Search

Hiển thị các bài đăng có nhãn con người. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn con người. Hiển thị tất cả bài đăng

5.12.13

Tất cả phải xếp hàng chờ, trong khi tôi đang suy nghĩ, đi chơi với trùm cuối, hay thậm chí là đi ỉa.

Phanblogs
Mấy tuần nay tôi chủ động không đọc VnExpress, mặc dù trước đây mỗi ngày tôi đều vào trang này vài lần, mỗi lần mất độ tầm 5-10', lướt hết các bài trên trang chính, xem một hai bài trong số đó. Tôi có vài thói quen còn tốn nhiều thời gian hơn việc đọc báo, nên hồi nào giờ tôi không quan tâm đến thói quen này cho lắm.
Nhưng gần đây tôi phát hiện ra mặc dù việc đọc VnExpress chỉ mất vài phút, nhưng mà có khi những thông tin tiếp nhận trong vài phút đó làm tôi bận tâm cả ngày. Tôi có cảm giác đầu tôi như là cái thùng rác, người ta bỏ vào cái gì tôi sẽ nhai ngấu nghiếng cái đó cho đến khi người ta bỏ vào một thứ khác.
Có những khi vài ngày liền tôi không xem tin tức và thấy rất sướng khi ai đó nhắc đến một chuyện "động trời" mới xảy ra mà tôi không biết gì hết, vì tôi biết là tôi đã dành tất cả thời gian và tâm trí cho những việc quan trọng và thú vị hơn nhiều lần so với việc chạy theo các sự vụ mới nhất, chẳng liên quan gì đến mình.
Ngược lại tôi thấy đầu mình căng ra, không suy nghĩ được gì nữa, mỗi khi dành quá nhiều thời gian theo dõi tin tức, nhất là những tin tiêu cực hay vô thưởng vô phạt, chẳng liên quan gì đến cuộc sống của tôi. Điều duy nhất mà tôi có thể nghĩ đến những lúc như vậy là: trời ơi sao mình có thể phí phạm thời gian như thế.
Tôi thấy người ta hay nói là báo chí bây giờ xuống cấp, giật tít để câu khách là chính, thông tin thì ít mà xì-căng-đan thì nhiều, v.v. Tôi chẳng trách báo chí nói chung hay VnExpress nói riêng. Tôi thấy họ chỉ bán những thứ mà tôi và nhiều người khác muốn mua mà thôi. Nếu không còn ai muốn xem loại tin mà họ đang đăng thì tự khắc họ sẽ phải thay đổi, nếu không muốn trở nên thừa thãi. Thành ra thay vì trách báo chí sao toàn đăng tin dở, tôi thấy tự mình phải không đọc những tin đó trước đã.
Bài học đơn giản tôi rút ra được gần đây là học cách suy nghĩ phải bắt đầu bằng việc chủ động chọn chủ đề để đọc và suy nghĩ. Đừng bao giờ bị động để người ta nhét vào đầu mình cái gì thì nhét.
Có những suy nghĩ và hành động tưởng như là chủ động, nhưng khi nhìn rõ hơn thì tôi thấy không phải như thế. Ví dụ như những lúc "cộng đồng mạng xôn xao". Tôi có cảm giác như cộng đồng mạng chỉ có mỗi một việc là ngồi chờ tin mới, rồi xôn xao, xôn xao. Xôn xao chưa kịp hết tin này thì lại có tin mới khác, lại xôn xao, xôn xao. Tôi chẳng muốn cuộc sống và suy nghĩ của mình cứ bị xôn xao vì những tác động bên ngoài như vậy.
Tôi cũng chẳng muốn bị cuốn vào các cuộc tranh cãi không có hồi kết, mà rồi đến cuối cùng ai lại về nhà nấy, chẳng giải quyết được gì. Đôi khi tôi tự hỏi, những người đã bỏ ra bao nhiêu đó thời gian để cãi nhau vì cuốn sách của Huyền bây giờ họ đang làm gì? Bao nhiêu thời gian và công sức đó, rốt cuộc rồi họ đã thu được cái gì? Tôi không muốn mình trở thành những con thiêu thân như thế.

Tôi không muốn suy nghĩ hay làm một chuyện gì đó chỉ vì nó đang là "mốt", hay đang "hot". Nếu ngày mai nó không còn thời sự nữa thì sao? Đương nhiên trong vài ba trăm câu chuyện như thế thì cũng sẽ có một vài vấn đề đáng lưu tâm, vì chúng có tác động lâu dài đến cuộc sống của tôi cũng như những người mà tôi quan tâm và những chuyện mà tôi muốn làm. Có thể tôi sẽ để lỡ chúng. Nếu đây là cái giá để có thể suy nghĩ và làm việc tập trung trong một thời gian dài, tôi nghĩ nó cũng đáng.
--
Smartphone và Internet là hai phát minh vĩ đại đã thay đổi toàn thế giới và cuộc sống của tôi, nhưng chúng cũng làm cho tôi rất dễ bị phân tâm và bội thực thông tin. Một thời gian rất dài mỗi sáng thức dậy việc đầu tiên tôi làm là mở điện thoại lên xem email. Đang đi đâu hay làm gì tôi cũng muốn xem email. Tôi biết là thói quen này chẳng đem lại lợi ích gì, mà chỉ làm cho tôi mất tập trung và làm giảm chất lượng cuộc sống của tôi, nhưng tôi vẫn không bỏ được.

Thế rồi một chuyện may mắn xảy ra. Điện thoại của tôi mau hết pin quá, tôi coi trên mạng thì người ta kêu là nêu tắt chức năng auto-sync đi. Tôi thử tắt, đúng là điện thoại dùng được lâu hơn, nhưng hay nhất là tôi không còn bị dính vào nó như trước đây nữa. Không có auto-sync trong đầu tôi cũng không còn câu hỏi "Không biết nãy giờ có email gì quan trọng không?", mà tôi biết chắc sẽ dẫn đến câu trả lời "Hay là mở ra xem thử chút". Điện thoại không còn là chiếc cửa thần kỳ của Đô-rê-mon để ai cũng có thể bất thình lình xuất hiện và làm cho cuộc sống và suy nghĩ của tôi bị đứt ra từng khúc.
Không auto-sync nghĩa là tôi sẽ không thấy email ngay tức khắc. Ban đầu tôi cũng lo ngại chuyện này có khi cũng ảnh hưởng đến công việc, khi tôi không thấy những email khẩn cấp. Nhưng nghĩ kỹ hơn thì email có bao giờ được dùng cho những chuyện khẩn cấp đâu! Nếu ai đó cần tôi ngay tức khắc, họ sẽ không gửi email mà sẽ gọi điện thoại. Tôi cũng không đăng nhập vào các công cụ chat nữa. Nếu ai muốn gửi tin tức thời, họ có thể gửi SMS hoặc gọi điện thoại.
Tóm lại VnExpress phải chờ, email phải chờ, Facebook cũng phải chờ. Tất cả phải xếp hàng chờ, trong khi tôi đang suy nghĩ, đi chơi với trùm cuối, hay thậm chí là đi ỉa.
http://vnhacker.blogspot.com/2013/11/toi-uu.html






25.5.13

Kẻ đốt đền

Phanblogs

Cho đến thời điểm tôi viết những dòng này, nghĩa là đã 2h sáng thì trên facebook của tôi vẫn tràn ngập những lời cảm xúc về Nick Vujicic của bạn bè. Thật dễ hiểu, với những gì mà chàng trai không tay, không chân đã làm được, anh xứng đáng được ngưỡng mộ và tôn vinh. Ấy thế mà, tôi vẫn không thể nào ngăn được tiếng thở dài...
Thở dài là bởi, với những trường hợp tương tự như Nick Vujicic tại Việt Nam, trong vòng 1 phút tôi có thể kể tên ra 5 gương mặt tiêu biểu. Những người như Thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký, Hiệp sĩ công nghệ thông tin Nguyễn Công Hùng, Vận động viên khuyết tật Phạm Thị Thu... đã làm được những điều mà ngay cả người thường cũng khó có thể làm được.

Hoàn cảnh của họ, tài năng và nghị lực của họ có lẽ không thua Nick là bao, ấy thế mà họ vẫn đang miệt mài đâu đó để tìm mọi cách sống qua ngày, nỗ lực để cống hiến cho xã hội nhưng không được mấy ai quan tâm. Trong khi đó, những doanh nhân người Việt giàu có đã phải bỏ một số tiền khổng lồ lên tới 32 tỷ đồng để mời Nick đến Việt Nam, nói chuyện về nghị lực sống, về đam mê vượt qua khó khăn (những điều mà người Việt Nam nói chung và những người khuyết tật nói riêng đã có thừa.

32 tỷ đồng, một con số khổng lồ trong thời điểm hiện tại, khi mà các doanh nghiệp đang lao đao vì khủng hoảng kinh tế và người dân cũng đang ngập chìm trong khó khăn. Có thể nói với một chiến dịch được cho là thành công về mặt truyền thông như Hoa Sen đang làm với Nick Vujicic, đó không hẳn là một sự lãng phí. Tuy nhiên, tôi cứ nghĩ nếu Hoa Sen chịu bỏ ra phân nửa số tiền đó thôi, để giúp đỡ những gương mặt khuyết tật tài năng vươn lên... thì họ vẫn có thể tạo được một chiến dịch PR vừa thành công cả về mặt truyền thông lẫn ý nghĩa xã hội. Bởi những người khuyết tật Việt Nam cần những sự giúp đỡ thiết thực hơn là những “cú hích” về tinh thần mà Nick đã mang tới.

Một anh bạn người nước ngoài của tôi tự hỏi, không biết tại sao truyền thông Việt Nam lại “điên cuồng” với Nick Vujicic như vậy. Điều này thật ra không quá khó hiểu khi mà hệ thống các kênh của VTV liên tục phát TVC về Nick gần như 30 phút một lần. Là một người làm báo, tôi chưa bao giờ tôi thấy giới truyền thông Việt Nam lại “nhẹ dạ” đến như vậy. Họ biết đằng sau một “Nick khuyết tật nghị lực” chính là một bệ đỡ truyền thông khủng khiếp đến từ các công ty phát hành sách của Mỹ. Nói đơn giản hơn, Nick cũng chỉ là một sản phẩm truyền thông để người ta bán được sách mà thôi. “Anh ấy là một người phi thường, nhưng anh ấy cũng là một nghệ sĩ biểu diễn”, bạn tôi nói (…)
Tại sân bay chiều nay, khi Nick vừa hạ cánh, an ninh được thắt chặt thậm chí còn hơn cả khi cặp vợ chồng nổi tiếng của Hollywood là Angelia Jolie và Brad Pitt tới Việt Nam (…) Cánh báo chí bị buộc phải đứng ngoài xa cách cửa gần 150m và không thể tác nghiệp vì xe đón Nick đã đậu sát cửa, kính đen ngòm và dĩ nhiên Nick không có lấy một lời chào dành cho người hâm một thông qua báo giới.

Tối nay, những gì Nick chia sẻ thật ra không có gì mới, đó là điều mà bất kỳ một người khuyết tật nào (thậm chí cả người thường) cũng sẽ từng mắc phải. Còn nghị lực sống ư, hãy hỏi những Nguyễn Ngọc Ký, Nguyễn Công Hùng, Nguyễn Bích Lan (người dịch sách của Nick), “Cô bé xương thuỷ tinh” Phương Anh...  xem họ có nghị lực sống và vươn lên trong cuộc sống không? Hỏi họ xem họ có xứng đáng được tôn vinh không? Hỏi họ xem họ có xứng đáng được quan tâm nhiều hơn không? (…)
Trước khi buổi nói chuyện Chào Việt Nam của Nick diễn ra, giá vé chợ đen được đẩy lên con số 1,5 - 2 triệu đồng. Một con số không hề nhỏ đối với đa số người Việt trẻ. Nhưng nhiều bạn trẻ sẵn sàng bỏ 2 triệu để nghe Nick nói chuyện về nỗi khổ, về nghị lực sống...  trong khi họ sẵn sàng bĩu môi và không thèm bố thí một đồng cho người ăn xin tàn tật. Vì đâu có sự khác biệt đó?

Câu hỏi là: Tại sao lại là Nick mà không phải là một gương mặt cụ thể nào đó của Việt Nam, như Hiệp sĩ công nghệ Nguyễn Công Hùng chẳng hạn? Với những gì mà Công Hùng làm được, nếu anh được truyền thông Mỹ “o bế” như Nick, hẳn anh cũng nổi tiếng không kém và biết đâu một đơn vị nào đó lại chẳng bỏ cả trăm ngàn đô để mời anh tới nói chuyện?

Sự khác biệt lớn nhất giữa Nick và Nguyễn Công Hùng không phải là tài năng hay nghị lực, mà đơn giản chỉ là ở sức hút truyền thông. Chẳng ai ngu để tin rằng Hoa Sen bỏ một đống tiền ra mời Nick về Việt Nam chỉ với mục đích từ thiện, xã hội. Sức hút của Nick là quá lớn, đặc biệt là với sự tiếp tay của truyền thông, với những TVC được phát liên tục trên truyền hình (và nhờ đó người ta bán được báo, thu được tiền quảng cáo, lại được tiếng là “hướng tới cộng đồng khuyết tật” dù sự thật mục tiêu cao cả này chỉ là một phần rất nhỏ mà thôi.)

Tại sao lại là Nick, tại vì anh ấy là... người nước ngoài. Thật vậy, người Việt chúng ta vốn sính ngoại. Không ít lần các ngôi sao hạng B, C của nước ngoài tới Việt Nam phải ngỡ ngàng vì mình được... hâm mộ quá xá. Các cụ ta nói cấm có sai, Bụt chùa nhà không thiêng là vậy...
Giá trị cuộc sống

Là ai ?

Herostratos (tiếng Hy Lạp: ‘Ηρόστρατος) là một thanh niên, trong hy vọng sẽ trở nên nổi tiếng, đã phóng hỏa Đền thờ thần Artemis ở Ephesus (nay nằm ở miền Tây Thổ Nhĩ Kỳ) vào ngày 21 tháng 7 năm 356 trước Công nguyên. Đền thờ này được xây dựng bằng đá cẩm thạch và được coi là ngôi đền đẹp nhất trong số khoảng 30 ngôi đền của người Hy Lạp xây dựng để thờ phụng thần Artemis, nữ thần săn bắn. Đây cũng là một trong Bảy kỳ quan thế giới cổ đại.
Không những không thèm lẩn tránh vì đã cố ý phóng hỏa ngôi đền linh thiêng, Herostratos còn rất tự hào nhận trách nhiệm với hy vọng tên tuổi mình sẽ trở thành bất tử trong lịch sử. Vì vậy, những nhà chức trách ở Ephesus đã không chỉ xử tử hình Herostratos mà còn biến hắn trở thành một người vô danh khi tuyên án. Đương nhiên biện pháp này cũng không thể ngăn cản Herostratos đi vào lịch sử như hắn mong muốn, vì sau đó nhà sử học cổ đại Theopompus đã ghi lại sự kiện này và tên của Herostratus đi vào lịch sử như kẻ đốt đền nổi tiếng nhất thời cổ đại.

Sự hung hãn.








9.3.12

Nhưng pháp luật là pháp luật


Nhưng pháp luật là pháp luật, tôi là người đại diện của Pháp luật nên phải xử nghiêm minh
PhanblogsTrong phòng xử... án, chủ tọa trầm ngâm suy nghĩ trước những cáo buộc của các công tố viên đối với một cụ bà vì tội ăn cắp tài sản. Bà bị buộc phải bồi thường 1 triệu Rupiah. Lời bào chữa của bà lý do ăn cắp vì gia đình bà rất nghèo, đứa con trai bị bênh, đứa cháu thì suy dinh dưỡng vì đói.
Nhưng ông chủ quản lý khu vườn trồng sắn nói bà ta cần phải bị xử tội nghiêm minh như những người khác.

Thẩm phán thở dài và nói :” Xin lỗi, thưa bà...” Ông ngưng giây lát, nhìn ngắm bà cụ đói khổ “Nhưng pháp luật là pháp luật, tôi là người đại diện của Pháp luật nên phải xử nghiêm minh. Nay tôi tuyên phạt bà bồi thường 1 triệu Rupiah cho chủ vườn sắn. Nếu bà không có tiền bồi thường, bà buộc phải ngồi tù 2 năm rưỡi.”

Bà cụ run run, rướm nước mắt, bà đi tù rồi thì con cháu ở nhà ai chăm lo. Thế rồi ông thẩm phán lại nói tiếp
“Nhưng tôi cũng là người đại diện của công lý. Tôi tuyên bố phạt tất cả những công dân nào có mặt trong phiên toàn này 50.000 Rupiah vì sống trong một thành phố văn minh, giàu có này mà lại để cho một cụ bà ăn cắp vì cháu mình bị đói và bệnh tật.”Nói xong , ông cởi mũ của mình ra và đưa cho cô thư ký “Cô hãy đưa mũ này truyền đi khắp phòng và tiền thu được hãy đưa cho bị cáo”

Cuối cùng, bà cụ đã nhận được 3,5 triệu Rupiah tiền quyên góp, trong đó có cả 50.000 Rupiah từ các công tố viên buộc tội bà, một số nhà hảo tâm khác còn trả giúp 1 triệu Rupiah tiền bồi thường, bà lão run run vì vui sướng. Thẩm phán gõ búa kết thúc phiên toà trong hạnh phúc của tất cả mọi người.
Đây là một phiên tòa xử nghiêm minh và cảm động nhất mà tôi được biết, vì tất cả chúng ta đều phải chịu trách nhiệm với cuộc sống xung quanh chúng ta, vị thẩm phán đã không chỉ dùng luật pháp mà còn dùng cả trái tim để phán xét.