Search

20.10.08

T.T.Kh Là Ai?

T.T.Kh Là Ai?
T.T.Kh. với những câu thơ xót xa cảm động:
Tôi vẫn đi bên cạnh cuộc đời
Ái ân lạt lẽo của chồng tôi
Và từng thu chết, từng thu chết
Vẫn giấu trong tim một bóng người...


 
hai sắc hoa tigôn ttkh ,chuyện tình hai sắc hoa tigon ,bài thơ hai sắc hoa tigon chế ,hai sắc hoa tigon hoàng oanh pbn 124 ,hai sắc hoa tigon karaoke ,bài thơ màu máu tigon ,bài thơ oan trái của nguyễn tường ,hai sac hoa tigon hoang oanh mp3 ,bài thơ cuối cùng ttkh






Vậy T.T.Kh. là ai? Nam hay nữ? Bút danh này chỉ thấy ghi ở ba bài thơ đăng trong Tiểu thuyết thứ bảy và một bài trên báo Phụ nữ, rồi thôi, không thấy xuất hiện nữa.

Ông Hoài Thanh, năm 1941, có soạn cuốn Thi nhân Việt Nam cũng trích dẫn T.T.Kh. với lời ghi chú: "Sau khi bài thơ kia đăng rồi, xóm nhà văn bỗng xôn xao, đến mấy người nhất quyết T.T.Kh. chính là người yêu của mình. Và người ta đã phê bình rất náo nhiệt. Có kẻ không ngần ngại cho những bài thơ ấy là những áng thơ kiệt tác...".

Hôm nay xin công bố với bạn đọc, một thông tin chúng tôi được biết về T.T.Kh. Người kể còn sống, mà T.T.Kh. cách đây bốn năm vẫn còn gặp. Chúng tôi thấy cần phải công bố ngay vì nó có lợi cho việc là văn học sử sau này.

Số là vào dịp hội đền Bà Tấm năm nay (Kỷ Tỵ, 1989), chúng tôi rủ nhau sang Phú Thụy dự hội. Cùng đi có nhà thơ Lương Trúc thuộc lớp thơ trước Cách mạng tháng Tám, năm nay đã 74 tuổi (tên thật là Phạm Quang Hòa), bạn thân với các nhà thơ Thâm Tâm, Nguyễn Bính và Trần Huyền Trân. Chính bài Tống biệt hành Thâm Tâm viết tặng Phạm Quang Hòa khi đi hoạt động cách mạng. Nguyễn Bính cũng có bài thơ tặng Phạm Quang Hòa mở đầu bằng hai câu:

Tôi và anh: Bính và Hòa
ở đây xa chị, xa nhà, xa em...
Và đây kết thúc bằng hai câu:
Đây là giọt lệ phân ly
Ngày mai tôi ở, anh đi, bao giờ...?

Nhà thơ Lương Trúc là người cung cấp tư liệu, và tất nhiên ông sẽ sẵn sàng chịu trách nhiệm về họ tên tác giả Hai sắc hoa ti-gôn được công bố dưới đây. Cùng nghe hôm đó với tôi có nhà thơ Trần Lê Văn và nhà thơ Tú Sót.

T.T.Kh. tên thật là Trần Thị Khánh, người yêu của Thâm Tâm. Hai người yêu nhau, nhưng biết không lấy được nhau, hẹn giữ kín mối tình, để đỡ phiền đến gia đình của nhau sau này. Cô Khánh đọc Tiểu thuyết thứ bảy in truyện ngắn Hoa ti-gôn của Thanh Châu (số tháng 9-1937) xúc động, tự thổ lộ câu chuyện riêng bằng bài thơ Hai sắc hoa ti-gôn và gửi đăng Tiểu thuyết thứ bảy.

Bài thơ in ra gây xôn xao trong làng văn chương như ông Hoài Thanh ghi nhận. Tiếp đó để giải thích lý do viết bài Hai sắc hoa ti-gôn, T.T.Kh. gửi đến Tiểu thuyết thứ bảy một bài nữa, với tiêu đề là Bài thơ thứ nhất và viết tặng riêng Thâm Tâm bài thơ Đan áo.

Lại càng xôn xao, nhiều người cho là nam giới giả danh, nhiều người nhận là người yêu của mình, trong số này có nhà thơ Nguyễn Bính.

Thâm Tâm hồi ấy còn trẻ, với tính hiếu thắng của tuổi trẻ, ông đã gửi báo Phụ nữ đăng bài thơ Đan áo để minh chứng với thiên hạ rằng T.T.Kh. chính là người yêu của mình. Tất nhiên không có sự đồng ý của T.T.Kh.

Và thế là T.T.Kh. giận, cô viết bài thơ lấy tiêu đề Bài thơ cuối cùng gửi đăng ở Tiểu thuyết thứ bảy, vừa hờn vừa giận đầy yêu thương, và cũng từ đấy T.T.Kh. "tắt lịm" trên thi đàn.

Sau này, Thâm Tâm có viết một bài thơ dài để trả lời T.T.Kh. bài Các anh, (tập thơ mới của Thâm Tâm, nhà xuất bản Văn học 1987, có in bài Các anh nhưng đây chỉ mới trích một phần).

Lời bàn: Có người viết hàng trăm bài thơ, in hơn chục tập thơ, mà không gây được mộ vang hưởng nào trong nghệ thuật thơ. T.T.Kh. viết bốn bài, có bài đã gây được vang hưởng.

Thơ hay đâu cần nhiều.

Phê-lích ác-ve (Félix Arvers, 1806-1850) chỉ nhờ bài Tình tuyệt vọng mà tên tuổi được ghi trong văn học sử Pháp. Mới hay trong "lãnh địa" nghệ thuật, số lượng chỉ là cái không đáng kể. T.T.Kh. cần phải đợc xem xét và đáng giá như một tác giả của dòng thơ lãng mạn trước Cách mạng tháng Tám. Điều đó không có gì là quá đáng.

Được biết T.T.Kh. về sống ở Thanh Hóa đã bốn năm nay, không biết bây giờ bà còn hay mất, nhưng cứ xin phép cho chúng tôi được công bố điều bí mật trên vì nghĩ rằng:

Thời gian đi đã dài, nhà thơ Thâm Tâm đã mất, ông nhà cũng quy tiên. Vả lại, cũng vì công việc của văn sử học, nếu đã tìm ra tác giả của một tác phẩm nổi tiếng thì dù đắn đo đến đâu rồi cũng phải công bố.

Hoàng Tiến
(Nhân dân Chủ nhật số 23 tháng 7-1989)


Hai sắc hoa tigôn
TTKH

Một mùa Thu trước mỗi hoàng hôn
Nhặt cánh hoa rơi chẳng thấy buồn
Nhuộm ánh nắng tà qua mái tóc
Tôi chờ người đến với yêu đương.

Người ấy thường hay vuốt tóc tôi
Thở dài trong lúc thấy tôi vui
Bảo rằng" Hoa giống như tim vỡ,
Anh sợ tình ta cũng vỡ thôi"

Thuở ấy nào tôi đã hiểu gì
Cánh hoa tan tác của sinh ly
Cho nên cười đáp" Màu hoa trắng,
"Là chút lòng trong chẳng biến suy"

Ðâu biết lần đi một lỡ làng
Dưới trời gian khổ chết yêu đương
Người xa xăm quá tôi buồn lắm
Trong một này vui pháo nhuộm đường

Từ ấy thu rồi thu lại thu
Lòng tôi còn giá đến bao giờ
Chồng tôi vẫn biết tôi thương nhớ
Người ấy cho nên vẫn hững hờ

Tôi vẫn đi bên cạnh cuộc đời
Ái ân lạt lẽo của chồng tôi
Mà từng thu chết từng thu chết
Vẫn giấu trong tim bóng một người

Buồn quá hôm nay xem tiểu thuyết
Thấy ai cũng ví cánh hoa rơi
Nhưng hồng tựa trái tim tan vỡ
Và đỏ như màu máu thắm phai

Tôi nhớ lời người đã bảo tôi
Một mùa thu cũ rất xa xôi
Ðến nay tôi hiểu thì tôi đã
Làm lỡ tình duyên cũ mất rồi

Tôi sợ chiều thu nắng phớt mờ
Chiều thu hoa đỏ rụng chiều thu
Gió về lạnh lẽo chân mây vắng
Người ấy bên sông đứng ngóng đò

Nếu biết rằng tôi đã lấy chồng
Trời ơi ! người ấy có buồn không
Có thầm nghĩ đến loài hoa vỡ
Tựa trái tim phai tựa máu hồng?

Tiểu Thuyết Thứ Bảy, số 179, 30/10/1937


Bài thơ cuối cùng
TTKH

Anh ạ, tháng ngày mau quá nhỉ !
Một mùa thu cũ một lòng đau
Ba năm ví biết anh còn nhớ
Em đã câm lời có nói đâu

Ðã lỡ thôi rồi chuyện biệt ly
Càng khơi càng thấy lụy từng ly
Trách ai đem cánh "ti-gôn" ấy
Mà viết tình em được ích gì ?

Chỉ có ba người đọc thơ riêng
Bài thơ "đan áo" của chồng em
Bài thơ đan áo nay rao bán
Cho khắp người đời thóc mách xem

Là giết đời nhau đấy biết không ?
Dưới giàn hoa máu tiếng mưa rung
Giận anh tôi viết dòng dư lệ
Là chút dư hương điệu cuối cùng

Từ nay anh hãy bán thơ anh
Và để yên tôi với một mình
Những cánh hoa lòng, hừ đã ghét
Thì đem mà đổi lấy hư vinh

Ngang trái đời hoa đã úa rồi
Từng mùa gió lạnh sắc hương rơi
Buồng nghiêm thơ thẩn hồn eo hẹp
Ði nhớ người, không muốn nhớ lời

Tôi oán hờn anh mỗi phút giây
Tôi run sợ viết bởi rồi đây
Nếu không yên được thì tôi chết
Ðêm hỡi, làm sao tối thế nầy !

Năm lại, năm qua cứ muốn yên
Mà phương trời nhớ chẳng làm quên
Và người vỡ lỡ duyên thầm kín
Lại chính là anh, anh của em

Tôi biết làm sao được hỡi trời!
Giận anh không nỡ nhớ không thôi
Mưa buồn mưa hắt trong lòng ướt
Sợ quá đi anh, có một người...

Tiểu Thuyết Thứ Bảy, số 217, 23/07/1938

13.10.08

AQ Chính Truyện

AQ Chính Truyện Lời tựa  Tôi có ý viết cho chú AQ một pho chính truyện đã mấy năm trời nay rồi, nhưng một đằng tính viết, một đằng lại ngần ngại. Điều đó đủ chứng tỏ rằng tôi chẳng có tư cách một nhà "lập ngôn" tí nào. Chả là xưa nay những ngòi bút bất hủ phải dành để viết về những nhân vật bất hủ. Thế rồi, nhân vật nhờ văn chương mà trường thọ, văn chương cũng nhờ nhân vật mà được lưu truyền. Rút cục, văn chương nhờ nhân vật hay nhân vật nhờ văn chương mà được lưu truyền, cũng khó nói cho minh bạch. Ấy thế mà chung qui tôi lại vẫn cứ nghĩ đến viết truyện cho A Q. Thì ra tâm trí tôi như có ma quỷ ám ảnh.

AQ Chính Truyện
Nhưng vừa cầm bút định viết thiên văn chương "tốchủ" này, tôi đã cảm thấy nhiều điều khó khăn.
Một là cái nhan đề cuốn truyện. Đức Thánh nói rằng: "Danh bất chính tắc ngôn bất thuận" (Tên không đúng thì lời nói không xuôi). Ấy là một điều mình phải đặc biệt chú ý. Truyện có nhiều loại: liệt truyện, tự truyện, nội truyện, ngoại truyện, biệt truyện, gia truyện, tiểu truyện, ..., phiền một nỗi không có một tên nào hợp cả. Gọi là "liệt truyện" ư? Thì đây nào có phải là một nhân vật có tên tuổi bằng vai bằng lứa với những nhân vật tai to mặt lớn trong "chính sử" ! Gọi là "tự truyện" ư? Thì tôi nào có phải là A Q? Còn nói là "nội truyện", thì A Q quyết không phải là thần tiên. Hay là dùng chữ "biệt truyện" vậy? Khốn nỗi ông Đại Tổng thống, ngài chưa hề hạ dụ cho quốc sử quán chép "bản truyện" của A Q bao giờ. Vẫn biết rằng mặc dù trong bộ chính sử nước Anh không hề chép liệt truyện các người đánh bạc, mà nhà đại văn hào Dickens cũng đã viết ra bộ Liệt truyện những người đánh bạc. Nhưng một nhà văn hào có thể như thế, chứ bọn mình thì quyết không xong. Sau nữa, còn hai chữ "gia truyện". Nhưng tôi không rõ tôi với A Q có phải là bà con không, mà con cháu y cũng chưa nhờ tôi viết hộ bao giờ ! Hay gọi là "tiểu truyện"? Thì A Q cũng chưa hề có một bộ "đại truyện" nào cả. Nói tóm lại, truyện này cũng có thể cho là một bộ "bản truyện", nhưng xét ra, văn chương của tôi nôm na mách qué lắm, toàn dùng những lời của "anh kéo xe, chị bán tương", lẽ nào lại dám lạm dụng như thế ! Cực chẳng đã, đành phải mượn hai chữ "chính truyện" trong câu đưa đẩy mà mấy nhà viết tiểu thuyết "không chính quy" vẫn dùng: "Nhàn thoại hưu đề ngôn quy chính truyện" (Hãy gác những chuyện rườm rà để kể lại chuyện chính) mà đặt cho bộ sách cái tên "chính truyện", mặc dù hai chữ này có thể lẫn lộn với hai chữ "chính truyền" trong tên bộ sách có tiếng của cổ nhân là bộ Thư pháp chính truyền thì cũng mặc !


6.10.08

Gia Cát Lượng khóc viếng Châu Du

Gia Cát Lượng khóc viếng Châu Du

Thương ôi Công Cẩn, làm sao sớm khuất,
Ðành lẽ số trời, ai ai cũng xót
Lượng tôi tới đây , kính dâng ly rượu
Anh Có linh thiêng xin về chứng giám
Nhớ xưa đi học , chơi với Bá Phù
Nhường cơm sẽ áo , một lòng thương nhau
Nhớ anh còn trẻ , chí cả ngàn trùng
Vẫy vùng một cõi , độc lập Giang Ðông
Quyền cao chức trọng , trấn giử Ba Khẩu
Khiếp oai Lưu Biểu , đẹp dạ Ngô Hầu
Diện mạo như ngọc , Tiểu Kiều đẹp đôi
Rể tôi nhà Hớn , hỏi được mấy người ?
Anh hùng cái thế , chẳng khứng qui Tào
Trời xanh vổ cánh đại bàng bay cao
Phong tư cốt cách , Tương Cán ngở ngàng
Hết đường thuyết khách , nói cười như không
Thương anh lừng lẩy , văn võ kiêm toàn
Hỏa công một trận , Xích Bích lừng vang
Làm sao sớm khuất , ai hởi Chu Lang
Lượng tôi đau xót , huyết lệ hai hàng
Sống đũ trung nghĩa , mất được thảnh thơi
Tuổi thọ ba chục , danh lưu muôn đời
Lòng tôi bối rối , vạn mối tơ vò
Tâm nầy lửa đốt , ruột héo gan khô
Giang Ðông tang tóc , ba quân bàng hoàng
Chúa thời tuôn lệ , bạn thời khóc than
Lượng tôi những tính nương tựa vào nhau
Giúp Lưu phò Hớn , cùng Ngô phá Tào
Gây thế ỷ dốc , sớm hôm bàn mưu
Lượng tôi kém cỏi , mong trông cậy nhiều
Nào ngờ Công Cẩn ! , sớm khuất từ đây
Mênh mang chánh khí , trời thẳm đất dầy
Anh linh chứng dám , rủ thương lòng nầy
Từ nay tri kỷ ,biết ngỏ cùng ai ?
Thương ôi , có thiêng , xin về thượng hưởng....
Gia Cát Lượng khóc viếng Châu Du

Khổng Minh nghẹn ngào mãi mới đọc hết , đọc xong gục mặt xuống đất khóc lóc như mưa , thảm thương vô cùng , đầu tóc rủ rượi , muốn cho các tướng đang tức giận muốn ăn tươi nuốt sống Khổng Minh cũng phải nói với nhau :

- Người ta cứ nói Công Cẩn với Khổng Minh bất hòa , nhưng nay xem như vậy , thì có lẻ là thiên hạ xét sai .
Lỗ Túc cũng nghĩ trong bụng :
- Khổng Minh bi thiết như vậy , lòng dạ chắc tốt , chẳng qua Công cẩn hẹp lượng nên mình hại mình đấy thôi !
Phúng điếu xong xuôi. Khổng Minh được bên Ðông Ngô thết đãi tử tế .
Mãn tiệc Khổng Minh xin về , tới bờ sông , chợt có người ở sau vỗ vai nói :
- Ngươi chọc Công Cẩn tức mà chết , lại còn sang điếu tang, dể khinh Ðông Ngô không có người biết hay sao ?
Khổng Minh thất kinh, nhìn lại là Phụng Sồ tiên sanh bèn dắt nhau xuống thuyền trò chuyện . Sau đó Khổng Minh dặn Bàng Thống khi nào không ở với Ðông Ngô nữa , xin sang Kinh Châu cùng phò Huyền Ðức .

trong cuộc sống có khoái lạc, cũng có đau thương, bất tất phải cố ý tu sức cho bản thân mình. Chỉ cần dùng chân tâm, chân tính, chân cảm của bản thân thì có thể đối diện với cuộc sống, lớn tiếng mà khóc, lớn tiếng mà cười. Dùng cái chân tình biểu hiện cho chính mình, ấy mới có thể xem như là một con người…


Thuật "rút đất" hay một trò ú tim của trẻ nhỏ?

Đối lập với cái gian hùng của Tào Tháo là cái “kiêu hùng” của Lưu Bị, cũng có cách xử lý mà không người nào làm được, ông ta dùng nước mắt để tranh thiên hạ. Lưu Bị thích khóc đến nổi tiếng.
Lưu Bị dưới sự trợ giúp của Từ Nguyên Trực, đóng quân Tân Dã, chiêu binh mãi mã, tích trữ lương thảo, khí tượng ngày một thịnh. Nhưng Tào Tháo đã bắt chước bút tích của Từ Mẫu đưa cho Nguyên Trực, khiến cho ông ta phải rời bỏ Lưu Bị. Lưu Bị khóc rằng: “Nguyên Trực đi rồi, ta sẽ không biết làm thế nào?”, rồi ngưng nước mắt mà ngóng theo. Từ Thứ vì điều này mà tâm tư nhiễu loạn, nước mắt lưng tròng, khi sang phía Tào Tháo từ đầu chí cuối không đưa ra một kế sách nào.
Lưu Bị ba lần đến lều cỏ, gặp phải lời từ chối khéo của Khổng Minh, khóc rằng: “Tiên sinh không xuất sơn, thiên hạ sẽ sống như thế nào?”. Lưu Bị nói đi nói lại, càng động đến tâm sự sâu kín, tâm tư trăm mối, lúc đó “nước mắt thấm ra tay áo, làm ướt hết cả vạt áo”.
Khi Lỗ Túc Đông Ngô đòi Kinh Châu, Lưu Bị lại khóc, dày vò những thủ hạ của Lỗ Túc không biết xử trí thế nào, cuối cùng không hoàn thành được nhiệm vụ.
Khi tin Quan Vũ bị sát hại truyền tới, Lưu Bị “thét lên một tiếng lớn, hôn mê ngã vật xuống đất”, lệ thấm ướt vạt áo, ba ngày không ăn. Biểu hiện huynh đệ tình thâm.
Lưu Bị từ đầu chí cuối đều dùng nước mắt để cảm động văn thần võ tướng, khóc để giành được một địa bàn lập nghiệp rồi cũng dùng khóc để có được vị trí vua đất Thục.
Là thủ hạ của một vị quân vương khóc rất nhiều, việc khóc của Gia Cát Lượng cũng rất có bản lĩnh. Chí ít việc khóc của ông ta cũng có thể cùng Lưu Bị tạo nên công trạng. Nhưng Lưu bị dù nói gì đi nữa, cũng có một chút vì quốc gia mà khóc. Còn việc khóc của Gia Cát Lượng cũng chỉ là kiểu mèo khóc chuột, mượn sự thương xót để giải hiềm nghi mà thôi.

Gia Cát Lượng đầu tiên là khóc Chu Du. Năm 36 tuổi, vị đô đốc thủy quân của Đông Ngô Chu Du đã bất hạnh tiêu vong, Gia Cát Lượng mang theo Triệu Tử Long và một số người khác nữa đến phúng viếng. 

Chỉ thấy Khổng Minh tới trước linh sàng Chu Du, bày lễ vật, tự rót rượu, đổ xuống đất rồi khóc lớn, vừa khóc vừa thuật lại Chu Du sinh thời anh hùng, văn tài võ lược, rộng lượng chí cao như thế nào, rồi giúp Tôn Quyền cát cứ Giang Đông, xây dựng sự nghiệp ra sao. Ông ta cực lực ca ngợi tấm lòng trung nghĩa, khí chất anh hùng của Chu Du. Đứng trước quan tài của Chu Du, ông đau đớn nói: “Hỡi ôi Công Cẩn, sinh tử vĩnh biệt!”. “Hồn phách có linh, xin chứng giám cho tấm lòng của tôi: từ đây trong thiên hạ, sẽ không tìm thấy đâu kẻ tri âm! Than ôi đau đớn thay!”. Ông ta nước mắt như suối, bi thương khóc lóc không dừng, thực là cảm động lòng người. Những người có mặt trong buổi hôm đó không ai là không bị nước mắt của ông ta làm cho cảm động, các tướng lĩnh không có ai không bị tình cảm của ông ta cảm hóa.
Gia Cát Lượng giống như đám tang mẹ, khóc lóc kêu gào. Các tướng lĩnh Đông Ngô đều bị tung hỏa mù. Họ nghĩ không ra rằng vì sao Chu Du chết. Không phải là người trước mắt họ, nói lời mà không giữ, chua ngoa cay nghiệt thì Chu Du đâu đã chết nhanh như vậy. Giờ đến đám tang khóc viếng, phân minh là không ai ăn hiếp Giang Đông cả, có ý muốn hạ thấp Chu Du, trình hiện trước thế nhân một giả tượng rằng: không phải là tôi, Gia Cát Lượng, thế này thế nọ mà là ông, Chu Du, nhỏ nhen, việc ông tức khí mà chết hoàn toàn không liên quan tới tôi. Ông xem ông chết mà tôi vẫn còn tới khóc viếng ông, ông phải nói tôi thật rộng lượng mới đúng! Đối với một người đã chết mà ông ta vẫn không từ bỏ, lòng dạ Gia Cát Lượng quả thật còn hơn lang sói.
Nghe nói loài cá khi ăn thực vật, có một loài có biểu hiện rất giống con người: chảy nước mắt. Loài cá quả thực là có biết chảy nước mắt, chỉ là chúng hoàn toàn khóc không phải vì thương tâm mà là do lượng muối dư thừa trong cơ thể nó bài tiết ra. Chức năng bài tiết của thận cá không được hoàn thiện như, trong cơ thể dư thừa quá nhiều muối, cần phải dựa vào một tuyến muối đặc thù để bài tiết. Tuyến muối trong cơ thể loài cá nằm rất gần vùng mắt của cá. Tuyến muối này có thể giúp loài cá tiêu giảm bớt lượng muối trong nước biển, từ đó mà nước biển nhạt đi. Vì thế, tuyến muối là dụng cụ làm nhạt nước biển của thiên nhiên.
Nước mắt của loài cá này hoàn toàn không phải là do tình cảm mà là một loại giả từ bi, giả thương tâm, giả cảm thông. Loại nước mắt này chỉ là một tuyến ở vùng phụ cận của mắt làm ra một trò đùa quái đản, chỉ cần khi cá ăn, loại tuyến phụ sinh bài tiết ra một loại dung dịch muối của tự nhiên. Trong cuộc sống loại ngụy quân tử giả từ bi này thật đáng mỉa mai!

Tiếng khóc “ghi dấu kinh điển” của Gia Cát Lượng chính là lần khóc chém Mã Tốc. 


Gia Cát Lượng ra Kì Sơn bắc phạt, ban đầu giành thắng lợi, giành được ba quận vùng Lũng Tây, thanh thế làm chấn động Ngụy quân. Đột nhiên có tin báo, Tư Mã Ý xuất quan, hành quân cấp tốc. Gia Cát Lượng liệu định chắc rằng Tư Mã Ý sẽ lấy Nhai Đình, chặn yết hầu của quân Thục. Vì thế muốn phái một thượng tướng danh tiếng đến trấn thủ ở Nhai Đình, không ngờ Mã Tốc muốn được nhận nhiệm vụ, cam kết “nếu như thất bại, chém đầu cả nhà”. Mã Tốc vốn là một thư sinh, bàn việc binh trên giấy còn khả dĩ, không hề có một chút kinh nghiệm thực chiến. Chỉ vì ông ta có sự giao hảo riêng với Gia Cát Lượng, lại là một nhân vật thuộc phái Kinh Tương. Chỉ vì cho ông ta một cơ hội kiến công lập nghiệp, Gia Cát Lượng đã không nghe lời mọi người mà đề bạt Mã Tốc. Kết quả, Mã Tốc sau khi tới Nhai Đình đã chống lệnh, không nghe lời can gián, lập trại ở trên núi, cuối cùng đã bị Tư Mã Ý trước chặn đường thủy, lại phóng hỏa đốt núi, tuy Thục quân mấy lần cứu viện nhưng rốt cục Nhai Đình vẫn mất.
Sau khi Nhai Đình thất thủ, Gia Cát Lượng phải sửa chữa cục diện thất bại của mình, thân là chủ tướng ông ta không thể đổ thừa trách nhiệm cho ai. Nhưng là một để bảo toàn danh dự cho bản thân, nên đã đem toàn bộ sai lầm trong cuộc chiến đó đẩy hết cho Mã Tốc, luôn miệng nói là thất bại Nhai Đình là một sự kiện trọng đại trong chiến tranh. Mẫ Tốc không cách gì đã trở thành vật hy sinh của ông ta. Gia Cát Lượng chém khi chém Mã Tốc có ba lần ông ta chảy nước mắt như loài cá.

Lần khóc thứ nhất là trách mắng sai lầm của Mã Tốc. Nói Nhai Đình là gốc của quân Thục, ngươi đã lấy sinh mạng cả gia đình để lĩnh trách nhiệm nặng nề đó, nay mất đất mất thành, tất sẽ bị xử chém. Lúc đó Mã Tốc cầu xin rằng sau khi giết chết ông ta có thể ban ân tha chết cho con ông ta, Gia Cát Lượng bị lời khẩn cầu của một người sắp chết làm cho cảm động, ông ta lập tức đáp ứng thỉnh cầu, đổng thời chảy nước mắt nói: “Ta và Nhữ Nghĩa (tên tự của Mã Tốc) là huynh đệ, con của ông cũng chính là con của ta, không cần dặn dò quá nhiều”. Ý là muốn Mã Tốc yên tâm mà đi.
Mã Tốc vốn có giao hảo với Gia Cát Lượng, nay vì lợi ích của bản thân, ông ta không thể không giết Mã Tốc. Giờ đối diện với đề xuất cuối cùng của một người cha cho con mình, lương tâm của ông ta cũng không hoàn toàn mất đi.
Lần thứ hai khóc là lần can gián của Tưởng Uyển. Trong cách nhìn của Tưởng Uyển: “Nay thiên hạ chưa định, mà giết người mưu trí, chẳng đáng tiếc lắm hay sao?”. Khổng Minh cũng biết rằng Mã Tốc cũng có chỗ khả dụng. Trước đây Mã Tốc đã vì Khổng Minh hiến kế hai lần và cả hai lần đều giành được thắng lợi lớn: Lần thứ nhất là bảy lần bắt Mạnh Hoạch, ông ta kiến nghị lấy công tâm làm đầu. Một lần khác là lợi dụng kế phản gián, gây xích mích trong quan hệ giữa Tào Duệ và Tư Mã Ý, kết quả là Tư Mã Ý bị biếm về quê. Gia Cát Lượng không phải không biết tài năng của Mã Tốc Mã Tốc không chết nhất định trở thành cánh tay đắc lực của ông ta, nhất định có thể giúp ông ta đối phó với một số người như Lý Nghiêm,… Nhưng ngày hôm nay nếu như không chết, rất có thể địa vị của ông ta trong tập đoàn Kinh Tương sẽ bị lung lay. Giết chết Mã Tốc cũng giống như chặt đứt một cánh tay của ông ta. Lúc đó nội tâm của ông ta cực kì phức tạp mâu thuẫn, làm sao ông ta không thương tâm cho được?
Lần thứ ba là sau khi nhìn thấy thủ cấp của Mã Tốc, Không Minh lại không nén nổi sự đau đớn nội tâm, khóc lớn không thôi. Lúc này Tưởng Uyển vẫn ngoan cường hỏi: “Nay kẻ ấu trĩ thường mắc tội, đã xử theo quân pháp, thừa tướng hà cớ gì phải khóc?”. Đây là lần đâu tiên Khổng Minh nghĩ tới thất bại do việc mình dùng người không đúng gây ra, và lại sai lầm này là không thể thông cảm được. Gia Cát Luợng từ sau khi Lưu Bị chết, gạt bỏ sự độc chiếm quyền bính của Lý Nghiêm, ….

Gia Cát Lượng khóc Chu Du, khóc Mã Tốc là giả nhân nghĩa lấy lòng người, vừa ăn cướp vừa la làng. Là một kẻ đầy mưu mẹo trên chính trường, ông ta rất giỏi vận dụng những biểu tượng để ngụy trang cho chính mình. Tào Tháo ba lần cười cũng có ba lần khóc. Ông ta khóc lần thứ nhất là khóc toàn gia đình mình bị Đào Khiêm giết chết, ai không thương cha thương mẹ, Tào Tháo khóc, có thể nói là khóc một cách thực tâm. Lần thứ hai khóc là khóc Điển Vi. Năm đó, Tào Tháo dẫn quân thảo phạt Trương Tú, bị trúng kế của Trương Tú, thân bị bao vây. Điển Vi sau khi mơ thấy cảnh đó, tỉnh dậy đã “ra sức hướng về hành quân”, đến chết cũng không lui, máu chảy đầy đất mà chết nhờ thế mà Tào Tháo thoát hiểm. Tào Tháo sau khi chỉnh đốn quân đội, đánh lui Trương Tú, lập tức làm lễ tế Điển Vi, tự thân mình khóc tế ông ta. Hai năm sau, Tào Tháo lại dẫn quân tới Uyển Thành tấn công Trương Tú, Tào Tháo đột nhiên khóc lớn, còn nói, ta từng đau đớn mất con trưởng, cháu yêu, nhưng ta chỉ khóc đại tướng Điển Vi của ta. Đây cũng là lần Tào Tháo khóc để lấy lòng người. Lần thứ ba khóc là khóc Quách Gia sau thất bại trong trận Xích Bích, “Nếu có Phụng Hiếu ở đây, ta đã không cô độc đến thế này”. Lần khóc này là để che đậy cho sai lầm của bản thân mình cũng là trách mắng bọn mưu sĩ vô năng, đương nhiên ông ta không quên rẳng Tuân Húc từng nhắc nhở ông ta về kế trá hàng, kế liên hoàn của Đông Ngô và cả chuyện gió Đông nữa nhưng là do Tào Tháo không nghe. Lần khóc này là sự che đây ngụy trang cho sai lầm của bản thân ông ta mà cũng là bộc lộ sự gian xảo giả dối của ông ta.

Tập Tạp Xỉ bình Gia Cát Lượng nói: “Vì thiên hạ chủ trì đại cục, muốn đại thu lực vật mà không lượng tài năng mà nhậm trọng trách, theo tài phó nghiệp; biết đó là một lỗi nặng, không tuân sự nhắc nhở của minh chủ, giết người hữu ích, thật khó mà gọi là người có trí được vậy”. Tập Tạp Xỉ cho rằng Gia Cát Lượng không đủ để gọi là người có trí nhưng ông ta không nhìn thấy rằng tuy Gia Cát Lượng tuy không phải là người có trí nhưng mà ông ta là bậc có mưu. Chỉ nhìn mấy lần ông ta dùng nước mắt để tạo ra cái thanh danh hiền thần hiếu tử cũng có thể thấy là đã đạt tới đỉnh cao của kẻ giết người không dao.

Trên thế giới vốn không có hận thù vô duyên vô cớ, cũng không có tình yêu vô duyên vô cớ. Là một con người có thất tình lục dục, phải sống trên trên cõi hồng trần tục thế, không cách nào thoát khỏi những hỷ nộ ai lạc do cuộc sống mang lại. Trong cuộc sống có khoái lạc, cũng có đau thương, bất tất phải cố ý tu sức cho bản thân mình chỉ cần dùng chân tâm, chân tính, chân cảm của bản thân thì có thể đối diện với cuộc sống, lớn tiếng mà khóc, lớn tiếng mà cười. Dùng cái chân tình biểu hiện cho chính mình, ấy mới có thể xem như là một con người./.

5.10.08

tiếng Việt trong sáng, rành mạch?

Vậy thế nào là thứ tiếng Việt trong sáng, rành mạch?

Cách nói / cách viết của bạn không chỉ là phương tiện giúp bạn giao tiếp với thế giới bên ngoài, nó còn giúp người khác hiểu và đánh giá bạn là con người thế nào. Nói một cách khác, cách trình bày trên một diễn đàn online chính là cách để bạn thể hiện bộ mặt của mình. Nhìn một bài viết trình bày sáng sủa, người đọc lập tức có cảm tình dù chưa biết nội dung bài viết đó thế nào. Ngược lại, những bài viết trình bày sai quy cách rất dễ dẫn tới việc người ta bỏ qua không thèm đọc. Dưới đây là một số gợi ý về cách "trang điểm" cho bộ mặt của mình

1/ Chấm (.), phảy (,) và xuống dòng đầy đủ. Giữa hai đoạn nên có một khoảng cách dòng: Không có gì tra tấn người đọc hơn là một bài viết dài dằng dặc mà không có điểm ngừng. Ví dụ:
Trích:
Mr. Sai viết:
Đây là ý thứ nhất và đây là ý thứ hai ý thứ ba lại được trình bày riêng thành một câu tóm lại bài viết này có mỗi 3 ý.
Trích:
Mr. Đúng viết:
Đây là ý thứ nhất, và đây là ý thứ hai. Ý thứ ba lại được trình bày riêng thành một câu.

Tóm lại, bài viết này có mỗi 3 ý.
2/ Các dấu sau đây phải được viết liền với từ đằng trước, và cách từ đằng sau một dấu cách:
Trích:
. , ; : ... ' " ) ! ?] } >
Ngược lại, các dấu sau đây phải liền với từ đằng sau, nhưng lại cách từ đằng trước một dấu cách:
Trích:
` " ( [ { <
Ví dụ:
Trích:
Mr. Sai viết:
Chú bé bán báo :- Bí mật khủng khiếp đây !Năm mươi nạn nhân ! Mua báo không ông ?
Khách qua đường : -Lại đây, tao lấy một tờ( đọc qua một hồi )- Này, thằng nhóc kia ,trong báo tao có thấy tin nào như vậy đâu .Nó nằm ở chỗ nào chứ ?
Chú bé bán báo : -Ðó chính là điều bí mật ,thưa ông . Ông là nạn nhân thứ năm mươi mốt đấy .
Trích:
Mr. Đúng viết:
Chú bé bán báo: - Bí mật khủng khiếp đây! Năm mươi nạn nhân! Mua báo không ông?
Khách qua đường: - Lại đây, tao lấy một tờ (đọc qua một hồi) - Này, thằng nhóc kia, trong báo tao có thấy tin nào như vậy đâu. Nó nằm ở chỗ nào chứ?
Chú bé bán báo: - Ðó chính là điều bí mật, thưa ông. Ông là nạn nhân thứ năm mươi mốt đấy.
3/ Mở đầu câu phải viết hoa. Tên riêng phải viết hoa. Đừng viết hoa trong câu, trừ khi bạn muốn nhấn mạnh.

Trích:
Mr. Sai viết:
hai chiếc xe đạp, một đàn ông , một phụ nữ đang đi bỗng ngoắc vào nhau làm cho xe đổ chồng lên xe, người nọ chồng lên người kia. như một phản xạ tự nhiên, cô kim hà vừa ngã vừa hét lên : " cứ để nguyên hiện trường mời công an đến giải quyết ".
Trích:
Mr. Đúng viết:
Hai chiếc xe đạp, một đàn ông, một phụ nữ đang đi bỗng ngoắc vào nhau làm cho xe đổ chồng lên xe, người nọ chồng lên người kia. Như một phản xạ tự nhiên, cô Kim Hà vừa ngã vừa hét lên: "Cứ để nguyên hiện trường mời công an đến giải quyết".
4/ Viết đúng chính tả, tránh dùng từ viết tắt, viết tiếng địa phương hoặc tiếng lóng:

Trích:
Mr. Sai viết:
Khục .... cũng chả có cái rì to tát, ấy mà các cụ các u mà bít chắc túm tóc lôi đầu tớ lên thớt mà chặt mà chém í nhềy SỢ ...... Hôm nay tớ trốn học chả coá cái khỉ khô rì gọi là ghê gớm nhể nhưng mờ lo nơm nớp íee ... u mờ fát hiện tớ nghỉ học bên tyndale chắc cấm tiệt ko cho vác xe đi giao lưu học hỏi với thiên hạ nữa thử hỏi cái thời buổi nóng nểy nổi sểy nèi, mấy kon vẹo thì vi vu quán xá lượn lờ với ng` iu trong khi mình thì lọ mọ nhồi nhét Eng vào đầu... con van uuuuu con lạy uuuuuu .... hxxx giờ mới thấu hiểu nũi đau đớn về thể xác lẫn tinh thần của kí iem rì kon chị Dậu lúc sắp bị mẹ nó bán í ạh .....
Trích:
Mr. Đúng viết:
Bó tay, không biết dịch thế "lào" cho đúng "lữa"!
5/ Biết đặt tiêu đề chính hoặc phụ có nội dung "giật gân" đúng chỗ, đúng kích thước sẽ dẫn dắt người đọc đọc bài mình dễ hơn. Đây là kỹ thuật đặt tít (title) mà làng báo vẫn dùng, ví dụ:

Trích:
Mr. Đúng viết:
UBND TP Hải Phòng “giải cứu” tội phạm?

TT - Dư luận đang bức xúc về kết quả phiên tòa xét xử vụ án tham nhũng đất đai ở Đồ Sơn. Vì sao TAND TP Hải Phòng lại có thể “đùa dai quá cỡ” khi tuyên phạt... cảnh cáo ba bị cáo?

Từ chuyện “quan ăn đất”... [Tít phụ làm rõ ý đoạn phía sau]

Việc “đẻ ra” chủ trương tái định cư ở khu Vụng Hương (phường Vạn Hương) ngay từ đầu đã có “mùi” tiêu cực. Đó là việc Thị ủy Đồ Sơn đã có thông báo số 57 ngày 25-12-2002 nêu rõ chủ trương xét giao đất rất... lạ đời.

Theo đó, ngoài 55% đất cấp cho nhân dân và cán bộ cơ sở, 10% cho các hộ gia đình chính sách, người ta đã “qui hoạch” luôn 25% đất dành cấp cho cán bộ lãnh đạo thị xã và 10% để... đối ngoại (với cấp trên).

Chưa hết, tới 5-3-2003, Thị ủy Đồ Sơn tiếp tục có thông báo số 60 hướng dẫn các đối tượng được xét cấp đất tái định cư, trong đó đặt ra một số chế độ ưu tiên rất bất bình thường: ngoài các hộ diện chính sách, cán bộ, nhân dân có nhu cầu bức xúc, còn có cả... các vị trong ban thường vụ thị ủy, lãnh đạo các phòng, ban của thị xã được cấp đất đợt 1. Nguyên tắc cấp đất được vạch rõ: cấp trưởng trước, cấp phó sau, lâu năm trước, ít năm sau...


END

2.10.08

Bình Ngô Đại Cáo

Bình Ngô Đại Cáo Tượng mảng:
Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân, quân điếu phạt chỉ vì khử bạo. Như nước Việt ta từ trước, vốn xưng văn hiến đã lâu. Sơn hà cương vực đã chia, phong tục bắc nam cũng khác. Từ Đinh, Lê, Lý, Trần, gây nền độc lập; cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên hùng cứ một phương. Dẫu cường nhược có lúc khác nhau, song hào kiệt đời nào cũng có.

Bình Ngô Đại Cáo


Vậy nên:

Lưu cung sợ mất vía, Triệu Tiết nghe giật mình. Cửa hàm tử giết trươi Toa Đô, sông Bạch Đằng bắt sống Ô Mã. Xét xem cổ tích, đã có minh trưng.

Vừa rồi:

Vì họ Hồ chính sự phiền hà, để trong nước nhân dân oán bạn. Quân cuồng Minh thừa cơ tứ ngược, bọn gian tà còn bán nước cầu vinh. Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn, vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ. Chước dối đủ muôn nghìn khóe, ác chứa ngót hai mươi năm. Bại nhân nghĩa, nát cả càn khôn, nặng khoa liễm vét không son trạch. Nào lên rừng đào mỏ, nào xuống biển mò châu, nào hố bẫy hươu đen, nào lưới dò chim sả. Tàn hại cả côn trùng thảo mộc; nheo nhóc thay quan quả điên liên. Kẻ há miệng, đứa nhe răng, máu mỡ bấy no nê chưa chán. Nay xây nhà, mai đắp đất, chân tay nào phục dịch cho vừa. Nặng nề về nhưng nỗi phu phen, bắt bớ mất cả nghề canh cửi. Độc ác thay! trúc rừng không ghi hết tội; dơ bẩn thay! nước bể không rửa sạch mùi. Lẽ nào trời đất tha cho, ai bảo thần nhân nhịn được.

Ta đây:

Núi Lam Sơn dấy nghĩa, chốn hoang dã nương mình. Ngắm non sông căm nỗi thế thù, thề sống chết cùng quân nghịch tặc. Đau lòng nhức óc, chốc là mười mấy nắng mưa; nếm mật nằm gai, há phải một hai sớm tối. Quên ăn vì giận sách thao lược suy xét đã tinh; ngẫm trước đến nay, lẽ hưng phế đắn đo càng kỹ. Những trằn trọc trong cơn mộng mị, chỉ băn khoăn một nỗi đồ hồi. vừa khi cờ nghĩa dấy lên, chính lúc quân thù đang mạnh.

Lại ngặt vì:

Tuấn kiệt như sao buổi sớm, nhân tài như lá mùa thu. Việc bôn tẩu thiếu kẻ đỡ đần, nơi duy ác hiếm người bàn bạc. Đôi phen vùng vẫy, vẫn đăm đăm con mắt dục đông; mấy thửa đợi chờ, luống đằng đẵng cỗ xe hư tả. Thế mà trông người, người càng vắng ngắt, vẫn mịt mờ như kẻ vọng dương; thế mà tự ta, ta phải lo toan, thêm vội vã như khi chửng nịch. Phần thì giận hung đồ ngang dọc, phần thì lo quốc bộ khó khăn. Khi Linh sơn lương hết mấy tuần; khi Khôi huyện quân không một lữ. Có lẽ trời muốn trao cho gánh nặng, bắt phải qua bách chiết thiên ma; cho nên ta cố gắng gan bền, chấp hết cả nhất sinh thập tử. Múa đầu gậy ngọn cờ phất phới, ngóng vân nghê bốn cõi đan hồ. Mở tiệc quân chén rượu ngọt ngào, khắp tướng sĩ một lòng phụ tử. Thế giặc mạnh, ta yếu mà ta địch nổi; quân giặc nhiều ta ít mà ta được luôn.

Dọn hay:

Đem đại nghĩa để thắng hung tàn, lấy chí nhân mà thay cường bạo. Trận Bồ Đằng sấm vang sét dậy, miền Trà Lân trúc phá tro bay.. Sĩ khí đã hăng, quân thanh càng mạnh. Trần Trí, Sơn Thọ mất vía chạy tan; Phương Chính, Lý An tìm đường trốn tránh. Đánh Tây Kinh phá tan thế giặc, lấy Đông Đô thu lại cõi xưa. Dưới Ninh Kiều máu chảy thành sông; bến Tụy Động xác đầy ngoài nội. Trần Hiệp đã thiệt mạng, Lý Lương lại phơi thây. Vương Thông hết cấp lo lường, Mã Anh khôn đường cứu đỡ. Nó trí cùng lực kiệt, bó tay không biết tính sao; ta đây mưu phạt tâm công, chẳng đánh mà người chịu khuất. Tưởng nó phải thay lòng đổi dạ, hiểu lẽ tới lui; ngờ đâu còn kiếm kế tìm phương, gây mầm tội nghiệt. Cậy mình là phải, chỉ quen đổ vạ cho người; tham công một thời, chẳng bỏ bày trò dơ duốc. Đến nỗi đứa trẻ ranh như Tuyên Đức, nhàm võ không thôi; lại sai đồ nhút nhát như Thạnh, Thăng, đem dầu chữa cháy. Năm Đinh Mùi tháng chín, Liễu Thăng từ Khâu Ôn tiến sang; lại năm nay tháng mười, Mộc Thạnh tự Vân Nam kéo đến. Ta đã điều binh giữ hiểm để ngăn lối Bắc quân; ta lại sai tướng chẹn ngang để tuyệt đường lương đạo. Mười tám, Liễu Thăng thua ở Chi Lăng, Hai mươi, Liễu Thăng chết ở Mã Yên. Hai mươi lăm, Lương Minh trận vong; hai mươi tám, Lý Khánh tự vẫn. Lưỡi dao ta đang sắc, ngọn giáo giặc phải lùi. Lại thêm quân bốn mặt vây thành, hẹn đến rằm tháng mười diệt tặc. Sĩ tốt ra oai tì hổ, thần thứ đủ mặt trảo nha. Gươm mài đá, đá núi cũng mòn; voi uống nước, nước sông phải cạn. Đánh một trận sạch không kình ngạc, đánh hai trận tan tác chim muông. Cơn gió to trút sạch lá khô, tổ kiến hổng sụt toang đê cũ. Thôi Tụ phải quì mà xin lỗi, Hoàng Phúc tự trói để ra hàng. Lạng Giang, Lạng Sơn thây chất đầy đường, Xương Giang, Bình Than máu trôi đỏ nước. Gớm ghê thay! Sắc phong vân cũng đổi; ảm đạm thay! sáng nhật nguyệt phải mờ. Binh Vân Nam nghẽn ở Lê Hoa, sợ mà mất mật; quân Mộc Thạnh tan chưn Cần Trạm, chạy để thoát thân. Suối máu Lãnh Câu, nước sông rền rĩ; thành xương Đan Xá, cỏ nội đầm đìa. Hai mặt cứu binh, cắm đầu trốn chạy; các thành cùng khấu, cởi giáp xuống đầu. Bắt tướng giặc mang về, nó đã vẫy đuôi phục tội; thể lòng trời bất sát, ta cũng mở đường hiếu sinh. Mã Kỳ, Phương Chính, cấp cho năm trăm chiếc thuyền, ra đến bể chưa thôi trống ngực. Vương Thông, Mã Anh, phát cho vài nghìn cỗ ngựa, về đến Tàu còn đổ mồ hôi. Nó đã sợ chết cầu hòa, ngỏ lòng thú phục; ta muốn toàn dân là cốt, cả nước nghỉ ngơi.

Thế mới là mưu kế thật khôn, vả lại suốt xưa nay chưa có. Giang san từ đây mở mặt, xã tắc từ đây vững nền. Nhật nguyệt hối mà lại minh, càn khôn bĩ mà lại thái. Nền vạn thế xây nên chăn chắn, thẹn ngàn thu rửa sạch làu làu. Thế là nhờ trời đất tổ tông khôn thiêng che chở, giúp đỡ cho nước ta vậy.

Than ôi!

Vẫy vùng một mảng nhung y nên công đại định, phẳng lặng bốn bề thái vũ mở hội vĩnh thanh. Bá cáo xa gần, ngỏ cùng nghe biết.

Nguyễn Trãi
END