Search

27.10.22

THÁNG VU LAN VÀ THÁNG CÔ HỒN

Đức phật ngài dạy chỉ có một cách duy nhất để trả được ơn cha mẹ đó chính là an trú cha mẹ vào bốn pháp : chánh tín, giới hạnh, thí xả, trí tuệ.

Đức phật ngài dạy chỉ có một cách duy nhất để trả được ơn cha mẹ đó chính là an trú cha mẹ vào bốn pháp : chánh tín, giới hạnh, thí xả, trí tuệ.

Trên đời này có hai hạng người khó mà mình trả xong cái ơn. Đó chính là cha mẹ. Ngài xác định rằng cho dù một đứa con có để cha mẹ ngồi lên hai vai của mình để mà đi hết một đời như vậy, để cho cha mẹ tiểu tiện trên người của mình. Một trăm năm đâu phải là ít, một kiếp người cũng khá dài khi mà phải chịu đựng bao nhiêu thứ khó nhọc đó.Tuy nhiên sự khó nhọc đó của người con cũng không thể nào bù đắp được cái tấm lòng, ơn sâu nghĩa nặng mà cha mẹ đã dành cho mình. 
Là vì bản thân đứa con đó, tấm lòng của đứa con trong lúc cõng cha mẹ trên vai không bì được với tấm lòng của cha mẹ lúc chăm sóc con cái, chỉ cái khoảng này thôi, mặc dù trên hình thức quay phim chụp hình thì mình thấy một đứa con mà cõng cha cõng mẹ suốt một trăm năm trên vai, để cho ông bà tiểu tiện trên người của mình, thì mình thấy hình ảnh đó nó dễ sợ thiệt. Nhưng mà ngồi ngẫm lại vì sao Đức Phật dạy như vậy, chuyện rất là đơn giản, vì tấm lòng của đứa con mà họ cõng, dầu là đại hiếu chí hiếu cũng không có bì được cái tấm lòng từ bi hỷ xả của cha mẹ mà dành cho con cái từ lúc biết nó đã tượng hình phôi thai, cho đến khi nó chết hoặc mình chết. 
Trong suốt khoảng thời gian đó tấm lòng trời bể của cha mẹ, con cái không thể nào bì được. Khi ngài xác nhận để trả ơn cha mẹ thì với hình thức vật chất ấy không thể nào đáp đền trong muôn một. Tuy nhiên chỉ cần người con hướng dẫn cha mẹ có một đời sống tâm linh thì coi như có thể đáp đền được . 
Trong Chú giải có ghi rõ con cái chỉ có một cách duy nhất để báo hiếu rốt ráo là giúp cha mẹ có được bốn pháp lành sau đây : 

Saddha-Chánh tín, 
Sila-Giới hạnh, 
Caga-Thí xả, 
Panna-Trí tuệ. 

Vì nhờ hành trì bốn pháp này thì cha mẹ sẽ có đường luân hồi tốt đẹp. Thậm chí chấm dứt luân hồi . 
Ngài giải thích thêm giống như trường hợp ngài tôn giả Xá Lợi Phất, năm 40 tuổi ngài đi tu, 84 tuổi ngài trở về gặp mẹ. Chỉ có một đêm gặp mẹ lúc rạng sáng trước khi nhắm mắt viên tịch, ngài thuyết pháp cho mẹ nghe, giúp cho mẹ chứng sơ quả Tu-Đà-Hườn, rồi ngài xuôi tay ra đi. Thì đây là cách trả ơn mà được xem là rốt ráo nhất. 
Nói là đắc Tu-Đà-Hường nhưng thật ra đó là một cách nói khác của bốn cách tôi vừa nói.

1-Đức tin. Là chánh tín. Có nghĩa là niềm tin căn cứ trên trí tuệ, nghiệp báo và tam tướng. Tin rằng làm thiện thì được vui, làm ác thì bị khổ. Mọi thứ do duyên mà có, có rồi phải mất.

2-Giới hạnh. Là người sơ cơ giữ giới để cầu phúc, giữ giới vì người khác như vì e ngại thị phi. Có nghĩa là nếu mà mình giữ giới để cầu phúc, để tránh tội thì mình không có sát sanh. Bởi vì mình sợ kiếp sau mình sanh ra mình yểu thọ, bệnh, để kiếp sau mình được trường thọ khỏe mạnh. Còn riêng bậc hiền trí nói chung , bậc hiền thánh nói riêng , giữ giới vì lòng của các vị không có lý do nào để mà cướp đoạt mạng sống của người khác, và chẳng những không sát sanh mà các vị còn tránh luôn cả cái râu ria những liên quan đến giới sát sanh. Ví dụ làm khổ chúng sanh khác nó cũng là râu ria của giới sát. 
Như giới hành dâm là tính giao, giao phối nam nữ, có 7 điều liên quan gọi là : methunasamyoga có nghĩa là không gần gũi thân xác nhưng thích nhìn ngắm, nghe tiếng nói, tơ tưởng đều là liên quan đến việc tính giao. Mình không sát sanh, không trộm cắp cũng vậy. Đúng là mình không có cướp đoạt lén lút lấy của người ta, nhưng mà có lòng ham thích chú ý lưu tâm đến cái của người khác cũng là không nên. Đại khái như vậy. Vậy thì giới có 2 trường hợp, một là cầu phúc tránh tội, hai là bản chất thiện pháp của mình không cho mình làm chuyện đó . 

3-Thí Xả. Giúp cho cha mẹ có khả năng thí xả, có nghĩa là mình nói làm sao để cho cha mẹ thấy rằng buông ra tốt hơn nắm lại. 
Chẳng hạn như trong kinh Đức Phật dạy rằng : Một ngôi nhà đang cháy thì việc làm duy nhất mà gia chủ cần phải thực hiện đó là nhanh chóng đem ra những thứ có giá trị mà mình không muốn mất. Cũng vậy, trong tấm thân này nó sẵn sàng gặp bao nhiêu điều bất trắc, lão, bệnh, tử, tai họa, những bất thường không lường trước được, chúng ta có thể ra đi bất cứ lúc nào. 
Một mình ăn sẽ hết, người khác ăn sẽ còn. Khả năng bố thí cũng có ý nghĩa, một là bố thí cầu phúc để đời sau sanh ra không thiếu thốn để được dư. Hai là bố thí để mài mòn cái ý niệm sở hữu, mài mòn cái thói quen bủn xỉn, thói quen ôm giữ ghì chặt của nhiều đời, của vô số kiếp sanh tử tiền thân. Hiểu như vậy thì bố thí mới tới nơi tới chốn . 

4-Trí Tuệ. Mình giúp làm sao mà cho cha mẹ luôn nhớ lấy điều này : Nghiệp lý là đời này cái gì cũng có nhân có quả, nhân quả luôn luôn tương ứng nhau, mọi thứ không phải ngẫu nhiên mà có cũng không phải do đấng cao sanh nào tạo ra, mọi thứ do nhiều nhân duyên vô vàn tác động. 
Mọi thứ do duyên mà có, có rồi cũng mất. Do thiện mới có vui, do ác mới có khổ. Cả thiện ác buồn vui này đều do vô số điều kiện mà có, có rồi phải mất đi. Tuy nhiên vì bản chất mình là thiện, vì tôn trọng điều thiện thì mình phải hành thiện lánh ác, nhưng luôn luôn nhớ rằng quả của thiện cũng là vô ngã vô thường, quả của ác cũng là vô ngã vô thường. Dầu tránh ác thì cũng luôn luôn nhớ là vô ngã vô thường và dầu hành thiện thì cũng phải nhớ dầu cái quả thiện nào có hay cách mấy cũng luôn luôn nhớ nó là vô ngã vô thường. Đó được gọi là sống trong trí tuệ. 
Trong một câu trả lời của Đức Phật cho quỷ Dạ Xoa Ngài có dạy rằng : Paññājīvim jīvitamahu settham : Cuộc sống trí tuệ là cuộc sống cao quý nhất . 
Cuộc đời này nó là một màng đêm mịt mù. Phúc thay cho kẻ nào sống ở đời này được sống trong ánh sáng, bởi vì không có ánh sáng thì mình chỉ có sống mò thôi. Quí vị biết trong một căn phòng chật hẹp bụi bặm nhiều đồ đạc, mà ban đêm mình mò thì khả năng tai nạn rất lớn nói chi là trong cuộc đời bao la mênh mông này, trong một biển đời mênh mông bát ngát mịt mù tối thui, thì các vị tưởng tượng cái kiểu tai nạn Titanic là chuyện nhỏ, nó còn những cái khác khủng khiếp hơn nữa. Cho nên được sống trong nguồn sáng của trí tuệ là cả một đại phúc đại hạnh. Cho nên Đức Phật ngài dạy chỉ có một cách duy nhất để trả được ơn cha mẹ đó chính là an trú cha mẹ vào bốn pháp này.

Sư Giác Nguyên
(Chép lại bài giảng của Sư)



CÓ HAI HẠNG NGƯỜI, NÀY CÁC TỶ KHEO. TA NÓI KHÔNG THỂ TRẢ ƠN ĐƯỢC. 


Thế nào là hai ? Mẹ và Cha. Nếu một bên vai cõng mẹ, nếu một bên vai cõng cha, làm vậy suốt trăm năm cho đến 100 tuổi; nếu đấm bóp, thoa xức, tắm rửa, xoa gội, và dầu tại đấy, mẹ cha có vãi tiểu tiện, đại tiện, như vậy, này các tỷ kheo, cũng chưa làm đủ hay trả ơn đủ mẹ và cha. Hơn nữa, này các tỷ kheo, nếu có an trí cha mẹ vào quốc độ với tối thượng uy lực, trên quả đất lớn với bảy báu này, như vậy cũng chưa đủ hay trả ơn đủ mẹ và cha.
Vì cớ sao? Vì rằng, này các tỷ kheo, cha mẹ đã làm nhiều cho con cái, nuôi nấng, nuôi dưỡng chúng lớn, giới thiệu chúng vào đời. 
Nhưng ai đối với mẹ cha không có lòng tin, khuyến khích, hướng dẫn, an trú các vị ấy vào lòng tin; 
đối với mẹ cha theo ác giới, khuyến khích, hướng dẫn, an trú các vị ấy vào (thiện) giới; 
đối với mẹ cha xan tham, khuyến khích, hướng dẫn, an trú các vị ấy vào bố thí; 
đối với mẹ cha theo ác trí tuệ, khuyến khích, hướng dẫn, an trú các vị ấy vào trí tuệ. 
Cho đến như vậy, này các tỷ kheo là làm đủ và trả ơn đủ mẹ và cha. 
Tăng chi bộ kinh I, chương 2, phẩm tâm thăng bằng.



Thống kê SÁCH đọc nhiều theo thời gian