Search

4.9.22

THIỀN DUYÊN JHĀNAPACCAYA

Lịch sử của thế giới và của cả nhân loại luôn được bắt đầu và kết thúc với những trận lửa. 


Nhờ một cuộc cháy rừng nào đó mà tổ tiên loài người mới biết đến tác dụng của lửa một cách đúng mức. 
Nghĩa là trước đó con người mình ăn như thú vậy, bắt được con gì thì cạp trực tiếp. Nhờ vụ cháy rừng, người ta phát hiện ra những con già bịnh chạy không kịp bị chết cháy. Và họ thấy hình như thịt cháy ngon hơn thịt ăn sống. Thế là họ bàn nhau tại sao mình không lấy cái nóng nóng này làm cho thịt ngon hơn. Nhưng vì cái đầu của họ quá sơ sài nên khi nào có lửa thì nướng, còn không có thì không biết cách làm sao. Họ không biết cách tạo lửa; cũng không biết cách giữ lửa. Thằng khôn nhất để ý xem cái nóng nóng sáng sáng này có ở đâu. Thế là họ cử những thằng nhanh nhẹn khỏe mạnh nhất, kiếm trong khắp khu rừng, dãy núi nào cháy âm ỉ thì khiêng mấy cục than đó về đây. Thằng được cử đi đem lửa về cho bộ lạc tên là Toại Khanh. Tên tui lấy ra từ vụ đó. Có người không biết nói Toại Khanh nghĩa là “cho vừa lòng em”. Thật ra Toại là thằng cha đem lửa về. Toại có nhiều nghĩa, nghĩa thứ nhất là vừa lòng. Nghĩa thứ hai là tunnel – đường hầm. Toại còn có âm nữa là ‘tụy’, nên ‘tụy đạo’ là ‘đường hầm’. Toại còn có nghĩa thứ ba là ‘người đem lửa về’. 
THIỀN DUYÊN JHĀNAPACCAYA



Như vậy, nền văn minh nhân loại bắt đầu từ những trận lửa và kết thúc bằng những trận lửa. Quí vị còn nhớ vụ xuân thu chiến quốc đời nhà Hạ, nhà Thương, nhà Chu? Rồi đến lục quốc rồi đến nhà Tần, nền văn minh của Tàu đến đời Tần là phát triển cực điểm. Tương truyền những góc cạnh văn minh lớn của Tàu được hình thành từ thời Tần Thủy Hoàng. Đây là thời điểm người ta bắt đầu biết đóng xe để cho ngựa kéo. Hôm nay quí vị về Trung Quốc, đến Thiểm Tây (Shaanxi), quí vị sẽ gặp những xe ngựa bằng đồng, original. Người ta đào lên cách đây 2300 năm mà bây giờ nhìn cực kỳ sắc xảo. Vào thời đó mà Tần Thủy Hoàng dám cất cung A Phòng. Cất theo kiểu liên hoàn, building này kết nối bulding kia bằng gỗ. Khi Hạng Võ vào đánh Lạc Dương, ổng đốt cái cung A Phòng. Nó cháy ba tháng mới hết. Một cái building to như vậy!
Như vậy chúng ta thấy văn minh thế giới bắt đầu từ lửa trong rừng và kết thúc bằng lửa của con người, đúng không? Chưa hết. Lịch sử PG cũng đã chứng minh, sau khi Phật tịch được 800 năm, PG Ấn Độ đang thời điểm cực thịnh. Phật có trước Jesus 600 năm, như vậy lúc Phật tịch được 800 năm có nghĩa là lúc đó Tây Lịch chỉ mới được 200 năm thôi. Trong khi cả thế giới lúc đó đang chìm sâu trong bóng đêm mông muội của sự lạc hậu và bán khai, thì lúc đó dưới ánh sáng PG, người Ấn Độ đã lập nên The 1st University in the World __ trường đại học đầu tiên trên thế giới, có một lượng mấy chục nghìn sinh viên; riêng professors là 3000, dạy ngũ minh, tức các môn từ nội điển, ngoại điển, đến thi ca, văn chương, y học, ngôn ngữ học và khoa học. Ngay thời điểm đó, Hồi Giáo xua quân vô đốt cháy 3 tháng trời, đốt hết sách vở của library. Trường đó được gọi là trường Nalanda. 
Ấn Độ bây giờ có hai Nalanda: Tàn tích Nalanda và Tân học viện Nalanada. 
Nói về Tàn tích của Nalanda, đây là Nalanda của ngài Huyền Trang đó. Lúc ngài Huyền Trang qua học là ngài Giới Hiền đang là viện trưởng của Nalanda (Silabhadra / Giới Hiền là Luận sư nổi tiếng tại chùa Na-Lan-Đà, người truyền đạo cho ngài Huyền Trang). Do Nalanda kiên cố quá nên sau khi đốt xong còn trơ lại cái móng. Bữa nay mình nhìn những tàn tích đó như những ngọn đồi. Họ làm cái tường dày để cho bền, để cách nhiệt, cách âm, và tạo sự bề thế uy nghiêm của một cơ sở tôn giáo, cơ sở văn hóa. Chỉ còn là tàn tích thôi, như những ngọn đồi vậy. Họ giết sạch tăng chúng, giết sinh viên, giết giáo sư ở đó. Ai trốn được thì trốn. Sách thì đốt sạch. Và có những học giả máu lạnh (cold blood) đã nói như sau: Lịch sử thế giới đúng là đã được bắt đầu từ những trận lửa và cũng được tàn phá bởi những trận lửa. Chính những trận lửa đã tạo dựng nên vô số thứ bởi cái cũ không đi cái mới làm sao tới. Nghĩa là trong sự tàn phá đó cũng đã có ý nghĩa tạo dựng cái mới. Không dẹp cái cũ thì làm gì có cái mới. Học giả máu lạnh mới đế ra câu: Tần Thủy Hoàng không đốt sách thì sách nhảm nhí của TQ có rất nhiều, đọc làm sao hết.  Phần thư khanh nho (đốt sách chôn nho) là trận lửa của Tần Thủy Hoàng. 
Trận lửa thứ hai là Hạng Vũ đốt cung A Phòng. 
Trận lửa thứ ba là Hồi Giáo đốt học viện PG. 
Trận lửa thứ tư là cách mạng văn hóa của TQ. Nó đốt không còn cái gì hết. Còn trong nước của ta thì sau 1945 cái gì của thực dân là đốt banh chành hết. Chỉ được học Marx thôi. Đó là ngoài Bắc. Sau đó 75 thì họ vô coi cái sách gì mà không có được sự chỉ đạo sáng suốt của Đảng thì đều thuộc về đồi trụy nhảm nhí. Lúc đó là một trận lửa khác.
Cho nên, khi chúng ta học về thiền duyên thì chuyện đầu tiên tôi nói cho bà con đó là lịch sử của thế giới và của nhân loại được khởi dựng và bị hủy diệt bởi những trận lửa. Những trận lửa có hai tác dụng. Đó là tàn phá cái cũ và cũng từ trên đống tro tàn ấy, cái mới mới có dịp ngoi lên. Và trong thực tế, ở nghĩa đen, ngọn lửa có những tác dụng sau: thắp sáng, sưởi ấm, làm chín thức ăn. Như vậy, ngay bản thân ngọn lửa đã có cả ba ý nghĩa: (1) Trợ sinh, (2) Trợ lực, (3) Trợ diệt. Tại sao hôm qua mình không học cái trợ diệt? Mọi thứ ở đời hễ có sanh là phải có diệt, cho nên không cần kể diệt làm gì, chỉ cần nói sanh là đủ rồi. 
Trong từng giây đồng hồ trôi qua, từng thứ trên hành tinh này, từ tinh thần đến vật chất, từ con người đến những thứ không thuộc con người cái cũ phải mất đi để nhường chỗ cho cái mới. Có nghĩa là cả hai ngọn lửa xây dựng và hủy diệt liên tục và cùng lúc tồn tại: Cái trẻ phải mất đi, cái già mới đến. Cái đẹp phải mất đi, cái xấu mới đến. Nỗi buồn phải mất đi thì niềm vui mới đến… Như vậy rõ ràng muôn loài đang sống trong những ngọn lửa. Phật Giáo gọi đó là Thiền Duyên (Jhānapaccaya).  Chữ Jhāna từ ngữ căn Jhā có nghĩa là thiêu đốt (burn).
Như vậy, toàn bộ lịch sử nhân loại và của cả thế giới, của vô lượng vũ trụ trong đó có chúng sanh và không thuộc chúng sanh, tất cả những cái gọi là văn hiến, văn hóa, văn minh đều được khai sinh từ ngọn lửa và bị mất đi bởi những ngọn lửa. Nghĩa là trong từng phút, luôn luôn và luôn luôn,  mọi thứ đang bị đốt cháy để nhường chỗ cho cái mới. Hồi nãy không mỏi, bây giờ mỏi. Cái không mỏi bị mất đi, tiêu hủy đi để nhường chỗ cho cái mỏi. Trong một căn phòng có người ở, thì 70% bụi là da khô - những tế bào bị đốt. Những tâm tình buồn vui tiêu và tích cực của mình liên tục thay thế nhau. Mình cứ bị nung nấu (jha) liên tục và liên tục. Cái tốt bị nung nấu để cái  xấu chen vô; cái thằng xấu phải sụm bà chè để cái thằng tốt trồi đầu ra. 
Giống như một cánh ruộng, sau khi gặt xong người ta đốt những gốc rạ. Đống tro tàn của những gốc rạ rụi xuống làm phân. Trên đống phân ấy đám lúa mới mới chui lên. Đến mùa lúa người ta gặt đi, đốt gốc, thì đám rạ ấy lại nằm xuống. Những trận cháy rừng hôm nay, vì tiếc rừng mà chúng ta giữ chứ theo nguyên tắc của thiên nhiên thì rừng phải có cháy. Phải có những sự thay đổi liên tục. Một người không có học hành, không có tư duy gì hết, nhìn về thế giới của thiên nhiên thì thấy tàn khốc tàn nhẫn lắm. Cây cỏ cháy. Thú lớn rượt thú nhỏ, thú mạnh rượt thú yếu. Đó là ngọn lửa của sinh diệt. Nó phải như vậy mới đào thải (eliminate). Quí vị biết chữ evolution (tiến hóa) không, nó phải được tiến triển, hình thành từ chuyện replacement (thay thế). Tàn khốc lắm. Rừng phải cháy, nước phải cạn. Cạn xong rồi mới có lũ. Rồi nước phải cạn kiệt, lửa phải cháy, chồi non mọc lên. Từ đó mới có rừng nguyên sinh và cổ thụ. 
Đó là cái vòng tuần hoàn sinh hóa rất tự nhiên. Nếu không có chiến tranh, không có những trận đại dịch thì đất đâu mà sống. Con người phải mâu thuẫn, phải hại nhau, phải thương nhau, phải giúp nhau cho thế giới tồn tại. Thế giới này phải luôn luôn tồn tại, băng hoại, hủy diệt bởi những trận LỬA (nghĩa đen và nghĩa bóng).
Ở người bất thiện ngọn lửa ác đã thiêu hủy hạt giống thiện. Ở người thiện thì ngọn lửa lành thiêu hủy những hạt giống bất thiện. Để có được nụ cười thì những cảm giác hay tâm trạng tiêu cực phải bị thiêu hủy. Mất đi những cảm giác và tâm trạng tích cực thì nước mắt mới chảy xuống. Như vậy đời sống của chúng ta trong từng phút đúng là những trận lửa. Giới luật là những ngọn lửa thiêu hủy thân nghiệp và khẩu nghiệp bất thiện. Thiền định là những ngọn lửa thiêu hủy năm Triền cái. Thiền tuệ là những ngọn lửa thiêu hủy tất cả phiền não. Phiền não là những ngọn lửa tiêu hủy tất cả hạnh lành. Như vậy, phàm hay thánh, hiền nhân hay ác nhân, chỉ khác nhau ở một điểm là anh đang sống với ngọn lửa nào. (How long and how much. Bao lâu và bao nhiêu). Tu thiền kiểu xà bát là đốt thuốc rồi mồi. Tu dữ dội là tạt xăng rồi đốt. Tu dữ hơn nữa là dội bom. Phiền não lớn như khu rừng ngập mặn mà mình đốt bằng cái đóm thuốc lá thì cháy chỗ nào. Lửa lành thì cháy hiu hắt còn lửa phiền não thì cháy rần rật thì chừng nào mới thành Phật. Mình lại khoái lửa tào lao hơn. 
Thiền duyên là vậy đó. Tại sao Phật là đề cập duyên này? Bởi Ngài dòm cái đám chúng sanh này, có những người thích hợp với đề tài lửa. Có những đứa nó tưởng nó cao siêu vì nó quá giàu, quá giỏi, thần thông nhiều, phước báu nhiều, uy lực quyền lực của nó nhiều, nó tưởng nó ngon. Ngài nói, không có ngon gì hết, những thứ con tưởng là ngon lành thật ra chỉ là lửa mà thôi. Lửa thì đủ duyên nó cháy, hết duyên nó tắt. Đời của con chỉ được kết nối bằng những trận hỏa hoạn mà thôi.
Hôm qua chúng ta mới học Thường Cận Y, Ngài đọc cho họ nghe, đời sống không có gì ghê gớm chỉ toàn là thói quen mà thôi. Muốn thành Phật thì tích tập những thói quen tốt. Muốn làm ma làm quỷ thì tích tập những thói quen xấu. Toàn bộ Phật hay phàm cũng chỉ là thói quen mà thôi. 
Điêu khắc gia nổi tiếng Rodin nói: “Bỏ đi cái thừa, cái còn lại chính là tác phẩm (masterpiece)”. Tạc tượng cô gái thì phải có đường cong nét lượn mềm mại, tạc tượng ông sư thì gọt đi chỉ cần đường ngang nét thẳng của cơ bắp. Muốn trở thành con người tốt thì phải bỏ hết những cái dư.  Muốn thành Phật thì coi cái gì Phật không có ( như tị hiềm, ghen tị…) thì gọt bỏ ra,  cái nào Phật có hơi bị nhiều ( như tín, tấn, niệm, định, tuệ) thì bổ sung.  Cứ chạm khắc như vậy suốt mấy chục a-tăng-kỳ cuối cùng thành ra Đức Phật của chúng ta. 
Toàn bộ Phật pháp gom lại chỉ một công thức, phân biệt được cái mình thích và điều mình cần. Có những thứ ta cần mà ta không thích (giấy vệ sinh chẳng hạn). Có nhiều cái mình không cần nhưng mình khoái vô cùng (bông tai, cà rá, hột xoàn, vòng semen, vòng cẩm thạch v.v... ).
... 
Tu hành là phải biết phân biệt cái thích và cái cần. Tôi ủng hộ mùa nào thức nấy. Ví dụ mùa đông thì mặc cashmere, len. Mùa hè thì linen, cotton, nankeen nhưng đừng thêm thắt chim cò… Ăn uống cũng vậy, có những thứ không thích mà mình phải ăn. Có những thứ phải phương tiện để lùa thứ khác vô. Chứ nguyên tắc quá cũng khó. Người tu phải trung dung, biết phân biệt cái thích và cái cần, nhưng vì là còn phàm cho nên lâu lâu ta phải bỏ vào cái cần vài giọt thích và bỏ vào cái thích vài giọt cần. Sẵn đây tôi nhắc luôn. Người VN mình nói ào ào mà chữ nghĩa không rõ ràng. Cứ tưởng nhà giàu thì ăn ngon lành, nhưng ngon và lành là hai phạm trù khác nhau. Có những món rất ngon không hề lành. Có những thứ rất lành nhưng không hề ngon
Đời sống này là những trận lửa. Chính cái thích đốt những cái không thích, dẹp cái không thích ra khỏi đời mình. Người tu Phật, người minh triết phải biết chọn lựa thứ lửa nào để sống cùng với nó. Hễ lửa bất thiện có mặt là những cái tốt lành bị tiêu hủy. Ngọn lửa thiện có mặt thì những gì bất thiện sẽ bị tiêu hủy. Từng giờ trôi qua, rõ ràng chúng ta đang sống với nguyên tắc vô thường, nhưng vô thường có hai (tích cực và tiêu cực). 
Vô thường tiêu cực (negative) có nghĩa là mòn hao để đi đến một kết quả không ra gì hết. Vô thường theo hướng tích cực (positive) là mòn hao nhưng để đi đến một tình trạng tốt hơn. Trong từng phút chúng ta đang sống với vô thường, tức với những trận lửa, nhưng vấn đề là lửa nào. Lửa sưởi ấm, soi sáng, đốt rác thì nên nhưng lửa cháy nhà thì không. Ăn uống cũng vậy, ăn uống đồ ngon nhưng hãy xem nó có lành hay không. Nếu ngon mà không lành thì không ăn. Lành mà không ngon thì nêm nếm lại. Vừa lành vừa ngon thì tuyệt vời. Vừa không lành mà không ngon thì đè cái đứa nào nấu ra bắt ăn cho hết.  Nấu dở mà nấu hoài. 
Chúng ta liên tục sống với những ngọn lửa. Mỗi ngọn lửa là một sự lựa chọn. Có ngọn lửa này thì có một số thứ bị đốt. Có ngọn lửa kia thì sẽ có một số thứ bị đốt. Vấn đề quan trọng là lửa ấy là lửa gì và cái bị đốt là cái gì. Như vậy là ta vừa học xong một thứ duyên, đó là Thiền Duyên. 
Nửa năm hương lửa đang nồng
Trượng phu thoắt đã động lòng bốn phương
Nói theo Kiều thì rõ ràng rằng hương lửa đang nồng mà Từ Hải bỏ lửa tình mà đi, nhưng lúc đó lòng Từ Hải đang bị đốt bởi ngọn lửa khác. Lửa anh hùng, lửa hào kiệt đầu đội trời chân đạp đất. 
Đời sống này là lửa, vì vậy, khi thành Phật rồi, Phật thuyết một trong ba bài pháp đầu tiên, có một thời nói về lửa. 
Thời đầu tiên là Ngài giảng Tứ Diệu Đế
Thời thứ hai Ngài giảng Vô ngã. Mọi thứ không phải là của ta, nếu là của ta thì ta có thể set up nó như thế này đừng như thế kia. Vì nó không phải là của ta mà mọi thứ do duyên mà có do duyên mà mất nên nó đi đường nó ta đi đường ta. Đó là vô ngã. 
Thời thứ ba Ngài giảng rằng toàn bộ thế giới này chỉ là lửa mà thôi. Lửa có hai nghĩa. Một là mọi thứ đang bị thiêu cháy trong từng phút. Hai là mọi loài đang sống trong lửa, nghĩa là mọi loài luôn luôn đang sống với lửa tham và lửa bất mãn trước sáu trần. 
Mọi loài lớn bé già trẻ đều luôn luôn sống với tâm trạng thích và ghét. Cái gì thích thì gom vào hoặc theo đuổi. Cái nào mình ghét thì tống khứ hoặc trốn chạy. 
Một đứa bé còn nằm trên tay mẹ đã có thích và ghét. Cái gì vui thì cười nắc nẻ, cái gì không khoái thì khóc. Rồi khi cậu 4 tuổi, 8 tuổi vẫn sống theo lối mòn ấy, trốn  cái ghét chạy theo cái thích. Tới lúc nào đó cậu biết thương người dưng, “ở đâu gió mát sau lưng,  dạ đâu thương nhớ người dưng thế này.” Có một ngày cậu không còn thương cha thương mẹ nhiều nữa mà chuyển qua thương người dưng. Lúc đó là cô cậu bắt đầu sống bằng các thứ lửa hết. 
Ngoài lửa tình yêu còn có lửa sự nghiệp. Cháy âm ỉ đến một lúc nào đó nhiệt huyết sự nghiệp hết thì cô cậu trở về sống với lửa cố tật. Hồi nhỏ là lửa bản năng, lớn lên là lửa toan tính, cuối cùng trở về lửa cố tật. Đó là những gì mình đã quy tập cả đời, bây giờ bèn móc ra xài. 
Có những cụ khi sống lâu quá, về già sanh tật nóng tánh đòi hỏi tùm lum. Có những người lẫn rồi thì trở về háo sắc. Có người lẫn thì khoái ăn. Ăn suốt, giấu để ăn, như con heo vậy. Về già là coi như quay về những cái lửa đó. Cho nên, tuổi này là tuổi mình phải chuẩn bị rất nhiều, mai này lẫn là lòi ra hết. Tôi đang lo nè. Lẫn là khai ra hết. Dĩ dãng dơ dáy dễ dàng gì giấu diếm dân gian. Hồi mình còn tỉnh mình còn ém hàng, còn giấu. Đến hồi lẫn là khai ra hết. 
Đời sống này là một chuỗi thói quen, muốn trở thành Phật thì tích lũy những thói quen lành.
...
Chép lại bài giảng của 
sư Toại Khanh



Thống kê SÁCH đọc nhiều theo thời gian

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Vui lòng viết Tiếng Việt. Có dấu.
Nhận xét luôn luôn được kiểm tra trước khi xuất bản. :). Vì vậy bạn đừng cố SPAM
Cảm ơn bạn