Search

22.10.19

Nhật ký của một bà mẹ chồng

Phanblogs Nhật ký của một bà mẹ chồng

Phanblogs Nhật ký của một bà mẹ chồng

Phanblogs Nhật ký của một bà mẹ chồng



Ngày... tháng... năm

Tối qua hai đứa nó lại đi. Không biết là xem phim hay ăn tiệm, đã thế, lại còn phôn về muộn khi ta đã dọn cơm xong. Ta ngồi ăn một mình, lòng ngổn ngang tức tối. Đứa con trai yêu dấu rõ ràng đã bị vợ ám, càng ngày càng cách xa ta. Được. Để coi. Bà này đâu có sợ. Bà này biết điều nhưng không nhu nhược.
Khuya tối mấy cũng không chịu ngủ, bật tivi xem phim Hongkong bộ, nhưng nghe tiếng xe của chúng thì tắt vội đi. Giả ngồi trong bóng tối cô đơn. Hai đứa bước vào. Con trai ngạc nhiên: “Mẹ chưa ngủ à?”. Ta lạnh lùng: “Mẹ mệt”. Con dâu lo lắng: “Mẹ uống thuốc gì chưa?”. Ta dấm dẳng: “Thôi, tôi nhức mỏi quen rồi”.
Hai đứa len lén về phòng. Ta hả dạ, lén xuống bếp, mở tủ lạnh ăn nửa trái sầu riêng.

Ngày... tháng... năm

Sáng ra loẹt quẹt quét nhà. Thấy con dâu đi qua, vội vã tự đấm lưng vài cái. Nó liếc nhìn nhưng không hỏi. Được. Để đó. Rồi xem!
Nó dắt xe ra. Mình nói mát: “Con mặc cái váy đẹp đấy, nhưng hình như hơi mỏng đó con”. Nó cười cười: “Bây giờ ai cũng vậy mà”. Ta cười nhạt: “Gia đình này gia giáo, ta chỉ nhắc thế, chắc mẹ cổ rồi”. Nó len lén trở lại thay đồ. Thấy chưa. Một nhát. Đừng có vội trêu gan.
Nó vừa định nổ máy xe, mình lại nhắc: “Chủ nhật có giỗ, con nhớ về sớm và nhớ đặt heo quay”. Con dâu sững sờ: “Cơ quan con định đi Vũng Tàu”. Mình cười không tươi: “À, thì mẹ cũng nhắc thế thôi. Tùy chị”.
Nó nặng nề lao đi. Con trai yêu vừa ra. Rõ khổ, mới cưới vợ mà gầy đi ba ký. Chắc “quỷ cái” lại hành. Mình dọn đồ sáng cho ăn. Nói xa xôi: “Vợ con ngoan, xinh đẹp đấy nhưng con nên để ý vì hình như nông nổi, ham chơi”. Thấy nó im, mình bồi: “May mà mẹ cũng đổi khác rồi, chứ mấy bà kia ấy à? Canh chừng và so đo dữ lắm”.
Con trai không nói gì, im lặng đọc báo. Kệ, nghe được câu nào thì nghe. Tôi già rồi. Tôi chả cần gì – Tôi chỉ nghĩ cho anh cho chị.


Ngày... tháng... năm

Buổi trưa sang bà Tám, thấy bà cũng đang buồn và tức đứa con dâu. Có đời thuở nào mà sắm một lúc hai cái áo trong khi chồng không có đôi giày tử tế mà mang. Vội vàng dẩu mỏ mắng bà: “Mua thế còn may. Đứa nhà tôi ấy à, nhà ba ngày không thấy quét (thực ra thì mới có một ngày), nấu cơm thì lúc khê lúc khét (thực ra cũng mới có một lần)”.
Bà Tám thở dài: “Thời chúng mình khổ biết bao nhiêu. Bọn nó bây giờ sướng mà không biết sướng”.
Đang ngồi với chị Tám thì chị Tư qua. Khoe con dâu đi Thái Lan về tặng chai dầu gió. Mình bực quá: “Con dâu tôi tặng cả máy đấm lưng, nghe nói mua đắt bằng chiếc xe gắn máy”. Nói thế cho chị ấy ghen chơi. Đừng tưởng chỉ con nhà mình mới khá.

Ngày... tháng... năm

Cùng chị Tư, chị Tám lên chùa. Đi hết trăm ngàn tiền xe, ăn hết sáu chục ngàn tiền quà. Nhưng lúc về nhà, con dâu hỏi đi đâu thì nói là đi khám bệnh. “Bác sĩ nói sao hả mẹ?”. “À, thì sẽ tăng nhức mỏi, nên cần bớt việc nhà. Nhưng khổ nỗi tôi không làm thì ai làm. Chả lẽ để cái nhà này như cái nhà hoang”.
Vừa nói vừa đấm lưng, và thở ra nhọc mệt (mệt quá đi chứ, ăn tới hai tô bún còn gì!). Sau đó vừa rên vừa lấy nồi đi vo gạo. nó vội vàng giằng lấy: “Mẹ để con”.
Tối về, con trai nghiêm túc: “Mẹ ơi, chúng con mua vé du lịch cho mẹ, đi Trung Quốc một tuần”. Vội vã gắt lên: “Mẹ thích ở nhà với các con hơn... nhưng thôi, đã mua rồi thì đi vậy... khổ lắm, tôi chả yên tâm khi ra khỏi cái nhà này”.




Cầu nguyện và xin xỏ, Kinh Người Ðất Phương Tây

Phanblogs Cầu nguyện và xin xỏ- Kinh Người Ðất Phương Tây 


Một thời Thế Tôn trú ở Nàlandà, tại rừng Pàvàrikamba.

Rồi thôn trưởng Asibandhakaputta đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, thôn trưởng Asibandhakaputta bạch Thế Tôn:

-Bạch Thế Tôn, các vị Bà-la-môn trú đất phương Tây, mang theo bình nước, đeo vòng hoa huệ (sevàla), nhờ nước được thanh tịnh. Những người thờ lửa, khi một người đã chết, đã mệnh chung, họ nhắc bổng và mang vị ấy ra ngoài (uyyàpenti), kêu tên vị ấy lên, và dẫn vị ấy vào Thiên giới. Còn Thế Tôn, bạch Thế Tôn, là bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, Thế Tôn có thể làm như thế nào cho toàn thể thế giới, sau khi thân hoại mạng chung, được sanh lên thiện thú, Thiên giới, cõi đời này?
Cầu nguyện và xin xỏ- Kinh Người Ðất Phương Tây
Cầu nguyện và xin xỏ- Kinh Người Ðất Phương Tây 


-Vậy, này Thôn trưởng, ở đây, Ta sẽ hỏi Ông. Nếu Ông kham nhẫn hãy trả lời.

Này Thôn trưởng, Ông nghĩ thế nào? Ở đây, một người sát sanh, lấy của không cho, sống theo tà hạnh trong các dục, nói láo, nói hai lưỡi, nói lời độc ác, nói lời phù phiếm, tham lam, sân hận, theo tà kiến. Rồi một quần chúng đông đảo, tụ tập, tụ họp lại, cầu khẩn, tán dương, chấp tay đi cùng khắp và nói rằng: "Mong người này, sau khi thân hoại mạng chung, được sanh lên Thiện thú, thiên giới, cõi đời này!" Ông nghĩ thế nào, này Thôn trưởng, người ấy do nhân cầu khẩn của đại quần chúng ấy, hay do nhân tán dương, hay do nhân chấp tay đi cùng khắp, sau khi thân hoại mạng chung, người ấy được sanh lên thiện thú, Thiên giới, cõi đời này?

-Thưa không, bạch Thế Tôn.

-Ví như, này Thôn trưởng, có người lấy một tảng đá lớn ném xuống một hồ nước sâu. Rồi một quần chúng đông đảo, tụ tập, tụ họp lại, cầu khẩn, tán dương, chấp tay đi cùng khắp và nói rằng: 

"Hãy đứng lên, tảng đá lớn! 

Hãy nổi lên, tảng đá lớn! 

Hãy trôi vào bờ, này tảng đá lớn!" 

Ông nghĩ thế nào, này Thôn trưởng, tảng đá lớn ấy do nhân cầu khẩn của đại quần chúng ấy, hay do nhân tán dương, hay do nhân chấp tay đi cùng khắp, có thể trồi lên, hay nổi lên, hay trôi dạt vào bờ không?


-Thưa không, bạch Thế Tôn.

-Cũng vậy, này Thôn trưởng, người nào sát sanh, lấy của không cho, sống theo tà hạnh trong các dục, nói láo, nói hai lưỡi, nói lời độc ác, nói lời phù phiếm, tham lam, sân hận, theo tà kiến. Rồi một quần chúng đông đảo, tụ tập, tụ họp lại, cầu khẩn, tán dương, chấp tay đi cùng khắp và nói rằng: "Mong người này, sau khi thân hoại mạng chung, được sanh lên Thiện thú, thiên giới, cõi đời này!" Nhưng người ấy, sau khi thân hoại mạng chung, phải sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục.

Ông nghĩ thế nào, này Thôn trưởng? Ở đây, có người từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ sống tà hạnh trong các dục, từ bỏ nói láo, từ bỏ nói hai lưỡi, từ bỏ nói lời độc ác, từ bỏ nói lời phù phiếm, không có tham, không có sân hận, có chánh tri kiến. Rồi một quần chúng đông đảo, tụ tập, tụ họp lại, cầu khẩn, tán dương, chấp tay đi cùng khắp và nói rằng: "Mong người này, sau khi thân hoại mạng chung, được sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục!" Ông nghĩ thế nào, này Thôn trưởng, người ấy do nhân cầu khẩn của quần chúng đông đảo ấy, hay do nhân tán dương, hay do nhân chấp tay đi cùng khắp, sau khi thân hoại mạng chung, có thể sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục không?

-Thưa không, bạch Thế Tôn.

-Ví như, này Thôn trưởng, có người nhận chìm một ghè sữa đông (sappi) hay một ghè dầu vào trong một hồ nước sâu rồi đập bể ghè ấy. Ở đây, ghè ấy trở thành từng miếng vụn, hay từng mảnh vụn và chìm xuống nước. Còn sữa đông hay dầu thời nổi lên trên. 

Rồi một quần chúng đông đảo, tụ tập, tụ họp lại, cầu khẩn, tán dương, chấp tay đi cùng khắp và nói: 

"Hãy chìm xuống, này sữa đông và dầu! 

Hãy chìm sâu xuống, này sữa đông và dầu. 

Hãy chìm xuống tận đáy, này sữa đông và dầu!". 

Ông nghĩ thế nào, này Thôn trưởng, sữa đông ấy, dầu ấy, có do nhân cầu khẩn của đám quần chúng đông đảo ấy, do nhân tán dương, do nhân chấp tay đi cùng khắp của quần chúng đông đảo ấy nên bị chìm xuống, hay chìm sâu xuống, hay đi xuống tận đáy không?


-Thưa không, bạch Thế Tôn.

-Cũng vậy, này Thôn trưởng, có người từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ sống tà hạnh trong các dục, từ bỏ nói láo, từ bỏ nói hai lưỡi, từ bỏ nói lời độc ác, từ bỏ nói lời phù phiếm, không có tham, không có sân, theo chánh tri kiến. Rồi một quần chúng đông đảo, tụ tập, tụ họp lại, cầu khẩn, tán dương, chấp tay đi cùng khắp và nói: "Mong rằng người này, sau khi thân hoại mạng chung, sẽ sanh vào cõi dữ ác thú, đọa xứ, địa ngục!" Nhưng người ấy sau khi thân hoại mạng chung, sẽ sanh lên thiện thú, Thiên giới, cõi đời này.

"Hãy chìm xuống, này sữa đông và dầu! 

Hãy chìm sâu xuống, này sữa đông và dầu. 

Hãy chìm xuống tận đáy, này sữa đông và dầu!". 


Khi nghe nói vậy, thôn trưởng Asibandhakaputta bạch Thế Tôn:

-Thật là vi diệu, bạch Thế Tôn! Thật là vi diệu, bạch Thế Tôn! Bạch Thế Tôn, như người dựng đứng lại những gì bị quăng ngã xuống, phơi bày những gì bị che kín, chỉ đường cho kẻ bị lạc hướng, đem đèn sáng vào trong bóng tối để những ai có mắt có thể thấy sắc. 


Cũng vậy, Chánh pháp đã được Thế Tôn dùng nhiều phương tiện trình bày, giải thích. Bạch Thế Tôn, con nay xin quy y Phật, Pháp và chúng Tăng. Mong Thế Tôn nhận con làm đệ tử cư sĩ, từ nay trở đi cho đến mạng chung, con trọn đời quy ngưỡng!

Kinh Tương Ưng, IV.42.6