Search

22.4.22

SỐNG THẾ NÀO ĐỂ CHẾT KHÔNG CẦN CẦU SIÊU ?

Một ngày kia, một chàng trẻ tuổi khóc lóc đến gặp Đức Phật. Phật hỏi:


– Này con, có chuyện gì vậy?
– Bạch Đức Thế Tôn, cha con đã chết hôm qua.
– Còn có thể làm gì được? Nếu ông ấy đã chết, khóc lóc cũng không thể làm ông ta sống lại.
– Bạch Đức Thế Tôn, con hiểu điều đó, con đến để xin Ngài giúp cho cha con.
– Này! Ta có thể làm gì được cho cha con?
– Bạch Đức Thế Tôn, xin Ngài giúp cho. Ngài là một người đầy quyền năng, chắc chắn Ngài giúp được cha con. Xem kìa, các giáo sĩ, những thầy cúng thường làm lễ để giúp người quá cố. Và ngay khi ở dưới này các nghi lễ được cử hành, thì ở trên kia cửa trời được mở, và người chết được vào vì có giấy phép nhập cảnh. Ngài là bậc quyền năng, nếu Ngài giúp, cha con không những được giấy nhập cảnh mà còn được thường trú và được thẻ xanh! Xin Ngài làm ơn giúp cha con!

Anh chàng đáng thương này đã quá đau buồn nên có nói lý lẽ với anh ta cũng vô ích. Đức Phật phải dùng cách khác để giúp anh ta hiểu ra. Ngài nói với anh ta, “Được, con hãy ra chợ mua hai cái nồi đất.” Anh chàng trẻ tuổi rất sung sướng, nghĩ rằng Đức Phật đã bằng lòng làm lễ cho cha mình. Anh ta chạy ra chợ và mua hai cái nồi đất. Đức Phật bảo: “Được, con đổ đầy bơ vào một nồi, còn nồi kia đổ đầy sỏi.” Chàng trẻ tuổi làm y lời. “Bây giờ con đậy nắp nồi lại cho chặt và dán kín lại rồi thả chúng xuống cái ao ở đằng kia.” Chàng trẻ tuổi làm theo lời dạy, và hai cái nồi chìm xuống đáy ao. Đức Phật bảo: “Bây giờ con lấy một cái gậy lớn, đập bể hai cái nồi đó.” Chàng trẻ tuổi mừng rỡ, nghĩ rằng Đức Phật đang cử hành một nghi lễ kỳ diệu cho cha mình.

SỐNG THẾ NÀO ĐỂ CHẾT KHÔNG CẦN CẦU SIÊU ?
Ghi chú: "chiếc Mẹ" thì có thể nổi chứ "chiếc mèo" kia thì tôi không biết.




Theo cổ tục Ấn Độ, khi một người chết, người con trai sẽ đem xác đến nơi hỏa táng để thiêu. Khi xác đã cháy được một nửa, người con lấy một cây gậy đập vỡ sọ người chết. Theo sự tin tưởng cổ xưa, khi sọ bị vỡ ở dưới trần thì ở trên kia cửa trời được mở. Do đó chàng trẻ tuổi tự nghĩ: “Ngày hôm qua, xác cha ta đã được hỏa thiêu, nên bây giờ Đức Phật muốn ta đập vỡ hai cái nồi này như một cách tượng trưng.” Chàng rất sung sướng với nghi lễ đó.

Như lời Đức Phật dạy, chàng lấy gậy đập mạnh và hai cái nồi bị vỡ ra. Lập tức bơ ở trong một nồi thoát ra và nổi lều bều trên mặt nước, sỏi ở nồi kia rơi ra và chìm xuống. Đức Phật nói: “Này con, ta đã làm xong. Bây giờ con hãy gọi những thầy cúng và những người làm phép lạ, bảo họ tụng kinh và cầu nguyện: 

“Sỏi ơi hãy nổi lên, nổi lên! Bơ ơi, hãy chìm xuống, chìm xuống! Hãy để ta xem sao.”
“Bạch Đức Thế Tôn, chắc Ngài chỉ nói đùa. Điều đó làm sao có thể được? Sỏi nặng hơn nước, phải chìm, làm sao nổi lên được! Đây là luật tự nhiên. Bơ nhẹ hơn nước, phải nổi lên, làm sao chìm xuống đáy được, thưa Ngài. Đây là luật tự nhiên!”

“Này con, con biết khá nhiều về luật tự nhiên, nhưng con vẫn chưa hiểu định luật tự nhiên này: 
Nếu suốt đời cha con gieo những nhân xấu nặng như sỏi đá thì phải đi xuống, ai có thể kéo ông lên được? Và nếu những hành động của ông nhẹ như bơ, thì ông sẽ đi lên, ai có thể kéo ông xuống được?”
Chúng ta càng sớm hiểu được luật tự nhiên và sống theo luật ấy thì chúng ta càng sớm thoát khỏi đau khổ.

( Dựa trên S. XLII. viii. 6, Asibandhakaputta Sutta.)
Nguồn: Sách Nghệ Thuật Sống – The Art Of Living – Thiền Sư S.N. Goenka & William Hart.



Thống kê SÁCH đọc nhiều theo thời gian

16.4.22

ĐOẠN NÀO BUỒN TA BỎ BỚT CHO VUI

Cuộc đời là chuyến đi dài, một cuộc hành trình thăm thẳm, coi cái gì thương cái gì hận không đáng thì bỏ bớt. xin cứ xem cuộc đời như khúc hát, đoạn nào buồn ta bỏ bớt cho vui. 

ĐOẠN NÀO BUỒN TA BỎ BỚT CHO VUI
ĐOẠN NÀO BUỒN TA BỎ BỚT CHO VUI


Có 3 hạng người ở đời :


Lòng thương hận của họ như chữ viết trên đá, như chữ viết trên đất, như chữ viết trên nước. 
- Hạng thứ nhất là lòng thương hận như chữ viết trên đá. Chuyện gì mà đã xảy ra rồi thì sống để bụng chết mang theo, không có một sự thương thảo, thỏa hiệp hòa giải ở loại người này. Và các vị nên nhớ đời sống nói riêng và cuộc sinh tử nói chung hành trình thăm thẳm vạn lý, hành lý càng nhiều thì nó càng nặng vai, chúng ta chỉ mang theo hành lý nào thật sự cần thiết mà thôi. Những cái gì chúng ta thích thì mình phải dò xem có đáng để mang theo đường dài, còn những thứ mình bực mình thì mình cũng nên bỏ bớt được cái nào thì mình bỏ. 
- Thí dụ như thích sạch, ghét dơ, nhưng cái ghét đó phải ở mức độ nào, chứ còn nếu mình sạch một cách quá đáng thì nó trở thành phiền cho người tu. Các vị đem quan điểm vệ sinh quá khích cực đoan mà đem vào thiền viện ở Miến Điện các vị sẽ chịu không nỗi. Tôi gọi là quan điểm vệ sinh quá khích cực đoan. Tôi cũng chủ trương sạch bởi vì trong các nhân tạo trí tuệ trong đó có cái nhân vật dụng thân thể và trú xứ luôn sạch sẽ, nhưng nó không có nghĩa là quá khích cực đoan, ghét dơ nhưng nó cũng chừng mực, nhưng quá mức thành ra là gánh nặng. Người cũng vậy, mình không thích người giả dối, ghét người bủn xỉn, ghét nhỏ mọn hay ganh tị. Đúng ! Nhưng ghét ở đây có nghĩa là mình không có hoan hỷ với họ, không sẵn sàng sống chung với họ, chứ điều đó không có nghĩa là mình căm thù. Bởi vì thánh nhân có câu thế này  Hate the sin, love the sinner “Hãy ghét điều ác, nhưng mà hãy yêu kẻ phạm tội. ” Và theo tinh thần Phật pháp thì không có ai mà dễ ghét. Chỉ có hai hạng người đáng thương và dễ thương, người xấu là người đáng thương và người lành là người dễ thương. Nếu mình không hiểu điều này mình dễ rơi vô trường hợp người thứ nhất, lòng hiềm hận tức tối bất mãn mang theo cả đời, đừng để bất mãn nào nó là vết hằn trên đá. Dầu yêu, dầu ghét, các vị trong room không có nghĩ cách bạc lòng này của chúng tôi, nhưng tôi theo quan điểm của một góc nhìn của một thầy tu, yêu hoặc hận mà đến mức đá nát vàng phai thì chỉ thêm cực lòng, khổ tâm. Bởi vì nhiều lý do  mình mang theo nó được bao xa, mình không kịp phụ người thì người cũng phụ ta, mà nếu có tiếp tục sống đến 90 hay 98 tuổi, thì thử xem người nào bị lẫn trước, cuộc tình nào cũng phai, mà chưa kể một hơi thở không có vào rồi mình đi luôn qua đời sau kiếp khác thì liệu còn có dịp gặp nhau nữa không  liệu có còn một lần trùng sinh tái ngộ nữa không  Cơ hội làm người hiếm hoi như rùa mù ngoài biển thì nói gì cơ hội gặp lại nhau. 

Có bốn điều phải tương đồng mới gặp lại nhau  Trí tuệ tương đồng ; Giới hạnh tương đồng ; Bố thí tương đồng ; Chánh tín tương đồng. Phải có bốn cái này tương đồng thì mới có thể hy vọng bao nhiêu phần trăm gặp lại nhau. Chứ còn đa phần nếu phước nghiệp chênh lệch nhau thì mỗi kẻ đi một đường, mà nếu có may mắn gặp lại nhau thì gặp kiểu Trương Chi, Mỵ Nương gặp chỉ thêm đau lòng. “ Người đâu gặp gỡ làm chi, trăm năm biết có duyên gì hay không. ” Cho nên thương hay hận thì cũng ở mức độ nào đó, chứ còn bắt chước chữ nghĩa văn chương thơ ca, “đá nát vàng phai “, “thiên thu bất tuyệt “, “vĩnh cửu ngàn đời “. Cho nên thương còn không hằn lên đá huống chi là hận. 

- Hạng thứ hai lòng thương hận như chữ viết trên đất. Các vị biết khắc trên đá nó lâu, còn khắc trên đất chỉ sau một trận mưa, sau một loạt vết chân người, chân thú thì còn lại gì trên mặt đất ấy. Cho nên loại hai nhẹ hơn loại một. 

- Hạng thứ ba lòng thương hận như chữ viết trên nước. Có hạng người lòng của họ dễ tha thứ, lòng của họ dễ trơn tuột, không có gì có thể đọng bám lại lâu ngày. 
Các vị còn nhớ tôi nói dục ái ở đâu thì sân ở đó, sân ở đâu dục ái ở đó, người còn tham thích trong 5 dục càng mãnh liệt thì lòng bất mãn càng lớn. Khi anh còn có nhiều cái thích thì còn nhiều cái bất mãn, sợ hãi, bực dọc khó chịu. 

CUỘC ĐỜI LÀ CHUYẾN ĐI DÀI, MỘT CUỘC HÀNH TRÌNH THĂM THẲM, COI CÁI GÌ THƯƠNG, CÁI GÌ HẬN KHÔNG ĐÁNG THÌ BỎ BỚT. XIN CỨ XEM CUỘC ĐỜI NHƯ KHÚC HÁT, ĐOẠN NÀO BUỒN TA BỎ BỚT CHO VUI.


Nguồn: Lạc quan giữa dòng đời Chép lại bài giảng của Sư Giác Nguyên ngày 3-6-2018



Thống kê SÁCH đọc nhiều theo thời gian