Search

31.10.22

TƯỞNG TRI

Hỏi: Thế nào là tâm sở Tưởng (saññā cetasika)? Đáp: Pháp nào có trạng thái nhớ lại, biết lại, pháp ấy gọi là tưởng.


Trưởng lão Sārīputta có dạy:
- “Sañjānāti sañjānātī’ti kho āvuso tasmā saññāti saññātī’ti. Này hiền giả! Nhớ biết, nhớ hiểu là tưởng” .
Tưởng là một tâm sở rất quan trọng trong đời sống tâm linh, chính sự nhận thức “cái gì” đó qua dấu hiệu (nimitta) từng biết, nhận thức ấy có thể đúng, có thể sai. Biết bao lần ta té ngã chỉ vì “từng biết” miếng ván này vững chắc, nhưng hiện tại nó đã mục nát, biết bao lần ta nhầm lẫn người xa lạ là thân quen, chỉ vì họ có những nét “đã từng biết”, có lần ta rơi xuống hố chỉ vì “từng biết đám cỏ” phủ lên trên miệng hố...
Chính những “dấu hiệu đã từng biết” đưa đến suy luận rồi dẫn đến nhận thức sai, như cho rằng “mặt trời quay quanh trái đất” cũng do dấu hiệu “sáng mọc, chiều lặn”. Cũng do những “dấu hiệu kỳ lạ” của đất đá mà nảy sinh “tôn sùng linh vật”, cũng do những dấu hiệu “ủ rũ héo tàn” của cây cỏ khi người chăm sóc chúng mất đi, làm nảy sinh quan niệm “cây cỏ cũng có vui buồn”, cũng do dấu hiệu “hạnh phúc - đau khổ” dẫn đến quan niệm “ban thưởng hay trừng phạt của Đấng Tạo hóa vô hình ...
Tưởng có năng lực dẫn dắt tâm đi “lang thang” giữa muôn ngàn “sai - đúng” như thế, nên tưởng rất quan trọng trong hành trình tâm linh.
Chính Tưởng tích lũy những dấu hiệu để hình thành trí suy luận (trí tư), tưởng là nền tảng ban đầu cho tri thức, nếu như tưởng được đặt đúng hướng.
...
Tỳ kheo Chánh Minh.

TƯỞNG TRI


Ghi chú: KINH BĀHIYA

...
Vậy này Bāhiya, ông cần thực tập như sau: trong cái thấy chỉ là cái thấy; trong cái nghe chỉ là cái nghe; trong cái cảm giác chỉ là cái cảm giác; trong cái nhận thức chỉ là cái nhận thức. Thực tập như thế, Bāhiya, ông sẽ không “vì điều đó” mà có. Khi ông không “vì điều đó” mà có thì ông sẽ không hiện hữu “trong đó”. Và khi ông không hiện hữu “trong đó” thì ông sẽ không hiện hữu ở bên này, không ở bên kia, cũng không  ở giữa. Chỉ như thế là đoạn tận khổ đau.”



Thống kê SÁCH đọc nhiều theo thời gian

27.10.22

THÁNG VU LAN VÀ THÁNG CÔ HỒN

Đức phật ngài dạy chỉ có một cách duy nhất để trả được ơn cha mẹ đó chính là an trú cha mẹ vào bốn pháp : chánh tín, giới hạnh, thí xả, trí tuệ.

Đức phật ngài dạy chỉ có một cách duy nhất để trả được ơn cha mẹ đó chính là an trú cha mẹ vào bốn pháp : chánh tín, giới hạnh, thí xả, trí tuệ.

Trên đời này có hai hạng người khó mà mình trả xong cái ơn. Đó chính là cha mẹ. Ngài xác định rằng cho dù một đứa con có để cha mẹ ngồi lên hai vai của mình để mà đi hết một đời như vậy, để cho cha mẹ tiểu tiện trên người của mình. Một trăm năm đâu phải là ít, một kiếp người cũng khá dài khi mà phải chịu đựng bao nhiêu thứ khó nhọc đó.Tuy nhiên sự khó nhọc đó của người con cũng không thể nào bù đắp được cái tấm lòng, ơn sâu nghĩa nặng mà cha mẹ đã dành cho mình. 
Là vì bản thân đứa con đó, tấm lòng của đứa con trong lúc cõng cha mẹ trên vai không bì được với tấm lòng của cha mẹ lúc chăm sóc con cái, chỉ cái khoảng này thôi, mặc dù trên hình thức quay phim chụp hình thì mình thấy một đứa con mà cõng cha cõng mẹ suốt một trăm năm trên vai, để cho ông bà tiểu tiện trên người của mình, thì mình thấy hình ảnh đó nó dễ sợ thiệt. Nhưng mà ngồi ngẫm lại vì sao Đức Phật dạy như vậy, chuyện rất là đơn giản, vì tấm lòng của đứa con mà họ cõng, dầu là đại hiếu chí hiếu cũng không có bì được cái tấm lòng từ bi hỷ xả của cha mẹ mà dành cho con cái từ lúc biết nó đã tượng hình phôi thai, cho đến khi nó chết hoặc mình chết. 
Trong suốt khoảng thời gian đó tấm lòng trời bể của cha mẹ, con cái không thể nào bì được. Khi ngài xác nhận để trả ơn cha mẹ thì với hình thức vật chất ấy không thể nào đáp đền trong muôn một. Tuy nhiên chỉ cần người con hướng dẫn cha mẹ có một đời sống tâm linh thì coi như có thể đáp đền được . 
Trong Chú giải có ghi rõ con cái chỉ có một cách duy nhất để báo hiếu rốt ráo là giúp cha mẹ có được bốn pháp lành sau đây : 

Saddha-Chánh tín, 
Sila-Giới hạnh, 
Caga-Thí xả, 
Panna-Trí tuệ. 

Vì nhờ hành trì bốn pháp này thì cha mẹ sẽ có đường luân hồi tốt đẹp. Thậm chí chấm dứt luân hồi . 
Ngài giải thích thêm giống như trường hợp ngài tôn giả Xá Lợi Phất, năm 40 tuổi ngài đi tu, 84 tuổi ngài trở về gặp mẹ. Chỉ có một đêm gặp mẹ lúc rạng sáng trước khi nhắm mắt viên tịch, ngài thuyết pháp cho mẹ nghe, giúp cho mẹ chứng sơ quả Tu-Đà-Hườn, rồi ngài xuôi tay ra đi. Thì đây là cách trả ơn mà được xem là rốt ráo nhất. 
Nói là đắc Tu-Đà-Hường nhưng thật ra đó là một cách nói khác của bốn cách tôi vừa nói.

1-Đức tin. Là chánh tín. Có nghĩa là niềm tin căn cứ trên trí tuệ, nghiệp báo và tam tướng. Tin rằng làm thiện thì được vui, làm ác thì bị khổ. Mọi thứ do duyên mà có, có rồi phải mất.

2-Giới hạnh. Là người sơ cơ giữ giới để cầu phúc, giữ giới vì người khác như vì e ngại thị phi. Có nghĩa là nếu mà mình giữ giới để cầu phúc, để tránh tội thì mình không có sát sanh. Bởi vì mình sợ kiếp sau mình sanh ra mình yểu thọ, bệnh, để kiếp sau mình được trường thọ khỏe mạnh. Còn riêng bậc hiền trí nói chung , bậc hiền thánh nói riêng , giữ giới vì lòng của các vị không có lý do nào để mà cướp đoạt mạng sống của người khác, và chẳng những không sát sanh mà các vị còn tránh luôn cả cái râu ria những liên quan đến giới sát sanh. Ví dụ làm khổ chúng sanh khác nó cũng là râu ria của giới sát. 
Như giới hành dâm là tính giao, giao phối nam nữ, có 7 điều liên quan gọi là : methunasamyoga có nghĩa là không gần gũi thân xác nhưng thích nhìn ngắm, nghe tiếng nói, tơ tưởng đều là liên quan đến việc tính giao. Mình không sát sanh, không trộm cắp cũng vậy. Đúng là mình không có cướp đoạt lén lút lấy của người ta, nhưng mà có lòng ham thích chú ý lưu tâm đến cái của người khác cũng là không nên. Đại khái như vậy. Vậy thì giới có 2 trường hợp, một là cầu phúc tránh tội, hai là bản chất thiện pháp của mình không cho mình làm chuyện đó . 

3-Thí Xả. Giúp cho cha mẹ có khả năng thí xả, có nghĩa là mình nói làm sao để cho cha mẹ thấy rằng buông ra tốt hơn nắm lại. 
Chẳng hạn như trong kinh Đức Phật dạy rằng : Một ngôi nhà đang cháy thì việc làm duy nhất mà gia chủ cần phải thực hiện đó là nhanh chóng đem ra những thứ có giá trị mà mình không muốn mất. Cũng vậy, trong tấm thân này nó sẵn sàng gặp bao nhiêu điều bất trắc, lão, bệnh, tử, tai họa, những bất thường không lường trước được, chúng ta có thể ra đi bất cứ lúc nào. 
Một mình ăn sẽ hết, người khác ăn sẽ còn. Khả năng bố thí cũng có ý nghĩa, một là bố thí cầu phúc để đời sau sanh ra không thiếu thốn để được dư. Hai là bố thí để mài mòn cái ý niệm sở hữu, mài mòn cái thói quen bủn xỉn, thói quen ôm giữ ghì chặt của nhiều đời, của vô số kiếp sanh tử tiền thân. Hiểu như vậy thì bố thí mới tới nơi tới chốn . 

4-Trí Tuệ. Mình giúp làm sao mà cho cha mẹ luôn nhớ lấy điều này : Nghiệp lý là đời này cái gì cũng có nhân có quả, nhân quả luôn luôn tương ứng nhau, mọi thứ không phải ngẫu nhiên mà có cũng không phải do đấng cao sanh nào tạo ra, mọi thứ do nhiều nhân duyên vô vàn tác động. 
Mọi thứ do duyên mà có, có rồi cũng mất. Do thiện mới có vui, do ác mới có khổ. Cả thiện ác buồn vui này đều do vô số điều kiện mà có, có rồi phải mất đi. Tuy nhiên vì bản chất mình là thiện, vì tôn trọng điều thiện thì mình phải hành thiện lánh ác, nhưng luôn luôn nhớ rằng quả của thiện cũng là vô ngã vô thường, quả của ác cũng là vô ngã vô thường. Dầu tránh ác thì cũng luôn luôn nhớ là vô ngã vô thường và dầu hành thiện thì cũng phải nhớ dầu cái quả thiện nào có hay cách mấy cũng luôn luôn nhớ nó là vô ngã vô thường. Đó được gọi là sống trong trí tuệ. 
Trong một câu trả lời của Đức Phật cho quỷ Dạ Xoa Ngài có dạy rằng : Paññājīvim jīvitamahu settham : Cuộc sống trí tuệ là cuộc sống cao quý nhất . 
Cuộc đời này nó là một màng đêm mịt mù. Phúc thay cho kẻ nào sống ở đời này được sống trong ánh sáng, bởi vì không có ánh sáng thì mình chỉ có sống mò thôi. Quí vị biết trong một căn phòng chật hẹp bụi bặm nhiều đồ đạc, mà ban đêm mình mò thì khả năng tai nạn rất lớn nói chi là trong cuộc đời bao la mênh mông này, trong một biển đời mênh mông bát ngát mịt mù tối thui, thì các vị tưởng tượng cái kiểu tai nạn Titanic là chuyện nhỏ, nó còn những cái khác khủng khiếp hơn nữa. Cho nên được sống trong nguồn sáng của trí tuệ là cả một đại phúc đại hạnh. Cho nên Đức Phật ngài dạy chỉ có một cách duy nhất để trả được ơn cha mẹ đó chính là an trú cha mẹ vào bốn pháp này.

Sư Giác Nguyên
(Chép lại bài giảng của Sư)



CÓ HAI HẠNG NGƯỜI, NÀY CÁC TỶ KHEO. TA NÓI KHÔNG THỂ TRẢ ƠN ĐƯỢC. 


Thế nào là hai ? Mẹ và Cha. Nếu một bên vai cõng mẹ, nếu một bên vai cõng cha, làm vậy suốt trăm năm cho đến 100 tuổi; nếu đấm bóp, thoa xức, tắm rửa, xoa gội, và dầu tại đấy, mẹ cha có vãi tiểu tiện, đại tiện, như vậy, này các tỷ kheo, cũng chưa làm đủ hay trả ơn đủ mẹ và cha. Hơn nữa, này các tỷ kheo, nếu có an trí cha mẹ vào quốc độ với tối thượng uy lực, trên quả đất lớn với bảy báu này, như vậy cũng chưa đủ hay trả ơn đủ mẹ và cha.
Vì cớ sao? Vì rằng, này các tỷ kheo, cha mẹ đã làm nhiều cho con cái, nuôi nấng, nuôi dưỡng chúng lớn, giới thiệu chúng vào đời. 
Nhưng ai đối với mẹ cha không có lòng tin, khuyến khích, hướng dẫn, an trú các vị ấy vào lòng tin; 
đối với mẹ cha theo ác giới, khuyến khích, hướng dẫn, an trú các vị ấy vào (thiện) giới; 
đối với mẹ cha xan tham, khuyến khích, hướng dẫn, an trú các vị ấy vào bố thí; 
đối với mẹ cha theo ác trí tuệ, khuyến khích, hướng dẫn, an trú các vị ấy vào trí tuệ. 
Cho đến như vậy, này các tỷ kheo là làm đủ và trả ơn đủ mẹ và cha. 
Tăng chi bộ kinh I, chương 2, phẩm tâm thăng bằng.



Thống kê SÁCH đọc nhiều theo thời gian


24.10.22

ẾCH MẮC CÂU

ẾCH MẮC CÂU


Thú bị bẫy rập đều khổ.  Chúng bị cột xuống, bị dính chặt.  Chúng chỉ biết nằm chờ thợ săn đến bắt chúng đi.  Giống như chim bị mắc bẫy: cổ nó bị bẫy siết, nên dù nó có vùng vẫy bao nhiêu, nó cũng chẳng thể thoát.  Nó cứ vẫy đạp, vật mình bên này, bên kia, nhưng nó không thể thoát khỏi bẫy.  Nó chỉ có thể chờ thợ săn đến.  Khi người thợ săn đến, thế là hết.  Đó là Ma vương.  Chim chóc rất sợ người này: tất cả mọi loại thú đều sợ người này vì chúng biết không thể chạy thoát.

Những chiếc bẫy của chúng ta là sắc, thinh, hương, vị, xúc và pháp. Chúng cột ta xuống.


Khi ta bám chấp vào sắc, thanh, hương, vị, xúc và pháp, ta cũng giống như con cá bị mắc câu, chờ đợi người câu cá đến bắt.  Dầu ta có vùng vẫy đến đâu, ta cũng không thể thoát.  Thực sự ra, ta còn khổ hơn con cá bị mắc câu.  Ta giống như con ếch bị mắc câu hơn –vì khi ếch mắc câu, lưỡi câu chui tuốt luôn xuống bụng.  Khi cá mắc câu, lưỡi câu chỉ ở trong miệng cá.

ẾCH MẮC CÂU



-thiền sư AJAHN CHAH.
https://thuvienhoasen.org/a33030/phap-don-gian



Thống kê SÁCH đọc nhiều theo thời gian

21.10.22

PHÁP (DHAMMA) CÁC ÔNG CÒN PHẢI LÌA BỎ, HUỐNG NỮA PHI PHÁP (ADHAMMA)

Một hôm đức Phật giảng dạy cho môn đệ lý thuyết về nhân quả, và họ thưa rằng đã thấy và hiểu rõ điều ấy. Ðức Phật liền dạy:


"Hỏi các Tỳ kheo, ngay cả quan niệm ấy, minh bạch và rõ ràng như thế, nhưng nếu các ông bám chặt vào đó, nếu các ông quý chuộng nó, nếu các ông cất giữ nó, nếu các ông ràng buộc vào với nó, thì vậy là các ông đã không hiểu rằng giáo lý chỉ như một chiếc bè, cốt dùng để qua sông chứ không phải để mà ôm giữ lấy." 
Ở một chỗ khác, đức Phật giảng ẩn dụ danh tiếng này, trong ấy giáo lý được ví như một chiếc bè dùng để qua sông, chứ không phải để nắm giữ và mang trên lưng.

"Hỏi các Tỳ kheo, một người đi du lịch, đến một khoảng sông rộng. Bờ bên này rất nguy hiểm, nhưng bờ bên kia thì an ổn và không có nguy nan. Không có một con thuyền nào để qua bên kia bờ sông, cũng không có một chiếc cầu nào để đi qua. Người ấy tự nhủ: "Con sông thật rộng, bờ bên này đầy hiểm nguy, nhưng bờ bên kia thì an ổn không nguy hiểm. Không có con thuyền nào để sang bên kia, cũng không có một chiếc cầu nào để qua. Bởi thế, thật sẽ rất tốt nếu ta lượm cỏ, gỗ, cành cây và lá để làm một chiếc bè, và nhờ chiếc bè đó mà qua bờ kia cho an ổn, dùng cả tay chân ta để chống chèo."

Rồi hỏi các Tỳ kheo, người ấy lượm cỏ, gỗ, cây, lá mà làm một chiếc bè, và nhờ chiếc bè ấy đưa sang bờ bên kia một cách an ổn, chống chèo bằng chân tay mình. Sau khi đã vượt qua sông đến bờ kia, y nghĩ: "Chiếc bè này thật đã giúp ích cho ta rất nhiều. Nhờ nó ta đã vượt qua an ổn đến bờ sông bên này, chống chèo bằng tay chân ta. Thật đáng nên mang chiếc bè này trên đầu hay trên lưng bất kỳ ta đi đâu."

- Các ông nghĩ thế nào hỏi các thầy Tỳ kheo? Nếu người ấy làm như thế thì hành động của y có phải là một hành động thích đáng đối với chiếc bè hay không?
- Bạch Thế Tôn, không.
"Vậy thì y nên làm thế nào với chiếc bè? Sau khi đã vượt qua sông và đến bờ bên kia, giả sử người ấy suy nghĩ: "Chiếc bè này thật đã có công dụng rất lớn với ta. Nhờ nó ta đã sang đến bờ sông bên này một cách an ổn, chống chèo bằng tay chân ta. Ta nên để chiếc bè này trên nước, rồi tiếp tục đi bất cứ đâu." Ấy là hành động một cách thích đáng đối với chiếc bè. Cũng thế, hỏi các Tỳ kheo, ta đã truyền dạy một giáo lý tương tự như một chiếc bè, nó cốt dùng để vượt qua, chứ không phải để mang theo, ôm giữ. 

Hỏi các Tỳ kheo, đã hiểu rằng giáo lý chỉ như một chiếc bè, thì pháp (dhamma) các ông còn phải lìa bỏ, huống nữa phi pháp (adhamma) thì lại càng nên xả bỏ biết chừng nào."

PHÁP (DHAMMA) CÁC ÔNG CÒN PHẢI LÌA BỎ, HUỐNG NỮA PHI PHÁP (ADHAMMA)
PHÁP (DHAMMA) CÁC ÔNG CÒN PHẢI LÌA BỎ, HUỐNG NỮA PHI PHÁP (ADHAMMA)



Nguồn: ÐỨC PHẬT ÐÃ DẠY NHỮNG GÌ Hòa Thượng WALPOLA RAHULA Ns.Trí Hải dịch (1998)
ghi chú: Tất cả chỉ là phương tiện đừng biến phương tiện thành mục đích.



Thống kê SÁCH đọc nhiều theo thời gian

19.10.22

THƯỜNG CẬN Y DUYÊN

Một người dầu có vô cùng khả kính, vô cùng dễ thương, nhưng trong thâm tâm của họ vẫn có hạt giống của những tật xấu kinh khủng mà mình không biết. Chỉ cần những hạt giống ấy nó gặp đúng điều kiện, đúng môi trường thì nó sẽ trào ra.

THƯỜNG CẬN Y DUYÊN



Trong kinh nói cái này mới rùng rợn : 
Bồ Tát Ngài có những cái đặc điểm mà người thường không có. Đó là Ngài thông minh hơn người và ngài có một cái nghị lực rất lớn. Đã làm là không có buông, không có dừng lại giữa chừng.Và vì có trí tuệ nên Ngài luôn nghĩ làm cách nào nhanh nhất, dễ nhất mà hiệu quả nhiều nhất. Cho nên có nhiều kiếp Ngài sanh ra Ngài quên mất chuyện tu hành và khi chuyển qua làm ác thì chỉ có chết thôi. Bởi vì khi Bồ Tát đã ra tay là không có rút lại. Ngài quá quen với cái nghị lực. Ghê vậy đó.
Thêm nữa là với cái trí tuệ của Ngài, Ngài làm gì Ngài cũng nghĩ ra cách nào nhanh nhất, dễ nhất, tiện nhất và hiệu quả nhất. Người ta câu cá là chỉ biết chài, còn Ngài thì Ngài nghiên cứu làm sao mà một lần câu được nhiều hơn người khác.
Cho nên mình hiểu cái này mình mới thấy ra nhiều chuyện.
Thứ nhứt: Dòng luân hồi quá dễ sợ.
Thứ hai: Người nuôi hạnh Bồ Tát là người đáng để lạy. 
Khi họ quỳ dưới chân Phật tổ họ nguyện là họ đã biết cái chuyện này, biết rằng họ sẽ có mặt trên một con đường mà cơ hội họ bị đọa là vô số. Nên trong kinh có nói: Khi Phật tổ thọ ký một vị Bồ Tát, Đức Phật nhìn vào cái tâm người này Ngài biết là người này có cái gan để mà bị đọa địa ngục từ hôm nay cho đến khi thành Phật không. Có cái gan đó thì Đức Phật mới gật đầu
Trong tất cả chúng ta đây có ai có cái gan đó không? Có bao giờ các vị bị cảm mà xông hơi không ? Xông hơi thì khi mà mình mới mở nắp ra nó nóng dữ lắm, đúng không? Thì những lần mở nắp nồi hơi ra là tôi nhớ tới Đức Phật. Tại vì muốn thành Phật thì phải đi địa ngục! Tôi phải nói mình mà bị đốt trong cái chảo nóng lắm, tỷ lần cái nồi xông này. Những lần tôi lỡ nấu cái nồi bự, tôi mở nắp ra là tôi vẫn phải vén cái mền lên. Tôi chịu không nổi. Mà mình đi địa ngục thì chắc các vị cũng nghe qua nó như thế nào rồi. Chẳng hạn như địa ngục dầu sôi. Các vị không tin nhưng mà tôi phải kể, chứ biết làm sao bây giờ. Cái chảo đồng dầu sôi mà từ trên cái miệng chảo nó cho mình cà quợn cà quợn từ từ xuống tới cái đáy là 30.000 năm, rồi từ dưới đáy nó cà quợn cà quợn cà quợn nó đưa mình lên mặt dầu là 30.000 năm nữa. Có nhiều người nghiệp ít thì họ sanh ra mgay ở đó, nó chỉ đưa từ miệng xuống tới đáy, và chết là đi về cõi khác. Còn người nghiệp nặng thì xuống đáy rồi trở lên rồi mới đi, nghĩa là "roundtrip". Còn có người là "multi, multi trip". Có nghĩa là, trên xuống một lần là 30, dưới lên là 30, trên xuống là 30, cứ như vậy. Mà nó nóng kinh dị, tại mình bị nằm trong dầu sôi mà.
Do cái nghiệp nó khiến cho mình không chết được mà phải sống để cảm nhận toàn bộ. Trong kinh nói có những cái loài từ dưới đó lên nó khờ vô cùng. Khổ quá. Lên nó làm những con như con giun. Các vị có biết mình có 100 tỷ cái nơ-ron trong cái bộ não, còn con giun nó chỉ có 7 thôi. Một bên là 7 một bên là 100 tỷ, các vị có thấy chênh lệch không ?
Vì vậy nó chỉ có biết nhúc nhích thôi. Và nó biết chỗ nào mát lạnh nó chun vô, nó thấy ấm thì nó quay trở lại. Nhiều khi từ cái chỗ nó đang bò mà vô chỗ đất rất gần, chỉ cách có một miếng gạch mà nó không biết. Nó chấp nhận bò một quãng đường dài để nó bò đi tìm chỗ mát. Nếu mà nó có con mắt, nó có linh giác, như các loài khác thì nó trèo qua cái cục gạch nó vô tới đất rất là gần. Nhưng nó không có. Chỉ cần có một tia nắng rọi vô cục gạch đó thì đối với nó là chỗ đó nguy hiểm lắm. Nó bò qua đó thì nó nghĩ là ghê khiếp lắm. Những lần tôi gặp tôi nhích nó vô trong bóng râm. Nó chỉ khác cọng cỏ có chút xíu thôi. 
Nó bị đọa lâu quá nó lên nó mất hết sạch. Rồi nó phải độn qua nhiều kiếp, kiếp con này, con kia, ... Cho đến lúc cuối cùng một cái nghiệp lành nào đó trong quá khứ mới lôi nó lên làm người. Mà lúc nó lên làm người, nếu mà nó may mắn nó gặp được minh sư thiện hữu dạy nó tu. Còn nếu mà gặp toàn cái dân dạy nó nhậu nhẹt, săn bắn, là nó lọt xuống trở lại nữa.
Cho nên một vị Phật ra đời, các Ngài nhìn các Ngài thấy coi trong cái đám kia lúc nhúc có ai có duyên thì Ngài có hai cách để Ngài độ: 
Một là Ngài độ cho chứng thánh, 
còn Hai là Ngài tạo điều kiện cho nó làm phước chút đỉnh vậy đó để mai mốt nó có chỗ nó đi. Thương lắm. Đức Phật lòng đại bi. Trong kinh nói Ngài thương mình hơn là mẹ thương con. Bởi vì mẹ thương con thì thương nhưng có lúc mẹ giận con, hiểu không? Còn Đức Phật không có giận. Vì Phật nghĩ không có gì để mà Phật giận hết. Phật nhìn thấy tụi nó lúc nhúc tội nghiệp. Mình chửi Ngài ngài cũng im. Ngài coi mình như đứa con điên vậy đó. Cho nó chửi, cho nó cào cấu xong thì cũng ngồi xuống chăm sóc cho nó. Tại vì Ngài nhìn Ngài thấy hết. 
Ngài đi bát Ngài thấy những người họ không có đức tin gì hết, nhưng vì họ thấy Ngài đẹp quá nên họ ra để bát. Ngài biết hết, nhưng mà Ngài vẫn phải nhận. Tại sao? 
Vì cái tánh nó ác lắm. Chẳng qua là bữa nay nó nhìn cái mặt Ngài nó thương. Chứ nó ác lắm. Ngài biết cái muỗng cơm mà nó để vô bát này, đủ phước để nó làm vua 3000 lần. 
Mà khi nó làm vua thì nó toàn là bạo chúa. Rồi làm sao bây giờ? Và Ngài cũng biết là những đứa nào phải sống dưới tay bạo chúa là những đứa nó có cái nghiệp gì đó chứ không phải khơi khơi mà nó sống dưới tay bạo chúa.
Các vị có đọc sử Trung Hoa cận đại, các vị có biết cái vụ "bước đại nhảy vọt" không? The Grand Leap. Năm 1962 Trung Quốc chủ trương sản xuất thép nhiều nhất thế giới. Tất cả gì bằng kim loại của dân là nhà nước lấy hết.
Lúc đó đời sống nhân dân rất là khổ. Rồi cuộc Đại cách mạng Văn hóa, rồi Trăm hoa đua nở. Mỗi lần Mao Trạch Đông ra cái luật nào đó là dân Trung Quốc chết như rạ. Người như Mao Trạch Đông, theo trong kinh mô tả, thì cái loại người như vậy nhiều lắm. Cái tánh nó rất là ác nhưng mà do cái lần nào đó nó cúng dường cho thánh hiền một nải chuối, một cái gì đó mà giờ nó sanh ra ở một vị trí như vậy. Mình phải đồng ý là nó có phước lớn. Vì vậy mà Mao Trạch Đông mới không bị ám sát, các vị biết không? 
Có rất nhiều người muốn Mao Trạch Đông chết, rất nhiều và rất nhiều.
Hitler cũng vậy. Có rất nhiều người muốn giết ổng nhưng mà ngộ lắm. Vì cái nghiệp của dân Do Thái chưa có hết nên Hitler phải sống. Rồi cuối cùng cái lúc mà nghiệp nó hết rồi đó thì Hitler mới tự sát. Quân đồng minh tràn vô thì Hitler tự sát. Hoặc là Pôn- Pốt, Campuchia, quyền lực nghiêng trời. Nó giết bao nhiêu triệu người Campuchia, mà cái nghiệp người Miên chưa có hết thì Pôn–Pốt phải sống thôi. 
Năm 1978 khi tướng Năm Ngà của Việt Nam, trong 24h đồng hồ ổng chiếm được Campuchia, vô tới nơi thấy xác người Campuchia đầy đồng. Năm 1991 tôi có tới cái chùa Maha ở Phnom-Pênh. 
Tôi có vô coi mấy cái phòng chứng tích. Nguyên cái phòng toàn là sọ người không. Rồi có một cái phòng toàn là lá y của mấy ông sư mà bị dính máu, nguyên một phòng toàn là y không. Nó giết chư tăng. Tức là nguyên một phòng mà toàn là y mà máu không vậy đó. Nguyên một phòng toàn đầu lâu không. Phải nói là rất khủng khiếp. Chư Phật thấy hết nhưng bấy giờ làm sao được? 
Khi mình không thấy cái đó mình mới yêu đời, mình nghĩ đời này màu hồng, màu tím, màu nâu. Chứ còn người đã biết hết nó nản lắm.
Có nhiều chuyện mà mình thấy. Một là mình sẽ thành một con người khác: 
chừng nào mình chết? chết ở đâu? chết kiểu gì? 
Thứ hai, mình biết thiên hạ nghĩ gì về mình?Ngay cả vợ mình, chồng mình, bạn mình. 
Thứ ba, là biết chết rồi sẽ đi về đâu? 
Chỉ cần ba cái này thôi sẽ làm cho quý vị thay đổi đời sống. Khi quý vị hiểu được điều đó, quý vị sẽ thấy tâm hồn thánh nhân họ nguội lạnh cỡ nào. Chán lắm. Hiểu được lòng người nó chán lắm. Họ thấy được cái mong manh của đời sống là cái thứ nhất. Một người thông minh cách mấy mà gõ cái boong là nó khùng, xong. Một cuộc tình đá vàng tào khang cách mấy nó rất dễ bị cám dỗ để mà người ta "chia loan rẽ phụng". Dễ lắm, chỉ một cái chết là chia lìa, chỉ một cám dỗ, một cái thử thách nào đó là chia lìa.
Tôi nhỏ tuổi nhưng mà tôi được biết là sau 75 có rất nhiều cuộc tình đẹp của những sĩ quan cộng hòa đi tù. Ngày xưa chàng là võ bị Đà Lạt, nàng là Đồng Khánh, Gia Long; lấy nhau xong chàng đi tù, nàng ở nhà đi với cán bộ, tan nát cả một cuộc tình cũ. Nhiều lắm quý vị. Mà mình có yêu mình mới biết cái sự tan nát của người ở tù mà người ở ngoài phụ bạc. Nó đau lắm, đau bằng trời. Cái dòng chảy luân hồi nó như vậy đó.
Bữa hôm trước tôi có nói. Người mà ngày xưa từng rất mực thương yêu mình, là mẹ của mình, là người tình của mình, là chồng của mình, là cha của mình, là anh em của mình, là bạn thân của mình. Rồi có một cuộc chia tay ở một sân ga nào đó, một bến tàu, một bến cảng. Nhớ thương nhau một đời chỉ mong có ngày gặp lại nhưng sau cuộc chia tay đó, không còn gặp nhau nữa. Trải qua nhiều kiếp tử sanh, gặp lại nhau trên chiến trường, thương trường, chính trường, bỗng nhiên trở thành kẻ thù! Khi đó chỉ muốn cái người đó chết thôi. Chứ nếu mình nhớ được rằng người đó chính là người mình chia tay kiếp xưa; vào một buổi chiều mưa nào đó, ước mong được gặp lại nhau dầu có yểu thọ cũng gặp ... . Các vị có thương ai tới mức đó chưa? Có người thương cỡ đó quý vị, thương dữ lắm. Ấy vậy mà mấy kiếp sau gặp lại, chém nhau không kịp. Nghĩ đến đó nó mới chán.
Thời Phật còn, có một vị tỳ kheo kia, chuyện dài tôi chỉ kể vắn tắt. Thì vị tỳ kheo đi bát thấy một cô danh kỹ (danh kỹ là kỹ nữ mà loại có tiếng) thì có lòng thương cổ lắm. Rồi về tương tư, bỏ cơm, xanh lè xanh lét. Chư tăng thấy thương mới đem chuyện trình Đức Phật: Vị này bị cái gì đó, chắc đi bát rồi bị say nắng? Đức Phật Ngài gọi vô rồi Ngài hỏi có đúng như vậy không? Có phải mấy ngày nay ốm o gầy gò vì cái cô đó không? Vị này nói "Phải". Đức Phật mới kể một câu chuyện.
Ngày xưa có một cậu thanh niên, đi học chữ, học nghề với một vị thầy ở xứ xa, có nết, có tài, có tâm. Ông thầy thương nên đem con gái gả cho. Đi học mà thầy thương đến mức thầy đem con gái gả là coi như thầy cưng lắm. Hai vợ chồng trở về quê, có nghĩa là cô này đi theo chồng. Trên đường đi bị cướp chặn lại. Anh này giỏi võ lắm, một mình ảnh đánh nguyên đám cướp. Người cuối cùng là thằng đầu đảng. Hai người chín kẻ mười, vật tới vật lui, bấ phân thắng bại vậy đó. Thì ảnh mới sực nhớ giờ trong tay đứa nào có vũ khí thì đứa đó thắng. Ảnh nói cô vợ đưa anh con dao. Mà cổ từ lúc gặp thằng cướp cổ thương nó, thì thay vì đưa dao cho anh chồng cổ lại đưa dao cho thằng ăn cướp. Thế là chồng cổ chết.
Đức Phật kể lại chuyện xưa như vậy và Ngài nói là cái người vợ mà hại chồng đó chính là cô danh kỹ này, và người chồng mà bị giết hại đó chính là vị tỳ kheo hôm nay. Kiếp xưa cổ đã giết ngươi một lần. Kiếp này ngươi được gặp Như Lai, Ngươi được xuất gia với một vị Phật mà cổ lại muốn giết ngươi một lần nữa. 
Nghe Ngài nói như vậy thì vị tỳ kheo đắc Tu Đà Hườn. Vị này thấy được bốn đế trong đó. Vị ấy thấy được mọi thứ là khổ, thích cái gì cũng là thích trong khổ. Vị này đắc Tu Đà Hườn là xong rồi, cô kia cũng xong luôn. May là hên là gặp Phật.
Cho nên hôm nay mình thương ai đắm đuối coi chừng mình thương nhầm kẻ thù, hoặc mình ghét ai tím gan coi chừng ghét nhầm cái người thương mình nhất ngày xưa đó. Bởi vì đó là tội khổ luân hồi. Luân hồi là chuyện gì cũng có thể xảy ra hết.

Trích bài giảng Thường Cận Y Duyên.
Kalama tri ân bạn vuihtv ghi chép.
Nguồn: toaikhanh.com



Thống kê SÁCH đọc nhiều theo thời gian

16.10.22

NÓI NĂNG CHÁNH NIỆM

Nói để người khác nghe và lắng nghe khi người khác nói thì đều phải cần đến sự kiểm soát của chánh niệm. 

NÓI NĂNG CHÁNH NIỆM


Nói bằng chánh niệm thì không thể nói bằng tâm xấu, không thể gây phiền lòng người nghe. 
Nghe bằng chánh niệm là không để mình bị phiền não với điều người ta nói. 
Như vậy nói hay nghe với chánh niệm là ta đang sống an toàn và cũng khiến mình trở nên đẹp hơn. Đẹp là vì mình chỉ nói điều cần thiết, lúc cần thiết, và không giành nói với ai. Nói bằng chánh niệm thì ta sẽ không nói dư hoặc thiếu, không nói bằng thái độ hay âm điệu khó nghe, và khi lắng nghe bằng chánh niệm thì ta đã thực hiện một trong những kỹ thuật sống ít người làm được là để người khác thấy họ được tôn trọng. 
Hành giả không cần đắc nhân tâm nhưng sống được lòng người khác và qua đó cũng kiểm soát được tâm mình thì thái độ biết lắng nghe này quả thật rất quan trọng.
....
Ta luôn sống với một ngón tay chỉ báo không để mình phiền não và cũng không gây phiền não cho ai.

Nguồn: Kinh Nghiệm Tuệ Quán. Dịch giả: Tỳ Khưu Giác Nguyên.



Thống kê SÁCH đọc nhiều theo thời gian

13.10.22

10 CÂU HỎI ĐỨC PHẬT KHÔNG TRẢ LỜI

Thật là vô ích cho ta khi cố suy tưởng - như vài học giả đã cố làm một cách vô vọng - về những gì đức Phật biết nhưng không nói cho môn đệ. Ðức Phật không muốn bàn đến những vấn đề siêu hình không cần thiết, hoàn toàn thuộc địa hạt tư duy, phát sinh những tưởng tượng. Ngài xem chúng như một "rừng quan niệm". 


Dường như chính trong số những môn đệ của Phật cũng có những người không thích thái độ này của Ngài. 
Trường hợp một người trong số ấy là Man đồng tử (Màlunkyaputta) đã thưa hỏi 10 câu hỏi cổ điển danh tiếng về những vấn đề siêu hình và xin đức Phật trả lời. Một ngày kia Màlunkyaputta, sau khi xuất thiền vào buổi xế, đi đến đức Phật đảnh lễ, ngồi xuống một bên và hỏi: 
- Bạch đức Thế Tôn, khi con đang ngồi thiền định một mình, ý tưởng này đã đến với con: "Có những vấn đề mà đức Thế Tôn đã không giải thích, để sang bên và loại bỏ. 

Ðấy là: 

1. VŨ TRỤ TRƯỜNG TỒN, HAY 2. KHÔNG TRƯỜNG TỒN; 
3. VŨ TRỤ HỮU HẠN, HAY 4. VÔ HẠN; 
5. LINH HỒN LÀ MỘT VỚI THỂ XÁC, HAY 6. LINH HỒN KHÁC THỂ XÁC KHÁC. 
7. ÐỨC NHƯ LAI CÓ CÒN TỒN TẠI SAU KHI CHẾT, HAY 8.NGÀI KHÔNG TỒN TẠI SAU KHI CHẾT. 
9. NGÀI VỪA TỒN TẠI VỪA KHÔNG TỒN TẠI SAU KHI CHẾT, HAY 10. NGÀI VỪA KHÔNG TỒN TẠI VÀ CŨNG VỪA KHÔNG KHÔNG TỒN TẠI.

10 CÂU HỎI ĐỨC PHẬT KHÔNG TRẢ LỜI



Những vấn đề này đức Thế Tôn đã không giải thích cho ta, thái độ này không làm ta thỏa mãn. Ta không ưa thích thái độ ấy. Ta sẽ đi đến đức Thế Tôn và thưa hỏi Ngài về việc này. Nếu đức Thế Tôn không giải thích cho chúng ta, ta sẽ từ bỏ đoàn thể tăng chúng và ra đi. 
Nếu đức Thế Tôn biết được vũ trụ trường cửu, Ngài hãy nói thế. Nếu đức Thế Tôn không biết vũ trụ là trường cửu hay không v.v.. thì một người không biết hãy nên nói thẳng ra là: 
"Ta không biết, ta không thấy rõ". 

Sự trả lời của đức Phật cho Màlun-kyaputta quả có lợi ích cho hàng triệu người trên thế giới hiện nay đang phung phí thời giờ quý báu vào những vấn đề siêu hình và làm bận trí mình một cách không cần thiết: 

- Này Màlunkyaputta, ta có bao giờ nói với ông: "Hãy lại đây, Màlunkyaputta, sống đời thánh thiện dưới bóng ta, ta sẽ giải thích những vấn đề ấy cho ông hay không?" - Bạch Thế Tôn, không. 
- Còn ông, này Màlunkyaputta, ông có nói với ta: "Bạch Thế Tôn, con sẽ sống đời thánh thiện dưới bóng Ngài và Ngài sẽ giảng giải những vấn đề ấy cho con không?" - Bạch Thế Tôn, không. 
- Ngay bây giờ, Màlunkyaputta, ta không nói với ông: "Hãy đến sống đời thánh thiện dưới bóng ta, ta sẽ giải thích những vấn đề ấy cho ông". 
Và ông cũng không nói với ta: "Bạch Thế Tôn, con sẽ sống đời thánh thiện dưới bóng đức Thế Tôn và Ngài sẽ giải những vấn đề ấy cho con." Trong những trường hợp ấy, hỏi người điên rồ kia, ai chối từ ai?" .Hỏi Màlunkyaputta, nếu một người nào nói: 
"Tôi sẽ không sống đời thánh thiện dưới bóng đức Thế Tôn nếu Ngài không giải thích cho tôi những vấn đề ấy" thì y có thể chết trước khi những câu hỏi được Như Lai giải đáp. 
Giả sử, hỏi Màlunkyaputta, một người bị trúng mũi tên độc và bạn bè bà con đưa y đến một y sĩ. Giả sử khi ấy người kia nói: 
"Ta sẽ không để rút mũi tên này ra nếu ta không biết được ai bắn, người ấy là một người Sát đế lị (Ksatriya) hay một người Bà la môn (thuộc giai cấp tu sĩ) hay một người Phệ xá (Vaisya, giai cấp thương nông) hay một người Thủ đà la (Sùdra - thuộc giai cấp hạ tiện), tên người ấy là gì, gia đình ra sao, người ấy cao, thấp hay tầm vóc trung bình, da người ấy đen, nâu hay vàng, người ấy đến từ làng tỉnh hay đô thị nào. 
Ta sẽ không để rút mũi tên này ra nếu ta không biết được loại cung nào đã bắn ta, dây cung ra sao, loại mũi tên gì, làm bằng lông gì và đầu tên làm bằng chất gì." Hỏi Màlunkyaputta, người ấy sẽ chết trước khi biết được điều nào trong số những câu hỏi ấy. 
Cũng thế, hỏi Màlunkyaputta, nếu một người nói: "Ta sẽ không theo đời sống thánh thiện dưới bóng đức Như Lai cho đến khi Ngài giải đáp những câu hỏi như: thế giới trường tồn hay không, v.v..", người ấy sẽ chết trước khi được Như Lai giải đáp. 

Khi ấy đức Phật giải thích cho Màlun-kyaputta rằng đời sống thánh thiện không phụ thuộc vào những quan niệm ấy. 
Dù người ta có quan niệm thế nào về những vấn đề ấy đi nữa, thì vẫn có sinh, lão, bệnh, tử, ưu, bi, khổ não... 
mà sự chấm dứt những điều ấy (nghĩa là Niết-bàn) ta nói là có thể thực hiện ngay trong cuộc sống này. 
Bởi thế, này Màlunkyaputta, hãy ghi nhớ trong tâm trí: 

Những gì ta đã giải thích, thì coi là được giải thích và những gì ta đã không giảng giải thì xem là đã không được giảng giải. 
Những gì là điều ta đã không giảng giải? Thế giới trường cửu hay không v.v.. (10 quan niệm trên) ta đã không giải thích. 
Vì sao, hỏi Màlunkyaputta, mà ta đã không giải thích chúng? Bởi vì nó không ích lợi, không quan hệ căn bản đến đời sống thánh thiện tâm linh, không đưa đến sự chán bỏ, sự giải thoát, sự chấm dứt khổ đau, sự an tĩnh, sự thâm nhập, sự liễu ngộ Niết-bàn. Chính vì thế mà ta đã không nói cho ông về những vấn đề ấy. 

Còn những gì, hỏi Màlunkyaputta, ta đã giải thích? Ta đã giải thích khổ (dukkha), nguyên nhân của khổ, sự diệt khổ, và con đường đưa đến sự diệt khổ. 
Hỏi Mà lunkyaputta, vì sao mà ta đã giải thích chúng? Bởi vì nó ích lợi, nó quan hệ căn bản đến đời sống thánh thiện tâm linh, nó đưa đến sự chán bỏ, sự giải thoát, sự chấm dứt khổ đau, sự an tĩnh, sự thâm nhập, sự liễu ngộ, Niết-bàn. 
Bởi thế ta đã giải thích chúng."

... 

Nguồn: ÐỨC PHẬT ÐÃ DẠY NHỮNG GÌ Hòa Thượng WALPOLA RAHULA- Ns.Trí Hải dịch (1998)
Nguyên tác: "What The Buddha Taught" (Tựa đề lần xuất bản thứ nhất, 1966: "Con đường thoát khổ") 

https://phanblogs.blogspot.com/2020/04/uc-phat-day-nhung-gi-hoa-thuong-walpola_53.html

Nguồn ảnh: Khởi Nguồn…! Tác giả Thanh Ngo

https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=pfbid0AGx6fdCGB7ry2HkLZcYErfftn2Bpp3ZQyngJn34G28ucLEaxiZJbeaPyEPqkNChil&id=100006829620650


Thống kê SÁCH đọc nhiều theo thời gian

10.10.22

TIỀN NGHIỆP, KHUYNH HƯỚNG TÂM LÍ VÀ MÔI TRƯỜNG SỐNG

Trong kinh Đức Phật dạy như thế này: Một tâm thức càng cao cấp chừng nào thì càng ít lệ thuộc vào sáu trần chừng ấy. Tức là họ không có dư thì giờ kiếm cái nhìn, kiếm cái nghe, kiếm cái ăn, kiếm cái ngửi. Một tâm thức cao cấp thì họ hạn chế sự lệ thuộc vào sáu trần.


TIỀN NGHIỆP, KHUYNH HƯỚNG TÂM LÍ VÀ MÔI TRƯỜNG SỐNG


Khi mà chúng ta không lệ thuộc vào vật chất thì đời sống tâm linh của chúng ta sẽ đi xa và lên cao hơn nhiều lắm. 
Tôi chứng minh rõ ràng luôn: khi ta không mất thời gian cho cái ăn, cái mặc, những thứ trang sức, không mất thời gian nhiều cho đời sống vật chất thì đương nhiên là ta rảnh về thời gian và rãnh về cái đầu nữa. Tôi không hề kêu gọi bà con sống khổ hạnh, sống khắc kĩ, sống mà khổ như điên để tu, tôi không có kêu kì cục vậy. Cứ sống thanh thản thoải mái nhưng cứ nhớ canh cánh trong lòng rằng khi mình còn bận tâm quá nhiều về vật chất, mình sẽ không còn thời gian cho tâm linh nữa. 
"Bây giờ tôi muốn sống đời sống tâm linh, tôi phải làm sao?". 
- Đức Phật dạy như thế này: Phải có giáo lý (Pali), phải học giáo lý căn bản, xong rồi sống Chánh Niệm. Đức Phật không có kêu mình làm việc thứ ba. Tôi chịu trách nhiệm câu nói này. Người Phật Tử hay người Xuất Gia chỉ làm hai việc đó thôi, học giáo lý rồi sống Chánh Niệm. Học giáo lý là như quý vị đang làm đó. 
- Còn sống Chánh Niệm là gì? kể từ khi ra khỏi cái nhà làm cái gì biết cái đó, tôi không có kêu các vị làm thêm, lần chuỗi, trì chú, chuông mỏ, tôi không có kêu. Các vị cứ tiếp tục sống y chang như cũ vậy nhưng mà luôn luôn trong Chánh Niệm, làm gì biết nấy. Mà nếu các vị tập trung làm như vậy trong vòng một ngày các vị thấy nó kì cục lắm, nó lạ lắm. Hỏng lẽ một ngày làm không nổi, đâu có kêu mình trồng chuối, đi bằng đầu gối đâu. Chỉ kêu mình một chuyện là cứ sống như cũ thôi, cứ rửa mặt, đánh răng, quét nhà, hút bụi, cứ y như cũ không thêm bớt gì hết nhưng một điều là làm gì cũng có Chánh Niệm. Tin tôi đi, làm trong một ngày đi, nó lạ lùng lắm, nó rất là lạ, nó lạ là nó an lạc hơn. Mà cái này mới ghê nè, mình lấy mắt mình nhìn thì chung quanh là tường, bước ra đường chung quanh mình là nhà cửa xe cộ và mình cứ tưởng đó là thế giới. Sai! Cái đó là thế giới của người không có Đạo họ hiểu như vậy đó. Có nghĩa là quý vị không học giáo lý, không nghe tôi giảng, quý vị nghĩ tôi ở trong một căn nhà, trên là trần, dưới là nền, chung quanh là vách, bên trái tôi là bàn Phật, lò sưởi, bên phải tôi là cây thông. Đó là người không biết Đạo, họ hiểu như vậy. Cái ghê là người biết giáo lý và còn sống Chánh Niệm thì lúc này những cái đó nó không có tồn tại nữa. Mà nó chỉ tồn tại có sáu thứ thôi: tôi đang thấy, tôi đang nghe, tôi đang ngửi, chứ không còn là tường, vách, trần, nền nữa, cảm giác rất là lạ. 

Trong Tứ Niệm Xứ, bốn cái: Thân, Thọ, Tâm, Pháp. Tôi nói thiệt là chậm "Muốn thành thánh nhân phải sống với Chánh Niệm. Muốn thoát cái khổ trước mắt phải sống với Chánh Niệm. Muốn chấm dứt sanh tử luân hồi, không bị sa đọa nữa phải sống với Chánh Niệm. Và khi thành A La Hán rồi, thành Phật rồi cũng phải sống với Chánh Niệm. Điều đó cho thấy Chánh Niệm rất là quan trọng. Nhưng mà tại sao có bốn cái Thân, Thọ, Tâm, Pháp? Là bởi vì mỗi người có ba thứ hành trang không giống nhau. 
Ba thứ đó là gì? Tiền nghiệp, khuynh hướng tâm lí và môi trường sống, ba cái này không giống nhau. Chính vì ba cái này không giống nhau cho nên cách làm việc của mỗi người với sáu căn nó không giống nhau. Ai cũng cần phải ăn cơm nhưng do điều kiện hoàn cảnh khác nhau nên mâm cơm của chúng ta không giống nhau. Ở đây cũng vậy, ai cũng phải sống Chánh Niệm, ai cũng phải kiểm soát được sáu căn nhưng vì cái khuynh hướng tâm lí, tiền nghiệp, môi trường hiện tại, trình độ kiến thức của mình không giống nhau. 

Đức Phật xét thấy chính vì chúng sanh quá nhiều khác biệt cho nên Ngài mới đưa ra bốn cái phương pháp này. Mà không phải mình Ngài, tất cả Chư Phật ba đời mười phương đều có bốn cái pháp này giống nhau, không thêm một mà cũng không giảm một, đúng bốn cái thôi Thân, Thọ, Tâm, Pháp. 
...
Sư Giác Nguyên giảng



Thống kê SÁCH đọc nhiều theo thời gian

4.10.22

KINH NGƯỜI BẮT RẮN

Đây là những điều tôi được nghe hồi Bụt còn du hành ở Xá Vệ trong vườn Cấp Cô Độc và rừng cây Kỳ Đà. 


Dạo ấy, khất sĩ A Lê Sá, vốn xưa là người huấn luyện chim ưng, có tà kiến như sau: 
“Theo sự hiểu biết của tôi về điều Bụt dạy, hưởng thụ dục lạc không phải là chướng ngại cho sự tu tập.” Nghe đồn như thế, nhiều vị khất sĩ tìm tới A Lê Sá và hỏi: 
“A Lê Sá, sư huynh đã nói rằng theo sự hiểu biết của sư huynh về lời Bụt dạy thì hưởng thụ dục lạc không có chướng ngại gì cho sự tu tập, có phải thế không?” Khất sĩ A Lê Sá trả lời:
“Các hiền hữu, quả là như thế. Tôi nghĩ rằng Bụt không cho sự hưởng thụ dục lạc là chướng ngại cho sự tu tập.” Các vị khất sĩ bảo: 
“Này sư huynh A Lê Sá, sư huynh đừng nói như thế, đừng bài báng và vu khống đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn không hề nói như vậy; bài báng và vu khống đức Thế Tôn là không tốt. Sư huynh A Lê Sá,  dục lạc là chướng ngại cho sự tu tập. Thế Tôn đã dùng rất nhiều ví dụ để nói với chúng ta điều đó. Sư huynh nên từ bỏ tà kiến ấy đi.” Tuy đã được các vị khất sĩ chỉ bảo cho như thế nhưng khất sĩ A Lê Sá vẫn không nghe, vẫn cố thủ tà kiến của mình, vẫn một mực nói rằng điều ông ta nghĩ là sự thực, ngoài ra các ý kiến khác đều sai lầm.

Can thiệp như vậy đến ba lần mà không có hiệu quả, các vị khất sĩ mới đứng dậy bỏ đi. Họ tìm tới Bụt. Sau khi đảnh lễ dưới chân Người, các vị ngồi lại một bên và bạch lại tự sự với Bụt. Bụt cho gọi khất sĩ A Lê Sá, quở trách thầy, và dạy các vị khất sĩ:

“Những giáo pháp tôi nói, các thầy phải tìm hiểu nghĩa lý một cách thật tường tận và đúng mức rồi mới nên đem ra hành trì. Nếu chưa tìm hiểu được nghĩa lý một cách tường tận và đúng mức thì trước hết hãy nên hỏi lại chính tôi hoặc hỏi lại các bậc trí giả và các bậc phạm hạnh đã. Tại sao? Có những người thiếu trí tuệ, vì có nhận thức sai lạc về văn và về nghĩa, đã hiểu ngược những điều đề cập đến trong các thể tài kinh điển như chánh kinh, ca vịnh, ký thuyết, kệ tụng, nhân duyên, soạn lục, bản khởi, thử thuyết, sinh xứ, quảng giải, vị tằng hữu pháp và thuyết nghị. 
Những người ấy đã học với chủ ý tranh luận hơn thua mà không học vì mục đích tu tập giải thoát nên đã bị kẹt vào sự tướng mà không tiếp nhận được chân nghĩa của kinh. Họ trải qua nhiều gian nan cực khổ mà không có lợi ích gì, rốt cùng chỉ thêm mệt mỏi. 
Cũng giống như người đi bắt rắn ở miền hoang dã, thấy rắn lớn liền lấy tay chụp vào mình nó cho nên bị rắn quay đầu lại mổ vào tay, vào chân hoặc vào một bộ phận khác của cơ thể. Bắt rắn như vậy thì không có ích lợi gì mà lại mang họa vào thân. Lý do là tại người ấy không biết thủ thuật bắt rắn. Người học kinh không thông minh cũng vậy: vì không biết cách học hỏi nên đã hiểu nghĩa kinh một cách trái ngược. Những kẻ khôn ngoan sẽ biết khéo léo tiếp nhận văn kinh và nghĩa kinh, do đó không có những kiến giải đảo lộn. 
Họ không học vì mục đích khoe khoang và tranh cãi. Họ học với mục đích tìm đường giải thoát. Vì vậy họ không hề cực khổ và lao nhọc. Họ cũng giống như người đi bắt rắn mà biết sử dụng một khúc cây có nạng sắt: khi đi đến vùng hoang dã, thấy rắn lớn, họ ấn nạng ngay xuống cổ rắn và lấy tay bắt ngay đầu rắn. Rắn kia tuy có thể quẫy đuôi, quấn tay, quấn chân hoặc một bộ phận khác của cơ thể người bắt rắn, nhưng không thể nào mổ người ấy được. Bắt rắn như vậy không cực khổ mà cũng không lao nhọc, chỉ vì người ấy biết rõ thủ thuật bắt rắn. Người con trai hoặc con gái nhà lành khi học hỏi kinh điển cũng phải khéo léo tiếp nhận văn và nghĩa kinh một cách không đảo lộn thì mới nắm được chánh pháp. Họ không học hỏi với mục đích ba hoa tranh cãi mà chỉ học với mục đích tìm cầu giải thoát. Họ không cần trải qua những cực khổ và nhọc nhằn. 
...

Trích sách: Im Lặng Sấm Sét của thiền sư Nhất Hạnh.

https://langmai.org/tang-kinh-cac/kinh-van/kinh-van/kinh-nguoi-bat-ran/

KINH NGƯỜI BẮT RẮN




Thống kê SÁCH đọc nhiều theo thời gian

1.10.22

DO ÁI SINH SẦU ƯU

DO ÁI SINH SẦU ƯU, DO ÁI SINH SỢ HÃI, AI THOÁT KHỎI THAM ÁI, KHÔNG SẦU, ĐÂU SỢ HÃI?


Mẹ tôi lúc sinh thời là một tín nữ ngoan đạo. Bà thích bố thí, thường xuyên thọ Bát Quan Trai và tu tập thiền định với sự hướng dẫn của chư tăng. Vậy mà lúc sắp lìa đời chừng đó thiện pháp cả đời vẫn không giúp được gì cho bà, chỉ vì bà thiếu kinh nghiệm cận tử . Chỉ có vậy mà phải sanh làm ngạ quỷ.

Mẹ tôi mất ở làng quê ngày rằm tháng tám năm 1314 ( lịch Miến Điện). Lúc đó tôi đang đi hoằng Pháp ở Hukhaung. Sau khi trở về thì mới biết tin bà mất. Các vị thấy chưa, nói là mẫu tử tình thâm vậy mà phút cuối vẫn là đường ai nấy đi. Bà chết, một lòng đợi con về mà tôi đâu có về kịp cho bà nhìn mặt lần cuối. Lúc về tôi được nghe kể lại mẹ tôi đã mất ra sao. Trong những ngày cuối cùng, bà không ăn uống gì hết, cứ nằm thoi thóp trên giường, nhìn chằm chằm lên bức ảnh của tôi treo trên đầu giường. Lúc đó nhằm mùa gió nồm, đêm thường có mưa. Trong mưa đêm bà cứ khóc và gọi tên tôi rồi nói với mấy người chung quanh :" Mẹ không còn dịp thấy sư nữa rồi ". Ôi bao la thay tình mẹ.

Khi tôi về tới chùa thì việc an táng bà cũng đã xong từ lâu. Có thương mẹ đến mấy thì tôi cũng phải ráng mà xem như mọi sự đã qua. Nhiều năm sau đó, tôi đã nằm mơ thấy mẹ tôi về, vẻ mặt buồn lắm, vóc người hao gầy, đứng trước sân chùa nhìn tôi và chỉ nói một câu :
"Sư cho mẹ xin một lá y ". Lúc choàng tỉnh dậy, nhớ lại giấc mơ tôi nghĩ có lẽ mẹ tôi đã sanh vào giới ngã quỷ. Ngay sau đó tôi đưa chị cả của tôi một bộ y mới và bảo chị làm lễ cúng dường cho chư tăng trong ngôi chùa làng ở quê . Tôi dặn kỹ chị tôi là trước khi lên chùa nên khấn trước với mẹ để mời bà cùng đi.

Sau lễ trai tăng, chị tôi thấy mẹ về. Chị hỏi mẹ có nhận phước hồi hướng hay chưa. Bà cho biết là vì chị tôi đã không nhớ mời bà cùng đi nên bà không thể tới chùa hôm đó được. Chị tôi phải làm thêm một lễ trai tăng nữa theo hướng dẫn của bà và từ sau ngày ấy không thấy bà về nữa.

Tôi phải nói là mình may mắn khi có đủ điều kiện trả hiếu cho mẹ tôi theo đúng lời Phật dạy là lo được cho mẹ lúc sinh thời và cũng biết cách giúp mẹ khi bà đã mất.

Các vị có tin là mẹ tôi trước sau vẫn nặng lòng với mấy đứa con, nên sau khi nhận được phước hồi hướng bà quay lại gia đình tôi lần nữa, bằng cách sanh làm đứa con gái của anh cả tôi được đặt tên là Misan. Tính theo vai vế thì là cháu nội của mẹ tôi. Chúng tôi biết được chuyện này là bởi vì bé Misan có thể kể lại tường tận những chuyện riêng tư của bà nội như là chuyện của mình. Đặc biệt khi nhìn thấy nắm mộ của bà nội thì bé đã khóc rất nhiều. Năm nay Misan đã 26 tuổi và lần nào tôi về làng, Misan cũng đến cúng dường thức ăn. Cô lạ lùng lắm , rất thích ngồi gần cạnh tôi và nhìn tôi hoài không chán.

Các vị thấy chưa, tham ái được Phật gọi là Kiết Sử (samyojana), là sợi dây trói buộc rất khó tháo cởi. Chính nó đưa ta đi tái sanh và cũng chính nó làm ta khổ. Khổ vì thương và khổ vì ghét. Không có thương thì không có ghét. Mà cả hai thứ này đều từ tham ái mà ra.

-Sayadaw Uttamasāra 
DO ÁI SINH SẦU ƯU, DO ÁI SINH SỢ HÃI, AI THOÁT KHỎI THAM ÁI, KHÔNG SẦU, ĐÂU SỢ HÃI?



Nguồn: https://www.facebook.com/1255927284529972/photos/a.1397768213679211/1486338491488849?type=3&sfns=mo

Kinh Nghiệm Tuệ Quán - Quyển 1. Dịch Giả : Tỳ Kheo Giác Nguyên.


Thống kê SÁCH đọc nhiều theo thời gian