Search

6.7.16

Ôi tiếng Việt như bùn và như lụa

Phanblogs Lưu Quang Vũ gốc Quảng Nam, sinh ra từ Phú Thọ, lớn lên trong cảnh "hạt thóc bẻ đôi, chiến trường chia nửa" nên ông chắc chắn cũng lớn lên trong phù sa của bùn.


Trong bài thơ này tôi tìm hoài mà có cái nét nào là bóng dáng của thị thành đâu? Thậm chí từng câu, từng khổ cũng không “với tay đụng trời” như "Bàn tay ta làm nên tất cả - Có sức người sỏi đá cũng thành cơm".

Người thị thành, hay có thể người sinh ra và lớn lên không gần gũi với nông thôn làm sao ngửi được mùi khu khú mà thật thương của bùn trong bài thơ này được? Với họ, chữ trong câu thơ phải là “đất cày” mới có tính mộc mạc, mới thoảng được mùi thơm trong sạch của đất, còn “bùn” là hình tượng gớm ghiếc của “đánh bùn sang ao” hay “Để lâu, phân trâu hóa bùn”.

Hãy đọc khổ thơ trong bài thơ này:

Tiếng mẹ gọi trong hoàng hôn khói sẫm

Cánh đồng xa cò trắng rủ nhau về

Có con nghé trên lưng bùn ướt đẫm

Nghe xạc xào gió thổi giữa cau tre.

Chữ bùn bắt đầu như thế đó! Nó dung dị, hiền hòa mà thương quá! Nó có màu sẫm của nhọc nhằn, có vị mặn của mồ hôi nhưng thơm lừng với thời gian! Ai nói màu bùn trong khổ thơ ni là dơ bẩn? Ai nói mùi bùn trên lưng nghé là mùi hôi?

Người Việt vươn lên từ lúa nước, từ mùi bùn nhọc nhằn để thành nhân. Lưu Quang Vũ đã có gien bùn của quê hương đất Quảng truyền từ trong huyết quản của cha mình, nhà biên kịch Lưu Quang Thuận. Sinh ra, lớn lên với tuổi thơ đầy bùn, câu thơ chảy ra từ bùn thì mắc gì ông không gửi màu bùn và mùi bùn trong đó?

Ôi tiếng Việt như bùn và như lụa

Óng tre ngà và mềm mại như tơ.




Tôi cũng lớn lên từ bùn, tuổi thơ tôi cũng đầy bùn. Bùn của Quê hương, bùn của Cha và của Mẹ. Bùn đã nuôi tôi khôn lớn, cho tôi cảm nhận được mùi thơm khú nắng của ruộng đồng mà lớp người thị thành cho là “thúi”. Bùn đã theo tôi bằng những hoài niệm ngọt ngào và lòng biết ơn sâu đậm khi nghĩ về một vùng quê... Bởi thế, khi đọc lại, nhất là xem lại bút tích của nhà thơ tôi trân trọng lắm cái từ “bùn”.

Ai miệt thị: Bùn cũng đòi hóa phù sa?


Với tôi, màu phù sa, vị phù sa, hương phù sa chưa chắc gì bằng cái chất rất bùn trong từ "bùn" của Lưu Quang Vũ.

Kết lại hãy cùng nghe lời thơ như câu hát của mẹ ngày còn tuổi vào nôi:

Ôi tiếng Việt suốt đời tôi mắc nợ

Quên nỗi mình quên áo mặc cơm ăn

Trời xanh quá môi tôi hồi hộp quá

Tiếng Việt ơi tiếng Việt xót xa tình...