Search

14.10.19

LÃNG MINH:Chuyện Phiếm Thầy Tu Sư Toại Khanh

LÃNG MINH:Chuyện Phiếm Thầy Tu Sư Toại Khanh

Chuyện xảy ra ở Ấn Ðộ, trong một ngày của hơn hai ngàn năm trước…

Buổi chiều. Có một chút gió lạnh từ mặt sông thổi lên. Du sĩ Nilanetra vừa tắm xong, ông đứng trên bờ cát phủi từng mảng nước còn dính trên người. Trời sắp tối rồi, ông lủi thủi bước về ngôi đền đổ nát bên đường để tìm chỗ ngã lưng qua đêm. Hành trang của ông ít oi đến mức không thể bỏ quên món nào: Một cái bát đất dùng chung cho việc ăn uống tắm gội và một cái chăn mỏng màu cỏ úa cũng đã nhàu nát luôn đắp trên người như một kiểu giáo phục, và thường khi còn là mái nhà cho ông. Mấy năm sau này lớn tuổi, ông có thêm chiếc gậy có thể tìm thấy ở bất cứ đâu: Một nhánh cây khô cầm vừa tay. Ai hỏi ông sao đạm bạc đến vậy cho khổ cái thân, ông bảo cứ ở đâu có người thì gì cũng có, mình chỉ nên chuẩn bị những gì không ai giúp được.

Ðêm cuối năm trong ngôi đền cổ. Trời mỗi lúc một lạnh, Nilanetra đốt một ít phân bò khô để sưởi rồi thì cứ ngồi vậy mà ngủ quên lúc nào không hay. Những người quen biết thường kháo với nhau rằng Nilanetra tu hành mấy chục năm chẳng có sở chứng gì phi phàm, ngoài chút công phu nghe cũng lạ tai. Ông có thể nhớ rõ mình đi vào giấc ngủ và thức giấc bằng hơi thở ra hay vào. Chuyện đó nếu ông không nói ra thì ai mà biết được, vậy mà nó cũng thành giai thoại. Ngán thiệt.

Buổi sớm mai bên sông, trời còn dày sương. Du sĩ Nilanetra thu mình ngồi trước đống lửa, ông gõ nhẹ ngón tay lên chiếc bát đất theo một nhịp điệu mơ hồ, ánh mắt như đang dõi ra mặt sông xa vời. Ông nhớ lại giấc ngủ đêm qua. Có lẽ đã hơn hai mươi năm rồi, ông chưa từng có một giấc mơ lạ lùng kiểu vậy. Nói là chiêm bao, nhưng nó là một đoạn dài hồi ức, chính xác và chi tiết đến không ngờ…
Ngày đó, sau mấy hôm liền ngồi bên bờ sông ngó theo dòng nước đã cuốn trôi cái xác của người chị họ mà người lớn bảo là thủy táng gì đó để hồn chị về trời, cậu thiếu niên Nilanetra cứ tự hỏi mình một điều không sao có lời đáp: Sướng khổ gì một đời rồi cũng bị thả trôi sông kiểu đó hay sao ?
Mấy hôm sau, một nhóm du sĩ đi ngang nhà đã đồng ý cho Nilanetra tháp tùng sau một câu nói lạnh ngắt của cậu với người thân trong gia đình: Hoặc đi hoặc chết. Chẳng biết vì sao cậu lại có được suy nghĩ này: Cứ sống khổ như điên sẽ bớt được phần nào nổi sợ hãi. Nilanetra đã lên đường từ đó. Thời gian của kiếp đời du sĩ không thể tính bằng năm tháng. Vừa làm mất vừa làm vỡ trên dưới chục cái bát đất, thay mới gần chục tấm vải choàng, Nilanetra đã ra một du sĩ chính hiệu: Không tình thân, không cố quận, không nhớ nổi chuyện gì ngoài hơi thở. Và để qua được chừng ấy đoạn đường tu trì khốc liệt, ông dĩ nhiên đã phải trả một cái giá đắt hơn mạng người.

Năm ấy, nhóm du sĩ dừng chân ở một ngôi làng trù phú để an cư mùa mưa. Cơm bánh đưa tận miệng và chỗ ở thiệt đàng hoàng đã làm gã du sĩ trẻ chùn chân không muốn đi nữa. Và tệ nhất, trong vài ngày sau cùng trước khi phải rời đi, một chuyện động trời đã xảy ra. Hôm đó, cô con gái của ông thợ gốm trong làng sau khi rót cho Nilanetra một bát sữa nóng, đã nói nhỏ vào tai chàng một lời thầm thì nhẹ như hơi thở. Nàng rủ chàng ở lại làng nắn đất sét với nhau một đời !

LÃNG MINH:Chuyện Phiếm Thầy Tu Sư Toại Khanh




Du sĩ Nilanetra chết điếng, toan đem trả lại thầy chiếc bát đất để được ở lại. Nhưng chàng đã được cứu nạn bằng mấy câu nói của lão du sĩ già trong nhóm: Cầm lấy cái bát đất này, chúng ta chỉ có một lựa chọn là đi tới, đi hoài. Dừng lại, chúng ta không còn là mình nữa. Hãy nhớ, ngày xưa từng người trong chúng ta đâu phải ngẫu nhiên chọn lấy con đường này. Chúng ta sẽ có lỗi với ba đời du sĩ. Chúng ta dễ dàng bỏ cuộc, mai mốt thiên hạ ai người cho cơm du sĩ nữa. Hãy quên đi nắm đất sét của người ta, tụi mình còn có cái khác lớn hơn.
Cứ vậy mà nhóm du sĩ cũng đã tiếp tục lên đường đầy đủ túc số, không mất một ai. Họ đi về phía mặt trời mọc để sống qua ngày và về phía trời lặn để tìm chỗ qua đêm. Họ tiếp tục đi với hai bàn tay không sự sản và qua mấy mùa mưa nắng, họ đã bao lần dừng lại để an táng những du sĩ vĩnh viễn nằm lại bên đường và đón nhận thêm những du sĩ trẻ tuổi để giữ lại một dòng chảy….
Nhóm du sĩ đã gặp gỡ và đã chia tay biết bao là những đồng đạo khác nhóm, rồi thì một ngày kia họ đã hạnh ngộ với một đoàn du sĩ xem chừng chưa gặp qua bao giờ. Căn cơ, bài bản và thanh tịnh…Nét chung của họ là vậy. Bậc thầy của họ nghe đâu là một ông hoàng bỏ ngôi đi tu. Sau ba ngày đêm sống cạnh nhau ở một góc rừng, thầy trò của Nilanetra tiếp tục lên đường và ba năm sau, sư phụ của Nilanetra đã vĩnh viễn nằm xuống ở một thôn nghèo. Trước lúc nhắm mắt, lão du sĩ nhìn quanh các đệ tử và thều thào:
- Ta đi rồi, các con hãy về với họ. Ba năm nay, ta chỉ đợi ngày này…Chúng ta chỉ có mỗi cái bát đất, chưa đủ để qua sông đâu, các con ạ. Hãy về với họ. Hãy nhìn kỹ , họ không nắm giữ bất cứ cái gì hết. Kẻ qua sông thực sự phải vậy các con à !
Mùa mưa năm đó qua đi, nhóm du sĩ huynh đệ của Nilanetra chính thức chia tay nhau. Tăng đoàn gặp gỡ ngày trước đã nhận hết bọn họ. Riêng Nilanetra tiếp tục con đường cũ. Chàng hiểu rõ lý do mình chọn lấy quyết định đó. Trên đời này không phải lúc nào cái tốt nhất cũng cái hay nhất. Chàng chọn lấy cái gì vừa sức mình. Sau khi về thăm ngôi tháp đá thờ tro cốt sư phụ, Nilanetra trở lại ngôi làng cũ để gặp lại người xưa lần cuối. Người con gái năm nào giờ đã ra kẻ lạ khi nhìn thấy cố nhân. Giàu có và hạnh phúc, nàng lạnh lùng như không còn nhớ mặt người cũ. Vài chiếc bánh, một chén sữa….Ðó là những gì chàng nhận được bây giờ.
Nilanetra lên đường với một tâm cảm thật lạ, thanh thản nhẹ nhàng. Nhẹ nhàng vì thấy mình giờ không còn gì để nặng lòng nữa, dù đôi lần trong những đêm khuya vẫn còn nghe một chút ngậm ngùi không tên. Và những buồn vui ấy đã hoà tan vào bài tập hơi thở mà Nilanetra đã học được từ một tăng sĩ áo vàng mà chàng vẫn gọi là Người Bên Ấy với một khẩu quyết thiệt ngộ:

Biết rõ hơi vào ra
Không người cũng chẳng ta
Những buồn vui thiện ác
Gì cũng áng mây qua …

Hai mươi năm sau, vào một buổi chiều của năm 563 trước Tây Lịch, Nilanetra bắt gặp một nhóm tăng sĩ áo vàng, có cả một sư huynh của mình ngày trước, đang sụp mình đảnh lễ một gò đất từ xa…Ông lại gần hỏi thăm. Họ bồi hồi cho ông biết đức Thích Tôn gì ấy đã viên tịch hơn tháng qua, gò đất kia chính là chỗ dựng đài hỏa táng…
Biết mình đã lỡ dịp gặp mặt một bậc đại giác, lại nghe kể chuyện ngày sau khi Phật Pháp sắp mãn kỳ tăng sĩ chỉ còn một mảnh vải vàng trên cổ, Nilanetra bất giác đưa tay nắm chặt tấm áo choàng của mình:
-Ta không có thần thông để trong nháy mắt có thể đi ngàn dặm không gian, nhưng rõ ràng ta đã vì thiếu duyên mà đi trước mấy ngàn năm thời gian để tới được thời mạt pháp trước bao người thiên hạ !
Megahut, đầu hạ 2009
Toại Khanh

12.10.19

Từ Bi Hỷ Xả là gì ?

Theo Thanh Tịnh Đạo thì Từ Tâm (mettā) là lòng thương, mong người được tốt đẹp. Pháp đối lập trực tiếp của Từ tâm là lòng Sân hận (dosa) và trở ngại gián tiếp là sự Ái luyến (pema).
Tâm Bi Mẫn (karuṇā) là sự động lòng trắc ẩn trước nỗi khổ tha nhân, là lòng muốn người thoát khổ. Trở ngại trực tiếp của tâm Bi Mẫn là Lòng Hại Người (hiṃsa) và trở ngại gián tiếp là sự Buồn Khổ Bi Lụy (domanassa).

Tâm Tùy Hỷ (muditā) là trạng thái tâm vui theo, tùy thuận để chia xẻ niềm vui với người khác. Trở ngại trực tiếp của Hỷ là lòng Ganh Tỵ (issā) và trở ngại gián tiếp là sự Xu Phụ (pahāsa).
Và Xả tâm (tatramajjhattatā) là sự thanh thản không thương ghét của một người đã tu tập ba Phạm Trú trên. Trở ngại trực tiếp của Xả là Tham ái (rāga) và Sân, trở ngại gián tiếp là sự Lãnh Đạm Vô Trí (aññāṇupekkhā).
Trích Triết Học A Tỳ Đàm
Tâm Từ:
muốn cho người ta sống trong nhân lành quả lành
​Tâm Bi:
muốn cho người ta đừng sống trong nhân xấu quả xấu
Tâm Hỷ:
niềm vui khi nhìn thấy nhân lành quả lành của người khác
Tâm Xả:
giữ lòng thanh thản trước nghiệp lý của mỗi người

Từ Bi Hỷ Xả là gì ?




Phải ghi rõ mấy cái này. Phải định nghĩa đầy đủ không có bỏ sót một chữ, không được ghi thiếu. Tôi sợ nhất là phật tử đi chùa 80 năm mà hỏi từ bi hỷ xả là gì thì nói tầm bậy tầm bạ. Nó vừa xấu hổ cho đạo, mà thêm cái đầu mình nó như vậy rồi mai mốt rồi làm sao mà trồi lên mà học đạo được? Giáo lý nó nằm ngay chóc ở đây mà không chịu học. Phật Pháp kinh điển thời này còn mà không chịu học, rồi mai mốt sanh ra không gặp Phật Pháp thì coi như là càng đi xuống nữa nha.
Tâm từ là muốn người được sống trong nhân lành quả lành, nhân lành là tâm tốt nói chung, muốn người ta vui vẻ mà vừa biết tu.
Tâm bi là muốn cho người ta đừng có sống trong nhân xấu quả xấu.
Tâm hỷ là vui khi nhìn thấy cái nhân lành quả lành của người khác, là vui theo nhân lành quả lành của người khác.
Tâm xả là cái khả năng bình thản khi nhìn về mọi người, bằng cách nghĩ về cái nghiệp riêng của mỗi cá nhân.
Ta thương họ bao nhiêu thì cũng không bằng cái thiện nghiệp của họ. Có nghĩa là mình không thể lo cho họ được bằng cái phước cũ của họ do quá khứ để lại. Và ta có ghét họ bao nhiêu thì ta cũng không hại được họ, bởi vì cái phần đó đã có nghiệp ác của họ nó lo rồi.
Nói chung là mình không cần phải luyến nhớ ai mà cũng không cần phải căm thù ai. Mỗi người đã có cái nghiệp riêng, tự nó xử nó. Cái chuyện mà người ta xấu đó là chuyện của người ta. Nhưng mà cái chuyện mà mình bất mãn người ta đó là nhân xấu của mình, mà tự nhiên mình đi gắp lửa mình bỏ trong túi quần là sao?
Cho nên cái vị mà tu tập xả vô lượng tâm là luôn có khả năng thanh thản khi mà thấy người ta thiện, ác hay là khổ, vui. Thương thì vẫn thương nhưng mà nhắm trong trường họp thấy không giúp được, thì vị đó vẫn phải có khả năng thanh thản bằng cách là nghĩ về cái nghiệp lý của mỗi người, vị đó phải có khả năng đó.
Anh có lòng thương người bằng trời nhưng mà không có khả năng thanh thản. Trường hợp này tôi đã gặp rồi: Có người thấy người ta khổ cái là tự nhiên khóc hà. Cái đó mới vô duyên dữ dội đó, nha. Thấy người khác khổ quá, họ kể cho tôi nghe họ cũng khóc nữa. Họ nói: "Trời ơi, Sư ơi, về nước thấy cái gia đình gì đâu nheo nhóc. Nhà tôn thấp tè mà có ba bà cháu hà. Ông bố đi tù, bà mẹ xì ke nghiện ngập, để cho bà nội bà ngoại ở nhà với mấy đứa nhỏ, có ba bà cháu vậy đó. Mà tụi nó đâu có học hành gì, tụi nó bán vé số. Mà coi như là đôi dép của nó, dép nhựa tổ ong đó Sư, nó đứt, rồi nó lấy kẽm nó ràng lại. Mà, trời ơi, bữa đó con đi thăm con nhỏ cháu, rồi tình cờ lúc con chờ nhỏ cháu nó mở cửa cổng đi vô, con nhìn qua nhà bên cạnh con thấy khổ quá. Vô hỏi kỹ lại gia cảnh là như vậy. Trời ơi, muốn giúp làm sao bây giờ? Cho tiền nó thì má nó về lấy hết, còn cất thì ăn trộm nó vô nó lấy. Thứ hai nữa, cho thì cho bao nhiêu cho đủ. Cho nó cho năm, ba triệu thì sao đủ xài? Mà cho nhiều thì mình cũng ngán." Kể vậy cái là tự nhiên khóc.
Tôi nghĩ không có nên như vậy. Tại vì tôi cần quí vị thương tôi, tôi cần quí vị giúp tôi, chớ tôi không muốn quí vị ứa nước mắt khi nghĩ về tôi, nhớ về tôi. Bởi vì cái đó tôi ăn không có được. Thứ hai nữa, khóc là cái rất là bất thiện, các vị hiểu không?
Cho nên cái thứ tư này là cái khó tu nhất. Có nghĩa là anh có khả năng thương người, anh có khả năng bao dung. Cái gì anh cũng có hết, nhưng mà cái đặc biệt, cái khả năng thứ tư là anh trong trường hợp cần thiết, thì anh phải có khả năng thanh thản khi mà nghĩ về cái định nghiệp riêng của mỗi người.
Có nghĩa là ta thương họ cỡ nào đi nữa thì ta cũng không lo cho họ bằng cái thiện nghiệp của họ. Mà ta cũng không cần phải ghét ai bởi vì mỗi người đã có phần nghiệp ác của họ nó tự lo cho họ rồi. Họ đối phó với cái ác của họ là họ đã bở hơi tai rồi, tối tăm mặt mũi rồi, chứ cần gì mình ra tay. Nên mình không cần phải ghét ai, cũng không cần mình phải ái luyến ai. Chuyện căn bản là mỗi người có cái nghiệp riêng. Tâm Xả là như vậy đó.
TOẠI KHANH
Trích bài giảng ngày 23/06/2019 KTC.6.105 Hữu Bhava
Kalama xin tri ân bạn elteetee ghi chép

XEM THÊM: