Search

30.5.10

Hát rong và tỏa sáng

Hát rong và tỏa sáng


TP Sign In thăng hoa tại buổi biểu diễn ngày 23 - 5 ở Vườn hoa Tràng Thi (Hà Nội). Ảnh: N.M.Hà -
Trên đường phố Hà Nội, mới xuất hiện một nhóm nhạc đông đảo, có khi lên tới 60 thành viên. Trong độ tuổi 20-30, không ai trong họ là người chơi nhạc chuyên nghiệp. Họ hát cũng không phải vì tiền hay để nổi tiếng.

Họ có một cái tên dài dòng Let’s Sign in to Singing/Showing/Sharing… for Shining (Với ý nghĩa: Hãy đến với nhau để cùng hát, cùng trình diễn, chia sẻ và tỏa sáng) nhưng cũng có thể gọi họ là Let’s Sign hoặc Sign In (đồng âm với Shinin’). Thực ra họ không chỉ đàn hát mà còn làm ảo thuật, vẽ, nhảy… và tiến tới tích hợp nhiều hình thức nghệ thuật nữa. Tất cả diễn ra trên đường phố.


Sắp tới, nếu dạo quanh Hồ Gươm, chỗ nào nhiều cây xanh, thấy một nhóm túm tụm hát hò vẽ vời, rất có thể đó là Sign In. Hãy tham gia bằng cách xem họ, đàn hát cùng họ, làm mẫu cho họ vẽ… và nếu có thể để lại một ít tiền. Họ cam kết chuyển số tiền của bạn đến các địa chỉ từ thiện.

Mọi chuyện bắt đầu từ chiều mùng 5 Tết Canh Dần. Chu Lê Minh (25 tuổi, biên tập viên truyền hình) và Trần Xuân Tùng (26 tuổi, kiến trúc sư) nổi hứng ra sân chùa Láng đàn hát. Dân tình tụ lại cổ vũ, tổng cộng hai bạn được mừng tuổi hơn 200.000 đồng. Việc bạn bè tụ tập quán xá đàn hát với họ là quá bình thường. Hát ngoài đường là một thử thách. Hát lấy được tiền của mọi người là một thử thách nữa. Và để hành động của mình thực sự có ý nghĩa, họ quyết định dùng toàn bộ tiền thu được làm từ thiện.

Mỗi tháng, nhóm làm ít nhất hai buổi: một biểu diễn và một từ thiện. Sign In có tới 16 phân nhóm đảm trách các khâu biểu diễn, đạo cụ, an ninh, luật, truyền thông… Để biểu diễn tại các điểm công cộng, họ tiến hành thủ tục xin phép đàng hoàng. Nhóm tiến tới xin giấy phép biểu diễn của Bộ VH-TT&DL để có thể dùng các phương tiện tăng âm khi diễn. Quả thực nếu chỉ bằng cổ họng và cây ghi ta gỗ rất khó gây tiếng vang, cho dù hát tốp đi nữa. Người qua đường dễ tưởng họ chỉ là một bọn trẻ hứng chí ra đường đàn hát vui vẻ với nhau.


Buổi biểu diễn ra mắt nhóm tại vườn hoa bên hông Nhà hát Lớn ngày 11-4, với sự tham gia của 25 nghệ sĩ đường phố, thu được 1,3 triệu đồng. Cộng với tiền thù lao từ đêm nhạc ở quán cà phê đêm trước, cả thảy 2,5 triệu đồng- nhóm trao cho bệnh nhi tim bẩm sinh Trịnh Hải Yến ở Nam Định. Các địa chỉ từ thiện do thành viên nhóm thu thập. Hiện Sign In có 600 thành viên hưởng ứng trên FB và 800 trên trang web. Nhóm cũng kết hợp với nhóm sinh viên các trường đại học, CLB những người yêu ghi ta… cùng biểu diễn, làm từ thiện.

Sign In mong hợp tác với các ca sĩ, nhạc sĩ chuyên nghiệp. Tuấn Anh- trưởng phân nhóm thú nhận: “Hiện lực lượng chưa mạnh lắm, nên cứ bạn nào có khả năng đàn hát và thích thú với công việc từ thiện là chúng tôi nhận vào hết.” Đang học năm thứ ba ĐH Kiến trúc, Tuấn Anh thổ lộ: “Trước khi tham gia Sign In, status (dòng chữ thể hiện tâm trạng- PV) của tôi trên Facebook là: Là một thằng sinh viên vô ích thế này mãi sao? Như thế là cấp 4 chứ đâu phải ĐH! Từ khi vào Sign In, có gì đó để suy nghĩ nhiều hơn, giúp đỡ được các hoàn cảnh khó khăn, tôi rất vui”.

Sign In Hà Nội dự định đi diễn lưu động ở các tỉnh. Trần Xuân Tùng, trưởng nhóm mong muốn trong vòng 2 năm, Sign In có mặt trên toàn quốc, sau đó sẽ liên kết với các bạn nước ngoài. “Sign In 2 trong TPHCM đã có, chỉ chờ Hà Nội guồng đâu vào đấy là chạy. Năm sau sẽ đến các tỉnh khác”, Tùng thông báo. Hiện nay, các buổi biểu diễn ngoài trời của Sign In có thể chưa mang dáng dấp biểu diễn lắm. “Các bạn tập với nhau chưa nhiều, nên mỗi buổi biểu diễn cũng vẫn là buổi tập,” Tùng nói.

Nếu hoạt động hiệu quả và đủ lâu, hẳn Sign In sẽ góp phần tích cực thay đổi quan niệm xã hội về việc hát rong nói riêng và nghệ thuật đường phố nói chung.



NGUYỄN MẠNH HÀ


nguồn : http://www.tienphong.vn/Gioi-Tre/501728/Hat-rong-va-toa-sang.html


16.5.10

RÙA VÀ THỎ THỜI @

RÙA VÀ THỎ THỜI @ Đây là một câu chuyện có vẻ quen thuộc với chúng ta nhưng được mở rộng bởi CEO (Chief Executives Officer) của Coca Cola như sau:

RÙA VÀ THỎ THỜI @
Ngày xửa ngày xưa, có một con rùa và một con thỏ cãi nhau xem ai nhanh hơn. Chúng quyết định giải quyết việc tranh luận bằng một cuộc thi chạy đua. Chúng đồng ý lộ trình và bắt đầu cuộc đua.
Thỏ xuất phát nhanh như như bắn và chạy thụt mạng một hồi, và sau khi thấy rằng đã bỏ khá xa bạn rùa, thỏ nghĩ nó nên nghỉ mệt dưới một tán cây bên đường và thư giãn trước khi tiếp tục cuộc đua. Thỏ ngồi dưới bóng cây và nhanh chóng ngủ thiếp đi. Rùa từ từ vượt qua thỏ và sớm kết thúc đường đua, dành chiến thắng. Thỏ giựt mình tỉnh giấc và nhận ra rằng nó đã bị thua.

=> Bài học của câu chuyện trên là: chậm và ổn định đã chiến thắng cuộc đua.


Nhưng cuộc sống không quá đơn giản như thế, câu chuyện được tiếp tục phát triển thêm: Thỏ vô cùng thất vọng vì để thua và nó cố suy nghĩ. Nó nhận ra rằng nó đã thua chỉ vì quá tự tin, bất cẩn và thiếu kỷ luật. Nếu nó không xem mọi thứ quá dễ dàng và chắc thắng, thì rùa không thể nào có cửa hạ được nó. Vì thế, nó quyết định thách thức một cuộc đua mới. Rùa đồng ý.
Lần này, thỏ chạy với tất cả sức lực của nó và chạy suốt một mạch về đích. Nó bỏ xa rùa đến mấy dặm đường.

=> Bài học của câu chuyện này? nhanh và vững chắc sẽ chiến thắng cái chậm và ổn định.

Nếu có 2 người trong công ty của bạn: một người chậm, nguyên tắc và đáng tin cậy; một người khác nhanh và vẫn đáng tin cậy ở những việc anh ta làm. Người nhanh và đáng tin cậy chắc chắn sẽ được thăng chức nhanh hơn.
Chậm và chắc là điều tốt, nhưng nhanh và tin cậy là điều tốt hơn. Nhưng câu chuyện cũng không dừng lại ớ đây. Rùa đã suy ngẫm kết quả và nhận ra rằng: nó không có cách nào thắng được thỏ trên đường đua vừa rồi. Nó suy nghĩ thêm một tí nữa và rồi thách thỏ một cuộc đua khác, nhưng có một chút thay đổi về đường đua.
Thỏ đồng ý. Họ bắt đầu cuộc đua. Như đã tự hứa với lòng mình là phải luôn nhanh, thỏ bắt đầu chạy và chạy với tốc độ cao nhất cho đến bên bờ sông. Vạch đích đến lại còn đến 2 Km nữa ở bên kia sông!
Thỏ dành ngồi xuống và tự hỏi không biết làm sao đây. Trong lúc đó, rùa đã đến nơi, lội xuống sông và bơi qua bờ bên kia, tiếp tục chạy và kết thúc đường đua.

Ý nghĩa từ câu chuyện này?.

Trước tiên, cần phải xác định ưu thế của mình, và sau đó là biết chọn sân chơi phù hợp.
Câu chuyện vẫn chưa dừng lại.
Đến đây, thỏ và rùa đã trở thành đôi bạn thân thiết và họ cùng nhau suy ngẫm. Cả hai nhận ra rằng cuộc đua sau cùng có lẽ sẽ có kết quả tốt hơn. Vì thế, chúng quyết định tổ chức một cuộc đua cuối cùng, nhưng chúng sẽ cùng chạy chung một đội.
Cuộc đua bắt đầu, thỏ cõng rùa chạy đến bên bờ sông, rùa lội xuống sông và cõng thỏ bơi qua bên kia bờ sông. Lên đến bờ, thỏ lại cõng rùa đưa cả hai cùng về đích. Và chúng cùng nhận ra rằng đã về đích sớm hơn rất nhiều so với các lần đua trước.

=> Bài học của câu chuyện này là gì?.

Thật tuyệt vời nếu mỗi người đều thông minh và đều có ưu điểm riêng, nhưng trừ khi các bạn cùng làm việc với nhau trong một đội và cùng chia xẻ, cống hiến ưu thế của từng người, bạn sẽ không bao giờ thực hiện công việc được hoàn hảo bởi vì luôn luôn có những trường hợp bạn không thể làm tốt hơn người khác.
Điều quan trọng của làm việc theo nhóm là phải chọn được người trưởng nhóm trong từng trường hợp cụ thể. Phải chọn được người có ưu thế về lĩnh vực mà họ làm trưởng nhóm.
Còn nhiều bài học nữa từ câu chuyện này. Lưu ý rằng cả thỏ và rùa đều không hề đầu hàng hay nản chí sau thất bại. Thỏ quyết tâm làm việc hăng hơn và cố gắng nhiều hơn sau khi phải thất bại cay đắng. Rùa phải thay đổi chiến lược vì nó đã cố gắng làm việc hết sức. Trong cuộc sống, khi phải chịu đựng, đối mặt với thất bại, có thể đó cũng là thời điểm thích hợp để cố gắng hơn và nỗ lực nhiều hơn nữa, nhưng đôi khi cũng cần phải thay đổi chiến lược và thử tìm kiếm giải pháp khác. Và đôi khi phải làm cả hai.

=> Thỏ và rùa cũng đã học thêm một bài học để đời khác: thay vì chúng chống đối (hay cạnh tranh) với nhau, chúng bắt đầu tìm cách giải quyết tình huống, và chúng đã cùng nhau làm tốt hơn rất nhiều.