Search

27.2.24

GIỚI CẤM THỦ - SĪLAVATA-PARĀMĀSA

GIỚI CẤM THỦ - SĪLAVATA-PARĀMĀSA

"Giới cấm thủ" (戒禁取) thường được xem là dịch từ chữ "sīlavata-parāmāsa" (sīlabbata-parāmāsa, sīlavata-upādāna), có nghĩa là chấp thủ vào giới điều, lễ nghi. Đây là một trong mười sợi dây trói buộc (kết sử, thằng thúc - samjoyana), trói buộc con người trong vòng sinh tử luân hồi.
Sīla dịch là giới (hay giới đức), vata dịch là điều lệ (hay nghi thức), parāmāsa dịch là chấp thủ.
Sīlavata-parāmāsa có thể dịch là chấp thủ vào giới điều, lễ nghi, hình thức – giới lễ nghi thủ.
Không hiểu chữ "cấm" là dịch từ đâu? Nhận được những thông tin, hình ảnh ngày càng phong phú, đa dạng về các sinh hoạt Phật giáo nặng phần lễ nghi tụng niệm hình thức hào nhoáng, màu mè, rườm rà, tôi bâng khuâng, không hiểu đó có phải là những dạng thái giới cấm thủ không? Nếu không cắt bỏ được sợi dây trói buộc nầy thì không thể nào nhập được vào dòng sông giải thoát.
Ở đây xin trích vài định nghĩa, tìm từ các trang web Phật giáo trên mạng Internet.
GIỚI CẤM THỦ - SĪLAVATA-PARĀMĀSA



Định nghĩa 1:

 
Từ “giới cấm thủ” (sīlabbata-parāmāsa) thường bị hiểu lầm. Trừ khử “giới cấm thủ” không có nghĩa là một thái độ buông lơi, phóng túng, dễ duôi, không giữ gìn giới hạnh.
Trái lại, nó có nghĩa là một thái độ minh triết, xem giới luật như là một phương tiện tốt, cần thiết để luyện tâm, nhưng lại không mù quáng, không quá lệ thuộc vào các hình thức giáo điều.
Một người không còn giới cấm thủ là một người lúc nào cũng có giới đức trong sạch, nhưng sống thảnh thơi trong giới luật đạo hạnh, không còn coi đó là một gánh nặng trên con đường hành trì của mình.
Trong nhiều bài kinh (Tương ưng bộ, Phẩm Dự lưu), Đức Phật thường đề cập đến bốn yếu tố chính đưa đến quả Dự lưu là lòng tín thành bất động nơi Tam Bảo và có giới đức cao thượng, lúc nào cũng được các bậc chân nhân khen ngợi.– (Bình Anson, 2004)
 

Định nghĩa 2:

 
Giới cấm thủ:Khư khư giữ chặt một giới cấm không đưa đến giải thoát, tự trói buộc mình. Giới luật Phật chế là để giúp ta giải thoát ngay hiện tại.
Tôn giả Udāyi một hôm thầm cảm ân đức của Thế Tôn đã thốt ra những lời cảm động như sau:
“Thế Tôn thật sự đã đoạn trừ nhiều khổ pháp cho ta! Thế Tôn đã thật sự mang lại lạc pháp cho ta!”, vì nhờ giới luật chế không ăn phi thời, mà tôn giả tránh được bao nhiêu nhục nhã ê chề những lúc đi khất thực vào buổi tối.
Kinh nghiệm đau đớn nhất cho ngài, như ta được nghe ngài kể lại với Đức Phật, là một hôm vào lúc sẫm tối, ngài ôm bát đứng trước một nhà nọ. Một người đàn bà từ trong đi ra, bỗng ngất xỉu vì hoảng sợ, tưởng con quỷ nào hiện hình quấy phá.
Khi hoàn hồn, bà mắng nhiếc: “Cha Tỳ kheo hãy chết đi! Mẹ Tỳ kheo hãy chết đi! Thật tốt hơn cho ngươi là lấy con dao bén mổ cái bụng chết đi còn hơn vì lỗ miệng đi khất thực buổi tối làm cho người ta sợ hết hồn!” .
Chính vì những bất tiện ấy, Thế Tôn mới chế giới cho Tỳ kheo để được sống giải thoát an vui.
Trái lại, giới cấm thủ là những kỷ luật phi lý không do một đấng giác ngộ lập ra, mà do những bậc thầy ngu si muốn lôi cuốn đệ tử bằng những điều luật khó theo, quái gở, lập dị, không vì mục đích giải thoát mà chỉ để lòe thiên hạ.
– (Ni sư Thích Nữ Trí Hải, Từ nguồn Diệu pháp, 2003)
 

Định nghĩa 3:

 
Giới cấm thủ kiến là bảo thủ cái thấy về giới phải giữ. Cố bảo thủ cái thấy phải giữ giới mà không biết là giới đó có đem lại lợi ích hay không.
Thí dụ giữ giới không nói láo, nên lúc nào cũng nói thật, nhưng không biết lợi hại của lời nói thật và dối, nên khi kẻ cướp nó hỏi cái gì thì cũng nói thật để nó làm hại người khác.
Vậy là giới cấm thủ là một sai lầm từ cái thấy giữ giới mà không nhiêu ích hữu tình.
Giới cấm thủ là đè nén và có cái thấy bị đè nén. Do vậy sự đè nén của giới cấm thủ đưa đến cái thấy bị đè nén do giữ giới. Cái đè nén này là sở tri chuớng có hại.
Giới của Phật dạy là có động cơ của tình thương và vì sự lợi ích và hiểu biết của các chúng sanh. Vì vậy giới của Phật tử không do đè nén và đàn áp tao thành tri kiến ức chế. Có cái thấy ức chế khi giữ giới là giới cấm thủ kiến. – (Minh Đức, Thế trí biện thông)
 

Định nghĩa 4:

 
Giới cấm thủ kiến: Giới đây là những kiêng cử, những cấm kỵ, những hình thức nghi lễ, những giáo điều hoặc những tín điều mà mình bị kẹt vào. Ví dụ mình tin rằng con bò là vật linh thiêng và mình không dám động tới nó. Hoặc tin rằng ông táo hay bình vôi là những vật thiêng liêng. Hoặc mình tin rằng tổ tiên mình là cây cau, mình không dám động tới cây cau.
Xứ nào, dân tộc nào cũng có những niềm tin phát sinh do sự tưởng tượng hay do sự sợ hãi của con người xứ đó.
Nghi lễ được đặt ra là để nhắm tới bảo vệ và làm cho mình an tâm. Nhưng rốt cuộc rồi mình bị kẹt vào trong nghi lễ. Giới cấm thủ kiến là sự bị kẹt vào các hình thức nghi lễ, giáo điều và tín điều không phù hợp và không có lợi ích gì cho việc thực tập chuyển hóa.
– (Thiền sư Thích Nhất Hạnh)
 
Nguồn sách: Về quả vị Dự lưu. Tuyển tập các bài viết Bình Anson biên soạn (2020)
Nguồn ảnh: Vietnamnet.vn
ghi chú: 169