Search

13.2.23

VÌ ĐÂU MÀ HÔM NAY CHÚNG TA VẪN PHẢI HỌC PHẬT ?

Có một chuyện rất khoa học, tôi không bắt quí vị phải nhắm mắt tin Phật, nhưng tôi cho quí vị một gợi ý :

-Muốn tin cái gì phải có bằng chứng, muốn bác cái gì cũng phải có bằng chứng. Ta không thể nào can thiệp được một vật gì đó mà ta không thấy, cho nên có văn minh khoa học cách mấy, cho đến bao giờ mà chúng ta không thấy được cái tâm thì chúng ta không làm được gì với nó hết. Đó là lý do vì đâu mà hôm nay bây giờ chúng ta vẫn phải học Phật.
Tôi nhắc lại một lần nữa, đừng nghĩ rằng tôi là ông sư rồi tôi kêu gọi quí vị học Phật. Và tôi phải nói rằng cho dầu tôi là người không có tóc hay là một người ăn mày ngoài đời, nhưng với những gì tôi hiểu về Phật pháp tôi vẫn chân thành đề nghị các vị dành thời giờ để tìm hiểu kinh Phật là vì sao ?
Tôi chưa đến nỗi ngu xuẩn đến mức nhận rằng mình giỏi, nhưng tôi đã đọc hơi nhiều về kinh Thánh, Khổng giáo, Do Thái giáo ..v...v. Tôi không thấy một hệ thống tư tưởng nào kể cả Lão Trang, là hệ thống mà tôi rất là mê, thì không có hệ thống tư tưởng nào mà hơn được Phật pháp. Thí dụ : tôi không phải tin Phật, tôi không phải là đệ tử Phật, nhưng tôi xét thấy đây là hệ tư tưởng mà rất đáng để tôi bận tâm vì : Có bài bản, có hệ thống. Tôi đã tìm thấy ít nhiều sự lợi lạc từ hệ thống đó, chứ còn bất cứ hệ thống tư tưởng nào mà chưa gì họ đã xúi tôi phải thờ vị này vị kia một cách mù quáng là tôi không chịu. Còn Đạo Phật chuyện đầu tiên là Đức Phật đã tháo gỡ cái vòng xích, vòng kim cô nô lệ ra khỏi đầu tôi.
Trước hết Ngài nói : “Con được tự do, con vô ngã. Các con đừng tin những gì vì nó là truyền thống, chỉ vì nó được ghi chép trong kinh điển. Đừng vội tin điều gì đó bởi những người nổi tiếng, những người con rất mực kính yêu. Các con đừng vội tin điều gì khi các con chưa kiểm chứng, nên hay không nên.”
Tôi nghĩ tìm ra được một vị sư phụ như vậy hơi khó. Bởi vì không có vị đạo sư nào dám kêu gọi đệ tử nghi ngờ mình, phải tìm mọi cách kêu nó tin mình chứ. Còn Đức Phật, quan trọng là Ngài kêu mình phải hiểu được Ngài. Và những giây phút cuối cùng Đức Phật qua đời, Ngài nói rõ : “Tất cả những hình thức lễ bái cúng dường cho Như Lai, không bằng hành trì và hiểu lời dạy của ta. Và khi ta mất rồi thì đây chính là lời dạy của ta.”
Ngài không kêu gọi mình lễ lạy, bái sám, đúc tượng, dựng chùa. Ngài Ānanda bạch Đức Thế Tôn : “Khi Ngài tịch rồi thì chúng con Tỳ Kheo phải làm gì với di thể Thế Tôn. 
Đức Phật Ngài nói : “Này Ānanda, các ngươi đã theo ta đến đây là đủ rồi, đừng bận tâm đến chuyện đó, việc lo tống táng Như Lai hãy để cho hàng cư sĩ họ làm, trách nhiệm của các ngươi chỉ là tu tập và hoằng pháp. Tu tập và hoằng bá những gì mà các ngươi tu tập. Dạy người ta những điều mình hành trì.”
Đó là trong kinh Đại Bát Niết-bàn. Thì dựa vào chừng đó thôi, chúng ta thấy Phật pháp đáng để mình nghiên cứu. Quí vị thấy có vị giáo chủ nào mà như vậy không. Tôi chưa hề nói rằng quí vị theo Phật có phước, mà quí vị phải nên tìm hiểu. Bên kinh Quran của Hồi Giáo có một câu thế này : “Thật là đáng buồn cho kẻ nào được một lũ ngu tung hô“. Câu đó rất là hay, bởi vì nếu đó là những bậc hiền trí ở đời họ tung hô mình thì mình phải như thế nào, còn đằng này khi một đám ngu tung hô mình thì không chắc lắm.
Các vị biết một chuyện này rất lạ, các vị thánh họ một lòng thương kính Đức Phật, nhưng đêm ngày 2 buổi công phu réo gọi Đức Phật để xin phước xin oai lực của Ngài hộ trì thì không có, mà các ngài hiểu Đức Phật hơn mình, tin Ngài hơn mình. Còn mình không hiểu Ngài, không tin Ngài, mà cứ sáng ngày hai buổi công phu. Bởi vì người hiểu Phật họ biết Ngài là ai, Ngài dạy những gì, và Ngài đề nghị mình nên làm gì. 

-Muốn tin cái gì phải có bằng chứng, muốn bác cái gì cũng phải có bằng chứng. Ta không thể nào can thiệp được một vật gì đó mà ta không thấy, cho nên có văn minh khoa học cách mấy, cho đến bao giờ mà chúng ta không thấy được cái tâm thì chúng ta không làm được gì với nó hết. Đó là lý do vì đâu mà hôm nay bây giờ chúng ta vẫn phải học Phật.


Nguồn ảnh: Bois Indochinois



Thống kê SÁCH đọc nhiều theo thời gian

11.2.23

BỐ THÍ

Đức Phật ngài dạy 


(1) có người bố thí để mà cầu công đức; 
(2) có người bố thí vì cái thói quen; 
(3) có người bố thí vì cái hoàn cảnh trước mắt: mình không cho thì coi nó kỳ; chỉ có hạng thứ tư 
(4) là bố thí để dạy cái tâm, để mài mòn phiền não. Bởi vì nhiều đời nhiều kiếp ta chỉ có thói quen là nhận vào và thu gom. Cho nên có nhiều cái đạo lý rất hay, rất sâu liên quan đến cái chuyện bố thí mà mình không có biết.
…Họ bố thí không phải để họ cầu giàu, mà họ bố thí để họ mài mòn cái lòng bủn xỉn, bố thí để lìa bỏ cái tâm sở hữu tham chấp, bố thí để mài mòn cái quan điểm "tôi" và "của tôi", bố thí để lìa bỏ thói quen cầm nắm và ôm giữ.
…Khi ta có ý nắm giữ thì cái ta có được chỉ trong bàn tay, khi ta có ý ôm giữ thì cái ta có được chỉ trong vòng tay. Và khi ta có lòng ôm và nắm thì đời sau sanh ra không có gì để nắm và ôm. Khi ta không có lòng nắm và ôm thì kiếp sau sanh ra tha hồ ôm và nắm.
Rồi một chuyện nữa, làm công đức bằng tâm vô lượng thì mới có quả vô lượng. Vô lượng có nghĩa là không có bị ràng buộc bởi cái ý cầu danh cầu lợi. Bố thí vì cái đối tượng kia, bố thí vì người nhận chứ không phải bố thí vì mình. Bố thí kiểu đó gọi là bố thí bằng tâm vô lượng. 
Còn bố thí mà muốn cho ra mà nhắm đến lợi ít cho riêng mình thì đời này hay kiếp khác thì cái đó chưa gọi là vô lượng. Bởi các vị có nghe chữ vô lượng tâm. 
Vô lượng tâm có nghĩa là tâm từ đối với vô lượng chúng sanh không phân biệt giới trí, không phân biệt ngôn ngữ, màu da, chủng tộc, tôn giáo, huyết thống, nhân chủng... cái đó mới gọi là vô lượng. 
Bi vô lượng là bất nhẫn khi thấy cảnh chúng sanh sống trong quả xấu nhân xấu. 
Từ vô lượng là mong cho chúng sanh được nhân lành quả lành. Hỷ là vui khi thấy các chúng sanh sống trong nhân lành quả lành. 
Xả vô lượng tâm là giữ tâm bình thản khi nghĩ về nghiệp riêng của mỗi người. Vô lượng là nhắm đến đối tượng không giới hạn. Khi ta làm công đức bằng tâm vô lượng thì công đức mới vô lượng. Khi ta không có lòng mong lợi ích nhỏ thì ta sẽ có lợi ích lớn.
…Đời hay đạo thì khi anh làm bằng cái mục đích rẻ tiền, tủn mủn, lắc nhắc thì cái hoạt động đó không lớn lên được. Tin tôi đi. Có những cái chùa dựng lên với mục đích ngồi đếm tiền lẻ đợi bà con đến cúng dường, theo tôi cái đó là lượm bạc cắc. Đó là những cái chùa theo quan niệm tiểu thương. 
Trong kinh Ước Nguyện - Trung Bộ, Phật dạy thế này: Nếu mình có muốn thành Phật giải thoát, muốn được danh, được lợi, được quyền lực, tiếng tăm, được nhan sắc... chuyện đầu tiên là phải sống đúng theo Bát Chánh Đạo trước. Cho nên nếu mà muốn dựng chùa thì cái chuyện đầu tiên cái chùa đó phải dạy pháp học và pháp hành. Pháp học là phải có học viện để đào tạo tăng ni, còn không nữa là phải có lớp dạy giáo lý cho Phật tử để mở mang cái đầu của họ. Khi mà họ có giáo lý rồi, đốt họ ta tro họ cũng là Phật tử. Còn cái thứ mà dựng chùa kiểu đầu tiểu thương là cất cái chùa có hai cái thùng to đùng để ngoài sân, năm ba tượng lộ thiên để người ta tới người ta cúng. Nhìn thì thấy cũng có lý đó nhưng mà những đại gia mà có cái đầu họ nhìn mấy cái đó họ thấy rẻ tiền lắm. 
Tui đang nói mấy cái chùa với mục đích kiếm tiền chứ không phải chùa thứ thiệt. Họ bước vô, họ thấy mình có học, có hành, có hoạt động văn hoá tôn giáo ngon lành thì tự nhiên họ mới phát cái tâm. Đằng này họ vô họ không thấy hoạt động gì hết thì... Có hiểu không? Cái đó gọi là máu tiểu thương.
Chuyện tu hành cũng vậy, chuyện đầu tiên là nếu anh bố thí, trì giới, nghe pháp, phục vụ, tu hành các cái thứ hạnh lành công đức mà với mục đích rẻ tiền là cầu danh, cầu lợi thì cái quả rất là nhỏ. Thay vào đó tu tập bằng nội tâm cởi mở không biên giới thì công đức sẽ là vô lượng. 
Tôi nói rất nhiều lần tu hành theo kiểu thả chim và thả diều. Ai tu mà nhớ rằng việc làm xong lòng không bận tới nữa - đó là tu kiểu thả chim. Tu kiểu thả diều là nói thả nhưng mà còn sợi dây kéo tới kéo lui. Con diều bay cũng không bay cao bởi vì độ cao của con diều còn tuỳ thuộc vào độ dài của sợi dây. Hiểu không? Có người làm phước cầu quả gần, có người làm phước cầu quả xa. Cầu quả nào đi nữa vẫn còn nằm trong cái sự chấp thủ. 
Nói vậy không có nghĩa là ta không tin nghiệp báo. Ta tin chứ. Ta biết là bố thí sẽ được cái gì cái gì, trì giới sẽ được cái gì cái gì. Chúng ta biết nhưng mà đừng bận tâm trong cái đó. Giống như người ta nuôi bò nuôi gia súc không phải nuôi để lấy phân, mà nuôi để lấy da lấy thịt và lấy sữa, còn cái phân không cần nghĩ nó cũng có.
Nói vậy không có nghĩa là ta không tin nghiệp báo. Ta tin chứ. Ta biết là bố thí sẽ được cái gì cái gì, trì giới sẽ được cái gì cái gì. Chúng ta biết nhưng mà đừng bận tâm trong cái đó. Giống như người ta nuôi bò nuôi gia súc không phải nuôi để lấy phân, mà nuôi để lấy da lấy thịt và lấy sữa, còn cái phân không cần nghĩ nó cũng có.



Trích bài giảng Vô minh - Hành trình giải thoát của sư Giác Nguyên.
Kalama xin tri ân bạn Nguyentonga2501 ghi chép
Link: https://www.toaikhanh.com/read.php?doc=202209011124&lan=vn



Thống kê SÁCH đọc nhiều theo thời gian