TẬP KHAM NHẪN ĐỂ CHẾT LÀNH
Kinh văn: “Có năm nguy hại này cho người không kham nhẫn. Thế nào là năm? Quần chúng không ái mộ, không ưa thích; nhiều người hận thù; nhiều người tránh né; khi mạng chung, tâm bị mê loạn; sau khi thân hoại mạng chung; sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục.”
====
‘Khanti’: nhẫn nại‘Akkhanti’: không kham nhẫn.Từ ngữ căn Pāḷi ‘kham’, (hay ở chỗ là tiếng Hán cũng là ‘kham’), động từ là ‘khamati’ (nhẫn nại, nhẫn chịu); danh từ là ‘khānti’ (sự nhẫn nại)Nhẫn gồm 2: ngoại nhẫn và nội nhẫn-Nội nhẫn: khả năng kiềm chế được tâm trạng, cảm xúc-Ngoại nhẫn: khả năng chịu đựng bất toại, nghịch ý từ bên ngoài (bên ngoài cái tâm) như đau đớn, bênh hoạn, nóng lạnh, khát, bị côn trùng chích đốt, bị đánh bị chửi, bị tiếng đời....
====
Người không có khả năng nội nhẫn và ngoại nhẫn thì sớm muộn gì cũng mắc vào 5 lỗi này: mất lòng đại chúng, nhiều kẻ thù, khó bè bạn, mạng chung tâm mê loạn, chết rồi bị đọa.
Lúc bình sinh còn khỏe mạnh, mình nằm trên giường nghe ngứa, mình thò tay gãi, chuyện đơn giản. Nghe cái tay tê, mình bật dậy chà chà vuốt vuốt, co duỗi một lát hết tê. Nằm một hồi thấy không được thoải mái, mình ngồi dậy. Ngồi không thoải mái thì mình đứng lên đi. Nhưng sẽ có một ngày mình nằm trên giường bệnh, ngứa mà gãi không được, tê mỏi mà không biết phải làm sao, khát nước không biết kêu ai, muốn tiêu muốn tiểu mà không biết phải làm gì, và khi mất kiểm soát luôn thì không biết phải làm sao. Lúc đó, nếu chúng ta là người tu hành -- dầu tăng ni hay Phật tử -- chỗ nương dựa duy nhất của mình chỉ còn là cái pháp nhẫn mà thôi.
Ngày kia, một phóng viên người Mỹ, thấy có anh chàng kia bị tàn tật cụt hai tay, nhảy cà tưng cà tưng trước một cái quán bên đường đang phát nhạc. Anh phóng viên ngạc nhiên:
- Anh tàn tật mà yêu đời quá vậy?
-Ngứa mà gãi không được đó cha!
Ngẫu nhiên là quán bên đường đang mở nhạc, mà anh ta thì nhảy nhót không phải do nghe nhạc. Ngứa quá không biết làm sao nên anh ta cứ xoay mình lắc vai cho đỡ ngứa.
Đây không phải là câu chuyện để cho quí vị cười, mà là chuyện để cho tôi run. Tôi nghĩ đến một ngày tôi nằm trên giường mà gãi không được quý vị biết không; hoặc có một ngày đau quá mà mình chịu không được, bởi bình thường mình đâu có tu, bình thường mình đâu có học giáo lý.
Cho tôi gởi lời tạ tội với những vị đã đi tuyên bố thế này: “Không cần học giáo lý, tôi chỉ việc giữ tâm thanh thản.” Nói thì nghe sướng lắm, nhưng xin thưa, đó là cảnh giới của thánh nhân, chứ phàm phu thì phải học giáo lý, nếu không thì cái đầu mình toàn rác không à. Quí vị có là người thân thiết thiết thân của tôi thì tôi cũng chỉ nói chừng đó thôi, phải học giáo lý rồi sống chánh niệm. Đó là con đường duy nhất để mà sống, sống-chuẩn-bị-chết, sống chờ chết chỉ có một cách đó thôi. Như vậy thì mình mới có khả năng nội nhẫn và ngoại nhẫn. Ớn nhứt là sẽ có một ngày mình nói không được, phương tiện giao tiếp duy nhất chỉ còn là ánh mắt thôi. Mình có nuôi bệnh ai đó thì phải thống nhất những giao kèo: khi nào yes (đồng ý) thì nháy hai cái, no (không thích) là nháy một cái chẳng hạn. Sẽ có một ngày cả người bệnh và người nuôi bệnh không còn hiểu nhau nữa.
Cho nên, đó là lý do vì sao trong bài kinh này nói người không có khả năng kham nhẫn thì chết dễ bị mê loạn, chết dễ bị đọa. Bởi vì lúc đó mình sẽ bực dọc dữ lắm, mình sẽ hờn giận tức tối. Nhất là những người có của có tiền, hồi nào còn sống làm trâu làm ngựa để của nả cho vợ, cho chồng, cho con cái; tới hồi mình nằm ngáp ngáp thì tụi nó dắt nhau đi ăn nhậu cho sướng cái đời tụi nó, để mình nằm đó với con nhỏ Osin. Mà con nhỏ Osin với mình cũng là người dưng nước lã, nó gặp chủ thì nó nể, chủ đi vắng rồi, nó đối với người bệnh còn tệ hơn con của nó nữa. Bây giờ thì chúng ta cứ vùi đầu vô đống tiền, không có nghĩ đến những đoạn trường đó. Tôi đã biết nhiều trường hợp khi còn sống không lo học giáo lý, không sống chánh niệm, không trau dồi tư lương chuẩn bị mai này, cứ lo vùi đầu làm nô lệ cho con cháu. Bởi vậy cho nên, ông Thiệu Khang Tiết (Tàu) có câu “Nhi tôn tự hữu nhi tôn phúc, mạc vị nhi tôn tác mã ngưu.” (Cháu con có phúc cháu con, chớ vì con cháu mà làm ngựa trâu). Cả đời không lo cho mình, cứ tưởng đó là trách nhiệm, thật ra đó là vì mình khoái tiền, khoái danh khoái lợi, cứ móc thẻ trách nhiệm gia đình ra. Bạc tóc rồi lo cho cháu, lo cháu gần rồi chuyển qua lo cháu xa. Thật ra, cái gì cũng phải có chừng mực, mình phải lo cho mình nữa chứ. Cuối cùng nằm liệt giường rồi hận. Bậy nhất là nằm hận. Chính mình phải hận mình kìa chứ không hận ai hết, bởi vì mình ngu. Cả đời cứ le lưỡi đếm tiền rồi đem về hầu hạ cho người này kẻ nọ. Lúc trên giường bệnh thì tiêu tiểu tanh hôi, lúc đó mới biết mùi.
Kinh này rất là quan trọng, ngay bây giờ anh phải nhớ là anh đang sống trong cõi Sa-bà. Chữ Sa-bà (Saha) nghĩa là chịu đựng; Sa-bà là cõi mà ta phải cắn răng mà sống. Ngay bây giờ, dầu còn răng hết răng, hay răng giả cũng phải ráng mà cắn để sống. Khanti (nhẫn) nghĩa là cắn răng, chịu đựng. Không còn răng thì phải cắn cái tâm của mình, để chuẩn bị một ngày mình rất cần khả năng chịu đựng đó. Ghê nhất là khi cận tử, cái tâm nó yếu, nó chập chờn leo lét, giống như người chết đuối hụt hơi kiệt sức bạ đâu chụp đó. Bởi vì lúc đó hấp hối rồi, bạ đâu chụp đó. Có người thì cầm một cơn đau mà ra đi. Có người cầm một nỗi buồn, cầm một cơn giận, một cơn sợ hãi để mà ra đi. Có người cầm một điều tiếc nuối, một nỗi nhớ niềm thương mà đi. Có người cầm niềm vui nỗi buồn mà đi. Có người nhìn ly nước trên bàn mà đi. Có người nhìn chiếc nhẫn trên tay người phối ngẫu mà đi. Có người cầm cơn đau, cơn tức, con ngứa ở răng, ở mông, ở đùi, ở lưng, ở ngực mà đi.
Quí vị phải nhớ, lo cho con cái cuối cùng là phải lo cho mình. Bởi vì chắc chắn sẽ có ngày mình cầm lấy một món tào lao nào đó mà đi. Có người lúc đó chỉ còn dựa vào hơi thở, hớp hớp như con cá mắc cạn, họ ôm hơi thở tàn mà đi. Nếu mình là hành giả thì êm lắm. Đối với một hành giả theo dõi hơi thở lâu ngày thì họ không phải trải qua cái đau đớn của một người bị ngạt thở sắp chết. Một người bình thường phải cần một lượng đầy đủ oxy để làm tròn một hơi thở vào, nhưng đối với một hành giả tu thiền định lâu năm với đề mục hơi thở thì càng tu hơi thở càng tế, càng mỏng dần. Nhu cầu sinh học về Oxygen sẽ giảm đi. Giảm đến mức mà lúc chứng đến Tứ thiền thì hành giả không cần thở nữa. Tới Tam thiền đã giảm dần, Nhị thiền giảm được một mớ, Sơ thiền là hơi thở tế hơn người bình thường. Khi họ hóa hiện thần thông thì cơ thể của họ không cần oxygen và họ cũng không bị chi phối bởi trọng lực của trái đất. Họ có thể xê dịch ra ngoài khí quyển một cách thong dong tự tại. Nhưng thôi, chuyện trên mây, kể rồi bà con lại cho là phong thần. Tôi trở lại chuyện căn bản.
Khi quí vị sống chánh niệm trong hơi thở một thời gian thì hơi thở sẽ tế dần, tế đến mức bà con tưởng rằng ta không còn thở nữa. Khi nhu cầu giảm dần thì sẽ có một ngày mình ra đi ngọt lắm.
Khi mình chưa biết đạo thì mình chỉ biết chạy theo cái gì mình thích, trốn cái gì mình ghét. Khi biết đạo ba mớ rồi thì lánh ác hành thiện. Thấy cái gì thiện thì mừng lắm, còn thấy cái gì ác thì buồn: Lúc này sao tôi sân si quá, lúc này sao tôi thất niệm, tôi không tập trung tư tưởng được…. Biết sơ cơ thì mình theo thiện lánh ác để trốn khổ tìm vui, nhưng đến bước thứ ba thì không còn có ý hành thiện lánh ác nữa mà chỉ quan sát thôi. Tâm bất thiện tới biết rõ, you là bất thiện, tâm thiện tới biết rõ you là tâm thiện. Chỉ còn nhìn thôi, khách nào cũng là khách, da trắng cũng khách da đen cũng khách; thằng Tèo cũng khách, thằng Tý cũng là khách, con Lan con Hương cũng là khách. Nghĩa là tới một ngày hành giả không còn tự mãn với thiện pháp và cũng không còn mặc cảm với ác pháp. Cứ ngồi yên nhìn, không kiếm tìm thiện pháp, không trốn chạy ác pháp. Không kiếm tìm cảm giác dễ chịu, không trốn chạy cảm giác khó chịu. Nó tới là biết, biết đây là khổ, biết đây là lạc, biết đây là thiện, biết đây là ác. Sống như vậy tới ngày chết là ngon lành.
Một hành giả tu Tứ Niệm Xứ đặc biệt đề mục hơi thở cứ làm ơn thở ra trong tỉnh thức, thở vào trong tỉnh thức, đừng có quán chiếu gì hết. Cứ học giáo lý đàng hoàng, biết sắc thọ tưởng hành thức là gì, biết lục căn 12 xứ Bốn Đế là gì. Học giáo lý cho biết xong rồi dẹp sạch, rồi sống chánh niệm, đi thì biết là đi, ngồi biết ngồi… chỉ vậy thôi. Nếu ba-la-mật đủ là bùm – Đắc! Đắc bằng cách nào? Hành giả thấy trong cái đi đó có uẩn, có xứ, có giới, có đế; hành giả biết đây là Tập, biết đây là Vô minh duyên hành, Hành duyên Thức v.v... Hãy yên tâm, phần này ba-la-mật xử giùm cho, không cần phải lo, nhưng phải-học-giáo-lý rồi quên sạch. Hãy nhớ giùm, con đường trên bản đồ không phải là con đường ngoài thực tế, nhưng không thể nào thiếu bản đồ mà đi được. Phải biết luôn rằng con đường mình thấy ở ngoài không phải là con đường trên tấm bản đồ. Con đường trên tấm bản đồ chỉ là một vệt mực trên giấy; con đường bên ngoài có cây đa bến nước con đò, có cô hàng xén, có trời xanh mây trắng nắng vàng, bên anh chít chát bên nàng email… có đủ hết. Con đường trên bản đồ thì chỉ là một vệt mực trên giấy nhưng không có nó thì khó lòng. Kinh điển cũng y như vậy, kinh điển dạy mình đủ điều hết, nhưng nó chỉ là con đường, vệt mực trên tờ giấy mà thôi. Kết quả thực chứng linh động sống động hơn rất nhiều. Có điều đặc biệt là nó không giống với kinh điển mình đã học, nhưng nó không mâu thuẫn, không chống trái, không đi ngược. Vì vậy mới thú vị. Con đường ngoài đời không đi ngược lại con đường trên bản đồ nhưng không phải là con đường trên tấm bản đồ.
Phải sống chánh niệm. Có chánh niệm, có kiến thức giáo lý thì khả năng nội nhẫn và ngoại nhẫn của quí vị mới ok được. Còn cứ nghe ai nói với cái giọng hiền thánh rằng, không cần học nhiều, học nhiều thì sở tri chướng, là điên đảo mộng tưởng v.v... rồi không chịu học thì cái đầu bư của mình biết cái gì. Lúc đang trẻ đang khỏe, đang giàu đang đẹp đang ok thì nghe sướng thiệt. Nhưng đến lúc cần thì biết cái gì mà tu. Cho nên phải học giáo lý rồi sống chánh niệm.
Khả năng kham nhẫn ấy bắt buộc ta phải thực tập ngay bây giờ, tại đây, vì không biết chiều nay có phải là buổi chiều cuối cùng hay không, và khuya nay có phải là những giây khắc mà ta đối diện với cái chết hay không. Bây giờ bà con đang ok, muốn gãi ở đâu thì gãi, muốn vuốt ở đâu thì vuốt. Nhưng khi sắp đi rồi thì giở cái tay không lên, một chút ngứa cũng không giải quyết được. Tay mình chân mình lưng mình bụng mình mà gãi không được, thiếu nhẫn thì làm sao đây. Mỗi người lúc đó sẽ cầm lấy một thứ mà đi, có người khó chịu với cái ngứa, có người ngạt thở, có người với cơn đau, có người với cơn giận, có người với tiếc nuối, sợ hãi, có người với nỗi nhớ niềm thương… Còn với người kham nhẫn thì họ sẽ ra đi với sự tỉnh táo, thanh thản nhẹ nhàng: “Tôi biết rõ anh rồi. Tôi đã biết anh mấy chục năm nay rồi, anh cứ lui tới nhà tôi, anh đứng trước hành lang nhà tôi. Tôi biết rất rõ anh, anh không có lạ gì với tôi, anh không có đáng để tôi sợ, anh không có đáng để tôi ghét, anh không có đáng để tôi tiếc nuối. Anh là tham, anh là sân, anh là si, anh là tâm thiện, anh là tâm lành, anh là những nỗi đau tâm sinh lý…”
#NKCBK #SưGiácNguyên giảng
Thống kê bài đọc nhiều theo thời gian