Search

11.11.22

THẾ GIỚI NÀY LÀ THẾ GIỚI CỦA TƯỞNG

Chữ Tưởng trong tưởng uẩn, từ chữ Pāḷi là Saññā. Chúng ta có nhiều cái biết: biết bằng trí, biết bằng thức, biết bằng tưởng.

Chữ Tưởng trong tưởng uẩn, từ chữ Pāḷi là Saññā. Chúng ta có nhiều cái biết: biết bằng trí, biết bằng thức, biết bằng tưởng.

*Biết bằng trí nghĩa là biết cái này là nhân, cái này là quả, cái này là thiện, cái này là ác, cái này là nên, cái này là không nên, cái này là tín tấn niệm định tuệ, cái này là tham sân si hoài nghi phóng dật... Những cái biết phải do huân tập từ trí văn, trí tư, trí tu cộng lại mới có được là cái biết của trí. 
Biết bằng thức là cái biết của năm giác quan. 
*Biết của tưởng là biết dựa trên hồi ức, kinh nghiệm, trí nhớ cũ.

Đại đa số phần lớn thời gian trong cuộc đời này chúng ta chỉ sống bằng tưởng. Đó chính là bi kịch nhân gian. Ví dụ, tôi là người Cơ đốc giáo, học giáo lý nhà thờ từ hồi nhỏ. Từ đó tôi nhìn thế giới này qua nhãn quan lăng kính của một tín hữu công giáo. Tôi là một Phật tử Bắc Tông, từ bé đã được dạy niệm Phật Di Đà, niệm Quán Âm để thoát nạn. Khi vào đời dù tôi nghiên cứu bao nhiêu kinh sách đi nữa thì ám ảnh trong đầu tôi vẫn là niệm Phật Đi Đà cầu vãng sinh, niệm Quán Âm cầu tai qua nạn khỏi, niệm Địa Tạng để thoát địa ngục. Tôi là một người Hồi Giáo, mỗi ngày tôi quỳ cầu nguyện năm lần, suy nghĩ gì cũng dựa trên kinh Qur’an. Tôi là người Do Thái giáo, tôi học sách Talmud từ bé, tôi không ăn các loại cá da trơn. Tất cả nền tảng suy nghĩ của tôi lúc nào cũng dựa trên kinh Talmud. 

Người Phật tử Nam Tông có học Vi diệu pháp suy nghĩ gì cũng không ra khỏi A-tỳ-đàm. Đời sống của chúng ta suy cho cùng đều y cứ trên những hồi ức, kỷ niệm, kinh nghiệm mình đã trải qua. Hiếm bao giờ mình dành thì giờ suy nghĩ lại để biết nghi ngờ con đường dưới chân mình. Tôn giáo đã vậy, chính trị, văn hóa cũng thế. Chúng ta được ăn học, được đào tạo trong một môi trường nào đó, thế rồi chúng ta không dám nghi ngờ nó vì cứ sợ mình lầm đường lạc lối để rồi cứ vậy mà sống cho đến ngày tàn hơi. Người như vậy thì không có khá. Khổ một nỗi, nếu sống mà không có hồi ức thì chúng ta tự cho rằng mình không có kiến thức, không có học thức, không có đủ kinh nghiệm. Thật ra, toàn bộ kiến thức học đường chỉ là kinh nghiệm của người khác trao truyền cho mình. Sau khi ra trường thành bác sĩ, thành kỹ sư rồi cộng thêm một số kinh nghiệm mới nữa thông qua những cái biết mới nhưng đời sống của mình vẫn dựa vào cái biết cũ, đó gọi là tưởng. Hôm nay tôi nói tưởng uẩn là những kinh nghiệm thì có nhiều người chịu không nổi, nhất là những người có học A-tỳ-đàm. Đối với những người đó tôi phải nói riêng vào tai của họ lời thầm thì rất nhỏ rằng là: tôi vẫn giữ nguyên cái biết của anh. Đúng rồi, tưởng uẩn là tâm sở tưởng. Nhưng anh phải làm ơn nhớ rằng hiểu như vậy nó nghèo lắm anh biết không. 
Tưởng uẩn, phải hiểu rằng nó là toàn bộ ký ức, kinh nghiệm, hồi ức của chúng ta trong đời sống. Cái biết bằng tưởng là như vậy đó! 

Tại sao chúng ta nghe âm thanh đó chúng ta thích? Vì dựa vào ký ức cũ nào đó! Ghét thương hay sợ cũng vậy, do hồi ức. Cả hành trình sống của chúng ta chỉ toàn là hiểu lầm. Tức là nhìn cái này mình cứ nghĩ đến cái khác, cứ vậy mà sống. Có người vợ chết rồi cưới vợ khác, vẫn tìm bóng dáng người vợ cũ trên hình hài người vợ mới. 

Có người cứ thích một kiểu chưng hoa hay một kinh nghiệm nấu ăn nào đó, chỉ vì nó gắn liền với ký ức nào đó của người thân người thương cũ. Có những loại nhạc người ta chỉ nghe vào đêm khuya. Có người nói với tôi rằng họ thèm một đêm mưa nằm nghe Khánh Ly hát nhạc Vũ Thành An, Từ Công Phụng, mà phải nghe đúng ca sĩ đó, vào thời điểm đó. Đó chính là tưởng. Có người thích hoàng hôn, có người sợ hoàng hôn. Có người thích mưa khuya, có người rất sợ mưa khuya. Có người sợ mùa đông tuyết trắng, còn tôi yêu châu Âu vì tôi yêu mùa đông ở đây nhưng có người muốn bỏ châu Âu mà đi vì họ sợ mùa đông ở đây. Đó là tưởng. Có người hỏi Trịnh Công Sơn nắng khuya là gì (trong câu hát “có khi nắng khuya chưa lên mà một loài hoa chợt tím”). Từ lúc tôi biết câu trả lời của Trịnh Công Sơn: nắng khuya là đèn đường, tôi yêu đèn đường hơn bao giờ hết. Chỗ ở của tôi bên Đức bây giờ có bốn ngọn đèn đường. Thỉnh thoảng những đêm không ngủ được tôi ngồi nhìn bốn ngọn đèn đường trước nhà mà thấy nắng khuya đang lên. Đó là tưởng! Khi Đức Phật ra đời, thấy điều đó, Ngài dạy rằng: Thay vì chạy theo những kinh nghiệm những hồi ức rất đỗi phàm phu không có lợi, ta dạy cho các ngươi những cái tưởng có lợi hơn, đó là tưởng bất tịnh: tưởng về sự chết, tưởng về hài cốt.

Tại sao Ngài vẫn xài chữ tưởng? Vì Ngài biết trước khi giác ngộ, trước khi có được thánh trí thì hành giả vẫn tiếp tục sử dụng cái hồi ức. Thay vì sử dụng những hồi ức rất là phàm phu không lợi ích, thì bây giờ tưởng có lợi hơn. Vị hành giả ngồi tưởng tượng đây là xương. Một tấm thân người đẹp cách mấy, trắng cách mấy, đen cách mấy, mập ốm cách mấy, khi chết rồi thì một hai ngày sẽ trương sình lên, chảy nước, bốc mùi. Bảy mươi phần trăm cơ thể là nước nên nó sẽ rã tan rất nhanh sau đó chỉ còn lại một bộ xương trắng và một nhúm nội tạng, rất lâu mới phân hủy hết. Nhúm xương trắng đó mới đầu là bộ xương, sau rời ra từng lóng từng đốt nhỏ. Theo thời gian từ màu trắng muốt chuyển qua màu xám. Qua nhiều năm sẽ mục rã thành bột và đi vào đất như là chưa từng xuất hiện bao giờ. Tất cả những suy tư đó chỉ là tưởng. Nói theo Vi diệu pháp, đó chính là cái biết thông qua khía cạnh tục đế, chế định, biến kế sở chấp, thi thiết. Biết đó là đồ giả, nhưng vẫn cứ quán niệm thân này từ đầu đến chân gồm 32 thứ dơ bẩn (tóc, lông, móng, gân, xương, máu, mủ, mồ hôi, nước tiểu v.v...), tất cả những thứ dơ này được gói gọn trong túi da có chèn thịt bên trong. Nếu chúng ta lấy những thứ thức ăn thức uống trong một ngày nhai rồi nhả vào một bị ny-lon và đeo trước ngực liệu chúng ta có gần nhau nổi không. Nhưng cũng thức ăn đó nuốt tất cả vào bụng, đánh răng sạch sẽ thơm tho, thiên hạ nhìn nhau vẫn hấp dẫn như thường. 

Có những pháp môn tu chỉ là tưởng, nhưng trau dồi nhiều ngày thì từ cái tưởng tục đế chuyển qua cái biết bằng trí tuệ để thấy được cái chân đế, bản chất thực của các pháp. Bản chất thực của các pháp vốn không dơ, không sạch, không xa, không gần, không sớm, không muộn, không lớn, không nhỏ, không trong, không ngoài. Nhưng khi chưa được tới giai đoạn nhìn thấy các pháp như vậy thì trước mắt chúng ta phải tùy thuộc vào các pháp tục đế, nhìn thấy mọi sự theo cách trẻ con. Nói đến chữ tưởng ta phải tâm niệm một điều: toàn bộ đời sống này y cứ vào hồi ức, vào kinh nghiệm cũ, cái biết cũ; y cứ vào suy diễn và liên tưởng. Suy diễn và liên tưởng là nội dung của tâm sở tưởng, tức là sở hữu tưởng. Hội họa, âm nhạc, thi ca cũng là liên tưởng là suy diễn. Một tòa nhà được xây dựng cũng y cứ trên sự suy diễn và liên tưởng của ai đó. Kẻ phàm phu thích cái này cái kia trong năm trần, người ly dục thì không thích cái này cái kia, họ muốn tu thiền. Tu thiền là ngó vô các đề mục, cũng chính là tưởng. 

Trích bài giảng: TẬP I THIÊN CÓ KỆ. CHƯƠNG 1. TƯƠNG ƯNG CHƯ THIÊN
TK Giác Nguyên giảng- Nhị Tường ghi chép



Thống kê SÁCH đọc nhiều theo thời gian

8.11.22

RA TAY THẾ NÀO CŨNG NHỚ CHỪA ĐƯỜNG TU CHO ĐỜI MÌNH

Người làm công đức đời đời sinh ra phước cũ chờ đợi như người thân đón đợi người thân. Người làm các điều ác đời đời sanh ra thì bị cái ác nghiệp xấu quá khứ chực chờ như kẻ thù rình rập. 


Ở đâu cũng vậy, có những người chưa thấy ánh nắng mặt trời là mình đã hiểu ngầm là có bao nhiêu cái khổ nạn đang chực chờ họ. 
Thí dụ như một bà mẹ lăn loàn trắc nết không ra gì, một người cha nhậu nhẹt bê tha chè chén bài bạc, một cái đám anh chị của nó không nên thân thì chỉ cần mình thấy mẹ nó cái bụng lúp lúp là mình lo rồi. Trời ơi, sao cái chỗ này mà con chui vô làm gì hả con. Bố không ra bố, mẹ không ra mẹ, anh chị không ra anh chị, nhà giọt cột xiêu như thế này mà sao con lại đâm đầu vô chốn này vậy con ơi. Nhưng mà vì sao? Do ác nghiệp xưa nó đẩy vào. Nghĩa là bao nhiêu khổ nạn trần ai khoai cũ đang chực chờ nó phía trước, tương lai mịt mù của nó như là cuộc đời chị Dậu vậy. 
Trong khi đó có biết bao nhiêu đứa trẻ trên hành tinh này, ngay trong lúc nó nằm trong bụng mẹ, ngay trong lúc má của nó chưa chắc là có đậu thai không, chưa có chắc là trai hay gái thì nó đã có một đống gia tài bất động sản chứng khoán trong nhà băng đang chờ nó. Chực chờ nó để nó ra đời nó làm ông nội thiên hạ. Rõ ràng mình thấy khi người làm các hạnh lành thì đời đời sanh ra các phước nghiệp cũ chờ sẵn họ như người thân đón đợi người thân.
Đề bà đạt đa là người tu hành rất nhiều, nhưng cái xui của ổng là ổng bị lạc lối một tí tị thôi quý vị. Ổng lạc lối, ổng đã gieo cái mầm thù oán với một người mà lẽ ra ổng phải thương vô vàn. Nhưng mà vì ổng ghét, bây giờ người đó là Phật ổng vẫn ghét người đó cho bằng được. Ổng ghét cho đến cái ngày cuối cùng, khi mà cận tử hấp hối ổng mới ngộ ra - vì là trong duyên cận tử nghiệp của ổng, ổng ngộ ra một thứ, nhiều chuyện lạ lắm quý vị, khi người sắp mất đó cái đầu nó sáng ra, cái huệ căn mình tự nhiên nó rực chiếu ra, cuối cùng ổng hiểu ra. Có nhiều chuyện phải nói đến cuối đời mình mới ngộ ra, tuy nó muộn cũng còn hơn không, phải không quý vị. Thì lúc đó ổng chấp tay: "Con xin lạy Phật, lạy đấng Tối Tôn, không ai có thể hơn Ngài về lòng từ bi và đại trí." Có một truyền thuyết cho rằng, lúc đó ổng khấn: "Mai này xin chư tăng xài cái bình bát này hãy nhớ hình ảnh mà tôi bị vỡ sọ lúc cận tử..." - đại khái như vậy.

Trong kinh ghi rằng: một trăm ngàn đại kiếp nữa, ông sẽ trở thành vị Phật độc giác Aṭṭhissara (Thiên Vương Như Lai, cõi nước tên là Thiện Đạo). Vua A-Xà-Thế (Ajātasattu) cũng vậy. Vua A-Xà-Thế lẽ ra đủ duyên chứng sơ quả trong đời Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, nhưng vì chơi thân với Đề bà đạt đa, bị xúi dại nên ổng đã giết cha. Và vì cái nghiệp đó nên ổng đã trễ một chuyến đò chứng thánh trong đời Đức Phật Thích Ca và phải đến hai a tăng kỳ nữa. Có nghĩa là ông Đề bà đạt đa đi xong cái thời gian chẳn còn sót lại cái thời gian lẽ. Còn ông A-Xà-Thế là đi xong thời gian lẽ và còn dư cả thời gian chẳn là hai a tăng kỳ nữa ông A-Xà-Thế mới sẽ thành Phật độc giác. Khổ như vậy đó. 
Ở trong kinh nói, lúc ngài thành Phật, do cái nghiệp cũ nên khi thành Phật ngài ốm như bộ xương, dị dạng dị tướng, mà mỗi lần mở miệng ra là nó thúi cả một vùng. Đã dị tướng mà còn bị thêm cái khuyết điểm nặng nề. Mở miệng ra là nó thúi cả một vùng như vậy. Cho nên, ngài không có muốn trụ thế để gieo cái nghiệp xấu cho chúng sanh nữa. Bởi vì chúng sanh một khi thấy ngài họ tha hồ phỉ báng. Tha hồ phỉ báng bởi vì đã dị tướng kỳ rồi còn bị cái khuyết điểm kỳ quái kia nữa. 
Cho nên, ngài đắc xong, ngài về núi đúng một tuần thì ngài tịch. Có nghĩa là ngài chưa kịp một lần đi khất thực vì không muốn gieo nghiệp xấu cho chúng sanh. 

Đắc đạo rồi mà chưa kịp một lần đi khất thực chỉ trụ thế một tuần rồi thị tịch luôn trên rừng sâu núi thẳm chứ không đi khất thực một ngày nào hết vì không muốn gieo khổ cho chúng sanh. Chúng sanh nó thấy nó phỉ báng nó coi thường thì coi như tàn đời của nó. Quý vị tưởng tượng đắc đạo rồi mà chỉ vừa đủ thời gian để nhịn đói trong một tuần thôi rồi thì chết.
Cho nên hôm nay chúng ta có làm gì thì cũng nhớ dầu là con chó, con heo chớ đừng nói là con người, tôi nói lại nghe, con chó con heo đó mình còn không biết túc duyên, không biết cái đạo căn của nó là loại gì huống chi con người. Lỡ có hờn giận, có ghen tuông, có tị hiềm thì ra tay cũng nhớ chừa đường nhé. Đừng làm cho nó cạn tàu ráo máng. Vì một là mai này hai đứa lỡ có mà gặp nhau trên đường đời khó mà nhìn nhau. Hai là còn dòng sanh tử - mà có tương phùng thì oan gia trái chủ mệt lắm.
Kalama xin tri ân bạn phongheo.qn8001 ghi chép
Bài giảng 27/05/2019 .KTC.6.60 Hatthisariputta- Sư Toại Khanh giảng.

Nguồn: https://www.facebook.com/thuchanhvipassana

RA TAY THẾ NÀO CŨNG NHỚ CHỪA ĐƯỜNG TU CHO ĐỜI MÌNH




Thống kê SÁCH đọc nhiều theo thời gian