Search

15.1.22

HOW & WHAT

Con người hơn nhau ở cái gì?
Cái vấn đề nó như thế này. Anh coi nặng cái gì? Thí dụ như bây giờ cái nhà của cô đó nó bự hơn cái nhà của tôi mà tôi coi cái chuyện nhà bự đó không ra cái gì hết. Ở đây không nên nói con người hơn nhau cái gì mà phải nói mỗi con người khác nhau cái gì.

Theo tinh thần nhà Phật thì không có hơn kém, chỉ có khác với giống thôi.
Nếu mà nói hơn thì khó lắm. Cái này nói thiệt: Nếu mà mình không muốn giải thoát thì mình cần ma vương hơn là Đức Phật. Bởi mình theo Phật một thời gian mình giải thoát rồi mình đâu có luân hồi được. Cho nên nếu mình muốn luân hồi đời đời mình phải thờ ma vương. Mình thích đánh bài mà mình đi theo ông giáo sư đại học thì nó lộn chỗ rồi. Đánh bài phải kiếm mấy thằng xăm mình.

Nếu có câu hỏi: "Con người hơn nhau những gì?" Câu trả lời là trước hết mình phải coi mỗi người coi nặng cái gì.

Nếu mình coi nặng tiền bạc thì cái điểm hơn nhau là đồng tiền. Còn nếu mình coi nặng về đức hạnh thì mình xét về mặt đức hạnh. Mình qúy, mình coi nặng về trí tuệ thì mình mới xét về mặt trí tuệ. Vấn đề đời sống cõi này là sự chọn lựa. Và cái câu hỏi này nó ăn khớp với đề tài tôi đang giảng.
Đó là chúng ta sống ở thế giới này đó là chúng ta chìm sâu trong sáu trần: sắc, thinh, khí, vị, xúc, ý. Và tùy vào cái căn cơ của mỗi người mà ta chìm sâu trong cái nào và cái kiểu chìm sâu đó ra sao. Chìm sâu trong cái nào đó là 'What', chìm kiểu nào đó là 'How'.
Tu tập Tứ Niệm Xứ cũng chỉ quẩn quanh trong hai chữ đó thôi. Mình biết rõ cái activity của mình, đang đi biết đang đi, đang ngồi biết đang ngồi, là biết rõ cái 'How', tôi đang như thế nào. Còn 'what' là cái gì nó đang xảy ra trong tôi. Tôi đang đi, tôi đang ngồi, tôi đang hoạt động thế nào tôi biết rõ. Nhưng mà cái đó chưa đủ, cái đó mới bước đầu thôi. Cái đó chỉ có chữ 'How' thôi. Về sau này biết rõ thêm cái 'What'. Cái gì nó xảy ra trong lúc tôi đang thở ra thở vào, cái gì nó đang diễn ra, đang xảy ra khi tôi đang bước đi.


Biết rõ cái 'How', đó là Niệm. Biết rõ cái 'What', đó là Tuệ.

HOW & WHAT



Đang đi biết là đang đi, đang ngồi biết là đang ngồi, cái đó là Niệm. Còn biết rõ cái gì xảy ra trong lúc đang đi, đang ngồi thì đó là Tuệ. Chánh niệm là biết rõ mình đang thế nào, còn trí tuệ là biết rõ những gì đang xảy ra.

Sống trong thế giới này là chúng ta đang sống chung với sáu trần. Vấn đề là do tiền nghiệp, khuynh hướng tâm lý và môi trường sống mà ta quan tâm đến trần nào. Ở đây quý vị quan tâm đến trần nào hay cả sáu trần? Không những quan tâm mà chúng ta còn chìm sâu trong đó nữa.

Nói vậy thôi nhưng tôi tin chắc mức độ chìm sâu ở đây không có giống nhau. Có những người ở đây tôi nghĩ họ cũng coi nhẹ chuyện ăn mặc. Có những người ở đây họ coi chuyện nhà lớn nhà nhỏ không thành vấn đề. Có người ở đây coi chuyện xe lớn xe bé không thành vấn đề. Có người ở đây coi chuyện ăn gì cũng được. Mặc dù từng người ở đây đều sống trọn vẹn trong sáu trần. Nhưng cái điểm quan tâm của mỗi người ở đây tôi nghĩ khó mà giống nhau. Có người ở đây rất là nặng về tình cảm con cháu, vợ chồng. Cái đó chắc chắn rồi nhưng mà mình không biết người nào thôi. Có người ở đây rất là quan tâm đến sĩ diện mặt mũi. Có người ở đây quan tâm đến cảm xúc bản thân, miễn sướng là được, tự mình thấy thoải mái là được. Có người ở đây quan tâm đến đời sống tinh thần, làm sao mình tu tốt hơn, giữ giới tốt hơn, thiền định tốt hơn. Tôi nghĩ trước mặt tôi là đủ thành phần hết.

Đây là lý do vì đâu giáo pháp Đức Phật nói gọn chỉ có Tứ Đế thôi. Đức Phật nói rõ cái bản chất khổ đau của thế giới và con đường thoát khỏi đau khổ. Nhưng mà với nội dung của Tứ Đế, Ngài nói trong bốn mươi lăm năm thành ra mấy tủ kinh luôn. Vì sao? Vì cái đám người ngồi trước mặt Ngài mỗi người một kiểu, cách hướng dẫn khác nhau. Có người thì Ngài cho họ bú sữa bình, có người Ngài cho họ ăn baby food, có người họ cho họ chip snack, có người Ngài cho họ ăn cơm, có người Ngài cho họ ăn cháo, có người thì Ngài chích thuốc, có người Ngài cho họ uống thuốc bổ, thuốc viên, có người thì Ngài vô nước biển, có người Ngài phải chọt cái ống vô cổ họng để tiếp thức ăn. Trường hợp mà phải chọt cái ống vô cổ họng để tiếp thức ăn là loại người nào? Đó là những người tu chậm, trí yếu. Phải bắt họ như thế này như thế kia họ mới tu được. Họ cần một cái môi trường thích hợp, thực phẩm thích hợp, trú xứ thích hợp, thầy, bạn thích hợp, họ phải cần đủ hết thì mới tu được. Loại người đó là loại người mà phải tiếp "thức ăn" bằng đường ống. Còn có những người Ngài chỉ cho họ một viên thuốc là đủ rồi, một câu Pháp họ về họ tu là được rồi, rất đơn giản. Ngay cả thuốc Bắc cũng vậy nữa, có người phải uống thuốc tán, có người phải uống thuốc tể, người uống thuốc sắc, người uống thuốc ngâm, ... Cũng một bài thuốc nhức lưng đó thôi nhưng mà mỗi người do cái điều kiện, do cái cơ thể làm sao mình không biết nhưng đại khái là thầy cũng áp dụng một cách.

Tôi ôn lại một chút. Để mình có thể biết rõ cái kiếp này của mình nó ra sao tùy thuộc vào cái thái độ của mình kiếp trước đối với sáu trần. Thế giới này gồm có thiện, ác, buồn, vui. Thiện là gì? Thiện là sáu căn biết sáu trần bằng tâm lành. Ác là sáu căn biết sáu trần bằng tâm xấu. Buồn là gì? Đó là sáu căn biết sáu trần bất toại. Vui là sáu căn biết sáu trần như ý. Như vậy rõ ràng là đời sống này gồm thiện, ác, buồn, vui. Mà tôi định nghĩa là không ra ngoài sáu trần.

Mình tu Tứ Niệm Xứ là sao? Không có chuyện gì đặc biệt hết. Chỉ biết rõ một điều thôi là biết rõ hiện giờ sáu căn nó đang biết sáu trần bằng tâm gì. Dầu đó là sáu trần như ý hay bất toại. Nghe nó rất là khô nhưng nó là toàn bộ đời sống ngay tại đây, ngay thời điểm này. 'Right here' và 'Right now'. Toàn bộ đời sống mình nó chỉ có cái đó thôi. Tại sao mình khổ? Là mình không có biết cái sáu căn của mình nó đang biết sáu trần bằng cách nào.

Tại sao phải tu Tứ Niệm Xứ? Tu Tứ Niệm Xứ là chỉ làm có một việc thôi: Biết rõ sáu căn của mình nó đang biết rõ sáu trần bằng tâm gì, bất kể sáu trần đó là bất toại hay như ý. Đó là Tứ Niệm Xứ.

Trích bài giảng Thế Giới Đời Sống Muôn Loài

Kalama xin tri ân bạn hongha7711 ghi chép

Sư Giác Nguyên giảng 



Thống kê bài đọc nhiều theo thời gian

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Vui lòng viết Tiếng Việt. Có dấu.
Nhận xét luôn luôn được kiểm tra trước khi xuất bản. :). Vì vậy bạn đừng cố SPAM
Cảm ơn bạn