Search

12.9.23

ĐÊM NAY EM VỀ ĐÂU ?

ĐÊM NAY EM VỀ ĐÂU ?


ĐÊM NAY EM VỀ ĐÂU ?


Tới tuổi 80, có thể các vị cũng biết, cái niềm tin của mình về cuộc đời trông cậy vào những cái rất là buồn cười.
Trông cậy vào cái khám bịnh của bác sĩ, tin cậy vào cái kết quả xét nghiệm được in trên một tờ giấy cực kỳ văn minh, tin vào cái chuyện mà buổi trưa nay mình ăn rất là ngon miệng, đêm hôm qua mình ngủ rất là ngon giấc, điều đó nghĩa là mình đang rất là OK.
Chưa hết. Đến cái tuổi 80 rồi mà còn gọi là tìm cách nắm níu, nấn ná cuộc đời bằng cái chuyện rất là buồn cười. Có lúc mình yêu đời qua từng bữa ăn, quí vị biết không? "Bữa nay tôi ăn như vậy đó chứng tỏ tôi đâu có tệ. Đêm hôm qua coi như 10 giờ tôi đã ríu ríu mắt tôi ngủ đầy giấc, ngủ no giấc, ngủ thẳng giấc, ngủ không có giựt mình nửa đêm, không có tiểu đêm. Như vậy là tốt quá tốt. Sức khỏe như vậy là tốt quá. Biết bao nhiêu cụ trang lứa với tôi, cũng 80 như tôi mà đâu được vậy."

Một người mà còn sống với một ý thức hồn nhiên, bằng sự trông cậy thơ ngây như vậy, trong cái nỗi đời hư ảo chiêm bao thì chưa khá. Nói như vậy không có nghĩa là hành giả phải sống bi quan, sống trong sợ hãi. Không phải vậy. Mà là phải sống trong sự tỉnh táo. Hai cái khác nhau nhiều lắm.
Một người họ thường xuyên nghĩ về cái già cái chết để họ run, họ sợ, họ tiếc nuối, họ hoảng hốt. Còn một người họ nghĩ về cái chết, họ luôn luôn trong tình trạng sẵn sàng ra đi. Đó là cái tôi muốn nói. Đó là cái mà Đức Phật đề nghị mình sống như vậy.
Khi mình ý thức được mình đang sửa soạn sắp ra đi, thì mình sẽ dễ dàng tập chú vào cái chuyện cần làm, cần nói, cần suy nghĩ, cần bận tâm, cần thực hiện. Đấy, tập chú bao nhiêu đó thôi. Cái gì nó không thật sự cần thiết thì dầu mình thích cách mấy đi nữa, cũng để nó qua một bên, nha. Thì cái đó được gọi là đời sống rốt ráo của một hành giả.

Trích bài giảng KTC.6.99 Khổ
Kalama xin tri ân bạn elteetee ghi chép.




Sách đọc nhiều
Bài đọc nhiều

9.9.23

ĐI NỮA ĐI ĐỪNG QUAY LUI

ĐI NỮA ĐI, ĐỪNG QUAY LUI


ĐI NỮA ĐI ĐỪNG QUAY LUI


Tôi nhớ trong kinh có kể câu chuyện, có một cái ông phú thương rất giàu, giàu lắm. Trong nhiều đời nhiều kiếp ổng gieo duyên lành giải thoát kiếp cuối, sanh ra nhằm thời có Phật Thích Ca Mâu Ni. 
Tình cờ ổng nghe người ta nói chữ Phật. Chỉ nghe nói chữ Phật thôi mà ổng bàng hoàng, ổng sửng sốt, ổng ngỡ ngàng giống như một đứa bé mà ham chơi rồi bị đi lạc ngoài chợ; sau đó phát hiện ra mất mẹ, lang thang ngoài chợ cả ngày trời, buổi chiều thình lình nghe tiếng mẹ gọi thì nó mừng quá, nó tưởng là đời nó xong rồi. Chợ chiều, từ phiên chợ sáng mà tới chợ chiều, về trong cái bơ vơ đó, một đứa trẻ không biết đi đâu về đâu, tình cờ nghe tiếng mẹ gọi, nó bàng hoàng, nó mừng, nó chết điếng được. 
Ở đây cũng vậy, một người hữu duyên mà nghe nói tới cái chữ Phật còn hơn vậy nữa, nó lên tới óc luôn; mẹ là ở tim thôi, Phật lên tới óc. 

Ngay trong đêm đó, ông ta cứ dò hỏi người ta tìm Phật ở đâu, người ta nói cho ổng nghe. Rồi có người còn cản ổng, người ta nói: "Trời ơi, tối rồi, mai gặp". Ổng nói: "Không, phải đi trong đêm".
Do một lòng hướng Phật như vậy, khi mà ổng đi băng qua một nghĩa trang, mà đâu phải nghĩa trang, còn tệ hơn nghĩa trang nữa, là bãi tha ma, cái chỗ mà người Ấn họ liệng xác.
Ấn độ có nhiều cách an táng lắm: mai táng là chôn, hỏa táng là đốt, thủy táng là thả sông, lâm táng là liệng trong rừng, điểu táng là để cho chim nó ăn. Cái này là lâm táng, họ đem xác chất đống trong rừng. Chỉ có nhà giàu mới chôn, nhà giàu mới thiêu thôi, còn nhà nghèo thì chọn thủy táng hay là lâm táng. Và do cái văn hóa, cái não trạng, cái tâm thức của người Ấn độ thời đó, cái chuyện mà mình thương yêu nhau rồi mình ôm xác nhau, khóc cho nó đã xong rồi liệng cái đùng kế là quay lưng về, cái chuyện đó bên Ấn là bình thường. Còn bên mình không như vậy, bên mình mà hễ còn sống mình thương rồi, chết rồi cái xác đối với mình nó lớn chuyện, mình có thể nợ nần, mình cầm cố để có được miếng đất chôn, có được cái hòm cho nó OK. Hậu sự bên mình với bên Tàu lớn chuyện lắm, người Ấn thì không. Người Ấn họ chủ trương ngộ lắm, sống phải cho ra sống, thương là thương lúc sống, tốt là tốt lúc sống, kể về nhau là kể lúc sống, nhưng chết rồi là xong, là cát bụi, họ chỉ phán cát bụi, vì vậy họ mới có đủ cái gan họ đem liệng được.
Cho nên xác là xác chồng xác, có cái thì mới liệng hồi chiều, có cái liệng tuần trước, nó sình, nó chảy nước, thúi tha nói can không kịp, có cái chỉ là xương trắng thôi. Và cái ông phú thương này ổng đi trên đó mà ổng vấp, khi mà ổng đang đi ổng cũng phải vấp chứ, ban đêm mà. Thì trong lúc một lòng ổng nghĩ tới Phật, thì ngộ lắm một lòng mình tập trung cái gì đó thì tự nhiên con mắt mình nó sáng thôi. Ở đây không phải hào quang gì hết, tự nhiên cái lòng mình nó tập trung thì nó sáng thôi. Ổng bị vấp, ổng giật mình, ổng biết đó là xác người. Trong cái bóng tối - ánh sáng nó mất đi; ổng hết hồn, ổng tính quay lui. Thì lúc đó có một vị phi nhơn là Sibaka, là bà con kiếp trước của ông phú thương, ổng nói một câu rất là hay. Cái câu đó trở thành câu thần chú của tôi trong đời sống thường nhật, ổng nói thế này:
"Đi nữa đi, đi, đi nữa đi, hãy nhớ rằng mỗi bước chân của Ngài bây giờ đó, mỗi bước chân của Ngài bây giờ trị giá bằng cả một gia tài. Trong vô số kiếp Ngài đi cùng trời cuối đất - những hành trình có giá trị. Thì bây giờ mỗi bước chân trị giá bằng một gia tài."
Sở dĩ mà cái ông lâm thần ổng nói như vậy vì biết thằng cha này thằng chả là phú thương; phải nói bằng cái ngôn ngữ của phú thương, cái gì nó có lời, nói cho ông này ổng hiểu, còn người khác thì nói khác. Nếu mà gặp thằng cha nhà quê thì ổng nói mỗi bước đi của ông là bằng tám trăm tấn lúa, ví dụ như vậy, nhưng mà đàng này nói với thằng cha buôn bán thì cái vị lâm thần lại nói khác.
"Mỗi bước chân của Ngài bây giờ trị giá bằng một gia tài, đi nữa đi, đừng quay lui".
Cứ thế ổng đi, ổng đi rồi ổng vấp cái ổng hết hồn là ổng tính quay lui thì ổng lại nghe văng vẳng câu nói: "Cứ đi nữa đi, mỗi bước chân của ông bây giờ trị giá bằng một gia tài."
Tại sao cái câu nói đó nó làm tôi tâm đắc?
Các vị biết rằng chúng ta dành rất nhiều thời gian cho cái chuyện ruồi bu, rất là nhiều thời gian cho chuyện ruồi bu, do cái tình cảm, do cái văn hóa, do cái tâm thức, do khuynh hướng tâm lý mà chúng ta quan tâm tùm lum chuyện. Mà đa phần là chúng ta quan tâm cái mình thích thôi, chúng ta hay làm lơ cái mình cần lắm. Hãy để ý đi, coi tôi nói đúng không?

Trích bài giảng Sư Giác Nguyên.
Xin tri ân đạo hữu elteetee ghi chép.
Ghi chú : 138




Sách đọc nhiều
Bài đọc nhiều