Search

19.8.10

Lời dạy con của Khổng Minh

Hành động của người quân tử là giữ tĩnh lặng để tu thân, cần kiệm để dung dưỡng đức độ. Không đạm bạc thì không thể có trí tuệ sáng suốt, không yên tĩnh thì không có chí vươn xa. Học thì phải cần yên tĩnh, muốn có tài năng phải học; không học thì không biết rộng, không có chí thì việc học không thành. Mong muốn lan man thì không thể nảy sinh cái tinh túy,vội tìm cái hiểm hóc thì không nắm được cái thực tình. Thời gian tuổi tác qua nhanh, ý chí cùng ngày tháng trôi đi trở thành khô héo, phần lớn không tiếp cận được với thời đại, rồi buồn tủi nơi lều nát, sao còn khôi phục lại kịp cái chí hướng được nữa !

“giới tử thư” (thư dạy con)
“giới tử thư” (thư dạy con)


Có tĩnh khí mới có thể bảo trì trí óc thanh tỉnh, nhìn xa trông rộng, nhìn thấu được cái tinh thâm của trời đất và quy luật của vạn vật.

Có tĩnh khí mới có thể thực sự không màng danh lợi, tâm thái bình thản, thản nhiên trước sự sủng ái và không sợ hãi trước sự nhục mạ.

Có tĩnh khí mới đặt được ý chí ở nơi cao xa, tâm đặt ở chuyện lớn mà không bị thành tích làm cho kiêu ngạo và thất bại làm cho uể oải, chán nản.

Có tĩnh khí mới dũng cảm trước bất kể danh lợi nào.

Dưỡng được tĩnh khí, thì khi chúng ta gặp bất kể chuyện gì đều sẽ giữ được bình tĩnh, cử trọng nhược khinh (nâng vật nặng như nâng vật nhẹ).

Dưỡng được tĩnh khí chúng ta sẽ vô sự, bình thản và siêu việt chính mình, ngay thẳng, chính trực để xử thế.

Tĩnh khí là một loại khí chất, một loại tu dưỡng, một loại cảnh giới và cũng được xem là một trong những loại trí tuệ đặc thù của người phương Đông.

Trong cuộc sống, có rất nhiều người luôn là vì người khác đánh giá mà sống, luôn sống trong bị động. Nhưng cũng có người luôn tự đi con đường của mình, bình tĩnh trước lời chê bai, dè bỉu của người khác, người như vậy dễ thành công nhất.

Việc lớn muốn thành cần phải "bình tâm tĩnh khí"
(Hình minh họa: Qua dyzdy.cn)
Phàm là người có tĩnh khí khi đối mặt với việc lớn, lại càng phản ánh ra sự thâm thúy trong họ. Họ đối với việc lớn mà có thể “lấy tĩnh chế động” thì đối với việc nhỏ lại càng “cầm được thì cũng buông được”. Tĩnh khí quyết không phải là nhu nhược.

Tuy tĩnh khí nói ra thì dễ dàng nhưng làm được lại khó. Con người chứ đâu phải cỏ cây, cho nên ai mà có thể vô tình? Mỗi người, ai ai cũng đều có buồn vui, yêu ghét. Trong một hoàn cảnh nào đó, nhất định những cảm xúc sẽ bộc lộ ra, đây là bản sắc của con người. Tĩnh khí không thể cưỡng cầu, nó là định lực cần phải thông qua rèn luyện, tu dưỡng mới thành, cho nên có cao có thấp, ở từng người là khác nhau. Xã hội hiện đại bất ổn, cạnh tranh gay gắt, đạo đức bại hoại khiến người ta không dễ nhận ra được, chỉ người “bình tâm tĩnh khí” mới nhận ra tốt xấu, đúng sai và chiến thắng được những cảm dỗ ấy.

30.5.10

Hát rong và tỏa sáng

Hát rong và tỏa sáng


TP Sign In thăng hoa tại buổi biểu diễn ngày 23 - 5 ở Vườn hoa Tràng Thi (Hà Nội). Ảnh: N.M.Hà -
Trên đường phố Hà Nội, mới xuất hiện một nhóm nhạc đông đảo, có khi lên tới 60 thành viên. Trong độ tuổi 20-30, không ai trong họ là người chơi nhạc chuyên nghiệp. Họ hát cũng không phải vì tiền hay để nổi tiếng.

Họ có một cái tên dài dòng Let’s Sign in to Singing/Showing/Sharing… for Shining (Với ý nghĩa: Hãy đến với nhau để cùng hát, cùng trình diễn, chia sẻ và tỏa sáng) nhưng cũng có thể gọi họ là Let’s Sign hoặc Sign In (đồng âm với Shinin’). Thực ra họ không chỉ đàn hát mà còn làm ảo thuật, vẽ, nhảy… và tiến tới tích hợp nhiều hình thức nghệ thuật nữa. Tất cả diễn ra trên đường phố.


Sắp tới, nếu dạo quanh Hồ Gươm, chỗ nào nhiều cây xanh, thấy một nhóm túm tụm hát hò vẽ vời, rất có thể đó là Sign In. Hãy tham gia bằng cách xem họ, đàn hát cùng họ, làm mẫu cho họ vẽ… và nếu có thể để lại một ít tiền. Họ cam kết chuyển số tiền của bạn đến các địa chỉ từ thiện.

Mọi chuyện bắt đầu từ chiều mùng 5 Tết Canh Dần. Chu Lê Minh (25 tuổi, biên tập viên truyền hình) và Trần Xuân Tùng (26 tuổi, kiến trúc sư) nổi hứng ra sân chùa Láng đàn hát. Dân tình tụ lại cổ vũ, tổng cộng hai bạn được mừng tuổi hơn 200.000 đồng. Việc bạn bè tụ tập quán xá đàn hát với họ là quá bình thường. Hát ngoài đường là một thử thách. Hát lấy được tiền của mọi người là một thử thách nữa. Và để hành động của mình thực sự có ý nghĩa, họ quyết định dùng toàn bộ tiền thu được làm từ thiện.

Mỗi tháng, nhóm làm ít nhất hai buổi: một biểu diễn và một từ thiện. Sign In có tới 16 phân nhóm đảm trách các khâu biểu diễn, đạo cụ, an ninh, luật, truyền thông… Để biểu diễn tại các điểm công cộng, họ tiến hành thủ tục xin phép đàng hoàng. Nhóm tiến tới xin giấy phép biểu diễn của Bộ VH-TT&DL để có thể dùng các phương tiện tăng âm khi diễn. Quả thực nếu chỉ bằng cổ họng và cây ghi ta gỗ rất khó gây tiếng vang, cho dù hát tốp đi nữa. Người qua đường dễ tưởng họ chỉ là một bọn trẻ hứng chí ra đường đàn hát vui vẻ với nhau.


Buổi biểu diễn ra mắt nhóm tại vườn hoa bên hông Nhà hát Lớn ngày 11-4, với sự tham gia của 25 nghệ sĩ đường phố, thu được 1,3 triệu đồng. Cộng với tiền thù lao từ đêm nhạc ở quán cà phê đêm trước, cả thảy 2,5 triệu đồng- nhóm trao cho bệnh nhi tim bẩm sinh Trịnh Hải Yến ở Nam Định. Các địa chỉ từ thiện do thành viên nhóm thu thập. Hiện Sign In có 600 thành viên hưởng ứng trên FB và 800 trên trang web. Nhóm cũng kết hợp với nhóm sinh viên các trường đại học, CLB những người yêu ghi ta… cùng biểu diễn, làm từ thiện.

Sign In mong hợp tác với các ca sĩ, nhạc sĩ chuyên nghiệp. Tuấn Anh- trưởng phân nhóm thú nhận: “Hiện lực lượng chưa mạnh lắm, nên cứ bạn nào có khả năng đàn hát và thích thú với công việc từ thiện là chúng tôi nhận vào hết.” Đang học năm thứ ba ĐH Kiến trúc, Tuấn Anh thổ lộ: “Trước khi tham gia Sign In, status (dòng chữ thể hiện tâm trạng- PV) của tôi trên Facebook là: Là một thằng sinh viên vô ích thế này mãi sao? Như thế là cấp 4 chứ đâu phải ĐH! Từ khi vào Sign In, có gì đó để suy nghĩ nhiều hơn, giúp đỡ được các hoàn cảnh khó khăn, tôi rất vui”.

Sign In Hà Nội dự định đi diễn lưu động ở các tỉnh. Trần Xuân Tùng, trưởng nhóm mong muốn trong vòng 2 năm, Sign In có mặt trên toàn quốc, sau đó sẽ liên kết với các bạn nước ngoài. “Sign In 2 trong TPHCM đã có, chỉ chờ Hà Nội guồng đâu vào đấy là chạy. Năm sau sẽ đến các tỉnh khác”, Tùng thông báo. Hiện nay, các buổi biểu diễn ngoài trời của Sign In có thể chưa mang dáng dấp biểu diễn lắm. “Các bạn tập với nhau chưa nhiều, nên mỗi buổi biểu diễn cũng vẫn là buổi tập,” Tùng nói.

Nếu hoạt động hiệu quả và đủ lâu, hẳn Sign In sẽ góp phần tích cực thay đổi quan niệm xã hội về việc hát rong nói riêng và nghệ thuật đường phố nói chung.



NGUYỄN MẠNH HÀ


nguồn : http://www.tienphong.vn/Gioi-Tre/501728/Hat-rong-va-toa-sang.html