Search

5.1.24

Giấc mơ của Akinosuke

Giấc mơ của Akinosuke


Ở quận Toichi xứ Yamato[56], có một goshi tên là Miyata Akinosuke. Tôi xin giải thích, goshi[57] là một giai cấp hưởng đặc quyền dưới thời phong kiến Nhật Bản, hình thành từ nông dân hoặc nông dân kiêm nhà binh, có điểm chung là tự chủ về đất đai. Goshi tương đương với tiểu địa chủ ở Anh. Trong vườn nhà Akinosuke có một cây liễu sam cổ thụ. Vào những ngày oi bức, Akinosuke thường nghỉ ngơi dưới bóng cây. 

Một buổi chiều nóng nực, khi đang ngồi tán gẫu và uống rượu với hai người bạn cũng là goshi, Akinosuke chợt thấy buồn ngủ, đành xin phép các bạn cho mình ngả lưng một lát. Chàng nằm xuống bên gốc cây và gặp một giấc mơ thế này. 
Giấc mơ của Akinosuke



Akinosuke đang nằm trong vườn thì nhìn thấy một đoàn rước, giống đoàn tùy tùng của một lãnh chúa lớn đang đi xuống từ ngọn đồi gần đó, chàng ngồi dậy để trông cho rõ. Quả thật, đó là một đoàn rước hùng hậu, oai nghiêm hơn bất cứ đoàn rước nào chàng từng thấy, và đang thẳng tiến về phía nhà chàng. Chàng thấy ở đầu đoàn rước là một nhóm thiếu niên ăn mặc sang trọng, đang dắt một cỗ loan giá bề thế sơn son, phủ rèm nhưng xanh dương sáng sủa. Đoàn rước đến gần nhà Akinosuke thì dừng lại. Một người đàn ông ăn vận xa hoa, nhác trông đã biết là có địa vị, bước tới trước mặt chàng, cúi mình thật thấp. “Thưa ngài, tôi là gia thần của quốc vương Tokoyo[58]. 

Phụng mệnh chúa thượng, nay tôi xin đến thăm hỏi và đặt mình dưới sự sai khiến của ngài. Chúa thượng nói rất muốn gặp ngài ở cung điện. Thế nên, mời ngài lên cỗ xe cao sang do chúa thượng đặc biệt gửi tới để đưa rước ngài đây.” 

Nghe những lời này, Akinosuke muốn đáp lại cho đúng phép, nhưng chàng kinh ngạc và luống cuống đến độ chẳng nói lên lời. Cứ như đã mất hết ý chí, chàng chỉ biết làm theo lời gia thần. Akinosuke bước lên xe ngựa, gia thần ngồi bên cạnh chàng, rồi ra hiệu. Các thiếu niên nắm lấy dây lụa, kéo cỗ xe đi về phương Nam, hành trình bắt đầu. Chưa được bao lâu, Akinosuke ngỡ ngàng khi thấy cỗ xe dừng lại trước một cổng lầu hai tầng bề thế kiểu Trung Hoa mà chàng chưa thấy bao giờ. 

Gia thần bước xuống xe, nói, “Tôi sẽ vào bẩm báo là ngài đã đến.” Rồi đi mất. Đợi một lúc, Akinosuke thấy hai người đàn ông dáng vẻ cao quý mặc áo lụa tía và đội mũ cao thể hiện chức vụ không nhỏ bước ra cổng. Sau khi trịnh trọng chào Akinosuke, hai vị áo tía đỡ chàng xuống xe và dẫn chàng đi qua cổng, đến một khu vườn rộng mênh mông rồi mới bước vào cung điện. Mặt tiền cung điện trải rộng phải đến hàng dặm từ Đông sang Tây. Akinosuke được đưa tới phòng khánh tiết rộng lớn và tráng lệ. 
Hai người dẫn đường đưa chàng đến một vị trí trang trọng rồi kính cẩn lùi về chỗ ngồi của mình. Trong lúc đó, các cung nữ xiêm áo đẹp đẽ mang đồ ăn thức uống tới. Khi Akinosuke bắt đầu thưởng thức, hai vị áo tía cúi đầu thật thấp, rồi luân phiên nhau nói theo nghi thức triều đình.
“Chúng tôi xin hân hạnh thông báo với ngài… về lý do ngài được triệu đến đây… Chúa thượng của chúng tôi, tức quốc vương, tha thiết mong ngài làm phò mã… Thể theo tâm nguyện và mệnh lệnh của chúa thượng, ngài sẽ thành thân đúng hôm nay… Với công chúa cao quý, con gái quốc vương… Chúng tôi cần dẫn ngài đi yết kiến ngay… Quốc vương đã đợi ngài ở đó rồi… Nhưng trước hết… cần giúp ngài mặc lễ phục thích hợp trước đã.”[59] 

Dứt lời, hai vị thị thần đứng dậy, tiến đến một hốc tường để cái rương sơn mài vàng. Họ mở rương, lấy ra vô số áo quần và thắt lưng với chất liệu phong phú và một chiếc mũ lộng lẫy. Họ giúp Akinosuke ăn vận như một hoàng tử sắp thành thân, rồi dẫn chàng đến phòng yết kiến. Ở đó, chàng thấy quốc vương Tokoyo ngồi trên bảo tọa[60], mặc hoàng bào và đội mũ cao màu đen. Trước bảo tọa, hai hàng văn võ ngồi theo thứ bậc, bất động và uy thế như cảnh trong chùa. Akinosuke tiến lên giữa hàng người, bái kiến quốc vương và dập đầu ba lần. 

Quốc vương nhã nhặn đón chào rồi nói. “Con biết vì sao mình được triệu đến đây rồi nhỉ! Chúng ta đã quyết định để con trở thành phu quân con gái duy nhất của ta. Hôn lễ sẽ được tổ chức ngay bây giờ.” Quốc vương nói xong, tiếng nhạc rộn rã vang lên, một hàng dài các cung nữ xinh đẹp bước ra từ sau tấm rèm để dẫn Akinosuke về phòng cưới, nơi công chúa đang đợi. Căn phòng rộng bao la, mà gần như chẳng đủ chỗ cho tất cả các vị khách đến dự. Mọi người cúi chào Akinosuke khi chàng đến ngồi đối diện với công chúa trên tấm đệm quỳ đã trải sẵn. 
Công chúa trông như tiên nữ trên thiên đình, xiêm áo nàng đẹp như vòm trời mùa hạ. Hôn lễ diễn ra trong niềm hân hoan vô bờ bến. Sau đó, công chúa và phò mã được dẫn vào một tòa nhà dành riêng cho họ trong cung điện. Các quý tộc đến chúc mừng và dâng tặng họ bao nhiêu là quà cưới. Vài ngày sau, quốc vương lại cho gọi Akinosuke đến đại điện. Lần này, chàng được chào đón còn nồng nhiệt hơn lần trước. Quốc vương nói với chàng. “Ở phía Tây Nam nước ta có một hòn đảo tên Raishu[61]. 
Nay chúng ta điều con đến đó cai quản. Con sẽ thấy dân bản địa rất trung thành và dễ bảo, nhưng luật pháp của họ chưa thống nhất với luật lệ ở Tokoyo và phong tục của họ chưa được chỉnh đốn hợp lý. Chúng ta tin tưởng con sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ cải thiện tình hình xã hội ở đó, mong con trị vì bằng lòng nhân hậu và trí khôn ngoan. Hành trang cần thiết cho chuyến đi Raishu của con đã sẵn sàng.” Thế là Akinosuke và công chúa rời khỏi hoàng cung Tokoyo. Họ được đông đảo quý tộc và tùy tùng hộ tống ra đến bờ biển, sau đó lên thuyền quốc vương chuẩn bị. 
Thuyền thuận buồm xuôi gió đến Raishu, những người dân lương thiện đang tụ tập trên bến để chào đón. Ngay lập tức, Akinosuke bắt tay vào chức trách mới, công việc tiến triển khá suôn sẻ. Trong ba năm đầu chàng tập trung xây dựng và ban bố các đạo luật, với sự giúp đỡ của các quan tư vấn sáng suốt, chàng chẳng khi nào thấy công việc cực nhọc.
Khi mọi việc hoàn thành, Akinosuke không còn nhiệm vụ gì cấp thiết ngoài việc tham dự các lễ nghi theo phong tục cổ. Hòn đảo lành mạnh và màu mỡ đến nỗi không hề tồn tại đau ốm hay đói nghèo. Cư dân đều thuần tính nên không một ai vi phạm luật lệ. Akinosuke sinh sống và trị vì thêm hai mươi năm nữa. Trong suốt hai mươi ba năm này, cuộc đời chàng không hề biết đến bóng dáng của buồn thương. Nhưng sang năm thứ hai mươi tư, bất hạnh ghê gớm ập đến. 
Người vợ đã sinh cho Akinosuke bảy đứa con, năm trai hai gái, ngã bệnh và qua đời. Bà được chôn cất trang trọng trên đỉnh một ngọn đồi xinh đẹp của quận Hanryoko, với một tấm bia tưởng niệm tráng lệ dựng trên mộ. Akinosuke rầu rĩ trước cái chết của vợ đến nỗi chẳng thiết sống. Khi mãn tang, một sứ giả hoàng gia từ cung điện Tokoyo đến Raishu, mang theo lời chia buồn với Akinosuke và nói. 
“Quốc vương Tokoyo, chúa thượng tôn quý của chúng ta truyền bảo tôi phải thưa lại với ngài như sau, ‘Chúng ta sẽ đưa con về với đất nước và người dân của con. Bảy đứa con của con sẽ được chăm nom chu đáo đúng như cháu trai cháu gái của quốc vương. Bởi vậy, con đừng lo lắng cho chúng.’” Akinosuke vâng lệnh chuẩn bị cho chuyến đi. 
Khi mọi việc được thu xếp ốn thỏa, lễ chia tay các quan cố vấn và người hầu thân tín kết thúc, Akinosuke được hộ tống long trọng tới bến thuyền, bước lên con thuyền quốc vương phái đến. Thuyền ra đến biển xanh, dưới bầu trời xanh, hình bóng đảo Raishu cũng chuyển màu xanh, rồi xám xịt dần và biến mất mãi mãi. 

Akinosuke thình lình bừng tỉnh, ngay dưới cây liễu sam trong vườn nhà mình! Chàng ngơ ngác mất một lúc. Nhưng chàng nhận ra hai người bạn vẫn ngồi bên cạnh, uống rượu và tán gẫu vui vẻ. Chàng bối rối nhìn họ, kêu lên, “Kì lạ thay!” “Chắc Akinosuke mới nằm mơ đấy.” Một người bật cười nhận xét. “Anh đã thấy gì, Akinosuke, có gì mà lạ thế?”

Akinosuke kể lại giấc mơ về hai mươi ba năm sinh sống ở đảo Raishu, thuộc lãnh địa Tokoyo. Hai người bạn sửng sốt, vì Akinosuke mới chợp mắt chưa đến vài phút. 
Một goshi lên tiếng, “Giấc mơ của anh đúng là lạ thật! Nhưng chúng tôi cũng bắt gặp điều kì dị khi anh ngủ. Một cánh bướm nhỏ màu vàng đậu lên mặt anh trong chốc lát, chúng tôi đều trông thấy. Rồi nó đáp xuống mặt đất bên cạnh anh, gần cái cây. Gần như ngay tắp lự, một con kiến to bò ra khỏi một cái lỗ, bắt lấy con bướm và kéo theo nó xuống lỗ. Trước lúc anh thức giấc, chúng tôi lại thấy chính con bướm ấy bay ra khỏi lỗ, đậu chập chờn lên mặt anh như ban nãy. Rồi thình lình, nó biến mất, chúng tôi không biết nó đi đâu.”

“Có lẽ đó là linh hồn Akinosuke,” goshi còn lại nói. “Tôi tin chắc là đã thấy nó bay vào miệng anh. Nhưng kể cả con bướm có là linh hồn Akinosuke, thì cũng không lý giải được giấc mộng ban nãy.” “Biết đâu lũ kiến có thể giải thích mọi chuyện.” Goshi thứ nhất lại nói. “Kiến là sinh vật dị thường, có khi là yêu quái. Tóm lại, ắt có một tổ kiến lớn dưới gốc liễu sam này.”
“Vậy chúng ta cùng xem đi!” Akinosuke kêu lên, kích động mạnh mẽ trước gợi ý của bạn và đi tìm xẻng. Đất xung quanh và bên dưới gốc liễu sam được đào xới một cách ngoạn mục nhờ một quần thể kiến đông đảo. 
Từ cơ sở đó, chúng tiến hành xây dựng những công trình tí hon bằng rơm, đất sét và cành cây, tập trung lại trông giống các thành thị thu nhỏ đến kì lạ. Có một công trình kiến trúc rộng hơn hẳn các công trình khác, ở giữa là một bầy kiến li ti vây quanh một con kiến to tướng với đôi cánh vàng và cái đầu dài màu đen. “Ôi chao, kia là quốc vương trong giấc mộng của tôi!” Akinosuke thốt lên. “Và cả cung điện Tokoyo! Kì diệu làm sao! Raishu hẳn phải nằm đâu đó phía Tây Nam cung điện, tức là ở bên trái cái rễ cây lớn này.
Đây! Nó đây! Thật là lạ kì! Giờ thì tôi chắc chắn mình có thể tìm thấy ngọn đồi ở Hanryoko và nấm mồ của công chúa!” Akinosuke tìm kiếm mãi trong đống đổ nát của tổ kiến, cuối cùng phát hiện một gò đất bé tí, trên đỉnh cắm hòn sỏi bị nước bào mòn, trông gần giống một bia mộ Phật. Dưới hòn sỏi, chôn chặt trong đất sét, chàng tìm thấy xác một con kiến cái.[62] 

Như Hearn đã nói trong Lời tác giả, câu chuyện này có nguồn gốc Trung Hoa. Dễ dàng nhận ra là tích giấc hòe, còn gọi giấc mộng Nam Kha, được chép trong Nam Kha thái thú truyện của Lý Công Tá thời Đường. Hoặc một phiên bản khác là giấc mộng kê vàng của chàng Lư Sinh trong Chẩm trung ký của Thẩm Ký Tế cũng thời Đường.

nguồn: Quái Đàm Chuyện Yêu Quái Và Dị Trùng Nhật Bản Tác giả Lafcadio Hearn



Sách đọc nhiều
Bài đọc nhiều