Search

16.8.09

HỎI CHUYỆN SƯ THẦY

Cô ấy đến là tôi lạy. Lạy 500 lạy mà cô ấy chưa đi thì lạy 1000 lạy

Cô ấy đến là tôi lạy. Lạy 500 lạy mà cô ấy chưa đi thì lạy 1000 lạy
Ngẫm lại, tôi chưa bao giờ có một sự kính trọng đến xa cách với những người đã quy y nhà Phật. Điều này chẳng biết đúng hay sai.
Tôi yêu qúy và kính trọng họ. Tôi không đồng ý cách lựa chọn của họ và tôi không thấy cần phải dè dặt quá đáng với họ.
Có những chùa tôi đến riết thành người quen, chỗ nào để cái gì, trồng cây gì cũng thuộc lòng. Nhiều khi đến mà chẳng lạy cái nào, chẳng thắp cây nhang nào hết.
Có chùa thấy tôi đến là lôi ghế ra ngoài trời nói chuyện và biết chuyện lâu nên mang nhiều nước uống. Trái cây thì tuỳ hôm ấy khách thập phương cúng gì. Tôi ăn trái cây nhiều, thầy thì lâu lâu mới bóc một trái, tôi toàn hỏi chuyện trái khoáy, thầy cứ trả lời theo kiểu nhà chùa, thủng thỉnh, đều đều. Nghe không rõ tưởng đang đọc kinh. Nhưng bây giờ thầy nói chuyện với tôi bằng cách khác, nhanh và cao giọng, giọng cũng tươi hơn. Tôi hỏi:
-Từ ngày vào chùa đến giờ thầy không bao giờ nghĩ đến chuyện bỏ tu hả thầy?
-Nghĩ đến là bỏ luôn đó.
-Ở đây buồn quá thầy ạ, nhất là những đêm mưa, thầy không thấy vậy sao?
-Buồn chứ.
-Thầy đã từng thích ai chưa thầy?
(Im lặng rất lâu)
-Hỏi gì khó vậy?
-Có ai thích thầy không thầy?
-Ai mà thích.
-Thầy giấu. Tôi biết có cô rất thích thầy, cô ấy ở...
-Sao biết hay vậy.
-Chuyện ra sao hả thầy?
-Cô ấy kém tôi 8 tuổi, đến đây và nảy sinh tình cảm. Tôi cũng bối rối dữ lắm nhưng tôi ráng kiềm chế. Nghĩ đến thầy tôi và những điều thầy gửi gắm lại, tôi không thể làm khác hơn.
-Vậy thì thầy làm gì?
-Cô ấy đến là tôi lạy. Lạy 500 lạy mà cô ấy chưa đi thì lạy 1000 lạy. Cô ấy chờ lâu quá thì phải về. Hôm sau lên nữa tôi lại đi lạy. Giờ cô ấy cũng có chồng rồi.
-Vậy là thầy rất bối rối, phải nhờ đến Phật để tĩnh tâm.
-Tôi cũng là con người mà.
Có lẽ đây là lần nói chuyện khá thật lòng của thầy. Làm người, ai chẳng có nhiều nhu cầu. Thầy lên chùa năm 12 tuổi, tự nhiên thấy thích ở chùa và ở luôn. Bao nhiêu năm trôi qua, số phận thầy gắn liền với chùa. Khi nhà chùa khó khăn, không ai đến cúng, thầy phải trồng rau gánh đi bán. Lúc ấy rừng còn nhiều cây thuốc và chưa cấm khai thác, thầy cũng đi đào cây thuốc mang xuống thành phố. Nhà Chùa chỉ có cơm thôi, rau có trồng 1,2 loại như rau lang, rau dền. Giờ chùa khá hơn nhiều, người đến cúng đông, nhà Chùa đãi chúng tôi bữa cơm chay gồm sakê xào, mì căn rang mặn, canh rau nấu bắp non, đậu hũ kho, khổ tai xào...nhìn rất thịnh soạn. Nhà Chùa cũng có điều kiện làm từ thiện hàng chục tấn gạo, nhưng thầy buồn. Một là buồn cho giới tu hành giờ cũng phức tạp, cũng tham lam, tranh giành quyền lực, tiền bạc như ngoài đời. Nghe bảo có thầy nổi cơn lên còn bắt chú tiểu hầu hạ tình dục cho mình khiến chú tiểu phải bỏ chùa mà chạy. Nhiều người vào chùa mà không dứt cõi trần, còn đam mê luyến ái, coi chùa như chỗ trọ. Thầy cũng buồn vì người đến cầu khấn chỉ xin tiền bạc hoặc mua may bán đắt. Khi không thành công thì quay sang oán trách Trời, Phật. Chúng tôi cùng cười cho cái thói sàm sỡ "lên chùa gọi Bụt bằng anh" của người đời. Tôi chưa xin cái gì từ những lần thắp nhang ở đây ngoài chuyện sức khoẻ cho cả nhà. Bởi tôi biết chắc chắn rằng những điều khác chùa chẳng có mà cho. Xin sức khoẻ thì được, cứ đến chùa thư giãn vài giờ về là thanh thản ngay thôi.
Bây giờ ngồi với chúng tôi trong tiếng mưa xối xả, trong tiếng kêu khắc khoải cô đơn của con thú lạ nào đó ngoài rừng là một người trạc 50, khoẻ mạnh và hiểu biết. Người đã chịu gần 40 năm trong căn phòng bé nhỏ không cửa sổ, bên ngoài là mấy ngôi mộ san sát, xung quanh chỉ có cây và đá. Người trốn chạy trần thế hay hoà mình vào thiên nhiên. Người đầu hàng số phận hay đương đầu với những thử thách mà không mấy ai trong chúng ta đủ sức vượt qua...
-Hồi đó dại thật, cô ấy đến thì mình lại đi lạy, giờ không thế nữa, ai rủ là đi, chán tu lắm rồi.
Sư thầy cười nói thế. Nhưng khi người ta đã đủ sức đùa thì cũng có nghĩa họ đã ung dung vượt qua mà chẳng cần phải dựa vào sức mạnh nào cả. Trong khi đó mình có chuyện gì bất lực lại cầu trời khấn Phật, đâu biết rằng người nhà Chùa cũng phải đấu tranh kịch liệt để vượt qua mọi cám dỗ, và có khi họ chỉ vượt qua được khi đã gần hết cuộc đời.
Nhớ bài thơ Lên Chùa của Nguyễn Lâm Cúc
Lên Chùa lòng chẳng tịnh
Chuông mõ động phàm trần
Kiếp phù vân trôi nổi
Bụi mù cuốn bước chân.
Ai trong chúng ta đã từng nhiều lần phải đối mặt với những cám dỗ nhỉ. Bao nhiêu lần ta đã vượt qua? Bao nhiêu lần không thể. Hãy thử sống lại những lúc đối mặt với cám dỗ để hiểu những người tu hành.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Vui lòng viết Tiếng Việt. Có dấu.
Nhận xét luôn luôn được kiểm tra trước khi xuất bản. :). Vì vậy bạn đừng cố SPAM
Cảm ơn bạn