Search

20.1.23

TẠI SAO ANH SỢ CHẾT?

Vì anh sợ mất. Nói thẳng luôn, một là anh sợ mất cái này cái kia, thứ hai là anh mịt mù anh không biết anh sẽ đi về đâu? 


TẠI SAO ANH SỢ CHẾT?
TẠI SAO ANH SỢ CHẾT? 



Tại sao anh sợ hãi khi không biết đi về đâu? là vì mình sợ khổ ở trong một cảnh giới nào đó. 
Mình sợ không còn sung sướng như bây giờ nữa, bây giờ tài khoản của mình ở trong nhà băng đã lên 36 tỉ đồng Việt Nam rồi, mình có mấy chiếc xe, con cái mình gửi qua Úc, qua Mỹ học hết rồi, tương lai đang sáng ngời, mình đang chờ bồng những đứa cháu nội, cháu ngoại bụ bẫm kháu khỉnh. Bây giờ đùng một phát vô bệnh viện là mấy cái này mất sạch, 36 tỉ đó đứa khác sẽ xài, cháu nội, cháu ngoại những đứa khác sẽ bồng. Rồi mai này những đứa con, những đứa cháu tốt nghiệp đại học về ai đón nó ở phi trường đây? 
Bao nhiêu người mơ ước được 1% những gì mình có mà không được, bao nhiêu kẻ bây giờ đang bán vé số, bán bánh mì, bán dạo buôn gánh bán bưng, bán chè, bán cháo đầy đường vậy mà họ sống trơ trơ, còn mình đây có trong tay mọi thứ mà một sớm mai hồng phải lìa bỏ tất cả nên lòng không cam. 
Sẵn đây tôi nói luôn: ngay cái ước muốn trốn khổ tìm vui nó đã là khổ, vì sao? Vì chỉ cần ước muốn trốn khổ mà trốn không được được thôi là khổ rồi, còn tìm vui mà tìm không được nó đã là khổ. 
Tôi ví dụ nha, trong kinh nói kẻ phàm phu bị đau hai lần, bậc thánh chỉ đau có một nửa. Bậc thánh khi đau, ngoài khả năng kham nhẫn bằng thiền định, bằng thánh trí ra thì bậc thánh không hề thêu dệt cái khổ như phàm phu. 
Khổ một nửa là sao? Nghĩa là mỗi lần người ta bị đau người ta phải rên, phải xiết, phải sợ hãi, phải này nọ thì các Ngài không. Đau trên thân xác các Ngài chỉ dừng lại ngay trên thân xác, các Ngài không cho nó leo qua cái tâm của các Ngài. Các Ngài làm chủ được cảm thọ của mình, làm chủ ở đây nhiều người hiểu sai, họ nghĩ làm chủ cảm thọ là bậc thánh không biết đau, không còn đau đớn, muốn sướng thì sướng, không phải! Làm chủ cảm thọ ở đây có nghĩa là coi tất cả các cảm giác chỉ là khách, khách lạ bên thềm.
Còn mình thì đau một mà cho nó leo tràn lan từa lưa, vì còn phàm phu thì thứ nhất, chúng ta không có khả năng thiền định, chánh niệm như thánh nhân là thấy mệt rồi; thứ hai là phàm phu bị khổ gấp đôi, vừa khổ thân và vừa khổ tâm. Bậc thánh khi bị đau, họ chỉ biết đau là đau, còn mình thì bắt đầu lo, bắt đầu sợ chết, bắt đầu tiếc của, biết đầu lệch ngang thì bỏ lại bao nhiêu thứ tình cảm cha mẹ, vợ chồng, con cái, bạn bè... trời ơi đất nước người ta đẹp quá, trời ơi mình còn bao nhiêu toan tính, bao nhiêu trù hoạch, bao nhiêu kế sách mà chưa có hoàn thành, trời ơi bây giờ mình đi sớm quá. Trong khi cái đau nó chỉ là một phần cơ thể, mà cái nỗi lo âu, tiếc nuối, sợ hãi kia nó gấp mấy lần cái đau đó quý vị có biết không? 

Sư Giác Nguyên (giảng)



Thống kê SÁCH đọc nhiều theo thời gian

18.1.23

KINH TẾ NHỊ - GIẢ ĐỊNH VÀ BẢN CHẤT

Trong Chú Giải, nội dung bài Kinh có ý nghĩa thế này: Chúng ta có hai cách nhìn về thế giới này, cách nhìn thứ nhất là cách nhìn trên phương diện tục đế hay là chế định, hay là thi thiết, hay là biến kế sở chấp, cách nhìn của thế trí biện thông.


Chúng ta thấy chúng ta nhìn một cái cục đất thì chúng ta gọi đó là cái tượng gốm, cái bình gốm, mà trong khi đó nói chung quy lại thì cái tượng gốm hay là cái bình gốm thì nó cũng chỉ là từ cái cục đất đi ra, mà tùy thuộc vào cái hình dáng, tùy thuộc vào cái màu sắc, tùy thuộc vào những chi tiết này nọ ở trên một cái khối đất, một miếng đá, một miếng kim loại, một miếng gỗ, một miếng nhựa, thì chúng ta mới gọi tên nó theo cái cách hiểu thường thức của thế gian.
Mình gọi đó là nam, là nữ, nhưng thật ra nó chỉ là một khối thịt, da, gân, xương thôi với một mớ lục phủ ngũ tạng là mình mới gọi đó là nam, đó là nữ, chứ còn mà mình bỏ vô cối mình quết thì ai cũng như người nấy, khi bỏ vô lò thiêu thì ai cũng như người nấy, bánh xe mà nó nghiến qua rồi thì ai cũng như người nấy thôi, nhưng tùy thuộc vào hình dáng, màu sắc và những chi tiết lớn bé của khối vật chất thì mình gọi đó là nam, là nữ, là thùng, thau, chum, chóe.
Rồi về tinh thần chúng ta cũng có những cái khái niệm, thí dụ như khái niệm về hội họa, ngoài con mắt ra, ngoài cái thị giác nó còn có cái giác quan thứ sáu nữa, rồi những khái niệm về hội họa, những khái niệm về âm nhạc, những khái niệm về kiến trúc, thì những hình dung, những liên tưởng đó mình gắn lên nó vô vàn những cái khái niệm, những cái ý niệm, những cái quan niệm, những thành kiến, những định kiến, những cái biên kiến.
Thì cái cách mình quan sát thế giới như vậy đó được gọi là quan sát theo cái phương diện tục đế hay là chế định, hay là thi thiết.
Cái cách nhìn thế giới thứ hai tức là mình nhìn ngắm nó từ góc độ bản chất, cái cách một là quan sát nó trên cái hiện tượng, nhưng mà cái cách hai là quan sát nó trên bản chất, thì cái cách quan sát này, chỉ có chư Phật mới dạy cho mình biết thôi, có chư Phật ra đời mới dạy cho mình từng bước, từng bước như là mẹ dạy con vậy đó.
Trước hết là Ngài dạy rằng cái thân này nó dơ lắm, người ta gọi là đẹp xấu, già trẻ, nam nữ gì đi nữa thì chỉ là 32 thể trược, tóc lông móng răng da, thịt gân xương tủy thận, tim gan mật đàm mủ máu mồ hôi phẩn nước tiểu gì đó, thì đó là cách một, là đối với một số người hữu duyên họ nghe vậy họ đã oải rồi, họ đã chán muốn buông rồi.
Nhưng mà có một số người thì họ không có thích nghe cái kiểu đó, mà họ thích nghe cái kiểu nó rốt ráo hơn, đó là Ngài dạy rằng nam phụ lão ấu, già trẻ, bé lớn, đẹp xấu, da trắng, da vàng gì đi nữa thì chỉ là một khối 5 uẩn, 12 xứ, 18 giới, chỉ là 4 đế, chỉ là 12 duyên khởi, chỉ là 24 duyên hệ, chỉ vậy thôi! Thì cái cách nhìn rốt ráo này được gọi là nhìn qua khía cạnh chân đế...
Kinh này, chúng tôi căn cứ vào Chú-giải mà giảng, chứ chúng tôi tuyệt đối không có giảng theo ý riêng...
Ở đây Đức Phật Ngài dạy rằng khi mà một vị hành giả nói chung và một vị Tỳ-kheo, ở trong bài Kinh này Đức Phật gọi Tỳ-kheo nói riêng, khi tu tập tuệ quán, khi mà vị đó quan sát sắc, thọ, tưởng, hành, mà từ cái góc độ chân đế, từ cái gốc độ rốt ráo, khi mà đã có được một cái nhìn như vậy, vị ấy không muốn quay lui. 
Một cái người mà họ đã thấm thía rốt ráo cái bản chất chân đế của sắc, thọ, tưởng, hành, thì họ không còn có cái ý muốn gọi là quay lui để mà quan sát thế giới từ cái góc cạnh chế định nữa, chẳng qua là vì cái đời sống, vì cái nhu cầu trước mắt thì người ta phải tiếp tục ăn uống, tắm rửa, đi đứng, nói cười. 
Tôi nhắc lại lần nữa, thấm thía rốt ráo, chứ còn cái kiểu mà tu cà lơ phất phơ, ầu ơ ví dầu..., tôi muốn nói là cái người mà thấm thía thật sự, biết chán sợ cái tánh sanh diệt của danh sắc, dầu là phàm nhưng mà thấy rõ và tin chắc rằng đời sống của mỗi người chỉ là cái sự lắp ráp, ghép nối của từng cái sát na sanh diệt, mình thấy mình ngon lành, mình đẹp, mình giỏi, nhưng mà thật ra đó chỉ là một khối năm uẩn thôi.

Một cái người mà họ đã thấm thía rốt ráo cái bản chất chân đế của sắc, thọ, tưởng, hành, thì họ không còn có cái ý muốn gọi là quay lui để mà quan sát thế giới từ cái góc cạnh chế định nữa, chẳng qua là vì cái đời sống, vì cái nhu cầu trước mắt thì người ta phải tiếp tục ăn uống, tắm rửa, đi đứng, nói cười.



Kalama tri ân bạn sumanaduong ghi chép



Thống kê SÁCH đọc nhiều theo thời gian