Search

Hiển thị các bài đăng có nhãn tâm lý. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn tâm lý. Hiển thị tất cả bài đăng

18.11.12

5 bậc nhu cầu tâm lý con người Lý thuyết Thang bậc nhu cầu (Maslow’s Hierarchy of Needs)

Lý thuyết Thang bậc nhu cầu (Maslow’s Hierarchy of Needs)

Lý thuyết Thang bậc nhu cầu (Maslow’s Hierarchy of Needs)

Lý thuyết Thang bậc nhu cầu (Maslow’s Hierarchy of Needs)




và các ứng dụng của nó trong đời sống và giáo dục.

Mở đầu

(GVO) - Nhà tâm lý học Abraham Maslow (1908-1970) được xem như một trong những người tiên phong trong trường phái Tâm lý học nhân văn (humanistic psychology), trường phái này được xem là thế lực thứ 3 (the Third Force) khi thế giới lúc ấy đang biết đến 2 trường phái tâm lý chính: Phân tâm học (Psychoanalysis) và Chủ nghĩa hành vi (Behaviorism).

Năm 1943, ông đã phát triển một trong các lý thuyết mà tầm ảnh hưởng của nó được thừa nhận rộng rãi và được sử dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm cả lĩnh vực giáo dục. Đó là lý thuyết về Thang bậc nhu cầu (Hierarchy of Needs) của con người. Trong lý thuyết này, ông sắp xếp các nhu cầu của con người theo một hệ thống trật tự cấp bậc, trong đó, các nhu cầu ở mức độ cao hơn muốn xuất hiện thì các nhu cầu ở mức độ thấp hơn phải được thỏa mãn trước.

Tổng quan về lý thuyết Thang bậc nhu cầu của Maslow (Maslow’s Hierarchy of Needs)

Trong thời điểm đầu tiên của lý thuyết, Maslow đã sắp xếp các nhu cầu của con người theo 5 cấp bậc:
- Nhu cầu cơ bản (basic needs)
- Nhu cầu về an toàn (safety needs)
- Nhu cầu về xã hội (social needs)
- Nhu cầu về được quý trọng (esteem needs)
- Nhu cầu được thể hiện mình (self-actualizing needs)

Sau đó, vào những năm 1970 và 1990, sự phân cấp này đã được Maslow hiệu chỉnh thành 7 bậc và cuối cùng là 8 bậc:

- Nhu cầu cơ bản (basic needs)
- Nhu cầu về an toàn (safety needs)
- Nhu cầu về xã hội (social needs)
- Nhu cầu về được quý trọng (esteem needs)
- Nhu cầu về nhận thức (cognitive needs)
- Nhu cầu về thẩm mỹ (aesthetic needs)
- Nhu cầu được thể hiện mình (self-actualizing needs)
- Sự siêu nghiệm (transcendence)
Hệ thống cấp bậc nhu cầu của Maslow thường được thể hiện dưới dạng một hình kim tự tháp, các nhu cầu ở bậc thấp thì càng xếp phía dưới.


Lý thuyết Thang bậc nhu cầu (Maslow’s Hierarchy of Needs) và các ứng dụng của nó trong đời sống và giáo dục.(tt)

Giải thích và phân tích

Maslow’s Hierarchy of Needs



Trong bài viết này, chúng tôi sẽ sử dụng phiên bản 5 bậc để phân tích và giải thích các hành động trong cuộc sống và giáo dục.

1. Nhu cầu cơ bản (basic needs):

Nhu cầu này còn được gọi là nhu cầu của cơ thể (body needs) hoặc nhu cầu sinh lý (physiological needs), bao gồm các nhu cầu cơ bản của con người như ăn, uống, ngủ, không khí để thở, tình dục, các nhu cầu làm cho con người thoải mái,…đây là những nhu cầu cơ bản nhất và mạnh nhất của con người. Trong hình kim tự tháp, chúng ta thấy những nhu cầu này được xếp vào bậc thấp nhất: bậc cơ bản nhất.

Maslow cho rằng, những nhu cầu ở mức độ cao hơn sẽ không xuất hiện trừ khi những nhu cầu cơ bản này được thỏa mãn và những nhu cầu cơ bản này sẽ chế ngự, hối thúc, giục giã một người hành động khi nhu cầu cơ bản này chưa đạt được.

Ông bà ta cũng đã sớm nhận ra điều này khi cho rằng: “Có thực mới vực được đạo”, cần phải được ăn uống, đáp ứng nhu cầu cơ bản để có thể hoạt động, vươn tới nhu cầu cao hơn.

Chúng ta có thể kiểm chứng dễ dàng điều này khi cơ thể không khỏe mạnh, đói khát hoặc bệnh tật, lúc ấy, các nhu cầu khác chỉ còn là thứ yếu.

Sự phản đối của công nhân, nhân viên khi đồng lương không đủ nuôi sống họ cũng thể hiện việc đáp ứng các yêu cầu cơ bản cần phải được thực hiện ưu tiên.

2. Nhu cầu về an toàn, an ninh (safety, security needs):

Khi con người đã được đáp ứng các nhu cầu cơ bản, tức các nhu cầu này không còn điều khiển suy nghĩ và hành động của họ nữa, họ sẽ cần gì tiếp theo? Khi đó các nhu cầu về an toàn, an ninh sẽ bắt đầu được kích hoạt. Nhu cầu an toàn và an ninh này thể hiện trong cả thể chất lẫn tinh thần.

Con người mong muốn có sự bảo vệ cho sự sống còn của mình khỏi các nguy hiểm. Nhu cầu này sẽ trở thành động cơ hoạt động trong các trường hợp khẩn cấp, nguy khốn đến tính mạng như chiến tranh, thiên tai, gặp thú dữ,…. Trẻ con thường hay biểu lộ sự thiếu cảm giác an toàn khi bứt rứt, khóc đòi cha mẹ, mong muốn được vỗ về.

Nhu cầu này cũng thường được khẳng định thông qua các mong muốn về sự ổn định trong cuộc sống, được sống trong các khu phố an ninh, sống trong xã hội có pháp luật, có nhà cửa để ở,…Nhiều người tìm đến sự che chở bởi các niềm tin tôn giáo, triết học cũng là do nhu cầu an toàn này, đây chính là việc tìm kiếm sự an toàn về mặt tinh thần.

Các chế độ bảo hiểm xã hội, các chế độ khi về hưu, các kế hoạch để dành tiết kiệm, …cũng chính là thể hiện sự đáp ứng nhu cầu an toàn này.
* Thông qua việc nghiên cứu 2 cấp bậc nhu cầu trên chúng ta có thể thấy nhiều điều thú vị:

- Muốn kìm hãm hay chặn đứng sự phát triển của một người nào đó, cách cơ bản nhất là tấn công vào các nhu cầu bậc thấp của họ. Nhiều người làm việc chịu đựng các đòi hỏi vô lý, các bất công, vì họ sợ bị mất việc làm, không có tiền nuôi bản thân và gia đình, họ muốn được yên thân,…

- Muốn một người phát triển ở mức độ cao thì phải đáp ứng các nhu cầu bậc thấp của họ trước: đồng lương tốt, chế độ đãi ngộ hợp lý, nhà cửa ổn định,…Chẳng phải ông bà chúng ta đã nói: “An cư mới lạc nghiệp” hay sao?

- Một đứa trẻ đói khát cùng cực thì không thể học tốt, một đứa trẻ bị stress thì không thể học hành, một đứa trẻ bị sợ hãi, bị đe dọa thì càng không thể học. Lúc này, các nhu cầu cơ bản, an toàn, an ninh được kích hoạt và nó chiếm quyền ưu tiên so với các nhu cầu học hành. Các nghiên cứu về não bộ cho thấy, trong các trường hợp bị sợ hãi, bị đe doạ về mặt tinh thần và thể xác, não người tiết ra các hóa chất ngăn cản các quá trình suy nghĩ, học tập.


3. Nhu cầu về xã hội (social needs):

Nhu cầu này còn được gọi là nhu cầu mong muốn thuộc về một bộ phận, một tổ chức nào đó (belonging needs) hoặc nhu cầu về tình cảm, tình thương (needs of love). Nhu cầu này thể hiện qua quá trình giao tiếp như việc tìm kiếm, kết bạn, tìm người yêu, lập gia đình, tham gia một cộng đồng nào đó, đi làm việc, đi chơi picnic, tham gia các câu lạc bộ, làm việc nhóm, …

Nhu cầu này là một dấu vết của bản chất sống theo bầy đàn của loài người chúng ta từ buổi bình minh của nhân loại. Mặc dù, Maslow xếp nhu cầu này sau 2 nhu cầu phía trên, nhưng ông nhấn mạnh rằng nếu nhu cầu này không được thoả mãn, đáp ứng, nó có thể gây ra các bệnh trầm trọng về tinh thần, thần kinh. Nhiều nghiên cứu gần đây cũng cho thấy, những người sống độc thân thường hay mắc các bệnh về tiêu hóa, thần kinh, hô hấp hơn những người sống với gia đình. Chúng ta cũng biết rõ rằng: sự cô đơn có thể dễ dàng giết chết con người. Nhiều em ở độ tuổi mới lớn đã lựa chọn con đường từ bỏ thế giới này với lý do: “Những người xung quanh, không có ai hiểu con!”.

Để đáp ứng cấp bậc nhu cầu thứ 3 này, nhiều công ty đã tổ chức cho các nhân viên có các buổi cắm trại ngoài trời, cùng chơi chung các trò chơi tập thể, nhà trường áp dụng các phương pháp làm việc theo nhóm, các phương pháp giảng dạy dựa trên vấn đề, các tổ chức Đoàn, Đội trong nhà trường được giao trách nhiệm tập hợp các em, định hướng các em vào những hoạt động bổ ích. Các kết quả cho thấy: các hoạt động chung, hoạt động ngoài trời đem lại kết quả tốt cho tinh thần và hiệu suất cho công việc được nâng cao.

Kinh nghiệm giảng dạy của nhiều giáo viên cũng đưa đến kết luận: phần lớn các em học sinh sống trong các gia đình hay bất hòa, vợ chồng lục đục, thiếu quan tâm, tình thương của gia đình thường có kết quả học tập không cao như các em học sinh khác.


4. Nhu cầu về được quý trọng (esteem needs):

(GVO) - Nhu cầu này còn được gọi là nhu cầu tự trọng (self esteem needs) vì nó thể hiện 2 cấp độ: nhu cầu được người khác quý mến, nể trọng thông qua các thành quả của bản thân, và nhu cầu cảm nhận, quý trọng chính bản thân, danh tiếng của mình, có lòng tự trọng, sự tự tin vào khả năng của bản thân. Sự đáp ứng và đạt được nhu cầu này có thể khiến cho một đứa trẻ học tập tích cực hơn, một người trưởng thành cảm thấy tự do hơn.

Chúng ta thường thấy trong công việc hoặc cuộc sống, khi một người được khích lệ, tưởng thưởng về thành quả lao động của mình, họ sẵn sàng làm việc hăng say hơn, hiệu quả hơn. Nhu cầu này được xếp sau nhu cầu “thuộc về một tổ chức”, nhu cầu xã hội phía trên. Sau khi đã gia nhập một tổ chức, một đội nhóm, chúng ta luôn muốn được mọi người trong nhóm nể trọng, quý đấu để cảm thấy mình có “vị trí” trong nhóm đó.

Kinh nghiệm giáo dục cũng chỉ ra rằng: các hành động bêu xấu học sinh trước lớp, cho các học sinh khác “lêu lêu” một em học sinh bị phạm lỗi,… chỉ dẫn đến những hậu quả tồi tệ hơn về mặt giáo dục, tâm lý.

“Nhà sư phạm lỗi lạc Makarenko trong suốt cuộc đời dạy dỗ trẻ em hư, khi được hỏi bí quyết nào để sửa trị các em, ông nói “Tôi chỉ đúc kết trong một công thức ngắn gọn:

Tôn trọng và yêu cầu cao

Bản chất tâm lý con người ai cũng muốn được tôn trọng, chạm đến lòng tự trọng là chạm đến điều sâu và đau nhất, là điểm tử huyệt nhất của con người (cho dù đó là đứa trẻ khó dạy, chưa ngoan).

Chỉ tôn trọng mà không yêu cầu là không ổn. Khi được tôn trọng là đã cho con người ở đúng vị trí “Người” nhất của mình. Do vậy, cần có trách nhiệm buộc phải sống và hành xử đúng đắn với sự tôn trọng đó.””




5. Nhu cầu được thể hiện mình (self-actualizing needs):

Khi nghe về nhu cầu này: “thể hiện mình” chúng ta khoan vội gán cho nó ý nghĩa tiêu cực. Không phải ngẫu nhiên mà nhu cầu này được xếp đặt ở mức độ cao nhất. “Thể hiện mình” không đơn giản có nghĩa là nhuộm tóc lòe lẹt, hút thuốc phì phèo, “xổ nho” khắp nơi, nói năng khệnh khạng, …
Maslow mô tả nhu cầu này như sau: “self-actualization as a person's need to be and do that which the person was “born to do”” (nhu cầu của một cá nhân mong muốn được là chính mình, được làm những cái mà mình “sinh ra để làm”). Nói một cách đơn giản hơn, đây chính là nhu cầu được sử dụng hết khả năng, tiềm năng của mình để tự khẳng định mình, để làm việc, đạt các thành quả trong xã hội.

Chúng ta có thể thấy nhiều người xung quanh mình, khi đã đi đến đoạn cuối của sự nghiệp thì lại luôn hối tiếc vì mình đã không được làm việc đúng như khả năng, mong ước của mình. Hoặc có nhiều trường hợp, một người đang giữ một vị trí lương cao trong một công ty, lại vẫn dứt áo ra đi vì muốn thực hiện các công việc mà mình mong muốn, cái công việc mà Maslow đã nói “born to do”.Đó chính là việc đi tìm kiếm các cách thức mà năng lực, trí tuệ, khả năng của mình được phát huy và mình cảm thấy hài lòng về nó.

Nhu cầu này cũng chính là mục tiêu cao nhất mà giáo dục hiện đại nhắm đến. Trong báo cáo của Unesco Learning: the Treasure Within, vấn đề học tập đã được mô tả qua 4 trụ cột của giáo dục (The Four Pillars of Education):

- Learning to know : Học để biết ;
- Learning to do : Học để làm ;
- Learning to live together : Học để chung sống ;
- Learning to be : Học để tự khẳng định mình.

Kết luận

Thông qua lý thuyết về Thang bậc nhu cầu được đề xướng bởi nhà tâm lý học Abraham Maslow, mỗi người trong chúng ta có thể rút ra nhiều điều thú vị về những nhu cầu, giá trị trong cuộc sống, tìm hiểu các khó khăn mà học sinh gặp phải, các phương thức cần thiết để giáo dục hiệu quả.

Cũng giống như bao lý thuyết khác, lý thuyết này dĩ nhiên không phải là một sự tuyệt đối hóa và toàn vẹn, nó cũng nhận được nhiều ý kiến trái ngược và phản bác. Tuy nhiên, hơn 60 năm qua, lý thuyết vẫn được nhắc đến và sử dụng rộng rãi.

Nguồn giaovien.net

23.12.11

Hiệu ứng kẻ ngoài cuộc

Phanblogs3h15 sáng ngày 13 tháng 3 năm 1964, Catherine Susan "Kitty" Genovese rời công việc ở quán bar và trở về căn hộ của mình tại Queens, thành phố New York (Mỹ). Sau khi rời bãi đậu xe và tiến về khu chung cư, cô bị Winston Moseley tấn công bằng dao. Kitty vừa chạy vừa la hét cầu cứu. Một người từ khu tập thể la lớn từ cửa sổ: “Để cô ta yên!” khiến Moseley bỏ chạy thoát thân. Genovese lê bước về phía cửa sau khu chung cư và ngã gục vì trọng thương. Tên sát nhân vòng xe quanh khu chung cư và trông thấy Genovese. Nhân lúc khu vực vắng vẻ, hắn đã hãm hiếp cô gái và tiếp tục đâm cô đến chết. Hai tuần sau, thời báo Times đưa tin về vụ việc với tiêu đề: “38 người nhìn thấy vụ sát nhân mà không báo cảnh sát!”

bystandereffect

Mới đây, 5h30 ngày 13 tháng 10 năm 2011, bé Tiểu Duyệt đã bị một xe van cán khi đang chơi trên con đường của khu chợ bố mẹ em làm việc tại thành phố Phật Sơn (Trung Quốc). Đoạn video lấy từ máy quay an ninh cho thấy trong 7 phút ngắn ngủi sau khi tài xế chiếc xe đâm và chạy cán qua cô bé, tổng cộng có 18 người đi bộ lẫn chạy xe qua con đường này mà không ngó ngàng gì tới cô bé nhỏ đang nằm trong vũng máu. Tiểu Duyệt tiếp tục bị một chiếc xe hơi cán lần nữa. Sáng hôm sau, hàng trăm bài báo xuất hiện và đặt vấn đề về "sự vô cảm" của xã hội Trung Quốc.

Nhiều người khi đọc những bài báo này, ngay cả bản thân người viết, cũng đã bức xúc và chỉ trích những người ngoài cuộc trên: “Những người hàng xóm đó thật quá nhẫn tâm!”, “Mấy chuyện đó chỉ có thể xảy ra ở New York thôi!”, “Nếu tôi ở đó chắc chắn tôi đã giúp cô bé hoặc kêu gọi giúp đỡ rồi!”, “Xã hội Trung Quốc càng ngày càng suy đồi!” Thế nhưng thật sự liệu chúng ta có sẵn sàng giúp đỡ nếu như bị đặt vào hoàn cảnh đó không?

Hiệu ứng “kẻ ngoài cuộc”

Sau vụ án Genovese, Bibb Latané và John Darley, hai nhà tâm lí học xã hội tại New York đã tái hiện hoàn cảnh tương tự của vụ án Genovese (1970). Một nhóm sinh viên được phân vào nhiều phòng khác nhau và đàm thoại về chủ đề cuộc sống đại học qua hệ thống điện thoại nội bộ. Đường truyền chỉ cho phép một người nói trong khi những người còn lại lắng và lượt nói sẽ được thay đổi theo thứ tự. Trong lúc diễn ra cuộc đàm thoại, một sinh viên than thở về những triệu chứng của căn bệnh co giật tái phát nặng hơn vì áp lực đại học. Một lát sau khi tới lượt mình lần nữa, sinh viên đó đột ngột thể hiện những triệu chứng co giật: anh ta lắp bắp, khóc lóc cầu cứu như bị ngạt thở, và cuối cùng im lặng.

Trong cuộc thí nghiệm này, thật ra chỉ có một sinh viên tham gia vào cuộc trò chuyện qua đường dây điện thoại. Giọng nói của những sinh viên khác và cả sinh viên bị co giật đều đã được ghi âm từ trước. Mục đích của cuộc thí nghiệm là kiểm tra xem sinh viên duy nhất này liệu có chạy ra khỏi căn phòng và tìm kiếm người bị co giật để cứu giúp, hay chỉ ngồi đó và không làm gì cả như những người trong căn hộ chung cư của Kitty Genevose. Đúng như Latané và Darley dự đoán, hành động của các sinh viên phụ thuộc vào số lượng người mà họ nghĩ là đang tham gia thí nghiệm cùng họ. Nếu họ biết rằng không có ai khác tham gia cuộc thí nghiệm, phần lớn nhanh chóng tìm cách giúp đỡ người bị nạn. Thí nghiệm này được lặp lại và kiểm chứng tại nhiều nơi, trong phòng thí nghiệm lẫn ngoài thực tế. Tất cả đều đưa ra cùng một kết luận: Số người ngoài cuộc cùng chứng kiến một tình trạng khẩn cấp càng nhiều thì khả năng một trong số những người đó giúp đỡ nạn nhân càng ít. Hiện tượng này được gọi là “hiệu ứng kẻ ngoài cuộc” (bystander effect).

Latané và Darley miêu tả các bước mà một người ngoài cuộc quyết định có nên xen vào một tình huống nguy cấp hay không. 

  • Bước 1: Phát hiện tình huống
Nếu như bạn đang vội chạy đến trường thi vì sợ trễ giờ, có khả năng bạn sẽ không để ý một người đang bất tỉnh giữa đường. Bài viết trước của VIET Psychology đã nhắc tới sự vội vã là một yếu tố quyết định khả năng người qua đường có để ý mà giúp đỡ người bị nạn hay không. Khi một người đang trong trạng thái cực vội vàng, anh ta sẽ không có đủ thời gian đánh giá mức độ nghiêm trọng của tình huống đối với một người khác. Chính vì vậy, khi con người đang di chuyển vội vàng, có khả năng rất cao họ sẽ không thể giúp đỡ một người đang gặp nạn.
  • Bước 2: Quyết định sự khẩn cấp của tình huống
Ngay cả khi chúng ta nhìn thấy một người bị ngã trên đường, chúng ta có thể cảm thấy không cần giúp đỡ.  Liệu một người ngã gục bên vệ đường vì say rượu hay vì lên cơn bệnh? Liệu tiếng hét chúng ta nghe thấy là từ một dân chơi đang phấn khích trong vũ trường hay từ một người đang bị tấn công? Nếu chúng ta cho rằng không có gì có dấu hiệu khẩn cấp, chúng ta sẽ không tìm cách giúp đỡ. Một trong những người qua đường trong sự kiện bé Duyệt Duyệt đã bày tỏ rằng cô chỉ đơn giản nghĩ em bé đang chơi đùa và bị ngã chứ không ngờ sự việc lại nghiêm trọng như vậy. Kết luận về độ khẩn cấp của tình huống sẽ quyết định việc chúng ta có giúp đỡ người khác trong tình huống hay không.

Đặc biệt, khi có nhiều người khác cùng chứng kiến sự việc, chúng ta dễ mặc niệm một tình huống khẩn cấp là vô hại, nhất là khi tình huống đó rất mơ hồ. Latané và Darley đã làm một thí nghiệm để làm sáng tỏ nhận định này. Trong lúc để người tham gia điền vào một bản câu hỏi trong một căn phòng kín, họ đã nhả khói trắng vào căn phòng này qua một lỗ nhỏ. Nếu bạn ở trong tình huống này, ắt hẳn bạn sẽ nghĩ cần thoát khỏi căn phòng càng sớm càng tốt. Thế nhưng, kết quả của thí nghiệm cho thấy: khi chỉ có một mình trong căn phòng,75% người sẽ thoát khỏi phòng trong phòng 6 phút. Trong khi đó, nếu có 3 người trong phòng, chỉ có 38% xảy ra cơ hội sẽ có ít nhất một người thoát khỏi phòn. Thậm chí, trong nhiều nhóm, khi một người thoát khỏi phòng, hai người còn lại vẫn tiếp tục thản nhiên ngồi điền bản trắc nghiệm và dùng tay quạt khói. Họ bị làm sao vậy?

Điều này có thể được giải thích rằng quá trình nhận thức của chúng ta chịu ảnh hưởng lớn từ xã hội. Chúng ta thường quan sát hành động của những người xung quanh như một nguồn gợi ý để quyết định hành động của bản thân, đặc biệt là trong trường hợp chúng ta không biết rõ điều gì đang xảy ra. Chúng ta cho rằng không có gì đáng lo trong một tình huống khẩn cấp nếu những người xung quanh không tỏ vẻ lo lắng, nhưng thật sự, chúnh những người đó cũng đang dựa vào ta để phát xét tình hình. Hiện tượng này được gọi là “sự đa vô cảm” (pluralistic ignorance). Một vài người ở chung cư của Genovese, vì không nghe thấy tiếng kêu gọi giúp đỡ nào khác và cửa sổ đóng kín do thời tiết lạnh, cũng chỉ nghe tiếng hét của Genovese một cách loáng thoáng và cho rằng tiếng động đó đến từ một cặp vợ chồng đang tranh cãi và vì vậy phán xét tình huống không có gì quá nghiêm trọng.
  • Bước 3: Nhận lấy trách nhiệm
Thế nhưng rõ ràng có những người hàng xóm ắt hẳn đã biết Genovese rơi vào tình huống khẩn cấp và cần sự giúp đỡ. Việc họ không trực tiếp giúp đỡ là do họ cho rằng chắc chắn đã có những người khác giúp đỡ hay việc giúp đỡ là nhiệm vụ của người khác. Đây là khái niệm “phân tán trách nhiệm” (diffusion of responsibility). Tinh thần trách nhiệm của người ngoài cuộc giảm khi số người cùng chứng kiến sự việc khẩn cấp tăng. Những người xung quanh lo ngại sự nguy hiểm hoặc sự chê cười, nhất là khi tình huống quá mơ hồ và họ không biết chắc đã có người nào đã can thiệp chưa. Họ hoàn toàn không muốn trở thành những "Lục Vân Tiên thời hiện đại gặp nạn".

Trong thí nghiệm về tình huống người sinh viên co giật, khi người sinh viên thật sự tham gia cho rằng chỉ có họ có mặt tại hiện trường, phần lớn họ sẽ tìm cách cứu nạn nhân chỉ trong vài phút. Thế nhưng khi sinh viên này được thông báo có nhiều sinh viên tham gia thí nghiệm cùng lúc và vì không thể nghe thấy giọng những người còn lại nên người sinh viên rất ngần ngại trong việc rời bỏ căn phòng, vì việc rời bỏ đồng nghĩa với việc sinh viên này phá hỏng cuộc thí nghiệm và có thể chịu trách nhiệm bồi thường. Những người hàng xóm trong vụ án Genovese cũng mặc niệm sai lầm ắt hẳn đã có một người ngăn cản tên sát nhân hoặc la lên cầu cứu trước đó nên họ không cần trực tiếp tham gia giúp đỡ.
  • Bước 4: Quyết định giúp đỡ.
Chúng ta quyết định không can thiệp vào tình huống vì hiểu rõ bản thân không đủ kiến thức hoặc khả năng để đưa ra sự giúp đỡ phù hợp. Nếu người phụ nữ cảm thấy đau ở ngực, chúng ta có thể không biết cách sơ cấp cứu, hoặc sợ làm sai một bước nào đó, hoặc sợ bị vạ lây. Đây chính là một trong những lời giải thích về việc không can thiệp của người qua đường trong tình huống của bé Duyệt Duyệt. Họ có thể liên hệ đến “Hiệu ứng Bành Vũ” sự kiện một người đàn ông giúp đỡ một bà lão bị té trên đường, cuối cùng bị bà lão đổ tội xô ngã và thắng kiện anh ta với số tiền tương đương bảy ngàn đô-la!

Ngay cả khi đó không phải là một tình huống khẩn cấp, chúng ta vẫn không cảm thấy mình cần giúp đỡ người khác khi đặt trong bối cảnh một đám đông. Latané và Darley đã thí nghiệm điều này bằng cách đặt một câu hỏi đơn giản trong một “chat room” (nơi một nhóm nhiều hơn hai người cùng tham gia trò chuyện qua Internet bằng cách gõ chữ trên máy tính): “Ai đó làm ơn chỉ tôi làm thế nào nhìn thấy trang cá nhân của một người?” (ND: Lúc bấy giờ, trang cá nhân- profile- ở đây là một công cụ mà chat room cung cấp một bản giới thiệu ngắn về từng người trong nhóm chat đó). Latané và Darley đặt câu hỏi chung chung cho toàn nhóm hoặc chỉ định ngẫu nhiên một người nào đó. Kết quả là càng nhiều người trong nhóm chat thì thời gian nhận được câu trả lời càng dài. Thế nhưng khi một người ngẫu nhiên được hỏi tới, người ấy trả lời câu hỏi rất nhanh chóng mặc cho số lượng người trong nhóm chat là ít hay nhiều.

Bài học về sự giúp đỡ

Rất nhiều bài báo về sự kiện Genovese đã chỉ trích, thậm chí làm quá lên số người thật sự nghe thấy lời cầu cứu của Genovese (“38”, “hàng chục người” thay vì chỉ có 12 người). Rất nhiều chi tiết đã bị thay đổi bởi giới truyền thông nhằm câu khách khiến cho vụ án của Genovese vẫn còn gây nhiều tranh cãi. Trường hợp của Genevose cũng được đưa vào sách Tâm lí học của mọi thời đại như một ví dụ điển hình cho hiện tượng “kẻ ngoài cuộc". Nhân sự kiện của bé Duyệt Duyệt, nhiều người cũng đã tranh thủ a dua theo giới truyền thông mà lên án sự suy thoái đạo đức của người dân Trung Quốc. Thế nhưng, khi phân tích hoặc đánh giá một sự việc nào đó, chúng ta không nên chỉ tập trung vào vai trò của cá nhân mà quên đi hoàn cảnh.  

Nhận thức về những lí do một người không muốn hoặc không thể can thiệp trong một tình huống khẩn cấp chính là nỗ lực đầu tiên để giúp đỡ người khác hiệu quả hơn trong các tình huống khẩn cấp. Cách đây không lâu tại Đại học Vassar (Mỹ), nhiều học sinh nhìn thấy một người bị tấn công bởi một tên cướp và đã không hành động gì cả. Một sinh viên duy nhất đã vội vàng gọi ngay cho cảnh sát vì cô ấy nhớ lại sự kiện Genovese cùng hiện tượng “kẻ ngoài cuộc” từ lớp tâm lí và không muốn một tai nạn thương tâm như thế xảy ra lần nữ.

Nếu như bạn nhìn thấy một người bị tai nạn và đám đông đang bu quanh chỉ biết nhìn, đừng ngần ngại, hãy cố gắng thực hiện các bước sau: 
  1. Hỏi những người bên cạnh xem họ có biết chuyện gì đã xảy ra không
  2. Hãy cụ thể hóa trong những lời kêu gọi sự giúp đỡ của mình: nêu rõ nên làm những bước gì, ví dụ: "Gọi xe cấp cứu!", "Lấy băng y tế!" thay vì: "Mọi người cùng giúp nào!" hay chỉ thực hiện ngay hành động cứu giúp và quên mất đám đông xung quanh.
  3. Hãy chỉ định ngẫu nhiên một người: “Chị áo xanh kia giúp tôi gọi xe cấp cứu được không?” thay vì nói với đám đông: “Ai đó giúp tôi với nào?”. Khi có một người trong đám đông mạnh dạn tham gia vào tình huống, những e dè hay những rào cản tâm lý sẽ bị phá bỏ khiến nhiều người tham gia giúp đỡ trong tình huống hơn.
Để tránh tình trạng người dân chỉ biết than thở về một xã hội suy đồi hay về những con người vô lương tâm, xã hội nên chú ý hơn về việc thay đổi luật bảo vệ người giúp đỡ, hoặc tuyên truyền mạnh mẽ về cách giúp đỡ người bị nạn trong tình huống khẩn cấp. Quan trọng hơn, xã hội cũng nên đưa vào giáo dục những bài học về sự thương cảm (empathy) vì đó là nguồn gốc duy nhất cho bản năng cứu người vô điều kiện. Chỉ khi tất cả mọi người thật sự cảm thấy chia sẻ được nỗi đau của người khác, họ mới có thể yên tâm sống trong một thế giới mà không ai có thể bỏ rơi mình trong cơn hoạn nạn.

Tham khảo
Social Psychology by Elliot Aronson, Timothy D. Wilson, Robin M. Akert. 
Wikipedia: "Bystander Effect"

Ngoc T