Search

25.4.13

Troll là gì ?

Troll là một thuật ngữ xuất hiện nhiều trên diễn đàn mạng, dùng để chỉ một ai đó cố tình gây sự chú ý bằng cách gây ra tranh cãi hoặc gián đoạn một chủ đề thảo luận.
Troll

Phanblogs
Còm: Cái trứng gà này dở như hạch.
Phản còm: Cái trứng vịt ở tiệm kế bên còn dở hơn, sao mày không chê?
Còm: Cái trứng gà này dở như hạch.
Phản còm: Làm ơn còm sao cho có tính xây dựng, nếu giỏi thì mày tự đẻ trứng luôn đi.
Còm: Cái trứng gà này dở như hạch.
Phản còm: Trứng này do một đồng chí hảo kê cần cù, dũng cảm, lương thiện và chính trực đẻ đó!
Còm: Cái trứng gà này dở như hạch.
Phản còm: Vẫn còn ngon hơn nhiều so với trứng năm ngoái.
Còm: Cái trứng gà này dở như hạch.
Phản còm: Mày lớn lên nhờ ăn trứng này, mày có quyền gì mà chê trứng dở?
Còm: Cái trứng gà này dở như hạch.
Phản còm: Mày có ý đồ gì mà chê bai vậy chớ?
Còm: Cái trứng gà này dở như hạch.
Phản còm: Đến cả trứng do chính gà của mày đẻ mà mày còn chê, mày có phải là người Trung Quốc không dzậy?
Còm: Cái trứng gà này dở như hạch.
Phản còm: Mịa, tao nghi mày là phường Pháp Luân Công nói điêu.[i]
Còm: Cái trứng gà này dở như hạch.
Phản còm: Chê ỏng chê eo chỉ vô ích thôi, nếu mày dư thời gian, sao không chăm chỉ làm ăn kiếm tiền đi chớ.
Còm: Cái trứng gà này dở như hạch.
Phản còm: Cái thằng cư dân mạng Đài Loan, biến mẹ nó đi cho ông nhờ, chẳng ai mời mày vào đây.
Còm: Cái trứng gà này dở như hạch.
Phản còm: Ôi dào, tâm lý ấu trĩ sao mà quá bi quan, đến phải than vãn về trứng dở.
Còm: Cái trứng gà này dở như hạch.
Phản còm: Trứng dở vì con gà đẻ trứng này bị một số con gà [thuộc phần tử xấu] không biết đẻ trứng xúi giục.
Còm: Cái trứng gà này dở như hạch.
Phản còm: Còm này đã bị quản lý diễn đàn sàng lọc.
Còm: Cái trứng gà này dở như hạch.
Phản còm: Vậy trứng Trung Quốc toàn dở, còn trứng Mỹ toàn ngon à? Đồ phản quốc!
Còm: Cái trứng gà này dở như hạch.
Phản còm: Trứng Đài Loan ngon há, sao không qua bển ở luôn đi, để coi mày có bị bom nguyên tử san bằng không.
Còm: Cái trứng gà này dở như hạch.
Phản còm: Trứng Trung Quốc đã đánh bại trứng Mỹ rồi, phải biết tự hào đi chớ!
Còm: Cái trứng gà này dở như hạch.
Phản còm: Tui sẽ không tránh né trứng của tổ quốc bất luận dở cỡ nào đi nữa!
Còm: Cái trứng gà này dở như hạch.
Phản còm: Trứng từ trại gà của chúng ta mà mày dám chê dở à? Mày lấy tư cách gì mà nói dzậy?
Còm: Cái trứng gà này dở như hạch.
Phản còm: Cầm chén ăn trứng xong buông đũa rồi chửi, mày chẳng biết cái gì đáng quý đáng trọng, đồ vô ơn, vô liêm sỉ, trơ trẽn!
Còm: Cái trứng gà này dở như hạch.
Phản còm: Trứng dở chỉ là thiểu số rất nhỏ, đại đa số trứng đều ngon, tuyệt hảo, và qua được kiểm định!
Còm: Cái trứng gà này dở như hạch.
Phản còm: Đây là một thiểu số phần tử phi pháp lường gạt quần chúng không hiểu rõ sự thật!
Còm: Cái trứng gà này dở như hạch.
Phản còm: Cái này đích thị là có động cơ ngầm và xúi giục [người khác], mày định làm gì dzậy?
Còm: Cái trứng gà này dở như hạch.
Phản còm: Đó là tin đồn, tôi có thể phát biểu rất trách nhiệm là tất cả trứng đều bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng!
Còm: Cái trứng gà này dở như hạch.
Phản còm: Nói chẳng có căn cứ gì hết, tui hy vọng báo chí có thể đưa tin khách quan!
Còm: Cái trứng gà này dở như hạch.
Phản còm: Theo tớ, trứng của một số người không ngon đến thế, trứng của chúng ta ngon gấp năm lần!
Còm: Cái trứng gà này dở như hạch.
Phản còm: Định hướng đúng đắn là niềm hạnh phúc của trại gà chúng ta, định hướng sai lầm là nỗi bất hạnh của trại gà chúng ta.
Còm: Cái trứng gà này dở như hạch.
Phản còm: Trại gà chúng ta vẫn còn trong giai đoạn sơ khai, chúng ta phải kiên trì [theo đường lối này] trong hai mươi năm sắp đến mà không dao động!
Còm: Cái trứng gà này dở như hạch.
Phản còm: Chúng ta muốn lập trại gà với những đặc điểm riêng của chúng ta, và để gà của mình đẻ trứng với những đặc điểm riêng của chúng.
Còm: Cái trứng gà này dở như hạch.
Phản còm: Dù ăn hơi dở, trứng này có lợi cho sức khỏe chúng ta, nếu anh nhập trứng Mỹ trái phép, hệ tiêu hóa và bao tử, và có lẽ toàn bộ hệ nội tiết của anh sẽ tiêu tùng. – Học giả Lý tính tả phái  
Còm: Cái trứng gà này dở như hạch.
Phản còm: Trứng gà dở không liên quan đến trận động đất. – Chuyên gia động đất
Còm: Cái trứng gà này dở như hạch.
Phản còm: Có những thế lực thù địch nước ngoài đồn thổi trái phép về trứng của chúng ta.
Còm: Cái trứng gà này dở như hạch.
Phản còm: Gà Trung Quốc, gắng lên! – Thanh niên Trung Quốc yêu nước
Còm: Cái trứng gà này dở như hạch.
Phản còm: Vì thực khách Bắc Kinh này cố tình gây rối và chê trứng dở, chúng tôi đã lên thủ đô hai lần để thuyết phục khuyên răn, nhưng vô hiệu. – Cảnh sát Thượng Hải
Còm: Cái trứng gà này dở như hạch.
Phản còm: Đây là tin đồn thất thiệt gần đây do thiên hạ tung ra trên internet.
Còm: Cái trứng gà này dở như hạch.
Phản còm: Mày thuộc thiểu số nhỏ không hiểu rõ sự thật, làm sao trứng có thể dở được?
Còm: Cái trứng gà này dở như hạch.
Phản còm: Nước đã giàu, dân đã mạnh, sao mày không ăn thịt gà cho tao nhờ?
Còm: Cái trứng gà này dở như hạch.
Phản còm: Không có trứng nào hoàn hảo cả, vậy mày không có quyền đồn nhảm về cái trứng này nhá!
Còm: Cái trứng gà này dở như hạch.
Phản còm: Trứng đời nhà Thanh ngon hay dở thì chỉ có người đời nhà Thanh biết.
Còm: Cái trứng gà này dở như hạch.
Phản còm: Có nhớ xã hội cũ không, người nghèo lúc đó đến gạo cũng chẳng có mà ăn, mỗi ngày đành phải ăn trấu và cây cỏ dại, cuộc sống hạnh phúc ngày nay phải trả giá bằng sinh mạng và máu của vô số liệt sĩ, mày phải biết trân trọng chứ!
Còm: Cái trứng gà này dở như hạch.
Phản còm: Đây là giai đoạn đầu tiên của quá trình gà đẻ trứng, nếu mày muốn ăn trứng ngon, mày phải đợi đến giai đoạn cao cấp hơn, giai đoạn ban đầu này là một quá trình rất dài.

xem thêm :http://www.phanblogs.info/2011/10/internet-troll.html





18.4.13

Không diệt, không sinh, đừng sợ hãi Tác giả: Thích Nhất Hạnh

Không diệt, không sinh, đừng sợ hãi Tác giả: Thích Nhất Hạnh


Sóng là nước
Khi bạn nhìn trên mặt biển, bạn thấy các đợt sóng lên xuống nhấp nhô. Bạn có thể mô tả sóng này cao, sóng kia thấp, sóng lớn hay nhỏ, sóng mạnh hay yếu và sóng đẹp hay không đẹp. Bạn có thể mô tả sóng lúc bắt đầu, lúc chấm dứt, sóng được sinh ra và sóng bị hoại diệt. Giống như trong tích môn hay trong bình diện tương đối, chúng ta quan tâm tới sinh-diệt, mạnh-yếu, đẹp-xấu, bắt đầu và chấm dứt... của mọi sự vật.

Nhìn sâu, chúng ta thấy sóng đồng thời cũng là nước. Một lọn sóng hình như muốn đi tìm bản thể của nó. Nó có thể đau khổ vì rối ren. Ngọn sóng có thể nói: “tôi không lớn bằng các ngọn sóng kia,” “tôi bị đàn áp,” “tôi không đẹp bằng các sóng khác,” ”tôi sinh ra đời và tôi sẽ chết đi.” Ngọn sóng có thể đau khổ vì các ý nghĩ đó. Nhưng nếu sóng uốn mình xuống để tiếp xúc với bản chất của nó thì nó sẽ thấy nó cũng là nước. Sự sợ hãi và rối ren của sóng sẽ biến mất.
Nước không bị ràng buộc bởi sự sinh diệt của sóng. Nước được tự do không sợ cao hay thấp, đẹp hay xấu. Khi nói về các tiếng cao-thấp, đẹp-xấu, đó chỉ là những từ ngữ nói về sóng. Đối với nước, những từ ngữ đó vô giá trị.
Bản chất thật sự của chúng ta có tính cách vô sinh bất diệt. Chúng ta không cần phải đi đâu mới tiếp xúc được bản chất chân thực của mình. Sóng không cần đi tìm nước vì chính nó là nước. Chúng ta không cần đi tìm Thượng đế hay Niết bàn, hay bản chất tuyệt đối, vì chúng ta là Niết bàn, là Thượng đế.
Bạn chính là điều bạn đi tìm. Bạn chính là thứ bạn đang muốn trở thành. Bạn có thể nói với sóng: “Sóng ơi, con chính là nước rồi, con không cần đi đâu để tìm nước nữa. Bản chất của con chính là bản chất không phân biệt, không sống chết, không có cũng không không.”
Hãy thực tập như sóng. Hãy kiên trì nhìn sâu vào chính mình và nhận biết rằng bản thể của bạn là vô sinh bất diệt. Bạn sẽ đạt tới tự do và vô úy bằng cách này. Phương pháp thực tập này giúp chúng ta sống không sợ hãi và chết một cách bình an, không hối tiếc.
Nếu bạn đang mang trong mình một nỗi đau lớn, nếu bạn mới mất người thân thương, nếu bạn đang sống trong sự lo sợ cái chết, trong lãng quên và hủy diệt, xin hãy học phương pháp này và bắt đầu thực tập. Nếu bạn thực tập giỏi, bạn sẽ có thể nhìn đám mây, bông hồng, hòn sỏi và em bé bằng con mắt mà Bụt đã mở ra cho bạn. Bạn sẽ hết sợ hãi, lo âu và phiền não. Bạn sẽ có sự an bình thật sự, sẽ trở nên mạnh mẽ và vững vàng, có thể mỉm cười với mọi chuyện xảy tới. Sống như thế, bạn có thể giúp được nhiều người chung quanh bạn.

Bạn ở đâu trước khi ra đời?
Nhiều người được hỏi: “Bạn sinh ngày nào?” Nhưng bạn có thể trả lời bằng một câu hỏi hay hơn: “Trước ngày gọi là sinh nhật của tôi thì tôi ở đâu?”
Nếu bạn hỏi một đám mây: “Mây sinh ngày nào, trước khi sinh ra, mây ở đâu?” Nếu bạn hỏi nó: “Mây lên mấy tuổi rồi? Mây sinh ngày nào vậy?” rồi bạn lắng nghe, bạn có thể nghe được câu trả lời.
Bạn có thể tưởng tượng mây sinh ra đời cách nào. Trước khi sinh ra, nó là nước trên mặt đại dương, hay trên mặt sông, rồi nước bốc thành hơi. Mây cũng là mặt trời vì chính mặt trời làm cho nước bốc thành hơi. Gió cũng có trong mây, vì gió làm cho hơi nước tụ lại thành đám mây. Mây không tới từ hư không, mây chỉ là sự chuyển hóa hình thức. Không có chuyện một vật sinh ra từ hư không.
Sớm hay muộn, mây cũng sẽ biến thành mưa hay tuyết, hay nước đá. Nếu bạn nhìn sâu vào mưa, bạn sẽ nhìn thấy mây. Mây không mất đi, nó biến hóa thành ra mưa và mưa biến thành ra cỏ, cỏ vào trong con bò để rồi biến ra sữa và cà-rem bạn ăn đó. Hôm nay khi ăn một ly cà-rem, bạn hãy để thì giờ nhìn nó và nói: “Chào đám mây, ta nhận ra ngươi rồi.” Làm như vậy, bạn đã giác ngộ được bản chất thật của cà-rem và của mây. Bạn cũng có thể nhìn thấy biển, sông, thấy hơi nóng mặt trời, thấy cỏ và con bò trong ly cà-rem.
Nhìn cho sâu, bạn sẽ không thấy được ngày sinh thực và ngày chết thực của đám mây. Chỉ có chuyện đám mây chuyển hóa thành ra mưa hay tuyết. Không có gì thực sự chết đi vì luôn luôn có sự nối tiếp. Mây là tiếp nối của biển, của sông, của sức nóng mặt trời và mưa là tiếp nối của mây.
Trước khi sinh ra, đám mây đã có đó rồi. Hôm nay, khi bạn uống một ly sữa hay một tách trà, ăn một cái cà-rem, xin hãy theo dõi hơi thở. Hãy nhìn vào ly sữa hay ly trà và gửi lời chào đám mây.
Bụt dùng nhiều thời gian để nhìn thật sâu, chúng ta cũng vậy. Bụt không phải là Thượng đế, Ngài là một con người giống như chúng ta. Ngài đau khổ nên Ngài tu tập, vì vậy Ngài vượt thoát được khổ đau. Ngài có trí tuệ lớn, có hiểu biết, trí tuệ và từ bi. Vì thế nên chúng ta nói Ngài là bậc thầy, là huynh trưởng của ta.
Nếu chúng ta sợ chết là bởi vì chúng ta không hiểu rằng không có gì thực sự mất đi. Người ta nói Bụt đã chết, nhưng không phải thế. Bụt còn đang sống. Khi nhìn chung quanh, ta sẽ thấy Bụt dưới nhiều hình thái. Bụt đang ở trong bạn vì bạn có thể nhìn sâu và thấy được mọi sự đều không thực sự được sinh ra hay mất đi. Chúng tôi có thể nói bạn là một hình thức mới của Bụt, một tiếp nối của Bụt. Đừng coi thường chính mình. Hãy nhìn ra chung quanh, bạn sẽ thấy Bụt được tiếp nối ở khắp nơi.