Search

18.11.10

Hịch tướng sĩ Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn

Hịch tướng sĩ Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn 

Ta thường nghe: Kỷ Tín đem mình chết thay, cứu thoát cho Cao Ðế; Do Vu chìa lưng chịu giáo, che chở cho cho Chiêu Vương; Dự Nhượng nuốt than, báo thù cho chủ; Thân Khoái chặt tay để cứu nạn cho nước. Kính Ðức một chàng tuổi trẻ, thân phò Thái Tông thoát khỏi vòng vây Thái Sung; Cảo Khanh một bầy tôi xa, miệng mắng Lộc Sơn, không theo mưu kế nghịch tặc. Từ xưa các bậc trung thần nghĩa sĩ, bỏ mình vì nước, đời nào chẳng có? Ví thử mấy người đó cứ khư khư theo thói nhi nữ thường tình thì cũng đến chết hoài ở xó cửa, sao có thể lưu danh sử sách cùng trời đất muôn đời bất hủ được? 

Các ngươi vốn dòng võ tướng, không hiểu văn nghĩa, nghe những chuyện ấy nửa tin nửa ngờ. Thôi việc đời trước hẵng tạm không bàn. Nay ta lấy chuyện Tống, Nguyên mà nói: Vương Công Kiên là người thế nào? Nguyễn Văn Lập, tỳ tướng của ông lại là người thế nào? Vậy mà đem thành Ðiếu Ngư nhỏ tày cái đấu đương đầu với quân Mông Kha đường đường trăm vạn, khiến cho sinh linh nhà Tống đến nay còn đội ơn sâu! Cốt Ðãi Ngột Lang là người thế nào? Xích Tu Tư tỳ tướng của ông lại là người thế nào? Vậy mà xông vào chốn lam chướng xa xôi muôn dặm đánh quỵ quân Nam Chiếu trong khoảng vài tuần, khiến cho quân trưởng người Thát đến nay còn lưu tiếng tốt!

Huống chi, ta cùng các ngươi sinh ra phải thời loạn lạc, lớn lên gặp buổi gian nan. Lén nhìn sứ ngụy đi lại nghênh ngang ngoài đường, uốn tấc lưỡi cú diều mà lăng nhục triều đình; đem tấm thân dê chó mà khinh rẻ tổ phụ. Ỷ mệnh Hốt Tất Liệt mà đòi ngọc lụa để phụng sự lòng tham khôn cùng; khoác hiệu Vân Nam Vương mà hạch bạc vàng, để vét kiệt của kho có hạn. Thật khác nào đem thịt ném cho hổ đói, tránh sao khỏi tai họa về sau.

Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa; chỉ giận chưa thể xả thịt, lột da, ăn gan, uống máu quân thù; dẫu cho trăm thân ta phơi ngoài nội cỏ, nghìn thây ta bọc trong da ngựa, cũng nguyện xin làm.

Các ngươi ở lâu dưới trướng, nắm giữ binh quyền, không có mặc thì ta cho áo; không có ăn thì ta cho cơm. Quan thấp thì ta thăng tước; lộc ít thì ta cấp lương. Ði thủy thì ta cho thuyền; đi bộ thì ta cho ngựa. Lâm trận mạc thì cùng nhau sống chết; được nhàn hạ thì cùng nhau vui cười. So với Công Kiên đãi kẻ tỳ tướng, Ngột Lang đãi người phụ tá, nào có kém gì?

Nay các ngươi ngồi nhìn chủ nhục mà không biết lo; thân chịu quốc sỉ mà không biết thẹn. Làm tướng triều đình đứng hầu quân man mà không biết tức; nghe nhạc thái thường đãi yến sứ ngụy mà không biết căm. Có kẻ lấy việc chọi gà làm vui; có kẻ lấy việc cờ bạc làm thích. Có kẻ chăm lo vườn ruộng để cung phụng gia đình; có kẻ quyến luyến vợ con để thỏa lòng vị kỷ. Có kẻ tính đường sản nghiệp mà quên việc nước; có kẻ ham trò săn bắn mà trễ việc quân. Có kẻ thích rượu ngon; có kẻ mê giọng nhảm. Nếu bất chợt có giặc Mông Thát tràn sang thì cựa gà trống không đủ đâm thủng áo giáp của giặc; mẹo cờ bạc không đủ thi hành mưu lược nhà binh. Vườn ruộng nhiều không chuộc nổi tấm thân ngàn vàng; vợ con bận không ích gì cho việc quân quốc. Tiền của dẫu lắm không mua được đầu giặc; chó săn tuy hay không đuổi được quân thù. Chén rượu ngọt ngon không làm giặc say chết; giọng hát réo rắt không làm giặc điếc tai. Lúc bấy giờ chúa tôi nhà ta đều bị bắt, đau xót biết chừng nào! Chẳng những thái ấp của ta không còn mà bổng lộc các ngươi cũng thuộc về tay kẻ khác; chẳng những gia quyến của ta bị đuổi mà vợ con các ngươi cũng bị kẻ khác bắt đi; chẳng những xã tắc tổ tông ta bị kẻ khác giày xéo mà phần mộ cha ông các ngươi cũng bị kẻ khác bới đào; chẳng những thân ta kiếp này chịu nhục đến trăm năm sau tiếng nhơ khôn rửa, tên xấu còn lưu, mà gia thanh các ngươi cũng không khỏi mang danh là tướng bại trận. Lúc bấy giờ, dẫu các ngươi muốn vui chơi thỏa thích, phỏng có được chăng?

Nay ta bảo thật các ngươi: nên lấy việc đặt mồi lửa dưới đống củi nỏ làm nguy; nên lấy điều kiềng canh nóng mà thổi rau nguội làm sợ. Phải huấn luyện quân sĩ, tập dượt cung tên, khiến cho ai nấy đều giỏi như Bàng Mông, mọi người đều tài như Hậu Nghệ, có thể bêu đầu Hốt Tất Liệt dưới cửa khuyết, làm rữa thịt Vân Nam Vương ở Cảo Nhaị Như thế chẳng những thái ấp của ta mãi mãi vững bền mà bổng lộc các ngươi cũng suốt đời tận hưởng; chẳng những gia thuộc ta được ấm êm giường nệm, mà vợ con các ngươi cũng trăm tuổi sum vầy; chẳng những tông miếu ta được hương khói nghìn thu mà tổ tiên các ngươi cũng được bốn mùa thờ cúng; chẳng những thân ta kiếp này thỏa chí, mà đến các ngươi, trăm đời sau còn để tiếng thơm; chẳng những thụy hiệu ta không hề mai một, mà tên họ các ngươi cũng sử sách lưu truyền. Lúc bấy giờ, dẫu các ngươi không muốn vui chơi, phỏng có được không?

Nay ta chọn lọc binh pháp các nhà hợp thành một tuyển, gọi là Binh Thư Yếu Lược. Nếu các ngươi biết chuyên tập sách này, theo lời ta dạy bảo, thì trọn đời là thần tử; nhược bằng khinh bỏ sách này, trái lời ta dạy bảo thì trọn đời là nghịch thù.

Vì sao vậy? Giặc Mông Thát với ta là kẻ thù không đội trời chung, mà các ngươi cứ điềm nhiên không muốn rửa nhục, không lo trừ hung, lại không dạy quân sĩ, chẳng khác nào quay mũi giáo mà xin đầu hàng, giơ tay không mà chịu thua giặc. Nếu vậy, rồi đây, sau khi dẹp yên nghịch tặc, để thẹn muôn đời, há còn mặt mũi nào đứng trong cõi trời che đất chở này nữa?

Cho nên ta viết bài hịch này để các ngươi hiểu rõ bụng ta."
Hịch tướng sĩ Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn
Hịch tướng sĩ Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn

Chú thích



· Kỷ Tín: tướng của Hán Cao Tổ Lưu Bang. Khi Lưu Bang bị Hạng Vũ vây ở Huỳnh Dương, Kỷ Tín giả làm Hán Cao Tổ ra hàng, bị Hạng Vũ thiêu chết. Hán Cao Tổ nhờ thế mới thoát được.

· Do Vu: tướng của Sở Chiêu Vương thời Xuân Thu. Theo Tả Truyện, Sở Chiêu Vương bị nước Ngô đánh phải lánh sang phương Ðông, một đêm bị cướp vây đánh. Do Vu đã chìa lưng ra đỡ giáo cho vua mình.

· Dự Nhượng: gia thần của Trí Bá thời Chiến Quốc. Trí Bá bị Triệu Tương Tử giết, Dự Nhượng bèn nuốt than cho khác giọng đi, giả làm hành khất, mưu giết Tương Tử để báo thù cho chủ.

· Thân Khoái: quan giữ ao cá của Tề Trang Công thời Xuân Thu. Trang Công bị Thôi Trữ giết, Thân Khoái bèn chết theo chủ.

· Kính Ðức: tức Uất Trì Cung đời Ðường. Khi Ðường Thái Tông (bấy giờ còn là Tần Vương Lý Thế Dân) bị Vương Thế Sung vây, ông đã lấy mình che chở, hộ vệ cho Thái Tông chạy thoát.

· Cảo Khanh: họ Nhan, một bề tôi trung của nhà Ðường. Khi An Lộc Sơn nổi loạn, đánh đuổi Ðường Huyền Tông và Dương Quý Phi, ông đã cả gan chưởi mắng An Lộc Sơn và bị cắt lưỡi.

· Vương Công Kiên: tướng tài nhà Tống, giữ Hợp Châu, lãnh đạo quân dân Tống cầm cự với quân Mông Cổ do Mông Kha chỉ huy ở núi Ðiếu Ngư suốt bốn tháng trời. Mông Kha cuối cùng bị loạn tên chết, quân Mông Cổ đành phải rút lui.

· Ðiếu Ngư: tên ngọn núi hiểm trở ở Tứ Xuyên, ba mặt nhìn xuống sông. Ðời Tống, Dư Giới đắp thành ở đó.

· Mông Kha: tức Mongka, anh của Nguyên Thế Tổ Hốt Tất Liệt, làm Ðại Hãn Mông Cổ từ năm 1251. Mông Kha trực tiếp chỉ huy cuộc viễn chinh sang Trung Quốc và các nước phía Ðông. Ông bị tử trận năm 1259 dưới chân thành Ðiếu Ngư trong cuộc vây hãm đội quân Tống do Vương Công Kiên chỉ huy.

· Cốt Ðãi Ngột Lang: tức Uriyangqadai, tướng giỏi của Mông Cổ, con của viên tướng nổi tiếng Subutai. Cốt Ðãi Ngột Lang nhận lệnh của Mông Kha, cùng Hốt Tất Liệt đánh chiếm nước Nam Chiếu. Cốt Ðãi Ngột Lang cũng là viên tướng chỉ huy đạo quân Mông Cổ xâm lược Ðại Việt lần thứ nhất (1258).

· Xích Tu Tư: chép Xích theo Hoàng Việt Văn Tuyển. Ðại Việt Sử Ký Toàn Thư chép Cân. Hai chữ gần giống nhau, không biết quyển nào chép nhầm. Hiện nay, chưa có tài liệu nào nói gì về viên tướng này, và việc khôi phục lại tên Mông Cổ từ Hán tự cũng không phải là chuyện đơn giản.

· Nam Chiếu: nước nhỏ nằm ở khoảng giữa tỉnh Tứ Xuyên và Vân Nam ngày nay; thủ đô là Ðại Lý, thuộc Vân Nam.

· Hốt Tất Liệt: tức Qubilai, em ruột và là tướng của Mông Kha. Sau khi Mông Kha tử trận ở Ðiếu Ngư, Hốt Tất Liệt tự xưng làm Ðại Hãn ở Khai Bình, khiến xảy ra cuộc nội chiến tranh giành ngôi báu với em ruột là Ariq-Buka. Năm 1264, Ariq-Buka đầu hàng, Hốt Tất Liệt bèn dời đô về Yên Kinh (tức Bắc Kinh ngày nay), xưng Nguyên Thế Tổ, lập nên nhà Nguyên.

· Vân Nam Vương: tức Hugaci hay Thoát Hoan, con ruột Hốt Tất Liệt, được phong làm Vân Nam Vương năm 1267 với nhiệm vụ khống chế các dân tộc thiểu số vùng này cũng như mở rộng biên cương nhà Nguyên về phía Nam. Thoát Hoan là người chỉ huy quân Nguyên xâm lược Ðại Việt lần thứ hai năm 1285 và lần thứ ba năm 1287-1288.
· Nghìn thây ta bọc trong da ngựa: điển tích lấy từ câu nói của viên tướng khét tiếng Mã Viện đời Hán chép trong Hậu Hán Thư (Ðại trượng phu dương tử ư cương trường, dĩ mã cách khỏa thi nhĩ: Bậc đại trượng phu nên chết ở giữa chiến trường, lấy da ngựa mà bọc thây.)

· Thái thường: tên loại nhạc triều đình dùng trong những buổi tế lễ quan trọng ở tông miếu. Bấy giờ là thời kỳ ngoại giao căng thẳng giữa ta và quân Nguyên, trong những buổi yến tiệc tiếp sứ Nguyên, triều đình nhà Trần nhiều khi phải buộc dùng đến nhạc thái thường để mua vui cho sứ giả. Trần Quốc Tuấn xem đó là một điều nhục nhã.

· Thái ấp: phần đất vua Trần phong cho các vương hầu.

· Ðặt mồi lửa dưới đống củi nỏ: từ câu văn trong Hán Thư (phù bão hỏa, thố chi tích tân chi hạ nhi tẩm kỳ thượng, hỏa vị cập nhiên nhân vị chi an. Ôm mồi lửa, đặt dưới đống củi rồi nằm lên trên, lửa chưa kịp cháy vẫn cho là yên.)

· Kiềng canh nóng mà thổi rau nguội: xuất xứ từ một câu văn trong Sở Từ trừng ư canh nhi xuy tê hề. Người bị bỏng vì canh nóng, trong lòng đã e sợ sẵn, dù gặp rau nguội đi nữa, cũng vẫn thổi như thường.

· Bàng Mông: danh tướng đời nhà Hạ, có tài bắn cung trăm phát trăm trúng.

· Hậu Nghệ: một nhân vật bắn cung giỏi nữa trong thần thoại Trung Quốc.

· Cảo Nhai: nơi trú ngụ của các vua chư hầu khi vào chầu vua Hán ở Trường An.

· Mãi mãi vững bền: nguyên văn chữ Hán là vĩnh vi thanh chiên. Sách Thế Thuyết chép chuyện Vương Tử Kính đêm nằm ngủ thấy bọn trộm vào nhà sạch sành sanh vét mọi vật. Ông từ tốn bảo chúng rằng: cái nệm xanh (thanh chiên) này là đồ cũ của nhà ta, các ngươi làm ơn để lại. Tác giả dùng điển tích này để chỉ những của cải được lưu truyền từ đời này sang đời khác.

· Binh Thư Yếu Lược: tức Binh Gia Diệu Lý Yếu Lược, nay đã thất truyền. Tác phẩm với đầu đề tương tự được lưu truyền hiện nay không phải là văn bản thực thụ, trong đó có vài đoạn chép các trận đánh thời Lê Nguyễn sau này.

· Dẹp yên nghịch tặc: nguyên văn chữ Hán là bình lỗ chi hậụ Các dịch giả Dương Quảng Hàm, Trần Trọng Kim đoán Bình Lỗ là tên đất ở đâu đó vùng Phù Lỗ thuộc tỉnh Vĩnh Phú ngày nay. Ở đây, chúng tôi theo Ngô Tất Tố và Phan Kế Bính dịch thoát là bình định nghịch tặc nói chung.



12.11.10

Tù ở quận

Phanblogs Tù ở quận thì không phân loại an ninh hay chính trị, mà chỉ phòng phạt vi cảnh hành chính hay phòng hình sự mà thôi. Phòng hành chính vi cảnh thì nhẹ nhàng, vào đó vài hôm là về, cá biệt có trường hợp thấy nặng hơn thì quá 3 ngày lại bị chuyển sang phòng hình sự.
Tù ở quận

Phòng hành chính vi cảnh thường ít tù , cho nên rộng rãi và sạch sẽ. Phòng giam nữ thì vi cảnh hay hình sự giam chung luôn cho đỡ tốn diện tích vì tỉ lệ phụ nữ vào đó không nhiều. Cao điểm chỉ đến 5 người là nhiều.

Tù ở phường bị di lên quận  là ngày về hơi mịt mùng rồi, bước chân vào quận đã thấy sặc bầu không khí của tù. Phòng tù cửa sổ có chấn song sắt phi 20, cửa sắt thép lá nặng chịch dày cộp. Những năm 90 đổ về trước trong phòng tù quận không có nhà vệ sinh. Người ta phát cho một cái can nhựa 20 lít, khoét thủng rộng chỗ miệng can, phạm nhân đi đại tiện, tiểu tiện xong đậy cái giẻ lau lại. Phòng 18 mét vuông giam hơn 20 thằng, thằng mới vào nằm sát cái can đó chuyện thường, đang nằm có thằng nào nó có như cầu lại phải đứng dậy để nó có chỗ đi. Cứ khoảng 9-10 giờ trưa thì cán bộ mở cửa phòng cho tù đi tắm và đổ can vệ sinh, nháo nhào khoảng 5 hay 7 phút lùa vào, vì không có gầu múc kịp tranh nhau có thằng phải ké người vào thằng đang dội để được ướt người giải nhiệt.  Trời mùa hè , phòng chật nằm, ngồi san sát nhau,hơi người, hơi nóng và hơi cứt đái trộn lẫn ngập ngụa đặc sệt, chỉ mong có thằng nào đi cung cái cửa sắt mở toang ra đôi chút không khí bên ngoài sân lùa vào là tranh nhau hít như cá ngộp nước.

Bây giờ sửa lại nhưng chỉ thêm được nhà vệ sinh bên trong, còn đâu lại tối tăm hơn vì khoảng không làm sân đã bị tận dụng làm tầng nữa cho cán bộ làm việc. Phòng tù tối tăm , ẩm ướt không thấy ánh sáng mặt trời. Cán bộ trông tù ở quận không phải là cán bộ trại giam cục V26 đào tạo, mà cán bộ công an quận bị kỷ luật hay kém năng lực hoặc không mầu mè gì mới phải đi trông tù, cho nên cũng lắm loại  '' cao ba nhá'', tính khí thất thường. Gặp hôm buồn bực chuyện gì cho nghỉ tắm, chỉ đi đổ can vệ sinh.

Bắt đầu ở quận là có chuyện đầu gấu, cướp đồ tiếp tế. Lúc nhận quà quản giáo gọi thằng nào có quà ra đứng cửa sổ tuồn vào cho nhận, bọn đầu gấu xúm quanh trước mặt quản giáo ra vẻ giúp đỡ chuyển quà vào cho nhanh, nhưng cái gì ngon lành chúng chuyển về vị trí của chúng luôn. Biết điều thì nhận lại những gì chúng bớt cho, nếu không đêm sẽ bị lấy mất hết hoặc bị đánh hội đồng giữa đêm, quản giáo có vào thì cũng không biết ai, mà biết ai thì quản giáo có khi chỉ nhắc nhở, dọa vài câu rồi bỏ đi.  Tù ở quận đi cung hay bị cán bộ điều tra đánh nhất, vì cán bộ trông tù và cán bộ điều tra cùng quân số ở quận biết nhau. Không như ở trại giam thành phố bộ phận cán bộ trông tù riêng biệt, tù ở thành phố đi cung mà bị đánh về kêu cán bộ trông tù, lập tức cán bộ sẽ đưa đi bệnh xá khám, làm biên bản, lỡ tù có chết hay làm sao thì còn trách được trách nhiệm. Chứ ở quận thì kiểu cán bộ bỗ bã thân quen nhau, nên nhiều tù đi cung bị đấm móc ngược vào bụng, mạng mỡ, mỏ ác là chuyện thường.  Nhất là những thằng tù lần đầu mà lại ngoan cố là hay bị cán bộ cho ăn đòn nhất, vừa đánh vừa đe dọa tao cho mày vào khung này, khoản kia, điều nọ mày tù rũ xác. Cái khoản đe dọa tinh thần này còn khiếp hơn là đánh đòn, nhất là ngón bắt nọn, trộ như thằng kia nó khai mày thế này, hay tao biết chỗ nọ. Rồi lại xuống giọng hứa hẹn nếu mày nhận hay khai thì sẽ về thôi, tội mày lần đầu, việc này cũng chả có gì chỉ cảnh cáo, án treo. Đang như thế lại có cán bộ khác mặt mũi ngầu tợn, hung dữ đi vào túm tóc như muốn đánh chết luôn, cán bộ kia giả vờ can ngăn nhưng cũng để cho phạm bị ăn một hai đòn thật mạnh để phạm nghĩ may có ông này can không ông kia đánh chết. Còn thủ đoạn hơn là khi cán bộ điều tra đưa phạm về buồng, còn đứng cửa chửi vào câu, như thể báo cho bọn đầu gấu bên trong biết là thằng này đang bị cán bộ ghét,chúng mày cứ việc chăm sóc nó cho tao.

Cái giống dân đã hèn, bọn tội phạm lại còn hèn hơn. Chỉ chăm chăm dựa hơi cán bộ, kể cả thằng tù gấu cũng phải mượn hơi cán bộ như thế. Ở xã hội như chuyện anh Cù Huy Hà Vũ, anh ý làm những gì thanh thiên bạch nhật, đơn kiện, khiếu nại, phỏng vấn bao lâu nay, chả đứa nào nói anh ý phản động. Nhưng khi anh vừa bị bắt là một lũ lao nhao, nhất là bọn báo chí, thế mới biết là người ta ưa nịnh theo cường quyền không phải vì yêu cường quyền mà chẳng qua vì tâm lý nhỏ nhen muốn đạp người khác, hành hạ người khác để chứng tỏ mình sung sướng hơn. Như trong tù cũng vậy, thằng tù khổ rồi nhưng cách tìm hạnh phúc của nó là thấy thằng khác khổ hơn mình. Mình bị đánh ít thì mong thấy thằng khác bị đánh nhiều hơn, mình đói ít mong thằng khác đói nhiều hơn. Tính cách này các nhà xã hội học thường né tránh, nhưng ở xã hội đầy rẫy, còn nếu như các nhà xã hội học vào tù một ngày sẽ thấy tính cách đó được rõ ràng, cụ thể đến mức họ sẽ không né tránh nổi. Tính cách này sẽ được viết thẳng thắn trong bài viết khác, còn giờ quay lại chuyện tù ở quận tiếp.

Tiếp tục chuyện cán bộ điều tra, có lần có hai cán bộ điều tra quận nói chuyện với nhau.

- Năm rồi tôi làm hai vụ, án đều 6 năm hết, vừa đủ chỉ tiêu, giờ nhàn rồi.

Các bạn nghĩ gì khi nghe câu chuyện mà tôi không hề thêm bớt một chữ nào, có lẽ thêm hay bớt chỉ là dấu phẩy tôi đặt không đúng lắm. Từ câu chuyện này có thể rút ra một điều là các cán bộ điều tra luôn đặt trong tâm làm sao khai thác thật nhiều, đưa nhiều đối tượng vào tù, án thật nặng, dễ hiểu vì nghề nghiệp của họ đòi hỏi là vậy. Cho nên chuyện khai đi chú cho mày về, tội mày nhẹ hay án mày chỉ án treo là chuyện rừng mơ của Tào An Man ( nhớ là  Man chứ không phải Tháo ) trong Tam Quốc Chí, chứ ở đời này, nhất là cán bộ điều tra thì nên cân nhắc khi trả lời.

Cơm ở quận cũng khá sạch sẽ, có thịt kho, canh rau, cơm trắng, mỗi tội không nhiều lắm. Mà buồng chật chội, vệ sinh là cái can, ăn nhiều làm gì lại khổ. Hàng tuần có thằng bên viện kiểm sát qua xem hồ sơ, mỗi lần như thế là phạm nhân rất hồi hộp, tên viện đó cầm tập hồ sơ đứng cửa sổ đọc tên từng phạm, đến thằng nào thằng đó dạ một tiếng thò ra cho nó nhìn mặt. Chuyện hồ sơ thế nào chắc phải có mấy cơ quan nghiên cứu kỹ rồi, nhưng cái kiểu thằng viện kiểm sát quận nó làm như là chuyện tha hay giữ quyền của nó, hay kiểu như quan lớn ngày xưa, có quyền sinh sát trong tay. Nó đọc thằng A , thằng A nó đầu ra thưa, nó nhìn mặt rồi phán

- Mày lại lần nữa rồi, cho mày đi tù nhé. Chuẩn bị đi.

Đến thằng khác nó nhìn mặt mũi rồi nói

- Tao cho mày ở lại đây xem mày muốn về hay đi tiếp.

Trông lúc đó thằng viện oai, những thằng tù đầu nhìn nó không chớp mắt, cứ như lời nó ban ra là định đoạt sinh mệnh người ta theo ý thích của nó. Thực ra nó cũng chỉ là thằng nhân viên quèn của viện kiểm sát quận sai sang đưa hồ sơ quyết định xử lý cho nơi giam giữ. Nó nhân thể diễn trò, cầm tập hồ sơ đập đập, nhìn mặt phạm như ra vẻ cân nhắc cho về hay đi tiếp. Có thằng phạm nhân tù nhiều nó biết , từ trong buồng nó chửi vọng ra.

- Đm để thì là hòn đất, nặn thành ông tượng, oai đéo gì.

Thằng viện nghe thấy , hùng hổ xông sát vào cửa sổ buồng quát

-  thằng nào nói gì , thích chết à

Bên trong mấy thằng phạm chửi.

- Nói cái đm mày.

Thằng viện tức đi đến chỗ buồng quản giáo, ra vẻ như sắp làm gì. Bọn phạm bên trong nói

- Đm làm trò, đố nó dám mở khóa vào đây.

Đúng như thế thật, quản giáo cũng chả hơi đâu mở khóa cửa phòng tù vì cái lý do đâu đâu, thằng viện chỉ gọi quản giáo ra đứng cạnh để nó đọc hồ sơ tiếp.

Thằng viện đọc hồ sơ phân loại xong, hôm sau sẽ có xe từ trại giam thành phố xuống đưa một số tù ở quận đi tiếp, một số về, một số ở lại thêm thời gian xem xét. Những thằng đi lên xe ô tô lúc này đã xác định con đường phía trước sẽ còn dài, tranh thủ viết thư về nhà, vì lên trên càng cao càng khó thư từ hơn. Đêm trước khi sắp đi, thằng nào cũng hiền lành hẳn đi, vì chúng phải ngẫm nghĩ quãng đời tiếp theo trong trại giam, ở quận này là đại ca, nhưng biết đâu lên trên trại giam thành phố, vào buồng không có anh em, bè bạn thì lại thành '' con rận'' để thằng khác hành hạ.

Sáng hôm sau những thằng phải chuyển đi được đi trước, quần áo, khăn gói lếch thếch hai thằng chung một còng số 8 lên xe. Có thằng ai oán.

- Đm tưởng nhà lo thế nào, ai ngờ lên thành phố

Thằng bên cạnh an ủi.

- Thì lên thành phố lo trên đấy có sao.

Thằng đi sau đế vào..

- Quận còn đéo lo được, lại nói chuyện chạy ở thành phố.

Bọn chuyển đi thành phố xong, đến bọn được tha về, con số này thường không nhiều, chiếm tỉ lệ khoảng 1/10. Những thằng về chạy tíu tít các cửa buồng để nhận thư gửi hộ cho thằng khác về nhà. Ra cửa vẫy tay

- về nhé về nhé anh em ở lại cố gắng.

Có thằng ở lại gọi theo

- Về mai lại vào nhé, anh em nhớ lắm.
- Thôi đéo vào đâu, sợ lắm rồi

Nói thế, nhưng khối thằng giam mấy ngày ở quận  vừa về lại vào ngay, nhất mấy thằng đua xe cả đánh bạc thì thường xuyên.


11.11.10

Câu chuyện của nhện

Câu chuyện của nhện


Trước miếu Quan Âm mỗi ngày có vô số người tới thắp hương lễ Phật, khói hương nghi ngút. Trên cây xà ngang trước miếu có con nhện chăng tơ, mỗi ngày đều ngập trong khói hương và những lời cầu đảo, nhện dần có Phật tính. Trải nghìn năm tu luyện, nhện đã linh.
Một ngày, bỗng Phật dạo đến ngôi miếu nọ, thấy khói hương rất vượng, hài lòng lắm. Lúc rời miếu, ngài vô tình ngẩng đầu lên, nhìn thấy nhện trên xà.
Phật dừng lại, hỏi nhện: “Ta gặp ngươi hẳn là có duyên, ta hỏi ngươi một câu, xem ngươi tu luyện một nghìn năm nay có thật thông tuệ chăng. Được không?”
Nhện gặp được Phật rất mừng rỡ, vội vàng đồng ý. Phật hỏi: “Thế gian cái gì quý giá nhất?”
Nhện suy ngẫm, rồi đáp: “Thế gian quý nhất là những gì không có được và những gì đã mất đi!”. Phật gật đầu, đi khỏi.


Lại một nghìn năm nữa trôi qua, nhện vẫn tu luyện trên thanh xà trước miếu Quan Âm, Phật tính của nhện đã mạnh hơn.Một ngày, Phật đến trước miếu, hỏi nhện: “Ngươi có nhớ câu hỏi một nghìn năm trước của ta không, giờ ngươi đã hiểu nó sâu sắc hơn chăng?”


Lại một nghìn năm nữa trôi qua, nhện vẫn tu luyện trên thanh xà trước miếu Quan Âm, Phật tính của nhện đã mạnh hơn.Một ngày, Phật đến trước miếu, hỏi nhện: “Ngươi có nhớ câu hỏi một nghìn năm trước của ta không, giờ ngươi đã hiểu nó sâu sắc hơn chăng?”
Nhện nói: “Con cảm thấy trong nhân gian quý nhất vẫn là “không có được” và “đã mất đi” ạ!”
Phật bảo: “Ngươi cứ nghĩ nữa đi, ta sẽ lại tìm ngươi.”

Một nghìn năm nữa lại qua, có một hôm, nổi gió lớn, gió cuốn một hạt sương đọng lên lưới nhện. Nhện nhìn giọt sương, thấy nó long lanh trong suốt sáng lấp lánh, đẹp đẽ quá, nhện có ý yêu thích. Ngày này nhìn thấy giọt sương nhện cũng vui, nó thấy là ngày vui sướng nhất trong suốt ba nghìn năm qua. Bỗng dưng, gió lớn lại nổi, cuốn giọt sương đi. Nhện giây khắc thấy mất mát, thấy cô đơn, thấy đớn đau.

Lúc đó Phật tới, ngài hỏi: “Nhện, một nghìn năm qua, ngươi đã suy nghĩ thêm chưa: Thế gian này cái gì quý giá nhất?”
Nhện nghĩ tới giọt sương, đáp với Phật: “Thế gian này cái quý giá nhất chính là cái không có được và cái đã mất đi.”
Phật nói: “Tốt, nếu ngươi đã nhận thức như thế, ta cho ngươi một lần vào sống cõi người nhé!”

Và thế, nhện đầu thai vào một nhà quan lại, thành tiểu thư đài các, bố mẹ đặt tên cho nàng là Châu Nhi. Thoáng chốc Châu Nhi đã mười sáu, thành thiếu nữ xinh đẹp yểu điệu, duyên dáng. Hôm đó, tân Trạng Nguyên Cam Lộc đỗ đầu khoa, nhà vua quyết định mở tiệc mừng sau vườn ngự uyển.

Rất nhiều người đẹp tới yến tiệc, trong đó có Châu Nhi và Trường Phong công chúa. Trạng Nguyên trổ tài thi ca trên tiệc, nhiều tài nghệ khiến mọi thiếu nữ trong bữa tiệc đều phải lòng. Nhưng Châu Nhi không hề lo âu cũng không ghen, bởi nàng biết, chàng là mối nhân duyên mà Phật đã đưa tới dành cho nàng.
Qua vài ngày, tình cờ Châu Nhi theo mẹ lên miếu lễ Phật, cũng lúc Cam Lộc đưa mẹ tới miếu. Sau khi lễ Phật, hai vị mẫu thân ngồi nói chuyện. Châu Nhi và Cam Lộc thì tới hành lang tâm sự, Châu Nhi vui lắm, cuối cùng nàng đã có thể ở bên người nàng yêu, nhưng Cam Lộc dường như quá khách sáo.
Châu Nhi nói với Cam Lộc: “Chàng còn nhớ việc mười sáu năm trước, của con nhện trên xà miếu Quan Âm chăng?”
Cam Lộc kinh ngạc, hỏi: “Châu Nhi cô nương, cô thật xinh đẹp, ai cũng hâm mộ, nên trí tưởng tượng của cô cũng hơi quá nhiều chăng?”. Nói đoạn, chàng cùng mẹ chàng đi khỏi đó.

Châu Nhi về nhà, nghĩ, Phật đã an bài mối nhân duyên này, vì sao không để cho chàng nhớ ra chuyện cũ, Cam Lộc vì sao lại không hề có cảm tình với ta?

Vài ngày sau, vua có chiếu ban cho Trạng Nguyên Cam Lộc sánh duyên cùng công chúa Trường Phong, Châu Nhi được sánh duyên với thái tử Chi Thụ. Tin như sấm động giữa trời quang, nàng không hiểu vì sao Phật tàn nhẫn với nàng thế.
Châu Nhi bỏ ăn uống, nằm khô nhắm mắt nghĩ ngợi đau đớn, vài ngày sau linh hồn nàng sắp thoát khỏi thân xác, sinh mệnh thoi thóp.

Thái tử Chi Thụ biết tin, vội vàng tới, phục xuống bên giường nói với nàng:
“Hôm đó, trong những cô gái giữa bữa tiệc sau vườn thượng uyển, ta vừa gặp nàng đã thấy yêu thương, ta đã khốn khổ cầu xin phụ vương để cha ta cho phép cưới nàng. Nếu như nàng chết, thì ta còn sống làm chi.” Nói đoạn rút gươm tự sát.

Và giây khắc ấy Phật xuất hiện, Phật nói với linh hồn sắp lìa thể xác Châu Nhi: “Nhện, ngươi đã từng nghĩ ra, giọt sương (Cam Lộc) là do ai mang đến bên ngươi chăng? Là gió (Trường Phong) mang tới đấy, rồi gió lại mang nó đi. Cam Lộc thuộc về công chúa Trường Phong, anh ta chỉ là một khúc nhạc thêm ngắn ngủi vào sinh mệnh ngươi mà thôi.


Và giây khắc ấy Phật xuất hiện, Phật nói với linh hồn sắp lìa thể xác Châu Nhi: “Nhện, ngươi đã từng nghĩ ra, giọt sương (Cam Lộc) là do ai mang đến bên ngươi chăng? Là gió (Trường Phong) mang tới đấy, rồi gió lại mang nó đi. Cam Lộc thuộc về công chúa Trường Phong, anh ta chỉ là một khúc nhạc thêm ngắn ngủi vào sinh mệnh ngươi mà thôi.
Còn thái tử Chi Thụ chính là cái cây nhỏ trước cửa miếu Quan Âm đó, anh ta đã ngắm ngươi ba nghìn năm, yêu ngươi ba nghìn năm, nhưng ngươi chưa hề cúi xuống nhìn anh ta.
Nhện, ta lại đến hỏi ngươi, thế gian này cái gì là quý giá nhất?”

Nhện nghe ra sự thật, chợt tỉnh ngộ, nàng nói với Phật: “Thế gian này cái quý nhất không phải là thứ không có được và đã mất đi, mà là hạnh phúc hiện đang nắm giữ!”


Nhện nghe ra sự thật, chợt tỉnh ngộ, nàng nói với Phật: “Thế gian này cái quý nhất không phải là thứ không có được và đã mất đi, mà là hạnh phúc hiện đang nắm giữ!”

Vừa nói xong, Phật đã đi mất, linh hồn Châu Nhi quay lại thân xác, mở mắt ra, thấy thái tử Chi Thụ định tự sát, nàng vội đỡ lấy thanh kiếm…

Câu chuyện đến đây là hết, bạn có hiểu câu cuối cùng mà nàng Châu Nhi nói không?
“Thế gian này cái quý nhất không phải là thứ không có được và đã mất đi, mà là hạnh phúc hiện đang nắm giữ!”
Có muốn nghe tôi kể câu chuyện ấy lần nữa không, ngày xưa, trước miếu Quan Âm…