Search

31.3.22

3 câu chuyện về thông minh và sự lương thiện

THIỆN LƯƠNG KHÓ HƠN LÀ THÔNG MINH. BỞI VÌ THÔNG MINH LÀ THIÊN PHÚ, CÒN THIỆN LƯƠNG LÀ MỘT SỰ LỰA CHỌN


Câu chuyên 1: Thông minh là thiên phú, còn thiện lương là một sự lựa chọn.


Một vị sư lên rừng hái củi, trên đường về gặp một cậu bé đang chạy chơi đùa, hái hoa bắt bướm. Vị sư đến gần hỏi: Trên tay con cầm gì thế?

Thằng bé láu cá: Đố sư biết đó, nhưng nói sai sư phải mất cho con bó củi nhe?

- Một con bướm đã chết đúng không?

- Haha sai rồi, con bướm còn sống nhé sư? Nói rồi cậu tung con bướm bay lên trời.

- Vị sư cười nói: Củi của con đây, cầm về đi!

Thằng bé hí hửng đem bó củi về khoe cha, ông tái mặt bước đến nhéo tai thằng con: Đem bó củi lên chùa trả rồi xin lỗi người ta ngay. Thằng bé vừa đi vừa la: Nhưng con thắng mà!?!

Đến chùa 2 cha con chắp tay xin lỗi, vị sư chỉ nhẹ mỉm cười gật đầu. Trên đường về cậu bé vẫn hậm hực.

Người cha nhẹ nhàng nói: Nếu sư nói con bướm còn sống con cũng bóp cho nó chết đúng không? Từ đầu ngài đã định đem bó củi để đổi lấy một mạng sống rồi đó.

Thằng bé lặng lẽ cúi đầu.

Sự ngạo mạn và hiếu thắng luôn lấy đi bao lý trí của mỗi chúng ta. Đừng thấy ai lùi mà vội bảo họ thua. Thiện lương khó hơn là thông minh. Bởi vì thông minh là thiên phú, còn thiện lương là một sự lựa chọn.

Theo Phật giáo và Doanh Nhân

3 câu chuyện về thông minh và sự lương thiện
3 câu chuyện về thông minh và sự lương thiện



Câu chuyên 2: Thông minh liệu có quan trọng hơn tất cả?


Ông Jeff Bezos, sáng lập viên và CEO của Amazon, là một trong những gương mặt quyền lực nhất trong làng công nghệ thế giới. Tuy nhiên, không chỉ là một người giàu có bậc nhất, ông còn là một người có ý chí, nghị lực và nhân cách khiến nhiều người ngưỡng mộ.

Trong một lần tham gia buổi lễ tốt nghiệp năm 2010 tại trường Princeton, nơi ông theo học thời đại học, Jeff đã chia sẻ lại câu chuyện từ thuở ấu thơ của ông. Câu chuyện sau đó đã đánh thức trong tâm hồn hàng triệu người câu hỏi: “Thông minh liệu có quan trọng hơn tất cả?”:

“Khi còn là một đứa trẻ, tôi thường dành thời gian nghỉ hè của mình ở trang trại của ông bà tại Texas. Tôi giúp ông bà sửa chữa máy quạt thóc, tiêm vacxin cho bò và làm các công việc nhà khác. Vào mỗi buổi chiều, chúng tôi cùng nhau xem những vở kịch opera, đặc biệt là vở “Năm tháng của đời người”. Suốt quãng đời tuổi thơ, tôi luôn mong đợi những ngày như thế. Tôi vô cùng yêu quý và kính trọng ông bà của mình. Tôi thầm cảm ơn số phận đã mang họ đến bên tôi, trở thành những người thân yêu nhất trong cuộc đời của tôi.

Những buổi sáng với tiếng gõ leng keng của ông và tiếng thái gọt đồ ăn của bà luôn là miền ký ức trong trẻo đầy sức mê hoặc đối với tâm hồn tôi. Nhưng có một điều tôi không thích nhất chính là mùi thuốc lá, đặc biệt trong những lần du lịch. Tôi sẽ ngồi ở chiếc ghế băng dài phía sau xe và người lái xe đương nhiên là ông nội. Còn bà nội tôi sẽ ngồi cạnh ông, bà thường không nói gì nhiều và chỉ hút thuốc.

Ngay từ nhỏ tôi đã yêu thích những con số và thường tính toán tất cả mọi thứ trong cuộc sống, từ lượng dầu tiêu hao cho đến những chi tiêu buôn bán tạp hóa, từ tiền mua gà cho tới tiền mua những thứ nhỏ nhặt như tỏi, tiêu. Một lần, tôi tình cờ nghe được một bài quảng cáo về thuốc lá trên truyền hình. Chẳng giống như những đứa trẻ cùng tuổi bị hấp dẫn bởi những hình ảnh động thú vị, tôi quan tâm tới nội dung chính.

Người ta nói rằng mỗi điếu thuốc lá sẽ làm giảm vài phút tuổi thọ, chính xác là khoảng hai phút. Vì thế tôi quyết định vì bà mà làm một phép tính toán. Tôi đã dành một ngày để quan sát bà, tôi tính xem mỗi ngày bà tôi hút mấy điếu thuốc, mỗi điếu thuốc hút mấy hơi, cuối cùng cũng tính được một con số hợp lý.

Hôm đó, sau khi hoàn thành sự tính toán của mình, tôi ngả người về phía trước vỗ bờ vai của bà và kiêu ngạo tuyên bố: “Nếu như hai phút hút một hơi thuốc thì bà sẽ giảm 9 năm tuổi thọ”.

Tôi nhớ rất rõ ràng chuyện gì đã xảy ra sau đó và điều ấy nằm ngoài dự liệu của tôi. Tôi kỳ vọng sự thông minh và khả năng tính toán của mình sẽ nhận được lời khen ngợi nhưng thực tế hoàn toàn ngược lại.

Bà nội tôi đã bật khóc, còn ông tôi trước đó luôn chăm chú lái xe bỗng dừng lại một bên đường. Ông xuống xe, mở cửa và tỏ ý đợi tôi xuống.

Tôi bàng hoàng tự hỏi liệu tôi đã gây ra phiền phức hay sao? Ông nội tôi là một người trí tuệ và điềm tĩnh. Ông chưa bao giờ nói lời nghiêm khắc với tôi hay bực mình với tôi chuyện gì. Hay là ông muốn tôi quay trở lại xe và xin lỗi bà nội? Trong đầu tôi quay cuồng với các loại suy nghĩ và không ngừng lo lắng về điều sắp xảy ra với tôi. Chúng tôi đứng ở bên đường cách chiếc xe một đoạn. 
Ông nội nhìn sâu vào mắt tôi, trầm ngâm một lát sau đó nhẹ nhàng nói: “Jeff à, có một ngày cháu sẽ hiểu, lương thiện so với thông minh càng khó hơn”.

Đó là câu nói khiến tôi, một người luôn tràn đầy tự tin vào sự thông minh của bản thân thực sự ngỡ ngàng và chấn động. Mỗi ngày lớn lên tôi lại hiểu thêm về câu nói của ông. Điều tôi nói có thể chẳng sai chút nào, nó là khoa học. Điều tôi hiểu là trong mỗi điếu thuốc ấy có hàng tá chất độc gây tác hại đối với sức khỏe như thế nào. Nhưng điều quan trọng nhất tôi không thể hiểu cho tới ngày hôm đó chính là đằng sau mỗi điếu thuốc bà hút có thể là biết bao tâm sự, biết bao suy tư về những thăng trầm đã qua, về một nỗi buồn niềm đau nào đó mãi hằn in trong lòng bà chẳng thể nguôi ngoai”.


Quả thực trong đời sống này, điều chúng ta có thể tiếp nhận là tri thức, nhưng điều không thể tiếp nhận mà phải dung dưỡng là một tấm lòng lương thiện. Bởi lương thiện ấy không phải là một loại lý thuyết, mà là sự hòa hợp giữa ý niệm và hành vi, là bản chất nguyên sơ của sinh mệnh nguyên thủy của con người.

Người ta cho rằng càng hiểu biết nhiều thì càng thông minh, càng thông mình thì càng biết thu vén cái lợi cho mình, như thế cuộc sống sẽ ngày càng sung sướng, hạnh phúc. Nhưng càng thông minh, càng khôn khéo, càng tư lợi, con người lại càng đánh mất sự thuần khiết, thuần tịnh vốn có của mình. Vì lương thiện nên biết đủ, vì lương thiện mà biết tha thứ, không so đo tranh giành, không ganh đua ân oán từ đó mà nội tâm thanh tịnh, an hòa. Người có nội tâm thiện lương, tĩnh lặng sẽ sáng suốt, có thể thực thi bất kể sự việc gì bằng cả tấm lòng mình mà không bị được mất hay danh tiếng ràng buộc, ức chế.

Người ta nói lương thiện là một loại trí huệ. Người thông minh chưa hẳn đã lương thiện, nhưng người lương thiện chắc chắn là người thông minh nhất.

Lý Minh  /Theo dkn


---

Câu chuyện 3: Thằn lằn bỏ đuôi


Bà nội tôi không biết nhiều chuyện cổ tích. May cho bà, vì tôi là đứa trẻ không mê chuyện xa xưa đó. Ngược lại, tính tôi tò mò còn bà thì hoạt ngôn, hỏi gì bà cũng trả lời được.
Cha tôi bảo, mày đừng tin chuyện của bà, vì bà ít học nên chẳng đúng gì đâu, nhất là mấy cái chuyện liên quan đến khoa học tự nhiên như mặt trăng mặt trời, ngôi sao đám mây, con cua cây lá… 
Sáu tuổi, tôi không cần biết đúng sai. Chỉ cần có người giải đáp thắc mắc thật nhanh cho tôi là được. 
Ví như có lần nằm chơi với bà, tôi nhìn lên bức tường và hỏi tại sao con thằn lằn lại cụt đuôi. 
 Rất nhanh, bà bảo : thằn lằn mẹ bỏ đuôi để cho con của nó ăn.
Tôi thích cách lý giải này của bà. 
Từ bữa đó tôi không còn bắt những con thằn lằn dài đuôi để chơi nữa. Vì tôi sợ mỗi lần túm lấy, thằn lằn tự cắt cái đuôi bỏ chạy, như thế sẽ không có thức ăn cho bầy con của nó. Nghe tôi thủ thỉ như thế - bà bảo cháu ngoan lắm, ai biết thương động vật là người sống có tình.
Cha tôi ngược lại, hỏi cái gì cha cũng bảo để nghiên cứu cho chính xác sẽ trả lời sau. Mà cha lại nhiều việc, hay quên. 
Thỉnh thoảng tôi nhắc lại mấy thắc mắc rồi bảo bà nội đã giải thích cho con. Cha tôi nghe chuyện, thốt lên : vớ vẩn, làm gì có chuyện thằn lằn bỏ đuôi cho con ăn ?!
Rồi - cha bảo với bà từ nay đừng giải thích kiểu nói dối đó cho trẻ con nghe. Chúng nó là trẻ em thời đại mới, phải giải thích cho có căn cớ khoa học, sau này mới tiếp cận được tri thức toàn cầu.
Tôi đợi hoài những giải thích đầy đủ căn cớ khoa học, nhưng rất hiếm khi cha trả lời. Và nếu có, thì đó cũng là những giải thích khô cứng, khó hiểu, nào chọn lọc tự nhiên, tiến hóa bậc cao, gen di truyền, phản xạ có điều kiện… 
Cha tôi quyết định chuyển cả nhà lên thành phố sinh sống. Như ý cha nói là để tiếp cận với văn minh đô thị. Lên đó anh em chúng tôi mới có cơ hội học tập tốt hơn, dịch vụ xã hội và môi trường hiện đại hơn.
Bà nội nhất quyết không đi theo. Bà nói tụi bây cứ đi, tao vẫn còn tự lo được cho mình. 
Chục năm nay sáng nào bà cũng ra ngồi trước ngõ buôn gạo. Một cái mủng tre đan chứa gạo, cái hộp sữa bò làm lon để đong đếm, đồ nghề của bà chỉ có vậy. Nhà tôi lên phố, bà vẫn ở quê buôn gạo. Thế nhưng thỉnh thoảng chúng tôi về thăm, bà vẫn có tiền cho anh em tôi và còn khoe có ... dành dụm làm mấy khâu vàng cất phòng khi. 
Lần nào thấy tôi về quê bà cũng mừng. 
Không hẳn vì nhà có tiếng người, bởi ở làng quê hôm nào chả có hàng xóm sang chơi với bà. Không hẳn vì bà để dành mấy trái ổi bọc nilon chờ chúng tôi về mới hái xuống. Bà mừng là bởi thằng cháu hay hỏi chuyện, và bà có dịp để… bịa chuyện. Bà nói tuổi già, nhiều khi lú lẫn, có mấy đứa tò mò để bà động não cũng vui vui.
Những câu chuyện bà bịa ra có vẻ hoang đường nhưng rất hóm hỉnh. 
Ví dụ nghen : trái ổi trên cây phải bọc nilon kẻo sợ ma vọc, con chim sâu kêu lích chích bởi cái mỏ nhọn như mũi kim, trời lạnh nằm ngủ co giò vì không có ai nằm cùng… 
Tôi đem những câu chuyện này lên phố, biến thành những câu đố dí dỏm thử chúng bạn. Mấy đứa bạn cười chê, bảo giải thích bậy bạ, chẳng khoa học chút nào.
Công ty của cha làm ăn thua lỗ. May nhờ những khâu vàng tích cóp của bà nội đã giúp cha trang trải nợ nần. 
Năm đó tôi đã học cuối cấp ba, về quê hỏi bà có tiếc hộp vàng đó không. Bà móm mém cười bảo : không buồn, dành dụm cũng là để cho con cho cháu thôi mà. Tôi cũng hóm hỉnh đùa - như con thằn lằn bỏ cái đuôi để cho con nó ăn phải không bà ?
Ba năm du học xa nhà - tôi nhớ bà nội, nhớ những câu chuyện kể bằng tiếng quê mộc mạc. Tôi thường gọi điện về nhắc nhở hai đứa em út thường xuyên về quê chơi cho bà đỡ buồn. Nhưng ... cả hai đứa đều bảo bận học thêm, học bổ trợ, với lại chúng nó không thích chuyện bà kể, cứ ... quê kệch thế nào ấy.
Tôi về quê khi bà đã yếu lắm rồi. 
Bà gầy nhẳng, chỉ còn da đồi mồi bọc lấy những thanh xương. Tôi biết không còn cơ hội nào để nghe thêm những câu chuyện bịa của bà nữa - Nhưng tôi vẫn ghé tai hỏi bà, biết đâu đánh thức được chút gì đó. Bà nằm mê man trên giường. 
Cha tôi bảo một năm nay bà điếc đặc, có nghe gì nữa đâu.
Tôi theo các chú bồng thi thể nhẹ hều của bà ra giếng để tắm cho bà lần cuối trước khi khâm liệm. 
Bà nhẹ quá, nhẹ hơn một thúng gạo. Không hiểu sức lực đâu mà bà bê được cái thúng gạo đầy ra tận trước ngõ. Nếu hỏi câu này lúc bà còn tỉnh táo - thể nào bà cũng bịa ra chuyện, chẳng hạn như : bốn chân con thằn lằn yếu ớt bấu vào vách mà vẫn gánh nổi toàn thân hình cả đời đó thôi.
Tôi không khóc - vì tôi phải kìm giữ giọng để thủ thỉ bên tai bà những câu hỏi ngô nghê về trái cây, về con vật, về trăng sao, kể cả về con thằn lằn bỏ đuôi. 
Dù tôi đã thừa biết khoa học giải thích chuyện con thằn lằn bỏ đuôi là để tự vệ, đánh lạc hướng kẻ thù.
Khi ngoáy ngón trỏ vào tai bà, tôi lôi ra được một con thằn lằn khô đét. Con thằn lằn nằm cuộn tròn trong lỗ tai bên trái của bà. 
Chắc đã lâu không ai nói chuyện với bà phải không - bà ơi ? 
Nên con thằn lằn cuộn tròn ngủ vĩnh viễn trong hốc tai này mà chẳng tiếng động nào đánh thức nó dậy. 
Một con thằn lằn - không có đuôi !!!

--- HOÀNG CÔNG DANH ---



Thống kê SÁCH đọc nhiều theo thời gian

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Vui lòng viết Tiếng Việt. Có dấu.
Nhận xét luôn luôn được kiểm tra trước khi xuất bản. :). Vì vậy bạn đừng cố SPAM
Cảm ơn bạn