Search

7.8.09

Nhìn thấy chữ SEX em nghĩ tới chuyện gì ?


Sáu năm trước, một bà mẹ người Hoa đem đứa con trai vừa tròn 9 tuổi của mình đến nước Mỹ định cư tại New York. Đây là một thành phố đầy rẫy màu sắc tình ái nhục dục. Chưa cần nói phố 42 khu Manhattan có cả một khu phố đèn đỏ nổi tiếng bất hảo, mà riêng chuyện đứa trẻ ngày ngày đến trường phải đi qua một loạt cửa hiệu bán đồ chơi tình dục (sextoy) đã đủ làm cho bà mẹ ấy hết sức lo lắng. Trong hoàn cảnh như vậy, cháu bé 9 tuổi kia khi lớn lên trên đất Mỹ đã nhận được sự giáo dục giới tính ra sao ? Hãy nghe chính bà mẹ kể lại.

Cấp tiểu học: Nhận thức chính mình

Một hôm con trai tôi đi học về. Như thường lệ, tôi mở vòi nước vào đầy bồn tắm để chuẩn bị tắm cho cháu. Chẳng ngờ cháu lại nói: “Mẹ ơi, từ nay trở đi không cần mẹ tắm cho con nữa đâu!” “Sao thế?” – tôi cười hỏi lại. “Giáo viên môn sinh lý bảo, vì con là nam giới nên con không được tùy tiện để cho mẹ nhìn thấy cái penis (1) của mình!”



Trời ơi, thằng nhóc học được ở đâu thứ lý luận kỳ quặc như vậy nhỉ! Tôi vừa bực mình vừa buồn cười: “Vũ này, con còn bé, mẹ tắm cho con là chuyện rất bình thường thôi mà.” Nói đoạn tôi vừa vỗ về vừa định giúp cháu cởi quần lót. Ai ngờ cháu gạt tay tôi ra và hét to: “Mẹ đừng chạm vào người con, con cũng có cái riêng tư của mình chứ!”
Thấy thái độ cháu rất nghiêm chỉnh, tôi đành thôi, trong bụng thầm trách các thầy cô giáo ở trường cháu đã “bé xé ra to” cái chuyện vớ vẩn này.
Tối hôm ấy tôi lựa lời hỏi Vũ xem giáo viên môn sinh lý đã nói gì trên lớp. Câu trả lời của cháu làm tôi há hốc miệng kinh ngạc. Thì ra giáo viên đã cho học sinh cả lớp xem các tranh vẽ đàn ông đàn bà khỏa thân để chúng hiểu được sự khác biệt rõ rệt nhất về sinh lý giữa nam với nữ là ở bộ phận sinh dục. Thằng bé nhìn tôi đàng hoàng nói: “Thầy giáo nói rồi, penis của con trai và vulva (2) của con gái đều thuộc vào những thứ riêng tư kín đáo của một người, không được để bất cứ ai nhìn thấy hoặc sờ vào, trừ thầy thuốc.”
Khi nói câu ấy, vẻ mặt cháu tỉnh bơ hoàn toàn không ngượng nghịu chút nào. Điều khiến tôi không ngờ tới là chẳng những cháu đã biết các kiến thức sinh lý như sự trưởng thành phát dục của cơ thể, quá trình phụ nữ mang thai và sinh đẻ, mà thằng bé chưa đầy 10 tuổi này thậm chí còn chuyển đề tài, nói về sự quý giá của sinh mệnh và tính chất quan trọng của tình bạn nam nữ. Xem ra giáo dục vỡ lòng về giới tính người Mỹ dạy cho trẻ em còn lồng ghép cả nội dung giáo dục tính người: Biết quý trọng mạng sống và yêu quý người khác giới.

Cấp trung học cơ sở: Trực diện và hướng dẫn
Một hôm cháu Vũ mang về một bản thông báo của nhà trường cho biết cuối tuần này ở trường có một buổi lên lớp về kiến thức giới và tình dục, nội dung gồm việc tránh thai và đề phòng bệnh đường sinh dục. Bản thông báo ghi rõ: Nếu phụ huynh không đồng ý cho con em mình dự buổi học này thì phải ký tên vào một giấy trả lời nhà trường, sau này nếu trẻ xảy ra các hiện tượng như phá thai, mắc bệnh AIDS... thì phụ huynh không được trách nhà trường chưa dạy các em biết việc đó. Cuối bản thông báo viết, nhà trường hoan nghênh phụ huynh tới bàng thính giờ dạy về giới tính và tình dục. Do lâu nay đã muốn đến trường con mình học để "trinh sát" tình hình nên dĩ nhiên tôi không bỏ lỡ dịp này.

Tôi đến trường, mang theo tâm trạng cho rằng giờ học kiến thức về sex chắc hẳn sẽ có không khí nghiêm trang và gò bó, ai ngờ thực tế lại không thế. Giờ học bắt đầu, cô giáo trẻ và xinh đẹp lấy phấn viết lên bảng chữ “SEX” to đùng. Sau đó cô mỉm cười nói với toàn thể học sinh: “Bây giờ cô hỏi các em nhé, khi nhìn thấy chữ SEX này các em nghĩ tới chuyện gì nào?”








Tôi thật chẳng ngờ giáo viên lại đi hỏi lũ con nít một vấn đề vớ vẩn như thế.
Một em trai tóc xoăn phát biểu đầu tiên: “Sex khiến em nghĩ đến chuyện di tinh ạ.” Lập tức trong lớp có tiếng cười rì rầm.
Một em gái hơi có vẻ ngượng ngập nhỏ nhẹ nói: “Sex khiến em nghĩ tới chuyện mang thai ạ.” Mấy bạn khác bụm miệng cười.
Một học sinh gốc châu Á tóc đen bất ngờ thốt lên một câu: “Thưa cô, sex khiến em nghĩ đến chuyện làm tình ạ!”
Lũ trẻ bỗng nhốn nháo, rì rầm xì xào, nhiều em gái đỏ mặt.
Lúc ấy một em trai da đen thân hình cường tráng nói với giọng ồm ồm: “Sex khiến em nghĩ tới người đàn bà không mặc quần áo gì cả ạ ...” Câu nói vừa dứt, các học sinh khác cười toáng lên, có mấy em ném bút và vở về phía bạn ấy. Lớp học như nổ tung, lũ trẻ cười ha hả khoái chí lắm.
Các em học sinh tiếp tục thoải mái phát biểu. Lũ trẻ có sức tưởng tượng thật là phong phú. Cô giáo liên tiếp viết lên bảng những từ: “Làm tình, dáng điệu, phá thai, hôn, gợi dục ...” Một số từ ngữ bình thường ngay cả người lớn cũng khó nói ra miệng, thế mà lũ trẻ lại nói thoải mái, hoàn toàn không thấy có ý nghĩa xấu hổ, tục tĩu.
Sau khi cả lớp yên tĩnh trở lại, cô giáo nhìn lên tấm bảng đen đầy chữ rồi chau mày nói: “Các em phát biểu nhiều thế mà vẫn còn sót mất một từ có vô vàn mối quan hệ chằng chịt với sex ...”
Lũ trẻ thì thầm rì rầm bàn tán với nhau, suy nghĩ, phỏng đoán. Lát sau, cô giáo lẳng lặng quay người, ấn mạnh viên phấn lên bảng, viết nắn nót từ “LOVE” !
Lớp học bỗng dưng im phăng phắc.
“Tình yêu!”, cô giáo nói với giọng chan chứa xúc cảm, “Tình yêu – đó là tình cảm thuần khiết thiêng liêng nhất, cao cả nhất giữa hai giới tính. Sex không có tình yêu thì chỉ là cái xác không hồn! Người ta có khi bàn tán om xòm về nhục cảm, khoái cảm nhưng lại bỏ quên mất một điều: Sex cần phải có tiền đề là Yêu. Trong đời sống, những hiện tượng như có thai ở tuổi vị thành niên, phá thai, mắc bệnh đường sinh dục ... thông thường là do các hành vi tình dục vô trách nhiệm gây ra ...”
Lời cô giáo nói tràn đầy sức truyền cảm. Lũ trẻ vừa nãy cười sặc sụa bây giờ đều trở nên nghiêm chỉnh, trang trọng.
Tiếp đó cô giáo nói cho các em học sinh biết, quan hệ tình dục không có gì là đê tiện hèn hạ, cũng chẳng có tính phạm tội; nó là mối quan hệ tự nhiên, đẹp đẽ; nhưng học sinh trung học nếu quá sớm bước vào đời sống tình dục thì sẽ không có lợi cho sức khỏe và việc học hành; để xảy ra mang thai ngoài ý muốn và phá thai là điều vô cùng đau khổ.


Sau cùng, cô giáo chiếu lên màn hình một đĩa CD giới thiệu các phương pháp tránh thai. Lũ trẻ đón xem với thái độ đặc biệt nghiêm chỉnh. Trông bộ dạng chăm chú của các em cứ tưởng chúng đang xem một đồ thị ba chiều trong toán học.
Sau giờ học, tôi gặp thầy giáo chủ nhiệm lớp con tôi để trao đổi ý kiến. Khi tôi hỏi cháu Vũ có chơi thân với bạn gái nào trong lớp hay không, thầy chủ nhiệm có chút ngạc nhiên: “Rất xin lỗi thưa bà, tôi chưa bao giờ hỏi học sinh những chuyện riêng tư của chúng. Con bà rất xuất sắc, nếu có em gái nào yêu nó thì cũng là chuyện rất bình thường thôi ạ.” Tôi vội giải thích là tôi lo ngại cháu yêu đương quá sớm sẽ ảnh hưởng tới việc học tập. Thầy chủ nhiệm nói liền mấy câu “No” “No”... rồi hùng hồn giảng giải: “Tình yêu sẽ làm trẻ em trở nên thông minh hơn, tự tin hơn. Trách nhiệm của phụ huynh học sinh chỉ là ở chỗ hướng dẫn cho con mình khi say sưa yêu đương phải biết cách tránh thai !”

Cấp trung học phổ thông: Thông cảm và tin nhau
Chẳng bao lâu cháu Vũ nhà tôi đã lên lớp 9. Khi thấy cháu bắt đầu mọc ria mép, tôi vừa mừng vừa lo. Mừng ở chỗ đặc trưng thứ hai về giới tính của cháu phát triển lành mạnh, mới tròn 15 tuổi cháu đã cao 1,7 mét. Lo ở chỗ văn hóa tình dục của xã hội phương Tây có tác dụng chất xúc tác đối với lũ trẻ đang ở tuổi dậy thì– nghe nói ở Mỹ hằng năm có hơn 1 triệu em gái mang thai; hiện tượng quan hệ tình dục trước hôn nhân trong nam nữ thiếu niên đã trở thành vấn nạn của xã hội.
Đúng vào lúc tôi đang lo lắng về việc liệu cháu Vũ nhà tôi có thể bình yên vượt qua thời kỳ rạo rực của tuổi thanh xuân hay không thì bỗng nhiên có tin: Theo đề án của Sở Giáo dục thành phố New York, các trường trung học công sẽ phát miễn phí bao cao su cho học sinh trung học phổ thông!
Nhiều phụ huynh người gốc Hoa rất bất mãn với đề án này. Theo tôi nghĩ, cách làm ấy chẳng khác gì sự ngầm ra hiệu hoặc dung túng cho lũ trẻ ăn vụng trái cấm.
Tôi cuống cuồng đến ngay nơi con mình học, yêu cầu nhà trường đưa ra lời giải thích biện pháp bậy bạ cung cấp bao cao su cho trẻ em.
Một giáo viên tư vấn tâm lý phụ trách công tác học sinh tiếp tôi. Xem ra bà giáo này rất hiểu nền văn hóa truyền thống của Trung Quốc, nói năng có tình có lý đâu ra đấy: “Tôi đã tiếp xúc với rất nhiều phụ huynh học sinh người gốc Hoa, nói chung họ cai quản dạy bảo con cái quá nghiêm ngặt. Việc họ khăng khăng cấm đoán tình dục là không khôn ngoan và nguy hiểm.”


Hình như phát hiện thấy tôi có chút ngạc nhiên nên bà giáo tiếp tục giải thích: “Sau khi bước sang thời kỳ dậy thì, lượng hooc-môn trong cơ thể lũ trẻ tiết ra tăng mạnh, chức năng tình dục phát triển nhanh, cộng thêm vô số tác dụng kích thích tình dục từ bên ngoài, chúng sẽ càng mạnh mẽ yêu cầu giải tỏa được hưng phấn tình dục và căng thẳng tình dục của mình; nhưng lũ trẻ lại không có điều kiện sống như người lớn, do đó nhu cầu tình dục của chúng bị ức chế, vì thế sinh ra tâm lý lo lắng bồn chồn của thời kỳ dậy thì. Xin hỏi, ai có thể bảo đảm con cái mình sẽ không vì một phút rung động nhất thời mà có hành động mất kiềm chế?”
Ngừng một lát, bà nói tiếp: “Chẳng phải người Trung Quốc các vị có câu thành ngữ phòng bệnh hơn chữa bệnh đó sao? Nhà trường cung cấp bao cao su cho các em học sinh chính là nhằm ngăn chặn hậu họa đấy, thưa bà. Bản thân bao cao su không thể làm tăng hoạt động tình dục của học sinh song lại có thể giảm bớt một cách hữu hiệu hiện tượng các em gái mang thai và sự lây lan các bệnh tình dục. Xin bà thử nói xem, chả lẽ như thế lại không tốt hay sao?”
Cuộc trao đổi ý kiến với giáo viên tư vấn tâm lý khiến tôi xúc động hồi lâu, tôi không thể không thừa nhận việc nhà trường cung cấp bao cao su thoạt xem có vẻ bậy bạ song thực ra lại tràn đầy tính người, thể hiện sự quan tâm, yêu thương của xã hội đối với lớp con trẻ.
Ít lâu sau, một lần vào ngày nghỉ cuối tuần, tôi và cháu Vũ cùng xem truyền hình. Bỗng dưng trên màn hình xuất hiện pha đặc tả cảnh hôn hít và ân ái khá lâu. Tôi bất giác chột dạ định chuyển sang kênh khác nhưng lúc ấy bộ điều khiển từ xa lại đang ở trong tay cháu. Trước cảnh hoan lạc kéo dài của đôi trai gái, tôi phát ngốt lên, đứng ngồi không yên. Liếc sang con trai thì thấy ngược lại cháu vẫn ngồi ngay ngắn, mắt không rời khỏi màn hình, chẳng hề có chút lúng túng nào sất. Nhìn bộ dạng cháu khoái chí chăm chú dán mắt vào chiếc ti-vi, tôi nghĩ bụng: “Thằng nhóc này quá chín muồi rồi đấy, xem những cảnh tình ái hot thế mà vẫn cứ điềm nhiên như không.”
“Mẹ ơi, mẹ đừng nhìn con bằng ánh mắt như thế được không? Con trai mẹ chẳng có ý nghĩ gì bậy bạ đâu ạ!” – bất ngờ thằng nhóc chọc tôi một câu.
Thấy con chủ động gợi chuyện, tôi vội nắm lấy cơ hội: “Vũ này, mẹ hỏi con nhé, con đã có bạn gái chưa đấy?” Cháu thản nhiên đáp: “Có chứ ạ, quan hệ giữa con và cô ấy còn trên cả mức bình thường nữa kia!”
Trống ngực tôi bất giác đập thình thịch. Thấy bộ dạng căng thẳng hồi hộp của tôi, nó đắc ý liếc tôi một cái rồi nói với giọng bông đùa: “Xin mẹ chớ có căng thẳng thế, con trêu mẹ tí thôi mà!”
Nói đoạn cháu đứng dậy tắt cái ti-vi rồi bất ngờ hỏi: “Mẹ ơi, mẹ xem con có sức hấp dẫn của một trang nam nhi không nào?”
Nhìn con mình đẹp trai ngời ngời, tôi cố ý chỉ cười không nói gì. Bỗng dưng cháu thốt ra một câu làm tôi vô cùng sững sờ: “Con chờ bao giờ lên đại học xong xuôi thì sẽ kiếm một cô bạn thông minh gợi cảm làm người yêu của mình. Chắc chắn cô gái ấy sẽ xuất hiện trong đời con. Vì cô ấy, bây giờ con dốc sức lao vào việc học tập, không bận tâm gì đến chuyện yêu đương. Xin bảo đảm với mẹ sau đây hai năm nữa con nhất định sẽ thi đỗ vào một trường đại học hàng đầu của nước Mỹ!”
Bất giác tôi trợn tròn mắt, thì ra con trai mình đã chín chắn hơn mình tưởng tượng rất nhiều. Trong bối cảnh nền văn hóa sex của nước Mỹ, trải qua bài học vỡ lòng về giới tính và sự giáo dục giới tính ở tuổi dậy thì, con trai tôi bây giờ đã đủ khả năng có thái độ thản nhiên như không đối với vấn đề tình dục. Sex trong lòng con tôi là một điều tự nhiên và tươi đẹp, không có chút gì thần bí và xấu hổ. Trong xã hội phương Tây đầy rẫy những quyến rũ tình ái nhục dục, con trai tôi lĩnh hội vấn đề sex bằng một trái tim bình thường, dùng ý thức giới tính lành mạnh chín muồi để kiềm chế được mọi nỗi rạo rực sinh lý ở tuổi dậy thì.
-----------------
Ghi chú: 1. Dương vật; 2. Âm hộ
Nguyễn Hải Hoành dịch
Nguồn: tạp chí Khoa học và Văn hóa số 5-2009
(Trung Quốc)

Xem bài gốc tại đây:
Giáo dục giới tính ở Mỹ (Tạp chí Tia sáng)



28.7.09

Hàn Phi Tử

HÀN PHI
Hàn Phi Tử là nhà triết học, người tập hợp các học thuyết pháp gia và là nhà tản văn nổi tiếng trong thời chiến quốc Trung Quốc . Ông đã sáng lập ra học thuyết pháp trị, trở thành cơ sở lý luận cho sự ra đời của nhà nước chế độ tập quyền trung ương chuyên chế thống nhất đầu tiên ở Trung Quốc.

Hàn Phi Tử
Hàn Phi Tử

Hàn Phi Tử sinh vào thế kỷ thứ 3 trước công nguyên, là Vương tộc nước Hàn sau thời chiến quốc. Ông nói ngọng, không có sở trường hùng biện nhưng lại rất giỏi viết lách. Lúc đó, nước Hàn ngày càng suy yếu, do yêu nước ông nhiều lần gửi sớ cho vua nước Hàn, kiến nghị biến pháp, chủ trương người thống trị cần phải lấy nước giàu binh mạnh làm nhiệm vụ trọng tâm; nhưng nhà vua không tiếp nhận kiến nghị của ông. Bởi vậy ông mới viết các bài luận văn chính trị hơn 10 vạn chữ như “nội ngoại trư thuyết” “thuyết lâm” “thuyết nan”...căn cứ theo những kinh nghiệm quản lý đất nước trong lịch sử và tình hình xã hội hiện thực, và gọi chung là sách “Hàn Phi Tử”. Những bài luận văn này của ông không được coi trọng ở nước Hàn, nhưng khi truyền đến nước Tần, một nước mạnh lúc bấy giờ thì lại được Tần Thủy Hoàng yêu chuộng. Tần Thủy Hoàng dấy binh đánh nước Hàn. Vua Hàn cử Hàn Phi Tử đi cầu hoà, Tần Thủy Hoàng liền giữ lại và chuẩn bị trọng dụng, Lý Tư làm thừa tướng nước Tần lúc đó là bạn học của Hàn Phi Tử, biết người này có tài hơn minh, ben dèm pha nói xấu với Tần Thủy Hoàng. Tần Thủy Hoàng nghe lời và đã giam Hàn Phi Tử và cho ông uống thuốc độc.


Sách Hàn Phi Tử, tác phẩm chủ yếu của Hàn Phi Tử là cuốn sách tập trung các học thuyết luật học trước Tần. Lúc bấy giờ giới tư tưởng ở Trung Quốc lấy nho giáo và Mạc gia làm đại diện, tôn sùng “Pháp tiên vương” và “Phục cổ”, học thuyết của Hàn Phi Tử kiên quyết phản đối phục cổ, chủ trương căn cứ theo tình hình thực tế. Hàn Phi Tử công kích học thuyết nho giáo “Nhân ái”, chủ tương pháp trị, đề xuất 4 chính sách trọng thưởng, trọng phạt, trọng nông và trọng chiến. Hàn Phi Tử đề xướng quyền quân thần thụ, sau nhà Tần, các ách thống trị cực quyền chủ nghĩa chuyên chế phong kiến các triều đại ở Trung Quốc được thành lập là có ảnh hưởng sâu sắc bởi học thuyết Hàn Phi Tử.

Các bài viết của Hàn Phi Tử phân tích rất sắc bén. Chẳng hạn như khi phân tích về những điều mà nhà nước có thể diệt vong ông đã nêu ra tới 47 điều, quả là điều hiếm có. Còn hai chương có tiêu đề “Nan ngôn” “thuyết nan”, ông đã phân tích một cách cặn kẽ tâm lý con người cũng như né trách những điều gây phật ý. Hàn Phi Tử còn vận dụng rất nhiều câu chuyện Ngụ ngôn và kiến thức lịch sử phong phú để làm tư liệu luận chứng, nói lên đạo lý trìu tượng, thể hiện một cách hình tượng tư tưởng luật học và những nhận biết sâu sắc của ông đối với xã hội. Trong các bài viết của ông có rất nhiều mẩu chuyện ngụ ngôn, do nội hàm phong phú, sinh động đã trở thành những điển tích truyền miệng của mọi người, đến nay vẫn được sử dụng rộng rãi. Tư tưởng chủ yếu của Hàn Phi là thuyết Pháp Trị. Không phải ông là người đầu tiên nêu lên học thuyết này mà trước đó Quản Trọng, Thương Ưởng, Thân Bất Hại đã khởi xướng học thuyết này. Tư tưởng của Hàn Phi Tử đối nghịch lại với tư tưởng của Nho giáo (vốn cho rằng để quản lý xã hội thì dùng Nhân trị và Đức trị), ông cho rằng cách tốt nhất để quản lý xã hội là dùng pháp luật: "Pháp luật không hùa theo người sang...Khi đã thi hành pháp luật thì kẻ khôn cũng không từ, kẻ dũng cũng không dám tranh. Trừng trị cái sai không tránh của kẻ đại thần, thưởng cái đúng không bỏ sót của kẻ thất phu".

Hàn Phi theo thuyết tính ác của thầy là Tuân Tử một cách triệt để, bảo không gì thân bằng tình cha con, vậy mà có nhiều người cha sinh con trai thì nuôi, sinh con gái thì giết đi, coi cái lợi của mình nặng hơn tình ruột thịt như vậy là con người bẩm sinh vốn đại ác. Do đó ông không bàn đến nhân nghĩa, cũng không trọng lễ như Tuân Tử, mà đề cao phương pháp dùng thế, dùng thuật, dùng luật của pháp gia để trị nước.

Ông chủ trương cho dân chúng tự do cạnh tranh trong phạm vi kinh tế để nước được mau giàu. Và ông tin rằng theo chính sách độc tài về chính trị, tự do về kinh tế, thì nhà vua chẳng cần làm gì, cứ ngồi ở trên kiểm soát kẻ dưới, là nước sẽ trị. Chủ trương "vô vi nhi trị" đó thực trái hẳn chủ trương của Lão Tử, Trang Tử; chính ra nó là một thứ cực hữu vi.

Hàn Phi thấy nước Hàn bị suy yếu, mấy lần viết thư dâng lên can vua Hàn, nhưng vua Hàn không dùng. Hàn Phi ghét những người trị nước không trau dồi làm cho pháp chế sáng rõ, mà muốn dùng cái thế của mình để chế ngự bầy tôi, không lo việc làm cho nước giàu, binh mạnh bằng cách tìm người xứng đáng, dùng người hiền; trái lại dùng những bọn tham nhũng, dâm loạn, sâu mọt, đặt chúng ở địa vị cao hơn những người có công lao và có thực tài. Phi cho rằng bọn nhà Nho dùng lời văn làm rối loạn luật pháp, bọn du hiệp dùng võ lực phạm đến điều ngăn cấm, gặp lúc yên ổn thì nhà vua dùng bọn ham danh, gặp lúc nguy cấp thì lại dùng kẻ sĩ mang giáp trụ. Như thế thành ra ngày nay người nhà vua nuôi lại không phải là những người nhà vua cần dùng, những người nhà vua cần dùng đều lại không phải những người nhà vua nuôi.

Thay “đức trị” bằng “pháp trị”


Trong bối cảnh phức tạp nhiều biến động lúc bấy giờ, các học thuyết như Lão gia, Nho gia… đã không giúp được xã hội thoát khỏi tình trạng rối loạn và suy sụp vì tính không tưởng và không có khả năng đáp ứng yêu cầu thời cuộc. Đạo đức và tình thương không đủ sức mạnh để lập lại trật tự xã hội.

Với tác phẩm Hàn Phi Tử, Hàn Phi đã chính thức khai sinh học thuyết pháp trị của phương Đông, đồng thời đưa ra lời giải cho bài toán lịch sử hóc búa. Hàn Phi đã kết hợp các yếu tố “thuật”, “thế”, “pháp” của Thân Bất Hại, Thận Đáo, Thương Ưởng, hoàn thiện tư tưởng pháp trị của các bậc tiền bối đã khai sinh ra nó là Quản Trọng và Tử Sản để xây dựng thành học thuyết chính trị độc lập.

Nội dung cốt lõi của học thuyết pháp trị là đề cao pháp luật với tư cách là công cụ quan trọng nhất, hữu hiệu nhất trong việc bình ổn xã hội. “Cái làm cho trị an là pháp luật, cái gây ra loạn là sự riêng tư. Pháp luật đã thiết lập rồi thì không ai có thể làm điều riêng tư được nữa”.

Hàn Phi khẳng định, việc trị nước, quản dân không thể dựa theo lễ nghi truyền thống mà phải được thực hiện trên cơ sở những đạo luật cụ thể và chặt chẽ. Bởi lẽ, “…pháp luật không hùa theo người sang… Khi đã thi hành pháp luật thì kẻ khôn cũng không thể từ, kẻ dũng cũng không dám tranh. Trừng trị cái sai không tránh kẻ đại thần, thưởng cái đúng không bỏ sót kẻ thất phu…”. 

Pháp trị là học thuyết duy nhất có sự kế thừa, hàm chứa những những yếu tố của những học thuyết khác nhiều nhất, nhờ đó tạo ra một phương thức giải quyết vững chắc, toàn vẹn và thực tế nhất trong vấn đề trị quốc: Lễ nghĩa, danh phận của Nho gia được cụ thể hoá trong pháp luật; Vô vi của Lão gia được chuyển hoá thành quan hệ biện chứng vô vi- hữu vi; Kiêm ái của Mặc gia tuy là nội dung yếm thế nhất của học thuyết pháp trị, nhưng Hàn Phi vẫn coi đây là mục đích cuối cùng của pháp luật.

Nhờ học thuyết pháp trị, Tần Thuỷ Hoàng đã chấm dứt cục diện bách gia phân tranh thời tiên Tần, thống nhất Trung Quốc và xây dựng chế độ quân chủ chuyên chế trung ương tập quyền đầu tiên tại Trung Quốc.

Mặc dù vậy, cần phải thấy rằng, pháp luật mà Hàn Phi đề cao là thứ pháp luật hà khắc, tàn bạo, khác xa với pháp luật ngày nay; con người phải vì pháp luật, chứ pháp luật không vì con người; mặt khác, pháp luật dù ở vị trí thượng tôn, trên muôn dân, nhưng lại dưới một người (nhà vua). Đó là hạn chế của học thuyết Pháp trị.

Bài học cho kẻ làm vua


Xuyên suốt 40 quyển của bộ Hàn Phi Tử, bên cạnh việc chứng minh hiệu lực tối ưu của pháp luật trong việc trị nước bằng những câu chuyện sinh động, Hàn Phi còn đưa ra rất nhiều lời khuyên có giá trị cho bậc quân vương.

Để giữ yên ngai vàng, Hàn Phi khuyên nhà vua phải biết giữ mình. “Nhà vua chớ để lộ cho người ta biết mình muốn gì, vì nếu nhà vua để lộ cho người ta biết mình muốn gì thì bọn bầy tôi thế nào cũng tô vẽ. Nhà vua chớ để lộ ý của mình, vì nếu nhà vua để lộ ý của mình thì bọn bầy tôi thế nào cũng biểu lộ cái khác với bản tính của họ”.

Làm được như vậy thì: “Nhà vua không giỏi mà làm thầy những người giỏi, không khôn ngoan mà làm chuẩn mực cho sự khôn ngoan. Bầy tôi phải vất vả mà nhà vua hưởng sự thành công.”

Để dựng nước và giữ nước, bậc làm vua phải biết sử dụng thứ công cụ “vạn năng” là pháp luật. “Phải dựa vào cái khiến cho những người nhát có thể chinh phục được con hổ và cái làm cho vị vua tầm thường có thể gìn giữ nước. Đó chính là pháp luật. Lo cái kế trung cho vị vua chúa, kế đức với thiên hạ thì cái lợi không gì lâu dài hơn pháp luật”.

Nhà vua cũng phải biết cách dùng người, dụng nhân như dụng mộc, tập hợp quanh mình bầy tôi giỏi để có thể trị quốc an dân. “Kẻ làm vua chúa nếu có thể bỏ được cái điều mà người giỏi cũng không làm được để giữ lấy cái mà người vụng làm vạn điều không sai một thì sức người dùng được hết mà công danh được xác lập”.

Một trong những bài học quan trọng nhất đối với bậc quân vương là phải hiểu được lòng dân. Hàn Phi chỉ rõ: “phàm việc nước thì điều phải lo trước tiên là thống nhất lòng dân, nếu không nước tắc loạn”. Hiểu rõ bản tính của dân, từ đó có cách cai trị thích hợp để nước thịnh dân an, đó là cái gốc của nghiệp vương vậy.

Làm vua không đã khó, trở thành vị vua giỏi còn khó hơn nhiều. Hàn Phi đúc kết rằng, phần nhiều những kẻ lập quốc dùng dân, có thể ngăn chặn ảnh hưởng của bên ngoài, khống chế cái riêng tư của bề tôi, “làm vương” được, xét đến cùng, đều tự nhờ cậy vào sức mình là chính.

Học giả Nguyễn Hiến Lê đã đánh giá tác phẩm “Hàn Phi Tử” của Hàn Phi còn cao hơn cả “Quân vương” của Niccolò Machiavelli cả về tư tưởng lẫn bút pháp. Hai cuốn sách của hai bậc thầy tư tưởng vĩ đại, một của phương Đông và một của phương Tây, tuy nội dung khác nhau, nhưng đều để lại cho hậu thế những bài học về “phép làm vua” và “thuật trị nước” mang giá trị đương đại sâu sắc.

Sách Hàn Phi Tử.doc


Sách Hàn Phi Tử. pdf


Hàn Phi Tử.txt