Search

Hiển thị các bài đăng có nhãn dạy con làm giàu. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn dạy con làm giàu. Hiển thị tất cả bài đăng

9.5.10

Tiền

Thông thường, mọi người có một sự yêu thích hoặc căm ghét đối với sự giàu có. Họ cảm thấy tức tối với những người có tiền, nhưng lại dành cả cuộc đời để cố gắng kiếm được thật nhiều tiền cho bản thân mình.


1. Thay đổi cách suy nghĩ của bạn về tiền
Lý do mà phần lớn mọi người không bao giờ tích lũy cho mình một số tiền dự trữ chắn chắn là bởi vì họ không hiểu được tính chất của đồng tiền.

Tiền, cũng như một con người, là một thứ đang tồn tại. Khi bạn thức dậy vào mỗi sáng và đi làm, bạn đang bán một sản phẩm -đó là chính bạn (hay nói cách cụ thể hơn đó là sức lao động của bạn). Khi bạn nhận ra rằng mỗi buổi sáng tài sản của bạn cũng thức dậy và có cùng tiềm năng làm những công việc như bạn, bạn sẽ nắm được một chìa khóa vàng trong cuộc sống của bạn.

Mỗi đồng tiền bạn dành dụm được cũng giống như có thêm “một người lao động”. Qua thời gian, mục đích của bạn là làm cho họ làm việc hiệu quả hơn, bạn sẽ có đủ tiền để thuê nhiều người lao động khác hơn (tức thu được nhiều tiền hơn). Khi bạn thật sự thành công, bạn sẽ không còn phải bán sức lao động của chính mình nữa.

2. Sức mạnh của một số tiền nhỏ
Một sai lầm lớn nhất là hầu hết mọi người mắc phải là nghĩ rằng mình phải bắt đầu mọi việc với một số tiền lớn như quân đội của Napoleon. Họ bị ám ảnh bởi tâm lý “không có đủ tiền”, hay nói cách khác là nếu bạn không đầu tư nhiều tiền thì bạn sẽ chẳng bao giờ giàu có. Điều mà những người này không nhận ra đó là toàn bộ quân đội khi khởi đầu được xây dựng từ một người lính. Điều này cũng đúng đối với các vấn đề về tài chính.

Có rất nhiều tấm gương làm giàu từ những số vốn rất nhỏ. Điều quan trọng là bạn có biết cách tích lũy cho mình để phát triển số tiền nhỏ thành một số vốn lớn hay không? Dĩ nhiên, không có nghĩa là bạn trở thành một kẻ keo kiệt, nhưng bạn cần hiểu được bài học: dù chỉ một đồng thì vẫn có giá trị. Đừng xem thường những sự khởi đầu nho nhỏ.

3. Với mỗi đồng bạn tiết kiệm được, bạn đang mua sự tự do của mình
Từ khi đồng tiên có khả năng khiến cuộc sống bạn tốt hơn, thì bạn càng kiếm được nhiều tiền thì số tiền đó càng được phát triển nhiều hơn và nhanh hơn. Bên cạnh đó, bạn kiếm được càng nhiều tiền thì bạn càng có nhiều tự do: tự do để ở nhà chơi với bọn trẻ, tự do để được nghỉ ngơi và du lịch khắp thế giới hoặc tự do nghỉ việc nếu thật sự không thích. Nếu bạn có bất kỳ một nguồn thu nhập nào, bạn đã có thể bắt đầu vun đắp cho sự giàu có của mình ngay từ hôm nay. Có thể, mỗi lần bạn chỉ để dành được vài trăm ngàn đồng, nhưng mỗi sự đầu tư này là một viên gạch tạo nên nền tảng của sự tự do về tài chính của bạn.

4. Vun đắp tương lai từ hôm nay
Nhiều người nói rằng, họ không muốn phí thời gian vào việc đầu tư cổ phiếu bởi không muốn đợi đến 10 năm sau mới có thể giàu có. Họ muốn tận hưởng cuộc sống và tiêu xài tiền mình làm ra ngay bây giờ. Lối suy nghĩ đó bây giờ không còn hợp thời nữa vì như thế bạn sẽ chỉ tồn tại trong 10 năm. Vấn đề đặt ra là sau đó liệu bạn có cảm thấy tốt hơn hay không? Hiện tại của bạn chính là kết quả tổng hợp của những quyết định mà bạn chọn trong quá khứ. Vậy tại sao bạn không tạo nên một bệ phóng vững chắc cho cuộc đời bạn trong tương lai ngay từ bây giờ?

5. Thay vì mua sắm hãy đầu tư và để dành
Một vài người tự hỏi tại sao họ không giàu có. Họ luôn cảm thấy như nếu họ để dành tiền thì họ sẽ chẳng bao giờ kiếm thêm được nhiều hơn. Câu trả lời thật đơn giản. Họ hãy ngừng việc mua hàng hóa của các công ty mà bắt đầu mua chính công ty đó. Nhiều cuộc khảo sát cho thấy gần 1/3 thu nhập của những người giàu đều được dùng để đầu tư và tiết kiệm. Đó không phải là kết quả của việc trở nên giàu có mà đó là lý do họ giàu có.

6. Biết khát khao và học cách để thành công, phấn đấu để cạnh tranh với những người thành công
Một nhà đầu tư tài giỏi đã nói rằng bạn hãy đưa ra những đặc điểm mà bạn ao ước và không thích nhất về một “thần tượng” nào đó của mình. Sau đó hãy làm mọi thứ trong khả năng của mình để phát triển những đặc điểm bạn thích và loại bỏ những đặc điểm mà bạn không thích. Hãy cố gắng uốn nắn và biến mình thành kiểu người mà bạn muốn trở thành. Bạn sẽ tìm thấy rằng bằng việc đầu tư cho chính bản thân mình trước thì tiền sẽ bắt đầu “chảy” vào cuộc sống của bạn. Sự thành công và giàu có sẽ sinh ra thành công và giàu có. Bạn phải tự tìm cách của mình để đi vào được vòng tròn đó. Bằng cách xây dựng “đội quân hùng hậu” của mình từ mỗi binh sĩ một lúc và làm cho đồng tiền của bạn phục vụ cho chính bạn.

7. Nhiều tiền không phải là câu trả lời cho tất cả
Kiếm được nhiều tiền không giúp bạn giải quyết được hết những vấn đề của bạn. Đồng tiền là một chiếc kính phóng đại, nó sẽ giúp bạn nhìn rõ hơn và thúc đẩy mọi việc.

Nếu bạn không có khả năng kiếm được đủ tiền để trang trải thì cuộc sống của bạn sẽ thật tồi tệ. Nhưng vấn đề quan trọng không phải là số tiền bạn kiếm được mà chính ở chỗ bạn đã được dạy cách tiêu tiền như thế nào.

8. Nếu bố mẹ bạn không giàu có thì đừng đi theo vết xe đổ đó
Định nghĩa về sự điên rồ đó là lập lại một việc giống nhau và mong chờ một kết quả khác. Nếu bố mẹ của bạn không sống một cuộc sống mà bạn muốn thì đừng làm những điều mà họ đã làm. Bạn phải thoát khỏi tâm lý của những thế hệ trước nếu bạn muốn có một cuộc sống khác với họ.

Bạn cần phải đạt được sự thoải mái về tài chính và thành công - cả hai thứ - dù gia đình bạn có thể có hoặc không. Đầu tiên, hãy kiên quyết sẽ trả hết nợ nần. Hãy tìm xem những khoản nợ nào nên được trả hết trước khi bạn đầu tư hoặc những khoản nợ nào có thể chấp nhận được. Thứ hai, tiết kiệm và đầu tư tài chính ở mức độ cao nhất theo ưu tiên trong cuộc sống của bạn. Một trong những phương pháp tốt là hãy đầu tư cho chính bản thân mình trước.

Không có nơi nào khác tiền của bạn có thể làm nhiều cho bạn như khi bạn sử dụng nó để đầu tư vào việc làm ăn. Đó là sự nhìn xa trông rộng lâu dài và tuyệt vời.

9. Đừng lo lắng
Điều kỳ lạ của cuộc sống đó là nó không quá quan trọng rằng bạn đang ở đâu mà là bạn sẽ như thế nào, làm gì. Một khi bạn đã chọn lựa việc xây dựng một sự đảm bảo có giá trị, đừng để suy nghĩ thứ hai khác kiểu như “Sẽ thế nào nếu…”. Mỗi phút giây trôi qua, bạn đang trưởng thành hơn và càng gần hơn mục tiêu cuối cùng của mình-sự kiểm soát và tự do.

Một đồng tiền rơi vào tay bạn có nghĩa là một hạt giống cho tương lai tài chính của bạn. Nếu bạn siêng năng và có trách nhiệm, sự thịnh vượng về tài chính chắc chắn sẽ đến với bạn. Ngày đó sẽ đến khi bạn có thể trả được tiền mua xe, nhà hoặc bất cứ thứ gì khác của bạn. Cho đến khi đó, đừng quá lo lắng mà hãy biết tận hưởng cuộc sống và phấn đấu.

Theo VnEconomy

11.6.09

Làm giàu từ công nghệ ở Việt Nam?



Dạo này có thời gian rảnh rỗi nên tôi có cơ hội đi đây đi đó, gặp gỡ nhiều bạn bè trong giới công nghệ cũng như bạn bè cũ đã từng có thời gian học chung trước đây. Nhìn lại mới đó mà đã bảy năm kể từ ngày tôi chính thức bước vào con đường Công nghệ thông tin. Suốt thời gian đó tôi gần như bị cuốn vào cuộc đua công nghệ mà quên hết mọi thứ xung quanh. Giờ có thời gian rảnh ngồi chiêm nghiệm lại mới ngẫm ra được nhiều điều. Có nhiều thứ rất đỗi bình thường trong cuộc sống nhưng lại bắt đầu trở nên lạ lẫm đối với những con người công nghệ như tôi.

Sự chênh lệch "giàu nghèo"

Tôi vẫn nhớ hồi đó những người học trong lĩnh vực tự nhiên như Toán, Lý, Tin... như chúng tôi đều là những ứng cử viên sáng giá nhất trong mắt mọi người, đều nhận được nhiều sự quan tâm hỗ trợ. Rồi đa phần đều thi vào những ngành triển vọng như CNTT, viễn thông... Nhưng rồi bây giờ lại trở thành những nhân viên bình thường, yếu về khả năng giao tiếp, suốt ngày ngồi làm việc trong phòng kín gần như tách biệt với thế giới bên ngoài và đều đặn hàng tháng lãnh một mức lương không tệ nhưng so với một số ngành tiềm năng khác thì có thể nói là ba cọc ba đồng.

Trong khi những người học trong những ngành xã hội thường được xem là những ngành ít quan trọng hơn, dở hơn (mỗi lần cứ tới kiểm tra môn tự nhiên là phải tới lui "nhờ vả" những người như chúng tôi :x), sau này cũng thi vào những ngành bình thường như kinh tế, ngoại thương... Sau khi ra trường xuất phát điểm họ cũng thấp hơn, nhưng với một số người khéo léo biết trau chuốt kinh nghiệm sống và từng bước tăng cường khả năng giao tiếp với bên ngoài, chỉ trong một thời gian ngắn họ đã đi lên rất nhanh... Một số người đã đạt mức lương cao ngang ngửa với PM trong các công ty gia công phần mềm, còn những người siêu hơn trong lĩnh vực ngoại thương xuất nhập khẩu thì họ đã có đủ tiền để mua nhà và xe hơi. Trong tình hình Việt Nam là một đất nước đang phát triển như hiện nay thì tôi tin khoảng cách "giàu nghèo" này sẽ còn ngày một gia tăng hơn nữa.

Tất nhiên nói như vậy không có nghĩa là tôi "bất mãn" với ngành CNTT hiện tại mình đang theo đuổi ;), bởi tôi hiểu mỗi ngành đều có giá trị của riêng nó. Nhưng thực sự tôi nghĩ một người làm trong lĩnh vực CNTT chỉ thực sự có giá trị khi anh ta phải quên đi qua ánh hào quang CNTT mà những người trong ngành vẫn hay ảo tưởng ;)), hòa nhập với cuộc sống để hiểu cuộc sống xung quanh thực sự đang mong muốn điều gì, giao tiếp với những con người trong thế giới thật để hiểu được sứ mệnh của mình nằm ở đâu trong chuỗi mắt xích phát triển của nền kinh tế Việt Nam. Còn không thì những con người CNTT như chúng tôi vẫn sẽ mãi chìm trong thế giới ảo và dần sẽ có một cảm giác lạc lõng như bị bỏ rơi trong sự phát triển như vũ bão của xã hội VN ngày nay.

Làm giàu ở VN thì phải "con buôn"?

Trước một viễn cảnh khá u ám của các dot-com Việt Nam hiện nay, tôi cũng đã quyết định đi "thỉnh giáo" một số sư huynh thành đạt ở Việt Nam bên các lĩnh vực khác để xem liệu có những lối ra nào cho lĩnh vực này. Cũng có khá nhiều ý kiến được đưa ra, nhưng tựu trung lại thì có vẻ như là: Em muốn làm giàu ở Việt Nam thì đôi lúc cũng phải ...con buôn một tí :">. Tôi cũng chả biết giải thích từ con buôn thế nào nên nêu một số ví dụ minh họa hơi liên quan:

1. Công ty tôi làm ra một ứng dụng Internet giáo dục rất tốt và với sản phẩm này mọi học sinh, sinh viên Việt Nam đều có thể cơ hội học tập bình đẳng, tiếp xúc với một kho dữ liệu tri thức ngang nhau. Nghe thì ai cũng đồng ý rất hữu ích, nhưng rốt cục nó cũng chỉ đóng vai trò phụ trợ. Người dùng Việt Nam vẫn thích một môi trường học thật và quan trọng là học xong phải có "bằng cấp" và cơ hội. Và rõ ràng bài toán này là một bài toán thực tế cuộc sống, cách giải quyết đòi hỏi phải khéo léo từ kinh nghiệm từng trải, không thể trông đợi vào công nghệ.

2. Công ty tôi làm một site thương mại điện tử, bảo đảm mọi người tham gia sẽ giao dịch dễ dàng và thuận tiện. Nghe cũng có vẻ hay nhưng với thực tế xã hôi Việt Nam hầu hết đều là buôn bán nhỏ lẻ và tìm cách lách thuế thì rất ít người muốn minh bạch công khai. Giao dịch trực tiếp vẫn là cách tốt nhất, không phải tốn phí giao dịch, đôi khi gặp mặt trực tiếp nói chuyện tình cảm còn mặc cả bớt được thêm chút đỉnh ;))

3. Công ty tôi làm một ứng dụng Internet rất hay, mọi ý tưởng đều hoàn hảo và kỳ vọng sẽ bán được hàng. Nhưng có thể đó chỉ mới là chúng tôi nghĩ và thực tế khả năng thất bại là rất cao. Trong khi đó cũng với công sức đó, chúng tôi làm một ứng dụng demo không tốn nhiều sức lực, rồi dựa trên mối quan hệ đi tìm cách ..."gạ" một đại gia lắm tiền trong lĩnh vực đó đầu tư. Lý lẽ thuyết phục là nếu đầu tư tiền vào đây thì với kinh nghiệm của anh, cộng với năng lực của em thì khả năng thành công là rất cao. Mọi việc có vẻ rất bất ổn nhưng đôi lúc giả lại thành thật. Không ít công ty ở VN đã thành công bằng cách này.

Tựu trung lại thì làm giàu ở Việt Nam dù trong bất kì lĩnh vực nào có lẽ cũng đòi hỏi rất nhiều kinh nghiệm thực tế từ cuộc sống cũng như các mối quan hệ khác nhau, cộng với tính "con buôn" nữa. Điều này có vẻ khá sốc đối với một người thuần túy về công nghệ như tôi trước đây, nhưng thực sự chúng ta không thể nhìn theo mô hình thành công của các công ty như như Google, Microsoft..., nơi có những văn hóa rất khác biệt so với chúng ta. Ở Việt Nam thì phải "chơi kiểu" Việt Nam. Nghĩ tới đây có vẻ tôi cũng đã bắt đầu "con buôn" hơn rồi nhỉ ^_^

Đến bao giờ mới có một "Google của Việt Nam"?

(Hiểu theo nghĩa công ty này sẽ có được những đột phá về mặt công nghệ, chiếm lĩnh một mảng lớn thị trường trong nước với những sản phẩm đậm chất nghiên cứu táo bạo và từng bước vươn ra thị trường bên ngoài)


Đó là câu hỏi mà tôi luôn đi tìm kiếm câu trả lời trong suốt ba năm nay. Trong suy nghĩ của mình, tôi không quan trọng việc công ty đó sẽ là của mình hay là một ai đó, chỉ cần có thể là một thành viên góp phần vào sự phát triển của công ty như vậy cũng đã là một niềm tự hào rồi. Nhưng thực tế sau nhiều năm lăn lội, tôi vẫn chưa thấy một triển vọng cho điều này trong một tương lai gần. Vì sao ư?

1. Thị trường Internet Việt Nam vẫn còn quá nhỏ

Hầu hết các công ty công nghệ đều phải nắm được một thị phần rất chắc và đủ lớn trước khi có thể vươn ra xa hơn. Ở Việt Nam thì hiện tại vẫn chưa có công ty nào hội đủ yếu tố này. Ngay cả thành công như Vinagame vẫn chưa được xem là đủ khi thị trường online game dần bão hòa, sự cạnh tranh khốc liệt từ các đối thủ cũng như hướng đi của họ khó lòng vươn ra bên ngoài.

2. Trình độ nhân lực kém

Vấn đề này thì có lẽ mọi người trong ngành đều đã hiểu rõ. Ngoài ra khả năng tập trung của người Việt Nam còn rất hạn chế, cũng dễ hiểu khi đa phần đều bị chi phối bởi những lý do cá nhân như: gia đình, bạn bè, lương bổng, nhà cửa...

3. Khả năng liên kết giữa những người giỏi hạn chế

Ở Việt Nam thực sự không có nhiều người giỏi với khả năng lãnh đạo tầm cao. Và thực sự khả năng liên kết giữa những con người này với nhau còn rất hạn chế, hầu hết đều khó có thể sống chung trong một môi trường và dần phải tách ra. Có lẽ do một số yếu tố về văn hóa cũng như chúng ta không được trang bị những cơ chế để làm việc hợp tác hiệu quả như ở các nước khác.

Một dẫn chứng rõ ràng là hãy nhìn thử vào các công ty dot-com VN hiện nay, gần như số công ty có được 3 người thực sự giỏi làm việc đoàn kết trở nên có thể nói là rất rất ít, chỉ đếm trên đầu ngón tay. Và các công ty này đa phần cũng chỉ chăm vào sản phẩm và thị trường mà ít chú trọng với việc làm sao để mở rộng đội ngũ nhân sự cấp cao của mình.

4. Môi trường vĩ mô thiếu cơ chế hỗ trợ

Mỹ có những Microsoft, Google... bởi một phần họ có những cơ chế cho những cá nhân xuất sắc tự xây dựng đế chế của riêng mình và thực sự chính phủ của họ có nỗ lực để khuyến khích đẩy mạnh nhưng ngành như vậy. Còn ở Việt Nam thì mọi thứ đều phải nằm dưới sự khống chế của nhà nước, không ai thích nếu bạn muốn làm một cái gì đó lớn (điều tôi nghe từ một nhóm người kinh doanh nước ngoài).

Về mặt CNTT thì thực sự chính phủ cũng không mặn mà với các công ty Internet hiện nay, có thì tốt mà không có cũng chả sao. Bởi điều mà VN cần quan tâm hiện nay là đẩy mạnh tin học hóa bộ máy quản lý nhà nước và xây dựng đội ngũ hùng hậu gia công cho nước ngoài. Đây là quan điểm tôi cũng đồng tình, có lẽ vấn đề mâu thuẫn nằm ở chỗ chúng tôi, những người làm CNTT được đào tạo để làm điều đó mà lại ...không hiểu điều đó. Thấy chán trong lĩnh vực này nên muốn làm một cái gì đó lớn lao hơn, kết cục là va vào rất nhiều chướng ngại và rào cản.


Trước tình hình như vậy thì trong bức tranh chung CNTT và kinh tế VN khá tươi sáng thì viễn cảnh cho những cá nhân theo ngành này chẳng hề dễ dàng chút nào. Tuy nhiên tôi tin là vẫn có những hướng ra triển vọng cho những người như chúng tôi. Vấn đề là tôi buộc phải thay đổi để đặt mình lại đúng vị trí cho phù hợp với sự phát triển tốc độ của kinh tế Việt Nam trong giai đoạn sắp tới. Tôi sẽ tiếp tục tìm hiểu và quay trở lại vấn đề này sau loạt bài về các dot-com Việt Nam ;)

Nguồn :http://ngonpham.blogspot.com/2009/06/lam-giau-tu-cong-nghe-o-viet-nam.html