Search

4.10.22

KINH NGƯỜI BẮT RẮN

Đây là những điều tôi được nghe hồi Bụt còn du hành ở Xá Vệ trong vườn Cấp Cô Độc và rừng cây Kỳ Đà. 


Dạo ấy, khất sĩ A Lê Sá, vốn xưa là người huấn luyện chim ưng, có tà kiến như sau: 
“Theo sự hiểu biết của tôi về điều Bụt dạy, hưởng thụ dục lạc không phải là chướng ngại cho sự tu tập.” Nghe đồn như thế, nhiều vị khất sĩ tìm tới A Lê Sá và hỏi: 
“A Lê Sá, sư huynh đã nói rằng theo sự hiểu biết của sư huynh về lời Bụt dạy thì hưởng thụ dục lạc không có chướng ngại gì cho sự tu tập, có phải thế không?” Khất sĩ A Lê Sá trả lời:
“Các hiền hữu, quả là như thế. Tôi nghĩ rằng Bụt không cho sự hưởng thụ dục lạc là chướng ngại cho sự tu tập.” Các vị khất sĩ bảo: 
“Này sư huynh A Lê Sá, sư huynh đừng nói như thế, đừng bài báng và vu khống đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn không hề nói như vậy; bài báng và vu khống đức Thế Tôn là không tốt. Sư huynh A Lê Sá,  dục lạc là chướng ngại cho sự tu tập. Thế Tôn đã dùng rất nhiều ví dụ để nói với chúng ta điều đó. Sư huynh nên từ bỏ tà kiến ấy đi.” Tuy đã được các vị khất sĩ chỉ bảo cho như thế nhưng khất sĩ A Lê Sá vẫn không nghe, vẫn cố thủ tà kiến của mình, vẫn một mực nói rằng điều ông ta nghĩ là sự thực, ngoài ra các ý kiến khác đều sai lầm.

Can thiệp như vậy đến ba lần mà không có hiệu quả, các vị khất sĩ mới đứng dậy bỏ đi. Họ tìm tới Bụt. Sau khi đảnh lễ dưới chân Người, các vị ngồi lại một bên và bạch lại tự sự với Bụt. Bụt cho gọi khất sĩ A Lê Sá, quở trách thầy, và dạy các vị khất sĩ:

“Những giáo pháp tôi nói, các thầy phải tìm hiểu nghĩa lý một cách thật tường tận và đúng mức rồi mới nên đem ra hành trì. Nếu chưa tìm hiểu được nghĩa lý một cách tường tận và đúng mức thì trước hết hãy nên hỏi lại chính tôi hoặc hỏi lại các bậc trí giả và các bậc phạm hạnh đã. Tại sao? Có những người thiếu trí tuệ, vì có nhận thức sai lạc về văn và về nghĩa, đã hiểu ngược những điều đề cập đến trong các thể tài kinh điển như chánh kinh, ca vịnh, ký thuyết, kệ tụng, nhân duyên, soạn lục, bản khởi, thử thuyết, sinh xứ, quảng giải, vị tằng hữu pháp và thuyết nghị. 
Những người ấy đã học với chủ ý tranh luận hơn thua mà không học vì mục đích tu tập giải thoát nên đã bị kẹt vào sự tướng mà không tiếp nhận được chân nghĩa của kinh. Họ trải qua nhiều gian nan cực khổ mà không có lợi ích gì, rốt cùng chỉ thêm mệt mỏi. 
Cũng giống như người đi bắt rắn ở miền hoang dã, thấy rắn lớn liền lấy tay chụp vào mình nó cho nên bị rắn quay đầu lại mổ vào tay, vào chân hoặc vào một bộ phận khác của cơ thể. Bắt rắn như vậy thì không có ích lợi gì mà lại mang họa vào thân. Lý do là tại người ấy không biết thủ thuật bắt rắn. Người học kinh không thông minh cũng vậy: vì không biết cách học hỏi nên đã hiểu nghĩa kinh một cách trái ngược. Những kẻ khôn ngoan sẽ biết khéo léo tiếp nhận văn kinh và nghĩa kinh, do đó không có những kiến giải đảo lộn. 
Họ không học vì mục đích khoe khoang và tranh cãi. Họ học với mục đích tìm đường giải thoát. Vì vậy họ không hề cực khổ và lao nhọc. Họ cũng giống như người đi bắt rắn mà biết sử dụng một khúc cây có nạng sắt: khi đi đến vùng hoang dã, thấy rắn lớn, họ ấn nạng ngay xuống cổ rắn và lấy tay bắt ngay đầu rắn. Rắn kia tuy có thể quẫy đuôi, quấn tay, quấn chân hoặc một bộ phận khác của cơ thể người bắt rắn, nhưng không thể nào mổ người ấy được. Bắt rắn như vậy không cực khổ mà cũng không lao nhọc, chỉ vì người ấy biết rõ thủ thuật bắt rắn. Người con trai hoặc con gái nhà lành khi học hỏi kinh điển cũng phải khéo léo tiếp nhận văn và nghĩa kinh một cách không đảo lộn thì mới nắm được chánh pháp. Họ không học hỏi với mục đích ba hoa tranh cãi mà chỉ học với mục đích tìm cầu giải thoát. Họ không cần trải qua những cực khổ và nhọc nhằn. 
...

Trích sách: Im Lặng Sấm Sét của thiền sư Nhất Hạnh.

https://langmai.org/tang-kinh-cac/kinh-van/kinh-van/kinh-nguoi-bat-ran/

KINH NGƯỜI BẮT RẮN




Thống kê SÁCH đọc nhiều theo thời gian

1.10.22

DO ÁI SINH SẦU ƯU

DO ÁI SINH SẦU ƯU, DO ÁI SINH SỢ HÃI, AI THOÁT KHỎI THAM ÁI, KHÔNG SẦU, ĐÂU SỢ HÃI?


Mẹ tôi lúc sinh thời là một tín nữ ngoan đạo. Bà thích bố thí, thường xuyên thọ Bát Quan Trai và tu tập thiền định với sự hướng dẫn của chư tăng. Vậy mà lúc sắp lìa đời chừng đó thiện pháp cả đời vẫn không giúp được gì cho bà, chỉ vì bà thiếu kinh nghiệm cận tử . Chỉ có vậy mà phải sanh làm ngạ quỷ.

Mẹ tôi mất ở làng quê ngày rằm tháng tám năm 1314 ( lịch Miến Điện). Lúc đó tôi đang đi hoằng Pháp ở Hukhaung. Sau khi trở về thì mới biết tin bà mất. Các vị thấy chưa, nói là mẫu tử tình thâm vậy mà phút cuối vẫn là đường ai nấy đi. Bà chết, một lòng đợi con về mà tôi đâu có về kịp cho bà nhìn mặt lần cuối. Lúc về tôi được nghe kể lại mẹ tôi đã mất ra sao. Trong những ngày cuối cùng, bà không ăn uống gì hết, cứ nằm thoi thóp trên giường, nhìn chằm chằm lên bức ảnh của tôi treo trên đầu giường. Lúc đó nhằm mùa gió nồm, đêm thường có mưa. Trong mưa đêm bà cứ khóc và gọi tên tôi rồi nói với mấy người chung quanh :" Mẹ không còn dịp thấy sư nữa rồi ". Ôi bao la thay tình mẹ.

Khi tôi về tới chùa thì việc an táng bà cũng đã xong từ lâu. Có thương mẹ đến mấy thì tôi cũng phải ráng mà xem như mọi sự đã qua. Nhiều năm sau đó, tôi đã nằm mơ thấy mẹ tôi về, vẻ mặt buồn lắm, vóc người hao gầy, đứng trước sân chùa nhìn tôi và chỉ nói một câu :
"Sư cho mẹ xin một lá y ". Lúc choàng tỉnh dậy, nhớ lại giấc mơ tôi nghĩ có lẽ mẹ tôi đã sanh vào giới ngã quỷ. Ngay sau đó tôi đưa chị cả của tôi một bộ y mới và bảo chị làm lễ cúng dường cho chư tăng trong ngôi chùa làng ở quê . Tôi dặn kỹ chị tôi là trước khi lên chùa nên khấn trước với mẹ để mời bà cùng đi.

Sau lễ trai tăng, chị tôi thấy mẹ về. Chị hỏi mẹ có nhận phước hồi hướng hay chưa. Bà cho biết là vì chị tôi đã không nhớ mời bà cùng đi nên bà không thể tới chùa hôm đó được. Chị tôi phải làm thêm một lễ trai tăng nữa theo hướng dẫn của bà và từ sau ngày ấy không thấy bà về nữa.

Tôi phải nói là mình may mắn khi có đủ điều kiện trả hiếu cho mẹ tôi theo đúng lời Phật dạy là lo được cho mẹ lúc sinh thời và cũng biết cách giúp mẹ khi bà đã mất.

Các vị có tin là mẹ tôi trước sau vẫn nặng lòng với mấy đứa con, nên sau khi nhận được phước hồi hướng bà quay lại gia đình tôi lần nữa, bằng cách sanh làm đứa con gái của anh cả tôi được đặt tên là Misan. Tính theo vai vế thì là cháu nội của mẹ tôi. Chúng tôi biết được chuyện này là bởi vì bé Misan có thể kể lại tường tận những chuyện riêng tư của bà nội như là chuyện của mình. Đặc biệt khi nhìn thấy nắm mộ của bà nội thì bé đã khóc rất nhiều. Năm nay Misan đã 26 tuổi và lần nào tôi về làng, Misan cũng đến cúng dường thức ăn. Cô lạ lùng lắm , rất thích ngồi gần cạnh tôi và nhìn tôi hoài không chán.

Các vị thấy chưa, tham ái được Phật gọi là Kiết Sử (samyojana), là sợi dây trói buộc rất khó tháo cởi. Chính nó đưa ta đi tái sanh và cũng chính nó làm ta khổ. Khổ vì thương và khổ vì ghét. Không có thương thì không có ghét. Mà cả hai thứ này đều từ tham ái mà ra.

-Sayadaw Uttamasāra 
DO ÁI SINH SẦU ƯU, DO ÁI SINH SỢ HÃI, AI THOÁT KHỎI THAM ÁI, KHÔNG SẦU, ĐÂU SỢ HÃI?



Nguồn: https://www.facebook.com/1255927284529972/photos/a.1397768213679211/1486338491488849?type=3&sfns=mo

Kinh Nghiệm Tuệ Quán - Quyển 1. Dịch Giả : Tỳ Kheo Giác Nguyên.


Thống kê SÁCH đọc nhiều theo thời gian