Search

13.12.22

ĐƠN GIẢN LÀ TỐT NHƯNG ĐƠN GIẢN QUÁ LÀ BẬY

Trong Tăng Chi Bộ Kinh phần " 8 Pháp", Đức Phật dạy cho bà Gotami : Pháp môn nào mà mình càng đi theo mình càng được an lạc, đó là chánh pháp.

 

ĐƠN GIẢN LÀ TỐT NHƯNG ĐƠN GIẢN QUÁ LÀ BẬY



Pháp môn nào mà mình càng đi theo mình càng thích sống một mình, càng chán sợ đám đông, pháp môn nào làm cho mình càng trở nên dễ nuôi (chứ không phải dễ duôi), có nghĩa là sống sao cũng được, cái pháp môn nào càng theo mình càng trở nên tinh tấn, càng theo mình càng trở nên viễn ly, nhàn tịnh, thích thiền định, thì đó là pháp môn đúng. 
Còn pháp môn nào mà khi đi theo nó mình không có thay đổi, không có xê dịch được gì hết thì cẩn thận, phải cẩn thận cái đó. Bởi vì Đức Phật biết rõ, là khi Ngài tịch rồi, thì thầy bà nhiều như nấm sau mưa vậy đó, Ngài biết chuyện đó. Ngay cả thời Ngài còn tại thế đã đông rồi, nói chi lúc Ngài tịch. 
Cho nên muốn nói về Mạt pháp phải nói về Chánh pháp trước.
Cái đầu tiên của Chánh pháp là người đến với Đạo phải có lý tưởng đàng hoàng. Đó là lý tưởng chấm dứt sanh tử. 
Còn đến với Phật pháp mà để cầu công đức, quả báo nhân-thiên là không đúng. 
Cái thứ nhất là biết trăn trở, có lý tưởng. 
Cái thứ hai là vấn đề nhận thức, phải có khả năng nhận thức đúng đắn. 
Có nhận thức đúng thì mới có hành trì đúng. Đó là cái thứ ba của chánh pháp, là người Tăng Ni Phật tử hành trì đúng.

TĂNG NI PHẬT TỬ THỜI NAY CHIA RA NHIỀU PHE NHIỀU PHÁI NHƯNG MÌNH GOM LẠI THÀNH HAI NHÓM.


Một nhóm chuyên tâm đào bới, nghiên cứu, tham khảo chiều sâu chiều rộng chiều cao của giáo lý. 
Nhóm hai thì một là do tánh làm biếng, hai là do huệ căn mỏng nên lười học đạo, thích theo đường lối nào mà khỏi xài tới cái đầu, khỏi xài tới trí nhớ trí hiểu, họ thích cái đó. Tu vậy cho nó khỏe. Đó là nói về nhận thức. Mà hễ khi nhận thức nó hời hợt, nó sơ sài, nó đơn giản quá mức thì coi chừng nó bị thiếu. 
Ông Albert Einstein cha để thuyết tương đối, relative theory, ổng có nói một câu mà tôi rất là thích: "Đơn giản là tốt, nhưng đơn giản quá là bậy." 
Đơn giản là tốt, bởi vì đơn giản là không dư, không thừa, thì gọi là đơn giản. Nhưng đơn giản quá, gọi là "lacking of" là thiếu. Nhớ cái đó. 
Đơn giản là được, nhưng đơn giản quá là thiếu. Không có dư thì gọi là đơn giản, không có rườm rà rắc rối thì gọi là đơn giản. Nhưng hễ đơn giản quá thì coi chừng nó bị thiếu. 
Mình học đạo mà không học đủ, thì lấy gì mình hành? 
Nhưng cắm đầu làm con mọt sách một đời mà không hành trì mình thì chỉ là cái tủ Kinh, chỉ là cái bị, cái đãy để chứa kinh thôi. 
Tuy nhiên, đừng có nghe người ta chửi mấy cái đãy kinh, mấy cái tủ kinh rồi mình cũng trề môi "Ừ, tui hổng có ngu đâu." Thế là mình không thèm học gì hết. Người ta ít ra người ta còn là cái túi kinh, cái đãy kinh, còn mình là cái túi gạo, bịch bột thôi. 
Kẹt vậy đó. Đó là cái cực đoan phải tránh. Cả đời làm con mọt sách cũng sai, mà cả đời sợ kinh điển không dám lật ra nghiên cứu cũng là sai.

VÀ TỪ ĐÓ NÓ DẪN ĐẾN CÁI HÀNH TRÌ. HÀNH TRÌ CŨNG CHIA THÀNH HAI NHÓM. 


Nhóm một, hành trì để mà hướng đến sự buông bỏ. 
Còn nhóm hai, hành trì để mà có được cái này cái kia. Nhớ cái này. 
Có hai cách tu, cách tu một là để đắc cái này, để đắc cái nọ, còn cách tu thứ hai là tu để bỏ cái này, bỏ cái kia. 
Có rất đông người Tu nhắm đến chuyện đắc cái này, đắc cái kia, nay được phỉ lạc, mai thấy rợn người nhẹ bỗng, rồi có người cảm cảm làm như có hào quang hay gì đó ... Chính vì có những người họ tu với một sự câu chấp nặng nề như vậy cho nên mới có lời khuyên: "Tu là để buông, chứ không phải Tu là để đắc." 
Cái lời khuyên đó chỉ dành cho người nào họ khư khư câu chấp. Nhưng bất hạnh thay, cái lời khuyên này bị người ta hiểu lầm. Người ta cho rằng, tu là không cần hướng tới cái gì hết, cứ để tâm rỗng rang khơi khơi vậy đó. Hiểu vậy là sai.
Tôi nhắc lại, lý tưởng cao nhất của Đạo Phật là buông chứ không phải là nắm. Nhưng mà mình phải hiểu rõ chữ buông ở đây là buông cái gì và nắm ở đây là nắm cái gì. 
Nắm ở đây là khư khư mong mỏi được cái này, đắc cái kia - thì gọi là không nên. 
Và buông là buông cái phiền não, buông cái câu chấp. Chứ không phải buông là không màng tới giáo lý. Nghĩ vậy là sai. Các vị nhớ lại dùm tôi. 
Các vị biết đi xe đạp không? Cái tay mình nắm cái ghi-đông phải chặt chứ nắm lơi lơi là không được, phải nắm chặt để lúc cần mình bóp thắng. Nhưng mà nó chặt ở mức nào, và cái chân của mình mình phải thả lỏng mình mới đạp được. Chân mình phải thả lỏng mình mới đạp cái pedal được, nhưng phải thả lỏng ở mức độ nào; và cái tay mình nắm ghi-đông mình phải nắm mà nắm ở mức độ nào; thì mình mới điều khiển cái xe vận hành được. 
Người biết lội nói cái này họ hiểu liền. Người biết lội họ ngộ lắm. Khi họ lội mà hỏi họ "có gồng không?" họ nói không. Hỏi họ "có buông 100% không?" họ cũng nói không. "Không buông không gồng". Nhưng người biết lội họ biết thế nào là sự nỗ lực trong lúc bơi. 
Trong lúc bơi có ra sức hay không? Có, nhưng mà họ ra sức một cách uyển chuyển, một cách linh hoạt, một cách đúng mức, một cách hợp lý họ mới nổi lên mặt nước, họ mới di chuyển trên mặt nước được. 
Chứ còn nếu mình cứ khư khư mình nói xuống nước phải gồng cũng không đúng. Mà nói xuống nước buông 100% cũng không đúng. Nó phải là sự kết hợp nhuần nhuyễn, linh hoạt, thông minh, hợp lý của cái của cái gọi là buông và nắm.

Sư Giác Nguyên Giảng Giải ( Chép Lại Bài Giảng Của Sư )



Thống kê SÁCH đọc nhiều theo thời gian