với tình trạng bừa bộn của ông. Người con trai bèn nói với vợ: “Chúng ta phải làm cái gì đó cho cha, tôi chịu đựng quá đủ những thứ như sữa tràn ra ngoài, tiếng loảng xoảng trong ăn uống và thức ăn rơi xuống sàn rồi”. Thế rồi vợ chồng người con liền để một chiếc bàn nhỏ ở góc nhà.

Vậy là từ đó người cha già ăn một mình ở chiếc bàn nhỏ trong khi cả nhà vui vẻ bên chiếc bàn lớn. Ông lại làm vỡ chiếc đĩa của mình mấy lần và người con lại chuyển cho ông sang chiếc bát gỗ để đựng thức ăn. Họ chỉ nhìn lướt qua ông rồi lại vui vẻ trò chuyện với nhau, mặc cho những giọt nước mắt ứ đọng trong đôi mắt người cha khi ông ngồi ăn một mình. Thỉnh thoảng họ lại càu nhàu khiển trách ông mỗi lần ông làm rơi thìa hay thức ăn ra ngoài. Chỉ riêng đứa con trai bốn tuổi của họ thì im lặng theo dõi tất cả.

Vào một buổi tối trước bữa ăn, người cha chú ý đứa con nhỏ của mình đang nghịch những mảnh gỗ trên sàn. Anh ta ấu yếm hỏi đứa trẻ: “ Con đang làm gì vậy?”. Đứa trẻ mỉm cười trả lời: “Con đang làm những chiếc bát gỗ nhỏ để cha mẹ đựng thức ăn khi sau này con lớn”.

Đứa trẻ tiếp tục mỉm cười nhìn cha rồi nhanh chóng quay trở lại công việc dở dang của nó. Câu trả lời của đứa trẻ khiến bố mẹ nó sững sờ.

Nước mắt bắt đầu lăn trên má họ. Mặc dù không có một lời nào được thốt ra nhưng họ biết họ cần phải làm gì. Bữa tối hôm đó người chồng cầm lấy bàn tay của ông cụ và dịu dàng dắt ông ra bàn ăn cùng mọi người.

Từ đó người cha già lại bắt đầu cùng ngồi ăn với con cái và đứa cháu nhỏ. Vợ chồng người con cũng không còn để ý đến những chuyện như chiếc thìa bị rơi, sữa đổ ra ngoài hay chiếc khăn trải bàn bị bẩn nữa.
Chiếc bát gỗ

Trẻ con có những cảm nhận rất ngây thơ nhưng lại đáng chú ý cho chúng ta học hỏi. Chúng quan sát bằng mắt, chúng lắng nghe bằng đôi tai và tư duy của chúng được hình thành khi tiếp nhận những thông điệp từ người lớn.

Nếu chúng nhìn thấy chúng ta đang cố gắng tạo dựng một bầu không khí gia đình ấm ấp và đầy yêu thương cho những thành viên trong nhà, chúng sẽ học theo thái độ đó cho cuộc sống của chúng khi lớn lên. Các bậc cha mẹ nên biết rằng từng cử chỉ nhỏ bé thôi cũng sẽ tạo nên nhân cách tương lai của đứa trẻ.

Hãy bắt đầu xây dựng cho trẻ từ những viên gạch nhỏ của yêu thương ngay từ bây giờ, ngay ngày hôm nay và mỗi ngày đều như vậy.

Minh Anh

Theo IndianChild



END


Đừng hiếp dâm tiếng Việt

Hôm nay nhận được lá thư từ một Việt kiều:
“Dear Hieu,Co La Di Nam. Nam co noi ve Hieu. Ngay nao Hieu di uong ca phe ( Coffee ) voi Nam andCo duoc.? Hieu email cho co Biet. Sorry if my Vietnam not good enough.Co, Christina Bates”

Đừng hiếp dâm tiếng Việt
Nam là một người bạn của tôi và người này là dì của cậu ấy, người này sang Mỹ được một thời gian và nay muốn về Việt Nam làm ăn, muốn nhờ tôi tư vấn một số vấn đề. Mọi chuyện chẳng có gì và với tính cách của tôi thì tôi sẵn sàng giúp đỡ những trường hợp như thế này hết khả năng của mình. Nhưng tôi đã viết thư từ chối.
———
Trước tiên tôi xin nhấn mạnh là tôi không quơ đũa cả nắm - vẫn có những người Việt kiều mà tôi rất kính trọng. Nhưng tôi đã gặp một số Việt Kiều và đa số họ không ít thì nhiều đều có ý xem thường người trong nước. Xem người trong nước như một cái gì đó luôn luôn lạc hậu, quê mùa, dốt nát… Gặp những trường hợp này, nhẹ thì tôi sẽ tránh đi không tiếp xúc, hôm nào “trái gió trở trời” đụng ngay ngày u ám của tôi thì tôi ngồi lại “bơm vá” cho đến khi nào ê mặt thì thôi. Tôi đã làm việc với khá nhiều người nước ngoài, và tôi rất lấy làm lạ là trong khi họ rất tôn trọng người Việt Nam, thì những người Việt Kiều này - cùng là người Việt Nam - lại rất hay có thái độ coi thường đồng bào của mình.
Ngoài ra có một điểm mà tôi cực kỳ tối kỵ, nhưng có khá nhiều các Việt Kiều trẻ thường bị, đó là quên quê hương, quên cội nguồn gốc rễ… mà dễ thấy nhất là qua việc quên tiếng Việt.
- Tôi có một người bạn, anh ta là bạn của một cô ca sĩ khá nổi tiếng - thôi không úp mở nữa, đó là cô NTV - trong một lần đi ăn chung, cô ấy khá hoạt bát nói chung là không vấn đề gì, cho đến khi cô ấy nói về thời gian mấy năm sống ở nước ngoài và bảo rằng mình không nhớ rõ tiếng Việt lắm do đã sống ở nước ngoài.
- Trong khi đó tôi có quen một người bạn đã khá cao tuổi (trên 60), người này sang Thụy Sĩ từ những năm 20 tuổi, gần 50 năm sống ở một vùng rất ít người Việt, nhưng ông vẫn giữ đúng được giọng nói của mình, một kiểu nói thuần Việt theo kiểu người xưa, và hơn cả đó là ông dạy cho những người con của mình dầu sinh ra và lớn lên ở Thụy Sĩ vẫn nói tốt tiếng Việt.
Do đó đừng nói với tôi là mới “vác xác” qua xứ người vài năm thì đã quên mất tiếng Việt. Lúc ấy không vì giữ thể diện cho bạn tôi thì chắc tôi sẽ hỏi lại: “Tôi thấy tiếng Anh của em cũng lơ lớ, tiếng Việt thì em không rành, vậy em nói tiếng gì?”
Dạo gần đây trong giới trẻ sống ở ngay trong nước, cũng xuất hiện một số thành phần “ba rọi”, đó là từ tôi dùng cho những người nói một câu thì pha tiếng Anh hết 3/4 câu. Gặp những người này tôi thường nói “nếu yêu thích tiếng Anh quá thì nói tất cả bằng tiếng Anh, đừng có nói kiểu ba rọi như thế”. Ngay trên blog của tôi, cách đây không lâu có một bạn tên là Nguyễn Ngọc Phương vào trao đổi một số vấn đề về Marketing, qua cách bạn ấy trao đổi tôi thấy được 2 điểm:
  1. Bạn ấy dùng rất nhiều “thật ngữ chuyên dụng” tiếng Anh, mà tôi có thể kết luận là những thuật ngữ là do bạn ấy tự “chế tác” ra và tự sử dụng, nó gây khó hiểu cho người không chuyên trong ngành đã đành, nhưng nó cũng làm cho người trong ngành không hiểu nốt. Vậy là chỉ có mỗi bạn ấy hiểu bạn ấy muốn diễn đạt gì (tôi hy vọng vậy), và điều đó đi ngược với mục đích của ngôn ngữ. Ngôn ngữ xuất hiện trên đời để người khác hiểu mình muốn diễn đạt gì.
  2. Bạn ấy dùng rất nhiều từ tiếng Anh kèm theo mà không có mục đích gì, tôi vẫn nhớ mãi trong một đoạn bạn ấy nói: “… nhìn từ khía cạnh Sản phẩm (Product)” - tôi thật sự không hiểu khi nói từ “sản phẩm”, liệu nó có thiếu về mặt nghĩa nhiều đến đến mức phải mở ngoặc để thêm vào “product” hay không? Hay đó chỉ là để người đọc biết rằng mình có biết tiếng Anh? Đó là tôi chưa kể đến những tiếng Anh này sai chính tả rất nhiều.
Tôi không có thành kiến gì với bạn này - vì xét cho cùng tôi và bạn này không quen biết nhau - tuy nhiên không phủ nhận một điều là tôi khá khó chịu khi đọc những phản hồi của bạn này. Và nếu không vì lịch sự trong trường hợp tiếp khách đến nhà thì có lẽ tôi đã không trả lời cho bạn ấy. Điều đó cho thấy việc sử dụng ngôn ngữ “ba rọi” thường không mang đến sự nể trọng từ phía người nghe (như các bạn thường nghĩ), mà ngược lại đa phần trường hợp nó mang đến sự khó chịu, vậy rõ ràng là nó hại nhiều hơn lợi.
Để kết luận phần này, tôi không nói việc biết thêm ngoại ngữ là sai - trái lại quan điểm của tôi là biết càng nhiều ngoại ngữ càng dễ thành công. Tuy nhiên tôi không cổ vũ cái kiểu dùng tiếng Việt kiểu “ba rọi”. Tôi không hiểu hay ho gì ở cái việc quên đi cội nguồn của mình mà những người này luôn cố tỏ ra rằng mình nhớ nhiều tiếng Anh hơn tiếng Việt.
———
Quay trở lại bức thư, vì sao tôi từ chối?
Trước tiên nhìn toàn cục bức thư, cứ cho đây là một người không giỏi tiếng Việt, hoặc thậm chí không biết tiếng Việt cũng được. Nhưng cái cách viết hoa viết thường thì dù ngôn ngữ nào cũng có quy tắc giống nhau, và cái chữ “cà phê” không không nhất thiết phải mở ngoặc để bảo rằng “coffee”, nó chẳng mang lại hiệu quả gì trong ngôn ngữ cả. Và nếu đã viết được cả cái thư như vậy thì không lý gì không biết chữ “và” để khỏi phải dùng “Nam and Co”
Cuối cùng là câu “Sorry if my Vietnam not good enough”, một câu ngắn gọn mà có đến 2 lỗi ngữ pháp thì cho thấy người viết chẳng những không giỏi tiếng Việt mà tiếng Anh cũng không giỏi nốt. Người ta đã chối bỏ gốc rễ, nhưng giờ thì cái cành cũng chẳng có, vậy thì họ thuộc về nơi nào?
Đó là về câu chữ, còn về nội dung cái thư, lần đầu viết thư, cơ bản nhất của một lá thư thương mại cũng không có, viết không đầu không đuôi, giọng văn thì toát lên đầy cái vẻ ra lệnh, cho tôi cảm giác như tôi đang cầu cạnh gì người này chứ không phải là họ cần tôi. Có vẻ như họ đang nghĩ họ cầm tiền về đây, và những người xung quanh phải xúm lại họ để tranh nhau.
Tổng hợp những điều này lại, cho thấy rằng họ đang không trân trọng tôi. Có thể họ giàu, họ có nhiều tiền, và mục tiêu họ có ý định làm ăn lớn ở đây, nhưng với cái thái độ này cộng với cái tính của tôi thì sự hợp tác này chẳng đi đến đâu cả. Đó là lý do tôi viết thư trả lời từ chối hẹn gặp.
Câu chuyện hợp tác của tôi với người này vậy là coi như chưa bắt đầu đã kết thúc, và tôi chẳng có gì tiếc về sự kết thúc này. Tôi chỉ muốn chia sẻ một điều, tiếng Việt của chúng ta rất đẹp, hãy nhìn vào cách mà những người trí thức xưa nói chuyện với nhau, thuần Việt và đẹp vô cùng, ngôn ngữ của chúng ta có vốn từ rất phong phú, rất nhiều từ để diễn đạt, trừ những từ chuyên môn vừa xuất hiện trong những lĩnh vực rất mới, chưa kịp có từ theo nghĩa Việt chuẩn xác thì chúng ta dùng tạm tiếng Anh trong khi chờ những nhà ngôn ngữ học làm việc.
Còn lại trong cuộc sống hàng ngày, tôi chẳng tìm ra đâu là lý do trở ngại khi chúng ta muốn diễn đạt ý muốn nói bằng tiếng Việt cả. Có những thời điểm, những môi trường cần sử dụng tiếng Anh, chúng ta sẽ sử dụng tiếng Anh. Còn không thì chúng ta sử dụng một ngôn ngữ Việt Nam đẹp.
Đừng hiếp dâm tiếng Việt!
nguồn http://blog.ngochieu.com/cam-nghi/tan-man-ve-chuyen-ngon-ngu/



END

6.3.09

Vì sao người ta cầu cúng ở bờ tường Văn Miếu...?

Không hiểu sao, thỉnh thoảng có một vài tờ báo lại viết về chuyện nhiều người cầu cúng đêm đêm ở miếu hai cô nơi góc tường Văn Miếu ở ngã tư Nguyễn Thái Học- Tôn Đức Thắng (Hà Nội). Người thì bảo do trước đây địa điểm này có miếu thờ 2 cô gái nhảy vào tàu điện tự tử, người thì bảo là nơi thắp hương cho người đàn ông bị chết vì tai nạn tàu điện. Cạnh đó có cây gạo lắm ma nên người dân thắp hương, lâu dần thành quen, một đồn mười, mười đồn trăm nên đến giờ nhiều người vẫn nghe tiếng mà cúng vái cầu xin đủ thứ.

Vì sao người ta cầu cúng ở bờ tường Văn Miếu...?

Cũng tò mò từ lâu không biết tại sao người ta hay cúng vái ở đó, Chí Phèo hỏi ông bạn Ma Y Sinh- "gã thầy đồ dở hơi" toàn dạy thư pháp miễn phí ở chùa Tảo Sách xem có biết lý do hay không. Lão cũng chẳng biết vì sao nhưng kể một giai thoại nửa thực nửa hư xem chừng có lý:

Chuyện là hồi Pháp thuộc, toà nhà nay là Đại sứ quán Ixarel đối diện góc phố cầu cúng vốn là tư dinh của một viên quan Pháp. Nơi góc tường Văn Miếu bây giờ cũng là cái bến tàu điện nên mỗi khách đi tàu điện buồn tè lại ra tưới vào góc bờ tường. Ngoài chuyện bí quá phải làm bừa có lẽ đây là cách người An Nam thể hiện hành động căm thù với bọn thực dân xâm lược...?

Hàng ngày ngửi mùi hương đặc trưng của người dân An Nam bay vào nhà và phải chứng kiến thường xuyên cảnh người ta giải quyết nỗi buồn trước nhà khiến cả gia quyến viên quan Pháp khó chịu vô cùng, ăn không ngon, ngủ không yên, tinh thần suy sụp, sức khoẻ xuống cấp. Bố trí lính canh, cấm người đái bậy cũng không xuể vì lúc vắng lính thì dân An Nam vẫn tè vào chỗ đó. Bất lực, viên quan phải nhờ một quân sư người An Nam lắm kế bày cách dẹp cái đám tè vô tổ chức. Theo vị quân sư thì người An Nam có thể tè vào bất cứ chỗ nào trừ chỗ người ta cắm hương dù chỉ là mảnh đất hoang.

Thế rồi, vài ngày sau, chỗ đi tè bỗng mọc lên cái miếu rồi cả tuần liên tục có cả trăm người (được thuê) thắp hương khấn vái, cầu xin liên tục khiến bao người tò mò. Cùng với việc đó là xuất hiện câu chuyện cứ rỉ tai lan truyền người này tới người khác là người ta khôi phục lại cái miếu thờ mẫu ngày xưa nghe nói thiêng lắm... Cùng với đám cúng thuê đông đảo, câu chuyện truyền miệng kia khiến người tới cúng vái tăng dần. Đến lúc lực lượng cúng thuê rút bỏ thì đã có những người tự giác đến cầu cúng. Nhà viên quan Pháp đã thoang thoải mùi hương, mùi trầm chứ không phải là cái mùi khai đầy căm uất của người An Nam.

Ngày nay miếu không còn, nhưng vẫn có người đến thắp hương cúng vái. Nhiều người trong số họ cũng không biết cúng vái ai, chỉ biết đây là chỗ để cầu cầu duyên, cầu tài, cầu lộc, cầu làm ăn, cầu học hành, cầu bình an và cầu trúng lô, trúng đề...

Chẳng biết thực hư thế nào, chỉ thấy bờ tường Văn Miếu ngày càng ám khói đen sì...

4.3.09

Đặt tên cho con sinh năm kỷ sửu


Việc đặt tên cho con cái không phải là chuyện dễ, từ xưa đến nay chỉ có bậc học giả nghiên cứu lý học hoặc gia đình cầu thị, mong muốn con cháu mình có một cái tên vừa đẹp, vừa tốt thì mới cần lựa kỹ càng. Việc lựa chọn tên cũng có nhiều nguyên tắc khắt khe phải tuân thủ. Đầu tiên là việc lựa tên không được trùng với tên người thân trong gia đình, ông bà ông vải (kể cả người đã khuất). Ở nước ngoài thì khác hẳn, họ có thể lấy tên ông bà đặt cho cháu chắt nhằm tỏ lòng kính trọng. Ở ta mà đặt trùng như vậy là phạm húy, là điều cấm kỵ hàng đầu. Tên phải mang một ý nghĩa nào đó, tùy theo sở thích, tâm tư tình cảm của gia đình, cha mẹ. Có người để luôn nhớ tới những kỷ niệm tại nơi mình đã sinh sống một thời gian dài, họ đã lấy tên địa danh để đặt tên cho con, như Nhật – trong tên nước Nhật bản, Nga – trong tên nước nga, hay Nam Bắc, … hoặc muốn con cái thành đạt, vinh danh khi trưởng thành thì đặt tên con là Vinh Hiển, Thành Đạt, … Tên còn phải dễ đọc, dễ nhớ, âm tiết không được quá trúc trắc, không được na ná những âm tiết không tốt, không hay, không mang điều gở. Ở vùng nông thôn, người viết đã được chứng kiến rất nhiều cái tên phạm phải nguyên tắc này, như con gái tên là Tiện, có lẽ chữ tiện nằm trong chữ Ti tiện, tiện nhân, hà tiện, … quả thực người này rất đúng với cái nghĩa Ti tiện, chẳng coi liêm xỉ là gì hết. Hay tên là Rần, đọc lên đau cả miệng, hay tên Phân có lẽ là trong chữ phân phát, phân chia, nhưng dù sao nó cũng gần với từ phân ..bón, nên cũng chẳng nên dùng làm gì, cuộc đời thực của người này rất kém, bệnh tật, yểu mệnh. Tên còn phải phối hợp họ, tên đệm làm sao cho nó có âm tiết hay khi đọc lên, không quá khó đọc, chẳng hạn tên đẹp như Lê Hoàng Nam, Tống Khánh Linh, không nên khó đọc như Uông Sỹ Rần, … Không nên đặt tên đệm và họ cũng có thanh nặng, sắc, trắc, .... làm cho cái tên có cảm giác nhàm chán hoặc khó chịu khi gọi lên, như: Hoàng Huỳnh Bình, Trịnh Thị Phượng, …

Một cái tên mà thỏa mãn được những nguyên tắc kể trên mới chỉ là một phần rất nhỏ của yêu cầu đặt tên, vì nó mới là phần lông và da. Phần quan trọng, coi như điều kiện đủ để phối hợp làm lên một cái tên đẹp phù hợp với mệnh của từng người phải là: Họ, đệm và tên phải có sự phối hợp tốt với nhau, cân bằng về âm dương ngũ hành Kim mộc thủy hỏa thổ, không được xung khắc nhau, sự phối hợp này tạo nên bộ ngũ cách, tam tài mà phân cát hung, họa phúc. Tên phải phù hợp với mệnh (tứ trụ, năm tháng ngày giờ), mệnh kém mà tên “Đẹp - kêu” quá cũng không tốt, đó là cách yểu chiết. Tên và mệnh như thể và dụng, phối hợp tốt với nhau là cát, ngược lại là hung. Tên cũng có thể là cứu cánh cho mệnh, nó có thể bổ sung điểm khuyết (ngũ hành) để trợ mệnh, cũng có khi khắc phá, làm tổn hại mệnh. Nếu ai theo dõi cuốn phim Chu Nguyên Chương trên VTV thì biết, thủa nhỏ ông tên là Trùng bát. Khi 24 tuổi tham gia quân khăn đỏ, được đổi tên thành Chu Nguyên Chương. Thời niên thiếu là một cậu bé mồ côi, chăn trâu cắt cỏ, nghèo đói, bơ vơ. Sau khi trưởng thành, qua hơn 20 năm chinh chiến, ông đã trở thành một vị hoàng đế nổi tiếng trong lịch sử Trung hoa, được người đời ca tụng. Xét cái mệnh của ông chắc rằng không nhỏ, nhưng trên thực tế tuổi thiếu thời rất khổ cực, gắn liền với cái tên Trùng Bát của ông. Tền trùng bát là bát thuần Cấn (người viết tự bịa ra), biểu hiện sự ngưng trệ, khó khăn, không người giúp đỡ, không nơi nương tựa, khó khăn trùng trùng. Nhưng cũng chính vì cái tên Trùng Bát - "Tượng Tích thiểu thành cao" này đã tôi luyện cho ông trở lên ngoan cường, … và dũng mãnh hơn. Sau khi đổi thành Chu Nguyên Chương thì cuộc đời ông biến đổi sang một trang sử mới, bắt đầu manh nha cho ước vọng đế vương. Chỉ xét riêng Tổng cách thôi đã thấy tên của ông mới đạt làm sao: “Số làm thủ lĩnh hiển hách, giàu có rất lớn, có thế vận xung thiên, khắc phục mọi khó khăn mà thành công. Nếu số này mà thiếu đức thì tuy có địa vị, uy quyền e cũng không giữ đợc lâu. Cần nên tu thân, dưỡng tính mới giữ đợc địa vị. Nếu đàn bà đừng dùng số này, lý do cũng như số 21. Đàn bà mà chủ vận và các cách khác có số này thì khó tránh phòng khuê rời rã, trướng gấm lạnh lùng”. Đây là nói đến một bậc anh hùng hào kiệt, còn người thường thì sao? Nếu người thường, mệnh yếu không nên lấy tên nổi danh như thế này, càng không nên lấy tên của những người nổi tiếng đặt tên cho con cháu, sẽ phạm vào cách yểu chiết. Còn nhớ, mấy tháng trước người viết có xem lá số và đặt tên cho một cháu bé. Cháu bé này sinh trong một gia đình họ Tăng, giàu có “nhất khoảnh”, lại là con hiếm muộn, lá số có cách giàu cự phú, kiểu như công tử bạc liêu, đốt tiền soi đường, … cộng thêm cách của Nhạc bất quần. Căn cứ vào những điều này, người viết đã lựa ra một cái tên chỉ có hai từ Tăng… (xin không nêu ra vì cháu còn nhỏ). Một cái tên có thể nói là rất vui, … Từ khi cháu mang tên này thì rất nổi danh, có nhiều người nói chuyện, hỏi thăm về cháu mặc dù chẳng biết mặt mũi ra sao, bố mẹ cháu rất KHOÁI. Hay một cái tên nữa cũng là tên rất hay và ý nghĩa, đó là tên của một vị anh hùng dân tộc, một vĩ nhân của mọi thời đại. Ông có cái tên là Võ Nguyên A. Điều đặc biệt ở đây là cả họ tên và đệm đều rất chuẩn mực. Từ Võ biểu hiện của một võ tướng, nghề binh nghiệp, Nguyên trong nguyên hanh lợi trinh, nguyên là đầu tiên và to lớn, vĩ đại, nguyên còn là nguyên bản, nguyên vẹn (bịa ra cho vui), A là đứng đầu bản chữ cái (hì), mệnh của ông chắc chắn cũng phải rất lớn rồi, sự kết hợp (thể và dụng) này làm sao không trở thành bậc vĩ nhân, lưu danh sử sách?
Phần I
Người sinh năm Sửu,(Sửu nào cũng vậy) tên cần có những bộ :- ĐIỀN (田), bộ HÒA (禾), bộ THẢO (艹) để được cuộc sống an ổn, có đủ cơm ăn áo mặc. Còn về công danh sự nghiệp thì còn tùy theo phúc đức và khảo sát Bát Tự (Tứ trụ của năm tháng ngày giờ sinh) mới biết được.
Huynh đệ có thể tham khảo quyển “HÁN VIỆT TỰ ĐIỂN” của Thiều Chửu để có chi tiết đầy đủ hơn. Tôi xin lược nêu ra đây một số chữ thông dụng để bạn nào không có sách , có thể dùng tạm.
Đặt tên bằng cách chọn một trong các chữ nêu sau, hoặc có thể ghép hai, ba chữ lại thành tên cũng được, tùy theo sở thích và tập quán gia đình. (cử trùng tên)
1.-BỘ ĐIỀN:- 田 chỉ về ruộng, nền tảng cơ bản cuộc sống. Các chữ:-
-ĐIỆN (甸) : - khu đất, cõi đất -GIỚI (界) :- ranh đất, biên giới
-CHẨN(畛): - bờ ruộng, giới hạn -LƯỢC(略):- mưu lược, tài tháo vát
-HUỀ(畦): - khu đất rộng -HỌA (畫):- vẽ (họa sĩ)
-DƯ (畬): - đất khai khẩn trên 2 năm -TUẤN (畯):- chức quan khuyến nông ngày xưa
-LƯU (留): - giữ lại -ĐƯƠNG (ĐANG) (當) :- hiện giờ, ngay tại
-UYỂN (畹) : - 2 mẫu đất, họ ngoại -THOẢN (疃):- đồn điền
-KỲ (畿): - chốn kinh đô -LÂN (疄):- ruộng đất cao
-CƯƠNG (彊) : - bờ cõi -TRÙ (疇) :- ruộng đã cấy lúa, hai đôi (đồ, con vật)
-ĐIỆP (疊): - chồng chất -DO (由):- từ chỗ đó
2.-BỘ HÒA:- 禾 chỉ về ruộng, nghề nghiệp trong cuộc sống. Các chữ:-
-HÒA(禾): - cây lúa -TÚ(秀):- lúa đã trổ, đẹp đẽ
-TƯ(私): - riêng tư -TIÊN(秈):- lúa sớm
-BỈNH (秉): - cầm nắm -THU(秋):- mùa Thu
-KHOA(科) : - trình độ, môn học -TẦN(秦):- nước Tần, họ Tần
-THUẬT(秫): - lúa nếp -TỈ(秭):- mười ức (là 1 triệu ngày nay)
-XỨNG(稱): - cái cân -CÁT (KIẾT) (秸):- lõi của cộng rơm
-ĐỀ (稊): - cỏ mọc chung với lúa (lồng vực) -TRÌNH(程):- khuôn phép, trình độ
-ĐỒ(稌): - lúa nếp -NHẪM(稔):- lúa chín, được mùa
-LĂNG(稜) : -nơi oai linh -TRÙ(稠):- nhiều, đông đúc
-XƯNG(稱): - đề cao, nói lên -ĐẠO(稻):- lúa hai vụ
-ỔN(穩): - yên, bền vững -TẾ(穄):- lúa không có nhựa
-TÔ(穌): - tươi , sống lại -DĨNH(穎):- bông lúa, hơn người khác
-MỤC(穆): -hòa mục -NHƯƠNG (穰):- lúa trĩu hạt, trúng mùa
-TUỆ (穗): - bông lúa -LANG(稂):-một loại cỏ
3.-BỘ THẢO: - 艸 / 艹 phương tiện vật chất trong cuộc sống. Các chữ:-
-GIAO(艽): - cỏ giao -THIÊN(芊):- cỏ tốt um tùm
-CHI(芝): - cỏ Chi (rất thơm) -HOA(花):- bông hoa
-PHƯƠNG(芳): - thơm tho -VÂN(芸):- vân hương 芸香:- tên loại cỏ vân hương
-UYỂN(苑): - vườn -LINH(苓):- cây phục linh 茯苓
-ANH(英): - hoa các loài cây -BÌNH(苹):- cỏ Bình
-BẬT(苾): - thơm tho tiếng tốt -MẬU(茂):- tươi tốt, xanh tươi
-GIA(茄): - cuống sen -MÍNH(茗):- đọt chè (trà) Mính Viên茗園
-CHI(芰): - lệ chi 荔芰= cây vải -TƯ(茲):- thêm vào, bồi bổ
-TRÀ(茶): - cây trà (để uống) -NHUNG(茸):- sừng non của nai
-TUÂN(荀): - tên nước, họ, loại cỏ -THUYÊN(荃):- cỏ thơm
-HẠNH(荇): - rau hạnh -TIẾN(荐):- gấp hai lần
-HÀ(荷): - cây sen -PHỦ(莆):- loại cỏ báo điềm lành
-TRANG(莊): - trại, vườn nhà -UYỂN(菀):- tốt tươi
-DU(萸): - cây thù du -CÚC(菊):- hoa cúc
-XƯƠNG(菖): - cỏ xương bồ -THÁI(菜):- rau cải
-HOA(華): - nước Trung Hoa -ĐIỀM(菾):- tên rau điềm
-THỤC(菽): - tên loại đậu -ĐÀO(萄):- bồ đào蔔萄: dây nho
-LAI(萊): - tên cỏ Lai -VẠN(萬):- mười ngàn (10.000)
-HUYÊN(萱): - loại cỏ thơm -BẢO(葆):- cỏ mọc um tùm
-PHONG(葑): - rau phong -TRỨ(著):- sáng rõ (cũng đọc TRƯỚC)
-ĐỔNG(董): - phụ trách -QUỲ(葵):- hoa quỳ
-BỒ(蒲): - cỏ bồ (làm nệm lót xe vua quan ngày xưa)-KIÊM(蒹)ên cỏ Kiêm
-THƯƠNG(蒼): - màu xanh đậm -SÂM(蔘):- cỏ sâm, củ sâm
-BỒNG(芃 / 蓬 ): - cỏ bồng, bồng lai -LIÊN(蓮):- hoa sen
-THUẦN(蓴): - rau nhút -GIÁ(蔗):- cây mía
-TÂN(莘): - đông đúc, cây tế tân -TƯỞNG(蔣):- họ Tưởng
-DU(萸): - cỏ du -HUỆ(蕙):- hoa huệ
-VI(薇): - rau vi -DĨ(苡):- hạt ý dĩ 薏苡
-KHƯƠNG (CƯƠNG): 薑- gừng -TIẾN(薦): - dâng lên, đề bạt ,cử người
-THỰ(薯): - củ hoài sơn -HUÂN(薰):- loại cỏ thơm
-NHU(薷): - cây hương nhu -LAM(藍): - cây chàm
-TÀNG(藏): - cất chứa, giấu -ÁI(藹): - cây cối rậm rạp
-TÔ(蘇): - sống lại -TẦN(蘋): - cỏ tần
-LAN(蘭): - hoa lan -MI (蘼): - cỏ Mi Vu蘼芋 có hoa thơm
4.- KỴ DÙNG NHỮNG TÊN CÓ BỘ THỦ HOẶC Ý NGHĨA LIÊN QUAN ĐẾN:-
-Kỵ có liên quan đến Mùi (các chữ chứa bộ Vị (未), và Dê (các chữ chứa bộ Dương 羊 )-TĐHV-tr.500
-Kỵ có bộ Tâm, chữ Tâm (忄, 心)—TĐHV-tr.196
-Kỵ bộ NGỌC(玉) (trang 386) bộ VƯƠNG (王) (trang 389 )
************************************
mới chỉ sưu tầm được nhiêu đó thôi. Mọi người ai có thì thêm vào tiếp nhé! 谢谢,大家关注!!!
Phần II:(2009)
12 TUỔI ĐẶT TÊN CẦN BỘ THỦ NÀO—KỴ BỘ THỦ NÀO ?
1/-Sinh năm Tí, tên nên có bộ:- khẩu, điền, mễ, chỉ cho người thịnh vượng, có thức ăn, no đủ. Kỵ bộ :- nhật, ngọ, nhân; bởi vì tí ngọ xung, chuột lại sợ ánh sáng .
2/-Sinh năm Sửu, tên nên có bộ :- thảo, điền, hòa .Kỵ có chữ “vị” (mùi) và bộ tâm, bộ vương.
3/- Sinh năm Dần, tên nên có bộ:- sơn, vương (tức ngọc), y (quần áo). Kỵ có liên quan đến “Thân” (khỉ), kỵ có bộ “sước”, bộ “nhân”.
4/- Sinh năm Mão, tên cần có bộ :- mộc, mễ, đậu, liên quan đến “Hợi” (heo). Kỵ có bộ:- tâm và tên có liên quan đến “Thìn” (rồng).
5/- Sinh năm Thìn, tên cần có bộ:- nhật, nguyệt, thủy, vương. Kỵ bộ :- tâm, tiểu, khuyển, nhân đứng .
6/- Sinh năm Tỵ, tên cần có bộ:- khẩu, mộc, điền, thảo . Kỵ các bộ:- thủy, nhật, hỏa, tên có liên quan đến “Hợi” (heo).
7/- Sinh năm Ngọ, tên cần có bộ:- thảo, mộc, mễ. Kỵ bộ:- điền, tâm, tên có liên quan đến “Tí” (chuột)
8/- Sinh năm Mùi, tên cần có bộ:- thảo, mộc, môn. Kỵ bộ:- ngưu, y, thị (kỳ).
9/- Sinh năm Thân, tên cần có bộ:- ti (tơ), y, mộc. Kỵ bộ:- trùng, hòa, liên quan đến “Dần” (cọp)
10/- Sinh năm Dậu, tên cần có bộ:- đậu, mễ, sơn. Kỵ bộ:- quân, đế, cửu.
11/- Sinh năm Tuất, tên cần có bộ:-nhân đứng, miên, ngọ, mã. Kỵ các bộ:- khẩu, khuyển và tên có liên quan đến “Thìn” (rồng).
12/- Sinh năm Hợi, tên cần có bộ:- đậu, mễ, miên, tí. Kỵ bộ:- thị (kỳ), vương (ngọc), quân và tên liên quan đến “Tỵ” (rắn).
Không biết có ai có nhu cầu đặt tên con theo chữ Nho xưa (Hán ngữ xưa không nhỉ?
Phần III:(2009)
Bạn muốn sinh con năm Sửu ư ? Nên nhớ rằng tuổi Sửu rất trực tính và cũng khá vất vả nhưng hiền lành, không mưu toan hại ai. Vì tuổi Sửu là con trâu nên rất cần cỏ, nước, mái nhà, xe cộ nên bạn có thể đặt với những tên sau:
Thảo (cỏ), Chi (cỏ thơm), Phương (mùi thơm), Tú (đẹp), Uyển (một loại cỏ), Dung (hoa phù dung), Thủy (nước), Giang (sông), Hòa (cỏ)...
Có thể kết hợp để đặt. Ví như: Tú Phương, Uyển Chi, Phương Thảo, Phương Chi, Hoài Giang...
Muốn chính xác thì cần kết hợp cả 2 yếu tố theo phương pháp rất khó sau:
1/ Lấy ngày tháng năm giờ sinh, bốn yếu tố cả âm và dương cộng lại với nhau, sau đó chia cho 8, được bao nhiêu chính là số nét của bộ thủ chữ Hán. Sau đó tìm các chữ thuộc bộ Thảo, bộ Xa, bộ Thủy, bộ Sửu...có đúng số nét cần tìm là được.
2/ Sau đó tính tiếp ngũ hành của họ và tên. Thường thì ngũ hành của họ sinh cho tên đệm, tên đệm sinh tên chính, tên chính sinh bản mệnh. Thế là tuân theo vòng tuần hoàn, đảm bảo okie.

MỘT SỐ NỘI DUNG KHÁC
Thọ Vực – Huỳnh Tấn Kim Khánh
Nhà Xuất bản Văn hoá Dân tộc
Con người khi sinh ra được đặt tên một cách trang trọng.
Từ khi có Tên, người đó mới coi như chính thức bước vào xã hội loài người với sổ bộ ghi chép, với giấy khai sinh và hơn thế nữa với bao hoài bão ước mơ chức đựng trong cái Tên đó.
Cái Tên sẽ theo suốt cuộc đời của người mang nó như luôn soi rọi mọi hành vi mà người đó mang theo, đúng hay không đúng với cái Tên mình đã mang.
(...)
CHƯƠNG NĂM
HƯỚNG DẪN ĐẶT TÊN
1. NHỮNG ĐIỂM CẦN LƯU Ý VỀ TÊN NGƯỜI
1. Về âm thanh
Thường thường, tên của người Việt Nam gồm:
- Hai chữ: Họ và tên : Trần Thành.
- Ba chữ: Họ, tên đệm và tên: Lê Văn Hải.
- Bốn chữ: Họ gồm hai chữ và tên gồm tên đệm và tên: Nguyễn Đình Chung Song.
- Năm chữ hay nhiều hơn: Thường là họ tên cả cha mẹ hoặc họ tên thuộc dòng dõi hoàng tộc nhà Nguyễn.
Ví dụ: Phạm Huỳnh Xuân Lan Chi
Công Tằng Tôn Nữ Thị Xuân
Như vậy, các tiếng trong tên của mỗi người đều thuộc thanh bằng hay thanh trắc.
Khi đặt tên, nên tuỳ theo sự hoà hợp của các thanh bằng trắc để âm hưởng hài hoà, đọc nghe êm tai.
- Nếu trường hợp họ tên gồm hai tiếng, không có tên đệm, dễ kết hợp bằng trắc và bổng trầm, ít có trường hợp khó nghe, trúc trắc.
Ví dụ: Trần Quỳnh – Hoàng Kiên (cùng trầm)
Nguyễn Trãi – Phạm Thụ (cùng bổng)
Trường hợp đọc lên nghe trúc trắc, có thể thêm vào một chữ nữa.
Ví dụ: Phạm Tấn Lộc – Trịnh Lệ Thuỷ.
- nếu tên gồm ba tiếng, bốn tiếng trở lên, sự phối âm cần tránh chữ cùng dấu giọng đi liền nhau, nhất là đối với chữ có dấu nặng. Cấu trúc như sau:
bbb – bbt – btb – btt
ttt – ttb – tbt – tbb
Ví dụ: bbb : Trần Văn Trà – Trần Cao Vân – Lê Cao Phan
Bbt : Huỳnh Văn Triệu – Lê Văn Ngọc
…………….
- Đối với tên gồm bốn tiếng trở lên, cách đặt tên cũng giống như thế, chỉ nên lưu ý tránh sự trùng nhiều dấu giọng trong tên, sẽ khó đọc.
2. Về ý nghĩa
Nói chung, cái tên thường mang nội dung cao đẹp về đạo đức, tài năng, phú quý, hạnh phúc. Do đó, nên tránh một số từ ngữ có ý nghĩa không phù hợp với các nội dung trên.
Một số từ Hán – Việt nên tránh khi đặt tên:
A: Ẩm
B: Bành, bội, báo, bất, bổ, bạng
C: Cạnh, cốt, cữu, cùng
Đ: Đao, đái, đồ, đổ, đố, đoản
Gi: gian
H: hoả, hổ, hoạ, hung, huỷ, hôn, hoạn, hạ, huyệt, huyết.
K: kinh, khô, không, khuynh, khốn
L: lậu, lung, lao
M: mệnh, mộ, mã, ma, mi, mô
N: noãn, nô, nê, nặc, ngưu
O: oán
Ô: Ô, Ốc
Ph: phá, phản, phật, phất
Qu: quỷ
S: sa, sà, sài, sất, sàng, súc
T: tán, tàng, tật, tì, tiêu, tranh, thánh, thằng, thai, thải, thôi, thần, thực, thác, tử
V: vô, vong, vật
X: xảo, xà
3. Về tính cách
Ngoài các nội dung ý nghĩa trên, cũng cần tránh một số điểm về tính cách.
(1) Tính hoả khí: Tên đọc lên thấy bừng bừng sức nóng, hoả khí mãnh liệt.
Ví dụ: Phạm Mãnh Liệt – Trần Hào Khí
Trịnh Quyết Tử - Lê Ái Tử - Dương Cảm Tử
(2) Tính đại ngôn: Tên nêu lên một sự việc quá mức bình thường.
Ví dụ: Tạ Đại Chí – Trần Bất Tử - Lâm Đại Tiên
Dương Thánh Nhân – Nguyễn Hiền Thần
Phạm Vô Uý…
(3) Tính quá thật, đến thô thiển:
Ví dụ: Lê Chân Thật – Nguyễn Mỹ Mãn
(4) Tính vô nghĩa: Tên chẳng mang một ý nghĩa đặc sắc nào, gần như ghép từ.
Ví dụ: Lê Khắc Sinh Nhật – Hoàng Kỷ Niệm – Lâm Hoàng Hôn
(Sưu tầm)
. NHỮNG CÁCH ĐẶT TÊN THƯỜNG GẶP
1. Theo từ Hán Việt.
(1) Theo các bộ chữ:
Những gia đình theo Hán học thường đặt tên theo các bộ chữ Hán. Tức là tên các thành viên trong gia đình đều có chung một bộ chữ.
Ví dụ:
- Bộ thuỷ trong các tên: Giang, Hà, Hải, Khê, Trạch, Nhuận…
- Bộ thảo trong các tên: Cúc, Lan, Huệ, Hoa, Nhị…
- Bộ mộc trong các tên: Tùng, Bách, Đào, Lâm, Sâm…
- Bộ kim trong các tên: Kính, Tích, Khanh, Chung, Điếu…
- Bộ hoả trong các tên: Thước, Lô, Huân, Hoán, Luyện, Noãn…
- Bộ thạch trong các tên: Châm, Nghiễn, Nham, Bích, Kiệt, Thạc…
- Bộ ngọc trong các tên: Trân, Châu, Anh, Lạc, Lý, Nhị, Chân, Côn…
Nói chung, các bộ chữ có ý nghĩa tốt đẹp, giàu sang, hương thơm như Kim, Ngọc, Thảo, Thuỷ, Mộc, Thạch…đều thường được chuộng để đặt tên.
(2) Theo mẫu tự La – tinh a, b, c…của từ Hán Việt:
Ví dụ: Cư, Cừ, Cự, Cường, Cửu…
Hà, Hải, Hành, Hạnh, Hoàng, Huy…
(3) Theo tứ Linh:
Long, Lân, Quy, Phụng
(4) Theo thập nhị chi (mười hai con giáp của năm sinh):
Tý, Sửu, Dần, Mão (Mẹo), Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi.
(5) Theo thập can:
Giáp, Ất, Bính, Định, Mậu, Kỷ, Canh, Tân, Nhâm, Quý
(6) Theo các loài hoa trong bốn mùa:
Mai, Liên, Cúc, Đào…
Hoặc theo tên cây cối:
Tùng, Bách, Hoè, Liễu, Cam, Lê…
(7) Theo dược liệu quý:
Sâm, Nhung, Quế, Cao, Thục…
(8) Bằng hai từ Hán Việt có cùng tên đệm:
Ví dụ: Kim Khánh, Kim Thoa, Kim Hoàng, Kim Quang, Kim Cúc, Kim Ngân.
Hoặc hai từ Hán Việt có cùng tên, khác tên đệm:
Ví dụ: Nguyễn Xuân Tú Huyên, Nguyễn Xuân Bích Huyên.
(9) Theo các từ trong một cụm từ Hán Việt:
Ví dụ: Hương, Khuê, Chiêm, Ngưỡng
Ẩm, Thuỷ, Tư, Nguyên
Tài, Lộc, Phong, Phú
Chiêu, Tài, Tiến, Bảo
Thục, Nữ, Thành, Tựu
Nguyên, Hanh, Lợi, Trinh.
(10) Dùng các cụm từ chỉ đức hạnh, chữ tam đa:
Trung, Hiếu, Tiết, Nghĩa, Nhân, Từ, Đạo, Đức.
Phước, Lộc, Thọ.
(11) Theo các thành ngữ mà tên cha là chữ đầu:
Ví dụ: Tên cha: Trâm
Tên các con: Anh, Thế, Phiệt
Tên cha: Đài
Tên các con: Các, Phong, Lưu.
Tên cha: Kim
Tên các con: Ngọc, Mãn, Đường.
(12) Tên đệm phân biệt được thứ bậc anh em họ tộc (Mạnh – Trọng – Quý):
Ví dụ: Nguyễn Mạnh Trung
Nguyễn Trọng Minh
Nguyễn Quý Tấn
Hoặc phân biệt con nhà bác, con nhà chú (Bá – Thúc)
Ví dụ: Nguyễn Bá Luân, Nguyễn Bá Lực, Nguyễn Bá Long,
Nguyễn Thúc Định, Nguyễn Thúc Đoan,
Nguyễn Thúc Đang
(13) Tên lấy từ một câu chữ trong sách cổ:
Ví dụ: Đào Trinh Nhất rút từ câu trong Luận ngữ :
Không Tử nói: “Ngô đạo nhất dĩ quán chi”.
(14) Tên lấy từ một câu danh ngôn trong cổ học:
Ví dụ: Tên Hoàng Đức Kiệm là rút từ câu cách ngôn :
“Tĩnh năng tồn tâm, kiệm năng dưỡng đức”.
Nghĩa: “Yên tĩnh có thể giữ gìn được cái tâm,
Tiết kiệm có thể nuôi dưỡng được cái đức”.
(15) Theo ý chí, tính tình riêng:
Ví dụ:
- Phạm Sư Mạnh: thể hiện ý chí ham học theo Mạnh Tử.
- Ngô Ái Liên: thể hiện tính thích hoa sen, lấy ý từ bài cổ văn : “Ái liên thuyết”.
- Trần Thiện Đạo: thể hiện tính hâm mộ về đạo hành thiện, làm việc lành.
2. Tên từ Thuần Việt
(1) tên có ý nghĩa đơn giản tự nhiên:
Ví dụ: Nguyễn Văn Vàng, Trịnh Thị Lành.
(2) Theo hoa quả thiên nhiên:
Ví dụ: Bưởi, Đào, Mận, Lài, Sen…
(3) Theo thứ tự trong gia đình:
Ví dụ: Hai, Ba, Tư, Năm, Sáu…

Những thành ngữ sau đây gồm bốn chữ, lấy từ một câu trong các cổ thư Trung Hoa. Có thể chọn một, hai chữ theo thứ tự trong thành ngữ hoặc sắp xếp cho hợp ý mình. Mỗi thành ngữ có nội dung được diễn giải rõ ràng, đầy đủ và có ví dụ đặt tên.
A
1. An cư lạc nghiệp:
An : yên lành; Cư: ở; Lạc: vui; Nghiệp: nghề
Nghĩa: Ở yên chỗ, vui với nghề.
Hán thư: “Các an kỳ cư nhỉ lạc kỳ nghiệp” (“Mỗi người đều ăn ở yên lành, sống vui với nghề nghiệp”).
Ví dụ đặt tên: Đỗ An Cư – Nguyễn Lạc Nghiệp
Phạm An Lạc – Trần Lạc An
2. An nhược kim âu:
An: yên lành; Nhược: như; Kim: vàng; Âu: cái âu.
Nghĩa: Vững như âu vàng. Ý nói: vững vàng, chắc chắn.
Nam sử chép lời Hán Vũ Đế: “Ngã quốc gia do nhược kim âu, vô sở khiếm khuyết” (“Đất nước của ta vững bền như âu vàng, chẳng có chỗ nào kém khuyết”).
Ví dụ đặt tên: Nguyễn Kim Âu – Lý Nhược An
3. Anh tài uyên tẩu:
Anh: người tài năng xuất chúng; Tài: tài năng; Uyên: cái vực sâu, có nhiều cá ở; Tẩu: cái chằm, bụi rậm, có nhiều thú hoang ẩn núp.
Ngụ ý nơi dạy được nhiều học trò giỏi, giống như cái vực sâu có nhiều cá và cái chằm rậm rạp có nhiều thú hoang ẩn náu.
Ví dụ: Phạm Anh Tài – Ngô Tài Uyên.
4. Ánh tuyết độc thư:
Ánh: ánh sáng chiếu lại; Tuyết: hơi nước trên không, gặp lạnh kết đông lại mà rơi xuống; Độc: đọc; Thư: sách.
Nghĩa: Soi tuyết đọc sách. Chỉ người học trò nghèo mà ham học.
Sách Thượng Hữu Lục kể truyện Lục Điền đời Tấn thông minh, chăm học nhưng nhà nghèo không có tiền mua dầu thắp đèn, ban đêm ông đem sách ra ngoài trời, nhờ có tuyết chiếu ánh sáng mà đọc.
Ví dụ đặt tên: Đào Thị Ánh Tuyết.
5. Ẩm thuỷ tư nguyên:
Ẩm: uống; Thuỷ: nước; Tư: nghĩ, nhớ; Nguyên: nguồn.
Nghĩa: Uống nước nhớ nguồn. Chỉ sự biết ơn, nhớ ơn.
Ví dụ đặt tên: Trần Tư Nguyên – Bùi Thuỷ Nguyên
6. Ẩn ác dương thiện:
Ẩn: giấu đi; Ác: xấu, hung dữ; Dương: cất lên, khen ngợi; Thiện: tốt lành.
Nghĩa: Giấu điều ác, điều xấu; khoe việc hay, sự tốt ra.
Ví dụ đặt tên: Bùi Thiện Dương – Vũ Dương Thiện
B
1. Bác cổ thông kim
Bác: rộng; Cổ: đời xưa; Thông: suốt qua, hiểu rõ; Kim: đời nay.
Nghĩa: Hiểu biết rộng đời xưa, thông suốt cả đời nay; người bác học.
Ví dụ đặt tên: Lê Thông Kim – Trần Bác Kim
Trịnh Kim Thông.
2. Bách chiến bách thắng:
Bách: trăm; chiến: đánh nhau; thắng: hơn, lấy sức mà khuất phục người.
Nghĩa: Đánh trăm trận đều thắng cả trăm trận. Nghĩa bóng: vô địch, không ai hơn nổi.
Ví dụ đặt tên: Nguyễn Chiến Thắng – Lê Bách Thắng
Trần Thiện Thắng – Tạ Bách Chiến
3. Bách bộ xuyên dương:
Bách: trăm; b ộ: bước; xuyên: suốt, thấu qua; dương: dương liễu
Nghĩa: Cách trăm bước, bắn xuyên qua lá dương
Sử ký viết: “Người bắn cung giỏi như Dưỡng Do Cơ đời nhà Chu, đứng xa cách trăm bước mà bắn tên trúng xuyên qua lá liễu”, chỉ tài bắn tên siêu phàm. Nghĩa bóng: Người có tài, hữu dụng cho đất nước.
Ví dụ đặt tên: Nguyễn Bách Xuyên – Phạm Dương Xuyên
Trần Xuyên Dương – Đinh Bách Dương
4. Bách niên hảo hợp:
Bách: một trăm; niên: năm; hảo: tốt lành; hợp: hoà hợp.
Nghĩa: Trăm năm hoà hợp. Ý chỉ vợ chồng hoà hợp tốt đẹp, lâu dài.
Ví dụ đặt tên: Trần Thị Hảo – Đào Thị Hợp
Đặng Văn Hảo – Nguyễn Văn Hợp.
5. Bách xích can đầu:
Bách: trăm; xích: thước; can: cây sào; đầu: cái đầu.
Nghĩa: Cây sào trăm thước. Nguyên câu là: “Bách xích can đầu, cánh tiến nhất bộ” (“Dù đã lên tới đầu cây sào cao trăm thước, nhưng vẫn cố tiến thêm một bước nữa”). Ý nói: Có tài cao, nhưng không lấy làm tự mãn, vẫn cố gắng để tiến bộ thêm. Thành ngữ “bách xích can đầu” chỉ người có tài năng, đạo đức ở đỉnh cao.
Ví dụ đặt tên: Lưu Bách Xích – Hồ Bách Can.
6. Bàn khê thọ khảo:
Bàn: địa danh ở huyện Bảo Khê, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc; khê: khe suối; thọ: sống lâu; khảo: già.
Nghĩa: Khe bàn sống lâu. Theo tích xưa, Khương Tử Nha ngồi câu cá ở Khe Bàn, lúc đó khoảng tám chục tuổi, được Văn Vương mời ra cầm quân diệt nhà Trụ, lập nên nhà Chu.
Ví dụ đặt tên: Mai Thọ Khê – Trần Bàn Khê.
7. Băng hồ thu nguyệt:
Băng: giá, nước vì lạnh mà đóng lại thành thể rắn; hồ: cái bình đựng rượu; thu: mùa thu; nguyệt: trăng.
Nghĩa: Bầu giá trăng thu. Nghĩa bóng: Lòng trong sạch của bậc hiền nhân quân tử.
Thơ Lý Diên Niên: Băng hồ thu nguyệt
Oánh triệt vô hà.
Nghĩa: Như bầu giá băng
Trong suốt không bợn.
Ví dụ đặt tên: Trần Băng Hồ - Trịnh Thị Thu Nguyệt
Dương Ngọc Hồ - Phạm Băng Tâm
8. Bất khả tư nghị:
Bất: không; khả: có thể; tư: nghĩ; nghị: bàn
Nghĩa: Không thể bàn. Chữ trong kinh Phật: “Kỳ công đức bất khả tư nghị, quả báo diệc bất khả tư nghị” (“Công đức không thể nghĩ, bàn bạc được; quả báo cũng không thể nghĩ, bàn bạc được”).
Chỉ một sự việc, một nhân cách cao siêu, không thể bàn bạc, nghĩ đến được.
Ví dụ đặt tên: Nguyễn Bất Nghị - Mạnh Khả Tư
Phạm Tư Nghị
9. Bất tri vi bất tri:
Bất: không; tri: biết; vi: là
Nghĩa: Không biết thì là không biết
Chữ lấy trong sách Mạnh Tử: “Tri chi vi tri, bất tri vi bất tri, thị tri dã” (“Biết thì nói là biết, không biết thì nói là không biết, như thế đó mới gọi là biết vậy”).
Ý câu này dạy sự chân thật trong tri thức.
Ví dụ đặt tên: Lê Thị Bất Tri – Nguyễn Thị Tri
Dương Bất Tri – Trần Văn Tri
10. Bị hạt hoài ngọc:
Bị: mặc; hạt: áo vải của người nghèo; hoài: mang, ôm, lận; ngọc: viên ngọc
Nghĩa là : Mặc vải lận ngọc. Nghĩa bóng: Người quân tử không muốn cho người đời biết mình.
Sách Lão Tử viết: “Tri ngã giả hi, tắc ngã quí hĩ; thị dĩ thánh nhân bị hạt hoài ngọc” (“Ít kẻ biết ta thì ta lại quý, cho nên thánh nhân mặc đồ vải gai mà trong lưng lận ngọc báu”).
Ví dụ đặt tên: Bùi Ngọc Hoài – Vũ Ngọc Hoài
Phùng Hoài Ngọc – Trương Hoài Ngọc
11. Bĩ cực thái lai:
Bĩ: tên một quẻ trong Kinh Dịch; chỉ sự bế tắc; cực: rất lắm, cuối cùng; thái: tên một quẻ, chỉ sự thông thuận, an vui; lai: đến.
Nghĩa: Bế tắc ở mức cùng tột thì đến sự thông thuận, an vui. Hết thời vận xấu, đến thời may mắn.
Ví dụ đặt tên: Nguyễn Thái Lai – Trần Văn Lai
Phạm Văn Thái.
12. Biên châu chuyết ngọc:
Biên: đan bện, sắp xếp; châu: hạt ngọc trai; chuyết: kết lại với nhau; ngọc: viên ngọc
Nghĩa: Sắp xếp lại các hạt châu và kết các viên ngọc lại với nhau.
Nghĩa bóng: làm bài văn tuyệt diệu. Đây là lời khen một nhà làm văn xuất sắc.
Ví dụ đặt tên: Trần Thị Châu Ngọc – Lý Ngọc Châu
Phạm Ngọc Biên – Nguyễn Chuyết Ngọc
13. Bộ bộ liên hoa
Bộ: đi bộ, bước; liên: hoa sen; hoa: bông hoa.
Nghĩa: bước bước hoa sen.
Nam sử kể: Đông Hôn Hầu yêu quý nàng hầu là Phan Phi rất đẹp, cho làm cái lầu ở, sàn chạm những đoá sen. Mỗi lần nàng bước đi, ông khen: “Thử bộ bộ liên hoa dã” (“Mỗi bước đi nở một đoá sen vậy”). Chỉ sự tôn quý, đẹp đẽ.
Ví dụ đặt tên: Nguyễn Thị Liên Hoa – Trần Thị Liên.


TỔNG HỢP TỪ KHONGTU.COM VÀ http://phongthuy.vietaa.com/
------------------------------------------------------------
"KIẾN THỨC CƠ BẢN VỀ CÁCH CHỌN TÊN
HỌ TÊN & VẬN MỆNH !
Khi 1 đứa trẻ sinh ra , điều đầu tiên mà người ta làm cho nó là đặt tên . Vì vậy , cái tên cũng có nghĩa là sự ảnh hưởng đầu đời đến vận mệnh đứa bé . Bạn có biết điều bí mật này không ?
Đối với 1 cái tên , nó thể hiện ngầm một điều khiển nào đó đến vận mệnh con người , vì trong cái tên nó hàm chứa một quyền lực mà ta không thể lý giải được , chỉ biết nó thuộc trên phương diện tâm linh và đi theo số phận , dể cùng số phận điều khiển vận mệnh con người sau đó .
Có quan điểm cho là ... tên nó phù hộ cho vận mệnh , nó đem lại sự thuận lợi , ban cho sự may mắn ... nếu bạn có được một cái tên phước lành ; ngược lại , khi bạn mang một hung tên , thì cái tên đó như là một cái gọng , vô hình đè lên bạn , dù bạn có nổ lực nhiều ... thì vẫn có một con mắt đen vô hình nào đó , cản trở , làm bạn gặp nhiều bất hạnh trong đời .
Điều thực tế này , bạn có thể nhìn quanh mình và nhận thấy ... có sự khác biệt giữa người mang tên phước lành và người mang hung tên ... một phản ánh rõ ràng và hệ quả !
Cái tên khi được đặt ... là báo hiệu cho sự sinh ra trong cuộc sống trần gian của một người . Và cụ thể , nó đi theo sinh mệnh của người mang nó , hàm chứa trong đó quyền lợi và nghĩa vụ mà người đó sẽ có . Người ta có thể biết hay không điều này , những ảnh hưởng , chi phối đến sinh hoạt từ cái tên ... thì vẫn là sự hiển nhiên âm thầm trên mặt tâm linh .
Phương pháp chọn và xem tên , cũng giống như là phương pháp đoán vận mệnh , nó không có giới hạn rõ ràng . Vì vậy , chúng ta cần thận trọng để dùng cái tên như là người quân tử biết dùng kiến thức giàu có , suy nghĩ sâu xa làm phương thuốc kỳ diệu để giúp đời , tránh biến nó thành lưỡi dao của kẻ sát nhân !
CÁCH PHÂN TÍCH HỌ TÊN
Phân tích họ tên , ta có thể phán đoán được điềm hung ác trong cái tên đó . Trước tiên , họ tên hàm chứa 5 ý nghĩa trong đó : Thiên vận , nhân vận , địa vận , ngoại vận và tổng vận .
5 ý nghĩa trên còn gọi là ngũ vận hay ngũ cách của cái tên .
- Thiên vận : là điềm báo do cái họ đem đến
- Nhân vận : là điềm báo do sự kết hợp ý nghĩa sâu xa bên trong tên và họ
- Đia vận : là điềm báo do cái tên đem đến
- Ngoại vận : là điềm báo do sự kết hợp ý nghĩa bên ngoài tên và họ
- Tổng vận : là điềm giải đoán chung trên toàn thể tên và họ .
Phân tích nghĩa của ngũ vận xong , ta phải xét theo số nét hoa chữ Hán để biết ý nghĩa Cát – Hung ( tốt – xấu ) , cấu trúc hài hoà của chữ Hán của tên và họ ...
CÁC GIẢ THUYẾT VỀ PHÂN LOẠI HỌ TÊN THÔNG DỤNG
QUAN ĐIỂM ÂM DƯƠNG NGŨ HÀNH & CÁCH SẮP XẾP Ý NGHĨA ÂM DƯƠNG
Ý NGHĨA CỦA TÊN GỌI VÀ ẢNH HƯỞNG CỦA NÓ
Ý NGHĨA ÂM THUẦN NHẬT VÀ HÁN NHẬT ( NẾU TIẾNG Việt là Âm Thuần Việt và Hán việt )
MỐI LIÊN HỆ GIỮA HỌ TÊN VÀ VẬN MỆNH
THẾ NÀO LÀ MỘT CÁI TÊN TỐT ?
Điều kiện để tạo nên 1 cái tên tốt gồm rất nhiều yếu tố, nhưng trước tiên quan trọng nhất phải là sự hài hoà giữa họ và tên, nghĩa là phải tương sinh mà không tương khắc.
Trong thuật đoán họ tên, điều cơ bản là phải nhìn linh số để có thể phán đoán điềm hung ác trong cái tên. ( Linh số có thể hiểu là tâm hồn của cái tên , tức là số nét hoa chứa trong cái tên và để cấu tạo thành ý nghĩa , mà khi phân tích ra từng ý nghĩa nhỏ đều hàm chứa sự sâu sắc ). Kế đó, xem về mặt âm dương ngũ hành và âm thanh ...để xem có yếu tố nào bất thường hay bất ổn không.
Một cái tên tốt lành và may mắn đòi hỏi sự hài hoà và hổ trợ nhau giữa tên và họ. Điều đó thể hiện ở ngoại cảm cái tên như :
- Nhìn vào tên , linh cảm tốt.
- Nghe cái tên, cảm thấy thân thiện.
- Tên có vẽ hợp với họ.
- Tên dễ viết.
- Ten dễ gọi
Về sự tương khắc, tương sinh trong tên họ, Yoshimi nhận thấy như sau:
1. Sự tương khắc, tương sinh có thể xảy ra trong bản thân giữa tên và họ.
Ví dụ:
+ họ thuộc hành Thổ, tên thuộc hành Mộc... tức sẽ có sự xung khắc. (Thổ khắc Mộc)
+ họ thuộc hành Thổ, tên thuộc hành Hỏa... tức sẽ có sự tương sinh.(Hỏa sinh Thổ)
2. Sự tương khắc, tương sinh nằm giữa tên họ và bản mệnh của người mang nó.
Ví dụ: 1 đứa trẻ sinh năm 2003, sẽ có mệnh Mộc.
+ Nếu đặt tên bé là Ngân (tiền, kim loại) thuộc hành Kim, tên và Mệnh của bé có sự xung khắc.
+ Nếu bé được đặt tên Thủy (nước), tức tên và Mệnh có sự tương sinh.
** Về họ và tên, như có 1 bài viết Yoshimi có đề cập đến: Họ là Thiên văn vì khi một người chào đời, sẽ phải mang họ của tổ tiên mình để lại. Tên thuộc về Nhân văn vì nó gần hơn, cái tên là sự chọn lựa của cha mẹ tặng cho con cái.
Với người Trung Quốc hay Nhật Bản, họ thường gọi nhau bằng họ. Người Việt mình gọi nhau bằng tên. Do đó, tên nên hạp với Mệnh.
** Còn chữ lót, đóng vai trò thế nào trong tên họ của một người? Có lẽ là chữ lót đi theo tên là chính. Vì nhiều khi ta gọi ai đó bằng chữ lót với tên như: Minh Anh, Quang Dũng...
Điểm quan trọng nhất trong việc chọn tên là họ, chữ lót, tên.... phải có sự hài hòa. Ví như xây một ngôi nhà, kết cấu nền móng phải hạp với kiến trúc!"
..............."
" Việc đặt tên có ý nghĩa vô cùng quan trọng, tên họ có vai trò ảnh hưởng rất nhiều đến vận mệnh của cả một đời người. Cái tên của mỗi người chính là biểu tượng phản ánh toàn bộ chủ thể bản thân con người ấy. Cái tên cũng dùng rất nhiều trong giao tiếp, trong học tập, sinh hoạt, công việc hàng ngày. Vì lẽ đó, cái tên tạo thành một trường năng lượng có ảnh hưởng vô cùng quan trọng đến vận mệnh mỗi con người.
Từ xa xưa cha ông ta đã lưu ý rất nhiều khi đặt tên cho con cháu mình, thời Phong Kiến, người xưa có quan niệm rằng kỵ đặt tên phạm huý, tức là tên trùng với tên họ của vua quan quý tộc, như thế sẽ bất lợi cho con cháu. Ngoài ra, cũng kỵ đặt những tên quá mỹ miều, sợ quỷ thần ghen ghét làm hại nên lúc nhỏ sẽ khó nuôi. Những người có học hành, chữ nghĩa thì đặt tên con cháu theo những ý nghĩa đặc trưng của Nho Giáo như Trung, Nghĩa, Hiếu, Thiện,…
Ngày nay việc đặt tên có xu hướng phóng khoáng hơn xưa nhưng cái tên vẫn có một ý nghĩa vô cùng quan trọng, không những chỉ mang yếu tố mỹ cảm mà về yếu tố Âm Dương, Ngũ Hành cái tên còn có vai trò rất quan trọng trong việc cải tạo vận mệnh của mỗi người.
Tổng quan những lý thuyết quan trọng cho việc đặt tên bao hàm những yếu tố sau:
- Cái tên được đặt phải phù hợp với truyền thống của mỗi dòng họ. Từ xưa đến nay trong văn hoá Việt Nam nói riêng và văn hoá Á Đông nói chung đề cao vai trò của gia đình, dòng họ. Con cháu phải kế thừa và phát huy được những truyền thống của tổ tiên gia tộc mình. Điều này thể hiện trong phả hệ, những người cùng một tổ, một chi thường mang một họ, đệm giống nhau với ý nghĩa mang tính kế thừa đặc trưng của mỗi chi, mỗi họ như họ Vũ Khắc, Nguyễn Đức,…
- Tên được đặt trên cơ sở tôn trọng cha, ông của mình, như tên kỵ đặt trùng với tên ông, bà, chú, bác…điều này rất quan trọng trong văn hoá truyền thống uống ước nhớ nguồn của Việt Nam ta (nhưng lại ngược lại với văn hoá Tây Phương, vì ở Tây Phương khi dùng tên của ông bà, chú bác lại là 1 vinh hạnh).
- Tên phải có ý nghĩa cao đẹp, gợi lên một ý chí, một biểu tượng, một khát vọng, một tính chất tốt đẹp trong đời sống. Như cha mẹ đặt tên con là Thành Đạt hy vọng người con sẽ làm nên sự nghiệp. Cha mẹ đặt tên con là Trung Hiếu hy vọng người con giữ trọn đạo với gia đình và tổ quốc.
- Bản thân tên phải có ý nghĩa tốt lành, đã được đúc kết và nghiệm lý theo thời gian như tên Bảo, Minh thường an lành hạnh phúc. Kỵ những tên xấu như Lệ, Tài,…vì những tên này có ý nghĩa không tốt đẹp đã được kiểm chứng trong nhiều thế hệ.
- Tên bao gồm 3 phần là phần họ, đệm và tên. 3 phần này trong tên đại diện cho Tam Tài Thiên - Địa – Nhân tương hợp. Phần họ đại diện cho Thiên, tức yếu tố gốc rễ truyền thừa từ dòng họ. Phần đệm đại diện cho Địa tức yếu tố hậu thiên hỗ trợ cho bản mệnh. Phần tên đại diện cho Nhân tức là yếu tố của chính bản thân cá nhân đó. Thiên - Địa – Nhân phối hợp phải nằm trong thế tương sinh. Mỗi phần mang một ngũ hành khác nhau, việc phối hợp phải tạo thành thế tương sinh, kỵ tương khắc. Ví dụ như Thiên = Mộc, Địa = Hoả, Nhân = Thổ tạo thành thế Mộc sinh Hoả, Hoả sinh Thổ, Thổ sinh Kim là rất tốt. Nếu Thiên = Mộc, Địa = Thổ, Nhân = Thuỷ tạo thành thế tương khắc là rất xấu. Yếu tố này cũng có thể nói gọn là tên phải cân bằng về Ngũ Hành.
- Tên phải cân bằng về mặt Âm Dương, những vần bằng thuộc Âm, vần trắc thuộc Dương. Trong tên phải có vần bằng, trắc cân đối, kỵ thái quá hoặc bất cập. Ví dụ như Thái Phú Quốc quá nhiều vần trắc, Dương cường, Âm nhược nên luận là xấu. Tên Thái Phú Minh luận là Âm Dương cân bằng nên tốt hơn.
- Yếu tố rất quan trọng của tên ngoài việc cân bằng về Âm Dương, Ngũ Hành còn phải đảm bảo yếu tố hỗ trợ cho bản mệnh. Ví dụ, bản mệnh trong Tứ Trụ thiếu hành Thuỷ thì tên phải thuộc Thuỷ để bổ trợ cho mệnh, vì thế tên phải đặt là Thuỷ, Hà, Sương,…
- Tên còn cần phối hợp tạo thành quẻ trong Kinh Dịch, quẻ phải tốt lành như Thái, Gia Nhân, Càn, tránh những quẻ xấu nhiều tai hoạ rủi ro như quẻ Bĩ, Truân, Kiển,…Quẻ cũng cần phối hợp tốt với Âm Dương Bát Quái của bản mệnh.
Ví dụ về đặt tên : nữ sinh năm Giáp Thân, trong Tứ Trụ mệnh thiếu Kim, nên dùng tên bổ trợ hành Kim cho bản mệnh. Tên đặt Nguyễn Thái Ngọc Nhi. Sau đây phân tích những yếu tố tốt của tên này:
1. Ngũ Hành tương sinh : Họ Nguyễn = Mộc sinh Thái = Hoả sinh Ngọc = Thổ sinh Nhi = Kim. Ngũ Hành tạo thành vòng tương sinh hỗ trợ cho bản mệnh thiếu Kim
2. Tên này Âm Dương cân bằng vì hai vần bằng trắc cân đối ngụ ý một đời sống an lành, tốt đẹp
3. Ý nghĩa của tên trong Hán văn có nghĩa là viên ngọc quý, hàm ý một đời sống sang trọng, đầy đủ
4. Phối quẻ được quẻ Dự là một quẻ tốt cho nữ số.
Những người có tên không tốt hoặc vận mệnh đang gặp khó khăn trở ngại thì đổi tên là một trong những phương pháp hiệu quả để cải tạo vận mệnh của chính mình.
Tóm lại, đặt tên tốt là một việc rất khó khăn, bao hàm rất nhiều yếu tố phối kết hợp để tạo thành một tên đẹp theo nghĩa mỹ cảm lẫn Âm Dương, Ngũ Hành, hầu đem lại cho người mang tên đó một sự hỗ trợ cần thiết cho cuộc sống tốt lành trong tương lai, để rạng danh được dòng họ của mình, mang lại sự nghiệp tốt đẹp cho bản thân và xã hội. ...."
Theo: http://www.nhantrachoc.net.vn/






END