Search

Hiển thị các bài đăng có nhãn LỖ TẤN. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn LỖ TẤN. Hiển thị tất cả bài đăng

14.6.23

KHỔNG ẤT KỶ TÁC GIẢ LỖ TẤN

KHỔNG ẤT KỶ TÁC GIẢ LỖ TẤN


Đó là câu chuyện về Khổng Ất Kỷ, một học giả không đỗ đạt trên con đường khoa cử, từ đó phải sống trong cảnh nghèo nàn. Câu chuyện về Khổng Ất Kỷ hiện đã trở thành một từ khóa thể hiện sự bất mãn trong hàng triệu sinh viên tốt nghiệp, khi phải đối mặt với một tương lai ảm đạm.


Có đến hàng trăm ảnh chế (meme) về nhân vật Khổng Ất Kỷ trên khắp các nền tảng mạng xã hội ở TQ. Chúng xuất hiện từ các bình luận về các ẩn dụ trong thơ văn, cho đến viết lại toàn bộ truyện ngắn này.

KHỔNG ẤT KỶ TÁC GIẢ LỖ TẤN



Cách chưng dọn của mấy tiệm rượu ở chợ Lỗ có vẻ khác mọi nơi: một cái tủ lớn hình cây thước đẩu của thợ mộc nằm ngang theo đường; trong tủ dự bị sẵn nước sôi để lúc nào cũng hâm được rượu. Cứ đến trưa, chiều, những công nhân đi làm về, dốc túi bỏ ra mỗi người bốn đồng tiền điếu ‒ đó là hai mươi năm về trước, chứ bây giờ đã lên mười đồng điếu rồi ‒ đổi lấy một chén rượu còn hẩm, đứng dựa vào tủ mà nốc ngon lành. Giá thêm một đồng điếu nữa, họ có thể mua được một đĩa măng muối, hay một đĩa đậu hồi hương làm quà nhấm rượu; và giá bỏ thêm mười đồng điếu thì họ lại mua được một món thịt xào hay thịt hầm. Nhưng họ toàn là hạng người quần vắn áo cụt, làm gì có tiền ăn tiêu rộng rãi như thế. Họ đâu phải là những người đánh cái áo dài sang trọng, đến tiệm thì vào tận nhà trong, có sáo rủ mành che, bệ vệ ngồi nhấm các thức ngon vật lạ.

Năm lên mười hai tuổi, tôi làm công trong một tiệm rượu ở đầu chợ, hiệu Văn Đức. Người tài phú bảo bộ dạng tôi ngu ngốc, e không tiếp được khách sang, bèn cắt tôi coi việc nhà ngoài. Công việc hầu hạ ở đây thực là dễ dàng, nhưng phải cái bọn khách nói năng thô lỗ và không được rõ ràng, nên nhiều khi cũng đến bực. Họ lại hay xét hạch xem rượu vàng có phải từ trong hũ rượu múc ra không, trong bình có nước không. Dưới sự giám thị gắt gao ấy, pha nước thực lấy làm khó, nên nhiều lần, vì công việc không chạy, tôi đã bị tài phú rầy la. Lẽ ra tôi cũng đã bị đuổi rồi, nhưng vì sợ mách lòng người đã đem tôi vào làm là người có danh giá, nên sau, họ chỉ đổi tôi sang giữ việc hâm rượu là một việc hết sức vô vị.

Từ đấy, trọn ngày tôi chỉ đứng dựa bên tủ rượu, giữ lấy việc của tôi. Tuy không xảy ra điều chi thất chức, nhưng thực là buồn tẻ. Chỉ những lúc có mặt ông Khổng Ất Kỷ, người khách hàng mà sau bao nhiêu năm, vẫn như in trong trí nhớ tôi, là tôi mới cười được vài tiếng mà thôi.

Khổng Ất Kỷ người cao lớn, da mặt nhăn và trắng xanh, nhiều nơi có sẹo, râu hoa râm. Ông thường mặc một cái áo dài đã rách nhiều chỗ, mà màu vàng mục và mùi hôi nồng như bảo rằng từ lúc nào đến giờ nó chưa được chủ nó nhúng qua một lần nước. Có tính khểnh khảng, lại hay nói chữ, ông đã đóng vai một ông già mà bọn trai hễ thấy là chỉ muốn chọc ghẹo. Mỗi lần ông bước vào tiệm, mọi người không bảo nhau đều phá lên cười, rồi kẻ đâm câu nầy, người thọc câu nọ, kết cục đến bắt ông phải xổ ra những Tử viết cùng Thi vân để mà răn dạy lũ hậu sanh ngạo mạn kia. Chính cái tên Khổng Ất Kỷ, là do người ta, vì muốn chế giễu ông, đã lấy ra từ mấy chữ Thương đại nhân khổng ất kỷ mà đặt cho ông.

Tôi còn nhớ, một hôm ông vừa đặt chân lên thềm, đã có người trêu:

‒ Khổng Ất Kỷ, mặt ông lại thêm một cái sẹo nữa rồi.

Nhưng không thèm trả lời, và đi thẳng lại tôi, ông lạnh lùng:

‒ Hai chén rượu hâm và một đĩa đậu hồi hương.

Dứt lời, ông đặt trên bàn chín đồng điếu. Người ấy lại trêu:

‒ Khổng Ất Kỷ làm gì có tiền, chắc ông đã trộm được của ai...

Khổng Ất Kỷ lườm:

‒ Sao anh dám vu khống cho người ta?

‒ Vu khống? Thì hôm kia, chính mắt tôi trông thấy ông ôm trộm sách của nhà họ Hà, bị treo lên đánh.

Khổng Ất Kỷ đỏ mặt, mấy sợi gân xanh trên trán nổi lên:

‒ Trộm sách không phải là ăn trộm. Trộm sách, mà bảo rằng ăn trộm sao?

Rồi tiếp theo đó là một tràng chữ khó hiểu, nào quân tử cố cùng, nào dã hồ, khiến mọi người đều cười vang.

Ông Khổng Ất Kỷ thuở nhỏ có đi học, nhưng không đỗ đạt gì, lại không chịu chăm công việc làm, nên mỗi ngày thêm nghèo, suýt phải đi xin ăn. May được cái chữ viết rất tốt, nên ông thường đi biên chép sách vở thuê, để đổi lấy chén cháo, bát cơm. Nhưng ông lại là người ưa chè chén và lười biếng. Có khi công việc đương dở dang, ông bỗng lén ôm sách, giấy, bút, mực đến ngồi trong quán rượu. Vài lần như vậy, sau không ai dám gọi ông biên chép nữa. Cùng phương, ông Khổng Ất Kỷ đâm ra làm những việc: trộm, cắp. Nhưng tại tiệm chúng tôi, ông vẫn là người khách hàng rất đúng mực, không bao giờ uống chịu qua một đồng nào. Thảng hoặc, vì ông không có tiền mặt, tạm thời phải ghi tên ông trên tấm bảng: nhưng không quá một tháng, đã lại thấy ông mang tiền đến trả, rồi ba chữ “Khổng Ất Kỷ” lại bị bôi đi.

Ông đã hớp xong nửa chén rượu, da mặt đỏ ban nãy bây giờ đã dịu dần. Những người đứng cạnh bên hỏi ông:

‒ Khổng Ất Kỷ, ông biết chữ thực à?

Ông Khổng Ất Kỷ đưa mắt nhìn, như có ý bảo: với hạng người như các anh, không hơi đâu mà cãi cọ, thì chúng lại tiếp:

‒ Sao cái bằng tú tài ông cũng không vớ được?

Ông Khổng Ất Kỷ liền sa sầm nét mặt, rồi lại lẩm bẩm trong miệng nào chi, hồ, giả, dã, nào Tử viết, Thi vân, không còn ai hiểu được tí gì, khiến mọi người đều cười vang.

Trong những lúc ấy, tôi cũng phụ họa cười theo, người tài phú cứ để tôi tự nhiên, không rầy mắng. Mà chính ông ta, hễ thấy ông Khổng Ất Kỷ đâu là cũng theo chọc ghẹo như những người khác vậy. Biết mình không thể đối phó lại bọn ấy, ông Khổng Ất Kỷ thường tìm đến trẻ con mà chơi đùa. Có một lần, ông hỏi tôi:

‒ Mầy có đi học không?

Tôi gật đầu. Ông lại nói:

‒ Có đi học... Vậy tao đố mầy: đậu hồi hương, chữ hồi viết thế nào?

Tôi nghĩ thầm: ông nầy bộ dạng như người ăn xin, sao dám đố mình. Rồi quay đi mà không đáp. Ông Khổng Ất Kỷ tỏ vẻ khẩn thiết:

‒ Mầy không biết viết? Thế để tao dạy cho. Nhưng chữ nầy cần phải nhớ, ngày sau làm tài phú, biên sổ phải dùng đến nó.

Tôi lại nghĩ: Địa vị mình với tài phú còn cách nhau xa quá, và tài phú chúng mình cũng chưa từng biên đậu hồi hương vào sổ bao giờ. Vừa nực cười, vừa bực mình, tôi bèn uể oải đáp:

‒ Không cần ông dạy... Thì chữ hồi gồm một chữ thảo với dưới một chữ hồi, chứ lại khó lắm sao?

Tỏ ý vui vẻ, ông Khổng Ất Kỷ gõ hai cái móng tay dài có đến ba phân trên mặt bàn, vừa gật đầu.

‒ Trúng rồi! Trúng rồi! Nhưng chữ hồi có bốn cách viết, mầy biết không?

Ông Khổng Ất Kỷ liền nhúng móng tay vào chén rượu, dợm viết trên bàn cho tôi xem, bỗng thấy tôi tru miệng rồi quay đi, ông thở dài một cái, như lấy làm tiếc lắm vậy.

Có vài lần, trẻ nhỏ gần bên nghe tiếng cười, sang vây lấy ông Khổng Ất Kỷ mà đùa nghịch. Ông bèn cho đậu hồi hương chúng ăn, mỗi đứa một hột. Ăn hết đậu, chúng vẫn không chịu giải tán, cặp mắt lăm lăm ngó cái đĩa. Ông Khổng Ất Kỷ hoảng hốt sè bàn tay úp lên mặt đĩa, và khòm lưng mà rằng:

‒ Không bao nhiêu, không còn bao nhiêu.

Rồi đứng thẳng lưng, ông ngó đĩa đậu, lắc đầu:

‒ Bất đa, bất đa! Đa hồ tai? Bất đa dã!

Rồi đó, bầy trẻ, sau một trận cười vang, đi mất.

Ông Khổng Ất Kỷ khiến người ta được vui vẻ, nhưng không có ông, người ta cũng qua ngày tháng.

Một hôm, đâu vào khoảng trước trung thu vài ngày, tài phú đương lẩm nhẩm tính sổ, bỗng nói:

‒ Ông Khổng Ất Kỷ không lại đây đã lâu rồi. Ông còn thiếu mười chín đồng điếu!

Tôi cũng cảm thấy thực đã lâu ông không lại đây. Một người uống rượu nói:

‒ Ông làm sao lại được?... Ông bị đánh gãy cẳng rồi.

Tài phú:

‒ Úy!

‒ Ông vẫn giữ thói ăn trộm như cũ. Lần nầy, ông vào nhà ông Cử Đinh. Nhưng của cải ông đó, trộm sao đặng?

‒ Sau lại, thế nào?

‒ Thế nào? Trước hết họ viết tờ phục biện, sau đánh, đánh đến quá nửa đêm, đánh ông gãy cẳng.

‒ Đánh gãy cẳng, rồi sao?

‒ Sao... ai biết! Có lẽ chết rồi.

Tài phú không hỏi nữa, và lẩm nhẩm tính sổ lại.

Trung thu đã qua, gió thu càng thổi lạnh, xem chừng mùa đông cũng sắp đến. Trọn ngày, tôi đứng bên lò lửa, mình vẫn mặc áo ngự hàn. Buổi chiều hôm ấy, hiệu vắng, không có lấy một người khách. Tôi đương ngồi lim dim đôi mắt, bỗng nghe có tiếng người: “Hâm một chén rượu”. Tiếng tuy thực nhỏ, nhưng không phải lạ. Day lại không thấy ai, tôi bèn đứng dậy, trông ra ngoài, thì thấy ông Khổng Ất Kỷ ngồi ngay thềm cửa dưới chân tủ rượu. Mặt ông đen lại gầy, như không thành mặt; cái áo lót đã rách tả tơi như không đủ che thân ông. Thấy tôi, ông lại gọi:

‒ Hâm một chén rượu!

Tài phú ló đầu ra:

‒ Ông Khổng Ất Kỷ? Ông còn thiếu mười chín đồng điếu!

Ông Khổng Ất Kỷ ngước mặt lên, nhăn nhó:

‒ Số ấy xin để lần sau sẽ trả. Hôm nay mua tiền mặt, vậy rượu phải cho ngon.

Cũng như mọi lần, tài phú cười:

‒ Khổng Ất Kỷ, ông lại trộm đồ của ai rồi.

Khác với ngày nào, ông chỉ trả lời một câu:

‒ Đừng bỡn cợt.

‒ Bỡn cợt! Nếu không trộm, thì sao lại bị đánh gãy cẳng.

Ông Khổng Ất Kỷ nhỏ nhẻ:

‒ Té gãy, té, té...

Cặp mắt ông dường như cầu khẩn tài phú đừng nhắc đến việc đó nữa. Lúc ấy đã có thêm hai ba người khách họ cùng tài phú đồng cười. Tôi hâm rượu rồi để trên thềm cửa; từ chiếc áo rách ông móc ra bốn đồng tiền điếu đặt vào lòng bàn tay tôi. Tay của ông dính đầy những bùn, đất. Chẳng bao lâu, ông uống cạn chén rượu, rồi giữa lúc mọi người chỉ ông, cười, nói, ông lẳng lặng mang gói ra đi.

Từ đấy về sau, lại chẳng thấy ông Khổng Ất Kỷ trong một thời kỳ khá lâu. Tết đến, tài phú lấy tấm bảng xuống.

‒ Khổng Ất Kỷ còn thiếu mười chín đồng điếu.

Đến Đoan ngọ (mồng năm tháng năm) năm sau tài phú lại nhắc:

‒ Khổng Ất Kỷ còn thiếu mười chín đồng điếu.

Đến Trung thu thì không nghe nhắc đến ông nữa; tết lại, vẫn không thấy ông.

Đến bây giờ, tôi vẫn không thấy mặt ông; có lẽ ông Khổng Ất Kỷ đã chết thực rồi.

Khổng Ất Kỷ (1937)
của Lỗ Tấn, do Phan Khôi dịch
---

XEM THÊM:

Mâu thuẫn tôn giáo Do Thái giáo VS Kito giáo VS Hồi giáo.
ıạl ɔợưƃu ĩɥƃu và làm khác đi.
Khung Cửa Hẹp tác giả Andre Gide.
Quê hương những đêm chờ sáng tác giả Tiến sĩ Alan ....
Hỏi đáp về ma quỷ (phi nhân) trong phật giáo.
Mật Mã Tây Tạng Tác Giả Hà Mã trọn bộ 10 tập.
Totto Chan Cô bé bên cửa sổ tác giả Tetsuko Kuroyanagi.
Nói với tuổi 20 tác giả Thích Nhất Hạnh.
Nửa kia của Hitler tác giả Eric Emmanuel Schumitt.
Quảy Gánh Băng Đồng Ra Thế Giới tác.
Phía sau nghi can X tác giả Higashino Keigo.
Những cuộc phiêu lưu của Mít đặc và các bạn tác giả ....
Tuyển tập Toại Khanh- Sư Giác Nguyên.
LÃNG MINH:Chuyện Phiếm Thầy Tu Sư Toại Khanh.
Tỳ Khưu Chơn Tín.
NHỮNG NGƯỜI HÀNH HƯƠNG KỲ LẠ - TÁC GIẢ ....
Phanblogs Nửa đời trước của tôi tự truyện của Ái Tân Giác La Phổ
Danh sách 50 cuốn sách cần đọc dịch giả Thái bá tân.
Thích nhất hạnh ebook.
1Q84 Haruki Murakami.
hachiko chú chó đợi tác giả luis prats.
THE SYMPATHIZER (CẢM TÌNH VIÊN) TÁC GIẢ ....
Pippi Tất Dài tác giả Astrid Lindgren.
Chuyện con mèo dạy hải âu bay tác giả Luis Sepúlveda.
NGƯỜI BÁN HÀNG VĨ ĐẠI NHẤT THẾ GIỚI TÁC GIẢ OG ....
Hương rừng Cà Mau tác giả Sơn Nam.
ĐOẠN NÀO BUỒN TA BỎ BỚT CHO VUI.
Một ngày của Ivan Denisovich Aleksandr Solzenisyn.
Chiếc áo lặn và con bướm tác giả Jean Dominique Bauby.
Hỏi đáp về ma quỷ (phi nhân) trong phật giáo.



Thống kê SÁCH đọc nhiều theo thời gian

14.4.15

AQ chính truyện tác giả Lỗ Tấn

AQ chính truyện tác giả Lỗ Tấn

1. Lỗ Tấn là một tác gia lớn của văn học hiện đại Trung Quốc. Từ nhỏ ông đã say mê nghệ thuật dân gian. Lúc trưởng thành, ông đã lựa chọn con đường văn chương để cống hiến hết mình cho sự nghiệp cách mạng của lực lượng tiến bộ. Tác phẩm của ông mang hơi thở nóng hổi của thời đại, là tiếng nói của hồn dân tộc. Không chỉ là nhà văn lớn của Trung Quốc, Lỗ Tấn kết đọng tinh hoa văn hóa nhân loại của thế kỉ XX.

AQ chính truyện tác giả Lỗ Tấn
AQ chính truyện

2. AQ chính truyện là tác phẩm nổi tiếng nhất trong sự nghiệp văn học của Lỗ Tấn, được sáng tác năm 1921, nghĩa là trong giai đoạn thứ nhất trong cuộc đời cầm bút của nhà văn (1918 – 1925).

Về hình tượng nhân vật AQ, từ trước đến nay, trên quan điểm giai cấp, vẫn coi đây là một hình tượng điển hình về người nông dân Trung Quốc chịu nhiều tổn thương nghiêm trọng về vật chất lẫn tinh thần trong bối cảnh là trước và sau cuộc cách mạng Tân Hợi. Để chứng minh cho luận điểm này thì người viết vẫn thường dẫn ra nguồn gốc, hoàn cảnh, phép thắng lợi tinh thần, con đường đến với cách mạng... của AQ. Điều này cũng phù hợp với ý đồ sáng tạo của Lỗ Tấn.

3. Trên góc độ văn hoá, tôi muốn tìm hiểu thêm về hình tượng AQ, với mục đích chứng minh rằng hình tượng AQ không chỉ bó hẹp trong ý nghĩa là nhân vật người nông dân điển hình trong một xã hội cụ thể, ở một hoàn cảnh lịch sử cụ thể mà đó là hình tượng mang tầm nhân loại.

3.1. Trước hết, trên phương diện nguồn gốc, nhân vật AQ có nhiều điểm tương đồng với nhân vật trong truyện dân gian. Nhân vật trong truyện cổ có một số đặc trưng như: không có tên hoặc nếu có tên thì cái tên cũng rất chung chung. Ví dụ như họ thường được gọi là công chúa, hoàng tử, vua, hoàng hậu, cô gái, chàng trai, bác nông dân... nếu có tên thì những cái tên gắn liền với đặc điểm của nhân vật như: Bạch Tuyết (có da trắng như tuyết), Lọ Lem (vì ở trong bếp nên luôn lấm lem), nàng tiên Ống Tre (vì được sinh ra từ ống tre), chú bé Tí Hon (vì chú bé rất nhỏ), cô gái đẹp thì gọi là Tiểu Mĩ... Nhân vật sống trong một thời gian phiếm chỉ (Ngày xửa, ngày xưa, thuở ấy), không gian phiếm chỉ (ở một làng nọ, ở vương quốc nọ...). Đặc trưng này có nguồn gốc từ nhiều nguyên nhân nhưng trước hết nó liên quan đến phương thức lưu truyền của văn học dân gian là truyền miệng. Chính quá trình lưu truyền này, để tiện cho trí nhớ, người ta lược bỏ đi những chi tiết cụ thể không cần thiết, biến cái của người khác thành cái của mình. Đồng thời nó khiến cho nhân vật trở nên gần gũi, có thể bước từ không gian này sang không gian khác, từ thời đại này đến thời đại khác mà không bị hạn chế bởi một ranh giới không gian, thời gian cụ thể nào. Dường như nhân vật cổ tích cứ thấp thoáng trong cuộc sống hằng ngày của con người.

Là sản phẩm sáng tạo của văn học thế kỉ XX nhưng AQ hoàn toàn khác với các nhân vật trong văn học viết đương thời. Nhân vật này lại có nhiều điểm tương đồng với nhân vật trong cổ tích. Cũng như nhân vật trong truyện cổ, nhân vật chính của AQ chính truyện không có một cái tên cụ thể, chỉ được định danh bằng hai kí tự Latin viết tắt: AQ. Trong lời tựa, chính tác giả cũng đã nói: “lệ thường phàm viết truyện, người ta vẫn hay mào đầu bằng mấy chữ: “Ông Mỗ, tự là Mỗ, người xứ nọ, xứ kia...” thế nhưng tôi lại không biết AQ họ gì hết. Có lần tưởng AQ họ Triệu nhưng đến ngày hôm sau thì không lấy gì làm chắc nữa. Và vì AQ họ gì chưa rõ lắm nên quê quán y ở đâu cũng không thể định được. Tiếng rằng bình sinh y vẫn trú ngụ ở làng Mùi nhưng y lại luôn luôn đi ngủ trọ đâu đâu. Thành thử không thể nói y là người làng Mùi được. “AQ không những tên họ, quê quán đều mập mờ mà đến hành trạng trước kia ra sao cũng không rõ ràng nốt”. Cuộc đời của nhân vật này tưởng như thực sự bắt đầu từ khi xuất hiện ở cái làng Mùi này. Điều này cũng tương tự như các nhân vật cổ tích thường được kể theo trật tự tuyến tính nên cuộc đời họ cũng bắt đầu được biết đến từ thời điểm câu chuyện được bắt đầu. Điểm đặc biệt này của nhân vật AQ chắc chắn không được nảy sinh từ phương thức truyền miệng của văn học dân gian nhưng nó lại có một hiệu quả tựa như nhân vật cổ tích vậy. Đó là nó khiến cho nhân vật AQ vừa là một AQ cụ thể trong nghệ thuật vừa lại có thể là bất cứ ai trong cuộc sống thực. Ở một nơi nào đó, một lúc nào đó, chúng ta có thể đã gặp AQ. Chính điều này khiến cho tầm khái quát, tính phổ biến của hình tượng này càng thêm sâu sắc.

Như vậy, với sự lựa chọn cách giới thiệu nhân vật có nhiều điểm tương đồng với nhân vật trong cổ tích, Lỗ Tấn đã khiến cho nhân vật AQ có tầm phổ biến, khái quát rộng rãi. Người đọc có cảm tưởng như nhân vật như bước ra khỏi thế giới tượng tượng và hư cấu để hoá thân vào bất cứ ai trong cuộc đời.

3.2. Trên đây chỉ nói về nguồn gốc, hành tung của nhân vật. Sau đây xin được bàn về một đặc điểm nổi bật trong tính cách của AQ. Như ai cũng biết đó là “Phép thắng lợi tinh thần”.

Theo như cách phân tích xưa nay, phép thắng lợi tinh thần của AQ được xem  là sản phẩm của xã hội nửa phong kiến nửa thuộc địa, in đậm dấu ấn của sự tủi nhục dân tộc. Trước sự công phá không ngừng trước làn sóng bành trướng của chủ nghĩa đế quốc, giai cấp phong kiến ngày càng lụn bại, hoàn cảnh thực tế đó buộc nó không biết phải làm như thế nào. “Phép thắng lợi tinh thần” là một biểu hiện của thứ tâm lí bệnh hoạn đó. Trong hoàn cảnh đó, người nông dân chịu ảnh hưởng của giai cấp thống trị là lẽ đương nhiên. Cộng với nhược điểm của bản thân giai cấp nông dân đã tạo điều kiện cho phép thắng lợi tinh thần phát triển. Khi viết về đặc tính này của nhân vật AQ, Lỗ Tấn nhằm phê phán những nhược điểm của quốc dân trong giai đoạn sau cách mạng Tân Hợi.

Không thể không thừa nhận Lỗ Tấn đã rất thành công khi chỉ ra nhược điểm cơ bản, căn bệnh tinh thần trầm trọng khó cứu chữa của người Trung Quốc đương thời. Nhưng nếu chỉ dừng việc phân tích ở đó thì e rằng sẽ khiến cho ý nghĩa hình tượng giảm đi ít nhiều. Chúng ta thấy rằng nhân vật AQ mang căn bệnh tinh thần của thời đại, hơn nữa còn mang một suy nghĩ đã ăn sâu vào tiềm thức của dân tộc Trung Hoa - tự xem mình là tinh hoa trung tâm của văn hoá nhân loại, luôn xem mình là chuẩn mực. Nhưng như thế vẫn chưa đủ. Nếu chỉ xem AQ là điển hình cho một thời đại, một dân tộc thì khi thời đại đó qua đi, hay đi đến một dân tộc khác, nó sẽ mất ý nghĩa. Nhưng thực sự không phải vậy. Cho đến nay và bất cứ ở đâu thì hình tượng AQ vẫn có một sức sống mãnh liệt. Một khi chúng ta gặp phải ai đó, có trạng thái tinh thần tương tự, mặc dù có sự khác biệt rất xa về căn bản, chúng ta cũng sẽ nghĩ ngay đến AQ và gọi tên AQ một cách không tự giác. Cũng như chính tác giả có lần từng kể: “Còn nhớ khi tôi viết AQ chính truyện đã từng có một chính khách và một viên quan nhỏ đùng đùng nổi giận, nhất định nói rằng là tôi đang châm chọc họ”.

Qua đó, ta có thể khẳng định rằng nhân vật AQ không chỉ tiêu biểu cho một tầng lớp, một thời đại, một dân tộc mà còn mang tính nhân loại.

Nhà triết học hiện sinh Jean Paul Sartre đã chỉ ra bản năng tổng quát của con người là “khuynh hướng lấp đầy”: con người luôn luôn hướng ra thế giới bên ngoài, biến cái không thành cái có, luôn phủ định và sáng tạo ra bản thân để tạo nên những cá thể hoàn chỉnh.

Nhà Tâm phân học K.Gustave Jung lại chỉ ra một trong những cổ mẫu được di truyền trong vô thức tập thể của nhân loại là mặt nạ nhân cách. Đó chính là tâm lí cầu đồng, muốn giống nhau của con người. Điều này khiến cho khi giao tiếp với khác, con người dễ dung hợp với nhân quần.

Thuyết Âm Dương của Trung Quốc lại cho rằng, hai khí Âm và Dương vừa tương khắc vừa chuyển hóa là nguồn gốc sinh ra vạn vật. Âm và Dương luôn bổ sung cho nhau để đạt được thế cân bằng. Khuynh hướng lấp đầy mà triết học hiện sinh đã chỉ ra và cái tâm lí cầu đồng trong triết học của Jung chính là những biểu hiện khác nhau của sự vươn tới thế cân bằng giữa hai khí Âm Dương mà thuyết Âm dương đã bàn đến.

Con người trong xã hội cũng tuân theo quy luật vận động của Âm Dương, tâm lí cầu đồng và bản năng lấp đầy ấy. Một trong những biểu hiện là con người luôn muốn hoàn thiện mình, bổ sung những khiếm khuyết, muốn đạt được điều mà người khác có mà mình chưa có, để mong đạt tới sự cân bằng. AQ cũng thế. Không có họ thì y khoa chân múa tay nói rằng mình họ Triệu, một họ danh giá ở làng Mùi lúc bấy giờ. Y không hơn được ai thì y cho rằng con cháu của y sẽ hơn người khác. Y không có sức mạnh để đánh kẻ khác thì lại cho mình là bố người khác: “Nó đánh mình khác gì đánh bố nó” và tự nhận thấy mình giỏi nhịn nhục bậc nhất mà Trạng nguyên cũng chỉ là người bậc nhất mà thôi... Bằng cách đó, AQ có được điều mình muốn, an ủi được mình và thế là sau mỗi thất bại, y vẫn có thể hớn hở, ra vẻ đắc thắng.

Điều đáng nói là “sự hoàn thiện bản thân”, cái bản năng lấp đầy nhằm đạt được thế cân bằng của nhân vật này lại không có một cơ sở thực tế nào mà chỉ diễn ra trong thế giới tinh thần, trong tưởng tượng của y. Thế nên nó chỉ khiến cho y được an ủi về tinh thần, tạo ảo giác chứ không phải là thực tế. Đây cũng là một hiện tượng tinh thần phổ biến khi con người muốn lấp đầy những khiếm khuyết của bản thân mà không có năng lực thực tế nên chỉ đạt được nó trong tưởng tượng. Một khi sự tưởng tượng vượt ra khỏi sự kiểm soát của ý thức, đồng nhất tưởng tượng với hiện thực thì con người đó có biểu hiện tinh thần của AQ.

Như vậy, phép thắng lợi tinh thần được Lỗ Tấn cụ thể hóa trong một thời đại, một dân tộc nhất định, nhưng nó lại có nguồn gốc sâu xa từ bản năng tổng quát, từ vô thức tập thể của con người và từ quy luật của vạn vật. Chính vì thế mà hình tượng AQ đã sống vượt qua không gian, xuyên qua thời gian để biểu hiện được cái muôn đời và trở nên bất tử.
Trên đây là một số kiến giải của tôi về một vài khía cạnh của hình tượng nhân vật AQ từ góc độ văn hóa. Xin được sự góp ý của bạn đọc.

AQ chính truyện .DOC

AQ chính truyện .PDF