Search

Hiển thị các bài đăng có nhãn kinh tế. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn kinh tế. Hiển thị tất cả bài đăng

9.11.18

TRIỂN VỌNG KINH TẾ VIỆT NAM NĂM 2019 KHÔNG TƯƠI SÁNG


TRIỂN VỌNG KINH TẾ VIỆT NAM NĂM 2019 KHÔNG TƯƠI SÁNG
(TS. Vũ Thành Tự Anh)


Có 3 lý do khiến chuyên gia kinh tế Vũ Thành Tự Anh bi quan về triển vọng kinh tế năm 2019: nền kinh tế thế giới sẽ suy giảm, tác động khó đoán của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đến Việt Nam và tình hình kinh tế - xã hội nhiều điểm nghẽn của Việt Nam.

Chia sẻ với gần 300 doanh nhân tham dự hội thảo Vietnam Business Outlook, ông Tự Anh đã đưa ra những góc nhìn thẳng thắn về sự "bình thường mới", suy giảm của nền kinh tế toàn cầu, suy giảm về thương mại, đầu tư và vấn đề di chuyển các dòng vốn cùng những tác động của cuộc chiến tranh thương mại Trung – Mỹ đến Việt Nam và bức tranh ảm đạm của nền kinh tế vĩ mô của Việt Nam.
Vietnam Business Outlook
Vietnam Business Outlook

@ Nền kinh tế thế giới đang có dấu hiệu suy giảm


TS. Vũ Thành Tự Anh nhìn nhận, Việt Nam được đánh giá là một trong những nền kinh tế mở nhất thế giới, nếu tính tỷ trọng giữa thương mại và GDP của Việt Nam xấp xỉ 200%, so với các nền kinh tế lớn thì Việt Nam đứng top đầu về độ mở của nền kinh tế. Vì vậy, bất kỳ một cái gì dù lớn dù nhỏ xảy ra trên thế giới đều tác động ngay lập tức và to lớn đến Việt Nam.

Sau khủng hoảng kinh tế năm 2009, nền kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, tăng trưởng kinh tế thế giới thời điểm hiện tại đã giảm sút, rất khó để phục hồi tăng trưởng so với 10 – 15 năm trước đây. Cách đây 15 năm, tốc độ tăng trưởng trung bình của thế giới trên 4% tuy nhiên những năm gần đây, tăng trưởng từ 3 - 3,5% đã có thể được coi là thành công.

Cũng theo ông Tự Anh, không chỉ thế giới mà cả châu Á cũng gặp phải chuyện đó. Nếu nhìn vào từng khu vực cụ thể, nếu như cách đây khoảng độ 10 năm, các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển có mức độ tăng trưởng gần 8,5% thì bây giờ chỉ còn 6,8%.

Trung Quốc trước đây tăng trưởng 10,2% giờ còn 7,3%; năm 2016 và vài năm trở lại đây chỉ còn 6,6% hoặc 6,5%, dự đoán cuối thập niên này chỉ còn 6,3% hoặc 6,2%. Tình hình tương tự cũng diễn ra với các nước như Indonesia, Singapore, Hàn Quốc, Việt Nam.

“Bình thường mới” này không phải là bình thường mới của riêng một nước nào đó, mà bình thường mới của tất cả các quốc gia, trong đó có châu Á và Việt Nam, ông Tự Anh nhấn mạnh.

Cách đây khoảng 20 năm, nền kinh tế Việt Nam có những lúc tăng trưởng 9,6 - 9,7%, cách đây 10 năm tăng trưởng được 8,5 - 8,6%, bây giờ rấy khó thấy được tăng trưởng trên 7%. Năm 2018, Việt Nam đang chứng kiến sự tăng trưởng rất cao nhưng cũng chỉ được 6,8 - 6,9%.

Bên cạnh đó, rủi ro tiềm ẩn của các nền kinh tế cũng rất lớn, như Trung Quốc – quốc gia có nền kinh tế có quan hệ chặt chẽ với Việt Nam. Hiện Trung Quốc có tỷ lệ nợ rất cao, nếu tính từ khởi điểm chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đến bây giờ, tỷ lệ nợ của Trung Quốc tăng gấp 4 lần so với trước đó và nhiều khoản nợ trong đó thuộc ngân hàng ngầm, tức là không thông qua ngân hàng chính thức nên không được điều tiết, nó như là những quả bom nổ chậm.

Vừa qua, Trung Quốc đã phá giá đồng Nhân dân tệ, tới thời điểm này đã giảm 9% so với thời điểm cách đây 4 tháng. Nếu Trung Quốc không quản lý được tỷ giá của mình 1 cách hiệu quả, các dòng vốn từ Trung Quốc sẽ bị thất thoát ra nước ngoài.

Đây là một tình thế tiến thoái lưỡng nan của Trung Quốc, một mặt: họ muốn phá giá đồng tiền để giảm bớt hệ lụy của chiến tranh thương mại, nhưng nếu phá giá nhiều quá, dòng vốn từ Trung Quốc sẽ chạy ra ngoài và nó làm cho nền kinh tế tài chính của Trung Quốc trở nên bất ổn.

Nếu nhìn vào góc độ thương mại, một trong những yếu tố có tính quyết định tới tăng trưởng GDP toàn cầu và quốc gia là thương mại: một trong những quy tắc của thập niên 90 và 00 là tốc độ tăng trưởng thương mại cao gấp đôi tăng trưởng GDP; nhưng từ 2008 đến 2014, thì 2 tốc độ này đã xấp xỉ nhau, còn trên thực tế vài năm trở lại đây, tốc độ tăng trưởng thương mại còn thấp hơn GDP.

Đây là cái điều khiến các nhà kinh tế học hết sức khó lý giải nhưng rõ ràng nó là 1 nhân tố quan trọng nằm đằng sau việc tốc độ tăng trưởng GDP thế giới giảm đi.

Một trong những nguyên nhân khiến GDP thế giới giảm đi nữa là sự gia tăng và ngày càng trở nên hùng mạnh của các chuỗi giá trị toàn cầu, khiến rất nhiều hoạt động lẽ ra phải thông qua xuất nhập khẩu nhưng giờ quay ngược lại châu Âu, Mỹ; làm hoạt động xuất nhập khẩu giảm đi. Trong 3 năm trở lại đây, tốc độ tăng trưởng thương mại có dấu hiệu hồi phục.

Ngày 12/4 vừa qua, trong báo cáo của mình, IMF đưa ra nhận định “tăng trưởng thương mại sẽ rất mạnh trong 2018”. Chỉ sau đó hơn 5 tháng (27/9), trong báo cáo mới nhất của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đã nhìn nhận “WTO đã làm giảm triển vọng của thương mại toàn cầu”.

Theo đó, ngay cả những tổ chức tài chính – kinh tế lớn như IMF và WTO vẫn không thể dự đoán hết được những diễn biến của nền kinh tế thế giới, do đó, các doanh nghiệp phải luôn sẵn sàng có đối sách phù hợp với mọi tình huống.

Nếu nhìn vào thương mại và sản xuất công nghiệp toàn cầu, lấy năm 2005 – 2015 làm chuẩn là 100 điểm thì sản xuất công nghiệp hiện nay không còn được như trước nữa. Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã tác động đến ngành sản xuất chứ không chỉ dừng lại ở lĩnh vực thương mại, tài chính – cụ thể là tỷ giá và các dòng vốn.

Nếu nhìn vào thay đổi xuất nhập khẩu của các nền kinh tế đang phát triển trong 3 năm gần nhất, dự báo sắp tới mảng xuất nhập khẩu sẽ có sự giảm sâu.

Dự báo, trong 2018, tốc độ tăng trưởng của xuất khẩu sẽ giảm xuống còn 11,5%, so với 13,3% năm 2017, thậm chí năm 2019 chỉ còn 4,8%. Tương tự, nhập khẩu từ 12,8% năm 2018 sẽ xuống còn 5,2% vào năm 2019. Châu Á nói chung cũng không nằm ngoài xu thế, dù tốc độ suy giảm không sâu như thế giới, cụ thể sẽ từ 12% xuống còn 6% đối với xuất khẩu và từ 16% xuống còn 6% với nhập khẩu.


"Cho nên, doanh nghiệp nào hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, chắc chắn phải nhìn đến những còn số này. Việt Nam có đặc điểm riêng, không nhất thiết phải copy lại hoàn toàn các nhân tố trên nhưng vì xu thế chung là giảm, nên “nước lên thuyền lên, nước xuống thì thuyền” theo một mức độ nào đó. Có thể, những người giỏi chèo khéo chống sẽ làm cho con thuyền mình nổi và đi nhanh, nhưng đây là bức tranh chung, thời tiết của toàn cầu, mọi người cần cẩn trọng", ông Tự Anh nói.

Về chính sách tiền tệ, các ngân hàng Trung ương trên thế giới đang tăng lãi suất, như FED của Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản… FED dự kiến sẽ tăng lãi suất đến 4 lần trong năm nay (đã tăng 3 lần), điều đó có nghĩa là họ đang nhìn thấy nền kinh tế của mình đang tăng trưởng nóng phải đẩy lãi suất lên để kiềm chế lại.

Chúng liên quan gì đến các doanh nghiệp Việt Nam? Tất nhiên là có, nhất là các doanh nghiệp trong mảng xuất khẩu: khi FED và các ngân hàng trung ương khắp thế giới tăng lãi suất thì nhu cầu tiêu dùng sẽ giảm, nhu cầu hàng hoá Việt Nam cũng sẽ giảm theo , do vậy các quý vị sẽ cảm thấy mình xuất khẩu khó khăn hơn trước.

Về dòng vốn, ngay sau khi ông Donald Trump lên làm tổng thống Mỹ đã có một cú sốc nhẹ về dòng vốn nhưng sau đó đã dồi dào trở lại, gần dây, dòng vốn thuần đang chuyển sang âm; có lẽ các nhà đầu tư nhìn thấy hoặc lường trước rủi ro, họ rút lại hoạt động đầu tư của mình. Đầu tư năm nay của Việt Nam cũng đã cho thấy sự đi xuống.

Đầu tư năm 2018 trên toàn thế giới ước tính sẽ giảm khoảng 23% so với 2017, một tỷ lệ giảm vô cùng sâu, các dự án FDI mới hay M&A xuyên biên giới cũng giảm đi. Cụ thể, về quy mô, giá trị của các thương vụ M&A xuyên biên giới giảm khoảng 22%, FDI tổng cộng các dự án mới giảm khoảng 14%, dự án mở rộng giảm khoảng 23%.

Tình hình của Việt Nam cũng không mấy khác, dù chúng ta đang được xem là một điểm đến hấp dẫn của giới đầu tư toàn cầu nhưng dòng vốn bị thu ngược trở lại cũng tác động ngay đến Việt Nam.

"Có rất nhiều rủi ro ở phía trước mà nếu chúng ta cứ giữ một tinh thần lạc quan và một thái độ sắp tới mở rộng sản xuất kinh doanh thì tôi khuyên các anh chị nghĩ lại 1 lần nữa vì bên ngoài đang có bão. Còn các anh chị cảm thấy vẫn đủ sức khoẻ - tự tin thì cứ giong buồm ra khơi, nhưng nếu cảm thấy gì đó hơi nao nao – bồn chồn thì nên xét lại kế hoạch chiến lược của mình một chút", Giám đốc trường Fulbright nhấn mạnh.

@ "Việt Nam được hưởng lợi gì từ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung" là câu hỏi không đúng

@ "Việt Nam được hưởng lợi gì từ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung" là câu hỏi không đúng
@ "Việt Nam được hưởng lợi gì từ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung" là câu hỏi không đúng

Thứ nhất, cuộc chiến này dù có ông Trump hay không đều sẽ diễn ra vì nó có sự đồng thuận từ cả hai đảng là Dân Chủ và Cộng Hòa. Thứ hai, về bản chất, đây không phải là một cuộc chiến thương mại mà là cuộc chiến sắp xếp lại trật tự thế giới, giữ lại vị thế thống trị thế giới của nước Mỹ.

Năm 2014, ông Tập Cận Bình nói: Trung Quốc đã qua lúc "ẩn mình chờ thời", Trung Quốc bây giờ phải trở thành bông hoa giữa thiên hạ và Trung Quốc nên lấy lại những vinh dự và ánh hào quang đã đánh mất.

Thế nên, từ 2014, Trung Quốc đi theo một con đường hoàn toàn khác: tập quyền và quyết định có những thách thức đối với phương Tây. Thách thức ở đây thể hiện qua những lĩnh vực như liên quan tới thay đổi luật chơi toàn cầu cùng những vị trí thống trị của các tổ chức kinh tế thế giới như IMF hay Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB).

Trung Quốc hiện có quy ước SWAP – hoán đổi tiền tệ với khoảng 30 ngân hàng trung ương trên khắp thế giới, tổng số tiền 500 tỷ USD. Cách đây chưa lâu, khi Pakistan có vấn đề, IMF chưa kịp làm gì thì ngay lập tức Trung Quốc đã có 1 gói cứu trợ 900 triệu USD.

Trung Quốc cũng là người khởi xướng thành lập Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) vì muốn tạo ra một con đường trên bộ tránh được gọng kìm kiềm tỏa trên biển của Mỹ, là con đường tơ lụa hoàn toàn mới của thế kỷ 21.

Quốc gia này cũng đang cố gắng thiết lập các căn cứ quân sự ở nhiều nước khác, ngoài Djibouti (châu Phi) Trung Quốc còn đang dự định đặt thêm căn cứ tại Sri Lanka… Tương tự như thế, Trung Quốc có chương trình 2025 – muốn đẩy mạnh hoạt động công nghệ và sáng tạo của mình nhằm có thể trở thành những người lãnh đạo – dẫn đầu thế giới.

Đối diện với một nước Trung Quốc đang lên và có nhiều tham vọng như thế, ông Trump buộc phải hành động: bây giờ hoặc không bao giờ, nếu để Trung Quốc vượt qua ngưỡng thì không thể kiềm chế được nữa!

Bây giờ chúng ta hãy nhìn lại một chút về các đối thủ trong các cuộc chiến tranh thương mại do Mỹ khởi xướng: số một là Nhật Bản những năm 1990 và số hai là Trung Quốc hiện tại. Nước Mỹ thường đưa ra các biện pháp có tính ngăn chặn khi mà GDP của đối thủ xấp xỉ 60% GDP của nước Mỹ, nước Nhật đi tới ngưỡng đó vào những năm 1990 và Trung Quốc đi vào ngưỡng đó trong thời điểm gần đây.

Do đó, nếu chúng ta chỉ chú tâm vào chiến tranh thương mại, chúng ta đã bỏ lỡ một bức tranh lớn hơn rất nhiều và mới chỉ nhìn thấy bề nổi của tảng băng mà không thấy phần chìm rất lớn của nó.

Cuộc chiến này sẽ kéo dài, nó không kết thúc khi Trung Quốc – Tập Cận Bình và Mỹ - Donald Trump ngồi đàm phán và ký hiệp ước với nhau, nó là cuộc chiến của thế kỷ 21, sẽ định hình lịch sử của thế giới.

"Tôi quả thật không đủ lời để diễn tả được những tác động khủng khiếp của nó đến Việt Nam. Chúng ta phải giữ được tinh thần dũng cảm thì mới có thể vượt qua được cuộc chiến này nếu không sẽ là tai hoạ", ông Tự Anh cho biết.

Câu hỏi: Việt Nam được lợi gì từ cuộc chiến tranh thương mại này, không phải là một câu hỏi đúng. Việt Nam được lợi từ một vài ngành như giày dép và nông sản thật không đáng gì nếu so với những thứ lớn hơn rất nhiều mà chúng ta hoặc là sẽ được hoặc là sẽ mất, đây là thời điểm chúng ta phải lựa chọn!

Nếu áp thuế thêm 200 tỷ USD thì hàng nhập khẩu của Trung Quốc vào Mỹ cơ cấu sẽ như sau: khoảng 20% máy móc thiết bị cơ khí, 25% là máy móc thiết bị điện tử, khoản 17% đồ gỗ nội thất; nếu Việt Nam có lợi thì sẽ là những doanh nghiệp ở các lĩnh vực đó. Nếu xuất khẩu những hàng tương tự sang Mỹ, hàng của chúng ta sẽ rẻ hơn tương đối so với Trung Quốc.

Tuy nhiên, nếu tính toán kỹ lưỡng hơn, trong số những hàng mà Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ nằm trong giỏ tương tự Mỹ trừng phạt Trung Quốc chỉ có 13 tỷ USD, không đáng kể so với kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Lưu ý là trong danh sách này không có dệt may và da giày là 2 thứ Việt Nam xuất khẩu nhiều nhất sang Mỹ.

Chuyện Mỹ áp thuế 200 tỷ USD hàng Trung Quốc, chúng ta cần phải chờ tới tháng 12, sau cuộc bầu cử giữa kỳ nên không cần nóng vội bàn luận ở thời điểm này. Tuy nhiên, Trung Quốc cũng đã hết đạn do giá trị xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ tầm 500 tỷ USD, trong khi đó kim ngạch nhập khẩu từ Mỹ khoảng 150 tỷ USD. Thế nên, nếu Donald Trump vẫn quyết định chơi đến cùng, Trung Quốc không còn "ăn miếng trả miếng" được nữa mà phải dùng các biện pháp khác như tiền tệ, hàng rào phi thuế quan…

Nếu Trung Quốc sử dụng các biện pháp có tính thị trường với cuộc chiến tranh này, về cơ bản là ‘gậy ông đập lưng ông’, ví dụ: nếu dùng biện pháp tiếp tục phá giá đồng Nhân dân tệ thì như đã nói ở trên, điều đó có thể khiến các nhà đầu tư rút tiền ra khỏi Trung Quốc. Nếu bán trái phiếu chính phủ Mỹ mà Trung Quốc đang nắm giữ (Trung Quốc hiện là chủ nợ lớn nhất của nước Mỹ) - khi bán tháo một số lượng lớn như thế sẽ khiến giá thấp và tài sản của mình giảm ngay lập tức…

Cho dù Trung Quốc quay sang những biện pháp có tính phi thị trường như gửi đoàn thanh tra đến doanh nghiệp của Mỹ ở Trung Quốc như từng làm vậy với Nhật Bản, Hàn Quốc thì cũng chẳng có mấy tác dụng.

Về mặt công nghệ, Trung Quốc chưa đạt đến trình độ có thể đối diện trực tiếp với Mỹ. Một số nhà máy công nghệ cao Trung Quốc, sau khi Mỹ nâng thuế một số nguyên liệu đầu vào, đã đóng cửa ngay lập tức vì đơn giản không có nguồn nguyên liệu thay thế.

Sự sẵn sàng của Trung Quốc cho cuộc chiến tranh này vẫn còn rất hạn chế! Việt Nam không bị Donald Trump đưa vào tầm ngắm là nước thao túng tiền tệ để trừng phạt thương mại Việt Nam, ít nhất, chúng ta cũng có thêm 1 một ít thời gian để chuẩn bị.

@ Tương lai không quá tươi sáng của nền kinh tế Việt Nam

@ Tương lai không quá tươi sáng của nền kinh tế Việt Nam
@ Tương lai không quá tươi sáng của nền kinh tế Việt Nam

Tổng thu ngân sách của Việt Nam hiện nay không đủ để chi thường xuyên và trả nợ, tình trạng này đã xảy ra 6 năm qua, do đó, chúng ta luôn phải phát hành nợ mới để có thể duy trì được sự thâm hụt này.

Hành động "chữa cháy" này mang lại một loạt hệ quả: Làm cho tổng nợ tăng lên, lãi suất trên thị trường chịu sức ép lớn và thâm hụt ngân sách tăng lên. Tình trạng này đang gây ra một sức ép vô cùng to lớn lên nền kinh tế Việt Nam.

Nếu không có được không gian tài khoá, nền kinh tế Việt Nam trong vài năm tới sẽ tiếp tục gặp khó khăn và nếu chúng ta cứ cố gắng đẩy mạnh tăng trưởng vượt qua mức tiềm năng, sẽ tạo ra sự đứt gãy như đã từng chứng kiến trong năm 2007 – 2008. Hậu quả của sự cạn kiệt không gian tài khoá rất nghiêm trọng: tăng thâm hụt ngân sách và nợ công, sức ép tăng thuế.

Năm nay là năm Bộ Tài chính có rất nhiều ‘sáng kiến’ tăng thuế: đầu năm là tăng VAT, sau đó là thuế xăng dầu, sau đó một loạt các loại thuế… Việc thuế chồng thuế và phí chồng phí đang làm cho người dân hết sức bức xúc!

Các địa phương tự chủ ngân sách phải tăng tỷ lệ điều tiết về Trung ương, tiêu biểu như TP. HCM, tỷ lệ điều tiết hơn 10 năm trước khoảng 33%, sau đó xuống 29%, 26%, 23% và gần đây xuống còn 18%. Tức là, TP. HCM đóng thuế về Trung ương là 82%, chỉ còn giữ lại 18%. Vì Trung ương thiếu tiền nên phải lấy từ các thành phố lớn và địa phương càng thành công thì càng chịu thiệt.

Để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng, Việt Nam đang dựa nhiều vào tín dụng và khu vực FDI. Mục tiêu tăng trưởng của Việt Nam luôn phải dựa vào những ông lớn FDI như Samsung mới đạt được, không có các tập đoàn này thì tốc độ tăng trưởng của Việt Nam sẽ chững lại. Thực trạng này của nền kinh tế Việt Nam đã diễn ra trong nhiều năm nay chứ không phải bây giờ mới có.

Các nút thắt của nền kinh tế Việt Nam vẫn còn nguyên, đó là chính sách, cơ sở hạ tầng và bây giờ thêm một nút thắt cực lớn nữa là về khoa học công nghệ và tư duy công nghệ. Điều này thể hiện một cách "buồn cười" qua cuộc chiến giữa Grab và Vinasun.

Khi “con trâu” đi kiện “máy cày” - vì sao anh khiến tôi thất nghiệp là hết sức vô lý vì đấy là tiến hoá bình thường của nhân loại! Logic bình thường: “con trâu” sẽ không bao giờ đi kiện “máy cày” và “máy cày” nó cũng không thèm để ý đến “con trâu”. Nhưng, khổ nổi câu chuyện “con trâu” đi kiện “máy cày” đang diễn ra ở Việt Nam cuối cùng là “máy cày” thua!

Đây là một tư duy cực kỳ nguy hiểm, với tư duy như vậy, công nghệ không thể nào phát triển, tương tự như thế với rất nhiều đạo luật gần đây mà tôi quan sát, cũng không trợ lực cho việc phát triển công nghệ.

Về động lực cho tăng trưởng của Việt Nam trong thời gian tới, quan trọng nhất vẫn là cải cách về thể chế. Về cải cách thể chế, nếu nói chung chung thì dễ nhưng cụ thể cải cách cái gì ở thể chế thì rất khó.

Quay trở lại vấn đề đầu tiên, muốn phát triển thì phải làm sao thay đổi được tư duy của chúng ta, để những tư duy cũ không trói buộc, không khiến cho chúng ta đi vào những lối mòn làm Việt Nam rơi vào tình trạng ‘kẹt trong bẫy thu nhập trung bình” – điều mà nhiều báo đài hay nhắc đến.

Thêm một nhiệm vụ nữa, Nhà nước phải phát triển kinh tế tư nhân. Cách đây 15 năm, khu vực kinh tế tư nhân của Việt Nam chiếm khoảng 9% GDP và đến thời điểm này, khu vực này cũng vẫn chỉ chiếm gần 9% GDP; mọi chuyện chẳng có gì thay đổi cả mặc dù doanh nghiệp tăng lên rất nhiều với gần 600.000 doanh nghiệp trên khắp Việt Nam.

Rõ ràng, chúng ta phải nhìn lại những biện pháp giúp phát triển doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam, rằng đó đã hiệu quả chưa hay thậm chí trên nhiều khía cạnh khác nó còn đi thụt lùi và bị phân biệt đối xử.

Đối với các hiệp định thương mại, ký kết thì tốt nhưng hiệp định thương mại chỉ là cơ hội, còn chuyện chớp được cơ hội hay không là tùy thuộc vào chúng ta. Chúng ta ký với ASEAN xong thì thâm hụt thương mại toàn diện với ASEAN, chúng ta cứ ký với ai/khu vực nào xong thì lại thâm hụt thương mại với nước và khu vực đấy!

Nguyên do là bởi năng lực của chúng ta không được chuẩn bị một cách đầy đủ, giống kiểu “bị trói chân tay rồi thả xuống bể bắt bơi thì sao mà bơi được". Không ai phản đối hội nhập nhưng hội nhập làm sao chúng ta phải duy trì được năng lực cạnh tranh đồng thời giữ vững năng lực và chớp cơ hội, đây là bài toán khó hơn rất nhiều so với bài toán đi ký kết. Ký kết các hiệp định không khó, thực hiện nó có hiệu quả mới khó!

Cuối cùng là vấn đề đô thị, nếu như cách đây 10 năm, tổng 5 thành phố trực thuộc Trung ương đóng góp 35 - 36% GDP của cả nước thì sau 10 năm con số đó cũng không có nhiều thay đổi. Tại sao lại như thế? Tại vì tốc độ tăng trưởng các địa phương đầu tàu đó không vượt hơn tốc độ tăng trưởng chung của cả nước.

Chúng ta cần tập trung nguồn lực cho những đô thị này để tạo ra động lực kéo cả nền kinh tế phát triển, vì cạnh tranh ở thế kỷ 21, về cơ bản là cạnh tranh giữa các đô thị lớn.

Cách mạng công nghệ mới sẽ diễn ra ở đô thị, bởi vì ở đây có cơ sở hạ tầng, dòng tài chính, nhân lực chất lượng. Thế nhưng, cơ sở hạ tầng đô thị của chúng ta ở thời điểm này quá tệ: ngập nước, ô nhiễm, quá tải…. với rất nhiều vấn đề mà lại không được đầu tư giải quyết một cách thích đáng, cần có những giải pháp về chính sách.



10.5.11

Lạm phát là gì ?

Phanblogs

Trong kinh tế học, lạm phát là hiện tượng giảm mãi lực của đồng ...





Điều này cũng đồng nghĩa với “vật giá leo thang”, giá cả hàng hóa, dịch vụ tăng cao khiến với cùng một số lượng tiền, người tiêu thụ mua được ít hàng hóa hơn hoặc phải trả một giá cao hơn để hưởng cùng một dịch vụ. Một khái niệm khác về lạm phát là khối lượng tiền được lưu hành trong dân chúng tăng lên do nhà nước in và phát hành thêm tiền vì những nhu cầu cấp thiết (chiến tranh, nội chiến, thâm thủng ngân sách v.v...). Trong khi đó, số lượng hàng hoá không tăng khiến dân chúng cầm trong tay nhiều tiền quá sẽ tranh mua khiến giá cả tăng vọt có khi đưa đến siêu lạm phát. Những ví dụ cùng cực nhất của siêu lạm phát đã xảy ra tại Đức trong những năm đầu thập niên 1920 khi tỉ lệ lạm phát lên tới 3.25 x 106 mỗi tháng, có nghĩa là giá cả tăng gấp đôi mỗi 49 tiếng đồng hồ hoặc tại Hungary sau Thế chiến thứ hai với tỉ lệ lạm phát 4.19 x 1016 (giá cả tăng gấp đôi mỗi 15 giờ đồng hồ).


Để đo lường tỉ lệ lạm phát, người ta thường dùng hai chỉ số:


• Chỉ số giá cả sản xuất PPI (Producer Price Index).

Đây là chỉ số giá thành sản xuất của một số mặt hàng và dịch vụ tiêu biểu. Mang so sánh với thời kỳ trước để tính ra tỉ lệ tăng giảm như thế nào. Chỉ số PPI tuy có thể là dấu báo hiệu hiện tượng lạm phát nhưng chưa hẳn lạm phát sẽ bắt buộc phải xảy ra.


• Chỉ số giá cả tiêu thụ CPI (Consumer Price Index).

Chỉ số giá cả của một số nhu yếu phẩm và dịch vụ tiêu biểu. Chỉ số CPI cho biết tỉ lệ lạm phát thật sự đang xảy ra khi so sánh với thời kỳ trước đó. Ảnh hưởng của lạm phát đối với nền kinh tế Lạm phát khó có thể là một điều tốt lành cho nền kinh tế trừ trường hợp ở mức độ nhẹ và trong tầm kiểm soát của chính phủ. Ví dụ, hàng năm chính phủ có thể phát hành thêm một lượng tiền mới để tiêu xài cho những chương trình công cộng hoặc giải quyết thiếu hụt ngân sách khiến đồng tiền được xoay vòng tạo ra thêm của cải, trực tiếp đẩy cao tổng sản lượng quốc dân GDP (Gross Domestic Product) lên thêm một mức. Dĩ nhiên nếu quá đà sẽ có nguy cơ gây ra lạm phát nặng hoặc siêu lạm phát và làm các hoạt động kinh tế sẽ bị tê liệt. Nhiều người quan niệm việc chính phủ in thêm tiền trong giới hạn cho phép của nền kinh tế là một hình thức thu “thuế lạm phát”. Chính phủ sử dụng khoản phụ trội này để quân bình ngân sách với hi vọng sang năm kinh tế tiếp tục phát triển sẽ được nộp ngân sách nhiều hơn. Một chút lạm phát cũng khiến doanh nghiệp kiếm thêm lợi nhuận vì thông thường từ khâu nhập nguyên liệu (giá trước lạm phát) đến lúc hoàn thành sản phẩm bán được cao giá hơn cũng tốt thêm cho doanh vụ.

Ngoài những trường hợp kể trên, bao giờ lạm phát cũng có ảnh hưởng xấu đối với kinh tế. Tỉ lệ lạm phát bao nhiêu là vừa phải cũng tùy thuộc vào tình hình phát triển kinh tế của từng nơi, đặc điểm của nền kinh tế của từng quốc gia khác nhau. Theo lẽ thông thường thì tỉ lệ lạm phát nếu giữ được ở mức thấp hơn tỉ lệ phát triển kinh tế thì là điều tốt. Do đó, các quốc gia đang ở giai đoạn kinh tế cất cánh (tỉ lệ phát triển xấp xỉ 10%) có thể chấp nhận một tỉ lệ lạm phát cao hơn các quốc gia đã phát triển (tỉ lệ phát triển dưới 5%).

Nguyên nhân đưa đến lạm phát

Có nhiều trường phái kinh tế khác nhau đưa ra các lý thuyết về nguyên nhân đưa đến lạm phát, trong số đó trường phái Neo-Keynesian có vẻ được chấp nhận hơn cả với “mô hình tam giác” nói lên ba dạng lạm phát chính và những nguyên nhân của nó:

• Lạm phát do nhu cầu tăng (Demand-pull inflation).

Lạm phát do nhu cầu sản xuất và dịch vụ (gọi chung là Tổng Thu Nhập Quốc Dân GDP) tăng trong khi tỉ lệ thất nghiệp còn thấp. Còn gọi là Phillips Curve - đường cong Phillips. Nói cách khác là khi nhu cầu kinh tế tăng mà thị trường lao động bị hạn chế sẽ gây lạm phát.

• Lạm phát do đột biến giá cả (Cost-push inflation).

Giá cả một số nguyên vật liệu trọng yếu, ví dụ giá dầu hoả, tăng cao bất thường có thể đưa đến lạm phát vì hiện tượng dây chuyền, các mặt hàng khác sẽ tăng theo.




• Lạm phát sẵn có tự nhiên (Built-in inflation).

Lạm phát sẵn có, liên quan đến hiện tượng “vòng xoắn giá/lương” (price/wage spiral) nghĩa là hiện tượng công nhân luôn luôn muốn được trả lương cao hơn (dĩ nhiên rồi), chủ bắt buộc phải trả thêm vì không tìm đâu ra công nhân nữa, kinh tế phát triển nên ai cũng có công ăn việc làm cả rồi. Người chủ muốn chuyển chi phí phụ trội này qua người tiêu thụ nên tăng giá sản phẩm lên. Công nhân, đồng thời là người tiêu thụ, thấy giá lên lại đòi lương cao hơn nữa. Cái vòng luẩn quẩn này cuối cùng gây ra lạm phát. Cả ba dạng này có thể cộng hưởng và tạo ra mức lạm phát hiện hành của nền kinh tế của một quốc gia.

Tác hại của lạm phát đối với kinh tế

Đối với các quốc gia đang phát triển, tác hại dễ thấy nhất là lạm phát phủ định (negate) tăng trưởng kinh tế nếu bằng hay cao hơn tăng trưởng kinh tế. Ví dụ theo World Factbook, nếu một nền kinh tế tăng trưởng kinh tế ở mức 8.4% nhưng tỉ lệ lạm phát lên tới 8.3%. Như vậy, trung bình người dân có thu nhập cao hơn 8.4% nhưng đời sống sinh hoạt mắc hơn 8.3% cùng thời kỳ thì coi như cũng không tích lũy được gì. Tiêu chuẩn đời sống không được cải thiện bao nhiêu. Nếu không có biện pháp ngăn chận, lạm phát sẽ làm tê liệt dần bộ máy kinh tế vì doanh nhân sẽ không thiết tha hoạt động sản xuất nữa vì không có lợi nhuận. Tâm lý chung sẽ chỉ mua bán “chụp giựt” và chuyển tài sản thành kim loại quý hay ngoại tệ mạnh để tránh lạm phát. Điều này rõ ràng không có lợi cho sự xoay vòng của đồng tiền để phát triển nền kinh tế.

Đối với các quốc gia công nghiệp (industrialized countries) mà xã hội đã chuyển qua dạng xã hội tiêu thụ rồi thì lạm phát tác hại theo một qui trình 3 bước:

- Lạm phát (inflation)

- Giảm phát (deflation)

– Suy thoái kinh tế (economic recession).

Lạm phát không kiểm soát nổi sẽ đưa đến tình trạng giá thành các mặt hàng tăng cao. Giá hàng hóa lên cao sẽ làm giảm nhu cầu tiêu thụ. Hàng hoá trở nên dư thừa và ế ẩm. Để sống còn, công ty sản xuất phải chịu lỗ, hạ giá bán và thu nhỏ hoạt động lại. Một số hãng xưởng sẽ phải đóng cửa và công nhân bị sa thải ra làm nhu cầu chung về tiêu thụ lại càng giảm nữa. Đến đây bắt đầu giai đoạn giảm phát. Hàng hoá sẽ xuống giá cho đến khi nào tìm được một sự quân bình mới giữa cung cầu. Lúc đó kinh tế đi vào giai đoạn suy thoái và tiêu chuẩn sống (standards of livings) của người dân bị giảm sút. Sự tác hại của lạm phát đối với kinh tế sau một thời gian âm ỉ có tính cách bùng nổ như một cơn bệnh cấp tính. Điển hình nhất là cơn đại khủng hoảng kinh tế 1929 tại Mỹ. Chỉ trong một một ngày, giá trị thị trường chứng khoán Mỹ bị mất đi gần một nửa và kinh tế Mỹ bước vào một giai đoạn suy thoái thảm não kéo dài gần hai thập niên sau đó.
Cách chống đỡ lạm phát theo kiểu Mỹ
• Giao quyền hạn cho Cục Dự trữ Liên Bang (Federal Reserves) còn gọi là Ngân Hàng Alan Greenspan - Cái tên gắn liên với FED

• Trung Ương (Central Bank) nhiệm vụ theo dõi tình hình phát triển kinh tế và lạm phát để kịp thời đề ra những biện pháp thích nghi. Vũ khí chính của Cục Dự trữ Liên Bang (FED) là lãi suất cho vay. Khi nào muốn kích thích kinh tế thì giảm lãi xuất xuống. Ngược lại khi thấy có dấu hiệu lạm phát thì tăng lãi xuất, kềm hãm sản xuất lại, không để lạm phát có cơ hội phát triển. Một biện pháp khác của FED là tăng hay giảm lưu lượng (liquidity) đồng dollar đang lưu hành trong dân chúng. Khi cần rút bớt lưu lượng tiền, FED sẽ bán đấu giá trái phiếu kho bạc (bonds) của chính phủ nhiều hơn. Khuynh hướng tự nhiên là sẽ giảm hoạt động kinh tế vì các nhà đầu tư giữ công khố phiếu để lấy lời, không sẵn tiền để hoạt động sản xuất nữa.
Ngược lại khi muốn kích thích kinh tế, FED có thể thu mua trái phiếu và tung thêm tiền vào lưu lượng sẵn có.

• Mở rộng thị trường lao động bằng cách đưa ra nước ngoài (outsource) một số kỹ nghệ không có tính cách quốc phòng.
• Thỏa hiệp giữa các nghiệp đoàn chủ nhân và thợ thuyền về lương để đôi bên cùng có lợi, phần nào ổn định mặt chi phí về lương (cộng thêm phúc lợi có thể chiếm đến ¾ giá thành sản phẩm tại Mỹ).
• Ổn định các khu vực nóng để kiểm soát các nguồn nguyên liệu tối cần thiết như dầu hỏa, than mỏ.
• Giữ gìn trật tự toàn cầu, không để những đột biến chính trị và khủng bố làm mất ổn định khu vực.
Lạm phát ở Việt Nam có những nét “đặc thù”, và do đó cần những chính sách ứng phó phù hợp

Báo cáo nghiên cứu mới nhất của các chuyên gia thuộc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội đã đưa ra những kiến giải đáng chú ý về tình hình lạm phát tại Việt Nam.

Trong báo cáo nhan đề “Nguồn gốc lạm phát ở Việt Nam giai đoạn 2000-2010: Phát hiện mới từ những bằng chứng mới”, các tiến sĩ kinh tế Nguyễn Thị Thu Hằng và Nguyễn Đức Thành thuộc VEPR cho biết lạm phát ở Việt Nam có những nét “đặc thù”, và do đó cần những chính sách ứng phó phù hợp.

“Chính phủ phải kiên nhẫn”

Theo báo cáo này, thứ nhất, người Việt Nam có khuynh hướng lưu giữ ấn tượng về lạm phát trong quá khứ, đồng thời có kỳ vọng nhạy cảm về lạm phát trong tương lai. Đây là hai yếu tố đồng thời chi phối mức lạm phát hiện tại.

Điều này hàm ý rằng uy tín hay độ tin cậy của Chính phủ trong các chính sách liên quan đến lạm phát sẽ có vai trò to lớn trong việc tác động tới mức lạm phát hiện thời.

Ký ức hay ấn tượng về một giai đoạn lạm phát cao trong quá khứ thường chỉ bắt đầu mờ nhạt dần sau khoảng 6 tháng có lạm phát thấp liên tục và ổn định. Do đó, theo các tác giả, Chính phủ trước hết phải giữ được mức lạm phát thấp ít nhất trong vòng sáu tháng, qua đó dần lấy lại niềm tin của công chúng về một môi trường giá cả ổn định hơn.

“Chính phủ phải kiên nhẫn trong quá trình chống lạm phát. Sáu tháng có thể được xem như giới hạn thấp nhất cho nỗ lực duy trì môi trường lạm phát thấp của Chính phủ nhằm lấy lại niềm tin của công chúng, để công chúng cho rằng Chính phủ đang cam kết chống lạm phát một cách nghiêm túc, và do đó là cam kết xây dựng một môi trường vĩ mô ổn định”, báo cáo viết.

Thứ hai, khác với những giải thích thường xuyên của Chính phủ là lạm phát chủ yếu do các yếu tố bên ngoài như giá cả thế giới (nhập khẩu lạm phát), báo cáo cho rằng lạm phát ở Việt Nam có nguyên nhân chủ yếu từ nội địa. Thừa nhận rằng giá thế giới thực sự có ảnh hưởng lên giá sản xuất nhưng theo các tác giả thì hiệu ứng gây lạm phát theo kênh lan truyền từ giá sản xuất đến giá tiêu dùng phải mất vài tháng mới phát huy tác dụng.

Thứ ba, tốc độ điều chỉnh của thị trường tiền tệ và thị trường ngoại hối khi có biến động là rất thấp và thậm chí gần bằng không. Điều này cho thấy một khi các thị trường này lệch khỏi xu hướng dài hạn, nền kinh tế sẽ mất rất nhiều thời gian để cân bằng trở lại dù Chính phủ có nỗ lực can thiệp về chính sách.

“Điều này có ý nghĩa quan trọng về chính sách kiểm soát lạm phát: các giải pháp nhằm ngăn ngừa với mục tiêu lạm phát rõ ràng sẽ có kết quả tốt hơn nhiều so với việc cố gắng xử lý lạm phát khi nó đã tăng lên. Đồng thời, phản ứng chính sách không phù hợp sẽ rất khó điều chỉnh trở lại và lạm phát sẽ kéo dài”, báo cáo viết.

Thứ tư, kết quả nghiên cứu cho thấy Chính phủ đã thực sự có những phản ứng chống lạm phát thông qua các chính sách tiền tệ và tài khóa, nhưng thường phản ứng chậm hoặc thụ động trong đa số trường hợp. Đối với chính sách tài khóa, có thể dễ dàng hiểu được điều này vì để thay đổi một kế hoạch tài khóa thường mất nhiều thời gian tranh luận, đạt tới sự nhất trí rồi thực hiện triển khai.

“Tuy nhiên, điều đáng lưu ý là chính sách tiền tệ cũng tỏ ra được thực thi khá chậm trễ kể từ khi những tín hiệu đầu tiên của lạm phát xuất hiện. Điều này có thể được giải thích thông qua thực tế là ngay cả việc xác định và thừa nhận lạm phát cũng luôn là một vấn đề gây tranh cãi”.

Thêm vào đó, tại Việt Nam nhìn chung thường có khuynh hướng đổ lỗi cho lạm phát bắt nguồn từ những nguyên nhân “khách quan”, hay từ những nguồn gốc “bên ngoài”. Do đó, thường mất một thời gian để chuyển hóa nhận thức lạm phát từ công chúng thành nhận thức của nhà điều hành.

Ngay cả khi chính sách thắt chặt tiền tệ được thực hiện, thì thường mất khoảng 5 tháng nó mới phát huy tác dụng lên lạm phát. Như vậy, vào lúc đó, lạm phát đã cao được khoảng 7 đến 8 tháng. Quãng thời gian này đủ để tạo nên một ký ức về lạm phát và do đó việc kiềm chế lạm phát sẽ khó khăn hơn.

Không nên buông lỏng ổn định vĩ mô

Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng trong các công cụ của chính sách tiền tệ, tăng lãi suất thường có hiệu ứng tức thời lên lạm phát, so với độ trễ dài hơn của chính sách thắt chặt tín dụng và tiền tệ. Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng của thay đổi lãi suất lại khá nhỏ. Kết quả là, công cụ tiền tệ ở Việt Nam không hoàn toàn là một công cụ phản ứng nhanh và hiệu quả như vẫn tưởng.

Thứ năm, trái ngược với những nghiên cứu đã có, các tác giả cho rằng thay đổi tỷ giá cũng có tác động đáng kể làm tăng áp lực lạm phát.

Từ cuối năm 2008, Ngân hàng Nhà nước đã tiến hành phá giá nhiều hơn và với mức độ lớn hơn. Thêm vào đó, những biến động gần đây trên thị trường ngoại hối, đặc biệt là thị trường tự do, trong năm 2009 và 2010 do niềm tin của vào tiền đồng bị sụt giảm, do hoạt động đầu cơ và tình trạng Đô la hóa đã dẫn đến kỳ vọng về lạm phát trở lại của người dân tăng lên. Điều này có thể khiến cho tác động của tỷ giá đối với lạm phát tăng lên, như kết quả của nghiên cứu này cho thấy.

Cuối cùng, nghiên cứu không cho thấy tác động rõ ràng của thâm hụt ngân sách đối với lạm phát trong giai đoạn nghiên cứu. Điều này không có nghĩa là thâm hụt ngân sách không có ảnh hưởng đến lạm phát. Nguyên nhân của điều này là do việc tài trợ ngân sách thường có hai tác động trái chiều.

Một mặt, tài trợ ngân sách bằng việc gia tăng vay nợ của Chính phủ làm tăng lãi suất do nhu cầu vay cao hơn. Điều này cũng tương tự như chính sách tiền tệ thắt chặt và do đó góp phần giảm phần nào lạm phát. Mặt khác, tài trợ ngân sách thông qua việc tăng cung tiền (nếu có) cũng tương tự như chính sách tiền tệ mở rộng và gây áp lực lạm phát.

Từ những đặc điểm trên của lạm phát ở Việt Nam, các tác giả cho rằng Chính phủ nên có những cam kết mạnh mẽ trong việc chống lạm phát không chỉ khi lạm phát đang cao, mà còn phải có những cam kết duy trì lạm phát thấp ngay cả khi lạm phát đang khá thấp và ổn định.

“Tuy nhiên, thực tế cho thấy chiến lược này của Chính phủ thường rất khó được thực thi, vì Chính phủ thường có khuynh hướng ưu tiên tăng trưởng kinh tế nhiều hơn, và coi nhẹ việc giữ cho môi trường vĩ mô được ổn định”, báo cáo đưa ra nhận định trong phần kết luận.
Lạm phát
một trăm tỉ mua được 3 trái trứng vịt .

Ngày lãnh lương , toàn giấy nhỏ 1 trăm tỉ đô la phi châu ( năm 2011 ) bên Zimbabwe
 

14.2.10

Khi nào là thời điểm tốt nhất để thành lập công ty


hi nào là thời điểm tốt nhất để thành lập công ty, hoặc cần những yếu tố gì để có thể đảm bảo kinh doanh sẽ thành công.
Xin trả lời ngay là tui cũng không biết và không dám nói cái nào kinh doanh thì sẽ bảo đảm thành công (nếu biết chắc thì tui làm rồi :-D ) do đó tui không dám làm thầy dùi xúi dại. Có một điểm tui nghĩ là tui trả lời được phần nào, đó là khi nào thì thích hợp để mở công ty hoặc đâu là những yếu tố cần có khi quyết định mở công ty. Do đó bài này tui viết thêm tí về cái quan trọng này.

decor

Khi quyết định thành lập công ty nghĩa là ta quyết định tự làm chủ, tự kinh doanh, tự định đoạt đời mình… Đó là câu trả lời thường nhận được của đại đa số các “giám đốc” vừa thành lập công ty, nhưng sâu xa hơn mỗi người đều có mục đích riêng của mình. Sau khi vắt óc, tui chủ quan chia ra thành những nhóm sau:

  1. Nhóm thành lập công ty theo kiểu điếc không sợ súng, quá nhiều nhiệt huyết, quá nhiều mơ ước sẽ trở thành một Steve Jobs hay Bill Gates (nhưng lại thiếu kinh nghiệm).
  2. Nhóm thích có danh thiếp ghi là Giám Đốc nhưng nộp đơn vô vị trí này mãi không ai thuê nên quyết định thành lập công ty riêng để tự làm Giám Đốc.
  3. Nhóm thành lập công ty vì đã có sẵn đầu ra, có khách hàng, có dự án, họ mở công ty vì cần một tư cách pháp nhân của công ty để tiện làm việc.
  4. Nhóm thành lập công ty với hy vọng sẽ trở nên giàu có (nhóm này khác nhóm 3 là chưa biết sẽ làm gì để giàu, chỉ đơn giản nghĩ là làm giám đốc thì sẽ giàu).
  5. Nhóm đam mê kinh doanh, thích công việc kinh doanh, điều hành quản lý và có năng lực thực sự những việc đó.
  6. Nhóm nhìn ra được một cơ hội kinh doanh nào đó, có niềm tin là nó có thể kinh doanh và mang lại lợi nhuận và toàn tâm toàn ý muốn biến ý tưởng đó thành hiện thực.
Trong những nhóm trên, ta hãy cùng lướt qua nhóm nào nên thành lập công ty để ra làm riêng.
Nhóm 1: Nhiều người thường khuyên nhóm này không nên thành lập công ty, nhưng theo tui, nếu họ quá nhiều nhiệt huyết, quá nhiều đam mê thì tui nghĩ cũng nên lập công ty cho biết, 90% chúng ta sẽ gặt hái được một cái rất giá trị đó là… thất bại. Đừng nghĩ tôi châm biếm, vì thất bại xét theo một nghĩa nào đó rất có ích cho sức khỏe, nó giúp chúng ta về sau bớt điếc và bắt đầu biết sợ súng. 10% còn lại là bi kịch, đó là lỡ xui mà nhóm này thành công ngay từ những dự án đầu thì sẽ rất bi kịch, họ sẽ bắt đầu thăng hoa lên tầm mức hoang tưởng, nghĩ mình đang trên đường thành thiên tài bất khả chiến bại và từ đó sẽ dẫn họ đến những vấn đề trầm trọng hơn. Lúc này bệnh sẽ khó chữa hơn bình thường.
Nhóm 2: Nhóm này là nhóm không nên thành lập công ty nhất. Tuy nhiên, nếu quá thích cái danh thiếp và có dư chút đỉnh tiền (để thủ tục thành lập công ty, khoảng 5 triệu hoặc trên dưới đôi chút) + có một khoảng thu ổn định nào đó (để trả cho kế toán báo cáo thuế hàng tháng – đừng lo, báo cáo này thường không phức tạp vì tình hình kinh doanh đa phần là tất cả bằng không, không chi không thu). Và sau đó thật tuyệt vời!!! Bạn đã là Giám Đốc! Xin chúc mừng!
Nhóm 3 nên mở công ty, Bill Gates cũng thành lập Microsoft theo kiểu này (nhưng nhớ là Bill Gates không phải người thường). Nhóm này, khi mở công ty họ sẽ kinh doanh có lãi thời gian đầu, thậm chí có thể giàu… Nhưng trừ khi họ thật sự yêu công việc đó, giữ vững được đam mê, giữ vững được chất lượng dịch vụ/sản phẩm để có thể tiếp tục dự án hoặc công việc đang làm. Còn đa phần sau khi xong/hết dự án, công ty cũng sẽ đến giai đoạn khó khăn là không biết làm gì tiếp theo hoặc giải thể. Tóm lại là nhóm này có khả năng thu được lợi nhuận cao, nhưng để biến nó thành thành công lớn và mang tính lâu dài thì ta cần phải thêm nhiều yếu tố nữa.
Nhóm 4 – thích giàu :X Nhóm này nên mua vé số, đánh đề, cờ cá ngựa, cờ tướng, cờ vua gì đó… hoặc lấy chồng giàu (nếu là nữ và có nhan sắc) hoặc làm gì đó cũng được nhưng đừng mở công ty. Vì đa phần trường hợp cả một thời gian dài ban đầu bạn sẽ sống vô cùng khó khăn, tất cả vốn liến, nhà cửa, xe cộ… đều dồn vào công ty. Tiền lương nhân viên, chi phí hoạt động, văn phòng và hàng tỉ chi phí khác, tháng nào kết toán huề vốn hoặc dư ra được chút đỉnh là mừng hết lớn, và cái khoản dư ra chút đỉnh này thường chẳng thấm vào đâu nếu chúng ta đi làm thuê.
Nhóm 5 nghe có vẻ rất thích hợp để mở công ty riêng, nhưng cũng không nên. Vì nhóm này chỉ thích kinh doanh và kinh doanh giỏi. Nhóm này nên tiếp tục đi làm thuê vì đi làm thuê vẫn được thỏa mãn máu kinh doanh, quản lý của mình, được ở trong những môi trường chuyên nghiệp (giúp cho khả năng của mình ngày càng tốt hơn), được làm những dự án lớn, được tiếp xúc với những khách hàng tầm cỡ, được thu nhập ổn định… Nói chung là đi làm thuê thì nhóm này có tất cả những gì mà họ cần, thế hà cớ gì phải sân si? Đó là lý do tui vẫn đi làm thuê (tui giống nhóm này ở chỗ đang đi làm quản lý thuê, còn giỏi hay không thì phải đợi TGĐ của tui đánh giá).
Nhóm 6 nghe có vẻ như là nhóm thích hợp nhất để mở công ty. Nhóm này có tầm nhìn, có sự nhạy bén, có chuyên môn, có một ước mơ cháy bỏng về kinh doanh và khẳng định mình. Nhưng nhóm này vẫn chỉ mới có điều kiện cần chứ chưa có điều kiện đủ. Nhóm này nếu nhìn ra được mọi thứ nhưng không có khả năng biến những cái tầm nhìn ấy thành hiện thực (tố chất của nhóm 5) thì ngoại trừ trường hợp bỏ tiền về thuê nhóm (5) làm việc cho mình, còn không thì cũng rất khó thành công.
Đọc đến đây bạn sẽ hỏi: Này, cái nào cũng không, vậy khi nào thì mới đủ điều kiện để thành lập công ty?
Câu trả lời là khi có đủ tất cả những yếu tố trên (trừ cái số 2, cái đó không quan trọng).
Nghe có vẻ ba phải nhưng thật ra điều đó chính xác. Khi bạn thấy được một hướng kinh doanh mà bạn tin là sẽ hiệu quả (6), bạn có năng lực về quản lý, đam mê kinh doanh (5) bạn có một đầu ra căn bản ban đầu (3), bạn có ước mơ làm giàu chính đáng, tạo công ăn việc làm cho mình và những xung quanh (4), bạn có thật nhiều đam mê (với kinh doanh và với lĩnh vực mà mình kinh doanh) và bạn cũng có một chút máu liều (1). Khi tất cả những câu trả lời cho các câu hỏi trên đều là thì đó là thời điểm chúng ta sẵn sàng cho việc bắt đầu một doanh nghiệp riêng của mình.
Và hãy luôn luôn chuẩn bị tinh thần rằng đây không phải là con đường nhàn hạ, bạn sẽ cày mười mấy tiếng mỗi ngày, lảo đảo bước ra khỏi công ty bạn sẽ đi ăn vất vưởng đâu đó, trong lúc ăn bạn vẫn tiếp tục suy nghĩ về những việc còn dang dở, về nhà bạn tiếp tục làm việc và bạn đi ngủ với giấc ngủ chập chờn với những vấn đề về chi phí, khách hàng, dự án… Tất cả những điều đó để đổi lấy một thu nhập rẻ bèo hàng tháng (thường là thấp hơn nhiều so với khi ta làm tất cả những việc đó lúc đi làm thuê), tệ hơn bạn có thể chẳng có đồng thu nhập nào hoặc thậm chí phải vay mượn để bù vào chi phí.

Thế chúng ta được gì khi thành lập công ty?

Tất cả những cái “bị” bên trên cũng chính là cái chúng ta “được” và nếu chúng ta may mắn đứng về phía % những công ty vượt qua được thời gian khó khăn ban đầu, thì sẽ đến một ngày nào đó chúng ta xây dựng được một doanh nghiệp ổn định, thu nhập chúng ta dần cao lên, công việc chúng ta dần đi vào quỹ đạo. Và khi về già chúng ta tự hào kể với con cháu rằng chúng ta đã dám tách ra khỏi đám đông để bước đi con đường chông gai.
Đơn giản chỉ có thế, chúng ta sẽ mất rất nhiều để được những cái giản dị như vậy. Giàu có, danh vọng vẫn là những khái niệm không nên nằm trong kế hoạch của những cái “được”. Vì vậy một lần nữa, các bạn nhóm (2) thích danh thiếp: đừng thành lập công ty. Hoặc nếu có thì nhớ xác định rõ ràng: chi phí 5 triệu nhờ dịch vụ thành lập công ty + mỗi tháng một ít tiền để thuê kế toán + mỗi năm ít tiền để đóng vài loại thuế (nhớ đừng bán hóa đơn, cái đó phạm pháp). Các bạn nhóm (3) thích giàu: nên mua vé số hoặc lấy chồng (phải đẹp, nếu không đẹp thì cũng đừng tuyệt vọng, vẫn còn cơ hội lấy chồng nước ngoài vì đôi khi quan điểm thẩm mỹ của bọn Tây rất khác).
PS: Nếu bạn thắc mắc thế tui là kiểu gì: Tui có thời từng ở nhóm 1 (nhóm điếc không sợ súng) và thật may mắn và hạnh phúc cho tui, tui được thất bại. Thất bại đó giúp tui bây giờ biết sợ súng, lựu đạn và các loại bom mìn. Còn hiện tại thì tui vẫn đang tham tiền, nhát gan chưa dám bước chân vào chông gai, nên đến giờ tui vẫn đang chỉ đi làm thuê, kiếm tiền về cho tư bản.





Nguồn: http://blog.ngochieu.com/marketing/xay-dung-ke-hoach-kinh-doanh-p2-khi-nao/comment-page-1/