Search

1.1.21

Tazaki Tsukuru không màu và những năm tháng hành hương Tác giả Haruki Murakami

Tazaki Tsukuru không màu và những năm tháng hành hương Tác giả Haruki Murakami. 
Vào lúc đó, gã bỗng chấp nhận tất cả. Tazaki Tsukuru đã hiểu ra, ở phần sâu xa nhất trong linh hồn mình, lòng người và lòng người không bao giờ gắn kết với nhau chỉ bởi sự hài hòa. Mà trái lại, gắn kết với nhau sâu sắc bởi tổn thương và tổn thương, nối liền với nhau bởi niềm đau và niềm đau, bởi mong manh và mong manh. Không có sự tĩnh lặng nào mà không chứa đựng những tiếng kêu bi thống, không có sự dung thứ nào mà không đổ máu trên mặt đất, không có sự chấp nhận nào mà không phải vượt qua những mất mát đau thương. Đó là thứ nằm trong căn đế của sự hài hòa đích thực.

Aka trong Akamatsu nghĩa là Đỏ
O trong Oumi nghĩa là Xanh lơ
Shira trong Shirane nghĩa là Trắng
Kuro trong Kurono nghĩa là Đen
Và Tazaki Tsukuru Không màu
Họ -  năm người bạn đã từng chơi rất thân với nhau.
Họ - một ngày nọ, đã loại trừ một sắc thái màu mang tên Tazaki.
Vì Không màu quá mơ hồ, nhợt nhạt hay quá khác biệt?
Không có lời giải đáp nào cho câu hỏi trên.

Đây là tác phẩm mới nhất của Murakami sau bộ tiểu thuyết “dài hơi” 1Q84. Cuốn sách được khởi nguyên từ một truyện ngắn như lời Mura tâm sự: "Ban đầu tôi định viết một truyện ngắn nhưng tôi càng viết, nó tự nhiên càng dài ra. Chuyện này không thường xảy ra với tôi lắm, có lẽ là lần đầu tiên kể từ khi viết Rừng Na Uy.”
Tazaki cũng gặp phải cú sốc tinh thần đầu đời (một kiểu san chấn tâm lý) như nhiều nhân vật chính khác trong các tác phẩm trước đó của Murakami. Một vết thương lòng đớn đau ở tuổi hai mươi. Tazaki bị đẩy ra ngoài nhóm bạn với lời nhắn gửi cuối cùng “đừng gọi nữa”. Cô đơn trong kí ức, hoài niệm. Cô đơn nơi thực tại mơ hồ. Cô đơn trong nỗi đau, hoài nghi. Anh mặc định mình là một kẻ trống rỗng, không bạn bè.
Ngay ngày hôm đấy, anh chết. Tuổi trẻ, tình yêu, khát vọng - tất cả chỉ còn là một màu trong suốt vô hình. Và mười sáu năm sau, ý niệm về cái chết như phương thức giải thoát duy nhất vẫn còn đeo đuổi trong tâm trí anh. Nếu như không có sự xuất hiện của cô gái Sara, có thể Tazaki đã mang theo những tuyệt vọng, ám ảnh triền miên vào giấc ngủ không bao giờ thức tỉnh.
Anh quyết định quay về những năm tháng lãng quên để tìm ra sự thật và giải mã những phần đứt đoạn của giấc mơ. Xuyên suốt tác phẩm, chuyến hành hương ngập tràn trong âm nhạc - thanh âm êm dịu của đoạn khúc Le mal du pays (Hoài hương) mà cô gái tên Trắng thường chơi.

Cái chết bí ẩn của Trắng.
Những đớn đau giày vò của Xanh, Đen và Đỏ.
Sự thật đã giải thoát Không Màu khỏi hồi ức vỡ vụn!


Trong thời đại của công nghê, Google và Facebook, con người đã dần quen với việc kết nối với nhau bằng mạng lưới thông tin đa chiều. Và chúng ta dường như ngủ mơ trong thế giới ảo mà quên rằng: lòng người - nơi tận cùng thế giới mới là nơi khó nắm bắt nhất. Nó hiện hữu đấy nhưng cũng rất đỗi mong manh vô hình. Và Murakami đã khẳng định một cách chua xót rằng, “Nếu muốn, bất cứ lúc nào chúng ta cũng có thể dễ dàng lấy được những thông tin như thế. Dẫu vậy, chúng ta thật sự gần như chẳng biết gì về mọi người”. Suốt mười sáu năm, Tasuki trốn chạy nỗi đau bằng cách tự gây tổn thương bản thân. Nhưng điều đó không giúp anh thoát khỏi ám ảnh. Đối diện với nỗi đau và những vết cứa sắc lẹm của nó mới chính là cách giúp con người tồn tại và xích lại gần nhau.


“Lòng người và lòng người không bao giờ gắn kết với nhau chỉ bởi sự hài hòa. Mà trái lại, gắn kết với nhau sâu sắc bởi tổn thương và tổn thương. Nối liền với nhau bởi niềm đau và niềm đau, bởi mong manh và mong manh. Không có sự tĩnh lặng nào mà không chứa đựng những tiếng kêu bi thống, không có sự dung thứ nào mà không đổ máu trên mặt đất, không có sự chấp nhận nào mà không phải vượt qua những mất mát đau thương. Đó là thứ nằm trong căn đế của sự hài hòa đích thực".

Đọc cuốn sách, có thể bạn sẽ nhớ lại những câu trong Kafka bên bờ biển. Chuyến hành hương của Tazaki vô tình gợi nhắc đến cuộc hành trình của Kafka để thoát khỏi lời nguyền định mệnh:

Anh ngồi bên rìa thế giới
Em trên miệng núi lửa đã tắt
Đứng khuất trong bóng cánh cửa
Là những lời không còn chữ
Phía bên kia những lời không còn chữ. Đó mới là thực tại vẹn nguyên, là lòng người sâu thẳm.

Tazaki Tsukuru Không Màu Và Những Năm Tháng Hành Hương không quá siêu thực, mơ hồ và huyền bí như những kiệt tác trước đó của Murakami. Thế nhưng, nó vẫn có sức hút mãnh liệt đối với độc giả. Với 13000 bản trong lần đầu ra mắt, tiểu thuyết này đã phá vỡ kỉ lục lượng xuất bản đầu tiên của bất kì cuốn sách nào tính đến thời điểm hiện tại.
Xin phép được tạm dừng mọi luận bàn tại đây. Tất cả vẫn là một bí mật.
Tất cả không thể là khởi đầu. Cho đến khi bạn gặp Tazaki.
Và hành hương cùng anh ấy…

BONUS: 

 LE MAL DU PAYS’ CỦA FRANZ LISZT. THUỘC QUYỂN ‘NĂM THỨ NHẤT: THUỴ SĨ’ NẰM TRONG TẬP TÁC PHẨM ‘NHỮNG NĂM HÀNH HƯƠNG 



Tsukuru rời mắt khỏi cuốn sách đang đọc, hỏi Haida tên bản nhạc.
“ ‘Le Mal du Pays’ của Franz Liszt. Thuộc quyển ‘Năm thứ nhất: Thuỵ Sĩ’ nằm trong tập tác phẩm ‘Những năm hành hương’.”
“ ‘Le Mal du…’?”
“Le Mal du Pays, tiếng Pháp. Thường được dùng với nghĩa là hoài hương hoặc sầu muộn, nhưng nói cho rõ hơn thì là ‘nỗi ưu sầu vô cớ mà cảnh điền viên gợi lên trong lòng người’. Môt từ khó dịch cho chính xác.”
“Một cô gái mà tớ từng biết thường hay chơi bản nhạc này. Bạn cùng lớp hồi cấp ba.”
“Em cũng thích bản nhạc này từ xưa. Nhưng không phải một bản nhạc được biết đến rộng rãi lắm.” Haida nói. “Bạn anh chơi dương cầm rất giỏi phải không?”
“Tớ không am hiểu âm nhạc, nên không nhận xét được là giỏi hay kém. Nhưng lần nào được nghe, tớ cũng cảm thấy đó là một bản nhạc đẹp. Nói thế nào nhỉ? Nó chứa đầy nỗi ưu sầu dịu nhẹ, nhưng không hề sướt mướt.”
“Nếu có thể cảm nhận được như thế thì chắc chắn đó là một người chơi đàn rất giỏi.” Haida nói. “Bản nhạc này về mặt kỹ thuật thoạt nhìn có vẻ đơn giản, nhưng không dễ thể hiện. Nếu chỉ chơi đúng các nốt nhạc, nó sẽ trở thành một bản nhạc không thú vị, cũng chẳng ra gì. Ngược lại, nếu thể hiện quá đà thì lại sẽ trở nên rẻ rúng. Tính chất của bản nhạc có thể biến đổi hoàn toàn chỉ nhờ vào một yếu tố duy nhất là cách sử dụng bàn đạp.”
“Nghệ sĩ chơi bản này tên là gì?”
“Lazar Berman. Nghệ sĩ dương cầm người Nga, ông chơi Liszt giống như đang vẽ một bức tranh phong cảnh trong tâm tưởng đầy tinh tế. Các bản nhạc soạn cho piano của Liszt thường được cho là thiên về kỹ thuật và hời hợt. Dĩ nhiên, cũng có những tác phẩm rất lắt léo theo kiểu như vậy, nhưng nếu nghe chăm chú từ đầu đến cuối, sẽ thấy bên trong chúng hàm chứa một chiều sâu độc đáo. Tuy nhiên, chiều sâu ấy, trong hầu hết trường hợp, lại được khéo léo giấu kín dưới một lớp trang sức. Điều đó đặc biệt đúng với tập ‘Những năm hành hương’ này. Trong số các nghệ sĩ dương cầm còn sống, không nhiều người có thể chơi Liszt được đúng và đẹp. Theo quan điểm của em, mới đây nhất thì chỉ có Berman, còn xa xưa hơn thì chỉ có Claudio Arrau.”
Hễ cứ nói tới âm nhạc là Haida sôi nổi hẳn lên. Cậu ta tiếp tục nói về những nét đặc trưng trong diễn tấu Liszt của Berman, song Tsukuru hầu như không để vào tai. Thật kinh ngạc, trong óc gã, hình ảnh Trắng đang chơi bản nhạc ấy dần hiện lên sống động như trong một không gian ba chiều. Cứ như thể một vài khoảnh khắc đẹp đẽ ở đó đang chống lại lực cản tất yếu của thời gian, từng bước vững chắc lội ngược dòng kênh.
Cây dương cầm ba chân của hãng Yamaha đặt trong phòng khách nhà Trắng. Dây đàn luôn được chỉnh đúng âm, phản ảnh nét tính cách chỉnh chu, tỉ mỉ của cô. Trên bề mặt mỹ miều của nó không một vết mờ, không một dấu vân tay. Ánh nắng buổi chiều rọi vào từ cửa sổ. Bóng cây hoàng đàn đổ ngoài sân. Cánh rèm đăng ten đung đưa trước gió. Tách trà trên bàn. Mái tóc đen của cô được búi gọn đằng sau, và ánh mắt nghiêm trang chăm chú nhìn bản nhạc. Mười ngón tay dài và đẹp đặt trên những phím đàn. Đôi chân nhấn lên bàn đạp ẩn chứa sức mạnh không thể tưởng tượng ra ở cô những lúc bình thường, và chính xác. Bắp chân trắng mịn như một món đồ sứ tráng men. Khi được đề nghị biểu diễn gì đó, cô thường chơi bản nhạc này. “Le Mal du Pays” – nỗi ưu sầu vô cớ mà cảnh điền viên gợi lên trong lòng người; hoài hương, hay sầu muộn.