Search

21.8.15

Phượt là gì ?

Phanblogs Chuyến đi làm đầu óc tôi trở nên thoáng đãng như trời sau mưa. Chuyện chẳng có gì nhưng tôi muốn ghi lại để đánh dấu chuyến đi núi lần đầu tiên hoàn toàn một mình này.***Dạo trước tôi hay đi chơi bằng xe máy. Tôi rất ghét từ phượt, đi phượt, phượt phượt là cái mẹ gì nhỉ? Tôi biết từ phượt được sáng tác từ một nhóm các anh chị lớn hơn tôi trên diễn đàn TTVNOL ngày xưa, box du lịch. Họ đi chơi và trao đổi chém gió với nhau, thoạt tiên hay nói đi kiểu lượt phà lượt phượt, ý là đi kiểu vô định, gặp đâu hay đó, đón chờ những điều mới lạ và bất ngờ trên các cung đường. Sau ngắn gọn là đi phượt. Sau từ này bị lạm dụng và trở thành cái từ sang chảnh trẻ trâu nói với nhau cho oai. Tôi ghét từ này, mặc dù bọn tôi mấy thằng hồi dặt dẹo ở Moscow cũng có một từ gần giống, là từ “bượt”. “Thôi bượt đi” – có nghĩa là kệ ngày mai có gì xảy ra hay như nào, hết tiền hay có tiền, tương lai ra sao, hôm nay cứ phải vodka cho say khướt cái đã.

Thôi, tôi chỉ thích nói là đi chơi núi thôi. Tôi đi chơi núi không nhiều không ít, hay đi theo đoàn, mà hễ đi đoàn là tôi cầm cờ hoặc đoạn hậu. Ban ngày tôi thường đoạn hậu, để đảm bảo rằng cả đoàn không có sự cố nào. Chạy đêm tôi thường cầm cờ, vì lái xe máy tốt và có đôi mắt cú. Cầm cờ buổi đêm có cái rất thú vị, là mình bám đường làm tiêu, rẽ bên nào thì xinhan bên đó để xe sau được biết, ra hiệu tay khi có chướng ngại hay có gì bất thường vân vân, nhưng thú nhất là liếc gương chiếu hậu thấy đoàn xe bảy tám cái đều tăm tắp lượn đèo uốn đều như con rắn.

Cái hay của đi xe máy trên núi, không phải là phóng nhanh hay là cua gấp cho đẹp, mà cái hay là chạy đều tay đều tốc độ bám sát lịch trình dự kiến. Cái xe để chạy trên núi, không phải cần hoành như cào cào hay một số xe đắt tiền nhìn chất lừ, mà là một cái xe bền bỉ tiết kiệm xăng, không hỏng vặt mà khi hỏng thì bất cứ một anh thợ sửa xe góc núi nào cũng có thể xử lý. Do đó xe xịn nhất để đi núi chính là xe Wave hay Dream hay Future. Một bạn đồng hành tốt khi đi núi cũng nên có nét gì tương đối giống cái xe Wave tàu.

Chuyến này tôi đi một mình, vừa cầm cờ vừa đoạn hậu. Đi một mình sướng cái là không cần quan tâm nhiều đến lịch trình, vì chỉ có mình mình thôi thích thế nào thì làm thế. Cái dở là luôn phải cẩn thận trên từng mét đường, vì nhỡ có sự cố thì không có người hỗ trợ.

***

Tôi xuất phát từ Ba Bể. Đầu chuyến đi, tôi chỉ định đi một đoạn ngắn rồi an dưỡng ở đâu đó đôi ngày trong vùng hồ. Tuy vậy tự nhiên tôi thấy hơi chán vì nhiều khách du lịch và các làng ven hồ đã du lịch hóa nhiều, không thể tìm được cái yên tĩnh hoang vắng mà tôi muốn. Thế là trong lúc ông lái thuyền máy ngồi sau lái với tiếng máy bạch bạch, tôi đứng ở mũi thuyền hát ông ổng, và kết thúc bài hát thì quyết định sẽ lấy xe máy và tìm đến sự yên tĩnh tuyệt đối của mình là một mình chạy trên các đèo dốc.

Con CG125 của tôi vốn có một lịch sử khá oách. Ban đầu nó vốn là xe của công an, sau được cậu ruột tôi mua lại. Cậu ruột tôi là dân chơi, khi trẻ chàng thường ngồi con CG125 này cùng chúng bạn lùng sục các vùng đồng lầy để bắn chim (các dân chơi này là tội nhân đóng góp phần đáng kể làm mất đi nhiều đàn chim hoang dã), bây giờ khi già thì cậu tôi thay súng nòng dài bắn chim bằng máy ảnh nòng dài bắn các chị các mẹ uốn éo làm duyên bên liễu hồ Gươm hay sen hồ Tây (cái này thì càng bắn càng nhiều lên chứ không giảm đi như chim hoang dã). Con CG này thì cậu tôi đã bàn giao cho tôi một số năm, và tôi đã dùng nó chạy khắp các nẻo đường núi. Nó có khả năng đặc biệt là có thể từ dưới ổ trâu ổ voi nhá côn phát là nhảy phốc lên như ngựa. Con xe đã khá già cỗi rồi, tôi cũng không sửa sang nó cho tử tế, tiếng máy cành cạch nhưng nó vẫn là nó.

Thế là tôi cắm phone vào tai và bắt đầu chặng đường du hý một mình lên núi. Xe hỏng công tơ mét, chả biết đang chạy tốc độ bao nhiêu chỉ có thể đoán. Tốc độ quy định của tôi là 60km/h trên đường bằng và 40km/h trên đường núi, ít khi tôi chạy nhanh hơn vì khi đó sẽ không còn an toàn. Cứ thế tôi sẽ biết được 100km tới tôi sẽ phải đi mất bao lâu. Thoạt tiên tôi nhìn đồng hồ đếm cột cây số để tính tốc độ, sau tôi ước lượng bằng bài hát. Cứ một bài hát chừng 3 phút mà tôi đi được 3km đường bằng hoặc 2km đường núi, thì là ok, đang đi chuẩn tốc độ và sẽ chuẩn lịch trình.

Đây là lần đầu tôi chạy mạn Cao Bằng, hóa ra nó rất đẹp, gần như Hà Giang, có điều núi thấp hơn ít hùng vĩ hơn và nhà cửa dân cư nhiều hơn. Xe công cũng nhiều và nó khiến cho phân nửa đoạn đường Cao Bằng kém thi vị. Mà tiên sư bọn lợn, bọn lợn thật, tức là khoảng một trăm con lợn nhốt sau thùng một cái xe tải lớn, phát ra mùi hôi kinh tởm, trong khi cái xe thì không chịu nhường đường cho xe máy vượt lên. Tôi thì lại cứ muốn vượt để đi đúng tốc độ của mình cho nên phải bám đít cái xe chở lợn khoảng chục cây số, tiên sư bọn lợn lần nữa hôi kinh lên được. Có lẽ trong lúc tôi đang tìm cách vượt qua bọn lợn thì biển chỉ đường Bản Giốc bị khuất nên tôi lầm đường cứ thế phi thẳng theo xe chở lợn để vượt qua nó, thế là chiều tối hôm đó tôi chạy nhầm tuốt lên cửa khẩu Tà Lùng khi trời đã tối, và phải ngán ngẩm vòng lại 30km quay trở lại Quảng Yên để từ đó lại đi thêm 50km nữa tới Bản Giốc.

Đêm tối đi một mình trên núi trong ánh đèn pha lờ mờ, trời thỉnh thoảng lại lóe lên ánh sét khiến những ngọn núi đột nhiên hiện ra sừng sững như một đội thiên binh rồi lại chìm vào bóng đêm, có cái gì đó ghê ghê. Rock riếc nghe lại càng khiến mình sốt ruột. Tôi bèn mở nhạc vàng nghe. “Đêm nay lặng lẽ sương mù giăng trên mảnh tình quê, có ai để buồn chất chứa sơn khê, có nhịp đàn lưu luyến con đường đê…” Các anh tài xế xe khách đường dài có lý khi nghe nhạc vàng, nó buồn buồn êm ái và tình cảm, khiến đường trở nên không còn dài. Tôi cũng đang buồn thê thõm vì vài lý do không vớ vẩn lắm, cho nên nghe rất hợp tai, và nỗi buồn dần dần tan đi lúc nào không hay. Tôi bỗng thấy mình không còn buồn rầu mà lạc vào một không gian khác như thể mình là một thằng lính cầm giáo đang chạy lục tục cùng đồng đội theo chân đại ka Thái Bảo Nùng Trí Cao tiến đánh Tàu Khựa.

Nhớ lại thì đó là một nghìn năm trước, tầm 1050, đang buồn rầu nhắm rượu ngô vợ nấu với mấy con cá suối vớ va vớ vẩn thì có thằng bạn lại nhà, nó cùng tôi cưa hết chai rượu rồi nó bảo, ở nhà chán bỏ mẹ, đi đánh nhau không mày. Đánh nhau ở đâu? Đại ka Nùng Trí Cao hôm nọ lại khởi nghĩa, lần thứ ba, có sai đệ đi các nơi rủ anh em khởi nghĩa cùng cho vui. Thế lần này khởi nghĩa đánh bọn người Kinh nhà Lý nữa à, đánh thua mẹ nó hai lần rồi. Lần này đại ka muốn hợp tác với bọn Khựa đánh bọn Kinh, nhưng khi bắn tin thì vua nhà Tống lại khệnh không đồng ý, nên đại ka quyết định tiến đánh Khựa trước. Thế là tôi cùng thằng bạn gia nhập quân lính của Thái Bảo Nùng Trí Cao, tiến đánh khựa, cuối năm đó đánh được tới 8 thành Khựa ở Quảng Tây Quảng Đông. Tiếc rằng đến cuối năm sau thì đại ka Trí Cao bị thằng tướng giặc là thằng Địch Thanh trong phim Bao Công đánh cho te tua, tôi với thằng bạn chạy chối chết thoát được, bèn quyết định về lại góc núi uống rượu không theo đại ka nữa. Sau đó vài năm đại ka bị bọn phản tặc ở Đại Lý lừa đảo rồi chém chết nộp đầu cho vua Khựa. Thật tiếc cho một hảo hán lừng lẫy đầu đội trời chân đạp đất như Nùng đại ka.

Lẩm nhẩm nhớ lại câu chuyện về đại ka Nùng Trí Cao, thì đã tới Bản Giốc, bây giờ đã là năm 2015 và tôi đang chạy con CG125 ngược theo con đường nghìn năm trước. Ở ngã ba có hai đại hán đang chân nam đá chân xiêu đi lại dặt dẹo, tôi bèn dừng lại hỏi khách sạn, rồi theo lời chỉ dẫn tôi vào khách sạn rất to quên tên rồi, trong khách sạn có hai thằng thanh niên đang đánh cờ. Chúng đón tôi rất niềm nở, tôi là đoàn khách thứ hai và cuối cùng của khạch sạn đêm đó, đoàn kia có ba người, đoàn tôi có 1 người. Từ cửa sổ khách sạn của tôi nhìn lên núi, thấy sáng rực ánh đèn vàng kết trên các mái của một ngôi chùa lớn, mà sáng sau tôi biết là chùa có tên Phật Tích Trúc Lâm Bản Giốc, và thờ cả vua người Kinh và đại tướng người Kinh thế kỷ 20. Tôi không vào thăm chùa mà thẳng ra Bản Giốc, ngắm thác một lúc. Người Kinh và người Khựa ngồi trên những con thuyền bơi bơi đan vào nhau trên mặt hồ dưới chân thác. Khách du lịch người Kinh hôm nay hầu hết là các cựu chiến binh nghiêm trang mặc quân phục đeo huân chương, còn khách du lịch người Khựa chủ yếu là các đương kim chiến binh mặc váy ngắn một tay cầm iPhone một tay xòe ngón chữ V đưa lên miệng chúm chím. Tôi nghĩ năm xưa mà đại ka tôi là Nùng Trí Cao, thay vì rủ anh em khởi nghĩa mà rủ anh em tập trung sinh đẻ, đẻ cho nhiều vào, vì về lâu dài có thể cạnh tranh được với bọn đẻ khỏe là bọn Kinh và bọn Khựa, và đất này giờ đây có lẽ vẫn là thành trì của bộ tộc Nùng hậu duệ đại ka.

Nói một cách nghiêm túc thì thác Bản Giốc rất đẹp nếu soi bằng ống kính máy ảnh, gạt bỏ đi những khung cảnh lem nhem hàng quán rồi khách du lịch. Người cũng thế, chỉ nên chụp chân dung, không nên chụp người mà chụp panorama hay chụp X-quang.

***

Trước đây mấy năm, có lần ở Mèo Vạc tôi đã định đi sang Cao Bằng rồi về Hà Nội, nhưng hồi đó chưa thông đường bộ, phải qua sông bằng phà mà không phải lúc nào phà cũng đi (nghe người dân nói thế) nên chúng tôi không đi nữa. Lần này ở Cao Bằng, thấy đã có đường sang Hà Giang lâu rồi, bèn thèm đi Hà Giang. Ngồi tính đường thì xa quá, bây giờ là 9h30 sáng ở Bản Giốc, sang tới Mèo Vạc là 290km đường núi đi sẽ mất nguyên ngày. Sau đó sẽ chỉ còn một ngày để đi từ Mèo Vạc về Hà Nội thì gấp quá. Nhưng cơn thèm đã nổi lên mất rồi, đã mất công lên đến núi, thì khó lòng bỏ qua những cung đường tuyệt đẹp của Hà Giang, Mã Pì Lèng chỉ cách một ngày đường, mà cung Cao Bằng – Mèo Vạc lại chưa đi bao giờ. Thôi tặc lưỡi, lên đường đi Mã Pì Lèng, mình chỉ có một mình chẳng phải lo ai, cứ chạy kiểu gì cũng được mà.

Tôi về lại thành phố Cao Bằng sau 90km, nghỉ ăn trưa, xuất phát lúc 1h, tính rằng mình đi trung bình 40km/h thì còn 200km sẽ tới được Mèo Vạc lúc chập tối. Nhưng một bà dân tộc đã làm tôi lỡ đường.

Từ Cao Bằng đi hơn 20km khá bằng phẳng thì tới huyện Nguyên Bình, từ đó trở đi là đường núi. Tôi chạy trên con đường quanh co phía tay trái là ruộng bậc thang và lác đác nhà cửa, phía bên phải xa xa kia là cả một bức tường trùng điệp của một cao nguyên hùng vĩ, mà những ngọn núi của Hà Giang chỉ là phần kết thúc của cao nguyên rộng lớn và hùng vĩ ấy. Lần nào đi Hà Giang, từ bên này nhìn sang cao nguyên bên đó, tôi đều tự hỏi không biết bọn dân Trung Quốc có thích chạy xe máy đi chơi không và nếu thế chúng có hay chạy ở vùng cao nguyên đó không, chạy xe ở đó sẽ đẹp biết chừng nào. Lần nào nhìn về cao nguyên ấy, tôi cũng lại ý thức thêm một lần rằng mình là con dân của cộng đồng các dân tộc nhỏ bé nhưng kiên cường này, kiên cường nhưng nhỏ bé này, mà nếu không được bao bọc bởi bức tường hùng vĩ của những ngọn núi san sát dày đặc như một đạo thiên binh kia, thì các dân tộc bên Hoa Hạ không cần tới đao kiếm mà chỉ cần nuôi gà và đẻ trẻ con thôi, là sẽ nhanh chóng đồng hóa các bộ tộc phương nam này. Giống như chúng ta khi đã vượt qua Hải Vân rồi thì chỉ cần đẻ trẻ con trong mấy trăm năm là đã có được miền nam.

Tôi chạy đến nơi gọi là huyện lỵ Tĩnh Túc. Trước khi vào tới huyện lỵ thì tôi nhìn thấy một thung lũng đẹp vô cùng. Lúa non trải một tấm thảm xanh ngăn ngắt dưới thung lũng ấy, một vài nếp nhà mái nâu điểm xuyết trên tấm thảm xanh, và bên kia tấm thảm là một vách núi đá sừng sững cao muôn trượng. Thung lũng và cái làng đó đẹp quá, ai những ai sống ở dưới cái làng đó?

Tôi không thấy có đường nào xuống làng. Qua khỏi Tĩnh Túc rồi tôi thấy có một ngã ba mà nẻo rẽ vào phía làng thì chỉ là đường mòn sỏi đá. Tôi hỏi mấy đứa trẻ đang nghịch nước ở đầu ngã ba, những đứa trẻ người Kinh, hỏi đường này dẫn đi đâu, chúng không biết. Tôi rẽ đại vào đường mòn, đi chừng trăm mét lộc cộc đá thì gặp một bà chắc là người Nùng, tuổi chừng bảy chục, đang sàng cát. Tôi hỏi bà, đường này có phải là đường vào làng dưới thung lũng không, bà bảo phải, nhưng mưa lớn đường sạt rồi khó đi lắm. Có đi được không bà, vẫn đi được. Thế cháu đi thử.

Thế là tôi phi xuống con đường đá hộc ấy, nó không phải là đường mà như nền của một con suối cạn. Đi một chặng nữa thì hết đường, một con suối chắn ngang. Con suối cạn thôi, nhưng toàn đá lớn và một mình tôi khó lòng kéo cái xe qua được. Vả chăng có qua được đi nữa, thì hoang vắng mà không giống đường thế này, liệu có đi tiếp được bao xa. Thế là tôi từ bỏ ý định, hoang vắng quá cũng chẳng biết hỏi đường ai bây giờ. Tôi bèn tháo hành lý, lấy chai rượu ra, tháo đàn ra khỏi bao, rồi ở dưới khe núi ấy tôi uống rượu quạt chả phèng phèng trong tiếng nước suối róc rách và tiếng gió vi vu thổi, hát ông ổng mấy bài.
Lãng CMN tử

Hát hỏng một hồi, nhìn lên trên núi, ngắm kỹ những lưng nhà của thị trấn Tĩnh Túc, chợt tôi thấy không an toàn. Một cảm giác không được tốt lắm. Đất hoang vắng mà là của người dân tộc tôi luôn thấy lành, nhưng chỗ hoang vắng mà thuộc địa phận người Kinh là tôi không thấy an tâm. Thôi đi, chẳng ngồi đây lâu nữa khi tự nhiên thấy cảm giác không tốt. Tôi bèn đóng đồ và quay xe trở lại ngược con đường đá.

Quay được mấy mét thì giật cả mình, có bóng áo xanh người ngồi trong bụi, rồi thở phào thấy thò đầu ra là một anh dân tộc. Anh nhìn tôi vẻ rất khó tả. Tôi chào anh rồi lượn luôn. Bụng nghĩ (và lúc sau có sóng điện thoại thì thèm facebook bèn lôi ra post cái ảnh này và một status) anh này tối về làng thế nào cũng khoe với ông con giai là hôm nay tao ngồi ị mà được nghe nhạc của Bob Dylan. How many roads must a man walk down before you call him a man…

Trong facebook tôi không kể về anh cởi trần. Anh có lẽ là con giai của bà già dân tộc đang sàng cát ở đầu đường đá. Khi tôi quay lại thì anh đang đứng cạnh bà. Anh cao to tầm mét bảy lăm, vai rộng lực lưỡng rất đẹp, cởi trần để lộ một hình xăm hình chiếc lá được xăm gọn ghẽ từ xương quai xanh lên tới cổ. Anh trông rất phong trần, đoán là người từng đi nhiều nơi chứ không phải chỉ ở trong làng dưới thung lũng. Anh hỏi tôi (chắc bà già kể là có thằng chạy xe qua) sao lại quay lại. Tôi nói gặp con suối mà một mình em đi sợ không qua được. Anh nói thực ra vẫn qua được đấy, thôi lúc nào quay lại vào làng chơi. Tôi ngần ngừ, những muốn ngồi lại đây chờ rồi cùng anh và bà già đi vào làng, chơi nhà anh, nhưng lại thôi, khi khác nếu có duyên. Tôi chào anh và bà già rồi đi. Anh bảo, em đi nhé, lần khác ghé chơi, mình đi chơi thì cứ thích đâu thì mình đến thôi mà. Nhiều lúc tôi rất thiếu quyết đoán, nửa muốn thế này nửa muốn thế kia, đi một đoạn rồi vẫn muốn quay trở lại rồi lại thôi tặc lưỡi đi tiếp. Hai mẹ con anh dân tộc ấy để lại một dư âm rất ấm áp từ nụ cười và giọng nói của họ, họ ở trong một cái làng đẹp như vậy tất nhiên là tốt lành.

Còn cách Mèo Vạc 40km thì trời sập tối, xe tôi hỏng đèn pha và phải đi dập dõ trong đêm, rất chậm. Đi một hồi trong tối thì gặp được một quán sửa xe ven đèo, sửa lại được một bóng đèn pha nhưng vẫn lập lờ lập lờ sáng mà thôi. Luồn núi trong đêm với đèn pha mờ mịt cả mười mấy hai chục cây không một bóng người, sương lạnh tràn về, lòng cứ dấy lên những mối lo lắng lung tung. Tôi lại vác nhạc vàng ra nghe rồi từ từ bò về tới Mèo Vạc lúc 8h tối, chậm mất 2 tiếng so với lịch trình.
Lối về đất Mẹ
***

Phần còn lại của chuyến đi chẳng có gì đáng kể nữa. Núi ở Hà Giang quá đẹp ai cũng biết rồi. Sáng ra tôi ăn sáng uống café đàng hoàng rồi chạy tới Mã Pì Lèng ngắm cảnh, rồi lại một lèo ngắm cảnh núi non xuống Quản Bạ khi đã quá trưa. Ngồi ăn trưa, nghe thằng thanh niên Hà Giang rất ngầu mượn tôi đàn để gảy gảy mấy bản cổ điển, rồi chạy một lèo không nghỉ, mỗi một tiếng dừng lại nghỉ đúng 3 phút rồi lại nổ máy đi, mệt rồi không cố đi nhanh mà cứ từ từ chạy tới gần 12h đêm thì về tới nhà rủ thằng em giai ra quán làm vài quại bia sau mười mấy tiếng và 500km đường từ Mèo Vạc.

À có một sự việc làm cho cảm giác xấu khi ở nơi vắng vẻ mà gần người Kinh, mà tôi đã cảm thấy khi ở dưới khe núi, hóa ra lại có cơ sở. Ấy là khi tôi đã chạy về tới Việt Trì rồi, lúc đó là 10h tối, cái giờ mà bọn trẻ trâu đã say xỉn và phi xe ra phố. Có hai thằng trẻ trâu ngồi xe máy, kẹp ở giữa là một con bé trẻ trâu hoặc cave, bọn chúng nhào ra tạt đầu xe tôi, rồi cười hố hố quay lại ngó xem tôi có bị xòe không. Tôi đi chậm lại tránh gây hấn với bọn trẻ trâu say rượu ấy, tránh cả những thằng trẻ trâu khác mà từ xa tôi nhìn cách đi xe cũng đoán chúng đã nhậu rồi. Vận dụng trở lại cái trò nhiều năm trước đi đêm ở Moscow, trong bán kính 50m không bỏ sót một đối tượng nào, và chạy xe máy thế này thì là 100m.

Thế nhưng vẫn có một thằng trẻ trâu lượn vè vè gần tôi, lúc đằng sau, lúc đằng trước, lúc lại chạy hẳn lên trước rồi rút điện thoại ra gọi, vẻ rất khả nghi. Tôi đoán thì ít trượt, chắc chắn tôi là đối tượng quan tâm của nó. Nó lượn lên lượn xuống chừng 5km thì bắt đầu tiến tới áp sát tôi. Tôi liếc gương thấy trong tay nó không có gì nguy hiểm, nhưng thái độ của nó thì cần đề phòng, tôi đã đề phòng một cú đạp vào tay lái, thì hóa ra là mình nhát quá thần hồn nát thần tính. Thằng trẻ trâu áp vào cạnh xe tôi để hỏi:

– Bác ơi?

– Ơi?

– Em theo bác nãy giờ. Bác thiên lý độc hành từ đâu về thế?

– Anh chạy từ Mèo Vạc – Hà Giang.

– Quá được! Thỉnh thoảng em cũng thích chạy chơi. Mai em đi về Ninh Bình, bác có đi chơi với bọn em không?

– Không mai đi làm rồi.

– Thế à thôi chào bác nhé em chạy trước đây.

Đoạn rồ ga chạy mất. Rốt lại tôi chẳng hiểu là có phải thằng ấy từng quen biết tôi ở đâu không, đêm tối mà tôi kém nhớ mặt người, hay là hoàn toàn xa lạ. Chả biết được.

Cuối cùng tôi vẫn luôn là cảm thấy thoải mái khi lượn ở trên núi non vắng vẻ, mà luôn cảm thấy cần cẩn thận khi đi xuống đường của người Kinh.

***

Một chuyến đi ngắn vài ngày nhưng hoàn toàn một mình, hầu như không giao tiếp với ai ngoài gọi đồ ăn và hỏi giá tiền khách sạn, đổ xăng… khiến đầu óc tôi như đã được refresh trở lại. Tôi lại thấy bằng lòng với bản thân mình, tự tha thứ cho mình. Có lẽ sự yên tĩnh trên đường, sự bền bỉ và kiên nhẫn đếm cột cây số, sự tập trung trên từng khúc cua và từng đoạn vượt xe công tránh xe ô tô ngược chiều, cảnh đẹp trên núi và không khí của núi non đã chuyển tôi từ một trạng thái mơ hồ bất an và buồn rầu sang một trạng thái lành mạnh hơn, gần với tự nhiên hơn và chân thật hơn.

Hai ngày rưỡi với 1200km đường, trong đó 800km là đường đèo, tôi và con CG125 hoàn toàn có thể uống với nhau cốc bia để hài lòng về thành tích.



nguồn : https://teq316.wordpress.com/2015/08/21/cao-bangh-giang-2015