Search

31.5.21

Thế bạn đề nghị mức lương bao nhiêu?

Thế bạn đề nghị mức lương bao nhiêu? Câu hỏi nào là khó trả lời nhất khi phỏng vấn xin việc? Không biết đối với người khác thì như thế nào, đối với tôi đó chính là câu "thế anh đề nghị mức lương bao nhiêu?".


(bạn Lê Quỳnh, phóng viên VNN, có hỏi ý tôi về việc đăng bài này lên VNN, và tôi đã đồng ý. Các bạn có thể xem ở http://vietnamnet.vn/giaoduc/2009/03/833719/).


Thế bạn đề nghị mức lương bao nhiêu?

Từ trước đến giờ, không kể các dạng làm theo hợp đồng, tôi có apply vào tổng cộng 3 công ty. Hầu như lần nào tôi cũng đề nghị một mức lương thấp hơn tôi dự tính rồi nhận một mức lương thấp hơn tôi xứng đáng được nhận.
Công ty đầu tiên đầu tiên của tôi là FPT Telecom, hồi cuối năm 2003. Lúc người phỏng vấn hỏi câu trên, tôi đã rất thành thật khai báo mất lương hiện tại của tôi là 2.500.000/tháng (lúc đó tôi làm cộng tác viên cho Tuổi Trẻ Online) và chỉ muốn nhận bằng khoản lương đó.

Bài học đầu tiên: mỗi lần đổi công việc là mỗi lần phải được tăng lương, nghĩa là bạn phải yêu cầu một mức lương cao hơn công việc cũ, coi như là chi phí để làm quen với môi trường mới.
Công ty thứ hai là Mai Linh, đầu năm 2004. Lúc thỏa thuận vấn đề lương bổng, tôi đã không thống nhất một con số cụ thể mà lại chỉ thỏa thuận phần lương cứng quá thấp (còn thấp hơn ở FPT Telecom), phần còn lại tính theo từng dự án.

Bài học thứ hai: nên thỏa thuận một con số cụ thể, chí ít con số này phải đủ nuôi sống bạn theo cách bạn muốn, trước khi bàn đến những nguồn thu nhập khác.

Công ty thứ ba cũng chính là công ty hiện tại, hồi cuối năm 2004. Lần này tôi đã có nhiều kinh nghiệm hơn rồi, thành ra lúc phỏng vấn, tôi đã mạnh miệng đề nghị một mức lương cao gần gấp ba so với mức lương ở công ty trước. Nếu bạn nghĩ bạn xứng đáng, hãy mạnh dạn đề nghị mức lương của mình, không có việc gì phải e dè cả.
Các sếp đồng ý với mức lương mà tôi đề nghị, dẫu vậy, họ yêu cầu trong thời gian thử việc, tôi chỉ nhận được 70% mức lương đó (và sau hơn 2 năm tôi mới được tăng lên đúng mức lương mà tôi đề nghị :-d).

Bài học thứ ba: phải thỏa thuận thời gian thử việc là bao lâu để tránh trường hợp làm hoài mà lương không thấy tăng về mức thỏa thuận ban đầu.


Công ty hiện tại cũng cho tôi một bài học khác về việc tăng lương. Bài học thứ tư: phải thỏa thuận hoặc biết chính xác chính sách tăng lương và chế độ thưởng của công ty là như thế nào trước khi ký hợp đồng. Thường các công ty 6 tháng tăng một lần tùy theo từng đối tượng, cũng có công ty 3 tháng một lần và công ty 2 năm một lần như ở chỗ tôi đang làm . Còn thưởng thì vô chừng, nhất là đối với các công ty đã cổ phần hóa .
Một vấn đề nhỏ khác cũng cần phải lưu ý là khi thỏa thuận mức lương, bạn phải chắc chắn rằng đây là lương mà bạn sẽ được nhận, sau khi trừ đi tất cả các khoản khác như thuế thu nhập cá nhân, bảo hiểm y tế...
---
Từ đầu đến giờ tôi đề cập đến những kinh nghiệm rút ra được từ những lần thỏa thuận lương bổng mà chưa đề cập đến lý do tại sao trước đây khi đi phỏng vấn, tôi lại thường có xu hướng chọn mức lương thấp hơn dự tính. Tôi thấy đây không phải là vấn đề của riêng tôi, mà là vấn đề của khá nhiều người, nhất là những bạn chưa có kinh nghiệm đi làm.
Có lần tôi phỏng vấn một anh xin vào công ty của tôi, tôi hỏi anh câu hỏi trên, và nhận được câu trả lời thế này: "Lương đối với em không quan trọng lắm, quan trọng là được học hỏi, rèn luyện blah blah blah...".
Tôi đánh giá anh này thành thật nhưng hơi khờ. Nhà tuyển dụng sẽ không có thiện cảm với những người không đi làm vì tiền, bởi nó là một dấu hiệu của sự chưa trưởng thành. Nếu tiền đối với bạn không quan trọng, nhà tuyển dụng sẽ suy ra công việc đối với bạn cũng không quan trọng luôn, đơn giản vì mục tiêu lớn nhất của công việc là kiếm tiền.
Cứ so sánh thế này xem. Giữa một ông bố mỗi ngày phải chạy lo miệng ăn cho hai đứa con nhỏ và một anh sinh viên mới tốt nghiệp "tiền chả là cái đinh gì hết", ai sẽ làm việc chăm chỉ hơn?
Hơn nữa, trong mắt nhà tuyển dụng, những người trả lời theo kiểu trên thường là những người không có năng lực, hoặc không tự tin vào khả năng của họ, hoặc không biết được khả năng của họ đến đâu. Không có một doanh nghiệp nào muốn biến công ty của họ thành nơi thực tập miễn phí cho những người như thế cả.
Do đó, dẫu mục tiêu của bạn là học hỏi, rèn luyện kinh nghiệm (đây là một mục tiêu chính đáng), bạn vẫn phải quan tâm đến lương bổng nếu bạn muốn tìm được việc làm. Bạn phải chứng minh cho nhà tuyển dụng thấy rằng, bạn tự tin vào giá trị của mình thông qua mức lương mà bạn đề nghị.
--

Vậy đề nghị bao nhiêu là vừa? Tôi nghĩ mỗi người khi apply vào một công việc nào đó, cũng đã có sự lựa chọn mức lương cho mình, bằng cách tham khảo mức lương của các đồng nghiệp hoặc mức lương trung bình trên thị trường. Nói chung, nguyên tắc chủ đạo là: bạn phải cảm thấy vui vẻ và thoải mái với mức lương của mình.


Nếu bạn nhận một mức lương quá cao so với giá trị của bạn (điều này hiếm khi xảy ra, vì những lý do ở trên), vô tình bạn lại tự đặt áp lực lên bản thân. Tiền càng nhiều thì trách nhiệm càng cao mà bạn. Khi bạn nhận một mức lương thấp hơn mong đợi, bạn sẽ khó có thể toàn tâm toàn ý hoàn thành công việc của mình. Có thực mới vực được đạo mà bạn.
Trong cả hai trường hợp này, cả bạn và nhà tuyển dụng đều gặp nhiều thiệt hại về mặt tinh thần và vật chất; do đó để tốt cho cả hai phía, bạn nên mạnh dạn đề nghị một mức lương giúp bạn thật sự cảm thấy vui vẻ và thoải mái.
--
Sở dĩ hồi trước tôi thường đề nghị mức lương thấp hơn tôi dự tính là vì lúc đó tôi vẫn chưa đủ tự tin vào bản thân mình. Còn bây giờ nếu phải đi xin việc, chắc chắn tôi sẽ đề nghị mức lương là 20t và 5% cổ phiếu dạng cổ đông chiến lược .

Nguồn:http://vnhacker.blogspot.com/2007/07/15-chaithng-5-c-phiu-dng-c-ng-chin-lc.html

30.5.21

VỤN VỠ

VỤN VỠ

....
Có những chúng sinh có cơ địa tâm lý không cho phép họ tiếp cận Phật pháp. Họ không có đủ duyên để học Phật pháp trong biển Phật pháp, nhưng họ có duyên để học những mảnh vụn Phật pháp ở đâu đó trong một môi trường không phải Phật pháp.
- Ví dụ, có nhiều người nghe nói đến tăng, ni, thầy bà chùa miểu là họ chạy mất dép vì họ ghét thầy chùa, nhưng họ nghe nhạc Trịnh, họ đọc sách của Phạm Công Thiện, họ đọc thơ điên của Bùi Giáng họ thấy phảng phất trong đó có Phật pháp, thế là họ cũng bỏ túi được thế nào là tinh thần Bất nhị, Bát nhã, Tánh không, thế nào là vô thường, khổ, vô ngã và cũng biết lai rai thế nào là lục căn thanh tịnh thế nào là tứ đại giai không.
Kêu họ đến với chùa mà chỉ, đây là quyển Trung Bộ, Trường Bộ, Tăng Chi, đây là Pháp Bảo đàn kinh, đây là Pháp hoa, Lăng nghiêm… họ đọc không nổi. Nhưng họ cầm quyển nhạc của Trịnh Công Sơn, cầm quyển sách của Bùi Giáng, cầm cuốn Câu Chuyện Dòng Sông của Trí Hải (Phùng Khánh), Phùng Thăng dịch họ lại đến với đạo được. Và tôi cũng có mặt trong số đó. Tôi đâu có ý đi học về đông y đâu, tôi làm gì biết thuốc Nam, thuốc Bắc, các đường kinh mạch… nhưng nhờ tôi đọc sách Kim Dung nên tôi mới ‘nhuyễn’. Đâu có khoái Đông Y nhưng nhờ đọc tùm lum nên giờ mới có một ít thuật ngữ, khái niệm, do học lai rai từ đâu đó.

VỤN VỠ

 
Các vị tác giả của Veda cũng nghĩ như vậy, họ xét thấy rằng sẽ có một ngày Phật pháp trở nên xa lạ khô khan, cứng lạnh khó gần với rất nhiều người, lúc đó sẽ có những người đến với Phật pháp bằng cách đi theo các đạo tào lao và tìm thấy trong đó những mảnh vụn rơi rớt vương vãi của PG. Đó chính là thiện chí của những vị tiền bối cựu trào của Bà-la-môn giáo.
Tiếc thay dụng-tâm-lương-khổ của họ không được đời sau biết đến và nội dung cao đẹp của thánh điển Bà-la-môn Veda đã bị thay thế bằng những thứ rẻ tiền.
....
Sư Toại Khanh. Chép lại bài giảng của sư.
Nguồn ảnh: updating