Search

28.2.21

DÍNH

DÍNH
Trong #Kinh_Tăng_Chi, phần bốn chi, đức Phật dạy rất rõ:
"Có một điểm khác biệt rất lớn giữa đệ tử Như Lai và những người không phải đệ tử Như Lai.
Đó là những người không phải đệ tử Như Lai:
Một là họ chìm sâu trong thế giới của 5 dục: sắc, thinh, khí, vị, xúc, trong khi đệ tử Như Lai họ có thể tiếp tục sống giữa 5 dục nhưng mà họ chán sợ 5 dục, từ chán sợ đó họ tu tập Bát Chánh Đạo được giải thoát.
Hai là có những người biết chán sợ 5 dục, biết coi rẻ, coi nhẹ nó để mà hướng đến đời sống thiền định, nhưng vì không học được Phật pháp cho nên khi họ được một tí ti trong thế giới thiền định là họ đam mê."




Có một điểm khác biệt rất lớn giữa đệ tử Như Lai và những người không phải đệ tử Như Lai



Đắc được sơ thiền là chết mê chết mệt trong cái sơ thiền. Chưa kể thiền dưới sơ thiền, chỉ cần mình ngồi thiền mà mình lắng tâm, mình theo dõi hơi thở ra vào biết rõ, đi đứng nằm ngồi biết rõ. Tôi hứa với các vị, bảo đảm với các vị: Nếu các vị sinh hoạt trong chánh niệm, khi không có gì để làm thì ngồi yên theo dõi hơi thở, nếu mà các vị lắng tâm như vậy trong 1 ngày 2 ngày 3 ngày, thì an lạc ghê lắm.
Đó là nói thiền quán. Còn bên thiền chỉ mình tập trung như vậy thì các vị sẽ được những cảm giác mà từ xưa đến giờ mình chưa từng có, đó là cảm giác mát lạnh, nó rần rần chạy từ đốt xương cùng chạy lên tới ót, nó rần rần, mát lạnh từng cơn. Có người cảm giác giống như sóng biển, có người họ cảm giác sống biển đang vỗ vào mình, một buổi trưa hè từng cơn sóng mát nó vỗ vào lưng mình. Có người có cảm giác như người họ nhẹ không còn trọng lượng nữa. Tùy căn duyên, có người cảm thấy như họ phát sáng, họ lắng tâm như vậy họ làm như cục sắt xưa giờ họ là cục sắt mà bây giờ đưa vào một nhiệt độ nào đó thì cục sắt nó nhẹ đi, họ cảm thấy họ rũ bỏ bao nhiêu gánh nặng trần ai và bây giờ con người nó nhẹ nhàng, nó bay bổng trong trạng thái không trọng lượng. Cho nên tùy người, có người cảm giác mát mẻ từng cơn, có người cảm giác nhẹ bổng, có người cảm giác phát quang.
Rồi cứ vậy mà mê, cứ ăn rồi cứ chờ thu xếp chuyện nhà xong chạy vô góc ngồi xếp bằng để tìm cảm giác đó, rồi họ tưởng là họ tinh tấn tu hành, trong khi họ không hề biết rằng họ đã bị lụy rồi. Trên hành trình vạn lý họ đã bị chết dọc đường, vì mải mê hái hoa bắt bướm, mà họ không biết. Họ chỉ biết rằng họ đang có mặt trên đường thì họ khá hơn đứa ở nhà đang bắn bi đang đánh đáo, đang tắm sông, đang hái trái, mà bây giờ họ đang là những người có mặt trên đường họ tưởng họ hay, họ thấy rằng họ không còn là những đứa trẻ bắn bi đang đánh đáo, đang tắm sông, đang hái trái, nắn đất như mấy đứa trẻ. Đúng. Họ hơn chúng, họ là những đứa trẻ dám đi trên con đường vạn lý để tìm về một tương lai, một phía trước của người lớn. Nhưng mà họ lại quên, ngay tại đây và bây giờ, trên quãng đường này, rằng họ đang lụy vì con ong con bướm, lụy vì những thứ của đường xa xứ lạ mà họ không biết. Mà trong khi đó, mục đích của hành trình này không phải là hoa bướm trên đường, không phải, mà đích đến ở đàng kia kìa, và họ chết ngay trên đường.

Đó là những điểm khác biệt lớn giữa những người đệ tử của Ngài và không phải đệ tử ngài. Ngài nói đệ tử ngài dầu sống trong 5 dục nhưng vẫn chán sợ 5 dục và lấy cái chán sợ đó làm cái giàn phóng và lấy 5 quyền là uranium làm cái nhiên liệu để vọt ra khỏi quỹ đạo sanh tử. Rồi khi đệ tử của Ngài tu thiền, họ cũng chỉ coi thiền đó là định học trong tam học mà thôi, Giới Định Tuệ. Giới học, Định học và Tuệ học. Đệ tử của ngài có đắc cái gì đi nữa cũng chỉ coi thiền như là phương tiện để vọt ra khỏi quỹ đạo sanh tử, thiền coi nó như là uranium thôi nhe.

Trong khi đó cái người không phải đệ tử ngài được cái gì? Đụng đâu chết đó, đụng đâu chết đó, giống như con ruồi bị dính trong mật ong vậy đó, đụng là dính, chạm là dính, mà nó dính là nó chết. Cho nên cái chữ citta nó hay lắm quý vị biết không? Nghĩa là chúng sinh hữu tình. Chữ citta chỉ những kẻ có cá tính, có nhân cách riêng, personality. Hữu tình là một đơn vị, một cá thể trong trời đất mà nó có nhân cách, có cá tính riêng - thì gọi là hữu tình. Nhưng chữ citta này còn có nghĩa là dính. Dính là sao? Con mắt của mình luôn luôn trong cái tình trạng kiếm cái gì để nhìn, mà nó thấy cái gì đẹp là nó bị kẹt trong đó. Lỗ tai cũng vậy. Tuy mình thấy mình nhắm mắt vậy đó, nhưng lỗ tai nó ở trong tình trạng tổng động viên, có nghĩa là nó luôn trong tình trạng lắng nghe cái gì đó, cái đó mà hay là nó dính, theo kiểu hay, mà cái đó làm cho nó bực mình thì nó dính theo kiểu bực mình. Có nghĩa là khi các vị thấy một cái gì đó mà các vị thấy có sự khó chịu lúc đó là các vị đang dính. Tôi nói cho quý vị biết. Dính ở đây nó có hai nghĩa, không phải thích mới là dính, mà trong khi người tu đắc thánh không phải hiểu theo từ điển là attachment, mà khi anh ghét cũng là attachment, ghét cũng là kiểu dính mắc, chứ không phải thích mới là dính mắc.

Tôi nhớ có một đệ tử hỏi: "Sư phụ ơi, tiếng Mỹ hay hơn tiếng Việt Nam, sư phụ ơi, người tu có được quyền xài email không?" Sư phụ nói :"Hoàn toàn được, it is OK until you have an attachment". Attachment nó có 2 nghĩa một là cái file đính kèm, attachment trong email, nhưng attachment này còn có nghĩa là dính mắc. Nên khi đệ tử hỏi sư phụ người tu có sử dụng email được không, thì sư phụ trả lời là được chứ con nhưng mà "until you have an attachment" (nhưng cho đến khi con còn có lòng dính mắc thì con phải stop ngay, stop tức khắc). Hoặc câu đó cũng có nghĩa là con là người tu con có thể xài email được nhưng email cho gọn nhẹ thôi. Chữ "Attachment" hay quá đi nhe.
Cho nên chữ #citta có nghĩa là dính. Dính là sao? Đa phần chúng sanh, khi chưa là thánh nhân thì mình luôn luôn trong tình trạng trực chờ để dính. Dính trong hai cách, dính vì ghét và dính vì thích. Và sáu căn của mình luôn luôn trong tình trạng tổng động viên, quý vị biết không? Và khi đứa này làm việc thì các đứa khác trong tình trạng tổng trù bị, có nghĩa là sáu căn không thể cùng lúc làm việc nhưng mà khi con mắt đang mê cái gì đó thì lỗ tai đang trực chờ, anh xong là tới phiên tui à nhe. Theo như A Tỳ Đàm giải thích như vậy. Sáu căn nó dặn nhau như vậy đó, khi lỗ mũi hít cái mùi gì đó, thì lỗ tai nó dặn: anh ngửi xong là tới tui đó nghe, tới phiên tui làm việc, và lúc đó con mắt cũng dặn: mấy anh mà quởn là tui nhào vô. Cho nên ở trong kinh Đức Phật dạy: "Này các Tỳ kheo nếu các ngươi đem con cá, con chim, con chồn, con cáo, con rắn, con rít mà bỏ chung vô một chỗ thì nếu có cơ hội thì con cá sẽ tìm về nước con chim sẽ tìm về trời, chồn, cáo, rắn, rít sẽ tìm về lùm bụi, hang hố." Cái vị dụ đó hay quá sức hay. Cũng vậy sáu căn luôn luôn trong tình trạng trực chờ để đi tìm về cái trần nào đó trong sáu trần. Cho nên chúng sanh phàm phu gọi là #citta, nghĩa là mấy cái đứa ăn rồi canh me để chờ dính, nên người ta gọi là citta, hay lắm quý vị nhe. Mắt dính cái này, lỗ tai dính cái kia. Dính có hai cách, nó dính bằng cách nó ghét hoặc nó dính bằng cách là nó thích. Xuất sắc lắm.

Phật pháp không chịu học thì thôi, chứ khi mình học Phật pháp cho tới nơi thì sẽ thấy nó lớn chuyện lắm.

Trích KTC.6.63. Pháp Môn Quyết Trạch
Kalama tri ân bạn chanvinghiem ghi chép
Nguồn: toaikhanh.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Vui lòng viết Tiếng Việt. Có dấu.
Nhận xét luôn luôn được kiểm tra trước khi xuất bản. :). Vì vậy bạn đừng cố SPAM
Cảm ơn bạn