Search

Hiển thị các bài đăng có nhãn PHẬT NIẾT BÀN. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn PHẬT NIẾT BÀN. Hiển thị tất cả bài đăng

15.8.23

KUSINĀRĀ

KUSINĀRĀ 

Cây sala và nơi đức Phật Niết Bàn tại Kusinārā


Dầu muốn dầu không. 
Một ngày sẽ qua.
Dầu muốn dầu không. 
Ta rồi cũng già. 
Chuyện xưa ngày cũ.
Như áng mây qua.
Ngày về đất lạnh,
Gì cũng như pha.


Đó là đoạn ngắn trong bài Tình Khúc Hiên Mây, ngậm ngùi ở chỗ là dù muốn dù không thì nền văn minh nào cũng bị vùi chôn. Giở lịch sử mà xem nền văn minh da đỏ, nền văn minh Ai Cập, nền văn minh La Hy, Đông Sơn, Ngọc Lũ, Angkor, Atlantic, Pompei … cũng bị vùi chôn. Dầu muốn dầu không tất cả rồi cũng sẽ trở thành quá khứ. 
Chính vì vậy khi Thế Tôn về Kusinārā để nhập niết bàn, Ānanda  thưa với Đức Phật: 
“Bạch Thế Tôn, với một người như Thế Tôn, với một nhân cách vĩ đại và bao người đông đúc ngưỡng mộ như Thế Tôn, vì sao Thế Tôn lại chọn nơi hẻo lánh này để Niết bàn?” 
Đức Phật dạy: “Này Ānanda, chớ nghĩ rằng Kusinārā là hoang vắng quạnh hiu, là một tiểu quốc xa xôi không tiếng tăm. Ānanda không biết đây là lần thứ tám Như Lai bỏ tấm thân ngay tại chỗ này nhưng đây cũng là lần cuối cùng ta không còn tái sanh nữa. Ānanda có biết mảnh đất Kusinārā này ngày xưa là một chốn phồn hoa đế đô nhộn nhịp phồn vinh, thạnh mậu trù mật cực kỳ không thể tả được.” Rồi Ngài mô tả nơi đó y hệt như sau này người ta mô tả về Tây Phương Cực Lạc của Phật A Di Đà. “Xưa Như Lai từng là Chuyển Luân Thánh Vương, nhưng mà này Ānanda, tất cả nay đã đi vào quá khứ. Các hành đều vô thường, thật là vừa đủ để nhàm chán, vừa đủ để xả ly. Này Ānanda, các ngươi còn chờ đợi gì ở Như Lai nữa, đây là những gốc cây, những ngôi nhà vắng, hãy tinh tấn thiền định chớ có để mình sau này phải hối tiếc”. 
Mỗi khi kể một câu chuyện, rất thường khi Thế Tôn kết thúc bằng câu: “Này các tỳ kheo, các hành nay đã đi vào quá khứ, các hành là vô thường, vừa đủ để nhàm chán, vừa đủ để xả ly. Dầu muốn dầu không thì cũng bị đẩy đi về phía trước”
Vạn pháp do duyên mà có, có rồi sẽ bị mất, từ đó làm nên vô thường, khổ và vô ngã. Sáu căn vô ngã thì 6 cảnh cũng y chang như vậy. Sáu căn 6 cảnh là chỗ để nương cho 6 thức nên cũng y như vậy. Anh chỉ được tự do, được giải thoát khi anh biết rõ hoàn cảnh của anh. Vấn đề lớn nhất của chúng ta và cũng của cả thế giới này là không biết vấn đề của mình nằm ở đâu. Vì giải pháp của vấn đề luôn nằm trong chính vấn đề đó. 
Tôi nhớ câu chuyện, có một bà bị lẫn hay quên, chồng bà đưa cho bà một cuốn sổ tay thiệt đẹp và một cây bút chì, dặn là muốn làm gì thì ghi vào đó, nhưng cuối cùng bà cũng không ghi được, vì vấn đề là không nhớ cuốn sổ nằm ở đâu. Đức Phật cho chúng ta biết vấn đề của dòng sinh tử của chúng ta là nằm ở 6 căn, 6 cảnh, 6 thức; vấn đề này có giải pháp chứ không phải là không có.
Giải pháp nằm ở đâu? Nó nằm ngay trong bản thân 6 căn, 6 cảnh, 6 thức. Luân hồi là do lầm tưởng 6 căn 6 cảnh 6 thức là thường, lạc, ngã, tịnh và giải pháp để chấm dứt dòng luân hồi đó là nhận thức rõ nó là vô thường, khổ, vô ngã. 
Ở đâu có nhàm chán, ở đó có ly tham, ở đâu có ly tham thì ở đó có giải thoát. 
Nếu các vị còn có tín tâm, còn có lòng cầu đạo giải thoát, dù có đang vui cỡ nào hãy nhớ rằng, sẽ có một ngày nằm liệt giường tiêu tiểu tại chỗ, sẽ có một ngày tóc bạc răng long, sẽ có một ngày trên nói dưới không nghe, đầu kêu bước mà chân không thèm nhúc nhích, sẽ có một ngày tay cầm đũa ăn không nổi, sẽ có một ngày không muốn mà nước miếng cứ chảy ròng ròng, sẽ có một ngày vợ chồng, con, cháu chắt, không muốn dòm mặt mình nữa vì hôi thúi tanh tưởi quá, vì rên xiết, vì nói dai vì lẫn v.v... Sẽ có một ngày đối diện với bốn bức tường khuya nằm nghe thạch sùng tắc lưỡi trên vách, hoặc một mình nằm trên chiếc võng kẽo kẹt nghe gió thổi ngoài song cửa, nghe cây lá trở mình ngoài vườn sau, khi đó chỉ có một mình không còn gì hết, rất đáng sợ. Với một người quán chiếu thường xuyên và liên tục, tuổi già không đáng sợ như vậy đâu. Có người huệ căn ngon lành, trí tuệ sung túc, họ tu vì tiếng réo gọi của hạt giống bồ đề, nhưng có người tu vì khổ quá như bản thân chúng tôi, chọn pháp môn quán chiếu năm uẩn bởi vì chúng tôi là một người hèn quá, chúng tôi sợ khổ, biết mình chịu không nổi thị phi. 
Phải đâu ta sợ chi tình 
Chỉ lo tình phụ nên đành vô tâm.
Thêm một chút đầu tư, thêm một chút nắm níu, thêm một chút bám víu là chắc chắn sẽ có một lần bị khổ. Con chim đậu trên cành, nó không tin cậy vào cái cành, nhưng nó tin vào đôi cánh; còn mình thì đứng trên cành cây, dồn hết niềm tin cho cành cây. Bậy vô cùng! Quán chiếu 5 uẩn là tin vào đôi cánh của mình không dồn niềm tin cho những gì mình đang có, từ tình cảm đến tài sản, tiền bạc, nhan sắc, tuổi trẻ…

(Những bài giảng Kinh Tương Ưng, tập 4 – Sư Giác Nguyên)
Nguồn ảnh: Phạm Kim Khánh.
Cây sala và nơi đức Phật Niết Bàn tại Kusinārā
Ghi chú: 150




Sách đọc nhiều
Bài đọc nhiều

23.8.22

PHẬT NIẾT BÀN

CHUYỆN XẢY RA VÀO: RẰM THÁNG TƯ NĂM 544 TRƯỚC CÔNG NGUYÊN TẠI KUSHINAGAR, UTTAR PRADESH, ẤN ĐỘ.

...
Rồi Thế Tôn nói với Tôn giả Ananda:
- Này Ananda, chúng ta hãy đi qua bờ bên kia sông Hirannavati, đến ở Kusinàrà - Upavatama - rừng Sàlà của dòng họ Màllà.
- Xin vâng, bạch Thế Tôn!
Tôn giả Ananda vâng lời Thế Tôn.
Rồi Thế Tôn, cùng với đại chúng Tỷ-kheo đi đến bên kia sông Hirannavati, tại Kusinàrà Upavattana, rừng Sàlà của dòng họ Mallà, khi đi đến nơi liền nói với Tôn giả Ananda:
- Này Ananda, hãy trải chỗ nằm, đầu hướng về phía Bắc giữa hai cây sàlà song thọ: này Ananda, Ta nay mệt mỏi, muốn nằm nghỉ.
- Xin vâng, bạch Thế Tôn!
Tôn giả Ananda vâng lời Thế Tôn, trải chỗ nằm, đầu hướng về phía Bắc giữa hai cây sàlà song thọ. Và Thế Tôn nằm xuống, về phía hông bên phải, như dáng nằm con sư tử, hai chân để lên nhau chánh niệm và giác tỉnh.

2. Lúc bấy giờ, cây sàlà song thọ trổ hoa trái mùa, tràn đầy cành lá. Những đóa hoa này rơi lên, gieo khắp và tung vãi trên thân Như Lai để cúng dường Ngài. Những thiên hoa Mandàrava từ trên hư không rơi xuống, rơi lên, gieo khắp và tung vãi trên thân Như Lai để cúng dường Ngài. Bột trời chiên đàn từ trên hư không rơi xuống, rơi lên, gieo khắp và tung vãi trên thân Như Lai để cúng dường Ngài, nhạc trời trên hư không trổi dậy để cúng dường Như Lai. Thiên ca trên hư không vang lên để cúng dường Như Lai.

3. Rồi Như Lai nói với tôn giả Ananda:
-- Này Ananada, các cây sàlà song thọ tự nhiên trổ hoa trái mùa tràn đầy cành lá, những đóa hoa này rơi lên, gieo khắp và tung vãi trên thân Như Lai để cúng dường. Những thiên hoa Mandàrava từ trên hư không rơi xuống, rơi lên, gieo khắp và tung vãi trên thân Như Lai để cúng dường. Bột trời chiên đàn từ trên hư không rơi xuống, rơi lên, gieo khắp và tung vãi trên thân Như Lai để cúng dường. Nhạc trời trên hư không trổi dậy để cúng dường Như Lai. Thiên ca trên hư không vang lên để cúng dường Như Lai.
Nhưng, này Ananda, như vậy không phải kính trọng, tôn sùng, đảnh lễ, cúng dường hay lễ kính Như Lai. Này Ananda, nếu có Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ni, cư sĩ nam hay cư sĩ nữ nào thành tựu Chánh pháp và Tùy pháp, sống chơn chánh trong Chánh pháp, hành trì đúng Chánh pháp, thời người ấy kính trọng, tôn sùng, đảnh lễ, cúng dường Như Lai với sự cúng dường tối thượng. Do vậy, này Ananda, hãy thành tựu Chánh pháp và Tùy pháp, sống chơn chánh trong Chánh pháp và hành trì đúng Chánh pháp. Này Ananda, các Người phải học tập như vậy.
...

(Sala Ấn Độ có tên khoa học là Shorea Robusta, thuộc gia đình thực vật Dipterocarpaceae, là cây sinh sản ở vùng Ấn Độ, Nepal, Bangladesh, Miến Điện… Tên shala, shaal hay sal, đến từ tiếng Sanskrit (शाल, śāla, có nghĩa là “nhà”), chỉ ý cây Sala được dùng để dựng nhà.)
(Sala Ấn Độ có tên khoa học là Shorea Robusta, thuộc gia đình thực vật Dipterocarpaceae, là cây sinh sản ở vùng Ấn Độ, Nepal, Bangladesh, Miến Điện… Tên shala, shaal hay sal, đến từ tiếng Sanskrit (शाल, śāla, có nghĩa là “nhà”), chỉ ý cây Sala được dùng để dựng nhà.)



(Kinh Ðại Bát-niết-bàn - Mahàparinibbàna sutta) Phần 5
nguồn ảnh: https://inaturalist.nz/observations/30621411 



Thống kê SÁCH đọc nhiều theo thời gian